ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 22/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 22 tháng 01 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA, XỬ LÝ XE Ô TÔ VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ TẢI TRỌNG, KÍCH THƯỚC THÀNH
THÙNG VÀ VI PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2021
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày
25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng
phương tiện giao thông; Chỉ thị số 03/CT-BGTVT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông Vận tải về tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm
soát tải trọng xe; Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 12/5/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc
chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở
hàng quá tải trọng cho phép; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng; về quy định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, về quản lý tải trọng; về lưu hành
xe quá tải trọng trên đường bộ và Quyết định số 4737/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của
UBND tỉnh Lào Cai về việc thành lập Tổ liên ngành thực hiện
kiểm tra xử lý phương tiện vi phạm quy định về tải trọng, tự ý thay đổi kích
thước thành thùng, không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và vi phạm TTATGT năm
2021, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Thông qua hoạt động của Tổ kiểm tra
liên ngành, Văn phòng Ban ATGT tỉnh tăng cường giám sát hoạt động của các lực
lượng chức năng, địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý về tải trọng, tự ý
thay đổi kích thước thành thùng, không đủ tiêu chuẩn an
toàn kỹ thuật và vi phạm TTATGT năm 2021 và báo cáo UBND tỉnh,
Ban ATGT kịp thời chỉ đạo.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đoàn
kết thống nhất trong chỉ đạo điều hành của Tổ Liên ngành.
Quá trình thực thi nhiệm vụ phải đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị và quy định của pháp luật; chấp hành
nghiêm túc quy trình, chế độ công tác. Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho
doanh nghiệp, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.
- Tuyên truyền,
vận động người điều khiển, chủ phương tiện, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh
vận tải hàng hóa và hành khách chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt
động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo vệ sinh môi trường khi tham gia
giao thông.
- Kịp thời ngăn chặn tình trạng chủ
phương tiện tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe, tự ý cải tạo thay đổi kết
cấu của xe ô tô trái quy định, đưa xe ô tô có kích thước thành thùng không đúng
quy định tham gia giao thông và chở quá tải trọng cho phép. Kiểm tra, xử lý các
vi phạm hành chính về tải trọng, kích thước thành thùng và vi phạm trật tự an
toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác như
Công an tỉnh; Công an các huyện, thị, thành phố; Thanh tra giao thông và các lực
lượng khác trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
II. ĐỊA ĐIỂM, ĐỊA BÀN VÀ ĐỐI TƯỢNG
KIỂM TRA
1. Địa điểm, tuyến, địa bàn
kiểm tra
- Các tuyến giao thông trên phạm vi
toàn tỉnh, trong đó tập trung vào thành phố Lào Cai, QL 279, 4E, 70 và tỉnh lộ
151, 156 là điểm nóng xe vi phạm kích thước thành thùng, chở hàng quá tải trọng
mất vệ sinh môi trường, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tiềm ẩn
nguy cơ mất an toàn giao thông.
- Tại các Doanh nghiệp, đầu mối giao thông,
khu vực các cửa khẩu, các kho hàng, bến bãi, các mỏ và điểm mỏ khai thác khoáng
sản, vật liệu xây dựng, các đơn vị sử dụng phương tiện có tải trọng lớn, kích
thước thể tích thành thùng không đúng quy định chở quá tải
trọng khi tham gia giao thông.
2. Đối tượng kiểm tra, xử
lý vi phạm
- Chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện,
người điều khiển xe ô tô; các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, đơn vị
khai thác khoáng sản, nhà máy sản xuất thuê hoặc sử dụng phương tiện vận chuyển
khoáng sản, thành phẩm trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Kiểm tra các
xe ô tô tải, xe ô tô đầu kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ô tô chở Container
vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường hoặc chở hàng vượt tải trọng, quá khổ giới hạn cầu đường,
xe ô tô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tham gia giao thông, xe mang biển
số nước ngoài vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Ngoài việc xử lý vi phạm chở hàng
quá trọng tải, nếu phát hiện các hành vi vi phạm khác thì tiến hành xử lý theo
quy định của pháp luật.
