Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật giao thông đường bộ 2008 23/2008/QH12 áp dụng 2024

Số hiệu: 23/2008/QH12 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 13/11/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Luật số: 23/2008/QH12

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008

LUẬT

GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật giao thông đường bộ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

2. Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.

3. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

4. Đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.

5. Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

6. Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại.

7. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.

8. Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.

9. Đường phố là đường đô thị, gồm lòng đường và hè phố.

10. Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ. Dải phân cách gồm loại cố định và loại di động.

11. Nơi đường giao nhau cùng mức (sau đây gọi là nơi đường giao nhau) là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó.

12. Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

13. Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yếu trong khu vực.

14. Đường nhánh là đường nối vào đường chính.

15. Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông đường bộ được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

16. Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính.

17. Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

18. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

19. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

20. Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

21. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.

22. Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

23. Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

24. Người lái xe là người điều khiển xe cơ giới.

25. Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.

26. Hành khách là người được chở trên phương tiện vận tải hành khách đường bộ, có trả tiền.

27. Hành lý là vật phẩm mà hành khách mang theo trên cùng phương tiện hoặc gửi theo phương tiện khác.

28. Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản khác được vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ.

29. Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

30. Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ.

31. Người vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện hoạt động vận tải đường bộ.

32. Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ

1. Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

2. Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.

3. Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

4. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

6. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Điều 5. Chính sách phát triển giao thông đường bộ

1. Nhà nước tập trung các nguồn lực phát triển giao thông đường bộ, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; có chính sách huy động các nguồn lực để quản lý, bảo trì đường bộ.

2. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 6. Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ

1. Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ là quy hoạch lĩnh vực chuyên ngành, gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch phương tiện giao thông và vận tải đường bộ.

2. Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, đồng bộ với quy hoạch ngành, lĩnh vực; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch các chuyên ngành giao thông vận tải khác.

3. Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ được lập cho ít nhất 10 năm và định hướng phát triển cho ít nhất 10 năm tiếp theo; được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Việc điều chỉnh quy hoạch phải bảo đảm tính kế thừa của các quy hoạch đã được phê duyệt.

Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ sau khi được phê duyệt phải được công bố để cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện và tham gia giám sát.

4. Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ phải xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tính chất và quy mô phát triển; nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn, nguồn vốn, nguồn nhân lực; xác định danh mục các dự án, dự án ưu tiên; đánh giá tác động của quy hoạch; xác định cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch.

5. Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước, liên vùng, vùng; quy hoạch quốc lộ, đường cao tốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.

6. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy hoạch giao thông vận tải đường bộ do địa phương quản lý, trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phải có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.

Đối với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ của thành phố trực thuộc trung ương loại đô thị đặc biệt thì Uỷ ban nhân dân thành phố lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và phải có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Quy hoạch các công trình kỹ thuật hạ tầng khác phải phù hợp, đồng bộ với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

8. Nhà nước bảo đảm vốn ngân sách nhà nước và có chính sách huy động các nguồn vốn khác cho công tác lập quy hoạch giao thông vận tải đường bộ.

Điều 7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ

1. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ tại địa phương, có hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ.

5. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc thẩm quyền quản lý.

Thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

3. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

4. Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

5. Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.

6. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

7. Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

9. Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.

Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

10. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

11. Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.

12. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

13. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

14. Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.

15. Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.

16. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

17. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

18. Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

19. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.

20. Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

21. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

22. Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

23. Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Chương II

QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 9. Quy tắc chung

1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

2. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.

Điều 10. Hệ thống báo hiệu đường bộ

1. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

2. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:

a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;

b) Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;

c) Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:

a) Tín hiệu xanh là được đi;

b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;

c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

4. Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, quy định như sau:

a) Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

b) Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

c) Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

d) Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;

đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

5. Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.

6. Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ được đặt ở mép các đoạn đường nguy hiểm để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.

7. Rào chắn được đặt ở nơi đường bị thắt hẹp, đầu cầu, đầu cống, đầu đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại.

8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ.

Điều 11. Chấp hành báo hiệu đường bộ

1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.

4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Điều 12. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường do địa phương quản lý.

Điều 13. Sử dụng làn đường

1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

Điều 14. Vượt xe

1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Điều 15. Chuyển hướng xe

1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Điều 16. Lùi xe

1. Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

2. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.

Điều 17. Tránh xe đi ngược chiều

1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.

2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:

a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;

b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;

c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.

3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Điều 20. Xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

1. Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.

2. Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

Điều 21. Trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng

1. Chỉ được chở người trên xe ô tô chở hàng trong các trường hợp sau đây:

a) Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu;

b) Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn;

c) Giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

2. Xe ô tô chở người trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải có thùng cố định, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Điều 23. Qua phà, qua cầu phao

1. Khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng trật tự, đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.

2. Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu và người khuyết tật.

3. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải xuống phà trước, xe thô sơ, người đi bộ xuống phà sau; khi lên bến, người đi bộ lên trước, các phương tiện giao thông lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

4. Thứ tự ưu tiên qua phà, qua cầu phao quy định như sau:

a) Các xe được quyền ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này;

b) Xe chở thư báo;

c) Xe chở thực phẩm tươi sống;

d) Xe chở khách công cộng.

Trong trường hợp các xe cùng loại ưu tiên đến bến phà, cầu phao thì xe nào đến trước được qua trước.

Điều 24. Nhường đường tại nơi đường giao nhau

Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;

3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Điều 25. Đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt

1. Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.

2. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

3. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

4. Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.

5. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

6. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

Điều 26. Giao thông trên đường cao tốc

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;

b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;

c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;

d) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.

3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

4. Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Điều 27. Giao thông trong hầm đường bộ

Người điều khiển phương tiện trong hầm đường bộ ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải bật đèn; xe thô sơ phải bật đèn hoặc có vật phát sáng báo hiệu;

2. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định.

Điều 28. Tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ

1. Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

2. Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ do địa phương quản lý.

Điều 29. Xe kéo xe và xe kéo rơ moóc

1. Một xe ô tô chỉ được kéo theo một xe ô tô hoặc xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được và phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực;

b) Việc nối xe kéo với xe được kéo phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; trường hợp hệ thống hãm của xe được kéo không còn hiệu lực thì xe kéo nhau phải nối bằng thanh nối cứng;

c) Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu.

2. Xe kéo rơ moóc phải có tổng trọng lượng lớn hơn tổng trọng lượng của rơ moóc hoặc phải có hệ thống hãm có hiệu lực cho rơ moóc.

3. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xe kéo rơ moóc, xe kéo sơ mi rơ moóc kéo thêm rơ moóc hoặc xe khác;

b) Chở người trên xe được kéo;

c) Kéo theo xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô.

Điều 30. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy

1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:

a) Chở người bệnh đi cấp cứu;

b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Trẻ em dưới 14 tuổi.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đi xe dàn hàng ngang;

b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

4. Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Mang, vác vật cồng kềnh;

b) Sử dụng ô;

c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Điều 31. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác

1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.

Người điều khiển xe đạp phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe. Người điều khiển xe súc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường.

4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

Điều 32. Người đi bộ

1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Điều 33. Người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông

1. Người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.

2. Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị.

3. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu khi đi qua đường.

Điều 34. Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ

1. Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.

2. Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Điều 35. Các hoạt động khác trên đường bộ

1. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường thì cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông; cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

c) Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.

2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;

b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;

c) Thả rông súc vật trên đường bộ;

d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;

đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;

e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;

g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;

h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;

i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.

Điều 36. Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố

1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

3. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này;

b) Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định;

c) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường.

Điều 37. Tổ chức giao thông và điều khiển giao thông

1. Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây:

a) Phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

b) Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ;

c) Thông báo khi có sự thay đổi về việc phân luồng, phân tuyến, thời gian đi lại tạm thời hoặc lâu dài; thực hiện các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp khác về đi lại trên đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

2. Trách nhiệm tổ chức giao thông quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

3. Trách nhiệm điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông như sau:

a) Chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông;

b) Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe.

Điều 38. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ hiện trường;

b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

4. Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên.

6. Bộ Công an có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tai nạn giao thông đường bộ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Chương III

KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 39. Phân loại đường bộ

1. Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau:

a) Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực;

b) Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

c) Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;

d) Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;

đ) Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị;

e) Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ quy định như sau:

a) Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định;

b) Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh) và thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (đối với đường đô thị);

c) Hệ thống đường huyện, đường xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý;

d) Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng đấu nối vào quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường xã.

Điều 40. Đặt tên, số hiệu đường bộ

1. Đường bộ được đặt tên hoặc số hiệu như sau:

a) Tên đường được đặt tên danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, tên địa danh hoặc tên theo tập quán; số hiệu đường được đặt theo số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết; trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu quốc lộ;

b) Tên, số hiệu đường bộ tham gia vào mạng lưới đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thực hiện theo thỏa thuận giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan. Đường bộ kết nối vào mạng lưới đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu đường trong nước và tên, số hiệu đường trong khu vực, đường bộ quốc tế.

2. Việc đặt tên, số hiệu đường bộ do cơ quan có thẩm quyền phân loại đường bộ quyết định; riêng đường đô thị, đường tỉnh, việc đặt tên do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc đặt tên, số hiệu đường bộ.

Điều 41. Tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ

1. Đường bộ được chia theo cấp kỹ thuật gồm đường cao tốc và các cấp kỹ thuật khác.

2. Đường bộ xây dựng mới phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của từng cấp đường; các tuyến đường bộ đang khai thác chưa vào cấp phải được cải tạo, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp đường phù hợp; đối với đường chuyên dùng còn phải áp dụng cả tiêu chuẩn riêng theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của các bộ quy định như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp đường;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia các cấp đường.

4. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ của nước ngoài thì phải được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 42. Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định tại quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và quản lý quỹ đất dành cho dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất phù hợp với loại đô thị.

Điều 43. Phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.

2. Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.

3. Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này, được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

4. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.

Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định cụ thể phạm vi đất dành cho đường bộ, việc sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Điều 44. Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ

1. Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ và người khuyết tật. Đường đô thị xây dựng phải có hè phố, phần đường, cầu vượt, hầm và tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận tiện.

2. Công trình đường bộ phải được thẩm định về an toàn giao thông từ khi lập dự án, thiết kế, thi công, trước và trong quá trình khai thác. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp thu kết quả thẩm định an toàn giao thông để phê duyệt bổ sung vào dự án.

3. Khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác phải có hệ thống đường gom được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; bảo đảm khoảng cách với quốc lộ theo quy định của Chính phủ.

4. Việc đấu nối được quy định như sau:

a) Trường hợp có đường nhánh thì đường gom phải nối vào đường nhánh;

b) Trường hợp đường nhánh, đường gom nối trực tiếp vào đường chính thì điểm đấu nối phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và thiết kế;

c) Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác vào đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Bên cạnh tuyến quốc lộ đi qua khu dân cư phải có đường gom để phục vụ yêu cầu dân sinh.

Điều 45. Công trình báo hiệu đường bộ

1. Công trình báo hiệu đường bộ bao gồm:

a) Đèn tín hiệu giao thông;

b) Biển báo hiệu;

c) Cọc tiêu, rào chắn hoặc tường bảo vệ;

d) Vạch kẻ đường;

đ) Cột cây số;

e) Công trình báo hiệu khác.

2. Đường bộ trước khi đưa vào khai thác phải được lắp đặt đầy đủ công trình báo hiệu đường bộ theo thiết kế được phê duyệt.

3. Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ.

Điều 46. Đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ trình tự quản lý đầu tư xây dựng và các quy định khác của pháp luật; bảo đảm cấp kỹ thuật đường bộ, cảnh quan, bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chủ trì tổ chức giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sau khi xây dựng, nâng cấp, cải tạo phải được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, quyết định đưa vào khai thác theo quy định.

