BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2017/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
15 tháng 3 năm 2017
|
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÀO TẠO VỪA LÀM VỪA HỌC TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm
2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm
2009;
Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6
năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01
tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19
tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24
tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước
về giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24
tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật giáo dục đại học;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban
hành Thông tư ban hành Quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ
đại học.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2017 và bãi bỏ
các nội dung về tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học tại Quyết định số
62/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học,
Thông tư số 15/2011/TT-BGDĐT ngày 9 tháng 4 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học ban hành
kèm theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2008, Quyết định số
36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các
cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDĐH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Văn Ga
|
QUY CHẾ
ĐÀO TẠO VỪA LÀM VỪA HỌC TRÌNH ĐỘ ĐẠI
HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BGDĐT Ngày 15 tháng 3năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này
quy định về hoạt động đào tạo vừa làm vừa học (VLVH) trình độ đại học.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này
áp dụng đối với đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, bao gồm
cả các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng (sau đây gọi
chung là cơ sở đào tạo) được giao nhiệm vụ đào tạo VLVH trình độ đại học; các tổ
chức và cá nhân có liên quan đến quá trình đào tạo VLVH trình độ đại học.
Chương II
HOẠT ĐỘNG
ĐÀO TẠO
Điều 3. Điều kiện tuyển sinh và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương
trình đào tạo
1. Cơ sở
đào tạo được tuyển sinh, thực hiện chương trình đào tạo VLVH trình độ đại học đối
với những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ
đại học và đã tổ chức đào tạo theo tín chỉ.
2. Đã công bố
công khai Thông báo tuyển sinh VLVH trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh, chỉ
tiêu tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh, địa điểm tổ chức tuyển sinh chậm nhất 3
tháng trước ngày tuyển sinh.
3. Đã xây dựng
kế hoạch đào tạo phù hợp với việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo VLVH.
4. Có đội
ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu thực hiện đồng
thời các chương trình đào tạo chính quy và các chương trình đào tạo VLVH.
5. Đã ban hành
Quy chế tuyển sinh VLVH, Quy chế đào tạo VLVH trình độ đại học của cơ sở
đào tạo.
Quy chế
tuyển sinh VLVH của cơ sở đào tạo phải thể hiện đầy đủ các nội dung tương ứng với
phương thức tuyển sinh quy định tại Điều 5, Quy chế này,
không trái với các quy định của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển
sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, Quy chế thi trung học
phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành của
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tại Quy chế này.
Quy chế
đào tạo VLVH của cơ sở đào tạo được xây dựng trên cơ sở quy chế đào tạo đại học
hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành của cơ sở đào tạo và các quy định tại Quy
chế này.
Điều 4. Đối tượng tuyển sinh
Đối tượng
tham gia tuyển sinh VLVH được thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh đại
học hệ chính quy hiện hành.
Điều 5. Tổ chức tuyển sinh
1. Phương thức
tuyển sinh VLVH gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét
tuyển.
2. Cơ sở
đào tạo quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác
tuyển sinh VLVH.
Điều 6. Hội đồng tuyển sinh và các ban giúp việc
1. Hội
đồng tuyển sinh VLVH do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định thành lập. Thành phần
hội đồng tuyển sinh VLVH gồm: chủ tịch hội đồng tuyển sinh VLVH là thủ trưởng
cơ sở đào tạo hoặc cấp phó của thủ trưởng cơ sở đào tạo được cấp trưởng uỷ quyền;
phó chủ tịch hội đồng tuyển sinh VLVH là cấp phó của thủ trưởng cơ sở đào tạo;
uỷ viên thư ký là trưởng hoặc phó đơn vị quản lý đào tạo VLVH; các uỷ viên là một
số trưởng hoặc phó đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác tuyển sinh VLVH và
cán bộ công nghệ thông tin.
2. Nhiệm
vụ và quyền hạn của hội đồng tuyển sinh
a) Tổ
chức triển khai tuyển sinh VLVH theo Quy chế tuyển sinh VLVH do cơ sở đào tạo
ban hành;
b) Thực
hiện các công việc liên quan tới công tác tuyển sinh VLVH của cơ sở đào tạo;
c) Tổng
kết công tác tuyển sinh VLVH của cơ sở đào tạo; thực hiện chế độ báo cáo kết quả
của công tác tuyển sinh VLVH với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan trực tiếp quản
lý cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành.
3. Các ban
giúp việc cho hội đồng tuyển sinh VLVH của cơ sở đào tạo do chủ tịch hội
đồng tuyển sinh VLVH quyết định thành lập.
4. Nhiệm
vụ, quyền hạn của chủ tịch hội đồng tuyển sinh, phó chủ tịch hội đồng tuyển
sinh, uỷ viên thư ký và các ủy viên; nhiệm vụ, quyền hạn của các ban giúp việc
cho hội đồng tuyển sinh VLVH được quy định trong Quy chế tuyển sinh VLVH của cơ
sở đào tạo.
