ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16591/KH-UBND
|
Đồng
Nai, ngày 31 tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN LỘ TRÌNH NÂNG TRÌNH ĐỘ CHUẨN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA GIÁO VIÊN MẦM
NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Nghị định số 71/2020/NĐ-CP
ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được
đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Kế hoạch số
681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện lộ trình
nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ
sở giai đoạn 1 (2020 - 2025);
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện
lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học,
trung học cơ sở năm 2022, như sau:
I. THỰC TRẠNG ĐỘI
NGŨ GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC MẦM NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ (số
liệu tính đến ngày 25/8/2021)
1. Số lượng
đội ngũ
Tính đến ngày 25/8/2021, toàn tỉnh có
28.983 giáo viên ở các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, có
1.948 cán bộ quản lý (công lập: 1600, ngoài công lập: 348) và 27.035 giáo viên
(công lập: 23.708, ngoài công lập: 3.957). Cụ thể mỗi cấp học như sau:
- Mầm non: 9.178 giáo viên; trong đó,
có 886 cán bộ quản lý và 8.292 giáo viên;
- Tiểu học: 11.102 giáo viên; trong
đó, có 666 cán bộ quản lý và 10.436 giáo viên;
- Trung học cơ sở: 8.703 giáo viên;
trong đó, có 396 cán bộ quản lý và 8.307 giáo viên.
2. Trình độ đào tạo
Theo số liệu báo cáo của các địa
phương, tính cả 03 cấp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở), có 121 giáo
viên có trình độ thạc sĩ; 22.074 giáo viên có trình độ đại học; 5.040 giáo viên
có trình độ cao đẳng và 1.748 giáo viên có trình độ trung cấp. Cụ thể mỗi cấp học
như sau:
- Mầm non: 02 thạc sĩ; 4.137 đại học;
3.601 cao đẳng và 1.438 trung cấp;
- Tiểu học: 21 thạc sĩ; 9.008 đại học;
1.763 cao đẳng và 310 trung cấp;
- Trung học cơ sở: 98 thạc sĩ; 7.469
đại học; 1.136 cao đẳng và 0 trung cấp.
3. Giáo
viên các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt chuẩn theo quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo Luật
Giáo dục năm 2019
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2019, trình
độ giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được quy định tại
điểm a, điểm b khoản 1 Điều 72 như sau:
“1. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư
phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào
tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu
học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo
viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân
chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp
vụ sư phạm...”.
Trên cơ sở đó, tổng số giáo viên cần
được thực hiện nâng trình độ chuẩn là 4.647, chiếm tỷ lệ 16,03% (so với tổng số
giáo viên toàn tỉnh). Cụ thể, bậc học mầm non là 1.438, chiếm tỷ lệ 15,67% (so
với tổng số giáo viên mầm non toàn tỉnh), bậc học tiểu học là 2.073 (1.763 cao
đẳng và 310 trung cấp), chiếm tỷ lệ 18,67% (so với tổng số giáo viên tiểu học
toàn tỉnh), bậc trung học cơ sở là 1.136, chiếm tỷ lệ 13,05% (so với tổng số
giáo viên trung học cơ sở toàn tỉnh). Trong đó, có 2.763 giáo viên tự tham gia
học nâng trình độ chuẩn (trước và sau khi Nghị định số
71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 có hiệu lực). Như vậy, số lượng giáo viên chưa đủ chuẩn
theo Luật Giáo dục năm 2019 và chưa tham gia các lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn
là 1.884 giáo viên, gồm: 829 giáo viên ở bậc học mầm non, 587 giáo viên ở bậc học
tiểu học và 468 giáo viên ở bậc học trung học cơ sở.
II. KẾ HOẠCH THỰC
HIỆN LỘ TRÌNH NÂNG TRÌNH ĐỘ CHUẨN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON, TIỂU HỌC,
TRUNG HỌC CƠ SỞ NĂM 2022
1. Mục đích, yêu cầu
a) Nhằm triển khai có kết quả lộ
trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học,
trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của
Chính phủ và Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
đạt các chỉ tiêu đào tạo nâng trình độ chuẩn giai đoạn 2022 - 2025 theo quy định.
b) Đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học,
trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu trình độ chuẩn đào tạo theo quy định tại điểm
a, điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019.
c) Việc xác định lộ trình và tổ chức
thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phải bảo đảm
phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục, địa
phương; không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.
d) Việc thực hiện lộ trình nâng trình
độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phải bảo đảm khách quan, công khai, công bằng
và hiệu quả.