Điều 47. Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

1. Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác chỉ được tiến hành khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép và quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

3. Thi công công trình trên đường đô thị phải tuân thủ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các quy định sau đây:

a) Chỉ được đào đường để sửa chữa công trình hoặc xây dựng mới hầm kỹ thuật dọc theo đường hoặc ngang qua đường nhưng phải có kế hoạch hàng năm thống nhất trước với cơ quan quản lý đường bộ, trừ trường hợp có sự cố đột xuất;

b) Phải có phương án thi công và thời gian thi công thích hợp với đặc điểm từng đường phố để không gây ùn tắc giao thông;

c) Khi thi công xong phải hoàn trả phần đường theo nguyên trạng; đối với công trình ngầm phải lập hồ sơ hoàn công và chuyển cho cơ quan quản lý đường bộ.

4. Đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Quản lý, bảo trì đường bộ

1. Bảo trì đường bộ là thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác.

2. Đường bộ đưa vào khai thác phải được quản lý, bảo trì với các nội dung sau đây:

a) Theo dõi tình trạng công trình đường bộ; tổ chức giao thông; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.

3. Trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ quy định như sau:

a) Hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm;

b) Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

c) Đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc quản lý, bảo trì đường bộ.

Điều 49. Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ

1. Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương được bảo đảm từ quỹ bảo trì đường bộ.

Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm.

2. Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm;

b) Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và địa phương.

Điều 50. Xây dựng đoạn đường giao nhau cùng mức giữa đường bộ với đường sắt

Việc xây dựng đoạn đường giao nhau cùng mức giữa đường bộ với đường sắt phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; có thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 51. Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí đường bộ

1. Trong đô thị, khi xây dựng trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại - dịch vụ, văn hóa và khu dân cư phải xây dựng đủ nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của công trình.

2. Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải xây dựng theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hoạt động của trạm thu phí phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

4. Trạm kiểm tra tải trọng xe là nơi cơ quan quản lý đường bộ thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng xe, khổ giới hạn xe đến an toàn đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép của đường bộ và xe bánh xích lưu hành trên đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch do Bộ Giao thông vận tải lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp cần thiết, để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập trạm kiểm tra tải trọng xe tạm thời.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quy chuẩn kỹ thuật bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe; quy định về tổ chức, hoạt động của trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe.

Điều 52. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm hoạt động bảo đảm an toàn và tuổi thọ của công trình đường bộ, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân được phép xây dựng, cải tạo, mở rộng, bảo trì công trình và tiến hành hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Đơn vị quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, liên đới chịu trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng quản lý, bảo trì công trình; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời, có biện pháp phòng, chống và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra đối với công trình đường bộ.

4. Trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải tổ chức và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng công an kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền;

c) Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương; bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;

d) Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

đ) Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Người nào phát hiện công trình đường bộ bị hư hỏng hoặc bị xâm hại, hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm phải kịp thời báo cho Uỷ ban nhân dân, cơ quan quản lý đường bộ hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý; trường hợp cần thiết có biện pháp báo hiệu ngay cho người tham gia giao thông biết. Khi nhận được tin báo, cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

CHƯƠNG IV

PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới

1. Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

c) Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ;

d) Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

đ) Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

e) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

g) Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn;

h) Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

i) Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

k) Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

2. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này.

3. Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

4. Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông, trừ xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 54. Cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới

1. Xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Điều 55. Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ

1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm định).

4. Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện việc kiểm định phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.

5. Chủ phương tiện, người lái xe ô tô chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.

6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 56. Điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ

1. Khi tham gia giao thông, xe thô sơ phải bảo đảm điều kiện an toàn giao thông đường bộ.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương mình.

Điều 57. Điều kiện tham gia giao thông của xe máy chuyên dùng

1. Bảo đảm các quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

c) Có đèn chiếu sáng;

d) Bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

đ) Các bộ phận chuyên dùng phải lắp đặt đúng vị trí, chắc chắn, bảo đảm an toàn khi di chuyển;

e) Bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.

2. Có đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Hoạt động trong phạm vi quy định, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình đường bộ khi di chuyển.

4. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa và nhập khẩu xe máy chuyên dùng phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

5. Chủ phương tiện và người điều khiển xe máy chuyên dùng chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và kiểm định theo quy định đối với xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ.

6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cấp, thu hồi đăng ký, biển số; quy định danh mục xe máy chuyên dùng phải kiểm định và tổ chức việc kiểm định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số và kiểm định xe máy chuyên dùng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Chương V

NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều 59. Giấy phép lái xe

1. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.

2. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;

b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

3. Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

4. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg;

b) Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

c) Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

d) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2;

đ) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C;

e) Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D;

g) Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

5. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau.

Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.

Điều 61. Đào tạo lái xe, sát hạch để cấp giấy phép lái xe

1. Cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định.

2. Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe.

3. Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1 phải được đào tạo. Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo.

4. Việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện cho những trường hợp sau đây:

a) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B1 lên hạng B2;

b) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B2 lên hạng C hoặc lên hạng D;

c) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D hoặc lên hạng E;

d) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D lên hạng E;

đ) Nâng hạng giấy phép lái xe từ các hạng B2, C, D, E lên các hạng giấy phép lái các xe tương ứng có kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc.

5. Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 4 Điều này còn phải có đủ thời gian và số ki-lô-mét lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe; người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng D, E tối thiểu phải có trình độ văn hóa trung học cơ sở.

6. Việc đào tạo lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên và lái xe kéo rơ moóc chỉ được thực hiện bằng hình thức đào tạo nâng hạng với các điều kiện quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

7. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe ô tô phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe. Các trung tâm sát hạch lái xe phải được xây dựng theo quy hoạch, có đủ cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo quy định.

8. Người sát hạch lái xe phải có thẻ sát hạch viên theo quy định và phải chịu trách nhiệm về kết quả sát hạch của mình.

9. Người đã qua đào tạo và đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển.

Trường hợp giấy phép lái xe có thời hạn, trước khi hết thời hạn sử dụng người lái xe phải khám sức khỏe và làm các thủ tục theo quy định để được đổi giấy phép lái xe.

10. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đào tạo; quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo; sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Điều 62. Điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông

1. Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe phù hợp với ngành nghề lao động và có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng cấp.

2. Người điều khiển xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ sau đây:

a) Đăng ký xe;

b) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng quy định tại Điều 57 của Luật này.

Điều 63. Điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông

1. Có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn.

2. Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

Chương VI

VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Mục 1. HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 64. Hoạt động vận tải đường bộ

1. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Kinh doanh vận tải đường bộ gồm kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa.

3. Hoạt động vận tải đường bộ phải phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ và mạng lưới tuyến vận tải.

Điều 65. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô

1. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

2. Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 66. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

1. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm:

a) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định;

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định;

c) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền;

d) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải;

đ) Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.

2. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô bao gồm:

a) Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường;

b) Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải;

c) Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng;

d) Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm.

3. Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 67. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

2. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

c) Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.

3. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 68. Vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành các quy định sau đây:

a) Đón, trả hành khách đúng nơi quy định;

b) Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;

c) Không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách;

d) Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định;

e) Không để hàng hóa trong khoang chở hành khách; có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách

1. Người kinh doanh vận tải hành khách có các quyền sau đây:

a) Thu cước, phí vận tải;

b) Từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời bến xe, rời vị trí đón, trả hành khách theo hợp đồng vận chuyển những người đã có vé hoặc người trong danh sách hợp đồng có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.

2. Người kinh doanh vận tải hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;

b) Mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé hành khách;

c) Giao vé, chứng từ thu cước, phí vận tải cho hành khách;

d) Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;

đ) Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vé và chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách.

Điều 70. Trách nhiệm của người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải hành khách

1. Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi khởi hành.

2. Có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định.

3. Kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa bảo đảm an toàn.

4. Có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe.

5. Đóng cửa lên xuống của xe trước và trong khi xe chạy.

Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của hành khách

1. Hành khách có các quyền sau đây:

a) Được vận chuyển theo đúng hợp đồng vận tải, cam kết của người kinh doanh vận tải về chất lượng vận tải;

b) Được miễn cước hành lý với trọng lượng không quá 20 kg và với kích thước phù hợp với thiết kế của xe;

c) Được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện khởi hành và được trả lại tiền vé theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Mua vé và trả cước, phí vận tải hành lý mang theo quá mức quy định;

b) Có mặt tại nơi xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận; chấp hành quy định về vận chuyển; thực hiện đúng hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

c) Không mang theo hành lý, hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông.

Điều 72. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô phải chấp hành các quy định sau đây:

a) Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn;

b) Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi.

2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe;

b) Chở người trong thùng xe, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa

1. Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;

b) Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Từ chối vận chuyển nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.

2. Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Hướng dẫn xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện;

c) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng hàng hóa xảy ra trong quá trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ trường hợp miễn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

d) Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;

đ) Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.

3. Chính phủ quy định giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa.

Điều 74. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hóa

1. Người thuê vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Từ chối xếp hàng hóa lên phương tiện mà phương tiện đó không đúng thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải giao hàng đúng thời gian, địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người thuê vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp về hàng hóa trước khi giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải; đóng gói hàng hóa đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu hàng hóa đầy đủ, rõ ràng; giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải đúng thời gian, địa điểm và nội dung khác ghi trong giấy gửi hàng;

b) Thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh cho người kinh doanh vận tải hàng hóa;

c) Cử người áp tải hàng hóa trong quá trình vận tải đối với loại hàng hóa bắt buộc phải có người áp tải.

Điều 75. Quyền và nghĩa vụ của người nhận hàng

1. Người nhận hàng có các quyền sau đây:

a) Nhận và kiểm tra hàng hóa nhận được theo giấy vận chuyển hoặc chứng từ tương đương khác;

b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải thanh toán chi phí phát sinh do giao hàng chậm;

c) Yêu cầu hoặc thông báo cho người thuê vận tải để yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại do mất mát, hư hỏng hàng hóa;

d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.

2. Người nhận hàng có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nhận hàng hóa đúng thời gian, địa điểm đã thỏa thuận; xuất trình giấy vận chuyển và giấy tờ tùy thân cho người kinh doanh vận tải trước khi nhận hàng hóa;

b) Thanh toán chi phí phát sinh do nhận hàng chậm.

Điều 76. Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng

1. Hàng siêu trường, siêu trọng là hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời ra được.

2. Việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải sử dụng xe vận tải phù hợp với loại hàng và phải có giấy phép sử dụng đường bộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải chạy với tốc độ quy định trong giấy phép và phải có báo hiệu kích thước của hàng, trường hợp cần thiết phải bố trí người chỉ dẫn giao thông để bảo đảm an toàn giao thông.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

Điều 77. Vận chuyển động vật sống

1. Tùy theo loại động vật sống, người kinh doanh vận tải yêu cầu người thuê vận tải bố trí người áp tải để chăm sóc trong quá trình vận tải.

2. Người thuê vận tải chịu trách nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống theo hướng dẫn của người kinh doanh vận tải; trường hợp người thuê vận tải không thực hiện được thì phải trả cước, phí xếp, dỡ cho người kinh doanh vận tải.

3. Việc vận chuyển động vật sống trên đường phải tuân theo quy định của pháp luật về vệ sinh, phòng dịch và bảo vệ môi trường.

Điều 78. Vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Xe vận chuyển hàng nguy hiểm phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Xe vận chuyển hàng nguy hiểm không được dừng, đỗ ở nơi đông người, những nơi dễ xảy ra nguy hiểm.

3. Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

Điều 79. Hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị

1. Xe buýt phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình và dừng, đỗ đúng nơi quy định.

2. Người lái xe taxi khách, xe taxi tải đón, trả hành khách, hàng hóa theo thỏa thuận giữa hành khách, chủ hàng và người lái xe nhưng phải chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông.

3. Xe chở hàng phải hoạt động theo đúng tuyến, phạm vi và thời gian quy định đối với từng loại xe.

4. Xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời phải được che phủ kín không để rơi, vãi trên đường phố; trường hợp để rơi, vãi thì người vận tải phải chịu trách nhiệm thu dọn ngay.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.

Điều 80. Vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự

1. Việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa phải theo đúng quy định về trật tự, an toàn giao thông.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc thực hiện khoản 1 Điều này.

3. Căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện tại địa phương.

Điều 81. Vận tải đa phương thức

1. Vận tải đa phương thức quy định trong Luật này là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất hai phương thức vận tải, trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức.

2. Chính phủ quy định cụ thể về vận tải đa phương thức.

Mục 2. DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 82. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm dịch vụ tại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng, dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 83. Tổ chức hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ

1. Hoạt động của bến xe ô tô khách, bến xe ô tô hàng, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bến xe ô tô khách có quyền, nghĩa vụ sắp xếp nơi bán vé hoặc tổ chức bán vé cho hành khách theo hợp đồng với người kinh doanh vận tải; sắp xếp xe ô tô có đủ điều kiện kinh doanh vận tải vào bến đón, trả khách đúng tuyến.

3. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bến xe ô tô hàng có quyền, nghĩa vụ sắp xếp xe ô tô vào bến xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ kho bãi, ký gửi, đóng gói, bảo quản hàng hóa.

4. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác bãi đỗ xe có quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ trông giữ phương tiện.

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác trạm dừng nghỉ có quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thực hiện công việc theo hợp đồng ủy thác với người vận tải.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô.

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 84. Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giao thông đường bộ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về an toàn giao thông đường bộ.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ; quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông đường bộ.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ.

4. Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ.

6. Quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

7. Quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; tổ chức cứu nạn giao thông đường bộ.

8. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về giao thông đường bộ; đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật giao thông đường bộ.

9. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

10. Hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ.

Điều 85. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

2. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

3. Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe.

4. Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

6. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương.

Điều 86. Thanh tra đường bộ

1. Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông đường bộ.

2. Thanh tra đường bộ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ; trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;

b) Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ;

c) Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới. Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

d) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Tổ chức và hoạt động của Thanh tra đường bộ thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ.

Điều 87. Tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ

1. Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ.

3. Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 88. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.

2. Luật này thay thế Luật giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001.

Điều 89. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-----------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 23/2008/QH12

Hanoi, November 13, 2008

 

LAW

ON ROAD TRAFFIC

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10;
The National Assembly promulgates the Law on Road Traffic,

Chapter I.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Law prescribes road traffic rules; road infrastructure facilities, vehicles in traffic and road users, road transportation and state management of road traffic.

Article 2. Subjects of application

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3. Interpretation of terms

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Roads include roads, land bridges, tunnels and ferry landing stages.

2. Road works include roads, standing and parking places on roads, traffic light signals, road signs, road markings, marker posts, fences, traffic islands, median strips, milestones, walls, embankments, water drainage systems, vehicle mass inspection stations, toll stations and other support road works and equipment.

3. Road infrastructure facilities include road works, car terminals, parking lots, roadside service stations and other support works along the roads to serve traffic, and road safety corridors.

4. Road land means a land area on which road works are constructed and land areas along both sides of a road for road work management, maintenance and protection.

5. Road safely corridor means land strips along both sides of the road land, measuring from the outer edge of the road land outwards, to ensure road traffic safety.

6. Carriageway means the part of a road used by vehicular traffic.

7. Lane means a divided longitudinal strip of the carriageway which is wide enough for safe vehicular traffic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. Street means a road inside an urban area, which includes road bed and pavement.

10. Median strip is a part of a road that divides the road surface for the two opposite directions of traffic or divides the road sections for motor vehicles and rudimentary vehicles. Median strips are classified into fixed and mobile types.

11. Level crossing (below referred to as intersection) means any crossroad between two or more roads on the same level, including the open area formed by such intersection.

12. Expressway mean a road reserved only for motor vehicles, with median strips separating carriageways for the two opposite directions of traffic, without crossing at level with any road, furnished with adequate support equipment and devices to ensure uninterrupted and safe traffic, shorten travel time, and with certain points for vehicle exits and entries.

13. Main road means a road ensuring major traffic in an area.

14. Feeder road means a road connected to a main road.

15. Priority road means a road vehicles moving on which are given way by those approaching from other directions when passing intersections, and which is signposted as priority road.

16. Collector road means a road that links the system of internal roads of an urban center, an industrial park, an economic zone, a trade-service center and other roads to a main road or a feeder road before connecting to a main road

17. Road vehicle means a road motor vehicle or a road rudimentary vehicle.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



19. Road rudimentary vehicle (below referred to as rudimentary vehicle) means bicycle (including motor bicycle), pedicab, vehicle for the disabled, animal-drawn cart and the like.

20. Special-use vehicle means construction vehicle, farm vehicle, forestry vehicle and other special-use vehicles used for defense and security purposes, which joins in road traffic.

21. Vehicle joining in road traffic means road vehicle or special-use vehicle.

22. Road user means operator or user of a vehicle joining in road traffic; person guiding or driving animals and pedestrian walking on the road.

23. Operator means operator of a motor vehicle, rudimentary vehicle or special-use vehicle joining in road traffic.

24. Driver means operator of a motor vehicle.

25. Person directing traffic means traffic police or person tasked to direct traffic at a place where road construction is underway, or traffic is congested, at a ferry landing stage and at a road bridge with a railroad track.

26. Passenger means person carried onboard a road passenger vehicle for which he/she has to pay a charge.

27. Luggage means articles a passenger carries along onboard a vehicle or consigned onboard another vehicle.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



29. Dangerous cargo means cargo containing a dangerous substance which, when carried by road, may cause harm to human life, health, the environment, safety and national security.

30. Road transportation means activities of using a road vehicle to carry people and cargoes by road.

31. Carrier means an organization or individual using a road vehicle to carry out road transportation activities.

32. Road administration agency means a specialized state management agency under the Ministry of Transport; specialized agencies of People’s Committees of provinces and centrally run cities (below collectively referred to as provincial level), People’s Committees of districts, towns and provincial cities (below collectively referred to as district level) and People’s Committees of communes and townships (below collectively referred to as commune level).

Article 4. Road traffic principles

1. Road traffic must be uninterrupted, orderly, sale and effective, contributes to socio-economic development, defense and security assurance and environmental protection.

2. Road traffic shall be developed according to planning towards modernization and synchronism; transportation by road shall be combined with other modes of transportation.

3. Road traffic administration shall be implemented uniformly on the basis of assignment and decentralization of specific responsibilities and powers and close coordination among ministries, branches and local administrations at all levels.

4. Ensuring road traffic order and safety is the responsibility of agencies, organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. All acts of violating the road traffic law shall be detected and prevented in time and handled in a strict and lawful manner.

Article 5. Policies on road traffic development

1. The State concentrates resources on developing road traffic, prioritizing investment in developing road traffic infrastructure facilities in key economic regions, cities, mountainous, deep-lying, remote, border, island and ethnic minority regions; and adopts policies to mobilize resources for road administration and maintenance.

2. The State adopts the policy of prioritizing the development of mass transit and restricting the use of personal vehicles in cities.

3. The State encourages and creates conditions for Vietnamese and foreign organizations and individuals to invest in and commercially operate road infrastructure facilities and road transportation activities, and conduct research, apply scientific and technological advances and train human resources in the field of road traffic.

Article 6. Road traffic and transportation planning

1. The road traffic and transport planning is a specialized planning, including planning on infrastructure and planning on means of transport and road transportation.

2. The road traffic and transportation planning shall be formulated on the basis of the socio­-economic development strategy, defense and security assurance and international integration, and in conformity with the sector’s planning and close association with other specialized transport plannings.

3. Each road traffic and transportation planning shall be elaborated for at least 10 years, setting development orientations for at least 10 subsequent years; and may be adjusted to take into account the socio-economic development in each period. Such adjustment must perpetuate the previous approved plannings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The road traffic and transportation planning must clearly identify development objectives, viewpoints, nature and scope; land use needs, funding needs, funding sources and human resources, and lists of projects and priority projects; evaluate its impacts; and identify mechanisms, policies and solutions for its implementation.

5. The Ministry of Transport shall formulate national, inter-regional and regional road traffic and transportation plannings and plannings on national highways and expressways, collect opinions of concerned ministries, ministerial-level agencies and provincial-level People’s Committees on these plannings before submitting them to the Prime Minister for approval.

6. Provincial-level People’s Committees shall formulate and submit to the People’s Councils of the same level for decision plannings on road traffic and transportation under local management. Before submitting them to the People’s Councils of the same level for decision, they shall obtain opinions of the Ministry of Transport.

For centrally run cities of special grade, their People’s Committees shall formulate road traffic and transportation plannings and submit them to the People’s Councils of the same level for adoption and obtain opinions of the Ministry of Transport and the Ministry of Construction before submitting them to the Prime Minister for approval.

7. Plannings on other technical infrastructure works must be compliant and synchronous with plannings on road infrastructure facilities.

8. The State ensures state budget funds and adopts policies to mobilize other funding sources for road traffic and transportation planning work.

Article 7. Road traffic law propagation, dissemination and education

1. Information and propaganda agencies shall regularly organize road traffic law propagation and dissemination among the entire population.

2. People’s Committees at all levels shall, within the scope of their tasks and powers, organize road traffic law propaganda, dissemination and education in their localities and apply forms of propaganda and dissemination suitable to ethnic minority people.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Vietnam Fatherland Front and its member organizations shall coordinate with concerned agencies and local administrations in propagating and mobilizing the people to observe the road traffic law.

5. Agencies and organizations shall organize road traffic law propagation and dissemination among officials, soldiers, civil servants, public employees and other laborers under their management.

Family members shall propagate, educate and remind other members to observe the road traffic law.

Article 8. Prohibited acts

1. Destroying roads, road bridges, tunnels and ferry landing stages, light signals, marker posts, signs, dome mirrors, median strips, water drainage systems and other works and equipment of road traffic infrastructure.

2. Illegally digging, drilling and cutting roads; illegally placing or erecting hurdles on roads; placing and spreading pointed objects, pouring lubricants on roads; illegally leaving materials, wastes and garbage on roads; illegally opening passages and linking to main roads; illegally encroaching, occupying or using land of roads and road safety corridors; opening manhole covers without permission, illegally dismantling, removing or falsifying road works.

3. Illegally using roadbeds, roadsides and pavements.

4. Putting motor vehicles and special-use machines which fail to satisfy technical safety and environmental protection criteria into operation on roads.

5. Changing the chassis, components and accessories of motor vehicles in order to temporarily achieve their technical criteria before taking them for inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Operating a road motor vehicle while there is narcotic in the operator’s body.

8. Operating an automobile, tractor or special-use vehicle on the road while there is a concentration of alcohol in the operator’s blood or breath.

Operating a motorcycle or moped while there is a concentration of alcohol of over 50 milligrams per 100 milliliters of blood or 0.25 milligrams per 1 litter of breathed air.

9. Operating a motor vehicle without a driver license as prescribed.

Operating a special-use vehicle on the road without a certificate of training in knowledge about the road traffic law, a license or certificate of operation of special-use vehicle.

10. Assigning one’s motor vehicle or special-use vehicle to another person ineligible for operating vehicles in road traffic.

11. Operating a motor vehicle at a speed beyond the prescribed speed limit, recklessly passing or overtaking.

12. Honking and opening the throttle continuously; honking during the time from 22:00 hrs to 05:00 hrs, blowing the hoot, using driving lamps in urban and populous areas, except for priority vehicles moving on duty as provided for by this Law.

13. Fitting and using the horn and lamps at variance with the manufacturer design for each type of motor vehicles; using audible devices badly affecting traffic order and safety and public order.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



15. Threatening, offending and fighting over passengers; compelling passengers to use services against their will; employing transshipment, disembarking passengers or committing other acts to evade detection of the carriage of cargoes or passengers in excess of prescribed limits.

16. Conducting commercial transportation by car when failing to meet all business conditions as prescribed.

17. Absconding after causing accidents in order to shirk responsibility.

18. Deliberately refusing to rescue victims of traffic accidents when having conditions to do so.

19. Infringing upon the lives, health and property of traffic accident victims and causers.

20. Taking advantage of traffic accidents to assault, intimidate, incite, pressure, foment disorder or obstruct the handling of traffic accidents.

