ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
23/2018/QĐ-UBND
|
Phú Thọ, ngày
02 tháng 10 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN
HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÙNG VƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giáo dục Đại học
ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Quyết định số
81/2003/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập
Trường Đại học Hùng Vương;
Căn cứ Quyết định số
70/2014/QĐ-TTg ngày 10 ngày 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ
Trường đại học;
Theo đề nghị của Hiệu trưởng
Trường Đại học Hùng Vương và Giám đốc Sở Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí, chức năng
Trường Đại học Hùng Vương được
thành lập theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính
phủ trên cơ sở Trường Cao đẳng sư phạm Phú Thọ; là cơ sở đào tạo đại học và
nghiên cứu khoa học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
Trường Đại học Hùng Vương (sau
đây gọi tắt là Trường) trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ, chịu sự quản lý nhà
nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng,
có tài khoản riêng.
Trụ sở của Trường: Cơ sở thành
phố Việt Trì và cơ sở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Trường Đại học Hùng Vương thực hiện
đào tạo trình độ đại học, sau đại học và các trình độ khác thuộc các khối
ngành: Sư phạm, Kinh tế, Công nghệ, Ngôn ngữ, Nông Lâm Ngư, Văn hóa - Du lịch
và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho tỉnh Phú Thọ và khu vực lân cận.
Điều 2. Nhiệm
vụ và Quyền hạn
Trường Đại học Hùng Vương có các
nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng mục tiêu, chiến lược,
kế hoạch phát triển Trường;
2. Tổ chức triển khai hoạt động
đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch
phát triển của nhà trường; hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học; đảm
bảo chất lượng đào tạo của nhà trường; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng
giáo dục để đăng ký kiểm định;
3. Tuyển sinh và phát triển các
chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn
giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình đào tạo;
bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo; in phôi văn bằng,
quản lý và cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định của pháp luật;
4. Tổ chức bộ máy; tuyển dụng, quản
lý, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người
lao động;
5. Quản lý người học; bảo đảm quyền
và lợi ích hợp pháp của giảng viên, viên chức, nhân viên, cán bộ quản lý và
người học; dành kinh phí để thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được
hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động
giáo dục;
6. Tự đánh giá chất lượng đào tạo
và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng và
phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng của Nhà trường; tăng cường các điều kiện
đảm bảo chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường;
7. Huy động, quản lý, sử dụng các
nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị;
8. Hợp tác với
các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu
khoa học trong nước và nước ngoài;
9. Thực hiện chế độ thông tin, báo
cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có
liên quan và UBND tỉnh Phú Thọ;
10. Thu, chi tài chính, đầu tư
phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng
đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí tương ứng với
điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng
cao và các quy định về tự chủ tài chính đối với trường đại học;
11. Được UBND tỉnh giao đất; được
thuê đất, vay vốn; được miễn, giảm thuế theo quy định của Nhà nước;
12. Quyết định thành lập bộ máy tổ
chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và
quy hoạch phát triển trường đã được phê duyệt theo quy định của Nhà nước;
13. Các nhiệm vụ và quyền hạn
khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Tổ chức
bộ máy
1. Hội đồng trường:
Thành lập và hoạt động theo quy định
tại Điều 16 của Luật giáo dục đại học và Điều 9 của Điều lệ Trường đại học kèm
theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và
theo hướng dẫn của các văn bản hiện hành.
2. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng:
a) Hiệu trưởng: Thực hiện theo quy
định tại Điều 20 Luật giáo dục đại học và Điều 11 của Điều lệ trường đại học;
chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và trước
pháp luật về mọi hoạt động của trường.
b) Các Phó Hiệu trưởng: Thực hiện
theo quy định tại Điều 12 Điều lệ trường đại học; giúp Hiệu trưởng trong việc
quản lý và điều hành các hoạt động của trường; phụ trách một số lĩnh vực công
tác theo sự phân công của Hiệu trưởng.
3. Hội đồng Khoa học và Đào tạo:
Thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 19 của Luật Giáo dục đại học và Điều 13 của Điều lệ trường
đại học.
4. Các phòng chức năng:
- Văn phòng;
- Phòng Đào tạo;
- Phòng Khoa học và Công nghệ;
- Phòng Hợp tác quốc tế;
- Phòng Công tác chính trị và Học sinh, sinh viên;
- Phòng Kế hoạch - Tài chính.
5. Các khoa chuyên môn:
- Khoa Khoa học Tự nhiên;
- Khoa Khoa học Xã hội và Văn hóa
du lịch;
- Khoa Nghệ thuật và Thể dục thể
thao;
- Khoa Ngoại ngữ;
- Khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm
non;
- Khoa Kỹ thuật - Công nghệ;
- Khoa Kinh tế và Quản trị kinh
doanh;
- Khoa Chính trị và Tâm lý giáo dục;
- Khoa Nông - Lâm - Ngư.
6. Các Trung tâm và đơn vị trực
thuộc:
- Trung tâm Thông tin - Tư liệu -
Thư viện;
- Trung tâm Giáo dục Quốc phòng
và An ninh;
- Trung tâm Đảm bảo chất lượng;
- Trung tâm Hợp tác đào tạo,
Truyền thông và Hỗ trợ sinh viên;
- Trung tâm Bồi dưỡng nhà giáo
và Cán bộ quản lý giáo dục;
- Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học;
- Viện Nghiên cứu, Ứng dụng và Phát triển;
- Trạm Y tế.
Điều 4. Cơ
chế tài chính
Trường Đại học Hùng Vương là
đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; cơ chế hoạt động
quản lý tài chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày
14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Điều 5.
Biên chế
Biên chế của Trường Đại học
Hùng Vương được Chủ tịch UBND tỉnh giao theo kế hoạch đào tạo hằng năm.
Trường Đại học Hùng Vương căn cứ
vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để xây dựng Quy chế Tổ chức và hoạt động; chức
năng, nhiệm vụ cho từng phòng, ban, các khoa, tổ bộ môn, các tổ chức sự nghiệp
thuộc trường và bố trí cán bộ, công chức, viên chức hợp lý, đúng vị trí việc
làm.
Điều 6. Hiệu
lực và trách nhiệm thị hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể
từ ngày 11 tháng 10 năm 2018. Quyết định số 4013/2003/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11
năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Hùng Vương hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định
này có hiệu lực.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương; Thủ trưởng
các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Giáo dục và Đào tào;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Ban TCTU;
- Các PCVP;
- Công báo PT;
- CV NCTH;
- Lưu: VT, TH3.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Bùi Minh Châu
|