3. Thời gian thực hiện: Từ ngày 25/01/2021.
III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Trang thiết bị,
kế hoạch công tác
- Trang bị: 01 cân tải trọng có giấy chứng
nhận kiểm định; 02 máy ảnh Cannon; trong khi chờ mua xe ô tô chuyên dùng, sử dụng
xe điều động nội bộ và một số trang thiết bị phụ trợ khác (nếu có).
- Kế hoạch công
tác: Tổ kiểm tra liên ngành chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết từng tháng trên
cơ sở kế hoạch chung của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và trình Văn phòng Ban
An toàn giao thông xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
- Ngoài kế hoạch thường xuyên, Tổ
kiểm tra liên ngành còn chịu sự điều động trực tiếp của Lãnh đạo Ủy
ban nhân dân, Ban An toàn giao thông tỉnh, Chánh Văn phòng Ban khi có các nhiệm
vụ đột xuất phát sinh.
2. Trình tự kiểm tra, xử lý vi
phạm
2.1. Kiểm tra, xử phạt: lái xe và chủ xe phương tiện, đơn vị xếp hàng hóa vi phạm về tải trọng
- Trường hợp phương tiện có dấu hiệu
vi phạm tải trọng, tổ kiểm tra tiến hành dừng phương tiện kiểm tra theo quy
trình, chức năng của từng thành viên. Nếu vi phạm Tổ kiểm
tra lập biên bản vi phạm hành chính: Người trực tiếp điều khiển phương tiện vi
phạm; Chủ phương tiện: Giao phương tiện cho người điều khiển vi phạm; bốc xếp
hàng hóa lên xe vi phạm tải trọng1 quy định tại
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành
chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị
định 100/2019/NĐ-CP);
Trường hợp phương tiện quá tải trọng
và có thành thùng xe không đúng với quy định hiện hành thì tổ kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính tạm giữ Tem kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
(tem, giấy kiểm định), chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và áp dụng
hình thức phạt bổ sung: “yêu cầu chủ phương tiện tự điều
chỉnh thành thùng”
quy định tại Thông tư 42/2014/TT-BGTVT ngày 15/9/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT về
thành thùng xe của xe ô tô tải tự đổ, xe ô tô tải tham gia giao thông đường bộ,
(gọi tắt là Thông tư 42/2014/TT-BTGT) chủ phương tiện đến các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đăng kiểm lại
sau khi tiến hành tháo dỡ. Nếu vi phạm quy định về tải trọng nhưng thành thùng đúng
quy định hiện hành, tổ kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với lái xe, chủ phương
tiện, đơn vị xếp dỡ hàng hóa về việc vi phạm tải trọng.
- Trường hợp người điều khiển phương
tiện, chủ phương tiện, có dấu hiệu vi phạm nhưng không hợp tác với tổ kiểm tra, tổ kiểm tra tạm giữ phương tiện, thông báo Văn phòng Ban
ATGT, thuê xe cẩu kéo của các đơn vị trong tỉnh và ngoài tỉnh có niêm yết giá cước vận chuyển theo quy định, đưa phương tiện
về vị trí trông giữ. Yêu cầu lái xe, chủ phương tiện chấp hành quy định của
pháp luật và thanh toán toàn bộ chi phí vận chuyển, san tải hàng hóa...quy định
tại khoản 4 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP2.
- Trường hợp cần
huy động lực lượng tại địa phương: Yêu cầu Ban An giao thông huyện, thị xã,
thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp nhận, bảo vệ phương tiện cho tới khi
lái xe chấp hành kiểm tra tải trọng theo quy định; thông báo cho Tổ liên ngành
hoặc lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vi phạm. Nếu sau 24h kể từ thời điểm tiếp nhận và bảo vệ
phương tiện lái xe vẫn không chấp hành thì Tổ liên ngành thực hiện các bước
theo hướng dẫn của Văn phòng, cẩu kéo phương tiện về nơi quy định.
- Trường hợp người điều khiển phương
tiện vi phạm không xuất trình Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo
vệ môi trường tra cứu kiểm định tại địa chỉ do Cục Đăng kiểm đã cung cấp cho
Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai.
- Tổ kiểm tra liên ngành tổng hợp danh sách các phương tiện vận chuyển vật liệu, đổ thải vi phạm tải
trọng tại các công trình thi công gửi cho các Ban quản lý dự án (Sở Giao
thông vận tải - Xây dựng; Ban quản lý dự án ODA; các huyện, thị xã, thành phố). Ban quản lý dự án xử lý nhà thầu thi công,
yêu cầu nhà thầu thi công không sử dụng phương tiện của doanh nghiệp vận tải có
phương tiện chở quá tải, có kích thước thành thùng không đúng quy định hiện
hành tham gia lưu hành vận chuyển hàng hóa..., không ký hợp đồng vận chuyển tiếp
đối với chủ phương tiện đã vi phạm.
2.2. Phối hợp các lực lượng chức năng: Công an tỉnh, huyện, thị, thành phố, Thanh tra giao thông
và các lực lượng khác
- Khi được các đơn vị yêu cầu phối hợp,
Văn phòng Ban báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh, Ban An toàn giao
thông và chỉ đạo tổ thực hiện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền địa
phương xử lý phương tiện vi phạm tải trọng, kích thước thành thùng xe tại cơ sở.
- Trường hợp các địa phương, đơn vị
được phân công quản lý trên địa bàn còn để tình trạng xe vi phạm tải trọng tái
diễn thì Tổ liên ngành kiểm tra lập biên bản xử lý xe vi phạm theo quy định;
biên bản vi phạm trên địa bàn là căn cứ để Văn phòng Ban tổng hợp báo UBND tỉnh có hình thức xử lý người đứng đầu địa phương, đơn vị được phân
công quản lý trên địa bàn.
2.3. Nhiệm vụ của Tổ kiểm
tra liên ngành
2.3.1. Nhiệm vụ chung
Thanh tra giao thông hoặc Cảnh sát
giao thông lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khắc
phục hậu quả, tạm giữ phương tiện vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính đồng thời áp dụng các hình thức phạt bổ sung (nếu có) theo thẩm quyền, chức
năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.
- Trường hợp vi phạm hành chính vượt
thẩm quyền của Tổ kiểm tra liên ngành thì làm thủ tục chuyển về Phòng Cảnh sát
giao thông Công an tỉnh (Thẩm quyền Cảnh sát giao thông) hoặc Thanh tra giao
thông thuộc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng (thẩm quyền của Thanh tra giao
thông) để xử lý theo quy định.
- Trường hợp vi phạm hành chính thuộc
thẩm quyền xử phạt vi phạm của nhiều cơ quan xử phạt hoặc mức tiền phạt vượt
quá thẩm quyền của các đơn vị, thì các đơn vị hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo
quy định.
- Các thành viên của Tổ kiểm tra liên
ngành sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như thiết bị ghi hình, ghi âm được
trang bị để chụp ảnh, ghi âm hoặc sử dụng hình ảnh, ghi âm của nhân dân cung cấp
về các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện... làm
căn cứ để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
2.3.2. Nhiệm vụ cụ thể
* Tổ trưởng là
Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải - Xây dựng
- Tổ trưởng có trách nhiệm quản lý và
điều hành hoạt động chung của Tổ kiểm tra liên ngành, đôn
đốc kiểm tra các thành viên thực hiện nhiệm vụ phân công; Tổ chức triển khai và thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đề
ra.
- Trực tiếp vận hành cân kiểm tra tải
trọng phương tiện xách tay; kiểm tra trọng tải xe xác định tình trạng và mức độ
quá tải, kiểm tra kích thước thành thùng lập biên bản xử lý vi phạm theo thẩm
quyền của thanh tra gia thông; phối hợp với lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh,
huyện, thành phố, thị xã hoặc thanh tra giao thông (có chương trình phối hợp);
Cân kiểm tra lại sau khi phương tiện đã hạ đủ tải.
- Chuyển hồ sơ vi phạm (bản photo
biên bản vi phạm có xác định kích thước thành thùng) cho thành viên đoàn kiểm tra là cán bộ Phòng quản lý Vận tải & Phương tiện, Người lái Sở
Giao thông vận tải - Xây dựng để kiểm tra kích thước thành thùng.