21. Abusing one’s position, power or profession to breach the road traffic law.

22. Illegally manufacturing, using or buying or selling number plates of motor vehicles and special-use vehicles.

23. Acts of breaching road traffic rules and other acts endangering road users and vehicles in road traffic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



ROAD TRAFFIC RULES

Article 9. General rules

1. Road users shall keep to the right in their travel direction, move on the prescribed lane or road section and obey the road signal system.

2. The driver and persons sitting on the front seats of a car equipped with safety belts shall wear the safety belts.

Article 10. Road signal system

1. The road signal system includes instructions given by persons directing traffic; traffic light signals, road signs, road markings, marker posts or protection walls and barriers.

2. Instructions given by persons directing traffic:

a/ Arm raised upright constitutes a signal that road users approaching from any direction must stop;

b/ One or two arms outstretched horizontally constitutes a signal that road users in front of or behind the person directing traffic must stop while road users on the right and the left of the person directing traffic may proceed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The traffic light signals are in three colors, each having the following meaning:

a/ A green light means proceed;

b/ A red light means stop;

c/ An amber light means stop behind the stop line, except for road users who have passed the stop line and may keep moving; in case of a flashing amber light signal, road users may proceed but shall slow down and give way to pedestrians;

4. Road signs are divided into 5 groups, with the meaning of each group as follows:

a/ Prohibitive signs indicate prohibitions;

b/ Danger warning signs warn dangerous circumstances likely to occur;

c/ Mandatory signs indicate instructions to be obeyed;

d/ Direction signs indicate traffic directions or necessary information;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Road markings indicate the division of lanes, travel positions or directions, stop positions.

6. Marker posts or protection walls are erected at the edge of dangerous road sections to notify road users of the safety scope of the road foundation and of the road direction.

7. Barriers are erected at places where roads are narrowed, at bridge heads, sluice heads, no-entry roads, dead-end roads not open to vehicles and pedestrians, or at places where traffic should be controlled and supervised.

8. The Minister of Transport shall issue specific regulations on road signs.

Article 11. Compliance with road signals

1. Road users shall comply with instructions and indications of the road signal system.

2. When there are persons directing traffic, road users shall comply with their instructions.

3. Where there exist both a fixed sign and a temporary sign, road users shall comply with the instruction conveyed by the temporary sign.

4. At pedestrian crossings, operators shall observe, slow down and give way to pedestrians and wheelchairs of the disabled to cross the road.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 12. Speed and distance between vehicles

1. Drivers and operators of special-use vehicles shall comply with regulations on the speed limits of vehicles moving on the roads and keep at a safe distance from a vehicle moving ahead; at places where there is a sign indicating the “minimum distance between two vehicles”, they shall keep at a distance not shorter than that indicated.

2. The Minister of Transport shall issue regulations on the speed limits of vehicles and the placement of speed limit signs; and organize the placement of speed limit signs along national highways.

3. Provincial-level People’s Committee presidents shall organize the placement of speed limits signs along locally managed roads.

Article 13. Use of lanes

1. On a road with many lanes in the same direction of traffic, distinguished from one another by the lane-dividing markings, operators shall keep their vehicles on one lane and may only change lanes at places where it is so permitted; when changing lane, they shall give signals indicating their intention and ensure safety.

2. On a one-way road with a lane-dividing marking, rudimentary vehicles shall keep to the right lane close to the edge of the road while motor vehicles and special-use vehicles move on the left lane.

3. Vehicles moving on the road at a lower speed shall keep to the right.

Article 14. Overtaking

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The overtaking vehicle may overtake only where there is no obstacle ahead, no oncoming vehicle in the road section intended for overtaking and the vehicle ahead has not given a signal to overtake another and has moved toward the right side.

3. When there is a vehicle intending to overtake, if safety can be assured, the operator of the vehicle ahead shall slow down, move close to the right of the carriageway till the following vehicle has passed and may not cause obstructions to the overtaking vehicle.

4. When overtaking, a vehicle shall do so on the left side, except for the following cases where it can overtake on the right side:

a/ When the vehicle ahead has given a signal to turn left or is turning left;

b/ When a tram is running in the middle of the road;

c/ When a special-use vehicle is operating on the road, making overtaking on the left impossible.

5. Overtaking is forbidden in the following cases:

a/ The conditions prescribed in Clause 2 of this Article are not met;

b/ There is only a single line of vehicular traffic on a narrow bridge;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ At an intersection or a level crossing between a road and a railroad track;

e/ When weather conditions or road conditions do not ensure safe overtaking;

f/ A priority vehicle is emitting a priority signal.

Article 15. Change of direction

1. When wishing to change direction, the operator shall slow down and give a signal of the turning direction.

2. While changing direction, the driver or operator of a special-use vehicle shall allow pedestrians and bicycle riders moving on the road sections reserved for them to pass, give way to oncoming vehicles and shall change direction only when seeing that his/her vehicle does not obstruct or endanger people and other vehicles.

3. In residential areas, the driver may make U-turns only at intersections and places with a sign permitting U-turns.

4. It is prohibited to make U-turns at road sections reserved for pedestrians to cross, on bridges, at bridge heads, under flyovers, at undergrounds, in road tunnels, on expressways, at level crossings between a road and a railroad track, on narrow roads, steep roads or on bends with insufficient visibility.

Article 16. Reversing

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. It is forbidden to reverse in areas where reversing is prohibited, on road sections reserved for pedestrians to cross, at intersections or level crossings between a road and a railroad track, at places with insufficient visibility, in road tunnels or on expressways.

Article 17. Passing of oncoming traffic

1. On a road which is not divided into two separate directions of traffic, when passing an oncoming vehicle, the operator shall slow down and move to the right along his/her direction of traffic.

2. Cases of giving way when passing an oncoming vehicle:

a/ At a narrow road section which permits only one vehicle to move and where a lay-by is available, the vehicle which is closer to the lay-by shall pull in to the lay-by, allowing the other vehicle to pass;

b/ The vehicle moving downhill shall allow the vehicle moving uphill to pass;

c/ The vehicle facing an obstruction ahead shall allow the other vehicle to pass.

3. When passing each other, two motor vehicles moving in the opposite directions may not use the driving lamp.

Article 18. Standing and parking on roads

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Parked vehicle is a vehicle that is stationary for an unlimited time.

3. When standing or parking his/her vehicle on a road, the operator shall comply with the following provisions:

a/ To give a signal to operators of other vehicles;

b/ To stand or park his/her vehicle at places with large roadsides or on land plots outside the carriageway; where the roadside is narrow or not available, to stand or park the vehicle close to the right edge of the carriage along the direction of traffic;

c/ Where a car stop or a parking lot has been built or designated, to stand or park the vehicle at such place;

d/ After parking the vehicle, the operator may leave the vehicle only after taking safety measures, if the parked vehicle occupies part of the carriageway, the operator shall place danger warning signs in front of and behind the vehicle for the operators of other vehicles to notice;

e/ Not to open the door of the vehicle or leave it open or alight from the vehicle when safety conditions are not assured;

f/ When standing the vehicle, not to shut down the engine and leave the driving seat;

g/ The vehicle parked on a steep road must have its wheels chocked.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ On the left side of one-way carriages;

b/ On bends and close the crests of slopes with insufficient visibility;

c/ On bridges, under flyovers;

d/ In parallel with another standing or parked vehicle;

e/ On pedestrian crossings;

f/ At an intersections and within 5 meters from the edge of the intersection;

g/ At bus stops;

h/ In front of and within 5 meters from both sides of the entrances of offices of agencies or organizations;

i/ At road sections wide enough for only line of traffic;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



k/ At places where the vehicle would conceal road signs.

Article 19. Standing and parking on streets

When standing or parking his/her vehicle on street, the operator shall comply with the provisions of Article 18 of this Law and the following provisions:

1. To stand or park the vehicle close to the right kerb or pavement of the street along the direction of traffic, with the distance between the nearest wheel and the kerb or pavement not exceeding 0.25 m and without obstructing or endangering traffic. In narrow streets, to stand or park the vehicle at positions at least 20 meters away from the vehicle parked on the other side.

2. Not to stand or park the vehicle on tramways, on manholes of water drainage sewers, or openings of telephone or high-voltage electricity trenches or places exclusively reserved for fire engines to get water. Not to leave the vehicle on roadbed or pavement in contravention of regulations.

Article 20. Loading of cargoes on vehicles

1. Cargoes loaded on a vehicle must be neatly arranged and firmly fastened, must not fall on to the road, and must not be trailed on the road and affect the driving of the vehicle.

2. Loaded cargoes projecting beyond the front or rear of the vehicle must be marked with a red flag by daytime or a red light at night or when it is dark.

3. The Minister of Transport shall issue specific regulations on the loading of cargoes on road vehicles.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Persons may only be carried on cargo vehicles in the following cases:

a/ Carrying persons to perform natural disaster prevention and combat tasks or urgent tasks; carrying people’s armed force officers and soldiers to perform their duties; carrying victims to hospital;

b/ Carrying road maintenance and repair workers; carrying learner drivers on driving practice cars; carrying persons forming a procession;

c/ Evacuating persons out of dangerous areas or in other cases of emergency as prescribed by law.

2. Vehicles carrying persons in the cases specified in Clause 1 of this Article must have a fixed trunk, ensuring traffic safety.

Article 22. Priority rights of a number of vehicles

1. The following vehicles have the priority right to go before other vehicles when passing intersections from any direction of traffic in the following order:

a/ Fire engines traveling on duty;

b/ Military vehicles and police vehicles on urgent duty; motorcades led by police cars;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Dike-watch vehicles, vehicles employed in overcoming natural disasters or epidemics or in a state of emergency as prescribed by law;

e/ Funeral vehicle processions.

2. Vehicles specified at Points a, b, c and d of Clause 1, this Article, when traveling on duty, shall give signals by means of horn, banner and light according to regulations; are not restricted in speed; may enter one-way roads from the opposite direction and other roads open to traffic, even go through the red light, and must only follow the instructions of persons directing traffic.

The Government shall issue specific regulations on signals of priority vehicles.

3. When recognizing the signals of priority vehicles, road users shall promptly slow down, give way or pull in to the right edge of the carriageway to give way. They may not obstruct priority vehicles.

Article 23. Crossing by ferry boat and pontoon bridge

1. When reaching a ferry landing stage or pontoon bridge, vehicles must line up at the prescribed place without obstructing traffic.

2. When a vehicle embarks, is on board and disembarks a ferry boat, all passengers shall alight from the vehicle, except operators of motor vehicles or special-use vehicles, sick people, old people and disabled people.

3. Motor vehicles and special-use vehicles will be the first to embark a ferry boat, followed by rudimentary vehicles and people; when disembarking a ferry boat, people will come up first, then vehicles under the guidance of persons directing traffic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Priority vehicles specified in Clause 1, Article 22 of this Law;

b/ Mail vans;

c/ Fresh and raw foodstuff trucks;

d/ Public passenger cars.

When many priority vehicles of the same kind concurrently arrive at a ferry landing stage or pontoon bridge, the vehicle which arrives first is entitled to cross first.

Article 24. Giving way at intersections

When approaching an intersection, the operator of a vehicle shall slow down and give way according to the following provisions:

1. At an intersection without signals to move around the roundabout, to give way to vehicles approaching from the right;

2. At an intersection with signals to move around the roundabout, to give way to vehicles approaching from the left;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 25. Traveling on level-crossings between roads and railroad tracks or bridges with railroad tracks

1. At a level crossing between a road and a railroad track or a bridge with a railroad track, the rail-borne vehicle has the priority right to go first.

2. At a level crossing between a road and a railroad track which is equipped with light signals, barriers and signaling bell, when the red light is on, signaling bell ringing or the barriers moving or closed, road users shall stop on their road section at a safe distance from the barriers; they may cross only when the red light is off, the barriers are fully opened and the signaling bell stops ringing.

