Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 20930/HDLS-SLĐTBXH-SGDĐT-STC Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Trần Trung Dũng, Nguyễn Tấn Tài, Lê Hoài Nam
Ngày ban hành: 22/12/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - SỞ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20930/HDLS-SLĐTBXH-SGDĐT-STC

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 12 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN LIÊN SỞ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN MIỄN GIẢM HỌC PHÍ VÀ HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TỪ NĂM HỌC 2013-2014 ĐẾN NĂM HỌC 2014-2015

Căn cứ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về việc thực hiện Quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 (sau đây gọi là Nghị định 49) và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 (sau đây gọi là Nghị định 74);

Căn cứ Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 49 và Nghị định số 74 (sau đây gọi là Thông tư 20);

Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo thành phố áp dụng cho giai đoạn 2014-2015; Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố giai đoạn 2014-2015;

Liên Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung về thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông thuộc các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; học sinh, sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học năm 2013-2014 đến năm học 2014-2015, cụ thể như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Giải thích từ ngữ:

- Hộ nghèo theo quy định của thành phố (thường trú và tạm trú KT3 trên địa bàn thành phố) là những hộ dân có mức thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, không phân biệt nội thành, ngoại thành và có mã số hộ nghèo.

- Hộ cận nghèo theo quy định của thành phố (thường trú và tạm trú KT3 trên địa bàn thành phố) là những hộ dân có mức thu nhập bình quân từ trên 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm, không phân biệt nội thành, ngoại thành và có mã số hộ cận nghèo.

- Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt theo từng thời kỳ (Hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015).

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề. (Khoản 1, Điều 36, Luật Giáo dục 2005)

2. Phạm vi áp dụng:

- Hướng dẫn này áp dụng đối với tất cả các loại hình nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân.

- Hướng dẫn này áp dụng đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông; học sinh, sinh viên hệ cử tuyển; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; học sinh, sinh viên, học viên học chính quy, học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông.

3. Mức áp dụng:

a) Học phí đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông:

Áp dụng mức học phí của năm học do cấp có thẩm quyền ban hành để làm cơ sở tính mức miễn, giảm học phí cho học sinh. Cụ thể mức học phí áp dụng từ năm học 2013-2014 đến năm học 2014-2015 theo quy định tại Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 08 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông đang học tại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập thì mức học phí tính miễn, giảm được áp dụng theo mức học phí của trường công lập cùng cấp trên địa bàn.

b) Tiền tổ chức học hai buổi/ngày:

Các cơ sở giáo dục phải thực hiện miễn, giảm theo hướng dẫn này và sẽ được ngân sách cấp bù theo mức quy định chung của thành phố.

c) Học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học:

Thực hiện theo mức trần học phí tương ứng với từng ngành, nghề đào tạo được quy định tại Điều 12 Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ. Cụ thể:

- Nếu mức học phí thực tế thấp hơn hoặc bằng mức trần quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì áp dụng mức học phí thực tế;

- Nếu mức học phí thực tế cao hơn mức trần quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì áp dụng mức trần quy định học phí.

d) Mức hỗ trợ chi phí học tập: 70.000 đồng/học sinh/tháng.

e) Thời gian được miễn, giảm học phí, tiền tổ chức học hai buổi/ngày và hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.

Thời gian được miễn học phí đối với học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo thời gian học thực tế và không quá 10 tháng/năm học.

II. CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÔNG PHẢI ĐÓNG HỌC PHÍ, ĐƯỢC MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ VÀ HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP:

1. Đối tượng không phải đóng học phí:

1.1. Học sinh tiểu học trường công lập.

1.2. Học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước, được Ngân sách nhà nước cấp bù học phí.

1.3. Người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Đối tượng được miễn học phí:

2.1. Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể:

a) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh;

b) Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; con của Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

2.2. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị khuyết tật có khó khăn về kinh tế. Cụ thể:

a) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; kể cả học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng;

b) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị khuyết tật thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 của Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam hoặc chấp hành quy định xử phạt hành chính tại các cơ sở giáo dục lao động xã hội, không còn người nuôi dưỡng;

Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.

2.4. Trẻ em, học sinh, sinh viên là con thứ nhất và thứ hai thuộc hộ nghèo theo quy định thành phố đang theo học tại các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên từ mẫu giáo đến trung học phổ thông công lập và ngoài công lập; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, áp dụng miễn 100% học phí, kể cả tiền tổ chức học hai buổi/ngày.

2.5. Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2.6. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2013/TTLT-BCA-BTC ngày 30/12/2013 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 87/2013/NĐ-CP ngày 30/7/2013 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sỹ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BQP-BTC ngày 06/3/2012 của Liên Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2011/NĐ-CP ngày 29/9/2011 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

2.7. Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên).

2.8. Học sinh trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học.

2.9. Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

2.10. Học sinh, sinh viên, học viên học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp Y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước.

2.11. Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

a) Người dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, BRâu, Ơ Đu.

b) Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm b Khoản 11 Điều 4 Thông tư 20.

c) Các quyết định khác của Nhà nước hoặc thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới về danh sách các xã đặc biệt khó khăn (nếu có). Khi cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt danh sách các xã hoàn thành mục tiêu chương trình thì đối tượng thuộc phạm vi các xã đó không được hưởng chế độ kể từ khi Quyết định có hiệu lực thi hành.

3. Đối tượng được giảm 70% học phí:

Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề.

Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BLĐTBXH ngày 26/8/2014.

4. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm:

4.1. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

4.2. Học sinh là con thứ ba thuộc hộ nghèo theo quy định thành phố đang theo học tại các trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, áp dụng miễn 50% học phí, kể cả tiền tổ chức học hai buổi/ngày.

4.3. Học sinh là con thứ nhất và con thứ hai thuộc hộ cận nghèo theo quy định thành phố đang theo học tại các trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, áp dụng giảm 50% học phí, kể cả tiền tổ chức học hai buổi/ngày.

4.4. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trong thời gian 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

5. Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập:

5.1. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn hộ cận nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.

5.2. Hỗ trợ 100% chi phí học tập đối với học sinh là con thứ nhất và thứ hai thuộc hộ nghèo theo quy định thành phố đang theo học tại các trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên.

5.3. Hỗ trợ 50% chi phí học tập đối với học sinh là con thứ ba thuộc hộ nghèo theo quy định thành phố đang theo học tại các trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên.

III. TRÌNH TỰ THỦ TỤC:

1. Đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập:

1.1. Trình tự, thủ tục và hồ sơ:

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày khai giảng năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông; học sinh, sinh viên, học viên học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi cơ sở giáo dục như sau:

- Đối với các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí học mầm non và phổ thông: Mẫu đơn theo phụ lục I của Thông tư 20.

- Đối với các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập học mầm non và phổ thông: Mẫu đơn theo phụ lục II của Thông tư 20.

- Đối với các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: Mẫu đơn theo phụ lục III của Thông tư 20.

a) Tùy theo từng đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, kèm theo đơn là bản sao chứng thực một trong các giấy tờ sau:

- Giấy xác nhận thuộc đối tượng được quy định tại điểm 2.1 Khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này do cơ quan quản lý đối tượng người có công hoặc Ủy ban nhân dân phường, xã xác nhận;

- Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; Quyết định tiếp nhận đối tượng trẻ vào trung tâm Bảo trợ xã hội của Sở Lao động Thương binh Xã hội; Quyết định tiếp nhận đối tượng của cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn thành phố đối với đối tượng được quy định tại điểm 2.2 Khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này là trẻ em học mẫu giáo, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa; Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho đối tượng là học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ; Giấy xác nhận khuyết tật của Ủy ban nhân dân xã đối với đối tượng được quy định tại điểm 2.2 Khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này là trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị khuyết tật và giấy chứng nhận hộ cận nghèo của Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho đối tượng có khó khăn về kinh tế;

- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với đối tượng được quy định tại điểm 2.3 Khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này;

- Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho đối tượng được quy định tại điểm 2.4 và điểm 4.2, điểm 4.3 Khoản 2, Khoản 4 Mục II của Hướng dẫn này. Bao gồm các nội dung: mã số hộ nghèo, hộ cận nghèo; thu nhập bình quân của hộ; có thuộc trường hợp sinh con thứ ba trở lên không;

- Giấy khai sinh và giấy chứng nhận hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp cho đối tượng được quy định tại điểm 2.5 Khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này. Bao gồm các nội dung: mã số hộ nghèo, hộ cận nghèo; thu nhập bình quân của hộ;

- Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2013/TTLT-BCA-BTC ngày 30/12/2013 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 87/2013/NĐ-CP ngày 30/7/2013 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan chiến sỹ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BQP-BTC ngày 06/3/2012 của Liên Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2011/NĐ-CP ngày 29/9/2011 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ đối với đối tượng quy định tại điểm 2.6 Khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này.

- Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu thường trú đối với đối tượng được quy định tại điểm 2.11 Khoản 2 Mục II của Hướng dẫn này;

- Sổ hưởng trợ cấp hàng tháng do tổ chức bảo hiểm xã hội cấp do tai nạn lao động đối với đối tượng được quy định tại điểm 4.1 Khoản 4 Mục II của Hướng dẫn này;

- Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở đối với đối tượng được quy định tại điểm 4.4 Khoản 4 Mục II của Hướng dẫn này;

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học căn cứ vào chuyên ngành học của người học để quyết định miễn, giảm học phí đối với: Học sinh, sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp Y, Giải phẫu bệnh; học sinh, sinh viên học một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề.

b) Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông vừa thuộc diện được miễn, giảm học phí vừa thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập, chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ các giấy tờ liên quan nói trên kèm các đơn theo mẫu phụ lục III của Thông tư 20.

c) Người học thuộc diện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập. Riêng đối với người học thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì hàng năm phải nộp bổ sung giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ xem xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho kỳ học tiếp theo.

1.2. Trách nhiệm xét duyệt và thẩm định hồ sơ

a) Đối với trường mầm non và trung học cơ sở: Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi Phòng giáo dục đào tạo để thẩm định, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán kinh phí hàng năm.

b) Đối với trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục trực thuộc sở giáo dục và đào tạo: Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để thẩm định, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán kinh phí hàng năm.

c) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên và học viên; đồng thời lập danh sách học sinh, sinh viên, học viên được miễn, giảm học phí theo mẫu quy định tại phụ lục VII, XI báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Cơ quan quản lý cấp trên thẩm định, lập dự toán kinh phí theo mẫu quy định tại phụ lục VIII, XI gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm.

Thời gian học sinh, sinh viên bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học, học lưu ban, học lại, học bổ sung thì sẽ không được tính trong dự toán để cấp bù tiền miễn, giảm học phí.

2. Đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thuộc doanh nghiệp nhà nước

2.1. Trình tự, thủ tục và hồ sơ:

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu khai giảng năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông; học sinh, sinh viên học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học phải làm đơn có xác nhận của nhà trường gửi về:

- Phòng Giáo dục và Đào tạo: Đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh học trung học cơ sở (đơn cấp bù tiền miễn, giảm học phí mẫu theo phụ lục IV; đơn hỗ trợ chi phí học tập mẫu theo phụ lục II của Thông tư 20).

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Đối với học sinh học trung học phổ thông (đơn cấp bù tiền miễn, giảm học phí mẫu theo phụ lục IV; đơn hỗ trợ chi phí học tập mẫu theo phụ lục II của Thông tư 20).

