iThong 14/12/2023 15:30 PM

Quy định cần biết về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
14/12/2023 15:30 PM

Cho tôi hỏi việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác được quy định như thế nào? - Quỳnh Thư (Hậu Giang)

Quy định cần biết về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

Quy định cần biết về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định cần biết về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

Theo Điều 47 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác như sau:

- Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác chỉ được tiến hành khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép và quy định của pháp luật về xây dựng.

- Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

- Thi công công trình trên đường đô thị phải tuân thủ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 47 Luật Giao thông đường bộ 2008 và các quy định sau đây:

+ Chỉ được đào đường để sửa chữa công trình hoặc xây dựng mới hầm kỹ thuật dọc theo đường hoặc ngang qua đường nhưng phải có kế hoạch hàng năm thống nhất trước với cơ quan quản lý đường bộ, trừ trường hợp có sự cố đột xuất;

+ Phải có phương án thi công và thời gian thi công thích hợp với đặc điểm từng đường phố để không gây ùn tắc giao thông;

+ Khi thi công xong phải hoàn trả phần đường theo nguyên trạng; đối với công trình ngầm phải lập hồ sơ hoàn công và chuyển cho cơ quan quản lý đường bộ.

- Đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Quy định về bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ

Quy định về bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ theo Điều 44 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ và người khuyết tật. Đường đô thị xây dựng phải có hè phố, phần đường, cầu vượt, hầm và tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận tiện.

- Công trình đường bộ phải được thẩm định về an toàn giao thông từ khi lập dự án, thiết kế, thi công, trước và trong quá trình khai thác. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp thu kết quả thẩm định an toàn giao thông để phê duyệt bổ sung vào dự án.

- Khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác phải có hệ thống đường gom được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; bảo đảm khoảng cách với quốc lộ theo quy định của Chính phủ.

- Việc đấu nối được quy định như sau:

+ Trường hợp có đường nhánh thì đường gom phải nối vào đường nhánh;

+ Trường hợp đường nhánh, đường gom nối trực tiếp vào đường chính thì điểm đấu nối phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và thiết kế;

+ Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác vào đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Bên cạnh tuyến quốc lộ đi qua khu dân cư phải có đường gom để phục vụ yêu cầu dân sinh.

3. Quy định về quản lý, bảo trì đường bộ

Quy định về quản lý, bảo trì đường bộ theo Điều 48 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Bảo trì đường bộ là thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác.

- Đường bộ đưa vào khai thác phải được quản lý, bảo trì với các nội dung sau đây:

+ Theo dõi tình trạng công trình đường bộ; tổ chức giao thông; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

+ Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.

- Trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ quy định như sau:

+ Hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm;

+ Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

+ Đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.

 

Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,364

Bài viết về

iThong

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn