ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1384/KH-UBND
|
Quảng Bình, ngày
25 tháng 7 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
TRIỂN VÀ QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU ĐI LẠI CỦA
NGƯỜI DÂN VÀ THỰC TRẠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày
17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải
bằng xe ô tô; Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ giao thông vận
tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ vận
tải đường bộ.
Căn cứ nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết
cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển
và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm
2030, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với
tình hình phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và
thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải; đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại
của người dân; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; nâng cao chất lượng dịch vụ
vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt
động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tạo ra lực lượng vận tải bằng xe ô tô có
đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phù hợp với thực trạng kết
cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện và mạng
lưới vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu đi lại của
người dân. Đảm bảo kết nối đến các khu vực tập trung dân cư, các khu vực có nhu
cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ; kết nối thuận tiện với các đầu mối giao
thông và giữa các loại hình giao thông.
- Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận
tải hành khách công cộng đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới, thuận lợi cho
phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động trên địa bàn tỉnh.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN PHƯƠNG
TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI ĐẾN NĂM 2030
1. Định hướng phát triển phương
tiện vận tải
Đảm bảo tính hợp lý và đầy đủ về cơ cấu phương tiện
giữa các loại hình kinh doanh vận tải, thúc đẩy phát triển kinh doanh vận tải bằng
xe ô tô để gắn kết mạng lưới vận tải đường bộ với đường thủy nội địa, đường sắt,..
đảm bảo thông suốt, an toàn giao thông.
Kiểm soát chặt sự phát triển số lượng đơn vị kinh
doanh vận tải bằng xe ô tô, khuyến khích phát triển các đơn vị có quy mô lớn,
hoạt động đáp ứng các yêu cầu theo quy định về kinh doanh vận tải; đồng thời
thu hẹp và tiến tới xóa bỏ các đơn vị có năng lực quản lý điều hành yếu kém nhằm
đảm bảo an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện phát triển mạnh
ngành du lịch, dịch vụ với chi phí vận tải hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của
nhân dân một cách tốt nhất.
2. Hiện trạng giao thông vận tải
đường bộ trên địa bàn tỉnh
a) Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông
Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện
có trên 12.325km đường bộ; hệ thống Quốc lộ có 897km, gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ
15 và đường Hồ Chí Minh (gồm 2 nhánh Đông và Tây) chạy dọc theo suốt chiều dài
của tỉnh; Quốc lộ 9B và Quốc lộ 12A nối Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh với biên
giới Việt - Lào qua các cửa khẩu Chút Mút và cửa khẩu Quốc tế Cha Lo; Quốc lộ
12C kết nối hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh; Quốc lộ 9C và Quốc lộ 9E nối Quốc lộ
1 với đường Hồ Chí Minh. Hệ thống đường tỉnh gồm 21 tuyến với chiều dài 370km,
phần lớn là các trục đường ngang Đông - Tây nối Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh với
biên giới Việt - Lào. Số lượng còn lại là đường đô thị (732km), đường huyện
(772km), đường giao thông nông thôn (khoảng 9.500km), đường chuyên dùng (54km).
Mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay đã được chú
trọng đầu tư, phát triển, nâng cấp và hoàn thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng giao
thông cơ bản đã được đầu tư xây dựng khép kín, phân bố tương đối đồng đều trên
toàn tỉnh; đảm bảo kết nối liên hoàn từ Quốc lộ đến tỉnh lộ, đến đường giao
thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh
tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
b) Hiện trạng phương tiện vận tải đường bộ
- Vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh
bao gồm các loại hình: xe tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe
taxi, xe vận tải hàng hóa và các loại hình khác (xe mô tô dịch vụ, đường thủy nội
địa,...), cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có
28.824 xe tải; 42.703 xe chở người; 314 xe chuyên dùng và 140 rơ móoc, sơ mi rơ
móoc. Lực lượng ô tô vận tải luôn đổi mới và đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của
nhân dân cũng như nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định: Trên
địa bàn tỉnh Quảng Bình có 13 đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định.
Sở GTVT quản lý 88 tuyến với 251 xe khách tham gia hoạt động. Trong đó: 50 tuyến
cố định liên tỉnh 34 tuyến cố định nội tỉnh và 4 tuyến vận tải khách quốc tế Việt
- Lào.
- Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt: Trên địa bàn tỉnh có 01 doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác trên 03
tuyến buýt, gồm tuyến B1: Đồng Hới - Ba Đồn - Vũng Chùa với 13 xe, tuyến B2: Đồng
Hới - Kiến Giang với 10 xe và tuyến B4: Đồng Hới - Phong Nha - Troóc với 04 xe.
- Hoạt động vận tải khách bằng xe taxi: Có 9 doanh
nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi, với 744 xe, có chi nhánh ở các huyện,
thị xã, thành phố.