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Đối với học sinh, sinh viên học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (mẫu đơn theo phụ lục V của Thông tư 20; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ngoài công lập hoặc thuộc doanh nghiệp nhà nước phải xác nhận rõ là đơn vị ngoài công lập hoặc thuộc doanh nghiệp nào của nhà nước).

a) Tùy theo từng đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, kèm theo đơn là bản sao chứng thực một trong các giấy tờ được quy định tại tiết a điểm 1.1 Khoản 1 Mục III Hướng dẫn này. Riêng đối với người học học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (đối với dạy nghề), kèm theo đơn đề nghị miễn, giảm học phí là giấy xác nhận của Nhà trường.

b) Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông vừa thuộc diện được miễn, giảm học phí vừa thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập, chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ các giấy tờ liên quan nói trên kèm các đơn theo mẫu phụ lục IIphụ lục IV của Thông tư 20.

c) Người học thuộc diện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập. Riêng đối với người học thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì hàng năm phải nộp bổ sung giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ xem xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho kỳ học tiếp theo.

2.2. Trách nhiệm xét duyệt, thẩm định hồ sơ và xác nhận:

a) Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông: Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xác nhận đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục IIPhụ lục IV của Thông tư 20.

b) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp bù tiền miễn, giảm học phí, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xác nhận đầy đủ các nội dung được quy định tại Phụ lục V của Thông tư 20 và điểm 2.1 Khoản 2 Mục III của Hướng dẫn này.

c) Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung đã xác nhận trên đơn đề nghị của người học.

d) Đối với các lần cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập các lần sau, người học không phải làm đơn đề nghị cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Trong vòng 30 ngày kể từ khi bắt đầu học kỳ mới, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có trách nhiệm cấp cho người học Giấy xác nhận được quy định tại Phụ lục VI của Thông tư 20.

3. Đối với người học thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập:

3.1. Trường hợp học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố hoặc thuộc quận, huyện quản lý: Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên và học viên; đồng thời lập danh sách học sinh, sinh viên, học viên được miễn, giảm học phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp hoặc Sở, ngành quản lý. Cơ quan tài chính cùng cấp hoặc Sở, ngành quản lý thẩm định, lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm.

3.2. Trường hợp học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý: Phòng Lao động Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở nghề nghiệp công lập.

IV. PHƯƠNG THỨC CẤP BÙ TIỀN MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ VÀ HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP:

1. Phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí, tiền tổ chức học hai buổi/ngày đối với các cơ sở giáo dục công lập

Kinh phí thực hiện cấp bù học phí cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập được ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo hình thức giao dự toán. Việc phân bổ dự toán kinh phí thực hiện chính sách cấp bù học phí cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập được thực hiện đồng thời với thời điểm phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Khi giao dự toán cho các cơ sở giáo dục, cơ quan chủ quản phải ghi rõ dự toán kinh phí thực hiện chính sách cấp bù học phí cho người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập.

Khi rút dự toán kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập phải gửi cơ quan Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch bản tổng hợp đề nghị cấp bù tiền học phí miễn, giảm (gồm các nội dung: Họ tên người học thuộc diện được miễn, giảm học phí hiện đang theo học tại trường; mức thu học phí của nhà trường; mức học phí miễn, giảm và tổng nhu cầu kinh phí đề nghị cấp bù).

Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù tiền học phí miễn, giảm cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập được hạch toán vào tài khoản thu học phí của cơ sở này và được tự chủ sử dụng theo quy định hiện hành về chế độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Kinh phí thực hiện chính sách về miễn, giảm học phí, tiền tổ chức học hai buổi/ngày và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thành phố giai đoạn 2014-2015 chi từ nguồn kinh phí được giao trong dự toán sự nghiệp giáo dục hằng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở - ngành có đơn vị trực thuộc là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngân sách quận, huyện.

2. Phương thức chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập đối với các đối tượng đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập

2.1. Việc chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông và học sinh học tại các cơ sở giáo dục khác do cơ sở giáo dục thực hiện.

2.2. Kinh phí hỗ trợ chi phí học tập được cấp đủ trong 9 tháng/năm học và chi trả 2 lần trong năm: Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11; Lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4.

2.3. Trường hợp cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo và học sinh chưa nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

3. Phương thức chi trả tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thuộc doanh nghiệp nhà nước

3.1. Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh trung học cơ sở.

3.2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh trung học phổ thông.

3.3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học nơi học sinh, sinh viên đang học gửi thông báo để Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội dừng thực hiện chi trả. Khi học sinh, sinh viên được nhập học lại sau khi hết thời hạn kỷ luật, theo xác nhận của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện chi trả. Thời gian học lưu ban, học lại, ngừng học, học bổ sung sẽ không được tính để chi trả tiền cấp bù miễn, giảm học phí.

3.4. Kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được cấp đủ trong 9 tháng/năm học (đối với học sinh mầm non và phổ thông), 10 tháng/năm học (đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học) và thực hiện 2 lần trong năm: Lần 1 chi trả đủ 4 tháng (đối với học sinh mầm non và phổ thông), 5 tháng (đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học) vào tháng 10 hoặc tháng 11; Lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4.

3.5. Trường hợp cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông, học sinh, sinh viên chưa nhận tiền cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

4. Phương thức chi trả tiền miễn, giảm học phí đối với người học thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập:

4.1. Trường hợp học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố hoặc thuộc quận, huyện quản lý: Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và quyết định miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên và học viên.

4.2. Trường hợp học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc trung ương quản lý: Phòng Lao động Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở nghề nghiệp công lập.

V. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC:

Đối với các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí học hệ dân sự trong các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; học các chuyên ngành khác (không phải ngành sư phạm) trong trường sư phạm công lập: Thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 9 và điểm b Khoản 1 Điều 12 của Thông tư 20.

Đối với đối tượng thuộc diện được miễn học phí là học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên): Các địa phương thực hiện chi trả kinh phí đào tạo (bao gồm tiền học phí, học bổng và trợ cấp) trên cơ sở hợp đồng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 7 tháng 4 năm 2008 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP .

Các đối tượng thuộc diện được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập mà cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi cao nhất.

Học sinh, sinh viên, học viên thuộc diện được miễn, giảm học phí nếu đồng thời học ở nhiều cơ sở giáo dục hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một trường thì được hưởng một chế độ ưu đãi.

Không áp dụng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên, học viên trong trường hợp đã hưởng chế độ này tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học.

Không áp dụng chế độ miễn, giảm học phí đối với trường hợp đang hưởng lương và sinh hoạt phí khi đi học, các trường hợp học sau đại học (trừ đối tượng quy định tại điểm 2.10 Khoản 2 Mục II Hướng dẫn này).

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật tại Hướng dẫn liên tịch này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được thực hiện theo văn bản mới đó.

Các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tiếp tục chi trả tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho năm học 2012-2013 đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đã nộp đầy đủ hồ sơ trước ngày 31 tháng 8 năm 2013 nhưng chưa được nhận tiền hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 49.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp, đại học, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Thông báo Trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học thuộc Trung ương và đề nghị nhà trường phổ biến chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí cho đối tượng được thụ hưởng và thực hiện việc xác nhận theo quy định.

Căn cứ mức thu học phí của các trường trung học phổ thông công lập trong vùng do Hội đồng nhân dân thành phố quy định và số lượng đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đang học tại các trường trung học phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn để lập danh sách (kèm theo các hồ sơ xác nhận đối tượng theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 20) thẩm định, tổng hợp và xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thuộc Thành phố và thông báo cho các cơ sở dạy nghề thuộc Trung ương đề nghị nhà trường phổ biến chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí cho đối tượng được thụ hưởng và thực hiện việc xác nhận theo quy định.

Hướng dẫn các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban giảm nghèo, tăng hộ khá quận, huyện thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Tổng hợp kinh phí miễn, giảm học phí của các cơ sở dạy nghề trực thuộc Sở gửi về Sở tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm của Sở.

3. Sở Tài chính:

Hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban giảm nghèo, tăng hộ khá quận, huyện trong việc thực hiện quy định tại Nghị định 49 và Nghị định 74.

Tổng hợp kinh phí miễn, giảm học phí và kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở - ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các trường thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở - ngành có liên quan, các trường thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và ngân sách các quận - huyện.