5. Những
người có người thân (con, vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của
vợ hoặc chồng) dự thi hay xét tuyển vào cơ sở đào tạo không được tham gia hội đồng
tuyển sinh VLVH và các ban giúp việc cho hội đồng tuyển sinh VLVH trong kỳ tuyển
sinh VLVH của cơ sở đào tạo.
Điều 7. Địa điểm đào tạo
1. Địa điểm
đào tạo của ngành đào tạo VLVH là trụ sở của cơ sở đào tạo được kiểm tra và
xác nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định khi mở ngành
đào tạo hệ chính quy đối với ngành tương ứng.
2. Trong trường
hợp liên kết đào tạo VLVH và đặt lớp ở ngoài cơ sở đào tạo thì cơ sở đào tạo và
các đơn vị liên quan phải thực hiện các quy định về liên kết đào tạo hiện hành.
Điều 8. Chương trình đào tạo
1. Chương
trình đào tạo VLVH có nội dung như chương trình đào tạo của ngành tương ứng theo hình thức đào tạo chính
quy.
2. Chương
trình đào tạo VLVH được tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành theo quy
định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Tổ chức và quản lý đào tạo
1. Đào tạo
VLVH được tổ chức và quản lý theo tín chỉ.
2. Người
học VLVH có thể học và thi để tích luỹ một số tín chỉ cùng với hệ đào tạo chính
quy.
3. Cơ sở đào tạo tự chủ, tự
chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ,
thực hiện quy chế và chương trình đào tạo VLVH đã ban hành.
4. Đầu
khóa học, cơ sở đào tạo VLVH phải thông báo cho người học về chương trình đào tạo toàn khóa, đề cương chi tiết
các học phần trong chương trình đào tạo; kế hoạch học tập; kế hoạch kiểm tra,
thi; các quy định khác của cơ sở đào tạo có liên quan đến khóa học.
Điều 10. Đánh giá học phần
1. Điểm tổng hợp đánh giá
học phần (gọi tắt là điểm học phần) trong đào tạo VLVH được thực hiện theo quy
chế đào tạo đại học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành của cơ sở đào tạo.
2. Điểm học phần phải được
ghi vào bảng điểm của toàn khoá học.
3. Đề thi kết thúc học phần
phải sử dụng ngân hàng đề thi chung với ngành tương ứng của hệ chính quy của cơ
sở đào tạo.
Điều 11. Hình thức thi, chấm thi kết thúc học phần
1. Hình thức thi kết thúc
học phần có thể là: thi viết, thi vấn đáp hoặc thực hành. Thủ trưởng cơ sở đào
tạo căn cứ đặc điểm từng học phần để quy định hình thức thi thích hợp.
2. Việc chấm thi viết, thi
vấn đáp, chấm tiểu luận, bài tập lớn hoặc thực hành phải do hai giảng viên đảm
nhiệm. Điểm thi vấn đáp được công bố công khai sau mỗi buổi thi.
3. Bảng điểm tổng hợp thi
kết thúc học phần phải có đủ chữ ký của hai giảng viên chấm thi, trưởng bộ môn
hoặc trưởng khoa ký duyệt, được làm thành ba bản lưu giữ tại đơn vị quản lý đào
tạo VLVH của cơ sở đào tạo, văn phòng khoa, bộ môn.
Điều 12. Dự thi kết thúc học phần
1. Người học phải dự thi kết
thúc học phần theo lịch do cơ sở đào tạo quy định.
2. Người học bỏ thi kết
thúc học phần không có lý do chính đáng bị nhận điểm 0.
3. Người học ốm đau, đi
công tác đột xuất hoặc vì những lý do đặc biệt khác phải có đơn đề nghị hoãn
thi. Cơ sở đào tạo bố trí cho những người học này dự thi vào lần thi tiếp theo.
Điều 13. Bảo lưu kết quả học phần
1. Người học đã tốt nghiệp
đại học hoặc đã học các chương trình đào tạo khác được bảo lưu kết quả học phần
đã tích luỹ có cùng nội dung và thời lượng.
2. Thủ trưởng cơ sở đào tạo
quy định về bảo lưu kết quả học phần đã tích luỹ của người học.
Điều 14. Điểm trung bình chung và xếp loại kết quả
học tập
Điểm trung bình chung học
kỳ, điểm trung bình chung tích luỹ của khoá học và xếp loại kết quả học tập của
người học VLVH được thực hiện theo quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo
tín chỉ hiện hành.
Điều 15. Học tiếp, nghỉ học tạm thời, buộc thôi học
1. Cơ sở đào tạo xét việc
học tiếp, nghỉ học tạm thời, hoặc buộc thôi học đối với người học VLVH theo quy
chế đào tạo đại học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành.
2. Thời gian tối đa được
phép học không được vượt quá hai lần so với thời gian thiết kế của chương trình
đào tạo VLVH.
Điều 16. Xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp
1. Điều
kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy chế đào tạo đại
học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành.
