ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 424/QĐ-UBND
|
Sơn
La, ngày 20 tháng 02 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC
MẦM NON GIAI ĐOẠN NĂM 2018 - 2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25
tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP
ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ VIII, Ban Chấp
hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Quyết định số
1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
“Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn năm 2018 - 2025”;
Theo đề nghị của Sở Giáo dục và
Đào tạo tại Tờ trình số 24/TTr-SGDĐT ngày 30 tháng 01 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn năm 2018
- 2025" của tỉnh Sơn La (có Kế hoạch chi tiết kèm theo).
Điều 2. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Nội vụ, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thành
phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào
tạo (B/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, KGVX. HA, 10 bản.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Văn Thủy
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH SƠN LA
GIAI ĐOẠN NĂM 2018 - 2025”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 20/02/2018 của UBND
tỉnh)
A. THỰC TRẠNG
GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH SƠN LA
Giáo dục mầm non (GDMN) có vị
trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân; có nhiệm vụ thực hiện
việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục (CS-GD) trẻ từ 06 tháng đến 72
tháng tuổi, tạo tiền đề vững chắc cho sự hình thành và phát triển nhân cách con
người. Việc chăm lo phát triển GDMN là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền,
của toàn xã hội.
Trong những năm qua, GDMN Sơn La đã
có nhiều cố gắng thực hiện đa dạng hoá các loại hình giáo dục phù hợp với thực
tế của từng địa phương, quy mô mạng lưới trường lớp được mở rộng, tỷ lệ huy động
trẻ ra lớp ngày càng tăng, đội ngũ giáo viên được tăng cường, cơ sở vật chất từng
bước được cải thiện góp phần vào sự phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng và
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, cụ thể như sau:
I. Thuận lợi
GDMN luôn được sự quan tâm của Đảng,
Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp; hệ thống mạng lưới GDMN đã được củng
cố, hoàn thiện dần và từng bước phát triển; cơ chế chính sách đầu tư đang được
cải tiến, bổ sung và từng bước điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của
GDMN; nhận thức của nhân dân về GDMN ngày một cao; Sơn La đang có nhiều các dự
án, công trình được khởi công xây dựng là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo nói chung
và GDMN nói riêng.
II. Khó khăn
Hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu
phát triển; dân cư phân bố không đồng đều, thu nhập bình quân/người thấp. Ở một
số nơi sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở đối với GDMN chưa ngang tầm
với vị trí của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL)
và giáo viên mầm non (GVMN) còn thiếu và chưa đồng bộ về cơ cấu.
Mạng lưới cơ sở GDMN phát triển chưa
đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy
và học còn hạn chế. Công tác xã hội hoá GDMN còn nhiều khó khăn. Còn nhiều trẻ
em trong độ tuổi mầm non (đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn)
chưa được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo khoa học.
III. Những kết quả
đạt được
1. Quy mô mạng lưới trường, lớp, tỷ lệ huy động trẻ ra nhóm, lớp
- Trong những năm
qua, mạng lưới cơ sở GDMN tiếp tục được củng cố, phát triển và mở rộng dần về
quy mô; các loại hình GDMN được đa dạng hoá; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp
ngày một tăng, đặc biệt có sự ưu tiên cho trẻ 05 tuổi để chuẩn bị tốt về tâm thế
cho trẻ vào lớp Một.
Toàn tỉnh có 270
trường Mầm non (TMN), tăng 02 trường công lập, 03 trường tư thục so với năm học trước, trong
đó có 258 TMN công lập, 12 TMN tư thục;
Tổng số có 3.596 nhóm lớp, trong đó có 465 nhóm trẻ (27 nhóm trẻ độc lập tư
thục), 3.131 lớp mẫu giáo. Việc chăm lo phát triển GDMN tư thục có nhiều khởi
sắc (Thành phố, Mai Sơn, Mường La, Phù Yên, Thuận Châu, Sông Mã, Mộc Châu).
- Số lượng trẻ trong từng độ tuổi đến
trường đều tăng: Toàn tỉnh có 93.249 trẻ đã được huy động ra lớp, trong đó có
10.318 trẻ nhà trẻ, đạt 18,2% (tăng 1,3% so với năm học trước); có 82.931
trẻ mẫu giáo, đạt 96,2% (tăng 2,4% so với năm học trước); riêng trẻ 05
tuổi có 29.696 trẻ, đạt 99,0% (tăng 0,2% so với năm học trước).
2. Công tác phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ em năm tuổi
- Các địa phương trong tỉnh tập trung
ưu tiên nguồn lực để củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng PCGDMNTNT đảm bảo
các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24
tháng 3 năm 2014 về PCGD, XMC của Chính phủ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT
ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Ban Chỉ đạo PCGD, XMC các cấp thực
hiện nghiêm túc việc kiểm tra, công nhận lại kết quả duy trì đạt chuẩn
PCGDMNTNT đối với 204 (100%) đơn vị cấp xã, 12 (100%) đơn vị cấp
huyện theo đúng quy định. Tỷ lệ giáo viên (GV) dạy lớp 5 tuổi bình quân đạt
1,54 GV/lớp (tăng 0,14% so với năm học trước); 100% GV dạy lớp 5 tuổi có
trình độ đào tạo từ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn chiếm 82,4% (tăng
9,1% so với năm học trước); cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường được cải
thiện, chất lượng CS-GD trẻ được nâng lên rõ rệt.
3. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo
viên mầm non
- Toàn tỉnh có 6.174 CBQL, GV, NV,
trong đó: 665 CBQL (100% đạt chuẩn trở lên, trong đó có 57,4% trên chuẩn),
4.723 GV (100% đạt chuẩn trở lên, trong đó có 75,8% trên chuẩn), 786 NV;
có 95,7% CBQL, GVMN trong biên chế. Số CBQL, GVMN ngoài biên chế thuộc các cơ sở
GDMN tư thục. Tỷ lệ GV bình quân chung đạt 1,31 GV/nhóm lớp, trong đó: GV nhà
trẻ đạt 1,5 GV/nhóm, GV mẫu giáo đạt 1,3 GV/lớp, GV dạy lớp 5 tuổi đạt 1,54
GV/lớp.
- 100% cơ sở GDMN công lập đã xây dựng
“Đề án vị trí việc làm” theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTTL-BGDĐT-BNV
ngày 16 tháng 3 năm 2015 của liên bộ: Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ quy định về
danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo
dục mầm non công lập.
Toàn tỉnh đã tuyển mới được 79 biên
chế bổ sung cho các cơ sở GDMN. 100% CBQL được đánh giá, xếp loại theo chuẩn Hiệu
trưởng, trong đó: Loại xuất sắc chiếm 43,5%, loại khá chiếm 52,0%, loại trung
bình chiếm 4,4%, loại kém còn 0,1% (Phù Yên: 01 CBQL). 100% GVMN được
đánh giá, xếp loại theo Chuẩn nghề nghiệp GVMN, trong đó: Loại xuất sắc chiếm
41,5%, loại khá chiếm 47,1%, loại trung bình chiếm 11.1%, loại kém còn 0,3% (Sốp
Cộp: 01 GV, Yên Châu: 04 GV, Phù Yên: 04 GV, Mai Sơn: 02 GV, Bắc Yên: 02 GV).
- Các chế độ chính sách cho đội ngũ
CBQL, GV, NV được đảm bảo kịp thời theo quy định; mức lương của CBQL, GV, NV
trong các cơ sở GDMN tư thục thấp nhất là 3 triệu đồng/tháng/người; cao nhất là
13 triệu đồng/tháng/người; chủ hợp đồng lao động thực hiện các chế độ BHXH,
BHYT cho người lao động theo thoả thuận.
- Công tác BDTX cho CBQL, GVMN triển
khai đồng bộ theo quy định từ tỉnh xuống cơ sở với nhiều hình thức linh hoạt, hợp
lý cho 27 lớp bồi dưỡng chính trị và 59 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho 5.434
CBQL, GVMN trong tỉnh; có 50 CBQL, GVMN tham gia tập huấn trực tuyến đại trà
qua mạng; 100 CBQL (14,6%) và 500 GVMN (10,6%) hoàn thành tập huấn
qua mạng 10 Mô đun ưu tiên nâng cao kịp thời đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
4. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và
giáo dục trẻ
- Các địa phương đã có nhiều giải
pháp tích cực trong công tác tham mưu, tăng cường các điều kiện về CSVC; tập
trung chỉ đạo các cơ sở GDMN thực hiện nghiêm túc Chương trình GDMN, lựa chọn
TMN thực hiện xây dựng mô hình điểm “TMN lấy trẻ làm trung tâm”. Các cơ
sở GDMN tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động, xây dựng
môi trường GD phong phú, đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho trẻ trải nghiệm, khám
phá; chú trọng hình thành và phát triển kỹ năng sống cho trẻ phù hợp với từng độ
tuổi. Toàn tỉnh có 3.596 (100%) nhóm/lớp MN thực hiện Chương trình GDMN
và học 2 buổi/ngày. 100% trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) được tăng cường
tiếng Việt.
- Các cơ sở GDMN sử dụng có chất lượng,
hiệu quả Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi để hỗ trợ thực hiện Chương trình
GDMN. Toàn tỉnh có 29.696 (100%) trẻ 5 tuổi được đánh giá chuẩn phát triển
trẻ em 5 tuổi và được học 2 buổi/ngày. Việc triển khai nhân rộng Chuyên
đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong TMN”
được lồng ghép với triển khai Chuyên đề “Xây dựng TMN lấy trẻ làm trung tâm”
đã tạo cơ hội tích cực cho trẻ phát triển toàn diện.
- Một số đơn vị trong tỉnh đã tham
mưu ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng
Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn năm
2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” tại địa phương theo Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2017 của UBND tỉnh.
- Việc tổ chức sơ kết 03 năm triển
khai thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh (LQVTA) trong TMN được thực
hiện nghiêm túc, kịp thời: Toàn tỉnh có 23 TMN, 98 nhóm/lớp,
3.046 trẻ được LQVTA (68 trẻ 24-36 tháng tuổi, có 325 trẻ 3 tuổi, có 1.092
trẻ 4-5 tuổi, có 1.561 trẻ 5-6 tuổi), trong đó có 07 TMN, 37 nhóm/lớp,
1.079 trẻ được chọn thí điểm cho trẻ LQVTA.
- 100% trẻ được khám sức khoẻ định kỳ
theo quy định, trong đó: Trẻ nhà trẻ SDD thể nhẹ cân chiếm 7,2%, thể thấp còi
chiếm 11,6%; trẻ mẫu giáo SDD thể nhẹ cân chiếm 7,4 %, thể thấp còi chiếm
10,9%. Tổng số có 68,1% trẻ được ăn bán trú bằng các hình thức linh hoạt, trong
đó có: 6.864 trẻ nhà trẻ, 58.269 trẻ mẫu giáo, riêng trẻ 5 tuổi có 29.696 trẻ.
Các cơ sở GDMN
phối hợp tốt với các cơ sở Y tế trên địa bàn khám sức khoẻ, xác định và lập hồ
sơ cá nhân theo dõi trẻ khuyết tật học hoà nhập tại TMN.
Trẻ khuyết tật tham gia học hoà nhập
được quan tâm giúp đỡ, đối xử công bằng và được hưởng các quyền lợi kịp thời;
việc chuyển giao hồ sơ và trẻ khuyết tật vào trường Tiểu học theo đúng quy định.
Tổng số có 258/374 (69%) trẻ
khuyết tật học hoà nhập, trong đó có 06/18 trẻ khuyết tật nhà trẻ và 252/356 trẻ
khuyết tật mẫu giáo được huy động ra lớp.
5. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy
và học
- 100% cơ sở GDMN đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt hồ sơ, bàn giao diện tích sử dụng, sơ đồ đất, trong đó có
199/269 (74%) TMN đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Các địa phương đã tập trung ưu tiên
bố trí phòng học kiên cố, bán kiên cố, phòng đủ diện tích cho các lớp mẫu giáo
5 tuổi đảm bảo tỷ lệ 01 phòng học/lớp.
Tiếp tục cải tạo, xây mới phòng học
cho các cơ sở GDMN, toàn tỉnh có 3.590 phòng học, trong đó: 1.975 phòng học
kiên cố, chiếm 55% (tăng 68 phòng so với năm học trước); 941 phòng bán
kiên cố, chiếm 26,2% (tăng 298 phòng so với năm học trước); có 674 phòng
học học tạm, chiếm 18,8% (giảm 337 phòng so với năm học trước), trong đó
có 132 phòng học mượn nhờ (giảm 92 phòng so với năm học trước).
Toàn tỉnh có 197 (73,2%) TMN
có bếp ăn, 100% TMN có nguồn nước sạch, có công trình vệ sinh cơ bản đạt yêu cầu;
có 1.471/1.645 (89,4%) điểm trường có sân chơi ngoài trời, trong đó có
605 (41,1%) sân có đồ chơi ngoài trời, 342 (23,2%) sân chơi có 5
loại thiết bị đồ chơi trở lên; 93 trường (41%) có phòng Kidsmart.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tóm tắt kết quả nổi bật
- Quy mô mạng lưới trường, lớp MN tiếp
tục được củng cố, duy trì và phát triển bền vững: Tỉ lệ trẻ nhà trẻ tăng 1,3%,
trẻ mẫu giáo tăng 2,4%, trẻ 5 tuổi tăng 0,2%; tỷ lệ TMNĐCQG tăng 10,5%; tỷ lệ
TMN đạt chuẩn chất lượng giáo dục tăng 12,1% so với năm học trước. 100% các địa
phương duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn PCGDMNTNT.
- Chất lượng CS-GD trẻ ngày một nâng
cao, công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, VSATTP trong
các cơ sở GDMN được duy trì thường xuyên; tỷ lệ trẻ được ăn tại trường tăng
3,5% so với năm học trước; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm so với đầu năm học
và cùng kỳ năm học trước. 100% trẻ được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ DTTS được
tăng cường tiếng Việt; 100% trẻ 5 tuổi được đánh giá theo Bộ chuẩn phát triển
trẻ 5 tuổi. Triển khai có hiệu quả thí điểm cho trẻ LQVTA trong TMN; linh hoạt
triển khai lồng ghép Chuyên đề “Giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong
TMN” và Chuyên đề “Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm” đạt hiệu
quả cao.
- Đội ngũ GVMN tiếp tục được bổ sung
về số lượng và nâng cao về chất lượng; công tác BDTX thực hiện theo hướng mở và
đổi mới hình thức tổ chức. Việc đánh giá CBQL, GVMN theo Chuẩn được thực hiện
nghiêm túc; tổ chức tốt Hội thi GVMN dạy giỏi cấp trường, cấp huyện theo quy định
hiện hành.
- Công tác quy hoạch đất đai cho các
TMN tiếp tục được hoàn thiện. Công tác quản lý, mua sắm, bảo quản và sử dụng
thiết bị, đồ dùng đồ chơi, học liệu cho trẻ tiếp tục được bổ sung, tăng cường
theo hướng đồng bộ. Chế độ chính sách cho trẻ em và GV đảm bảo theo quy định.
- Công tác XHHGD có điểm nổi bật:
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 15 tháng 3 năm 2017 về cơ
chế hỗ trợ thành lập TMN tư thục trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Quyết định
số 1376/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2017 về phê duyệt Đề án XHHGD-ĐT, dạy nghề
tỉnh Sơn La giai đoạn năm 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động
của các cơ sở GDMN tư thục được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời. Sở Giáo
dục và Đào tạo đã chủ động nghiên cứu, thiết kế bộ sổ sách quản lý trường, lớp
MN theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, phù hợp với qui định của Điều lệ TMN nhằm
giúp CBQL, GVMN thực hiện nhiệm vụ khoa học, không chồng chéo, đồng bộ, thống
nhất.
2. Khó khăn, hạn chế
- Hầu hết các TMN trong tỉnh đều có
nhiều điểm trường lẻ nên tỷ lớp ghép các độ tuổi cao (45,4%). Tỷ lệ trẻ
được ăn bán trú tại trường còn thấp (60,1%); tỷ lệ TMNĐCQG và TMN đạt
chuẩn chất lượng giáo dục chưa đạt so với chỉ tiêu giao. Toàn tỉnh hiện còn 01
xã chưa có TMN (xã Viêng Lán, huyện Yên Châu).
- Đội ngũ GVMN còn thiếu chưa đáp ứng
quy mô trường lớp hiện có; tỷ lệ GV/lớp thấp (thấp thứ 2 so với toàn quốc).
Đa số cơ sở GDMN chưa có nhân viên y tế; nhân viên nấu ăn tại các cơ sở GDMN tổ
chức bán trú chủ yếu là hợp đồng ngắn hạn. Cường độ lao động của GV lớn và gặp
nhiều khó khăn trong CS-GD trẻ nói chung và trẻ khuyết tật hoà nhập nói riêng.
- CSVC, đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy
học tối thiểu còn thiếu và chưa đồng bộ; nguồn kinh phí, tài liệu, học liệu để
tuyên truyền và tổ chức các hoạt động CS-GD trẻ còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ phòng
học kiên cố còn thấp; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn còn thiếu và chưa
đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Tỷ lệ kinh phí đầu tư cho
GDMN trong tổng chi ngân sách cho giáo dục còn thấp (22,8%).
- Công tác quản lý hoạt động của nhóm
trẻ độc lập tư thục của một số địa phương còn hạn chế (chưa cấp phép thành lập;
số trẻ trong nhóm vượt so với quy chế quy định; sử dụng đồ dùng, đồ chơi không
đúng danh mục quy định, không phù hợp tuổi MN…).
- Việc đánh giá, xếp loại hoàn thành
nhiệm vụ của các cơ sở GDMN ngoài công lập chưa kịp thời.
3. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn
chế
3.1. Nguyên nhân chủ quan
- Một số cấp uỷ, chính quyền địa
phương chưa có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo phát triển
GDMN trên địa bàn.
- Công tác tuyên truyền về GDMN tuy
có nhiều chuyển biến song chưa thật đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
- Công tác tham mưu của một bộ phận
CBQL, GVMN chưa thật chủ động, kém hiệu quả.
3.2. Nguyên nhân khách quan
- Tốc độ tăng số trẻ ra lớp hàng năm
lớn hơn tốc độ phát triển trường lớp.
- Một bộ phận không nhỏ CBQL và GVMN
do tuổi cao nên việc tiếp cận CNTT trong quản lý, chỉ đạo và thực hiện Chương
trình GDMN còn hạn chế.
- Tiến độ xây dựng CSVC theo Chương
trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho GV còn chậm, thiếu và chưa
đồng bộ.
- Biên chế GV được giao còn thiếu so
với nhu cầu phát triển thực tiễn.
- Chính sách hỗ trợ GV dạy trẻ khuyết
tật hoà nhập, chính sách hỗ trợ cho GV dạy trẻ dân tộc vùng dân tộc thiểu số chậm
được ban hành. Kinh phí đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và quy mô
GDMN hiện có.
- Tiến độ tuyển dụng viên chức cho
các cơ sở GDMN trong tỉnh còn chậm, nội dung thi tuyển chưa thực sự phù hợp với
đối tượng tuyển dụng.
B. KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN NĂM 2018 - 2025
I. MỤC TIÊU
CHUNG
Phát triển GDMN nhằm tạo sự chuyển biến
cơ bản, vững chắc và toàn diện, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và
giáo dục trẻ; củng cố và từng bước hoàn thiện, mở rộng hệ thống mạng lưới cơ sở
GDMN, đặc biệt chú trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới và các điểm tái định cư
Thuỷ điện Sơn La; đa dạng hóa các phương thức chăm sóc - giáo dục phù hợp với
điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng trong tỉnh; bảo đảm chế độ, chính sách cho
GVMN theo qui định; phấn đấu đến năm 2025 hầu hết trẻ em đều được chăm sóc -
giáo dục bằng những hình thức thích hợp; giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD)
trong các cơ sở GDMN xuống còn 6,5% SDD cân nặng, 8,0% SDD chiều cao.
II. MỤC TIÊU,
NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Giai đoạn năm 2018 - 2020
1.1. Quy mô, mạng lưới trường, lớp: Mạng
lưới cơ sở GDMN được củng cố, hoàn thiện và từng bước mở rộng: Phấn đấu đến năm
2020 tỉ lệ trẻ em từ 0 - 3 tuổi đến nhà, nhóm trẻ đạt 25%, (ngoài công lập
30%); tỉ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 98,6% (ngoài công lập
30%); riêng tỉ lệ trẻ 5 tuổi đạt 99,8%. Tiếp tục hình thành các cơ sở GDMN
ngoài công lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng trong tỉnh; đến
năm 2020 có 18 trường, nâng tổng số lên 4.350 nhóm, lớp (cả công lập và
ngoài công lập).
1.2. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ
Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc
và giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN, đến năm 2020
100% trẻ được học 2 buổi/ngày; đảm bảo
100% trẻ đến trường được chăm sóc - giáo dục theo khoa học; 100% trẻ được đảm bảo
an toàn tuyệt đối trong thời gian ở trường; 90% trẻ trong độ tuổi đạt chuẩn
phát triển; tỷ lệ trẻ SDD trong các cơ sở GDMN giảm xuống còn 7,0% SDD cân nặng
và 9,0% SDD chiều cao; 100% trẻ dân tộc thiểu số đến lớp được tăng cường tiếng
Việt. Từng bước triển khai các phần mềm ứng dụng trong quản lý, chăm sóc, nuôi
dưỡng và giáo dục trẻ mầm non.
1.3. Đội ngũ giáo viên
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ CBQL và GVMN: Phấn đấu đến
năm 2020, 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn về trình độ (trong đó
80% trên chuẩn); 100% CBQL là Đảng viên; 90% CBQL và GDMN được bồi dưỡng về
tin học. Chú trọng đào tạo giáo viên theo địa chỉ và nhu cầu sử dụng, đáp ứng về
số lượng và đảm bảo về chất lượng; đến năm 2020 cần có 7.386 giáo viên.
1.4. Cơ sở vật chất trường lớp
Tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang
thiết bị dạy học và học: Đến năm 2020 có 70% phòng học kiên cố; 70% trường có bếp
ăn một chiều; 80% trường có bộ đồ chơi ngoài trời; 80% lớp học có bộ thiết bị dạy
và học; 60% trường có phòng học Kidsmart (cụ thể: đến năm 2020 bổ sung thêm
134 phòng học; 37 phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật; 23 nhà bếp và
nhà kho; 153 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 42 bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời).
1.5. Kiểm định chất lượng giáo dục và
trường đạt chuẩn Quốc gia: Đến năm 2020, có 70% trường mầm non hoàn thành tự
đánh giá, trong đó có ít nhất 50% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn
kiểm định chất lượng giáo dục, 40% trường đạt chuẩn Quốc gia.
1.6. Phổ cập giáo dục mầm non: 100%
huyện/thành phố thực hiện duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục
mầm non trẻ em 5 tuổi.
2. Giai đoạn năm 2021 - 2025
2.1. Quy mô, mạng lưới trường lớp
Phát triển mạng lưới mầm non: Phấn đấu
đến năm 2025, tỉ lệ trẻ em từ 0 - 3 tuổi đến nhà, nhóm trẻ đạt 30% (ngoài
công lập 40%); tỉ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99% (ngoài
công lập 40%); riêng tỉ lệ trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tiếp tục hình thành các cơ
sở GDMN ngoài công lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng trong tỉnh;
đến năm 2025 có 25 trường mầm non ngoài công lập.
2.2. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ
Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm
sóc và giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN, đến năm 2025: 100% trẻ được học 2 buổi/ngày;
đảm bảo 100% trẻ đến trường được chăm sóc - giáo dục theo khoa học; 100% trẻ được
đảm bảo an toàn tuyệt đối; 100% trẻ trong độ tuổi đạt chuẩn phát triển; giảm tỉ
lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở GDMN xuống còn 6,5% SDD cân nặng, 8,0%
SDD chiều cao, 100% trẻ dân tộc thiểu số đến lớp được tăng cường tiếng Việt. Tiếp
tục triển khai các phần mềm ứng dụng trong quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và
giáo dục trẻ mầm non, tạo mọi điều kiện để thực hiện tốt chương trình chăm sóc
giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2.3. Đội ngũ giáo viên
Phấn đấu đến năm 2025, đủ số lượng
giáo viên mầm non theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng
sư phạm mầm non trở lên, 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở
lên. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lí luận chính trị
cho đội ngũ CBQL và GVMN. Chú trọng đào tạo giáo viên theo địa chỉ và nhu cầu sử
dụng, đáp ứng về số lượng và đảm bảo về chất lượng; đến năm 2025 cần có 8.700
giáo viên.
2.4. Cơ sở vật chất, trường lớp
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang
thiết bị dạy học và học: Đến năm 2025 có 80% phòng học kiên cố; 80% trường có bếp
ăn một chiều; 90% trường có bộ đồ chơi ngoài trời; 85% lớp học có bộ thiết bị dạy
và học; 80% trường có phòng học Kidsmart.
2.5. Kiểm định chất lượng giáo dục và
trường đạt chuẩn Quốc gia
Đến năm 2025, có 100% trường mầm non
hoàn thành tự đánh giá, trong đó có ít nhất 70% số trường mầm non được công nhận
đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, 50% trường đạt chuẩn Quốc gia.
2.6. Phổ cập giáo dục mầm non
100% huyện/thành phố thực hiện duy
trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
C. CÁC GIẢI
PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. CÁC GIẢI PHÁP
1. Nâng cao nhận thức và tuyên truyền
đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục mầm non
1.1. Tổ chức quán triệt các quan điểm,
chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo Chính phủ và
các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về chính sách phát triển GDMN để có nhận
thức đúng, đầy đủ và đồng bộ trong việc chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả về chủ
trương xã hội hoá GDMN.
1.2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp
uỷ đảng, quản lý của Nhà nước; Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, xã hội
cùng tham gia phát triển GDMN.
1.3. Tuyên truyền sâu rộng trong nhân
dân, các cấp, các ngành và toàn xã hội về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động GD
và thực hiện Đề án "Phát triển GDMN giai đoạn năm 2018 - 2025".
1.4. Tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền
về kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ bằng nhiều hình thức đa dạng trên
các kênh thông tin; khuyến khích phát triển nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ dòng họ
có sự quản lý của Nhà nước.
2. Củng cố, tăng cường, kiện toàn đội
ngũ giáo viên và CBQL GDMN
2.1. Đảm bảo 100% GVMN các xã đặc biệt
khó khăn, xã biên giới, điểm tái định cư được công tác, giảng dạy tại các cơ
GDMN công lập. Thực hiện nghiêm túc chế độ luân chuyển, tăng cường giáo viên
phù hợp giữa các vùng trong huyện, thành phố. Kiện toàn đội ngũ CBQL, đảm bảo đủ
số lượng GV đối với các trường mầm non.
2.2. Kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy
các trường MN theo quy định của Điều lệ trường MN, có kế hoạch bố trí, sắp xếp
CBQL, GV phù hợp với trình độ năng lực và loại hình trường/lớp để đáp ứng với
yêu cầu đổi mới và phát triển GDMN.
2.3. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng
kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức nâng cao năng lực quản lý, bồi dưỡng
trên chuẩn cho đội ngũ cho CBQL và GVMN.
3. Tổ chức thực hiện chính sách khuyến
khích xã hội hoá GDMN theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008
và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ
3.1. Thực hiện hỗ trợ ban đầu có thời
hạn của Nhà nước đối với các cơ sở GDMN công lập chuyển sang loại hình ngoài
công lập; khuyến khích các cơ sở GDMN ngoài công lập đăng ký hoạt động theo cơ
chế phi lợi nhuận.
3.2. Thực hiện quyền sử dụng đất, thuế
đất đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập theo Luật Thuế, Luật Đất đai hiện
hành.
3.3. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch việc
thực hiện công khai hoá, đơn giản hoá thủ tục giao đất cho các trường mầm non
công lập và ngoài công lập theo đúng Luật Đất đai.
3.4. Đảm bảo chế độ tiền lương cho đội
ngũ GV thuộc các cơ sở GDMN ngoài công lập không thấp hơn các cơ sở GDMN công lập,
chế độ bảo hiểm và các chế độ chính sách khác được thực hiện theo đúng quy định
hiện hành.
3.5. Có lộ trình chuyển đổi một số cơ
sở GDMN công lập ở các trung tâm thành phố, thị trấn, nơi có điều kiện phát triển
kinh tế - xã hội sang loại hình ngoài công lập. Trong quá trình triển khai có tổ
chức thí điểm và rút kinh nghiệm để mở rộng quy mô về số lượng và chất lượng.
4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
cho GDMN
4.1. Tăng đầu tư cho GDMN phù hợp
theo hướng ưu tiên đầu tư xây dựng cơ bản cho các cơ sở GDMN công lập tại vùng
đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, điểm tái định cư
Thuỷ điện Sơn La, trường đạt chuẩn quốc gia và hệ thống trường điểm; thực hiện
có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở
GDMN ở những vùng thuận lợi; giải quyết dứt điểm số phòng học nhờ, học tạm và
bàn ghế không đúng quy cách cũng như việc cấp đất và giao quyền sử dụng đất cho
các cơ sở GDMN phù hợp, đúng theo luật hiện hành.
4.2. Đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư
đối với GDMN; khuyến khích các tập thể, cá nhân, tổ chức trong tỉnh, trong nước
và quốc tế tham gia ủng hộ xây dựng các cơ sở GDMN, đặc biệt là loại hình trường/lớp
ngoài công lập.
5. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội
ngũ GV và CBQL GDMN
5.1. Triển khai nghiêm túc Quyết định
số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy
định đạo đức nhà giáo.
5.2. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cả về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, quản lý
nhà nước cho đội ngũ CBQL và GVMN phù hợp với trình độ chuẩn và trên chuẩn đảm
bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN theo từng giai đoạn và mỗi địa phương trong tỉnh.
Tăng cường công tác phát triển Đảng,
nâng tỉ lệ Đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng trong các trường MN. Chú trọng tới
chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GVMN. Tạo điều kiện cho CBQL và GVMN
tham gia bồi dưỡng kiến thức về tin học để kịp thời ứng dụng chương trình công
nghệ thông tin trong GDMN.
5.3. Thực hiện các chế độ, chính sách
đối với đội ngũ GVMN theo đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa
các loại hình giáo dục công lập và ngoài công lập.
6. Thực hiện đổi mới chương trình, nội
dung, phương pháp GDMN
6.1. Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện đổi
mới hình thức tổ chức giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, kích
thích và phát huy tính sáng tạo của trẻ để tiến tới tiếp cận với chương trình
SGK mới ở trường Tiểu học.
6.2. Tăng cường sự chỉ đạo, thực hiện
chương trình chăm sóc - giáo dục mầm non mới theo hướng tích hợp các nội dung
giáo dục phát triển theo từng lĩnh vực, coi trọng đến các hoạt động vui chơi
phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu chăm sóc - giáo dục
trẻ. Tích cực tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số một cách thích hợp.