4. Phòng Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ mức thu học phí của các trường mầm non, trung học cơ sở công lập trong vùng do Hội đồng nhân dân thành phố quy định và số lượng đối tượng được miễn, giảm học phí đang học tại các trường mầm non và trung học cơ sở ngoài công lập trên địa bàn để lập danh sách (kèm theo các hồ sơ xác nhận đối tượng theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 20) thẩm định, tổng hợp và xây dựng dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình Ủy ban nhân dân quận - huyện bố trí dự toán kinh phí thực hiện.

Căn cứ mức hỗ trợ chi phí học tập được quy định tại Nghị định 49 (70.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng khác...) và số lượng đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập để lập danh sách bao gồm cả các đối tượng học công lập và ngoài công lập (kèm theo các hồ sơ xác nhận đối tượng theo quy định tại Khoản 1, 2 Mục III của Hướng dẫn này), thẩm định, tổng hợp và xây dựng dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán kinh phí thực hiện.

5. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân, Ban giảm nghèo, tăng hộ khá phường, xã, thị trấn trong việc thực hiện quy định tại Nghị định 49 và Nghị định 74.

Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch trong việc lập kế hoạch hằng năm, tổ chức quản lý việc triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân quận, huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện việc cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo theo quy định thành phố học chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Trung ương quản lý; các đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các trường đại học ngoài công lập và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học thuộc các doanh nghiệp nhà nước theo quy định.

Hướng dẫn liên tịch này thay thế Hướng dẫn liên tịch số 6805/HDLT/GDĐT-TC-LĐTBXH ngày 21/7/2011 về việc thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 và Hướng dẫn số 7692/HDLT/SLĐTBXH-SGDĐT-STC ngày 12/6/2014 về việc thực hiện miễn, giảm học phí, tiền tổ chức học hai buổi/ngày và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên là thành viên hộ nghèo và hộ cận nghèo Thành phố của Liên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính.

Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trường hợp Ủy ban nhân dân quận - huyện (phòng Lao động Thương binh - Xã hội) đã thực hiện chi hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí học tại các trường không thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân quận - huyện trước khi hướng dẫn này có hiệu lực (chi theo Hướng dẫn số 6805/HDLT/GDĐT-TC-LĐTBXH ngày 21/7/2011 và Hướng dẫn số 7692/HDLT/SLĐTBXH-SGDĐT-STC ngày 12/6/2014), thì Ủy ban nhân dân các quận huyện vẫn thực hiện quyết toán kinh phí đã chi khi quyết toán chi ngân sách quận - huyện năm 2014. Đồng thời Ủy ban nhân dân quận - huyện có văn bản thông báo danh sách học sinh, sinh viên đã được nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí từ ngân sách quận - huyện đến các trường để tránh việc chi trùng lắp; đồng thời gửi Sở Tài chính, các Sở ngành quản lý trường một bản để theo dõi, rà soát tránh việc cấp trùng đối tượng được miễn, giảm.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Sở ngành, địa phương phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.

 

P. GIÁM ĐỐC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO




Lê Hoài Nam

P. GIÁM ĐỐC
SỞ TÀI CHÍNH




Nguyễn Tấn Tài

GIÁM ĐỐC
SỞ LAO ĐỘNG - TBXH




Trần Trung Dũng

 

Nơi nhận:
- Đ/c Hứa Ngọc Thuận, PCT.UBND/TP (để b/c);
- Văn phòng UBND/TP;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện;
- Ban Giảm nghèo, tăng hộ khá TP;
- Phòng Lao động-TB&XH; Phòng Giáo dục quận, huyện;
- Website Sở LĐTBXH, Sở GD&ĐT, Sở TC;
- Lưu: VT, Sở LĐTBXH, Sở GD&ĐT, Sở TC, Tr.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn liên sở 20930/HDLS-SLĐTBXH-SGDĐT-STC ngày 22/12/2014 thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên từ năm học 2013-2014 đến năm học 2014-2015 do Sở Giáo dục - Đào tạo - Sở Tài chính - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.952

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.109.244
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!