ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2688/KH-UBND
|
Hải Dương, ngày
18 tháng 10 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG NGÀY 26 THÁNG 7
NĂM 2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN
TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
I. TÌNH HÌNH
BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG 08 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
Trong những năm qua, dưới sự
lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh Ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân tỉnh cùng với sự vào cuộc của các các cấp, các ngành, công tác bảo
đảm trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào sự
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến
nay, các cấp, các ngành và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện công
tác quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch tỉnh;
trong đó đã quy hoạch mới nhiều tuyến đường giao thông để liên kết vùng, các
tuyến đối ngoại, đối nội. Đồng thời tỉnh cũng đã ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để
đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm nguồn kinh phí cho bảo trì,
bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông; cùng với đó công tác
đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới
đường bộ được siết chặt… Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2024 tai nạn giao thông trên
địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và tăng cao cả về số vụ, số người chết và số
người bị thương do tai nạn giao thông. Do đó cần phải có giải pháp thiết thực,
hiệu quả để kiểm soát tai nạn giao thông ngày một tốt hơn.
II. THỰC TRẠNG
VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ VÀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Về kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ:
Hệ thống giao thông đường bộ
trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 14.799Km; trong đó đường cao tốc Hà Nội - Hải
Phòng, các tuyến QL5, QL18, QL38, QL38B, QL 17B… có tổng chiều dài 230Km chạy
qua đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và liên
kết giữa Hải Dương - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh lân cận; 25
tuyến đường tỉnh dài 496Km; đường huyện 485Km; đường đô thị 303Km; đường xã dài
1.272Km; đường thôn, ngõ, xóm và đường nội đồng, lô rừng, ra đồng, ra rừng dài
12.035Km đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá, đi lại của nhân dân. Trong đó, Sở
Giao thông vận tải được giao quản lý 110Km quốc lộ (QL17B dài 12,19Km; QL37 dài
63,75Km; QL38B dài 19,15Km) và các tuyến đường tỉnh; các đường huyện thuộc Ủy
ban nhân dân tỉnh huyện quản lý, đường xã thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh xã quản
lý.
2. Về hoạt
động vận tải đường bộ:
2.1. Hoạt động vận chuyển
hành khách
- Tuyến cố định: có 132 tuyến với
296 xe đi đến 35 tỉnh, thành phố.
- Tuyến xe buýt: có 12 tuyến
(không có trợ giá) với tổng số 155 phương tiện đi tới các tỉnh/thành phố: Hà Nội,
Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh và trung tâm các huyện, thị
xã, thành phố trong tỉnh với tần suất khoảng 30 phút/chuyến.
- Xe taxi: có 664 phương tiện của
13 doanh nghiệp.
- Xe hợp đồng: có 1.793 phương
tiện của 650 đơn vị; trong đó 550 xe hợp đồng tham gia vận chuyển công nhân chủ
yếu từ tuyến huyện/thành phố/thị xã đi/đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh,
ước tính mỗi ngày vận chuyển được khoảng 17.000 lượt công nhân, chất lượng
phương tiện xe thấp, chủ yếu xe đã qua nhiều năm sử dụng.
Những năm qua hoạt động vận tải
khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh cơ bản được quản lý tốt, đáp ứng được nhu cầu
đi lại của nhân dân. Đặc biệt là sau khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17
tháng 01 năm 2020 của Chính phủ có hiệu lực thi hành đã tạo sự thông thoáng
trong kinh doanh vận tải hành khách, chất lượng phương tiện và chất lượng dịch
vụ vận tải hành khách (tập trung là xe du lịch, xe tuyến cố định, xe taxi) ngày
càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.
Hoạt động xe buýt từ trung tâm
thành phố Hải Dương đi đến và đi qua 11 trung tâm các huyện, thị xã, thành phố
trên địa bàn tỉnh và các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh,
Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, hàng năm vận chuyển được gần 1 triệu lượt
hành khách, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.
Thực hiện Quyết định số
13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế,
chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở
Giao thông vận tải đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Nâng cao
chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn
2016 - 2020” thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay để các đơn vị thay thế được
72/138 phương tiện (tỉnh hỗ trợ 6,9 tỷ đồng).
Về cơ bản, mạng lưới vận tải
hành khách trên địa bàn tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, mặc dù tỷ
trọng sử dụng phương tiện xe buýt còn thấp.