3. At a level crossing between a road and a railroad track which is equipped with light signals or signaling bell only, when the red light is on or signaling bell ringing, road users shall stop at a distance of at least 5 meters from the nearest track; they may cross only when the red light is off or the signaling bell stops ringing.

4. At a level crossing between a road and a railroad track which is equipped with no light signals, barriers and signaling bell, road users shall look both sides and cross only if they ascertain that no rail-borne vehicle is approaching; if seeing that a rail-borne vehicle is approaching, they shall stop at a distance of at least 5 meters from the nearest track and may cross only when the rail-borne vehicle has passed.

5. When a vehicle breaks down right at a level crossing between a road and a railroad track or within the railroad safety area, its operator shall by all fastest ways place signals on the railroad track at least 500 meters on the both sides of the vehicle in order to warn the operators of rail-borne vehicles and seek ways to report such to the nearest railroad or station manager, and at the same time take every measure to move the vehicle off the railroad safety area as soon as possible.

6. Those who are present at the place where a vehicle breaks down at a level crossing between a road and a railroad track have the duty to help the operator move the vehicle off the railroad safety area.

Article 26. Traffic on expressways

1. Drivers and operators of special-use vehicles traveling on expressways, apart from complying with traffic rules provided in this Law, shall also observe the following provisions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ When exiting an expressway, to move gradually to the right lane, if there is a deceleration lane, they shall enter such lane before leaving the expressway;

c/ Do not move on the emergency-stop lane or the verge;

d/ Do not move beyond the maximum speed and below the minimum speed, which are indicated on the road signs or painted road markings.

2. Drivers or operators of special-use vehicles shall keep at a safe distance from one another as indicated on the road signs.

3. To stand or park their vehicles only at the prescribed places; where they are compelled to stand or park their vehicles outside the prescribed places, the drivers shall move their vehicles off the carriageway; if unable to do so, they shall give signals to the drivers of other vehicles.

4. Pedestrians, rudimentary vehicles, motorcycles, mopeds and tractors; and special-use vehicles with a design speed of less than 70 km/h may not enter expressways, except persons, vehicles and equipment used for expressway administration and maintenance.

Article 27. Traffic in road tunnels

Operators of vehicles traveling in road tunnels, apart from complying with traffic rules provided in this Law, shall also observe the following provisions:

1. Motor vehicles and special-use vehicles must switch on their lamps and rudimentary vehicles must switch on their lamps or carry luminous signal devices;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 28. Load-bearing capacity and size limits of roads

1. Operators shall comply with regulations on load-bearing capacity and size limits of roads and submit to the inspection by competent agencies.

2. In special cases, vehicles which are overloaded or oversized beyond the size limits of roads and caterpillars which damage road surface may operate on the roads provided that they obtain permits of road administration agencies and take compulsory measures to protect roads and ensure traffic safety.

3. The Minister of Transport shall issue regulations on the load-bearing capacity and size limits of roads, publicize the load-bearing and size limits of national highways; prescribe the grant of permits for overloaded and oversized vehicles and road surface- damaging caterpillars.

4. Provincial-level People’s Committee presidents shall publicize the load-bearing capacity and size limits of locally managed roads.

Article 29. Vehicles pulling vehicles or trailers

1. An automobile may only pull another automobile or special-use vehicle when the latter cannot move on its own and must comply with the following provisions:

a/ The pulled automobile must have an operator and its steering system must still be effective;

b/ The coupling with the pulled automobile must be secure and safe; if the brake system of the pulled automobile is no longer effective, the pulling and the pulled automobile must be coupled by a hard rod;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. An automobile pulling a trailer must have its total mass bigger than that of the trailer or must have a brake system effective for trailers.

3. The following acts are prohibited:

a/ An automobile pulling a trailer or semi-trailer coupled with another trailer or automobile;

b/ Carrying people on the pulled automobile;

c/ Pulling a rudimentary vehicle, motorcycle or moped.

Article 30. Operators of and passengers on motorcycles and mopeds

1. The operator of a motorcycle or moped may carry only one person, except for the following cases in which carrying two persons at most is permitted:

a/ Carrying sick persons for emergency medical treatment;

b/ Escorting a person who has committed an illegal act;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The operators and passengers of motorcycles, three-wheeled motor vehicles or mopeds shall wear safety helmets, properly fastening their chin straps.

3. Operators of motorcycles, three-wheeled motor vehicles or mopeds are prohibited from:

a/ Traveling abreast;

b/ Traveling in road sections reserved for pedestrians and other vehicles;

c/ Using umbrellas, mobile phones and audible devices, except hearing aids;

d/ Pulling and pushing other vehicles or objects, and carrying bulky objects;

e/ Operating the vehicle without holding the handlebars or on one wheel, for two-wheeled vehicles, or on two wheels, for three-wheeled vehicles;

f/ Other acts badly affecting traffic order and safety.

4. Passengers of motorcycles, three-wheeled motor vehicles or mopeds in traffic are prohibited from:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Using umbrellas;

c/ Clinging to, pulling or pushing other vehicles;

d/ Standing on the saddle or pillion, or sitting on the handlebars;

e/ Other acts baldy affecting traffic order and safety.

Article 31. Riders of and passengers on bicycles, operators of other rudimentary vehicles

1. Bicycle riders may carry only one person or two persons including an under-7 child.

Bicycle riders shall comply with the provisions of Clause 3, Article 30 of this Law; passengers on bicycles traveling on the roads shall comply with the provisions of Clause 4, Article 30 of this Law.

2. Operators of and passengers on motor bicycles shall wear safety helmets, properly fastening their chin straps.

3. Operators of other rudimentary vehicles may not travel two or more abreast, shall travel on the lane reserved for rudimentary vehicles, if such lane is available; when traveling at night, these vehicles must have signals at their front and rear. Operators of animal-drawn carts shall take measures to ensure public sanitation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 32. Pedestrians

1. Pedestrians shall use pavements or verges; where pavements and verges are not available, they shall walk close to the edge of a road.

2. Pedestrians may cross a road at places where there are light signals, road markings or flyovers or tunnels reserved for pedestrians, and shall comply with the instructions given by such lights.

3. At places where light signals, road markings, flyovers or tunnels reserved for pedestrians are not available, pedestrians, before crossing a road, shall watch approaching vehicles, may cross the road when it is safe and shall take responsibility to ensure safe crossing.

4. Pedestrians may not walk over the median strip and cling to moving vehicles; if carrying bulky objects, they shall ensure safety and no obstruction to road users and vehicles in traffic.

5. Children under 7 years, when crossing an urban street or a road with regular vehicular traffic, must be led by adults; everyone has the duty to help children under 7 years cross roads.

Article 33. Disabled, old road-users

1. Disabled persons traveling in wheel chairs propelled by themselves may travel on pavements and marked pedestrian crossings.

2. Visually handicapped persons, when traveling on roads, must be led by other persons or have a device to signal other persons that they are visually handicapped.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 34. Persons guiding animals on roads

1. Persons guiding animals on roads shall keep them close to the edge of the carriageway and ensure road sanitation; if they need to lead the animals to cross a road, they shall watch out traffic and may only guide them cross the road when it is safe.

2. It is forbidden to guide animals go on road sections reserved for motor vehicles.

Article 35. Other activities on roads

1. The organization of cultural and sport activities, processions, festivals on roads must comply with the following provisions:

a/ Agencies or organizations wishing to use roads for cultural and sport activities, processions or festivals shall obtain written agreement of competent road administration agencies on traffic assurance plans before applying for permits to organize these activities in accordance with law;

b/ When necessary to restrict traffic on or close a road, the road administration agency shall issue announcements on traffic directions; agencies or organizations mentioned at Point a, Clause 1 of this Article shall organize the publication of these announcements on the mass media and take measures to ensure order and safety for road users and vehicles in traffic;

c/ The People’s Committees of localities where cultural sports activities, processions or festivals are organized shall direct local functional agencies to organize and ensure safe traffic in areas where these activities are organized.

2. The following acts are prohibited:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Illegally gathering people on roads;

c/ Leaving animals unattended on roads;

d/ Drying paddy, rice stock and straw, agricultural products and other objects on roads;

e/ Placing advertisement billboards on road land;

f/ Installing boards, advertisement billboards or other equipment distracting road user attention to, and misleading the meanings of, road signs, or obstructing road users;

g/ Concealing road signs and traffic light signals;

h/ Using skateboards or roller-skates or similar equipment on the carriageways;

i/ Other acts obstructing traffic.

Article 36. Use of streets and other activities on streets

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Other activities on streets must comply with Clause 1, Article 35 of this Law; in special cases, temporary use of parts of roadbeds and pavements for other purposes is subject to regulations of provincial-level People’s Committees and must not affect traffic order and safety.

3. The following acts are prohibited:

a/ Acts specified in Clause 2, Article 35 of this Law;

b/ Dumping garbage or wastes not at prescribed places;

c/ Illegally building or placing platforms or stands on streets.

Article 37. Organization of traffic and direction of traffic

1. Organization of traffic covers the following contents:

a/ Dividing lanes, flows and routes and prescribing travel time for people and road vehicles;

b/ Stipulating no-entry road sections, one-way roads, no-standing, no-parking and no-U-turn places; installing road signs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Responsibility to organize traffic:

a/ The Minister of Transport shall organize traffic on the national highway system;

b/ Provincial-level People’s Committee presidents shall organize traffic on the road systems under their management.

3. Traffic police’s responsibility to direct traffic:

a/ To instruct and direct traffic on roads; guide or compel road users to observe traffic rules;

b/ Upon the occurrence of circumstances which cause traffic jams or other urgent requirements to ensure security and order, to suspend traffic on certain road sections, re-arrange traffic flows or routes and temporary standing and parking places.

Article 38. Responsibilities of individuals, agencies and organizations when traffic accidents occur

1. Operators and persons directly involved in a traffic accident shall:

a/ Immediately stop their vehicles; keep unchanged the conditions at the site of the accident; give first aid to the victims and show up at the request of competent agencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Provide true information on the accident to competent agencies.

2. Persons present at the place where an accident occurs have the following responsibilities:

a/ Protect the scene;

b/ Provide timely assistance and medical treatment to the victims;

c/ Immediately report to the nearest police office, health agency or People’s Committee;

d/ Protect the victims’ property;

e/ Provide true information on the accident at the request of competent agencies.

3. Operators of other vehicles, when passing the places of accidents, have the responsibility to carry the victims for emergency medical treatment. Priority vehicles and vehicles carrying persons entitled to diplomatic privileges and immunities are not compelled to comply with this Clause.

4. Upon receiving a report on an accident, the police office shall promptly send police officers to the scene to investigate the accident and collaborate with the road administration and local People’s Committee to ensure uninterrupted and safe traffic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For an accident falling beyond its ability, the commune-level People’s Committee shall report it to the higher-level People’s Committee

6. The Ministry of Public Security shall make statistics, sum up and develop a database on road traffic accidents and make it accessible to agencies, organizations and individuals in accordance with law.

Chapter III.

ROAD INFRASTRUCTURE FACILITIES

Article 39. Road classification

1. The road network consists of six systems, including national highways, provincial roads, district roads, communal roads, urban roads and special-use roads, which are prescribed as follows:

a/ National highways are roads connecting Hanoi capital with provincial-level administrative centers; roads connecting provincial-level administrative centers of three or more localities; road connecting an international seaport or airport to international border gates or major border gates; roads especially important to local or regional socio-economic development;

b/ Provincial roads are roads connecting provincial-level administrative centers with administrative centers of districts or adjacent provinces; roads important to provincial socio-­economic development;

c/ District roads are roads connecting administrative centers of districts with administrative centers of communes, commune clusters or adjacent districts; roads important to district socio-economic development;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Urban roads are roads within the administrative boundaries of inner cities;

f/ Special-use roads are roads exclusively used for the transportation and travel of one or more than one agency, organization or individual.

