ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/CT-UBND
|
Hà Giang, ngày 16
tháng 08 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2013 - 2014
Năm học 2012-2013, dưới sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của
các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của các thầy cô
giáo, cán bộ công chức ngành giáo dục - đào tạo và sự cố gắng của các em học
sinh, sinh viên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Hà Giang đã đạt được những thành
tích đáng khích lệ: Mạng lưới trường lớp được duy trì, củng cố và phát triển; tỷ
lệ huy động trẻ đến trường cao hơn năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm chỉ
còn 1,1%; cơ sở vật chất thiết bị, trường lớp ngày càng khang trang cơ bản đáp ứng
được nhu cầu giảng dạy và học tập; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ
thông đạt 92,77%; các cuộc vận động và phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều
sâu và có chất lượng; đặc biệt, công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc
biệt khó khăn được quan tâm, đến nay toàn tỉnh có 114 trường Phổ thông dân tộc
bán trú và trên 236.000 lượt người học được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của
Nhà nước; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ
được triển khai có hiệu quả; tỉnh ta tiếp tục giữ vững thành quả phổ cập giáo dục
Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và đã hoàn thành phổ cập giáo dục
mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở 109 xã/phường/ thị trấn và đơn vị thành phố Hà
Giang; công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được các ngành, các cấp và toàn
thể nhân dân quan tâm.
Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh ta vẫn
đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới: Tỷ lệ huy động trẻ trong tuổi
đi nhà trẻ còn thấp, ở các huyện vùng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần chưa
cao; kết quả các mặt giáo dục đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng với
yêu cầu của xã hội; tỷ lệ học sinh khá giỏi ở các cấp học phổ thông còn thấp; số
học sinh yếu kém, lưu ban còn khá cao; một bộ phận học sinh ý thức tổ chức kỷ
luật kém; chất lượng giáo dục chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền trong tỉnh;
cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và xuống cấp; một số cán bộ quản lý,
giáo viên năng lực quản lý, điều hành, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
còn hạn chế; công tác quản lý tài chính, thực hiện các chế độ chính sách đối với
đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh còn chậm và có sai sót…
Năm học 2013-2014 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế
tăng trưởng chậm, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát;
đây cũng là năm học bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XV, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 16 và triển khai thực hiện 04 định
hướng chỉ đạo trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là: tiếp tục nâng cao hiệu
lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo
dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu
tư và đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt
được trong năm học 2012-2013, đồng thời phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm
vụ năm học 2013-2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
Yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban,
ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố chủ động phối hợp với Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh triển
khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác giáo dục đào tạo năm học
2013-2014, như sau:
1. Coi trọng công tác tuyên
truyền, giáo dục tư tưởng chính trị
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn
liền với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị;
tiếp tục củng cố và phát huy kết quả cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một
tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; cuộc vận động "Hai
không" theo Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính
phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và phong trào
thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trở thành
các hoạt động thường xuyên của Ngành gắn với việc tổ chức các hoạt động thiết
thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục
(15/10/1968 - 15/10/2013).
2. Tiếp tục nâng cao hiệu lực,
hiệu quả công tác quản lý giáo dục
Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm của
Thủ trưởng đơn vị, coi trọng sự phối hợp của các đoàn thể, phát huy dân chủ
trong việc thực hiện các nhiệm vụ ở tất cả các cấp quản lý giáo dục.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số
35/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một
số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo đến năm học 2014-2015; Nghị định
số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với
đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện tốt phân
cấp quản lý, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục
theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ và quy định của
tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật
phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; tăng cường
thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục ở tất cả các cấp, các
địa phương, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục ở tất cả các cấp,
các địa phương; thực hiện nghiêm túc "3 công khai" của các cơ sở giáo
dục; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đổi mới công
tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của xã hội đối
với ngành giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia tư vấn, giám
sát, hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề của ngành được nhấn mạnh trong năm học
2013-2014.