2.2. Hoạt động vận tải hàng
hóa:
Trên địa bàn tỉnh hiện có
11.116 xe, trong đó xe công ten nơ có 1.712 xe, xe đầu kéo có 833 xe và ô tô tải
có 8.571 xe của 5.342 đơn vị (trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã là 732 đơn vị;
hộ kinh doanh là 4.610 đơn vị). Với số phương tiện nêu trên đáp ứng tốt nhu cầu
vận chuyển hàng hóa của nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Tình
hình tai nạn giao thông và nguyên nhân:
3.1. Tình hình tai nạn giao
thông:
Trong 8 tháng đầu năm 2024,
trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 497 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 155
người chết và làm 433 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2023 tăng 276 vụ
(tăng 124,9%), tăng 16 người chết (tăng 11,5%), tăng 300 người bị thương (tăng
225,6%). Trong đó:
- Trên đường bộ: đường cao tốc
và các tuyến quốc lộ chiếm 35,8% số vụ, 35,7% số người chết và 32,7% số người bị
thương; các tuyến đường tỉnh chiếm 32,8% số vụ, 33,1% số người chết và 32% số
người bị thương; các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn chiếm 12,8% số vụ,
11,7% số người chết và 15,7% số người bị thương; các tuyến giao thông đô thị
chiếm 17,7% số vụ, 18,8% số người chết và 19.5% số người bị thương;
- Trên đường sắt: xảy ra 02 vụ,
làm 01 người chết;
- Về phương tiện tai nạn giao
thông xảy ra chủ yếu giữa ô tô với mô tô/xe gắn máy là 157 vụ, làm chết 54 người
và làm bị thương 140 người; giữa mô tô với mô tô/xe gắn máy là 97 vụ, làm chết
24 người và làm bị thương 130 người; giữa mô tô/xe gắn máy với người đi bộ là
27 vụ, làm chết 10 người và làm bị thương 26 người; điều khiển mô tô/xe gắn máy
tự ngã là 61 vụ, làm chết 31 người và làm bị thương 46 người; còn lại là giữa
các phương tiện khác với nhau (xe thô sơ, xe tự chế, tai nạn liên hoàn…);
- Về độ tuổi: dưới 18 tuổi chiếm
13,16%; từ 18 đến dưới 27 tuổi chiếm 14,58%; từ 27 đến 55 tuổi chiếm 57,51%;
trên 55 tuổi chiếm 14,76%.
3.2. Nguyên nhân dẫn đến tai
nạn giao thông:
- Ý thức chấp hành quy tắc giao
thông của người tham gia giao thông còn kém.
- Sự gia tăng nhanh chóng của
phương tiện, nhất là phương tiện xe cá nhân (trung bình mỗi năm tỉnh ta đăng ký
mới khoảng 10.000 ô tô và 40.000 mô tô, xe máy; riêng ô tô tăng khoảng 9%/năm);
- Hệ thống kết cấu hạ tầng giao
thông chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số,
phương tiện; đặc biệt trên tuyến QL5, hiện nay lưu lượng phương tiện rất lớn (gấp
5 - 6 lần so với lưu lượng thiết kế chủ yếu là các phương tiện vận tải hàng hóa
(container) có trọng tải lớn); QL17B qua địa bàn huyện Kim Thành mặt đường
nhỏ hẹp (chỉ từ 5,5-7m), thường xuyên quá tải, ùn tắc; QL38 đoạn từ nút giao với
QL5 - Bắc Ninh phần lớn đi qua khu đông dân cư, không có vỉa hè, hành lang, dân
cư sinh sống buôn bán sát mép đường…; các tuyến đường tỉnh phần lớn được đầu tư
xây dựng đã lâu chưa được cải tạo nâng cấp (đa phần là cấp IV và cấp V) lưu lượng
phương tiện khai thác vượt lưu lượng thiết kế nhiều lần;
- Do đặc điểm của kết cấu hạ tầng
đường bộ ở nước ta là việc tổ chức giao thông chủ yếu theo hình thức hỗn hợp,
các loại phương tiện đi chung một phần đường, làn đường dễ dẫn đến va chạm, tai
nạn giao thông; trong khi các nút giao chủ yếu là giao bằng cùng mức đã ảnh hưởng
đến tốc độ lưu thông và gây xung đột, mất an toàn giao thông dẫn đến tai nạn
thường xảy ra tại các nút giao;
- Giao thông vận tải đường bộ vẫn
chiếm thị phần lớn; trong khi vận tải đường sắt, đường thủy nội địa là phương
thức vận tải an toàn hơn và có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa phát huy được
hiệu quả do kết cấu hạ tầng giao thông các loại hình này chưa được đầu tư, nâng
cấp;
- Công tác tuần tra, kiểm soát
xử lý vi phạm hiện nay chủ yếu thực hiện trực tiếp ngoài hiện trường, chưa ứng
dụng công nghệ để xử lý vi phạm theo hình thức phạt nguội nên chưa tạo được sự
răn đe nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy tắc của người tham gia giao
thông.