2. The competence to classify and adjust road systems is prescribed below:

a/ The Minister of Transport shall decide on the national highway system;

b/ Provincial-level People’s Committee presidents shall decide on systems of provincial roads and urban roads after reaching agreement with the Ministry of Transport (for provincial roads) or the Ministry of Transport and the Ministry of Construction (for urban roads);

c/ District-level People’s Committee presidents shall decide on systems of district roads and commune roads after obtaining the approval of provincial-level People’s Committee presidents;

d/ Agencies, organizations and individuals with special-use roads shall decide on systems of special-use roads after obtaining written consent of the Minister of Transport, for special-use roads linking with national highways; written consent of provincial-level People’s Committee presidents, for special-use roads linking with provincial roads, urban roads or district roads; or written consent of district-level People’s Committee presidents, for special-use roads linking with commune roads.

Article 40. Naming and numbering of roads

1. Roads shall be named or numbered as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The names and numbers of roads forming part of a regional or international road network shall be given according to agreements between Vietnam and concerned countries. For roads connected with a regional or international road network, both of their domestic and regional or international names and numbers can he used.

2. The naming and numbering of roads shall be decided by agencies with road-classifying competence; particularly for urban and provincial roads, their naming shall be decided by provincial-level People’s Councils at the proposal of the People’s Committees of the same level.

3. The Government shall issue specific regulations on the naming and numbering of roads.

Article 41. Road technical standards

1. Roads are technically graded into expressways and roads of other technical grades.

2. Newly built roads must satisfy technical standards of their relevant grade; roads currently in use but not yet graded shall be renovated and upgraded to reach technical standards of relevant grades; special-use roads must also have their own standards prescribed by law.

3. Responsibilities of ministries are defined as follows:

a/ The Ministry of Transport shall formulate, and guide the implementation of, technical standards of roads of all grades;

b/ The Ministry of Science and Technology shall promulgate national technical standards for roads of all grades.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 42. Land funds reserved for road infrastructure facilities

1. Land funds for road infrastructure facilities shall be determined in road infrastructure plannings. Provincial-level People’s Committees shall determine and manage land funds reserved for road infrastructure construction projects according to the approved planning.

2. The proportion of land for urban traffic to urban construction land must be between 16% and 26%. The Government shall prescribe specific land proportions suitable to each type of urban centers.

Article 43. Land areas reserved for roads

1. A land area reserved for a road includes the land for such road and the road safety corridor.

2. Within a land area reserved for a road, it is strictly forbidden to build other works, except for a number of essential projects which cannot be built outside such area, provided that permission of competent agencies is obtained, including defense and security works, road administration and exploitation works, telecommunications and electricity works, water supply and drainage, petrol, oil and gas pipelines.

3. Within a road safety corridor, in addition to complying with Clause 2 of this Article, the road safety corridor land may be temporarily used for agricultural and advertisement purposes without affecting road work and traffic safety. The erection of advertisement billboards within the road safety corridor is subject to written approval of road administration agencies.

4. Current users of law-recognized land areas within the road safety corridor may continue using these land areas for already identified purposes without impeding the safe protection of road works.

If such land use affects the safe protection of road works, land users and work owners shall take measures to redress the problem; otherwise the State will recover the land areas and pay compensations under law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 44. Assurance of technical requirements and traffic safety of road works

1. Newly built, upgraded or renovated road works must ensure technical standards and conditions on traffic safety for road users and vehicles in traffic, including pedestrians and disabled people. Urban roads must have pavements, road sections, flyovers and tunnels and traffic organized for pedestrians and disabled people to travel safely and conveniently.

2. Road works must be appraised in terms of traffic safety from the time of project elaboration, designing and construction and throughout the use process. Investment deciders and investors shall take into account traffic safety appraisal results for additional approval of projects.

3. Urban centers, industrial parks, economic zones, residential areas, commercial and service quarters and other works must have collector road systems built outside the road safety corridor; and ensure a distance from national highways as stipulated by the Government.

4. Road connection is provided as follows:

a/ Collector roads must be connected to branch roads, if branch roads are available;

b/ If branch roads or collector roads are to be directly connected to the main road, their connection points must be permitted by a competent road state administration agency right at the stage of project formulation and designing;

c/ The connection of paths from urban centers, industrial parks, economic zones, residential areas, commercial and service quarters and other works to roads must comply with regulations of the Minister of Transport.

5. Along with highway sections running through residential areas, there must be collector roads to serve people’s daily-life activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Road sign works include:

a/ Traffic light signals:

b/ Signs;

c/ Marker posts, barriers or protection fences;

d/ Road markings;

e/ Milestones;

f/ Other sign works.

2. Before being put into use, roads must be fully equipped with road sign works according to the approved designs.

3. It is prohibited to affix to road sign works any objects not related to the meanings and purposes of road sign works.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Investment in the construction of road infrastructure facilities is investment in the construction, upgrading and renovation of road infrastructure facilities.

2. Investment in the construction of road infrastructure facilities must be in line with the road transportation planning already approved by competent authorities; comply with the process of investment and construction management and other legal provisions; and ensure technical standards of different grades of roads, landscape and environmental protection.

3. Vietnamese and foreign organizations and individuals may invest in the construction and commercial operation of road infrastructure facilities in accordance with law.

4. Competent People’s Committees shall assume the prime responsibility for ground clearance according to land recovery decisions of competent state agencies and create favorable conditions for organizations and individuals to invest in the construction and commercial operation of road infrastructure facilities.

5. Road infrastructure facilities, once constructed, upgraded or renovated, must be checked by competent agencies before it can be put into use.

Article 47. Construction of works on road currently in use

1. The construction of works on roads currently in use may be carried out only after permits of competent state agencies are obtained and must be in line with such permits and the law on construction.

2. In the course of construction, construction units shall put up signs and temporary fences at construction sites and take measures to ensure uninterrupted and safe traffic.

3. The construction or works on urban roads must comply with the provisions of Clauses 1 and 2 of this Article and the following provisions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ There must be construction plans and schedules suitable to the characteristics of each street to ensure no traffic congestion;

c/ Upon the completion of construction, the road must be restored to its original conditions; for underground works, a dossier on construction completion must be compiled and handed over to the road administration agency.

4. Construction units shall take responsibility before law for failure to take measures to ensure uninterrupted and safe traffic according to regulations, for the occurrence of traffic accidents, traffic jams or serious environmental pollution.

Article 48. Road administration and maintenance

1. Road maintenance means activities of maintaining and repairing roads in order to preserve technical standards of roads currently in use.

2. Roads, after being put into use, must be administered and maintained as follows:

a/ Monitoring of the conditions of road works; organization of traffic; examination and inspection of the protection of road infrastructure facilities;

b/ Regular maintenance and regular and irregular repair.

3. Road administration and maintenance responsibilities are defined as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Provincial-level People’s Committees are responsible for the systems of provincial roads and urban roads. The administration and maintenance of systems of district and commune roads shall be prescribed by provincial-level People’s Committees;

c/ Special-use roads and roads not under state management and exploitation and roads built with non-state budget funding sources shall be administered and maintained by investors according to regulations.

4. The Minister of Transport shall issue regulations on road administration and maintenance.

Article 49. Financial sources for road administration and maintenance

1. Fundings for the administration and maintenance of national highways and local roads come from road maintenance funds.

Fundings for the administration and maintenance of special-use roads and roads not under state management and exploitation and roads built with non-state budget funding sources are covered by their administration and exploitation organizations and individuals.

2. Road maintenance funds shall be formed from the following sources:

a/ Annual state budget allocations;

b/ Revenue sources related to road use and other revenue sources as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 50. Building of level crossings between roads and railroad tracks

The construction of level crossings between roads and railroad tracks is subject to permission of competent state agencies, and must have designs which ensure technical standards and traffic safety conditions and have been approved by competent state agencies according to regulations of the Minister of Transport.

Article 51. Car terminals, parking lots, roadside service stations, vehicle mass inspection stations and road toll stations

1. In urban centers, the construction of working offices, schools, hospitals, trade and service centers, cultural centers and residential quarters must include the construction of parking lots suitable to the works’ sizes.

2. Car terminals, parking lots and roadside service stations must be built according to plannings already approved by competent state agencies, and must ensure technical standards.

3. Toll stations, where tolls for vehicles operating on the roads are collected, shall be built according to plannings or investment projects approved by competent sate agencies. Toll stations’ operations must ensure uninterrupted and safe traffic.

4. Vehicle mass inspection stations, where road administration agencies collect information on, analyze and assess the impacts of vehicle mass and size limits on road safety; inspect and handle violations of vehicles with sizes and mass in excess of the permitted size limits of roads, and caterpillars traveling on roads, shall be built according to a master plan elaborated by the Ministry of Transport and approved by the Prime Minister.

In case of necessity to protect road infrastructure facilities, the Minister of Transport shall decide on setting up temporary vehicle mass inspection stations.

5. The Minister of Transport shall issue regulations on technical specifications of car terminals, parking lots, roadside service stations, toll stations and vehicle mass inspection stations; and on the organization and operation of toll stations and vehicle mass inspection stations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Protection of road traffic infrastructure facilities covers ensuring safety and use life of road works and taking measures to prevent, stop and handle acts of illegally infringing upon road infrastructure facilities.

The protected area of road infrastructure facilities covers land areas of roads, road safety corridors, the space over and the subterranean and underwater spaces related to road work and traffic safety.

2. Organizations and individuals licensed to construct, renovate, expand and maintain works and carry out other activities within the protected area of road infrastructure facilities shall carry out these activities in accordance with law.

3. Road work administration units shall ensure works’ technical safety and take joint responsibility for traffic accidents occurring due to the quality of works under their administration; if detecting that road works are damaged or at risk of endangering traffic, they shall promptly repair them, and take measures to prevent, combat and promptly remedy consequences caused to road works by natural disasters.

4. Road infrastructure facility protection responsibilities are defined as follows:

a/ The Ministry of Transport shall organize and guide the road infrastructure facility protection; examine and inspect the implementation of the law on road infrastructure facility administration and protection;

b/ The Ministry of Public Security shall direct and guide the police in examining and handling violations of the law on road infrastructure facility protection according to its competence;

c/ The People’s Committees at all levels shall organize the protection of road infrastructure facilities in their localities; and protect road safety corridors in accordance with law;

d/ Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their respective tasks and powers, join in protecting road infrastructure facilities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Those who detect that road works are damaged or infringed upon or road safety corridors are illegally occupied shall promptly report such to the nearest People’s Committees, road administration agencies or police offices for handling; in case of necessity, they shall take measures to notify road users thereof. Upon receiving reports, responsible agencies shall quickly take remedial measures to ensure uninterrupted and safe traffic.

Chapter IV.

VEHICLES JOINING IN ROAD TRAFFIC

Article 53. Conditions for motor vehicles to join in road traffic

1. Automobiles of proper types allowed to join in road traffic must satisfy the following quality, technical safety and environmental protection criteria:

a/ Being equipped with an effective brake system;

b/ Being fitted with an effective steering system;

c/ The steering wheel is on the left side of the automobile; for a foreigner’s overseas-registered automobile with a right-handed steering wheel, to join in road traffic in Vietnam, it must comply with the Government’s regulations;

d/ Being fully equipped with driving and passing lamps, registration plate lamp, stop lamp and signal lamps;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Having sufficient rear-view mirrors and other equipment and devices to ensure the operator’s visibility;

g/ Having the windscreen and windows made of safety glass;

h/ Having a horn of standard volume;

i/ Being fully equipped with an exhaust silencer, an exhaust pipe and other equipment and devices to ensure exhaust gas and noise up to environmental standards;

j/ Their structures are durable enough and ensure stable operation.

2. Motorcycles, three-wheeled motor vehicles and mopeds of right types allowed to join in road traffic must satisfy the quality, technical safely and environmental protection standards prescribed at Points a, b, d , e, f, h, i and j, Clause 1 of this Article.

3. Motor vehicles must have registration papers and number plates, granted by competent state bodies.

4. The Government shall stipulate the use life limits of motor vehicles.

5. The Minister of Transport shall prescribe quality, technical safety and environmental protection standards of motor vehicles permitted to join in road traffic, except for army and police motor vehicles used for defense and security purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Motor vehicles of lawful origin and satisfying the quality, technical safety and environmental protection standards under this Law will be granted registration papers and number plates by competent state agencies.

2. The Minister of Public Security shall stipulate and organize the grant of registration papers and number plates for motor vehicles of all kinds; the Minister of Defense shall stipulate and organize the grant of registration papers and number plates for army motor vehicles used for defense purposes.

Article 55. Assurance of quality, technical safety and environmental protection standards of motor vehicles joining in road traffic

1. The manufacture, assembly, modification, repair, maintenance and import of motor vehicles to join in road traffic must comply with regulations on quality, technical safety and environmental protection standards. It is strictly forbidden to transform automobiles of other types into passenger cars.

2. Owners of vehicles may not alter the structure, components or systems of their motor vehicles against the manufacturer designs or modification designs already approved by competent agencies.

3. Automobiles and trailers or semi-trailers pulled by automobiles joining in road traffic must be periodically inspected in terms of technical safety and environmental protection (below referred to as inspection).

4. The heads of register units and persons directly conducting inspection shall take responsibility for the confirmation of inspection results.

5. Vehicle owners and drivers shall maintain the technical status of their vehicles joining in road traffic according to the prescribed standards between two inspections.

6. The Minister of Transport shall stipulate conditions, standards for and grant of permits to motor vehicle register units; and stipulate and organize the inspection of motor vehicles. The Minister of Defense and the Minister of Public Security shall stipulate and organize the inspection of army and police motor vehicles used for defense and security purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When joining in traffic, rudimentary vehicles of all kinds must satisfy the conditions on road traffic safety.

2. Provincial-level People’s Committees shall specify the operation conditions and scope of rudimentary vehicles in their localities.

Article 57. Conditions for special-use vehicles to join in traffic

1. Satisfying the following quality, technical safety and environmental protection criteria:

a/ Having an effective brake system;

b/ Having an effective steering system;

c/ Having lamps;

d/ Ensuring the operator’s visibility;

e/ Special-use parts must be fitted firmly at right positions, ensuring safety while traveling;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Having a registration paper and number plate granted by competent state agencies.

3. Operating within the prescribed area, ensuring safety for people, vehicles and road works while traveling.

4. The manufacture, assembly, modification, repair and import of special-use vehicles must comply with regulations on quality, technical safety and environmental protection.

5. The owners and operators of special-use vehicles shall maintain the technical safety conditions and have them inspected as prescribed for special-use vehicles in road traffic.

6. The Minister of Transport shall issue specific regulations on quality, technical safety and environmental protection, the grant and withdrawal of registration papers and number plates; determine a list of special-use vehicles subject to inspection and organize the inspection; the Minister of Defense and the Minister of Public Security shall stipulate and organize the grant and withdrawal of registration papers and number plates and the inspection of army and police special-use vehicles used for defense and security purposes.

Chapter V.

OPERATORS OF VEHICLES JOINING IN ROAD TRAFFIC

Article 58. Conditions for drivers of vehicles to join in traffic

1. Drivers of vehicles to join in traffic must be of the age and in good health as prescribed in Article 60 of this Law, and proper driver licenses for the types of vehicle they are permitted to operate, which are granted by competent state agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When operating a vehicle, the driver shall carry the following papers:

a/ Vehicle registration paper;

b/ Driver license, for motor vehicle operators defined in Article 59 of this Law;

c/ Technical safety and environmental protection inspection certificate, for motor vehicles prescribed in Article 55 of this Law;

d/ Motor vehicle owner civil liability insurance certificate.

Article 59. Driver licenses

1. Depending on types, engine capacity, mass and utilities of motor vehicles, driver licenses are classified into driver licenses with unlimited validity and driver licenses with limited validity.

2. Driver licenses with unlimited validity are of the following categories:

a/ Category A1, granted to drivers of motorcycles with a cylinder capacity of between 50 cm3 and under 175 cm3;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Category A3, granted to drivers of three-wheeled motor vehicles and those prescribed for category-A1 driver licenses and similar vehicles.

3. Disabled people operating three-wheeled motor vehicles designed for them shall be granted category-A1 driver licenses.

4. Driver licenses with limited validity are of the following categories:

a/ Category A4, granted to drivers of tractors of a mass of up to 1,000 kg;

b/ Category B1, granted to non-professional drivers of passenger cars of up to 9 seats, trucks and tractors of a mass of under 3,500 kg;

c/ Category B2, granted to professional drivers of passenger cars of up to 9 seats, trucks and tractors of a mass of under 3,500 kg;

d/ Category C, granted to drivers of trucks and tractors of a mass of 3,500 kg or higher and vehicle types prescribed for category-B1 and -B2 driver licenses;

e/ Category D, granted to drivers of passenger cars of between 10 and 30 seats and vehicle types prescribed for category-B1, -B2 and -C driver licenses;

f/ Category E, granted to drivers of passenger cars of over 30 seats and vehicle types prescribed for category-B1, -B2, -C and -D driver licenses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Driver licenses are valid nationwide and in the territories of countries or territories with which Vietnam has signed mutual driver license recognition commitments.

Article 60. Age and health of drivers

1. The driver age is prescribed as follows:

a/ Persons aged full 16 years or older may drive mopeds with a cylinder capacity of under 50 cm3;

b/ Persons aged full 18 years or older may drive motorcycles, three-wheeled motor vehicles with a cylinder capacity of 50 cm3 or higher and vehicles with similar structure; trucks, tractors with a mass of under 3,500 kg; passenger cars of up to 9 seats;

c/ Persons aged full 21 years or older may drive trucks, tractors with a mass of 3,500 kg or more; category-B2 vehicles pulling trailers (FB2);

d/ Persons aged full 24 years or older may drive passenger cars of between 10 and 30 seals; category-C vehicles pulling trailers or semi-trailers (FC);

e/ Persons aged full 27 years or older may drive passenger cars of over 30 seals; category-D vehicles pulling trailers (FD);

f/ The maximum age of drivers of 30 seat-plus passenger cars is 50 for women and 55 for men.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 61. Driver training, examination to grant driver licenses

1. Driver training establishments are categorized as job training establishments, must meet all adequate conditions on classrooms, driving practice grounds and vehicles, driving instructors, course books and teaching materials and possess a license as prescribed.

2. Driver training establishments must comply with the contents and programs prescribed for each kind and category of driver license.

3. Persons who wish to have driver licenses of categories A1, A2, A3, A4 and B1 must be trained. Persons who wish to have driver licenses of categories B2, C, D, E and driver licenses of category F must be trained on a full-time basis at training establishments.

4. Training for driver license upgrading shall be conducted for the following cases:

a/ Upgrading driver licenses from category B1 to B2;

b/ Upgrading driver licenses from category B2 to C or D;

c/ Upgrading driver licenses from category C to D or E;

d/ Upgrading driver licenses from category D to E;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Persons who wish to attend training for upgrading their driver licenses, in addition to satisfying the conditions prescribed in Clause 4 of this Article, must have a sufficient driving duration and a number of safe driving kilometers prescribed for each category of driver license; persons who wish to attend training for upgrading their driver licenses to category D or E must have at least completed lower secondary education.

6. The training of drivers of passenger cars of 10 seats or more and drivers of vehicles with trailers may only be conducted in the form of training for category upgrading under the conditions prescribed in Clauses 4 and 5 of this Article.

7. Examinations for the grant of driver licenses must be held at driver examination centers. Driver examination centers must be built according to planning, with material- technical foundations meeting the driver examination requirements as prescribed.

8. Driver examiners must possess an examiner card and shall take responsibility for the results of their examination.

9. Persons who have been trained and passed examinations shall be granted driver licenses of proper category.

For driver licenses with limited validity, before their expiration, drivers shall have heath checks and carry out the presented procedures for renewal of their driver licenses.

10. The Minister of Transport shall specify the conditions and criteria for and grant permits to training establishments; prescribe the training forms, contents and programs; examine, grant and renew driver licenses; the Minister of Defense and the Minister of Public Security shall issue regulations on training establishments, organization of training, examinations, grant and renewal of driver license for army and police forces performing defense and security tasks.

Article 62. Conditions for operators of special-use vehicles joining in traffic

1. Operators of special-use vehicles joining in traffic must reach eligible age and physically fit for their occupations, and possess a certificate of training in road traffic law, a license or certificate for operating special-use vehicles, granted by a special-use vehicle operator training establishment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Vehicle registration paper;

b/ Certificate of training in road traffic law, a license or certificate for operating special-use vehicles;

c/ Technical safety and environmental protection inspection certificate, for special-use vehicles prescribed in Article 57 of this Law.

Article 63. Conditions on operators of rudimentary vehicles in traffic

1. Being physically fit for safe operation of vehicles.

2. Being knowledgeable about road traffic rules

Chapter VI.

ROAD TRANSPORTATION

Section 1. ROAD TRANSPORTATION ACTIVITIES.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Road transportation activities include non­-commercial road transportation and commercial road transportation. Commercial road transportation is a conditional business as presented by law.

2. Commercial road transportation includes commercial passenger transportation and commercial cargo transportation.

3. Road transportation activities must be in line with the road transportation planning and transportation route network.

Article 65. Working time of automobile drivers

1. In a day, an automobile driver must work for 10 hours at most and must not be on the wheel for more than 4 hours in a row.

2. Carriers and automobile drivers shall comply with Clause 1 of this Article.

Article 66. Commercial transportation by car

1. Commercial passenger transportation by car includes:

a/ Commercial passenger transportation along fixed routes with identified departure and destination stops according to given schedules and itineraries;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Commercial passenger transportation by taxi according to schedules and itineraries requested by passengers, and charges calculated according to taxi meters;

d/ Commercial passenger transportation under transportation contracts, without fixed routes;

e/ Tourist transportation according to tourist routes, programs and destinations.

2. Commercial cargo transportation by car includes:

a/ Ordinary commercial cargo transportation;

b/ Commercial cargo transportation by taxi truck;

c/ Commercial transportation of extra-long and extra-heavy cargoes;

d/ Commercial transportation of dangerous cargoes.

3. The Government shall issue specific regulations on commercial transportation by car.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Enterprises, cooperatives and households conducting commercial transportation by car must fully meet the following conditions:

a/ Making registration for commercial transportation by car under law;

b/ Ensuring the quantity, quality and use life of vehicles suitable to the business form; fitting travel monitoring devices on their vehicles according to the Government’s regulations;

c/ Ensuring the number of drivers and attendants suitable to the business plan and signing written labor contracts with them; attendants working on vehicles must be trained in transportation business skills and traffic safety; it is forbidden to employ drivers who are banned from driving under law;

d/ Persons who directly manage transportation activities of enterprises and cooperatives must possess transportation qualifications;

e/ Owning a parking lot suitable to the size of enterprise, cooperative or household, ensuring requirements of order, safely, fire and explosion prevention and fight, and environmental sanitation.

2. Only enterprises and cooperatives may conduct commercial passenger transportation along fixed routes, commercial passenger transportation by bus or by taxi, and must fully meet the following conditions:

a/ The conditions specified in Clause 1 of this Article;

b/ Having a section in charge of traffic safety conditions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Only enterprises and cooperatives may conduct commercial cargo transportation by container and must fully meet the conditions specified in Clause 1 and Point b, Clause 2, of this Article.

4. The Government shall issue specific regulations on conditions on and licensing of commercial transportation by car.

Article 68. Passenger transportation by car

1. Carriers and passenger car drivers shall comply with the following provisions:

a/ To embark and disembark passengers at prescribed places;

b/ Not to carry passengers on the car roofs or luggage compartments or let passengers cling to cars from the outside;

c/ Not to carry dangerous goods, fetid goods, animals or other goods adversely affecting passenger health;

d/ Not to carry passengers, luggage and cargo in excess of the prescribed mass or passenger number;

e/ Not to load cargo in passenger cabins; to take measures to keep the cars clean.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 69. Rights and obligations of passenger transportation dealers

1. The passenger transportation dealer has the following rights:

a/ To collect transportation fares and freights;

b/ To refuse to transport before the vehicles leave the car terminal or embarking positions or to disembark under transport contracts persons who possess tickets or are named in the contracts but commit acts of disturbing public order, obstructing the transport dealer’s work, affecting the health and property of others or cheating in tickets, or passengers suffering a dangerous disease.

