BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số
: 16/2011/TT-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2011
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TRANG BỊ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐỒ CHƠI TRẺ EM TRONG
NHÀ TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số
178/2007/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về an toàn đồ chơi trẻ em”;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi
trẻ em,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi
trẻ em trong nhà trường như sau :
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư
này quy định về quản lý đồ chơi trẻ em (sau đây gọi là đồ chơi) trong nhà trường,
bao gồm các nội dung trang bị đồ chơi, sử dụng và bảo quản đồ chơi, tổ chức thực
hiện.
2. Thông tư
này quy định đối với đồ chơi cho trẻ em và học sinh dưới 16 tuổi sử dụng trong
các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường
trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc các loại hình
trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là nhà trường); các tổ chức
và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông
tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đồ chơi trẻ
em
a) Đồ chơi trẻ
em được hiểu là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ được thiết kế và sản xuất để trẻ
em dưới 16 tuổi sử dụng khi chơi;
b) Đồ chơi trẻ
em bao gồm đồ chơi trong lớp học, trong khu vực sân chơi, khu vui chơi ngoài trời
trong phạm vi khuôn viên của nhà trường.
2. Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em
a) Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em là quy định các yêu cầu đối với đồ
chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức
khỏe của trẻ em, các phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ
em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban
hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng;
b) Đối với những
đồ chơi trẻ em chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì việc quản lý
chất lượng được thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia.
3. Đồ chơi tự
làm
Đồ chơi
tự làm (hoặc đồ chơi tự tạo) là đồ chơi do giáo viên, nhân viên chuyên trách, học
sinh, phụ huynh tự làm để phục vụ việc giảng dạy, học tập và vui chơi của trẻ
em.
Chương II
TRANG BỊ ĐỒ CHƠI TRONG
NHÀ TRƯỜNG
Điều 3. Quy định về trang bị đồ chơi trong nhà trường
1. Danh mục đồ
chơi được trang bị trong nhà trường phải thực hiện theo các quy định của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
2. Việc trang
bị, tự làm đồ chơi trong nhà trường phải đảm bảo số lượng, chất lượng, an toàn,
có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, dễ khai thác sử dụng,
tránh lãng phí. Không trang bị đồ chơi cho những phòng học, khu vực sân chơi
không đảm bảo điều kiện khai thác, sử dụng và bảo quản đồ chơi.
3. Đồ chơi được
trang bị trong nhà trường phải đảm bảo chất lượng theo quy định tại các Điều 4, Điều 7 của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa; đồng thời có nhãn hàng hóa bắt buộc, thể hiện các nội dung sau:
a) Các đồ
chơi sản xuất trong nước trên sản phẩm phải có nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt
các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa như tên hàng
hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ
hàng hóa; thành phần; thông số kỹ thuật; thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng
dẫn sử dụng; hạn sử dụng; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp
quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan nhà
nước có thẩm quyền xác nhận;
b) Các đồ
chơi nhập khẩu mà nhãn hàng hóa trên sản phẩm chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa
đủ những nội dung theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 của Thông tư này
thì phải có thêm nhãn phụ thể hiện đầy đủ những nội dung theo quy định tại Điểm
a, Khoản 3, Điều 3 của Thông tư này.
Điều 4. Tính an toàn, tính giáo dục và thẩm mỹ của đồ chơi
1. Tính an
toàn của đồ chơi
Đồ chơi
được trang bị, sử dụng trong nhà trường phải đảm bảo an toàn khi sử dụng theo
quy định tại Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
an toàn đồ chơi trẻ em”.
2. Tính giáo
dục và tính thẩm mỹ của đồ chơi
a) Đồ chơi được
trang bị, sử dụng trong nhà trường phải giúp trẻ phát triển khả năng vận động,
ngôn ngữ, cảm xúc, thẩm mỹ và quan hệ xã hội;
b) Đồ chơi được
trang bị, sử dụng trong nhà trường phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền
thống đạo đức của dân tộc Việt Nam; không mang tư tưởng bạo lực; phù hợp với
tâm, sinh lý lứa tuổi và phát triển trí tuệ của trẻ em.
3. Các đồ
chơi bị cấm lưu thông trên thị trường theo quy định tại các văn bản hiện hành của
nhà nước thì không được trang bị, sử dụng trong nhà trường.
Điều 5. Đồ chơi tự làm trong nhà trường
1. Nhà trường
tạo điều kiện và động viên, khuyến khích các hoạt động tự làm đồ chơi của giáo viên
và học sinh; phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội.
2. Đồ chơi tự
làm trong nhà trường nhằm mục đích phục vụ nội dung chương trình giáo dục theo
từng cấp học; Khuyến khích các đồ chơi dân gian, đồ chơi phát triển trí tuệ.
3. Đồ chơi tự
làm được sử dụng trong nhà trường phải tuân thủ các điều kiện về tính an toàn,
tính giáo dục và tính thẩm mỹ được quy định tại Điều 4 của Thông
tư này.