4. Những tồn
tại hạn chế:
4.1. Về kết cấu hạ tầng giao
thông:
- Các tuyến đường quốc lộ qua địa
bàn tỉnh đều vượt lưu lượng thiết kế, đặc biệt trên QL5 lưu lượng vượt 5 - 6 lần
dẫn đến thường xuyên bị ùn tắc, tiềm ẩn tai nạn giao thông; các tuyến QL37;
QL38; QL17B… phần lớn đi qua khu đông dân cư, không có vỉa hè, hành lang, dân
cư sinh sống buôn bán sát mép đường…;
- Hệ thống đường gom trên QL5 (còn
23 km/88 km chưa được đầu tư), đường gom đường sắt để xóa bỏ lối đi tự mở
chưa được hoàn thiện. Một số dự án xây dựng đường gom để đảm bảo an toàn giao
thông đã có trong kế hoạch đầu tư công nhưng triển khai còn chậm: dự án đường
gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua huyện Kim Thành), dự án đường gom
QL5 (đoạn qua huyện Cẩm Giàng);
- Các điểm giao cắt giữa đường
địa phương với quốc lộ, đường huyện, đường xã, đường đô thị với đường tỉnh và
giao cắt các tuyến trong đô thị tồn tại từ trước chủ yếu là các giao bằng đồng
mức chưa được đầu tư nâng cấp thành các giao cắt khác mức, một số nút giao còn
bất cập chưa được đầu tư đèn tín hiệu, chiếu sáng... nên gây ra nguy cơ xung đột
giao thông tại nút giao, tiềm ẩn mất an toàn giao thông;
- Các tuyến đường tỉnh vẫn còn đường
cấp V và cấp VI chiếm 65% (mặt đường rộng từ 3,5m - 5,5m, không đủ 2 làn xe
tiêu chuẩn), còn lại là đường cấp II, cấp III, cấp IV. Kết cấu mặt đường láng
nhựa chiếm 56,01% và mặt đường bê tông nhựa chiếm 40,42% còn lại là đường bê
tông xi măng chiếm 3,57% và 15/25 tuyến đường tỉnh có lưu lượng vượt nhiều lần
so với lưu lượng thiết kế gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn giao thông;
- Các tuyến đường huyện, đường
đô thị có quy mô chủ yếu là đường cấp IV - VI; còn lại là đường cấp III trở lên
chiếm tỷ lệ thấp. Các tuyến đường huyện, đường đô thị đã được bê tông hóa, nhựa
hoá 100%; Các tuyến đường giao thông nông thôn (xã, thôn, xóm, nội đồng) chủ yếu
mặt đường nhỏ hẹp, chất lượng xấu (đường đất chiếm 26,9%) lề đường thiếu, khuất
tầm nhìn, không đầy đủ hệ thống báo hiệu an toàn giao thông;
- Vi phạm về đất của đường bộ,
hành lang an toàn giao thông đường bộ còn nhiều, việc giải toả các vi phạm còn
chậm, nhiều vi phạm còn tồn tại từ những năm trước chưa được xử lý triệt để.
4.2. Về hoạt động vận tải đường
bộ:
a) Đối với tuyến cố định, taxi,
hợp đồng:
- Phương tiện xe ô tô cá nhân
tăng rất nhanh, trong khi nhiều tuyến đường được đầu tư mới tiện lợi nên người
dân có thói quen tự lái xe di chuyển trong cự ly ngắn và đi các tỉnh lân cận
(năm 2018 cả tỉnh có 65.000 phương tiện ô tô cá nhân, đến nay sau 05 năm số lượng
phương tiện xe ô tô cá nhân tăng lên 108.000 phương tiện, tăng trên 66%);
- Các tuyến xe khách cố định có
cự ly trên 500Km hiện nay có sự cạnh tranh rất lớn với hàng không, do lợi thế cạnh
tranh về giá, sự nhanh chóng và các tiện ích khác trong điều kiện kinh tế của
người dân ngày càng nâng cao, vì vậy vận tải hành khách cố định đường dài sụt
giảm mạnh;
- Lợi dụng kẽ hở và sự thông
thoáng của các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải, một số đơn vị đã sử
dụng xe hợp đồng (xe dạng Limousine và xe khách) để tổ chức thu tiền, đặt chỗ,
gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh (TP) như tuyến cố định, gây mất trật tự
an toàn giao thông và trật tự đô thị thường được gọi là “xe hợp đồng hoạt động
đón trả khách có lộ trình cố định”. Nhiều cá nhân sử dụng phương tiện cá nhân
không đăng ký kinh doanh vận tải đón trả khách hay còn gọi là “xe ghép”, “xe
100” chủ yếu là từ Hải Dương đi Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh lân cận;
- Tình trạng xe khách hoạt động
tuyến cố định bỏ bến ra ngoài tự tổ chức hoạt động, còn gọi là “chạy dù”, chạy
vòng vo tìm khách, gom khách đang có dấu hiệu gia tăng, làm ảnh hưởng đến hoạt
động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp chân chính, nhiều đơn vị kinh
doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã buộc phải xin giảm tần suất hoạt động
từ 20% - 40% lưu lượng/tháng, giảm số lượng xe vào bến đón khách.
b) Đối với loại hình xe buýt:
- Trước đây, số lượng công nhân
sử dụng phương tiện bằng xe buýt để đi làm khá lớn. Hiện nay, các Khu Công nghiệp,
Cụm Công nghiệp, nhà máy xí nghiệp đã dần dịch chuyển về các huyện, các xã để
tiếp cận nguồn lao động. Mặt khác, thực trạng hiện tại nguồn lao động đã dịch
chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt, để thu hút lao động và chủ động trong việc bố
trí công việc, hầu hết các doanh nghiệp bố trí xe tự đưa, đón công nhân dẫn đến
số lượng công nhân đi lại bằng xe buýt giảm mạnh;
- Chất lượng phương tiện một số
tuyến xe buýt còn thấp;
- Nghị định 10/2020/NĐ-CP và
các Thông tư quy định chi tiết Nghị định số 10/2020/NĐ-CP chưa có hướng dẫn về
xử lý chuyển tiếp đối với các tuyến xe buýt đang hoạt động được Ủy ban nhân dân
tỉnh Quyết định mở tuyến theo Nghị định 92/2001/NĐ-CP, Nghị định 110/2006/NĐ-CP
và Nghị định 91/2009/NĐ-CP;
- Ngày 18 tháng 4 năm 2022, Bộ
Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 511/QĐ-BGTVT hướng dẫn phương pháp
xây dựng một số định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho hoạt động vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt, tuy nhiên, đến nay hầu hết các tỉnh/thành phố
trong cả nước (trong đó có Hải Dương) vẫn chưa xây dựng được định mức kinh tế -
kỹ thuật, định mức chi phí cho dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt do còn thiếu nhiều cơ sở dữ liệu cần thiết, đòi hỏi phải khảo sát, đánh
giá...;
- Hoạt động của các đơn vị kinh
doanh xe buýt hầu hết còn gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách đi lại ít. Việc
xây dựng mức trợ giá nếu tổ chức đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các
đơn vị hiện đang kinh doanh xe buýt;
- Qua tham khảo các tỉnh, thành
phố trên cả nước, hiện mới có Thành phố Hà Nội (trợ 50% giá vé tháng đối với học
sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ,
nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng
theo hình thức tập thể), Thành phố Hồ Chí Minh (tùy vào cự ly, giá vé xe buýt
có trợ giá được thành phố ban hành thấp nhất là 5.000 đồng, cao nhất là 7.000 đồng/vé),
tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng thực hiện hỗ trợ theo chuyến;
các tỉnh như Vĩnh Phúc, Nghệ An cũng đang xây dựng và gặp nhiều khó khăn, vướng
mắc, các tỉnh còn lại đều đang gặp khó khăn, vướng mắc và chưa có chính sách trợ
giá..;
- Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 07 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động
về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các - bon và khí mê - tan của
ngành Giao thông vận tải, từ năm 2025 thì 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử
dụng điện hoặc năng lượng xanh. Tuy nhiên cơ chế hỗ trợ xe và trạm sạc chưa được
ban hành.