3. Nâng cao chất lượng và hiệu
quả hoạt động giáo dục
Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TU
ngày 07/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc quán triệt và tổ chức thực hiện
kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của BCH Trung ương Đảng tại Hội nghị lần
thứ 6, khóa XI về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,
đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
và hội nhập quốc tế"; Chương trình số 17-CT/TU ngày 22/6/2011 của Tỉnh ủy
về Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Quy hoạch phát
triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020, Đề án phát
triển trường THPT Chuyên; Đề án liên kết đào tạo sau đại học tỉnh Hà Giang giai
đoạn 2010-2015; Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia; Kế hoạch dạy và học
ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; Đề án kết hợp dạy
văn hóa với dạy nghề cho học viên tại các Trung tâm GDTX; Đề án nâng tỉ lệ huy
động học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT ở các huyện 30a,…
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả
chủ đề "Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò"
với phương châm "Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật"
thông qua thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và giáo dục
theo hướng tích cực; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ
năng sống, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục thể chất và chăm sóc sức khỏe, giáo
dục quốc phòng, giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tham nhũng,… và giá trị
của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời tổ chức tốt
các hoạt động ngoại khóa để học sinh, sinh viên phát triển toàn diện; đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; tổ chức có hiệu quả các hội thi giáo
viên dạy giỏi, các kì thi chọn học sinh giỏi; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng học
sinh năng khiếu; quan tâm giáo dục trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó
khăn, học sinh dân tộc thiểu số.
Tiếp tục triển khai tự đánh giá của các cơ sở giáo
dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và các trường chuyên nghiệp trên
địa bàn tỉnh. Thực hiện quy trình tổ chức thi, kiểm tra đảm bảo nghiêm túc,
khách quan, công bằng, có biện pháp cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng
tiêu cực.
Duy trì củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo
dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, đẩy nhanh tiến độ
thực hiện Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, Chương trình số 09/CTr-UBND
ngày 09/01/2013 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số
10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục Mầm non
cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở,
tăng cường phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn,
nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
4. Tập trung phát triển đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị
số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số
09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về cả ba phương thức: đánh giá và sàng lọc,
đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tập
trung xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với
ngành Tài chính phải hoàn thành tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý tài chính
cho chủ tài khoản và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ kế toán của tất cả các
trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2013. Sắp xếp giáo viên có năng lực chuyên
môn tốt giảng dạy tại các lớp cuối cấp; tiếp tục rà soát đội ngũ, đánh giá chất
lượng đội ngũ, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ
của ngành giáo dục, nhu cầu giáo viên các môn học, bậc học, ưu tiên tuyển dụng
cán bộ, giáo viên là người địa phương. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban
nhân dân các huyện/thành phố phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh về việc
luân chuyển cán bộ quản lý và chuyển đổi vị trí công tác đối với giáo viên trên
địa bàn tỉnh tại công văn số 2244/UBND-VX ngày 29/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tích cực phát triển Đảng viên, xây dựng các tổ chức
Đảng, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các cơ sở giáo dục đào tạo vững mạnh.
5. Tăng cường nguồn lực đầu tư,
đổi mới cơ chế tài chính và đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách trong
giáo dục đào tạo
Quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp
với điều kiện của địa phương đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Ưu tiên phát
triển ngành học Mầm non và các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư xây dựng trường, lớp học, nhà công vụ
cho giáo viên, nhà lưu trú cho học sinh, xóa phòng học tạm, nhất là ở các xã
vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tăng cường cơ sở vật chất
và thiết bị cho việc phát triển và nâng cao chất lượng các trường theo hướng
chuẩn hóa, hiện đại hóa. Triển khai hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường lớp học
và nhà công vụ giáo viên, Kế hoạch thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống
trường phổ thông Dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015 tỉnh Hà Giang. Tiếp tục
phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các đơn vị, các cơ sở giáo dục.
Tổ chức tốt việc cung ứng đúng, đủ, kịp thời sách giáo khoa và thiết bị dạy - học
phục vụ cho năm học 2013-2014.
Ngành Giáo dục và Đào tạo phải chủ động, phối hợp với
ngành Tài chính chỉ đạo rà soát, thống kê và giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế
độ, chính sách cho giáo viên và học sinh theo quy định hiện hành như: chính
sách thu hút đối với nhà giáo theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ,
chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh theo Nghị định số
49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định
12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo
Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,…;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục,
tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… các lực lượng
xã hội trong việc đầu tư, phát triển giáo dục.
Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố có trách nhiệm
chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này ở địa phương.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn
thể tỉnh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức các cấp tùy theo chức năng nhiệm vụ,
tiếp tục tham gia hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo tỉnh nhà.
Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động chỉ đạo,
theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị. Nếu có phát sinh
vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phải kịp thời phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo
để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến tất cả
các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và nhân dân để tổ chức thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ GD&ĐT (báo cáo);
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh;
- Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh;
- Các trường CĐ, TCCN tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, VX.
|
CHỦ TỊCH
Đàm Văn Bông
|