2. Mục tiêu thực hiện giai đoạn 2021 - 2025
Đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025 bảo
đảm đạt ít nhất:
a) 60% số giáo viên mầm non chưa đạt
chuẩn được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt
nghiệp cao đẳng sư phạm.
b) 50% số giáo viên tiểu học chưa đạt
chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử
nhân.
c) 60% số giáo viên trung học cơ sở
chưa đạt chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp
bằng cử nhân.
3. Chỉ
tiêu thực hiện giai đoạn 2022: Tỷ lệ giáo viên được đào tạo ở mầm non là
42,34%, tiểu học là 73,25%, trung học cơ sở là 66,24%.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Xây dựng tiêu
chí; xác định đối tượng, chỉ tiêu, số lượng giáo viên tham gia đào tạo nâng
trình độ chuẩn của từng năm; xây dựng kế hoạch thực hiện
a) Nguyên tắc, tiêu chí xác định giáo
viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn giai đoạn 2021 - 2025
- Bảo đảm phù hợp với thực trạng đội
ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục; không để xảy ra tình trạng
thiếu giáo viên giảng dạy.
- Bảo đảm đúng độ tuổi, trình độ đào
tạo của giáo viên.
- Việc cử giáo viên tham gia đào tạo
nâng trình độ chuẩn phải bảo đảm khách quan, công khai, công bằng và hiệu quả.
- Ưu tiên bố trí những giáo viên còn đủ
tối thiểu năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định
tại Điều 2 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP để tham gia đào tạo trước (trường hợp có
nhiều giáo viên phải tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn).
- Trường hợp giáo viên không còn đủ
năm công tác, không thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo
thì thực hiện theo Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo về quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong
các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn
được đào tạo.
b) Đối tượng, chỉ tiêu, số lượng giáo
viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn của từng năm trong giai đoạn 2021 -
2025
- Đối tượng tham gia đào tạo nâng
trình độ chuẩn (công lập và ngoài công lập) được quy định tại Điều 2 của Nghị Định
số 71/2020/NĐ-CP như sau:
“1. Giáo
viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm
trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến
tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
2. Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng
chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01
tháng 7 năm 2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng)
đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
3. Giáo viên trung học cơ sở chưa
có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07
năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.”.
- Chỉ tiêu, số lượng giáo viên tham
gia đào tạo nâng trình độ chuẩn dự kiến năm 2022:
|
Mầm non
|
Tiểu học
|
Trung học cơ sở
|
2022
|
Số lượng
|
351
|
440
|
310
|
Tỷ lệ (%)
|
42,34%
|
73,25%
|
66,24%
|
(*) so với tổng
số giáo viên thuộc đối tượng cử đi nâng chuẩn.
c) Xây dựng kế hoạch thực hiện: Sở Giáo
dục và Đào tạo phối hợp các địa phương rà soát danh sách giáo viên thuộc đối tượng
được đào tạo nâng trình độ chuẩn; phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế
hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm
non, tiểu học, trung học cơ sở từng năm của giai đoạn 2021 - 2025, trình UBND tỉnh
xem xét, phê duyệt.
2. Bố trí, sắp xếp
giáo viên ở các cơ sở giáo dục đảm bảo thuận lợi cho giáo viên vừa giảng dạy, vừa
tham gia đào tạo
Hàng năm, UBND cấp huyện chỉ đạo xây
dựng phương án bố trí, sắp xếp, điều tiết phân công nhiệm vụ cho giáo viên hợp
lý giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn nhằm bảo đảm nguyên tắc có đủ giáo viên
giảng dạy trong bối cảnh thiếu giáo viên và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo
viên tham gia đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học.
3. Dự kiến thời
gian, chương trình đào tạo
a) Đào tạo liên thông từ trung cấp
lên cao đẳng khoảng 38 - 42 tín chỉ, thời gian đào tạo khoảng 15 tháng.
b) Đào tạo liên thông từ trung cấp lên
đại học khoảng 78 - 82 tín chỉ tùy theo ngành, thời gian đào tạo dự kiến trong
03 năm.
c) Đào tạo liên thông từ cao đẳng lên
đại học khoảng 48 - 52 tín chỉ tùy theo ngành, thời gian đào tạo dự kiến trong
02 năm.
4. Lựa chọn cơ sở
đào tạo; xác định hình thức đào tạo; giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào
tạo cho cơ sở đào tạo giáo viên được lựa chọn
Căn cứ vào kế hoạch thực hiện lộ
trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học
cơ sở năm 2022 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo UBND tỉnh
xem xét thực hiện nhiệm vụ hợp đồng với cơ sở đào tạo thực hiện theo quy định của
pháp luật (trên cơ sở Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh ủy quyền thực hiện
giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo).
Đối với các trường hợp bộ môn cần đào
tạo không đủ số lượng học viên để mở lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo cộng dồn số học
viên của các năm trong giai đoạn; đồng thời, liên hệ với các cơ sở đào tạo bố
trí thời gian học phù hợp để đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên
giảng dạy.
Hình thức đào tạo theo tín chỉ, vừa
trực tiếp, vừa trực tuyến phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa
phương.
5. Chuẩn bị kinh
phí; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc đào tạo cho từng năm, giai đoạn
và cả lộ trình
Căn cứ vào kế hoạch được phê duyệt,
giao trách nhiệm Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Tài chính và các địa phương
tham mưu bố trí kinh phí thực hiện đào tạo theo quy định.
6. Thực hiện chế
độ chính sách cho giáo viên và thực hiện công tác truyền thông tạo sự đồng thuận
trong đội ngũ giáo viên
a) Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo
điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng theo quy định hiện
hành của pháp luật đối với sinh viên sư phạm).
b) Được tính thời gian đào tạo vào thời
gian công tác liên tục.
c) Được hưởng 100% lương và các chế độ,
phụ cấp theo quy định của pháp luật (giáo viên ngoài công lập do các trường
ngoài công lập chi trả).
7. Thực hiện công
tác kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo để bảo đảm chất lượng đào tạo; sơ kết,
đánh giá tình hình, chất lượng của việc đào tạo hàng năm
a) Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế
hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo và giáo viên trong suốt quá trình
triển khai thực hiện đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên để bảo đảm chất lượng đào
tạo.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ
kết, đánh giá kết quả đào tạo của từng năm, từng khóa; báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh để kịp thời chỉ đạo điều chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng
mắc.
IV. THỜI GIAN,
PHƯƠNG THỨC VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Thời gian thực
hiện: năm 2022.
2. Phương thức
thực hiện
Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của
giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức
giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định hiện hành của pháp luật. Năm
2022, dự kiến thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn đối với 351 giáo viên bậc học
mầm non, 440 giáo viên bậc tiểu học, 310 giáo viên bậc trung học cơ sở gồm các
chuyên ngành sư phạm: Âm nhạc, Công nghệ, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất,
Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa Lý, Mỹ thuật, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Tin học,
Toán học.
a) Giao nhiệm vụ Trường Đại học Đồng
Nai đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo bậc học mầm non, tiểu học và trung học
cơ sở với các ngành sư phạm: Ngữ Văn, Tiếng Anh, Toán. Đơn vị được giao nhiệm vụ
đào tạo phải đang có đào tạo chuyên ngành sư phạm được giao.
b) Đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn
của giáo viên bậc trung học cơ sở với các ngành sư phạm: Âm nhạc, Công nghệ,
Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa Lý, Mỹ
thuật, Tin học. Đơn vị được đặt hàng đào tạo phải đang có đào tạo chuyên ngành
sư phạm được đặt hàng. Dự kiến đặt hàng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí
Minh và Trường Đại học Sài Gòn. Cụ thể:
- Đặt hàng Trường Đại học Sư phạm
Thành phố Hồ Chí Minh các chuyên ngành: Công nghệ, Giáo dục công dân, Giáo dục
thể chất, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa Lý, Tin học.
- Đặt hàng Trường Đại học Sài Gòn các
chuyên ngành: Âm nhạc, Mỹ thuật.
3. Kinh phí thực
hiện
a) Nguồn kinh phí thực hiện lộ trình
nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên do ngân sách tỉnh bảo đảm theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước; ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa
phương (nếu có) và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
b) Tổng kinh phí ước thực hiện:
25.000.000.000 đồng.
4. Dự kiến kinh
phí thực hiện năm 2022: 14.898.510.000 (Mười bốn
tỷ, tám trăm chín mươi tám triệu, năm trăm
mười nghìn đồng), trong đó:
a) Đào tạo giáo viên mầm non từ trung
cấp lên cao đẳng: 9.975.000 đồng/người/năm học x 351 người
= 3.501.225.000 đồng (theo Thông báo số 1106/TB-ĐHĐN ngày 07/09/2021 của Trường
Đại học Đồng Nai).
b) Đào tạo giáo viên tiểu học:
6.388.885.000 đồng, gồm:
- Đào tạo giáo viên tiểu học từ trung
cấp lên đại học: 14.475.000 đồng/người/năm học x 49 người
= 709.275.000 đồng (theo Thông báo số 1106/TB-ĐHĐN ngày 07/09/2021 của Trường Đại
học Đồng Nai).
- Đào tạo giáo viên tiểu học từ cao đẳng
lên đại học: 14.475.000 đồng/người/năm học x 294 người =
4.255.650.000 đồng (theo Thông báo số 1106/TB-ĐHĐN ngày 07/09/2021 của Trường Đại
học Đồng Nai).
- Đào tạo giáo viên tiểu học các
chuyên ngành từ cao đẳng lên đại học: 14.680.000 đồng/người/năm học x 97 người = 1.423.960.000 (theo Quyết định số 2401/QĐ-ĐHSP ngày
14/10/2015 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).
c) Đào tạo giáo viên trung học cơ sở
từ cao đẳng lên đại học: 3.096.540.000 đồng, gồm:
- Toán, Văn, Anh: 17.540.000 đồng/người/năm
học x 110 người = 1.929.400.000 (theo Thông báo đóng học
phí số 902/TB-ĐHĐN ngày 23/7/2021 của Trường Đại học Đồng Nai).
- Các môn còn lại:
+ Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh
đào tạo chuyên ngành sư phạm khoa học tự nhiên): 17.540.000 đồng/người/năm học x
50 người = 877.000.000 đồng (theo Quyết định số 2401/QĐ-ĐHSP ngày
14/10/2015 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).
+ Khoa học xã hội: 14.680.000 đồng/người/năm
học x 150 người = 2.202.000.000 (theo Quyết định số
2401/QĐ-ĐHSP ngày 14/10/2015 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục
và Đào tạo
a) Chủ trì, lập dự toán và phối hợp Sở
Tài chính để cân đối, bố trí kinh phí và hướng dẫn sử dụng, quản lý hiệu quả,
tiết kiệm.
b) Phối hợp UBND các huyện, thành phố,
các cơ quan liên quan tổ chức các lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn đảm bảo quy định.
c) Rà soát, tổng hợp số lượng giáo
viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn cử đi đào tạo theo kế hoạch của tỉnh.
d) Trên cơ sở chỉ tiêu, số lượng giáo
viên tham gia đào tạo theo từng mã ngành; căn cứ vào thông báo tuyển sinh và
các chính sách trong tuyển sinh, đào tạo cũng như việc bảo đảm chất lượng đào tạo,
Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, trình UBND tỉnh việc lựa chọn và thực hiện việc
bồi dưỡng, đào tạo theo quy định hiện hành.
e) Phối hợp các đơn vị liên quan tổ
chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc bố trí, sắp xếp, chọn cử
giáo viên tham gia đào tạo và trong việc đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên.
g) Báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan
có thẩm quyền về kết quả, tiến độ và các quy định liên quan đến thực hiện lộ
trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên.
2. Sở Nội
vụ
a) Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo,
UBND cấp huyện tổ chức rà soát, tham mưu UBND tỉnh bổ sung cân đối đội ngũ cho
ngành Giáo dục trong tổng số lượng người làm việc được Hội đồng nhân dân tỉnh
phê duyệt.
b) Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo,
UBND các huyện, thành phố trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đền bù
chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP .
3. Sở Tài chính
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và các
cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí thực
hiện theo đúng quy định.
4. Sở Thông tin
và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp các cơ quan báo
chí, truyền thông tuyên truyền Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Kế hoạch
số 681/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch của UBND tỉnh nhằm giúp
đội ngũ giáo viên hiểu rõ các quy định để thực hiện có kết quả lộ trình nâng
trình độ chuẩn được đào tạo.
5. UBND các huyện,
thành phố
a) Xây dựng kế hoạch nâng trình độ
chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; rà soát, lập
danh sách giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gửi về Sở Giáo dục và
Đào tạo tổng hợp.
b) Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào
tạo và các cơ sở giáo dục bố trí, sắp xếp tạo điều kiện cho giáo viên tham gia
nâng trình độ chuẩn theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện lộ
trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học
cơ sở năm 2022; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức
năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Sở Tài chính;
- Sở Nội vụ;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, PCVP. UBND tỉnh (KGVX);
- Lưu: VT, KGVX (Nam).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Sơn Hùng
|