c) Đối với vận chuyển hàng hóa
bằng đường bộ:
Tình trạng các cá nhân, tổ chức
kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp
luật, chằng buộc, che chắn thùng thành xe không đúng quy định để vật liệu, hàng
hóa rơi, đổ xuống đường, vi phạm kích thước thành thùng xe (cơi nới thành thùng
xe), chở hàng quá tải… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện
tham gia giao thông.
4.3. Về tình hình tai nạn
giao thông:
- Tai nạn giao thông tăng cao cả
ba tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy tình hình trật tự an toàn giao
thông còn diễn biến phức tạp, khó lường; tai nạn giao thông xảy ra nhiều trên
các tuyến quốc lộ, đường tỉnh nhất là QL5, QL37 và QL38; QL.5 cũng là tuyến đường
hay xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mỗi khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông
và tại các khu vực nút giao, khu vực thi công sửa chữa;
- Tai nạn giao thông liên quan
đến trẻ em, thanh thiếu niên tăng cao, có 148 trẻ em trong tổng số 1.125 người
liên quan đến vụ tai nạn giao thông, chiếm 13,15% (năm 2023 là 11,39%, tỷ lệ
trung bình của cả nước độ tuổi dưới 18 năm 2023 là 7,8%). Trong đó, 108 vụ tai
nạn giao thông liên quan trực tiếp đến trẻ em, làm 27 trẻ em tử vong, 102 trẻ
em bị thương, so với cùng kỳ 2023 tăng 77 vụ (tăng 248%), tăng 07 người chết
(tăng 35%), tăng 70 người bị thương (tăng 219%). Vi phạm giao thông với đối tượng
là thanh thiếu niên, học sinh và công nhân, lao động còn phổ biến; đặc biệt là
học sinh không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn tín hiệu, điều khiển phương tiện khi
chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, công nhân đi ngược chiều đường…;
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ và những diễn biến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn
tỉnh như đã nêu, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ
thị số 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối
với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh
Hải Dương với những nhiệm vụ, giải pháp như sau:
III. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP
1. Đầu tư
xây dựng, quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông:
1.1. Giai đoạn 2024 - 2025:
a) Tập trung nguồn lực đẩy
nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến
đường bảo đảm đồng bộ về quy mô, kết cấu và các chỉ tiêu kỹ thuật, giải quyết
tình trạng bất cập hạ tầng, ùn tắc giao thông, cụ thể như sau:
- Tập trung hoàn thành các dự
án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo thời gian thực hiện dự
án đã được phê duyệt;
- Các dự án, công trình cần đầu
tư trong giai đoạn 2024 - 2025 và hoàn thành sau năm 2025, tập trung đẩy nhanh
tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư hoàn thành sớm đưa công trình vào
khai thác sử dụng.
* Thời gian thực hiện: 2024 -
2025.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối,
bố trí vốn để thực hiện trên cơ sở theo thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối vốn
của tỉnh.
* Cơ quan phối hợp: Sở Giao
thông vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
b) Tiếp tục rà soát, cải tạo, xử
lý ngay điểm đen tai nạn giao thông; phân
loại, ưu tiên xử lý điểm tiềm ẩn
nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại các tuyến đường, nút giao, khu vực có
tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp như khu vực trường học, chợ,
khu/cụm công nghiệp. Trong đó, tập trung xử lý các tồn tại, bất cập về hạ tầng
giao theo kiến nghị của Sở Giao thông vận tải tại Báo cáo số 1005/BC-SGTVT-P3
ngày 05 tháng 4 năm 2024 về việc rà soát, xử lý các bất cập hạ tầng, điểm tiềm ẩn
tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
* Thời gian thực hiện: 2024 -
2025.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải.
