ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/CT-UBND
|
Lào Cai, ngày 23
tháng 08 năm 2022
|
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2022-2023
Năm học 2021-2022, dưới sự lãnh
đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào
tạo, cùng với sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các tổ chức
chính trị - xã hội, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và sự nỗ lực,
quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, ngành Giáo dục và Đào tạo
nên việc triển khai nhiệm vụ năm học đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tiếp
tục tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh
nhà.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học
2022-2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban,
ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm
túc Chỉ thị số 1112/CT- BGDĐT ngày 19/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
bám sát chủ đề năm học “Vì học sinh thân yêu; xây dựng Trường học hạnh
phúc; đổi mới và hội nhập”, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
I. NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Tăng cường công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng; tuyên truyền và tổ chức thực hiện sáng tạo các nghị quyết,
đề án, kết luận trọng: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành
Trung ương; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư; Nghị quyết số
88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào
Cai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025; Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy
Lào Cai...
Tăng cường kỷ cương, nền nếp
trong quản lý, hoạt động giáo dục; nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, thực hiện
tốt chuẩn mực đạo đức nhà giáo, học sinh; xây dựng “trường học hạnh phúc”.
Tuyên truyền về giáo dục - đào tạo, biểu dương người tốt, việc tốt, nhân rộng
mô hình tiên tiến. Tiếp tục triển khai sáng tạo, hiệu quả Chỉ thị số 05- CT/TW
ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện
các cuộc vận động, phong trào thi đua trong ngành Giáo dục “Đổi mới, sáng tạo
trong quản lý, giảng dạy và học tập”; thực hiện tốt “10 lời hứa Nhà giáo Lào
Cai làm theo lời Bác ”.
Tổ chức triển khai thực hiện
Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng Cách mạng, đạo đức lối sống và khơi
dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn
2021-2030”; Chương trình “Giáo dục Cách mạng, lối sống văn hoá cho thanh niên,
thiếu niên nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”; Chỉ thị của thủ
tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường;
Chương trình sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 và Đề án “Hỗ trợ học sinh,
sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Tích cực tuyên truyền để cán bộ
quản lý, giáo viên, nhân viên hiểu, nhận thức đầy đủ và thích ứng với sự thay đổi
chủ trương, chính sách về an sinh xã hội của Trung ương, của Tỉnh.
2. Tiếp tục đổi mới hiệu quả
công tác quản lý giáo dục với phương châm chủ động, tích cực trong tham mưu, chỉ
đạo và tổ chức thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt, cụ thể
và tập trung cho cơ sở; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện. Đề cao vai
trò, trách nhiệm, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục và người
đứng đầu gắn với nâng cao năng lực quản trị nhà trường và kết quả thực hiện nhiệm
vụ. Chú trọng việc tự nâng cao năng lực quản lý đối với cán bộ quản lý giáo dục
các cấp. Nâng cao đạo đức nhà giáo, tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện
các quy định về đạo đức nhà giáo. Chú trọng các biện pháp tạo động lực, cơ hội
cho đội ngũ phát huy sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác
đánh giá giáo viên đảm bảo thực chất, gắn với thi đua, khen thưởng nhằm khích lệ,
tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.
Thực hiện nghiêm túc yêu cầu
công khai, dân chủ các hoạt động của nhà trường; tổ chức tốt công tác tư vấn,
tiếp xúc đối thoại trực tiếp với cha mẹ học sinh và nhân dân; tăng cường công tác
phản biện xã hội, giải trình, giải quyết những vấn đề bức xúc, tạo sự đồng thuận
của toàn xã hội đối với công tác giáo dục; đồng thời, khắc phục những hạn chế,
bất cập trong giáo dục.
3. Tiếp tục rà soát quy hoạch mạng
lưới trường, lớp học; phát triển quy mô giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất,
thiết bị dạy học: Tham mưu hoàn thiện mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh
(tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy
học, phòng học, phòng học bộ môn đảm bảo chương trình giáo dục giai đoạn
2021-2025.
Quản lý, khai thác, sử dụng có
hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định. Thường xuyên tổ chức
kiểm tra, rà soát cơ sở cơ sở vật chất trường, lớp học để khắc phục, xử lý kịp
thời những vấn đề tồn tại, phát sinh; tăng cường công tác an ninh, an toàn trường
học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; thực
hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
4. Đổi mới chương trình giáo dục
mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện;
công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông: Tập huấn cho giáo viên
mầm non cách tổ chức hướng dẫn và phối hợp với cha mẹ trẻ để chăm sóc, giáo dục
trẻ em. Tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ở những nơi
có điều kiện, duy trì tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Tổ chức triển khai, thực hiện
có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức
bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cốt cán, giáo viên dạy học lớp 3,
lớp 7, lớp 10. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đổi mới giáo dục;
nhân rộng mô hình giáo dục STEM, dạy học song ngữ trong các cơ sở giáo dục có
điều kiện.
Triển khai thực hiện chương
trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông chất lượng, hiệu quả. Xây dựng
kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo
dục phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp
gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường lao động.
Triển khai thực hiện Đề án
“Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ
thông giai đoạn 2019-2025”. Đề án Phát triển trường trung học phổ thông Chuyên
giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 nhằm tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao. Tập trung nâng cao chất lượng, tăng số lượng học sinh giỏi quốc
gia, quốc tế.
5. Duy trì củng cố kết quả và
nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở 100% xã, phường, thị trấn; đảm bảo chất
lượng thực chất đối với công tác xoá mù chữ và giáo dục sau biết chữ; thực hiện
đồng bộ các giải pháp duy trì số lượng, đảm bảo chất lượng giáo dục. Chủ động,
tích cực thực hiện kế hoạch thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi.
Đa dạng hoá nội dung chương trình tạo điều kiện cho người dân được học tập liên
tục, suốt đời. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày
25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài,
xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày
30/7/2021 của thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai
đoạn 2021-2030”.
6. Tăng cường kỷ cương, nền nếp
trong quản lý thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, đặc biệt là thực hiện chế độ,
chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Thực hiện các giải pháp
nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường phổ thông dân tộc nội trú,
phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú để các trường
này thực sự trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao; tiếp tục triển khai hiệu
quả mô hình “học sinh bán trú tự quản- giúp nhau cùng tiến bộ”; “Trường bán trú
dân nuôi - Lương thực cho em”...
Kiểm soát chặt chẽ kế hoạch cải
tiến chất lượng trong và sau quá trình đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục
các trường đạt chuẩn quốc gia, nhất là các trường đạt chuẩn Mức độ 2. Các trường
đạt chuẩn quốc gia đi đầu trong đổi mới giáo dục, triển khai Chương trình giáo
dục phổ thông năm 2018 và thuộc tốp các trường có chất lượng trong từng khối
thi đua.
7. Tích cực triển khai thực hiện
Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh giáo dục thông minh, giáo dục
STEM, giai đoạn 2020-2025” tỉnh Lào Cai; kế hoạch chuyển đổi số trong ngành
giáo dục giai đoạn 2021-2025; từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật ở
các trường có điều kiện; tiếp tục đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm
bảo các điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy
và học, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoàn thiện, đưa vào
khai thác cơ sở dữ liệu ngành; thống nhất số hoá cơ sở dữ liệu; phát triển hệ
thống quản lý và các ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện cơ chế quản lý, cập
nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu và thông tin giáo dục toàn ngành; đồng bộ, kết
nối dữ liệu từ Bộ - Sở - Phòng - Trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường
thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Dạy
và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường
xuyên tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng
Anh cho giáo viên và học sinh để nâng cao kỹ năng Nghe - Nói.
8. Tăng cường hợp tác về hội nhập
quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài và hoạt động tư vấn du học. Khuyến
khích các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua
việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chủ động, tích cực trong nghiên
cứu, giao lưu, hợp tác, thúc đẩy hội nhập, tiếp thu những phương pháp, công nghệ,
mô hình giáo dục khoa học, tiên tiến phù hợp để ứng dụng vào quản lý, dạy học,
tổ chức các hoạt động giáo dục. Đẩy mạnh liên kết đào tạo, thu hút, tiếp nhận
giảng viên người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.
9. Tăng cường công tác truyền
thông giáo dục; chủ động thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách mới
của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính
phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Thường xuyên đổi mới nội
dung, phương thức truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; tăng cường phối
hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan
tâm để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.
II. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy,
HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các yêu
cầu, nhiệm vụ đối với Ngành; phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc
quán triệt và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học; có kế hoạch cụ thể, tập trung
chỉ đạo công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả
giáo dục - đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng
giáo dục; tăng cường quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học và giáo dục
ngoài công lập.
2. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
Ban hành Chỉ thị, chỉ đạo ngành
giáo dục địa phương, các cơ quan, ban, ngành, các xã, phường, thị trấn và các
cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; thực hiện
đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
3. Các sở, ban, ngành, các
cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối
hợp chặt chẽ, hiệu quả với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai hiện nhiệm vụ năm
học.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Tăng cường công tác thông tin,
tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh Lào Cai
về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đổi mới chương
trình giáo dục phổ thông năm 2018; giới thiệu các mô hình giáo dục tốt, kịp thời
biểu dương gương người tốt, việc tốt trong giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo
sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp
giáo dục.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
Tăng cường phối hợp với ngành
giáo dục, đặc biệt trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách
về công tác giáo dục và đào tạo; công tác vận động học sinh đi học, duy trì tỷ
lệ chuyên cần; phòng, chống tảo hôn ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục; huy động các nguồn lực cho
phát triển giáo dục.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức triển
khai thực hiện tốt Chỉ thị này. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra và tổng hợp tình hình, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện
Chỉ thị./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- TT Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh;
- Trường Cao đẳng Lào Cai;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo, Đài PTTH, Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH4, NC, QLĐT, VX1.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Giàng Thị Dung
|