2. The passenger transportation dealer has the following obligations:

a/ To fully realize the commitments on transport quality or fully perform transport contracts;

b/ To buy insurance for passengers, with insurance premiums included in passenger tickets;

c/ To hand tickets and freight receipts to passengers;

d/ To pay compensation for damage caused by their employees or representatives when performing jobs assigned by them;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Minister of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Minister of Transport in, prescribing passenger tickets and freight receipts.

Article 70. Responsibilities of drivers and attendants working on passenger cars

1. To check their cars’ safety conditions before setting off.

2. To show civilized and polite behaviors and guide passengers to their right seats.

3. To check the arrangement and tie up luggage and cargo to ensure safety.

4. To take measures to protect passengers’ lives, health and property, and maintain order and sanitation in their cars;

5. To close the doors before and during the time the cars move.

Article 71. Rights and obligations of passengers

1. Passengers have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To pay no freight for luggage not exceeding 20 kg and of a size suitable to the car’s design;

c/ To refuse transport before the car sets off and be refunded ticket money according to regulations of the Minister of Transport.

2. Passengers have the following obligations:

a/ To buy tickets and pay freights for carried luggage in excess of the prescribed limit;

b/ To be present at the places of departure on time as agreed upon; to observe transport regulations; to comply with the instructions of the driver and attendants to ensure traffic order and safety;

c/ Not to carry luggage and goods banned by law from circulation.

Article 72. Cargo transportation by car

1. The transportation of goods by car must comply with the following provisions:

a/ Cargoes transported on cars must be tidily arranged and securely tied up;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The following acts are prohibited:

a/ Transporting cargoes beyond the designed mass or beyond the size limits permitted for the car;

b/ Carrying people in a car’s body, except for the case specified in Clause 1, Article 21 of this Law.

3. The Minister of Transport shall prescribe the organization and management of cargo transport by car.

Article 73. Rights and obligations of cargo transportation dealers

1. The cargo transportation dealer has the following rights:

a/ To request the transportation charterer to supply necessary information on the cargo for writing in transportation papers and examine the accuracy of such information;

b/ To request the transportation charterer to fully pay freights and arising expenses; to request the transportation charterer to pay compensations for damage caused by breaches of contract;

c/ To refuse transportation if the transportation charterer fails to deliver cargoes as agreed upon in their contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The cargo transportation dealer has the following obligations:

a/ To provide vehicles of proper type, at the time and place and deliver cargo to consignees as agreed upon in contracts;

b/ To guide the loading and unloading of cargo on vehicles;

c/ To pay compensation to the transportation charterer for cargo losses or damage in the course of transportation from the receipt to delivery of cargo, except for cases of exemption as prescribed by law;

d/ To pay compensation for damage caused by his/her employees or representatives when performing jobs assigned by him/her;

e/ To take responsibility for consequences caused by his/her employees or representatives in complying with his/her requests in contravention of this Law.

3. The Government shall prescribe liability limits of cargo transportation dealers.

Article 74. Rights and obligations of cargo transportation charterers

1. The cargo transportation charterer has the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To request the transportation dealer to deliver cargo at the time and place as agreed upon in the contract;

c/ To request the transportation dealer to pay compensation for damage according to law.

2. The cargo transportation charterer has the following obligations:

a/ To prepare adequate lawful papers on the cargo before delivering it to the transportation dealer; to package the cargo according to specifications with sufficient and clear signals and codes; to deliver cargo to the transportation dealer at the time and place according to other instructions stated in the cargo delivery document;

b/ To fully pay freights and arising expenses for the cargo transportation dealer;

c/ To appoint persons to escort the cargo in the course of transportation, for cargo requiring escorts.

Article 75. Rights and obligations of cargo consignees

1. The cargo consignee has the following rights:

a/ To receive and check the received cargo against the transport paper or equivalent document;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To request or notify the transportation charterer to request the transportation dealer to pay compensations for cargo damage or loss;

d/ To request cargo survey when necessary.

2. The cargo consignee has the following obligations:

a/ To receive the cargo at the time and place as agreed upon; to produce the transport paper and personal identity paper to the transport dealer before receiving the cargo;

b/ To pay expenses for late cargo receipt.

Article 76. Transportation of extra-long and extra-heavy cargo

1. Extra-long or extra-heavy cargo means goods of a size or weight exceeding the prescribed limits but impossible to disassemble.

2. Extra-long or extra-heavy cargo must be transported on trucks suitable to such type of cargo and require a road use permit granted by a competent state agency.

3. Extra-long or extra-heavy cargo-transporting trucks must travel at a speed prescribed in their permits and have signals on the size of the cargo; when necessary, persons conducting traffic must be deployed to ensure traffic safety.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 77. Transportation of live animals

1. Depending on species of live animals, the transportation dealer may request the transportation charterer to arrange an escort to take care of these animals in the course of transportation

2. The transportation charterer is responsible for loading and unloading live animals under the guidance of the transportation dealer; if unable to do so; the transportation charterer shall pay freights and loading and unloading charges to the transportation dealer.

3. The transportation of live animals on roads must observe the laws on hygiene, epidemic prevention and environmental protection.

Article 78. Transmutation of dangerous cargo

1. Cars carrying dangerous cargo must acquire permits granted by competent state agencies.

2. Cars carrying dangerous cargo may not stand and park at crowded places or danger-prone places.

3. The Government shall prescribe a list of dangerous cargo, the transportation of dangerous cargo and the competence to grant permits for transportation of dangerous cargo.

Article 79. Road transportation in urban areas

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Drivers of passenger taxis or cargo taxis may embark and disembark passengers or load and unload cargo as agreed upon with passengers or cargo owners but shall comply with regulations on traffic safety.

3. Cargo trucks must operate along prescribed routes, within areas and according to schedules prescribed for each type of truck.

4. Rubbish vans and trucks carrying scraps or loose materials must be covered in order to prevent them from dropping on streets; if letting them drop, the carrier shall promptly clean up the streets.

5. Provincial-level People’s Committees shall issue specific regulations on road transportation in urban areas and the proportion of mass transit vehicles to meet the travel need of disabled persons.

Article 80. Passenger and cargo transportation by rudimentary vehicles, mopeds, motorcycles, three-wheeled motor vehicles and the like

1. The use of rudimentary vehicles, mopeds, motorcycles, three-wheeled motor vehicles and the like for carrying passengers and cargo must comply with regulations on traffic order and safety.

2. The Minister of Transport shall prescribe the implementation of Clause 1 of this Article.

3. Basing themselves on regulations of the Minister of Transport, provincial-level People’s Committees shall detail the implementation thereof in localities.

Article 81. Multi-modal transportation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Government shall issue specific regulations on multi-modal transportation.

Section 2. ROAD TRANSPORTATION SUPPORT SERVICES

Article 82. Road transportation support services

1. Road transportation support services include services at car terminals; parking lots and roadside service stations, and transportation agency, ticket sale agency, cargo collection, transshipment, warehousing and road transportation rescue services.

2. The Minister of Transport shall issue specific regulations on road transportation support services.

Article 83. Organization of operation of car terminals, parking lots and roadside service stations

1. The operation of passenger car terminals, cargo truck terminals, parking lots and roadside service stations must ensure order, safety, environmental sanitation, and fire and explosion prevention and fighting and submit to the management of local state management agencies.

2. Enterprises and cooperatives operating passenger car terminals have the right and obligation to arrange ticket sale offices or organize the sale of tickets to passengers under contracts with transport dealers; arrange cars fully meeting transportation business conditions to enter the terminals to take and discharge passengers according to proper routes.

3. Enterprises and cooperatives operating cargo truck terminals have the right and obligation to arrange trucks to enter the terminals to load and unload cargoes and cargo warehousing, consignment, packaging and preservation services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Enterprises and cooperatives operating roadside service stations have the right and obligation to organize services for road users and vehicles in road traffic; and to perform jobs under service contracts with carriers.

6. Provincial-level People’s Committees shall prescribe car terminal service charges based on the types of car terminals.

Chapter VII.

STATE MANAGEMENT OF ROAD TRAFFIC

Article 84. Contents of state management of road traffic

1. Formulating plannings, plans and policies on road transport development; drawing up and directing the implementation of the national program on road traffic safety.

2. Promulgating, and organizing the implementation of, legal documents on road traffic; regulations and standards for road traffic.

3. Propagating, disseminating and educating about the road traffic law.

4. Organizing the administration, maintenance and protection of road infrastructure facilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Managing driver training and examination; granting, renewing and withdrawing driver licenses and certificates of training in knowledge about the road traffic law.

7. Managing transportation activities and transportation support services; organizing road traffic rescue.

8. Organizing research and application of road traffic science and technologies; training road traffic technicians and technical workers.

9. Examining, inspecting, and settling complaints and denunciations; handling violations of the road traffic law.

10. Undertaking international cooperation in road traffic.

Article 85. State management responsibilities for road traffic

1. The Government shall perform the unified state management of road traffic.

2. The Ministry of Transport shall take responsibility to the Government for performing the state management of road traffic.

3. The Ministry of Public Security shall perform the tasks of state management of road traffic under this Law and other relevant laws; take measures to ensure traffic order and safety; and coordinate with the Ministry of Transport in protecting road infrastructure facilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Ministry of Defense shall perform the tasks of state management of road traffic under this Law and other relevant laws.

5. Ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies shall, within the scope of their tasks and powers, coordinate with the Ministry of Transport in performing the state management of road traffic.

6. The People’s Committees at all levels shall, within the scope of their tasks and powers, organize the state management of road traffic under this Law and other relevant laws on localities.

Article 86. Road inspectorate

1. The road inspectorate shall perform specialized inspection of road traffic.

2. The road inspectorate has the following tasks and powers:

a/ To inspect, detect, stop and sanction administrative violations in the observance of legal provisions on protection of road infrastructure, assurance of technical standards of road works; in urgent cases, in order to prevent possible consequences on road works, to stop vehicles and ask their operators to take measures to protect works in accordance with law and take responsibility for such decisions;

b/ To inspect, detect, stop and handle administrative violations in the observance of regulations on transportation activities and transportation support services at standing and parking points along roads, car terminals, parking lots, roadside service stations, vehicle mass inspection stations, toll stations and at road transportation enterprises;

c/ To inspect, detect, stop and sanction violations in driver training and examination, the grant, renewal and withdrawal of driver licenses, and the technical safety and environmental protection inspection of motor vehicles. The inspection and examination of army and police car drivers, and the grant, renewal and withdrawal of their driver licenses shall be stipulated by the Minister of Defense and the Minister of Public Security;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The organization and operation of the road traffic inspectorate comply with this Law and other relevant laws.

The Minister of Transport shall issue specific regulations on the tasks and powers of the road inspectorate.

Article 87. Patrol and control of road traffic police

1. The road traffic police shall patrol and control road users and vehicles in traffic; handle their violations of road traffic law and take responsibility before law for their decisions; coordinate with the road administration agency in detecting and stopping acts of violating regulations on protection of road works and road safety corridors.

2. The Minister of Public Security shall issue specific regulations on tasks, powers, forms and contents of patrol and control by road traffic police.

3. The Government shall stipulate the mobilization of other police forces and commune police to join the road traffic police in patrolling and controlling road traffic order and safety in necessary cases.

Chapter VIII.

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 88. Effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. This Law replaces the June 29, 2001 Law on Road Traffic.

Article 89. Implementation detailing and guidance

The Government and competent agencies shall detail and guide the implementation of articles and clauses of this Law as assigned; and guide other necessary provisions of this Law to meet state management requirements.

This Law was passed on November 13, 2008, by the XIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 4th session.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Phu Trong

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật giao thông đường bộ 2008

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


712.603

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.123.162
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!