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
c) Rà soát lập danh mục đầu tư,
tổ chức lại giao thông tại các nút giao, đầu mối giao thông có tình hình trật tự
an toàn giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; tổ chức lại
giao thông trên các tuyến đường tỉnh và các tuyến nội đô; thực hiện các biện
pháp bảo đảm an toàn giao thông giờ cao điểm tại khu vực tập trung đông người
như trường học, chợ, bệnh viện, khu công nghiệp... Kiểm tra, rà soát, nghiên cứu
và đề xuất việc xây dựng nút giao khác mức tại các giao cắt phức tạp, thường
xuyên ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
* Thời gian thực hiện: 2024 -
2025.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
d) Xây dựng quy trình bảo trì
đường bộ đối với các tuyến đường của tỉnh theo quy định làm cơ sở triển khai
công tác bảo trì đường bộ.
* Thời gian thực hiện: hoàn
thành trong năm 2024.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
đ) Lập danh mục và triển khai
công tác bảo trì theo đề án được duyệt, danh mục công trình sửa chữa đột xuất.
* Thời gian thực hiện 2024 - 2025.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
e) Nghiên cứu đề xuất phương án
quy hoạch mở rộng lòng đường, vỉa hè; phương án phát triển hệ thống các bến xe,
các điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa đảm bảo hợp lý, phù hợp với tình
hình phát triển thực tế của từng địa phương, nhằm phục vụ tốt nhất việc đi lại
của nhân dân và lưu thông hàng hóa; bố trí trạm dừng nghỉ, nơi đỗ xe hợp lý để
xóa bỏ hoàn toàn tình trạng các phương tiện dừng đỗ trái phép trên lòng, lề đường
và vỉa hè.
* Thời gian thực hiện: 2024 -
2026.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Xây dựng; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan đơn vị được
giao nhiệm vụ tổ chức lập Quy hoạch xây dựng.
* Cơ quan phối hợp: Sở Giao
thông vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
g) Rà soát, từng bước thực hiện
lắp đặt camera giám sát theo dõi tổ chức giao thông và hoạt động vận tải tại
các đầu mối giao thông, ngã ba, ngã tư để kịp thời phát hiện những bất cập
trong tổ chức giao thông và phương tiện vi phạm, hướng tới xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực giao thông thông qua phạt nguội.
* Thời gian thực hiện: 2024 -
2025.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Thông tin và truyền thông;
* Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh
và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
h) Kiểm tra, đánh giá điều kiện
an toàn tại các cổng trường học, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa
bàn tỉnh đấu nối trực tiếp với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị và đề
xuất giải pháp thực hiện cải tạo bảo đảm an toàn, chống ùn tắc giao thông. Tổ
chức liên ngành thẩm tra an toàn giao thông đối với các "điểm đen",
"điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông trên địa bàn; chủ động phối hợp với
cơ quan quản lý đường bộ của trung ương, của tỉnh, có kế hoạch xử lý các
"điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
từ Quý IV năm 2024;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
i) Rà soát, điều chỉnh tổ chức
giao thông trên các tuyến phù hợp với thực tế kết cấu hạ tầng giao thông hiện
nay.
* Thời gian thực hiện: Thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
k) Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển
khai xây dựng đường gom QL5 và đường gom dọc các tuyến đường sắt để xóa bỏ các
lối đi tự mở theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ. Phấn đấu đến năm 2028 hoàn thành toàn bộ tuyến đường gom QL5.
* Thời gian thực hiện: 2024 -
2028;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Ban Quản lý đầu tư và xây dựng tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng và Kim
Thành;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
l) Tập trung kiểm tra, xử lý
nghiêm vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng, công trình đường bộ, hành lang an
toàn giao thông; giải tỏa, xử lý nghiêm tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường,
hè phố và hành lang an toàn đường bộ.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
1.2. Giai đoạn 2026 - 2030:
a) Các dự án, công trình dự kiến
đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 gồm:
Khảo sát, lập danh mục các dự
án theo thứ tự ưu tiên xử lý bất cập hạ tầng, nút thắt giao thông, xử lý các vị
trí tiềm ẩn tai nạn giao thông; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện
có đã xuống cấp, mặt đường hẹp, quá tải để đảm bảo an toàn giao thông và phát
huy tối đa hiệu quả của hệ thống giao thông khu vực; giải quyết các ý kiến, kiến
nghị của cử tri, chính quyền địa phương, công an (nếu có); xây dựng mới các tuyến
đường bộ, các cầu vượt sông, các nút giao thông khác mức quan trọng để tăng cường
kết nối với các tỉnh lân cận, kết nối giao thông khu vực và giao thông nội
vùng; chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến có vai trò tạo động lực cho sự phát
triển kinh tế xã hội của vùng, khu vực, địa phương.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải chủ trì ra soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập danh
mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
* Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
b) Tiếp tục rà soát, cải tạo, xử
lý ngay điểm đen tai nạn giao thông; phân loại, ưu tiên xử lý điểm tiềm ẩn nguy
cơ xảy ra tai nạn giao thông tại các tuyến đường, khu vực có tình hình trật tự
an toàn giao thông phức tạp như khu vực trường học, chợ, khu/cụm công nghiệp.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
2. Về quản
lý hoạt động vận tải đường bộ:
2.1. Quản lý phương tiện vận
tải đường bộ:
a) Quản lý chặt chẽ công tác
đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, trong đó đặc biệt quan tâm phương tiện
kinh doanh vận tải, bảo đảm phương tiện khi tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ
các yêu cầu về điều kiện an toàn kỹ thuật. Siết chặt quy trình, quy định trong
hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ; thường xuyên kiểm tra về
quy trình nghiệp vụ tại các trung tâm đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ;
nghiêm cấm mọi hành vi trục lợi, lợi dụng trong quá trình đăng kiểm để bỏ qua,
bỏ sót các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình đăng kiểm; xử lý triệt để các vi
phạm liên quan đến hoạt động đăng kiểm nhằm bảo đảm mọi phương tiện khi lưu
hành là phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
