UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
15/CT-CTUBND
|
Vĩnh Phúc,
ngày 20 tháng 9 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ
THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP NĂM HỌC 2013-2014.
Căn cứ các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ
đạo của Đảng, Nhà nước về Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày
15/8/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học
2013-2014;
Căn cứ tình hình thực tế và nhiệm vụ phát triển
giáo dục đào tạo của tỉnh Vĩnh Phúc;
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu toàn ngành Giáo dục
và Đào tạo tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng
tâm năm học 2013-2014 như sau:
1. Yêu cầu chung và thực hiện
yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ:
1.1. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch, tổ chức quán
triệt sâu sắc, triển khai cụ thể Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Chương
trình hành động của Bộ GD&ĐT và của Tỉnh Uỷ Vĩnh Phúc về việc thực hiện Kết
luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của BCH Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 6
khóa XI, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với việc tổ chức thực hiện quy hoạch,
kế hoạch, chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh giai đoạn 2011-2020.
1.2. Chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển
khai thực hiện Chỉ thị số 3004/CT-BGD&ĐT ngày 15/8/2013 của Bộ Giáo dục và
Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục
thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014 đảm bảo đúng trọng
tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn của các cơ sở Giáo dục và Đào tạo trên địa
bàn tỉnh và đạt hiệu quả tốt nhất.
2. Một số nhiệm vụ trọng yếu
cần quan tâm trong năm học 2013-2014.
2.1. Công tác chỉ đạo, quản lý nâng cao chất lượng
giáo dục văn hóa:
Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo và phối
hợp chặt chẽ với Chủ tịch UBND cấp huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo để các nhà trường,
cơ sở giáo dục ở các cấp học, ngành học làm tốt việc quản lý chất lượng giảng dạy
của từng giáo viên trong các giờ lên lớp; phát huy, động viên được giáo viên
tâm huyết, trách nhiệm trong chuẩn bị bài, tổ chức giảng dạy trên lớp theo hướng
tinh gọn, thiết thực, đúng kiến thức trọng tâm, hướng dẫn học sinh học tập để học
sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, dễ nhớ, dễ thuộc bài và vận dụng được; kết hợp
giáo dục tính kiên trì, vượt khó, ý chí học tập cho học sinh. Không để tình trạng
bỏ giờ, trống tiết, lên lớp không đủ giờ, không chuẩn bị kỹ, quản lý học sinh lỏng
lẻo, không nghiêm túc trong giờ học.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giáo
viên để đảm chất lượng các giờ lên lớp, thực hiện đúng các quy chế chuyên môn về
chế độ kiểm tra, chế độ cho điểm và đánh giá xếp loại học sinh; đảm bảo công
tâm, khách quan và tính giáo dục trong đánh giá, xếp loại học sinh.
Có những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng
giảng dạy ngoại ngữ, tin học, các giờ thực hành và sử dụng thiết bị giáo dục đã
được trang bị ở các nhà trường. Không để xẩy ra tình trạng các trường không sử
dụng phòng học bộ môn và các trang thiết bị dạy học đã có.
2.2. Đảm bảo và tăng cường hơn hoạt động giáo dục
thể chất và hoạt động ngoại khóa trong nhà trường:
Cùng với việc đảm bảo nền nếp và nâng cao chất
lượng dạy - học trong các giờ học của các bộ môn văn hóa (theo yêu cầu của từng
cấp học), ngành Giáo dục và Đào tạo phải quan tâm chỉ đạo để đảm bảo đủ và có
chất lượng các giờ học về giáo dục thể chất, các hoạt động giáo dục thể chất tập
thể giữa giờ trong nhà trường. Phát huy thật tốt vai trò của Đoàn Thanh niên
trong nhà trường để tăng cường tổ chức các hoạt động xã hội phù hợp, các hoạt động
ngoại khóa bổ ích giúp học sinh có những thông tin cần thiết, những kiến thức
cơ bản về xã hội phù hợp với từng lứa tuổi.
Tăng cường giáo dục, rèn luyện cho trẻ hành vi,
nếp sống văn hóa, văn minh, biết tôn trọng, nghe lời người lớn, hiếu thuận ông
bà, cha mẹ; có ý thức tôn trọng và nghiêm túc thực thi pháp luật.
2.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán
bộ quản lý giáo dục, xây dựng giáo viên nòng cốt chuyên môn trong toàn ngành:
Có kế hoạch tổng thể và tổ chức chỉ đạo quyết liệt
việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hàng năm theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và thực
trạng đội ngũ giáo viên của Tỉnh ở các cấp học, ngành học. Trong đó chú ý cả việc
bồi dưỡng về nhận thức chính trị, lý luận và chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt phải
định hình và xây dựng được đội ngũ giáo viên nòng cốt chuyên môn của các bộ
môn, các hoạt động ở các ngành học, bậc học, trước hết là đội nòng cốt của tỉnh,
sau đó là nhân tố ở tất cả các nhà trường; để làm chủ lực trong triển khai bồi
dưỡng chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giáo viên toàn tỉnh theo bậc học, cấp
học.
Nghiêm túc thực hiện và triển khai hiệu quả việc
bồi dưỡng giáo viên hướng nghiệp và làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp
cho học sinh sau THCS, THPT ở các nhà trường theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh.
