ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4024/KH-UBND
|
Quảng Nam, ngày
26 tháng 6 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON
VÙNG KHÓ KHĂN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2023-2030”
Thực hiện Quyết định số
1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030”;
tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 theo
Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân
dân (UBND) tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát
triển giáo dục mầm non vùng khó khăn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2030”, cụ thể
như sau:
I. THỰC TRẠNG
GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN
Quảng Nam có 06 huyện nghèo
theo Quyết định số 353/QĐ-TTg[1]
ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang,
Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn; 58 xã khu vực III, 03 xã khu vực II và 09 xã
khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg[2]
ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; có 230 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó
211 thôn ở xã khu vực III, 11 thôn ở xã khu vực II, 06 thôn ở xã khu vực I và
02 thôn ở xã có thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết
định số 612/QĐ-UBDT[3] ngày
16/9/2021 của Ủy ban dân tộc (sau đây gọi tắt là vùng khó khăn).
1. Thuận lợi
- Trong những năm qua, cấp học
giáo dục mầm non nói chung và giáo dục mầm non vùng khó khăn nói riêng được
Chính phủ, Nhà nước quan tâm ban hành các chế độ chính sách góp phần tăng tỷ lệ
huy động trẻ đến trường, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5
tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban
hành nhiều Nghị quyết về chế độ chính sách cho đội ngũ, trẻ em như Nghị quyết số
22/2021/NQ-HĐND[4] ngày 19/4/2021,
Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND[5]
ngày 22/7/2021, Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND[6] ngày 21/4/2022, Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND[7] ngày 20/7/2022.
- Các cấp ủy Đảng và chính quyền
địa phương tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí quỹ đất; kết hợp các nguồn lực đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng kiên cố và đạt chuẩn, gắn
với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới,
giảm nghèo bền vững; củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp cho cấp học mầm
non.
2. Khó khăn
- Mạng lưới trường mầm non vùng
khó khăn còn phân tán, nhiều điểm trường mầm non có diện tích hẹp, phòng học
chưa đảm bảo đúng quy cách và diện tích cho trẻ sử dụng, nhiều điểm lẻ, nhiều lớp
ghép. Trong những năm qua, phòng học tạm, nhờ tuy có giảm nhưng vẫn còn tại các
thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số phòng học mầm non
hiện nay thừa thiếu cục bộ do một số điểm trường thôn xóa lớp (thừa), một số điểm
trường chính tăng lớp (thiếu) nhưng việc đầu tư xây dựng chưa kịp thời để đáp ứng
nhu cầu dạy và học.
- Số lượng trường mầm non tại các
địa phương vùng khó khăn ít, chỉ có 13 trường mầm non với 11 nhóm trẻ. Công tác
xã hội hóa phát triển mạng lưới trường lớp ngoài công lập phát triển chậm do đời
sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Chính phủ, Nhà nước cũng như tỉnh
chưa có chế độ chính sách riêng hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ nhà trẻ
vùng khó khăn đến trường. Chính vì vậy, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường tại
vùng khó khăn thấp, chỉ đạt 5,6%.
- Tỷ lệ giáo viên mầm non trên
lớp chưa đạt theo quy định, hiện nay chỉ đạt 1,6 giáo viên/lớp. Hệ thống chính
sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại các vùng khó khăn đã được Chính
phủ, Nhà nước quan tâm, đãi ngộ nhiều chế độ. Tuy nhiên tỉnh chưa có chế độ
chính sách đặc thù riêng thu hút giáo viên mầm non công tác tại vùng khó khăn.
3. Thực trạng giáo dục mầm
non vùng khó khăn (Tính đến tháng 01/2023)
a) Quy mô mạng lưới trường lớp
- Tổng số trường mầm non, mẫu
giáo: 57 trường công lập (không có trường ngoài công lập), trong đó có 13 trường
mầm non và 44 trường mẫu giáo.
- Tổng số cơ sở giáo dục mầm
non độc lập tư thục: 14 cơ sở.
- Tổng số nhóm, lớp: 571 nhóm,
lớp, trong đó:
+ Nhóm trẻ: 26 nhóm (11 nhóm
trong trường công lập và 15 nhóm trẻ độc lập tư thục).
+ Lớp mẫu giáo: 545 lớp (544 lớp
trong trường công lập và 01 lớp mẫu giáo độc lập tư thục).
- Tổng số trẻ mầm non đến trường:
13.314/ 22.618 trẻ, tỷ lệ 58,9%, trong đó:
+ Trẻ nhà trẻ: 506/9.057 trẻ, tỷ
lệ 5,6%;
+ Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi:
12.808/13.561 trẻ, tỷ lệ 94,4%.
- Tổng số trẻ mầm non là người
dân tộc thiểu số đến trường: 10.322/16.866 trẻ, tỷ lệ 61,1%; trong đó:
+ Trẻ nhà trẻ: 133/6.115 trẻ, tỷ
lệ 2,2%.
+ Trẻ mẫu giáo: 10.189/10.771
trẻ, tỷ lệ 94,6%.
b) Về tình hình đội ngũ giáo
viên, nhân viên
- Tổng số giáo viên mầm non
(GVMN): 950 người, trong đó có 922 GVMN công lập và 28 GVMN tư thục.
- Định biên giáo viên/ nhóm, lớp:
+ Nhóm trẻ: 51 GV/26 nhóm, tỷ lệ
1,96 GV/nhóm.
+ Lớp mẫu giáo: 899 GV/545 lớp,
tỷ lệ 1,65 GV/lớp.
- Số GVMN dạy nhóm lớp có trẻ
người đồng bào dân tộc thiểu số: 818 người; trong đó số GVMN biết tiếng mẹ đẻ của
trẻ: 425/818 người, tỷ lệ 51,9%.
c) Cơ sở vật chất
- Tổng số điểm trường (bao gồm
điểm chính và điểm lẻ): 284 điểm;
- Điểm trường có sân chơi ngoài
trời: 258 điểm;
- Số điểm trường có đồ chơi
ngoài trời: 236/258 điểm, tỷ lệ 91,5%.
- Tổng số phòng học: 584 phòng
/571 nhóm, lớp (dư 13 phòng học do tách lớp ghép, đưa trẻ về học lớp đúng độ tuổi);
đảm bảo tỷ lệ 01 phòng học/ 1 nhóm lớp, trong đó:
+ Phòng học kiên cố: 139 phòng,
tỷ lệ 23,8%;
+ Phòng học bán kiên cố: 425
phòng, tỷ lệ 72,8%;
+ Phòng học nhờ, mượn: 04
phòng, tỷ lệ 0,7%;
+ Phòng học tạm: 16 phòng, tỷ lệ
2,7%.
Các phòng học tạm được làm bằng
gỗ, lợp tôn tập trung chủ yếu ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Nam Trà
My.
- Tổng số nhóm lớp có đủ đồ
dùng đồ chơi theo quy định: 502/571 nhóm lớp, tỷ lệ 87,9%.
II. KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN TỈNH
QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2023-2030”
1. Đối tượng,
phạm vi
Các cơ sở giáo dục mầm non có
trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc các huyện nghèo theo Quyết định
số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; các thôn, xã khó khăn, đặc
biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các thôn, xã khó khăn, đặc
biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số
861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 612/QĐ-UBDT
ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc.
2. Mục tiêu
chung
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm
non, tạo điều kiện cho trẻ em mầm non vùng khó khăn có cơ hội đến trường; phấn
đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp, đồ
dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục,
góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giảm hộ nghèo phát
triển toàn diện kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn
hóa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Mục tiêu
cụ thể
a) Đối với trẻ em
- Phấn đấu đến năm 2025: Có ít
nhất 7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng
khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở
giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù
hợp theo độ tuổi; có ít nhất 50% các huyện tập trung đông trẻ em người dân tộc
thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
- Phấn đấu đến năm 2030: Có ít
nhất 12% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng
khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở
giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo
độ tuổi; có ít nhất 80% các huyện tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số
có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
- Hằng năm, có 100% trẻ em
trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo
dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc
và đặc điểm riêng của trẻ.
b) Đối với giáo viên
- Phấn đấu đến năm 2025: Bồi dưỡng
60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ.
- Phấn đấu đến năm 2030: Bồi dưỡng
80% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo
viên/nhóm, lớp theo quy định.
c) Đối với cơ sở giáo dục mầm
non
Phấn đấu đến năm 2025, xóa bỏ
100% phòng học tạm và phòng học nhờ; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng
lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời
cho các điểm trường, bộ đồ chơi trong lớp cho các nhóm lớp.
4. Nhiệm vụ,
giải pháp
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy, chính quyền đối với giáo dục mầm non
Các cấp ủy Đảng, chính quyền
tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng,
chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục mầm non; nắm bắt kịp thời tình
hình giáo dục địa phương; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp
triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển giáo dục tại địa phương nói chung
và giáo dục mầm non nói riêng. Tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non,
xem “Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển
về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em”. Nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ trẻ, giáo
viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt
trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số.
b) Thực hiện cơ chế, chính sách
phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn
- Rà soát, nghiên cứu bổ sung,
đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non
vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em nhà trẻ, bao gồm một số chính sách: hỗ
trợ ăn trưa, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
- Phát triển loại hình trường mầm
non công lập tại các xã vùng khó khăn huy động tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường.
- Phấn đấu bảo đảm định mức
giáo viên/nhóm, lớp theo quy định đối với vùng khó khăn, ưu tiên đối với giáo
viên dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi, hải đảo và bãi ngang ven biển.
- Rà soát, nghiên cứu, đề xuất
xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách đối với đội ngũ giáo viên vùng khó khăn, nhất
là đội ngũ trực tiếp dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; hoàn thiện các chính
sách đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển và tuyển dụng, sử dụng đối với đội ngũ giáo
viên là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ, kịp
thời cơ chế thu hút, động viên giáo viên công tác lâu dài ở vùng khó khăn.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế
chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp: ưu tiên đầu tư kinh phí để xóa
phòng học tạm, phòng học nhờ; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; mua sắm đồ
dùng học tập đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
c) Nâng cao năng lực đội ngũ
giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ
cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ
- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao
năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác quản lý, triển khai chương
trình giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn và phương
pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng
mẹ đẻ của trẻ em người dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với trẻ em nhà trẻ, trẻ mẫu
giáo 3-4 tuổi mới ra lớp; tham quan chia sẻ học tập mô hình điểm.
- Khuyến khích đội ngũ giáo
viên người Kinh phân công dạy vùng đồng bào dân tộc thiểu số tự giác nghiên cứu,
học tập tiếng dân tộc vùng bản địa; đồng thời, có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng tiếng
dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số.
- Tổ chức tập huấn bồi dưỡng
cho đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ, thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ
sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em.
- Bổ sung nội dung giáo dục
song ngữ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng
mẹ đẻ vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non trong các trường đại học, cao
đẳng sư phạm.
d) Tăng cường đầu tư cơ sở vật
chất
- Có kế hoạch, lộ trình, giải
pháp xây dựng phòng học cho trẻ, nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ,
phòng học tạm, mua sắm thêm đồ dùng học tập tại vùng khó khăn đáp ứng nhu cầu tới
trường, lớp của trẻ em, quan tâm đến đối tượng trẻ em nhà trẻ, trẻ mẫu giáo bé
3-4 tuổi; bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ
sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn.
- Chú trọng bổ sung thiết bị, đồ
dùng đồ chơi trong lớp và ngoài lớp, xây dựng mô hình môi trường giáo dục gắn với
môi trường văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy ưu thế của vùng miền, xây dựng
cảnh quan môi trường phù hợp nhất với trẻ và văn hóa riêng của vùng bản địa; tạo
dựng và nhân rộng mô hình điểm làm nơi tập huấn, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm
về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo dục mầm non vùng khó khăn.
đ) Triển khai chương trình giáo
dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn
hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em
- Triển khai chương trình giáo
dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, phù hợp với đặc điểm của trẻ em
người dân tộc thiểu số. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non phù hợp
với vùng khó khăn, đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ.
- Chú trọng khai thác yếu tố
văn hóa bản địa trong tổ chức, thực hiện chương trình giáo dục mầm non đối với
trẻ em vùng khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số.
- Tổ chức tập huấn và chia sẻ
tài liệu, học liệu thân thiện, phù hợp với trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm
non vùng khó khăn; đẩy mạnh tập huấn việc thực hiện chương trình và phương pháp
giáo dục phù hợp đối với đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy trẻ em người dân tộc
thiểu số.
- Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt
trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em; xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng
Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em người
dân tộc thiểu số; quan tâm đến đối tượng trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo mới ra lớp
chưa nói được tiếng Việt.
e) Huy động các nguồn lực phát
triển giáo dục mầm non vùng khó khăn
- Huy động nguồn lực xã hội và
cộng đồng
+ Hình thành cơ chế, khuyến
khích tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp mầm
non. Vận động sự tham gia của toàn dân và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp;
phát huy sáng kiến của cộng đồng phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
+ Huy động cán bộ, chiến sỹ
tham gia dạy tiếng Việt cho cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em là người dân tộc
thiểu số; động viên, khuyến khích cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của
các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha, mẹ và các
hoạt động thiết thực khác cho trẻ em người dân tộc thiểu số.
+ Khuyến khích các doanh nghiệp,
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí, tài liệu, học liệu,
đồ dùng đồ chơi hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
- Tăng cường công tác phối hợp
liên ngành, huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị; các
Sở, Ban ngành có liên quan trong hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó
khăn; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em ở gia đình và cộng
đồng.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: huy
động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật; hợp tác và
tiếp thu có chọn lọc các phương pháp tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng
giáo dục mầm non, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người
dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
ê) Tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về chương trình
- Đẩy mạnh công tác truyền
thông, phổ biến về sự cần thiết, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương
trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương, các bậc cha mẹ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với
việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
- Hình thành chuyên trang,
chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức đối
với các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ trẻ, các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước trong việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm non vùng khó
khăn.
- Tuyên truyền, hỗ trợ các bậc
cha, mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tăng cường
tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Sử dụng tài liệu truyền thông, tập
huấn về thực hiện giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm vùng miền, về chuẩn bị
tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho cha mẹ trẻ là người dân tộc thiểu số, cộng
đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Phối hợp chặt chẽ với các già
làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động các gia đình người
dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho con, em đến trường, lớp mầm non và học 2 buổi/ngày.
- Tuyên truyền, hỗ trợ cho cha
mẹ trẻ nâng cao nhận thức trong việc tăng cường tiếng Việt, xây dựng môi trường
tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.
5. Kinh phí
thực hiện
a) Nguồn kinh phí
- Nguồn chi sự nghiệp giáo dục,
đào tạo; lồng ghép từ nguồn vốn của các chương trình, dự án (Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn
2021-2025) được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch hằng năm của các Sở,
ngành, địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành.
- Nguồn vốn đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021- 2025 đã được giao và giai đoạn 2026-2030, phù hợp khả năng cân
đối của ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Nguồn xã hội hóa giáo dục và
các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
b) Việc lập và triển khai thực
hiện kế hoạch tài chính cho các nhiệm vụ của Chương trình thực hiện theo quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành về kế
hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính trung hạn của Nhà nước.
6. Tổ chức
thực hiện
a) Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm
vụ của chương trình.
- Tổ chức lựa chọn tài liệu phù
hợp, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên nuôi
dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em người dân tộc thiểu số về công tác quản lý,
phát triển, đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện chương trình giáo dục mầm
non phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn; phương pháp, kỹ năng thực hiện
giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp
với đối tượng trẻ em người dân tộc thiểu số.