kiểm tra, thanh tra định kỳ;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
b) Tập trung công tác quản lý nhà
nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh
theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân. Siết
chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; kiểm soát đối với hoạt động vận tải
hành khách, vận tải hàng hoá, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại
các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, nhà ga, đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu); xử
lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi đề xuất
bến đối với xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định,
quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi
trường, lái xe không bảo đảm điều kiện điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải,
thiếu các giấy tờ theo quy định, xe hợp đồng và du lịch hoạt động trá hình, sử
dụng trụ sở công ty, văn phòng đại diện hoặc sử dụng các xe trung chuyển để đón
khách sai quy định, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi nhận được cảnh báo
các lỗi vi phạm từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình; quản lý chặt chẽ và
kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi
phạm pháp luật.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
c) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm,
có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng
xe ô tô trên địa bàn tỉnh theo quy định. Thông qua thiết bị giám sát hành
trình, camera giám sát trên phương tiện theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm lái
xe, chủ doanh nghiệp để phương tiện hoạt động có nhiều vi phạm hoặc vi phạm nhiều
lần; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có phương tiện xảy ra tai
nạn giao thông nghiêm trọng.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
định kỳ, đột xuất theo quy định;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
d) Phối hợp với lực lượng chức
năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh
doanh vận tải bằng xe ôtô để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức
nghiêm trọng trở lên.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
theo từng vụ việc;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
đ) Thường xuyên cập nhật cơ sở
dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải, danh sách
lái xe kinh doanh vận tải, các đơn vị thường xuyên vi phạm điều kiện kinh doanh
vận tải, rà soát loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, kinh doanh vận
tải khách du lịch, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng (Thuế, Công an,
Y tế) và các cơ quan khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng
nhiệm vụ. Nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe, quản lý doanh nghiệp kinh doanh
vận tải thông qua ứng dụng phần mềm (có kết nối để doanh nghiệp tự cập nhật
thông tin của đơn vị và lái xe), đồng thời là cơ sở dữ liệu để cung cấp cho các
cơ quan, đơn vị khi cần thiết.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
e) Xây dựng chính sách trợ giá
cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai
đoạn 2025 - 2030”; trong đó định hướng thay thế xe buýt mới sử dụng nhiên liệu
hóa thạch sang xe sử dụng điện, năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động
chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các - bon và khí mê - tan của
ngành Giao thông vận tải.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
từ năm 2025 và khi có hướng dẫn;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
g) Rà soát hệ thống báo hiệu
giao thông đường bộ có biển cấm xe khách (xem xét ưu tiên đối với loại hình tuyến
cố định, xe buýt) vào các tuyến phố gần khu vực các bến xe.
* Thời gian thực hiện: trong
2024 - Quý I năm 2025;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
h) Rà soát, tổng hợp số lượng
xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh, yêu cầu
các đơn vị kinh doanh vận tải và nhà trường thực hiện đúng quy định, đảm bảo an
toàn tuyệt đối trong quá trình đưa đón học sinh.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giáo dục và đào tạo;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
2.2. Quản lý người điều khiển
phương tiện:
a) Siết chặt và nâng cao công
tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; kiểm tra việc chấp hành các quy định của
pháp luật về đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn, kịp thời phát hiện và chấn
chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Không để
xảy ra việc cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực,
hành vi, sức khỏe để điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên và theo kế hoạch;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: Sở Y tế và
các cơ quan, đơn vị có liên quan.
b) Yêu cầu các đơn vị kinh
doanh vận tải ô tô trên địa bàn chủ động cam kết và thực hiện các quy định pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe
(khuyến khích có sự tham gia giám sát của các cơ quan liên ngành), cam kết
không sử dụng lái xe dương tính với ma túy và các chất cấm khác theo quy định
pháp luật.
* Thời gian thực hiện: từ quý
IV năm 2024 và trong các năm tiếp theo.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Sở Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
c) Tăng cường thanh tra, kiểm
tra các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khoẻ lái xe; xử lý vi phạm đối
với những cơ sở cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện khám đầy đủ các
nội dung theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao
thông, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan trên địa bàn tuyên truyền,
kiểm tra, giám sát việc thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe của đơn vị
kinh doanh vận tải có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Y tế;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
d) Kiểm tra ngẫu nhiên việc
khám sức khỏe cho lái xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải, giám sát, xử lý các
trường hợp không thực hiện đúng quy định;
* Thời gian thực hiện: từ quý
IV năm 2024 và các năm tiếp theo;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
đ) Khi phát hiện người điều khiển
phương tiện sử dụng ma túy và các chất cấm khác theo quy định pháp luật, ngoài
việc gửi thông tin cho chính quyền địa phương nơi lái xe cư trú, cần gửi thông
tin cho cơ quan có liên quan về Giao thông vận tải và y tế để cùng giám sát, quản
lý và xử lý theo quy định.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên.