Hiện tại ở một số nhà trường, một số độ tuổi có
thực trạng giảm sỹ số học sinh so với qui mô hiện có của trường. Yêu cầu Sở
Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo để sắp xếp bố trí số lớp tỷ lệ giáo viên hợp lý để
đảm bảo chất lượng dạy học và hiệu quả giáo dục ở các nhà trường theo qui định.
Một bộ phận giáo viên không giảng dạy đủ số giờ theo chuẩn cần có kế hoạch để bồi
dưỡng thêm về lý luận chính trị, cập nhật kiến thức xã hội cần thiết và kỹ năng
tổ chức các hoạt động nhằm xây dựng một lực lượng giáo viên có khả năng tốt
trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống và tổ chức
hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
2.4. Tăng cường và đạt bước tiến bộ trong công
tác quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt với UBND cấp
huyện theo thẩm quyền, tăng cường hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, sử
dụng hợp lý sức mạnh hiện có của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường,
cơ sở giáo dục đào tạo; củng cố ngay những cơ sở mà cán bộ quản lý yếu kém, để
xảy ra những sai sót, tồn tại, bức xúc hoặc nhiều năm không có sự thay đổi về kỷ
cương nền nếp và chất lượng giáo dục.
Có qui định cụ thể để giao quyền, trách nhiệm cụ
thể cho từng cán bộ quản lý ở từng cơ sở Giáo dục & Đào tạo, để thực hiện tốt
các yêu cầu: Quản lí và khai thác tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có;
quản lí tốt nền nếp kỷ cương dạy và học và nâng cao chất lượng giảng dạy từng
năm, từng nhóm đối tượng học sinh (yếu, trung bình, khá, giỏi); việc dạy thêm học
thêm; công khai nội dung thu chi trong nhà trường đúng qui định; kiểm tra đánh
giá, xếp loại học sinh, bình xét, đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức,
lao động trong nhà trường. Đối với các cơ sở giáo dục Mầm non phải gắn công tác
quản lí nhà trường với chỉ tiêu đưa trẻ ra lớp, chỉ tiêu về chỉ số phát triển của
trẻ và chống suy dinh dưỡng, chỉ tiêu tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi dạy
trẻ theo khoa học cho các cha mẹ trẻ trên địa bàn.
Đổi mới, tăng cường quản lý kỉ cương, chất lượng
các kỳ thi, phấn đấu kết quả sát chất lượng thực. Việc kiểm định chất lượng,
đánh giá cán bộ quản lý, xếp loại nhà trường phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả
quản lí ở các lĩnh vực nêu trên.
Đặc biệt phải có việc kiểm tra, hướng dẫn để đảm
bảo các trang thiết bị đã được trang bị, các phòng học bộ môn đã có phải được sử
dụng hiệu quả. Có giải pháp hướng dẫn việc kiểm tra, quyết toán, thanh lý các
trang thiết bị đã cũ hoặc chưa được quyết toán vào sổ sách theo đúng qui định.
Chủ động gắn kết và tham gia tích cực vào các hoạt
động văn hóa, xã hội của địa phương để giúp giáo viên, học sinh và nhà trường
là các hạt nhân trong phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn.
Nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp
Ngành, trong đó có năng lực quản lý hệ thống, quản lý đầu tư xây dựng và đầu tư
trang thiết bị, cơ sở vật chất, quản lí chất lượng giáo dục (trong đó cả chất
lượng đại trà, mũi nhọn và giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh), quản lý kỷ
cương, nền nếp, đạo đức nhà giáo toàn ngành. Nghiên cứu để ứng dụng công nghệ
thông tin trong lĩnh vực tiến tới đồng bộ toàn ngành. Nâng cao năng lực phát hiện,
tham mưu đề xuất và triển khai tổ chức thực hiện ở cả ba cấp trong tỉnh. Đặc biệt
phải tập trung khảo sát toàn tỉnh, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn lực về
ngân sách, xã hội hóa các cấp để đề xuất tổng thể việc sắp xếp hệ thống cơ sở
giáo dục, xây dựng trường lớp, đầu tư trang thiết bị và lộ trình chuẩn Quốc gia
ở từng bậc học để nâng cao tỷ lệ phòng học kiên cố ở GDMN, tỷ lệ chuẩn Quốc gia
ở mỗi cấp học, trong đó có bậc THCS, THPT.
Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và
chủ trì phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, các cấp ủy, chính quyền triển thực hiện
tốt chủ trương, kế hoạch xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh.
3. Tổ chức thực hiện:
Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu
trên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
3.1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào căn cứ tình
hình thực tiễn xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, đôn
đốc các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tích cực,
nghiêm túc thực hiện các nội dung yêu cầu trong Chỉ thị này, hoàn thành thắng lợi
nhiệm vụ năm học 2013-2014; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể,
chính quyền các cấp để ngành giáo dục có điều kiện thuận lợi thực hiện tốt nhiệm
vụ năm học; kịp thời báo cáo, phản ánh tình hình, đề xuất các giải pháp chỉ đạo
để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
3.2. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo
các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường thị trấn thuộc địa bàn, các đơn vị
trường học tại địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nhiệm vụ
năm học.
3.3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chủ
động phối hợp để ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học
2013-2014.
Chỉ thị này được phổ biến tới tất cả cán bộ,
công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục
mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp tỉnh
Vĩnh Phúc để quán triệt và thực hiện.
|
CHỦ TỊCH
Phùng Quang Hùng
|