ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2024/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày
17 tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO,
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE MÔ TÔ HẠNG A1 ĐỐI VỚI
ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ KHÔNG BIẾT ĐỌC, VIẾT TIẾNG VIỆT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM
ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường
bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ các Thông tư của Bộ
Giao thông vận tải: số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 quy định về
đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; số 38/2019/TT-BGTVT
ngày 08 tháng 10 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số
12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy
phép lái xe cơ giới đường bộ; số 01/2021/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2021 sửa
đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7
năm 2015 quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày
15 tháng 4 năm 2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới
đường bộ; số 04/2022/TT-BGTVT ngày 26 tháng 4 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 12/2017/TT- BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 quy định về đào
tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;
Xét đề nghị
của Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy định về hình thức đào tạo, nội dung và phương án tổ chức
sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số
không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2024.
2. Quyết định này thay thế và bãi
bỏ một số quy định sau:
a) Thay thế Quyết định số
45/2016/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban
hành quy định điều kiện, hình thức, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép
lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa quá thấp
trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
b) Bãi bỏ Điều 2 Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 18 tháng
5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các
Quy định ban hành kèm theo: Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm
2016 về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô, xe mô tô ba bánh và
các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;
Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 quy định điều kiện, hình
thức, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng
bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa quá thấp trên địa bàn Lâm Đồng và Quyết
định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2017 về quản lý hoạt động vận tải
hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của Ủy
ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Tổ chức thực
hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Giao thông vận tải; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn; các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Ngọc Hiệp
|
QUY ĐỊNH
VỀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO, NỘI DUNG VÀ
PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE MÔ TÔ HẠNG A1 ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỒNG
BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ KHÔNG BIẾT ĐỌC, VIẾT TIẾNG VIỆT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết định số 05/2024/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này
quy định về hình thức đào tạo, nội dung và phương án tổ chức sát hạch cấp giấy
phép lái xe mô tô hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc,
viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là đào tạo, sát hạch
lái xe).
Các nội dung khác về đào tạo,
sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không
biết đọc, viết tiếng Việt không được quy định tại Quyết định này thì thực hiện
theo các quy định hiện hành của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép
lái xe hạng mô tô A1.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc,
viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh.
2. Cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp
giấy phép lái xe; Cơ sở đào tạo lái xe; Trung tâm sát hạch lái xe và các tổ chức,
cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô
hạng A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt
trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Chương II
ĐÀO TẠO,
SÁT HẠCH LÁI XE
Điều 3. Hình thức, phương thức đào tạo lái xe
1. Hình thức đào tạo: Người đồng bào dân tộc thiểu
số không biết đọc, viết tiếng Việt có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mô tô hạng
A1 phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo theo nội dung, chương trình
quy định. Các khóa đào tạo lái xe mô tô hạng A1 cho người đồng bào dân tộc thiểu
số không biết đọc, viết tiếng Việt được tổ chức tại cơ sở đào tạo được Sở Giao
thông vận tải cho phép.
2. Phương thức đào tạo: bằng hình ảnh trực quan,
tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, mô hình, sa hình và kỹ năng xử lý
tình huống giao thông đường bộ; hỏi, đáp là chính và thực hành làm mẫu để thực
hiện nội dung chương trình đào tạo lái xe.
Điều 4. Nội dung và phương án tổ chức sát hạch lái xe
1. Nội dung và
cấu trúc đề sát hạch lý thuyết
Căn cứ nội
dung bộ câu hỏi dùng cho sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô A1 do Cục
Đường bộ Việt Nam ban hành còn hiệu lực, mỗi đề sát hạch lý thuyết gồm 25 câu hỏi, (mỗi câu hỏi trong đề
sát hạch có từ 02 đến 04 ý trả lời và chỉ có 01 ý trả lời đúng; mỗi câu tính 01
điểm) được phân bổ cấu trúc như sau: 01 câu khái niệm về giao thông đường bộ;
01 câu điểm "liệt"; 06 câu về quy tắc giao thông đường bộ; 01 câu quy
định về tốc độ, khoảng cách; 01 câu về văn hóa giao thông và đạo đức người lái
xe; 01 câu về kỹ thuật lái xe hoặc cấu tạo và sửa chữa; 07 câu về hệ thống báo
hiệu đường bộ; 07 câu về giải các thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao
thông đường bộ.