4. Quá trình
thiết kế, chế tạo, sử dụng và bảo quản đồ chơi tự làm phải tuân thủ các quy định
hiện hành của nhà nước về an toàn đồ chơi trẻ em để đảm bảo an toàn cho giáo
viên và học sinh.
Chương III
SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN ĐỒ
CHƠI TRONG NHÀ TRƯỜNG
Điều 6. Đồ chơi phục vụ dạy học
Đồ chơi phục
vụ dạy học được sử dụng theo đúng yêu cầu, mục đích, nội dung của chương trình
dạy học. Quá trình sử dụng phải có sự giám sát, hướng dẫn của giáo viên hoặc
nhân viên chuyên trách.
Điều 7. Đồ chơi phục vụ giải trí
Quá trình sử
dụng phải thực hiện theo các quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất, đồ chơi phải
được sử dụng theo đúng mục đích thiết kế. Quá trình sử dụng phải có sự giám sát
và hướng dẫn của giáo viên hoặc nhân viên chuyên trách.
Điều 8. Bảo quản chất lượng đồ chơi
1. Các đồ
chơi dùng trong lớp học và các đồ chơi phục vụ dạy học cần có tủ hoặc giá đựng
đồ chơi đảm bảo ngăn nắp, gọn gàng và hợp vệ sinh.
2. Trong quá
trình sử dụng, nhà trường phải có kế hoạch kiểm tra định kỳ, bảo quản, bảo dưỡng,
kiểm tra theo hướng dẫn của nhà sản xuất; thay thế những đồ chơi không đảm bảo
an toàn cho trẻ em.
3. Trong quá
trình sử dụng, giáo viên và nhân viên chuyên trách có trách nhiệm thường xuyên
kiểm tra chất lượng đồ chơi, hướng dẫn trẻ sử dụng đồ chơi, không sử dụng khác
với tính năng hoạt động của đồ chơi, giáo dục và hướng dẫn trẻ em bảo quản đồ
chơi hàng ngày.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Đối với nhà trường
1. Nhà trường
bố trí thời gian, lựa chọn các hình thức hoạt động phù hợp để phổ biến, tuyên
truyền giáo dục nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, phụ huynh trong việc
lựa chọn, sử dụng, bảo quản đồ chơi.
2. Đối với
giáo viên và nhân viên chuyên trách
Trong quá
trình sử dụng hàng ngày, giáo viên và nhân viên chuyên trách có trách nhiệm thường
xuyên kiểm tra chất lượng đồ chơi, kịp thời phát hiện và không sử dụng những đồ
chơi quá cũ, hỏng, không đảm bảo tính thẩm mỹ, có nguy cơ dễ gây tai nạn,
thương tích, ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn cho trẻ em. Đồng thời có biện
pháp khắc phục, thay thế các đồ chơi này.
3. Đối với hiệu
trưởng các nhà trường
a) Trong quá
trình mua sắm, trang bị, tiếp nhận đồ chơi, hiệu trưởng các nhà trường phải chịu
trách nhiệm kiểm tra chất lượng và an toàn đồ chơi theo đúng các quy định của Thông
tư này; đảm bảo hiệu quả sử dụng đồ chơi tại đơn vị;
b) Theo định
kỳ, hiệu trưởng các trường học có trách nhiệm tổ chức kiểm tra chất lượng đồ
chơi được sử dụng trong nhà trường. Nếu phát hiện thấy đồ chơi quá cũ, hỏng,
không đảm bảo tính thẩm mỹ, có nguy cơ dễ gây tại nạn, thương tích, ảnh hưởng đến
sức khỏe và an toàn cho trẻ em phải dừng ngay việc sử dụng và có biện pháp khắc
phục, thay thế.
Điều 10. Đối với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo địa
phương
1. Chỉ đạo, tổ
chức tập huấn khai thác sử dụng, bảo quản, hướng dẫn tự làm đồ chơi cho đội ngũ
cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chuyên trách của các nhà trường trong phạm
vi quản lý.
2. Căn cứ các
văn bản hướng dẫn về danh mục đồ chơi; các văn bản quy định về chất lượng sản
phẩm, hàng hóa; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em; điều kiện
thực tế của các nhà trường; các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo địa phương
chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh
tra việc trang bị, tự làm, sử dụng, bảo quản đồ chơi trẻ em trong các nhà trường
thuộc phạm vi quản lý.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2011.
Các quy định
trước đây trái với quy định này đều bị bãi bỏ.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn
phòng, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng các cơ
sở giáo dục mầm non; Hiệu trưởng các trường tiểu học, trường trung học cơ sở,
trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Giám đốc các sở
giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này ./.
Nơi nhận:
- VP Chủ tịch nước;
- VP Chính phủ; (để b/c)
- Ban TGTW;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ,
HĐND,UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để phối hợp);
- Công báo;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Như Điều 12;
- Website của Chính phủ;
- Website của Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Cục CSVCTBTH, Vụ PC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Nghĩa
|