6.3. Tổ chức thực hiện theo dõi, đánh
giá chuẩn phát triển của trẻ theo đúng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6.4. Cung cấp thiết bị, đồ chơi, các
phần mềm phục vụ đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp GDMN và làm quen với
tin học, ngoại ngữ để phát triển trí tuệ cho trẻ MN đáp ứng kịp thời với đổi mới
GD nói chung.
7. Đổi mới công tác quản lý giáo dục
mầm non
7.1. Kiện toàn hệ thống quản lý GDMN
các cấp, bố trí CBQL phù hợp với phẩm chất, năng lực và ổn định cán bộ chỉ đạo
chuyên môn cấp phòng; đổi mới tư duy, phương thức quản lý GDMN theo hướng nâng
cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của
các địa phương và các cơ sở GDMN; giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề
bức xúc của GDMN; thúc đẩy phát triển GDMN theo đúng đường lối của Đảng và Nhà
nước.
7.2. Tăng cường công tác quy hoạch, kế
hoạch, quy chế hoạt động, quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất
lượng GDMN.
7.3. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ
trong quản lý thông tin và truyền thông giữa ngành chủ quản với các sở, ban
ngành và địa phương trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ MN.
II. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào
tạo
- Xây dựng kế hoạch phát triển GDMN theo
từng giai đoạn phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Xây dựng chương trình
mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê
duyệt, chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi toàn tỉnh.
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo các Phòng
Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phát triển GDMN hàng năm cho phù hợp với
sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương giai đoạn năm 2018 - 2025.
Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, các tổ chức
đoàn thể chỉ đạo, thu hút các nguồn lực đầu tư cho GDMN.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố
trí cân đối đủ nguồn kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đối với nguồn ngân sách được
Trung ương phân cấp quản lý và các chế độ chính sách chi cho GDMN theo quy định
hiện hành của Nhà nước.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố,
các cơ quan, đơn vị lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc
gia, các dự án ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ thực hiện Đề án; công tác quản lý,
sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp
khác thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản
hướng dẫn thi hành.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc
quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính và các
ngành liên quan tổ chức thẩm định và trình phê duyệt chương trình mục tiêu quốc
gia về giáo dục đào tạo.
4. Sở Nội vụ
Nghiên cứu, bổ sung chế độ chính sách
về đội ngũ CBQL, GVMN thuộc các loại hình giáo dục; phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo trình phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị đáp ứng nhu cầu phát triển
GDMN giữa các vùng trong tỉnh.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì và phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với cán bộ, giáo viên và trẻ mầm
non. Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo giám sát tình hình thực hiện
các nội dung có liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực GDMN; chỉ
đạo thực hiện các chính sách về gia đình và trẻ em phục vụ cho các mục tiêu
phát triển GDMN.
6. Sở Y tế
Chủ trì xây dựng kế hoạch và thực hiện
các chương trình y tế học đường và chương trình tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ em;
phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện các chương trình dịch
vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng lồng ghép trong đào tạo, bồi dưỡng GVMN;
phối hợp xây dựng phòng học đạt chuẩn môi trường an toàn, giám sát, kiểm tra
công tác VSATTP, phổ biến kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
và cung cấp dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình.
7. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch cụ thể hoá các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để chỉ đạo triển khai thực hiện trong phạm
vi quản lý.
- Chỉ đạo thực hiện việc quy hoạch mạng
lưới các cơ sở GDMN; kế hoạch đào tạo GVMN cho từng giai đoạn phù hợp với điều
kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
- Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị, đồ chơi phục vụ việc triển khai Chương trình chăm sóc giáo dục
mầm non mới; có chính sách ưu đãi nhằm phát triển GDMN trên địa bàn; bảo đảm bố
trí ngân sách chi cho GDMN theo đúng quy định hiện hành.
- Chỉ đạo việc chuyển đổi một số cơ sở
GDMN công lập sang loại hình ngoài công lập ở các khu trung tâm thành phố, thị
trấn, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; chỉ đạo và thực hiện các chế
độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh thuộc các loại hình giáo dục trên
địa bàn theo đúng quy định của Nhà nước.
8. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội
Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Khuyến học và các tổ chức xã hội
trong tỉnh. Tham gia phát triển GDMN, vận động trẻ em đến trường, lớp MN; tăng
cường phổ biến, cung cấp kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đến từng
gia đình; kiểm tra việc thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em./.