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Công an tỉnh;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
e) Cập nhật các trường hợp lái
xe dương tính với ma túy và các chất cấm khác (thông qua khám sức khoẻ, thông
tin xử phạt từ cơ quan chức năng...) trên hệ thống dữ liệu điện tử khám sức khỏe
để cơ quan Công an, Giao thông vận tải, y tế cùng giám sát, quản lý.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Y tế;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
g) Điều tra, truy tố, xét xử,
thi hành án các vụ án tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn giao thông gây
hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải; thông qua công
tác giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải
tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của lái xe kinh doanh vận tải và người
dân trong chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Công an tỉnh, Viện kiểm soát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
h) Nghiên cứu, đề xuất bản án,
quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ đối với vụ
án có tình huống tai nạn giao thông điển hình như đi ngược chiều trên cao tốc,
đi xe máy vào cao tốc, chống người thi hành công vụ… theo hướng bảo vệ người đi
đúng quy định, nâng cao hiệu lực của quá trình thực thi công vụ”.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện
kiểm soát nhân dân và Tòa án nhân dân;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
i) Tổ chức hội nghị với các cơ
quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp khi xảy ra
tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn, triển khai
các giải pháp khắc phục và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên
quan.
* Thời gian thực hiện: khi xảy
ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
k) Tăng cường đầu tư cơ sở vật
chất, trang thiết bị y tế cơ bản, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ
y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm phục vụ tốt công tác cấp cứu tai nạn
giao thông.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Y tế;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
3. Về tuần
tra, kiểm soát, xử lý vi phạm:
3.1. Tập trung tuần tra, kiểm
soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn
giao thông, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao
thông nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô như vi phạm quy
định về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải trọng, "cơi nới"
thùng xe, chở quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng,
vi phạm tốc độ, tránh, vượt, đi sai phần đường, làn đường, chuyển làn không
đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng
giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả); Xử lý nghiêm tình trạng
“xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” “xe ghép”, “xe 100” và các hình
thức vận chuyển khách không đúng quy định.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Công an tỉnh;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
3.2. Thông qua các hoạt động tuần
tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông
để phát hiện, kiến nghị ngành giao thông khắc phục các "điểm đen",
"điểm tiềm ẩn" về tai nạn giao thông và các bất hợp lý về tổ chức
giao thông, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức chậm hoặc không khắc phục
các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" về tai nạn giao thông đã được
kiến nghị nhiều lần, để tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở
lên theo quy định của pháp luật.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Công an tỉnh;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
3.3. Kiểm tra, xử lý các vi phạm
về vận tải hàng hóa ngay tại các đầu mối xếp dỡ hàng hóa; xử lý nghiêm đơn vị bốc
xếp hàng hóa không đúng quy định; xử lý lái xe và doanh nghiệp vận tải chở hàng
quá tải trọng.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
theo kế hoạch.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
3.4. Tập trung kiểm tra, xử lý các
trường hợp xe ô tô hợp đồng đưa đón trẻ em mầm non, học sinh không bảo đảm điều
kiện kinh doanh vận tải, không bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật ngay từ đầu
năm học mới và trong năm học của học sinh.
* Thời gian thực hiện: ngay đầu
năm học mới và trong cả năm học;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Công an tỉnh;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
3.5. Phát động phong trào “Toàn
dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh các vi phạm hành
chính về trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý
theo quy định của pháp luật” trong quần chúng nhân dân (đảm bảo bí mật thông
tin của người phản ánh).
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Công an tỉnh;
* Cơ quan phối hợp: các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
4. Về
tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông:
Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao
thông chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông, do vậy, việc tuyên truyền,
giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông là giải pháp rất quan trọng.
Những tháng cuối năm 2024 và những năm tới cần tập trung thực hiện một số giải
pháp như sau:
4.1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các
cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nội dung tuyên truyền phải có
chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức, lòng tự trọng của người tham
gia giao thông, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn hóa giao thông
cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hướng dẫn, quán triệt tới các cấp ủy Đảng
về việc phổ biến, tuyên truyền tình hình trật tự an toàn giao thông, ký cam kết
không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trong cán bộ, đảng viên tại các
chi bộ Đảng.
* Thời gian thực hiện: quý IV
năm 2024 và thường xuyên.
4.2. Phổ biến, tuyên truyền
sâu, rộng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn
giao thông tới các đơn vị kinh doanh vận tải; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận
tải tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông đến từng cán bộ, nhân viên và người lao động, coi đây là nhiệm vụ thường
xuyên của các đơn vị; chú trọng lồng ghép tuyên truyền phổ biến các bài học
kinh nghiệm từ các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe kinh doanh vận tải; tấm
gương người tốt, việc tốt, các mô hình tiêu biểu trong bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông.
* Thời gian thực hiện: quý IV
năm 2024 và các năm tiếp theo.
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Giao thông vận tải.
* Cơ quan phối hợp: Hiệp Hội vận
tải ô tô Hải Dương.
4.3. Tuyên truyền đến các hộ
gia đình, người dân sinh sống dọc các tuyến đường mới đưa vào khai thác thực hiện
các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; kinh nghiệm tham gia
giao thông an toàn trên các tuyến đường mới, lái xe mới; các kiến thức và kỹ
năng điều khiển xe mô tô, xe máy trong điều kiện giao thông hỗn hợp; thực hiện
nghiêm "Đã uống rượu bia - không lái xe", không sử dụng điện thoại
khi lái xe...