* Tổ phó là Cảnh
sát giao thông Công an tỉnh
- Thực hiện hiệu lệnh dừng xe để kiểm
soát theo quy định
- Yêu cầu người điều khiển phương tiện
xuất trình: giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá
khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; Giấy
phép lưu hành xe bánh xích tự hành trên đường bộ...
- Lập biên bản, xử lý vi phạm hành
chính theo thẩm quyền của Cảnh sát giao thông được quy định tại Nghị định số
100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ và đường sắt
- Quản lý và điều hành hoạt động
chung của Tổ kiểm tra liên ngành khi tổ trưởng phân công.
*Thành viên là cán bộ Phòng Quản
lý Vận tải - Phương tiện - Người lái, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng
- Chủ trì phối hợp với các thành viên
trong tổ kiểm tra, xác định các vi phạm về kỹ thuật phương tiện, tình trạng
kích thước thành thùng, cung cấp cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm
hành chính đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền (Chánh thanh tra, Trưởng phòng
Cảnh sát giao thông) ngoài việc ra quyết định xử phạt
hành vi vi phạm và áp dụng các hình phạt bổ sung về tháo dỡ thành thùng không đúng quy định hiện hành (nếu có). Hướng dẫn
chủ phương tiện hoàn thành các thủ tục, tổ chức tháo dỡ phần thành thùng không
đúng quy định hiện hành; Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng phân công.
* Thành viên là Cảnh
sát cơ động Công an tỉnh
- Phối hợp với cảnh sát giao thông thực
hiện việc dừng xe, dẫn xe vào vị trí cân và bảo đảm trật tự
an ninh cho tổ kiểm tra.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng
phân công
*Thành viên là
chuyên viên Văn Phòng Ban An toàn giao thông tỉnh
- Kiểm tra, đôn đốc triển khai, thực
hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý xe vi phạm tải trọng của tổ liên ngành và của các
đơn vị phối hợp thực hiện.
- Tham mưu cho tổ trưởng, xây dựng kế
hoạch tuần tra kiểm soát hàng tháng, quý và tổng hợp báo cáo kết quả, đề xuất
kiến nghị với cấp có thẩm quyền.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng
phân công
* Thành viên là Cán bộ Thanh tra sở
- Thực hiện nhiệm vụ dẫn xe vào vị
trí cân, hỗ trợ tổ trưởng vận hành cân tải trọng; Kiểm tra trọng tải xe, xác định
tình trạng và mức độ quá tải và Cân kiểm tra lại sau khi phương tiện đã hạ đủ tải.
- Ngoài ra thực hiện nhiệm vụ theo thẩm
quyền, chức năng của thanh tra giao thông; kiêm nhiệm lái xe, bảo quản trang
thiết bị được cấp và các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng phân công.
3. Chế độ báo cáo, hội họp
- Tổ kiểm tra có
trách nhiệm thực hiện việc thống kê, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ vào
ngày 30 hàng tháng, sơ kết, đánh giá vào ngày 25 của tháng cuối quý và tổng kết,
đánh giá cuối năm 2021.
- Tham gia các cuộc họp đột xuất và định
kỳ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải
- Xây dựng, Công an tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Báo cáo gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh,
Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp, theo dõi.
4. Cơ chế, chế độ và kinh phí
hoạt động
- Ban An toàn giao thông tỉnh quản
lý, điều hành Tổ kiểm tra liên ngành; Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh
trực tiếp đôn đốc, quản lý hoạt động của Tổ kiểm tra.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông chịu trách nhiệm về
quản lý chuyên môn nghiệp vụ của của Tổ kiểm tra.
- Chế độ của các thành viên: Lương,
thưởng, làm thêm giờ...các chế độ khác theo quy định đã được cấp chi thường
xuyên do Thanh tra giao giao thông (Sở GTVTXD), Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh)
chi trả.