- Hoạt động vận tải khách theo hình thức xe hợp đồng,
du lịch: Có 57 đơn vị vận tải tham gia hoạt động với 443 xe khách có chất lượng
cao (trong đó có 56 xe du lịch) đáp ứng yêu cầu kết nối vận tải, phục vụ nhu cầu
đi lại và tham quan du lịch của các tổ chức cá nhân.
- Hoạt động thí điểm xe điện 4 bánh chở khách du lịch
trong phạm vi hạn chế: Có 06 doanh nghiệp tham gia hoạt động thí điểm sử dụng
xe điện 4 bánh vận chuyển khách du lịch tại thành phố Đồng Hới, với số lượng 80
xe đủ điều kiện hoạt động, góp phần phát triển tiềm năng du lịch trên địa bàn
thành phố Đồng Hới.
- Hoạt động vận tải hàng hóa: Sở GTVT đã cấp giấy
phép kinh doanh cho 221 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổng số phương
tiện là 2.509 xe được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải; trong đó: xe công ten nơ
138 chiếc, xe đầu kéo 527 chiếc, xe tải 1.844 chiếc.
Bảng tổng hợp
phương tiện kinh doanh vận tải giai đoạn 2016-2023
TT
|
Loại xe
|
Số lượng phương
tiện kinh doanh vận tải
|
Ghi chú
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
2023
|
1
|
Xe khách tuyến cố
định
|
328
|
444
|
442
|
312
|
365
|
284
|
246
|
251
|
|
2
|
Xe hợp đồng, du lịch
|
167
|
300
|
324
|
236
|
286
|
342
|
401
|
443
|
|
3
|
Xe buýt
|
27
|
27
|
27
|
27
|
27
|
27
|
27
|
27
|
|
4
|
Xe taxi
|
348
|
376
|
389
|
429
|
520
|
437
|
388
|
744
|
|
5
|
Xe vận tải hàng
hóa
|
515
|
615
|
1.749
|
2.424
|
2.725
|
2.589
|
2.637
|
2.509
|
|
3. Kế hoạch phát triển số lượng
phương tiện
a) Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo
tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh và xe buýt nội tỉnh.
Số lượng phương tiện cụ thể hoạt động kinh doanh vận
tải hành khách theo tuyến cố định và xe buýt được xác định trên cơ sở danh mục
mạng lưới tuyến và công suất các bến xe trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm
quyền công bố, cụ thể:
- Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định
liên tỉnh do Bộ Giao thông vận tải công bố và cập nhật hàng năm tại các Quyết định:
Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015, Quyết định số 3848/QĐ-BGTVT ngày
29/10/2015, Quyết định số 135/QĐ-BGTVT ngày 15/01/2016, Quyết định số
2548/QĐ-BGTVT ngày 16/08/2016, Quyết định số 189/QĐ-BGTVT ngày 19/01/2017, Quyết
định số 2318/QĐ-BGTVT ngày 04/08/2017, Quyết định số 317/QĐ-BGTVT ngày
08/02/2018, Quyết định số 1888/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2018, Quyết định số
667/QĐ-BGTVT ngày 19/4/2019, Quyết định số 1725/QĐ-BGTVT ngày 19/9/2019, Quyết
định số 542/QĐ-BGTVT ngày 03/4/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT công bố danh mục chi
tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến
năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Danh mục mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định
nội tỉnh và mạng lưới tuyến xe buýt cố định nội tỉnh kề trên địa bàn tỉnh được
phê duyệt và công bố tại Quyết định số 2669/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 và Quyết định
số 1319/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 của UBND tỉnh.
Tùy theo từng giai đoạn cụ thể, có nhu cầu gia tăng
mạng lưới vận tải hành khách thì cơ quan có thẩm quyền công bố bổ sung và trên
cơ sở mức tăng trưởng để xác định số lượng phương tiện bổ sung tương ứng; dự kiến
mức tăng trưởng đến năm 2030 tăng từ 15%-20%/năm, như sau:
- Giai đoạn 1 đến hết 2025: Giai đoạn phát triển
bình thường, tổng số lượng xe khoảng, tổng số lượng xe khoảng 300 xe.
- Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Giai đoạn
phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, dự kiến tổng số lượng xe
khoảng 400 xe.
b) Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng
xe taxi, dự kiến mức tăng trưởng đến năm 2030, như sau:
Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh, dự báo mức tăng trưởng kinh tế từng vùng, từng địa phương, dự kiến tăng
bình quân hàng năm về số lượng xe ô tô kinh doanh vận tải đến năm 2030 trên
nguyên tắc cung cầu của thị trường dự kiến tăng từ 10%-25%/năm, như sau:
- Giai đoạn 1 đến hết 2025: Giai đoạn phát triển
tăng nhanh, tổng số lượng xe khoảng, tổng số lượng xe khoảng 800 xe.
- Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Giai đoạn
phát triển bình thường, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, dự kiến tổng
số lượng xe khoảng 1.000 xe.
c) Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng
xe hợp đồng, xe du lịch
- Khuyến khích ứng dụng công nghệ vào hoạt động
kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe du lịch. Đối với xe ô tô
kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người
lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử mới phát sinh trong thời gian tới, cụ thể:
- Giai đoạn đến hết năm 2025: Giai đoạn phát triển
bình thường, tổng số lượng xe khoảng 480 xe.
- Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030: Giai đoạn phát
triển nhanh, dự kiến tổng số lượng xe khoảng 600 xe.
c) Phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa
- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vận tải
đa phương thức kết nối được giữa cảng biển, đường bộ và đường sắt; phát triển
đa dạng các loại hình và phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa kết nối vùng
miền. Trên nguyên tắc cung cầu của thị trường, dự kiến tăng bình quân hàng năm
khoảng từ 10%-30%/năm về số lượng xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa đến năm
2030, cụ thể như sau:
- Giai đoạn đến hết năm 2025: Giai đoạn phát triển
bình thường, tổng số lượng xe khoảng 2.700 xe.
- Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030: Giai đoạn phát
triển nhanh, tổng số lượng xe khoảng 3.500 xe.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
Để Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh
doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ
tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 được triển khai có hiệu
quả và đạt yêu cầu đề ra, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành và
UBND các huyện, thị xã, thành phố như sau:
1. Sở Giao thông Vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các
cơ quan đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý hoạt động vận tải bằng
xe ô tô theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020
quy định về kinh danh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư
số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức,
quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ vận tải đường bộ.
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành việc thực hiện
kế hoạch này, căn cứ lộ trình để chủ động giải quyết tăng, giảm số lượng các
đơn vị, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu
đi lại của người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải
và các phòng, ban, đơn vị chuyên môn có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra
và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện
kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định.
- Phối hợp xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải vi
phạm trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đề nghị của cơ quan thuế. Cung cấp
danh sách các tổ chức và cá nhân kinh doanh vận tải mới phát sinh; các tổ chức,
cá nhân đăng ký tạm ngừng, nghỉ hoạt động cho Cục Thuế tỉnh để phối hợp thực hiện
quản lý thuế.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND
tỉnh tăng cường kêu gọi xã hội hoá các dự án đầu tư mua sắm phương tiện, đặc biệt
là phương tiện vận tải hành khách công cộng hiện đại, có mức phát thải đạt chuẩn,
sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường.
3. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an
các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các
phương tiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải.
- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các địa
phương tham mưu xác định các vị trí lắp đặt camera giám sát tại các vị trí cố định
(nút giao thông, tụ điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông,...), tuyến đường để kiểm
soát hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.
- Phối hợp xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải vi
phạm trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đề nghị của cơ quan thuế.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường
công tác tuyên truyền về các nội dung tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày
17/01/2020 của Chính phủ; phản ánh các vụ việc liên quan đến công tác quản lý
phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền trong mọi tầng
lớp nhân dân.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong tổ chức
xuất bản các tài liệu tuyên truyền các các nội dung tại Nghị định số
10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ.
- Phối hợp quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần
mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải thực hiện các quy định tại Điều 35 Nghị định
10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ theo phân cấp, hướng dẫn của Bộ
Thông tin và Truyền thông.
5. Sở Y tế
- Công bố các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đủ điều
kiện khám sức khỏe cho người lái xe và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của
Sở theo quy định.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám sức
khỏe cho người lái xe; đồng thời kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở y tế vi phạm
trong việc khám sức khỏe cho người lái xe theo quy định.
6. Cục thuế tỉnh
- Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải triển
khai áp dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ vận tải.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở
Giao thông Vận tải hướng dẫn các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối
vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc cung cấp thông tin về hợp đồng
điện tử đảm bảo quản lý chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
- Chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cập
nhật thông tin của các tổ chức, cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh vận tải
để thực hiện việc quản lý thu thuế.
- Cung cấp thông tin các trường hợp vi phạm trong
việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho các ngành liên quan phối hợp xử lý;
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các đơn vị
kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về pháp luật thuế.
7. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
- Căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa
phương, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương đề xuất
triển khai các nội dung liên quan: Quy định và xây dựng các vị trí đón, trả
khách cho xe taxi; vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch trong nội
thành, nội thị; Quy định và xây dựng điểm đỗ xe xe taxi công cộng trên địa bàn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã,
thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp thực hiện Kế hoạch này.
2. Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai
các nhiệm vụ của Kế hoạch, tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh
theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị
xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện
Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo
cáo UBND tỉnh qua Sở Giao thông Vận tải tổng hợp để điều chỉnh, bổ sung phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Ngọc Lâm
|