2. Hội
đồng xét tốt nghiệp do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định thành lập trên cơ sở
đề nghị của trưởng đơn vị quản lý đào tạo VLVH.
Hội đồng
xét tốt nghiệp do thủ trưởng cơ sở đào tạo hoặc cấp phó được ủy quyền của thủ
trưởng cơ sở đào tạo làm chủ tịch, trưởng đơn vị quản lý đào tạo VLVH làm uỷ
viên thư ký, các uỷ viên là trưởng đơn vị chuyên môn có học viên tốt nghiệp, đại
diện thanh tra đào tạo và đại diện lãnh đạo đơn vị có liên quan đến quá trình
đào tạo VLVH (nếu có).
Hội đồng
xét tốt nghiệp căn cứ vào điều kiện tốt nghiệp để xét, lập danh sách những người
đủ điều kiện, đề nghị thủ trưởng cơ sở đào tạo công nhận tốt nghiệp.
3. Thủ
trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận tốt nghiệp VLVH, cấp bằng tốt nghiệp
và bảng điểm theo đề nghị của hội đồng xét tốt nghiệp VLVH.
4. Người
học không đủ điều kiện tốt nghiệp, không bị kỷ luật buộc thôi học, nếu có yêu
cầu thì được thủ trưởng cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận các học phần
đã hoàn thành trong chương trình đào tạo VLVH.
Chương III
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 17. Chế độ báo cáo, lưu trữ
1. Chế
độ báo cáo
a) Tháng 12
hàng năm, thủ trưởng cơ sở đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về
công tác đào tạo VLVH của năm đó, bao gồm: số liệu thực hiện kế hoạch tuyển
sinh theo từng ngành đào tạo; số người học hiện có và số dự kiến tốt nghiệp năm
sau; dự kiến số lần tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh
theo ngành đào tạo cho năm sau;
b) Thủ
trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về thời gian báo cáo, tính chính xác và
chất lượng của báo cáo.
2. Lưu trữ
a) Tài liệu
liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo VLVH của cơ sở đào tạo phải được bảo
quản an toàn trong kho lưu trữ. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo
thực hiện việc bảo quản tài liệu lưu trữ theo các quy định hiện hành;
b) Quyết
định trúng tuyển, bảng điểm gốc, quyết định công nhận tốt nghiệp, sổ gốc cấp
phát bằng tốt nghiệp cho người học VLVH là tài liệu lưu trữ được bảo quản vĩnh
viễn tại cơ sở đào tạo;
c) Tài liệu
khác liên quan đến tuyển sinh, đào tạo VLVH được lưu trữ, bảo quản trong suốt
quá trình đào tạo;
d) Việc
tiêu hủy tài liệu liên quan tuyển sinh, đào tạo VLVH hết thời gian lưu trữ được
thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 18. Thanh tra, kiểm tra
1. Cơ sở
đào tạo có trách nhiệm tự kiểm tra, thanh tra nội bộ việc tuyển sinh, thực hiện
kế hoạch, chương trình, quy chế đào tạo và các nhiệm vụ khác liên quan đến đào
tạo VLVH; chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và
các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định hiện hành.
2. Bộ
Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về
tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng của cơ sở đào tạo theo các quy định của pháp luật
hiện hành.
3. Các bộ,
cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo
thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản
lý của mình, theo phân công và phân cấp của Chính phủ.
Điều 19. Xử lý vi phạm
1. Người tham
gia công tác tuyển sinh VLVH, thí sinh dự tuyển trong kỳ tuyển sinh VLVH có
hành vi vi phạm quy chế, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, xử
lý kỷ luật theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển
sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy hiện hành.
2. Người học sử
dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị buộc thôi học. Nếu phát hiện sau khi cấp bằng
thì thủ trưởng cơ sở đào tạo thu hồi, huỷ bỏ bằng đã cấp đối với người vi phạm.
3. Công chức,
viên chức, người lao động tham gia quản lý, giảng dạy, hướng dẫn, đánh giá tại
cơ sở đào tạo VLVH, nếu vi phạm Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi
phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự,
bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Cơ sở đào tạo
VLVH nếu vi phạm Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý
theo các quy định hiện hành.
Điều 20. Áp dụng Quy chế
1. Đối
với những khoá tuyển sinh VLVH trình độ đại học trước ngày Quy chế này có hiệu
lực, việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo áp dụng theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT ngày
25 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển
sinh đại học và cao đẳng hình thức VLVH, Thông tư số
15/2011/TT-BGDĐT ngày 9 tháng 4 năm
2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng
hình thức VLVH ban hành kèm theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT ngày
25 tháng 11 năm 2008, Quyết định số 36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 6 năm
2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo đại học và
cao đẳng hình thức VLVH.
2. Đối với khoá tuyển sinh
VLVH trình độ đại học từ ngày Quy chế này có
hiệu lực thì việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo Quy chế này./.