- Chi phí phát sinh chưa được cấp
theo quy định (tăng thêm do làm liên tục thường xuyên như: Xăng xe phòng nghỉ,
lưu trú, chi đặc thù chưa được chi trả...). Ban An toàn giao thông tỉnh lập dự
toán gửi Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Khen thưởng, kỷ luật: Cán bộ Tổ kiểm
tra có thành tích xuất sắc hoặc vi phạm quy định, Ban An toàn
giao thông đề xuất Trưởng Ban khen thưởng hay kỷ luật, giao Văn phòng Ban An
toàn giao thông tỉnh tổng hợp trình Hội đồng khen thưởng của Ban An toàn giao
thông tỉnh xem xét quyết định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giao thông vận tải -
Xây dựng
Chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với Cảnh
sát giao thông Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã thành
phố, các ngành chức năng, Văn phòng Ban An toàn giao thông tổ chức, kiểm tra,
đôn đốc tổ kiểm tra liên ngành triển khai thực hiện kế hoạch này.
2. Công an tỉnh
Chỉ đạo các lực lượng phối hợp với
các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã phân công trong Kế
hoạch này.
3. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các phường, xã, tổ dân phố tổ chức tuyên truyền
cho người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện, chủ
doanh nghiệp, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công công trình trên địa
bàn quản lý thực hiện nghiêm việc xếp dỡ hàng hóa, chở hàng đúng trọng tải cho
phép, không tự ý thay đổi kích thước thành thùng hoặc không được đưa các phương
tiện có thành thùng không đúng quy định hiện hành chở quá tải trọng cho phép,
phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham
gia lưu hành vận tải hàng hóa, chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao
thông.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng của
huyện, thị xã, thành phố (Cảnh sát giao thông, trật tự, công an xã phường, quản
lý đô thị...) phối hợp với Tổ kiểm tra triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ
trên địa bàn, đồng thời phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng,
kích thước thành thùng tại địa phương, bố trí lực lượng bảo vệ hàng hóa, phương
tiện cho đến khi lái xe chấp hành kiểm tra tải trọng theo quy định và thông báo
cho Tổ liên ngành, lực lượng chức năng lập biên bản xử lý theo quy định; Sau
24h lái xe vẫn không chấp hành kiểm tra tải trọng thông báo cho Tổ liên ngành để triển khai các bước tiếp theo. Tổng hợp báo cáo kết quả về
Ban An toàn giao thông tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Văn phòng Ban An toàn
giao thông tỉnh
- Xây dựng Kế hoạch, kiểm tra, đôn đốc
hoạt động tổ kiểm tra liên ngành và tổng hợp kết quả báo
cáo Ban An toàn giao thông tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Liên hệ và ký hợp đồng với các đơn
vị cấu kéo để đưa xe vi phạm về vị trí tập kết, có trách nhiệm thông báo cho
các cơ quan chức năng có thẩm quyền và chủ phương tiện về chi phí cẩu kéo, tháo
dỡ hạ tải phương tiện để các đơn vị chấp hành.
- Lập dự toán và thanh quyết toán
kinh phí bổ sung cho hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành.
- Phối hợp tổ chức
tuyên truyền về kế hoạch xử lý vi phạm tải trọng, kích thước thành thùng hàng
các phương tiện.
- Thiết lập đường dây nóng cấp tỉnh,
cấp huyện để tiếp nhận thông tin về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
để có biện pháp xử lý.
Căn cứ nội dung
kế hoạch, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức,
cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực
hiện nếu có vướng mắc, kịp thời gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp,
báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Ủy ban ATGT Quốc gia (b/c);
- TT. TU, UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các sở: GTVT-XD, TT&TT;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Báo Lào Cai;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Ban QLDA ĐTXD chuyên ngành tỉnh;
- Công ty CP Đăng kiểm cơ giới Lào Cai;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Văn phòng Ban ATGT tỉnh;
- Lưu: VT, TH1, BBT, QLĐT4.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trọng Hài
|
1
Khoản 7 điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 “Đơn vị kinh doanh vận tải
hàng hóa phải chịu trách nhiệm việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo hướng dẫn của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”
2
Khi phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều
này, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí (nếu có) cho việc sử dụng phương tiện
khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa được chở trên phương tiện bị tạm giữ.