- Hỗ trợ xây dựng và triển khai
thực hiện mô hình thí điểm về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho
trẻ em người dân tộc thiểu số; xây dựng phần mềm tăng cường tiếng Việt trên cơ
sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
- Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra,
đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện chương trình, tổ chức sơ kết, tổng
kết, định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế chính sách của địa phương, đẩy mạnh xã hội
hóa huy động nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường,
lớp, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, học liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non,
đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa
phương.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia trình cấp có thẩm quyền mục
tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, ngân
sách tỉnh hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm
và hằng năm bao gồm các nội dung để thực hiện chương trình theo đúng quy định của
pháp luật về đầu tư công và ngân sách Nhà nước.
c) Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối
của ngân sách địa phương và trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Chương trình
“Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030” trên địa
bàn tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành, địa phương có liên quan
xây dựng, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh
phí thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn
bản hướng dẫn thi hành.
d) Sở Nội vụ
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo và các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan
có thẩm quyền quy định chính sách đối với viên chức giáo viên mầm non công tác ở
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Phối hợp với các đơn vị liên
quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, hợp đồng, sử dụng,
đãi ngộ, khen thưởng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non ở vùng
khó khăn.
đ) Ban Dân tộc tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030 vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt
được các mục tiêu của chương trình.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo, các Sở, Ban, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác
truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn,
tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ
đẻ của trẻ.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo, các Sở, Ban, ngành liên quan kiểm tra việc triển khai, thực hiện
chương trình.
e) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo, các Sở, Ban, ngành liên quan, địa phương tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động xã hội và nâng cao năng lực để thực hiện chương trình; bảo đảm
việc thực hiện quyền trẻ em tại vùng khó khăn theo chức năng quản lý được giao.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách có liên
quan đối với trẻ em mầm non vùng khó khăn theo chức năng quản lý được giao.
ê) Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo
dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, lồng ghép các
nội dung nhiệm vụ phù hợp vào kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới hàng năm, làm cơ sở triển khai thực đạt mục tiêu kế hoạch
đề ra.
g) Sở Thông tin và Truyền thông
Tuyên truyền, phổ biến về mục
đích, ý nghĩa và sự cần thiết của chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các bậc cha, mẹ, giáo viên, cán bộ quản
lý giáo dục và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm
non vùng khó khăn.
h) UBND các huyện: Đông Giang,
Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức,
Đại Lộc
- Chỉ đạo, tổ chức xây dựng và
triển khai kế hoạch thực hiện chương trình tại địa phương, báo cáo về Sở Giáo dục
và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bố trí kinh phí, trực tiếp
triển khai và bảo đảm hiệu quả của chương trình tại địa phương.
- Phát triển loại hình trường mầm
non công lập tại các xã vùng khó khăn, tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy
động tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường.
- Xây dựng kế hoạch triển khai
bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em người
dân tộc thiểu số tại địa phương.
- Hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em
người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác.
- Triển khai chương trình xây dựng
nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung số phòng học
còn thiếu cho vùng khó khăn theo Luật Đầu tư công và các quy định khác của pháp
luật.
- Quan tâm, ưu tiên đầu tư cơ sở
vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình hình thực tế của các trường mầm non
vùng khó khăn.
- Chỉ đạo, tổ chức, chủ động tạo
nguồn, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, bổ sung biên chế giáo viên và cán
bộ quản lý giáo dục mầm non, nhân viên cho vùng khó khăn thuộc địa phương bảo đảm
thực hiện mục tiêu Chương trình.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra
giám sát đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Chương trình trên địa
bàn./.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn tỉnh Quảng Nam
giai đoạn 2023-2030”. Yêu cầu các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan nghiêm
túc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để
theo dõi, chỉ đạo (trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, phản ánh đến Sở
Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định)./.
Nơi nhận:
- Bộ GDĐT;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh:
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện có liên quan;
- Phòng GDĐT các huyện có liên quan;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Trí Thanh
|
[1] Quyết
định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh
sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai
đoạn 2021-2025.
[2]
Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt
danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
[3]
Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc về Phê duyệt danh
sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021-2025.
[4]
Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Quy định một số chính
sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
[5]
Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh Quy định chính sách
hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; học
sinh, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam, giai đoạn 2021-2026.
[6]
Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quy định kinh phí phục
vụ nấu ăn đối với các trường có tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non, học sinh ở
xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
[7]
Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về Chương trình Sữa
học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam, từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026.