2. Phương án tổ chức sát hạch:
a) Sát hạch lý thuyết:
- Tổ chức sát hạch riêng, thực hiện sát hạch bằng
phương pháp trắc nghiệm trên giấy; 02 sát hạch viên thực hiện nhiệm vụ, sát hạch
lần lượt cho từng thí sinh. Mỗi thí sinh chọn ngẫu nhiên 01 đề sát hạch trong bộ
đề gồm 25 câu hỏi; 01 sát hạch viên đọc và chỉ vào từng câu hỏi, thí sinh quan
sát trực tiếp trên đề sát hạch và chọn ý trả lời cho câu hỏi, trả lời đúng được
01 điểm, trả lời sai 00 điểm; 01 sát hạch viên hướng dẫn thí sinh đánh dấu nhân
(x) vào ô đáp án tương ứng ý trả lời câu hỏi mà thí sinh chọn trên đề sát hạch
lý thuyết. Sát hạch viên chấm điểm, ký tên xác nhận vào bài sát hạch lý thuyết,
biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe và thông báo kết quả sát hạch cho thí
sinh.
- Thời gian thực hiện 19 phút.
- Đánh giá “Đạt” khi thí sinh trả lời đúng câu
điểm “liệt” đồng thời có tổng điểm trả lời đạt từ 21 điểm trở lên. Đánh giá
“Không đạt” khi thí sinh trả lời sai câu điểm “liệt” hoặc tổng điểm dưới 21 điểm.
b) Sát hạch thực hành:
Việc tổ chức sát hạch thực hành lái xe trong
hình được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép
lái xe cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 12/2017/TT- BGTVT) và
các văn bản hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam.
Điều 5. Mức phí đào tạo và sát hạch
1. Phí đào tạo
Thực hiện theo Thông tư liên tịch số
72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/5/2011 của Liên Bộ Trưởng Bộ Tài Chính - Bộ Giao
thông vận tải hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
2. Phí sát hạch lái xe, lệ phí cấp bằng
Thực hiện theo Thông tư số 37/2023/TT-BTC ngày
07/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý
và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các
phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Chương III
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với Ủy
ban nhân dân các huyện và thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện),
các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện, quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm
tra và tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả thực
hiện Quy định này.
2. Biên soạn bộ đề và đáp án sát hạch
lý thuyết theo hình thức trắc nghiệm trên giấy.
3. Tổ chức các kỳ sát hạch, cấp giấy lái xe theo
Quy định này và triển khai hướng dẫn việc thực hiện Quy định này.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan tuyên truyền, triển khai thực hiện Quy định này để tổ chức, cá nhân
biết, thực hiện; Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, giám sát công tác
đào tạo, sát hạch lái xe.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận
người học và người dự sát hạch lái xe là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc,
viết tiếng Việt.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về đào tạo, sát hạch lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 nhằm
nâng cao nhận thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng lái xe an toàn cho đồng
bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt. Phối hợp với các cơ quan
chức năng quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh trật tự,
an toàn trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe.
2. Phối hợp với cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm
sát hạch lái xe thông báo lịch học, sát hạch lái xe để người dân biết, đăng ký
đào tạo, sát hạch lái xe.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái
xe
1. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo lái xe:
a) Biên soạn giáo trình đào tạo lái xe mô tô hạng
A1 đối với người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt. Việc
biên soạn tài liệu phải đảm bảo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 Thông tư số
04/2022/TT-BGTVT ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT- BGTVT và phù hợp với
trình độ của người đồng bào dân tộc thiểu số, phương thức đào tạo được quy định
tại khoản 2 Điều 3 Quy định này.
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện,
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền, tuyển sinh đúng đối tượng là người
đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt và đào tạo theo đúng
quy định.
c) Báo cáo đăng ký sát hạch cấp giấy phép lái
xe, danh sách các học viên gửi Sở Giao thông vận tải để sát hạch lái xe khi kết
thúc khóa học.
2. Trách nhiệm của trung tâm sát hạch lái xe:
a) Thực hiện chế độ báo cáo, công khai lịch sát
hạch trên Trang thông tin điện tử của trung tâm sát hạch lái xe, lưu trữ hồ sơ
kết quả sát hạch theo quy định.
b) Phối hợp và tạo mọi điều kiện để các cơ sở
đào tạo lái xe đưa học viên đến ôn luyện và Tổ sát hạch tổ chức sát hạch thuận
tiện, đúng kế hoạch.
Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
Ban An toàn
giao thông tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh;
Báo Lâm Đồng; Cổng thông tin điện tử tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng
rãi Quy định này để người dân biết và thực hiện.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, địa phương,
đơn vị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
2.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Quy định này được sửa đổi,
bổ sung, thay thế, bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng quy định
tại văn bản quy phạm pháp luật mới./.