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì, chỉ đạo thực
hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
4.4. Tổ chức tuyên truyền lưu động,
trực tiếp tại các khu dân cư, trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện,
đường đô thị có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, các tụ điểm phức tạp
về an toàn giao thông, các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông, các
khu công nghiệp, các trường học…Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu
các quy định về trật tự an toàn giao thông; trong đó trọng tâm là các quy tắc
tham gia giao thông, văn hóa giao thông, quy định xử phạt vi phạm hành chính… đặc
biệt các địa phương có các tuyến quốc lộ trọng điểm đi qua như QL5, QL37,
QL38B, QL38.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên.
* Cơ quan chủ trì, chỉ đạo thực
hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
4.5. Tuyên truyền thường xuyên
thông qua đài phát thanh của xã, thôn, khu dân cư, trong các cuộc họp dân, họp
Tổ nhân dân tự quản, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội… chú trọng
tuyên truyền đúng các đối tượng tham gia giao thông, nhất là nam giới về các
hành vi vi phạm uống rượu, bia điều khiển phương tiện xe cơ giới, vi phạm tốc độ;
đua xe trái phép; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô,
xe máy, xe đạp điện; chở quá số người theo quy định; đi sai làn đường, phần đường,
lạng lách, đánh võng khi tham gia giao thông;
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên.
* Cơ quan chủ trì, chỉ đạo thực
hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
4.6. Xây dựng các panô, áp
phích, banner tại các tuyến đường chính, đặc biệt là tại các điểm đấu nối vào
quốc lộ, các nút giao, các điểm mở dải phân cách, khu đông dân cư, dàn dựng, biểu
diễn tuyên truyền, quay và phát sóng truyền hình tiểu phẩm về văn hóa giao
thông… nhằm hướng đến mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức
tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trong cộng đồng.
* Thời gian thực hiện: từ quý
IV năm 2024;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
4.7. Tuyên truyền bằng hình thức
in ấn, cấp phát tờ rơi, tài liệu,… theo chủ đề như hành lang an toàn giao
thông, nồng độ cồn, tốc độ, văn hóa giao thông…
* Thời gian thực hiện: thực hiện
vào các dịp Lễ, Tết.
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Ban An toàn giao thông tỉnh và các cơ quan thành viên, Ban An toàn giao thông
các huyện, thị xã, thành phố.
4.8. Nâng cao chất lượng tin,
bài, phóng sự, Chuyên mục an toàn giao thông phát trên sóng Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh, trang điện tử; cập nhật thông tin an toàn giao thông hằng
ngày trên Báo Hải Dương thời sự, nâng cao chất lượng chuyên trang giao thông đô
thị, làm tốt chương trình tiêu điểm giao thông trên Báo Hải Dương điện tử. Duy
trì, hàng quý hoặc đột xuất tổ chức các cuộc tọa đàm chuyên sâu về lĩnh vực an toàn
giao thông trên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì: Báo Hải
Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
4.9. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ
quan thông tin, báo chí, đặc biệt là Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường số lượng, thời lượng tin, bài,
phóng sự, xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề,…
tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, định kỳ nhắc lại về công tác bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn
tỉnh.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở
Thông tin và Truyền thông;
* Cơ quan phối hợp: các cơ quan
thông tin, báo chí và các cơ quan, đơn vị có liên quan”.
4.10. Tổ chức các hội thi tìm
hiểu kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong cán bộ, công chức,
viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân.
Tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn giao thông trong các đợt cao điểm, trong
dịp ngày lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần, chú trọng các cuộc thi viết, thi trực
tuyến.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
theo kế hoạch hàng năm;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc và các Hội đoàn thể, Liên đoàn lao động tỉnh.
4.11. Tổ chức các hoạt động
tuyên truyền an toàn giao thông tại các trường học, doanh nghiệp và các xã, phường,
thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
từ bắt đầu từ năm học mới và theo kế hoạch hàng năm;
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
Ban An toàn giao thông tỉnh.
4.12. Tuyên truyền, ký cam kết
chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông thông qua công tác tuần tra,
kiểm soát của lực lượng chức năng (Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông vận
tải, Cảnh sát trật tự, công an xã, phường…) nhằm nâng cao ý thức khi tham gia
giao thông.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên;
* Cơ quan chủ trì thực hiện: Cảnh
sát giao thông, Thanh tra giao thông và Công an các địa phương.
4.13. Tiếp nhận những phản ánh
của các cơ quan, đơn vị và người dân về những bất cập trong tổ chức giao thông
trên địa bàn.
* Thời gian thực hiện: thực hiện
thường xuyên.
* Cơ quan chủ trì thực hiện:
theo thông tin đường dây nóng của các cơ quan, lực lượng chức năng.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở,
ban, ngành của tỉnh, các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh căn cứ
chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp
được giao tại phần II của Kế hoạch này:
2. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm
túc, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch này tại địa phương (xây dựng
Kế hoạch cụ thể để triển khai).
3. Giao Ban An toàn giao
thông tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng
năm hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, Hội đoàn thể tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP, các PCVP Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh;
- Trung tâm CNTT; (để đăng tải trên Cổng TTĐT tỉnh)
- CV VP Ủy ban nhân dân tỉnh: Quảng;
- Lưu: VT, KTN. Ncc.(10).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lưu Văn Bản
|