ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/CT-UBND
|
Đắk Nông, ngày 07 tháng 8 năm 2017
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP TẠI
CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số nhiệm vụ trọng tâm của năm học,
trong đó có nhiệm vụ đổi mới công tác tài chính trong lĩnh vực giáo dục và đào
tạo; các cơ sở giáo dục đã thực hiện công khai các nguồn thu, sử dụng các khoản
thu theo đúng nguyên tắc quản lý ngân sách và các quy định hiện hành của nhà nước;
trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chi các khoản thu trong đơn vị bảo đảm dân chủ,
công khai cho mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được biết, được
bàn và được tham gia theo quy định của quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên,
không ít những cơ sở giáo dục ở một số địa phương thực hiện chưa minh bạch về
công tác tài chính, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, dư luận
xã hội chưa đồng tình; công tác chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục về chống lạm
thu chưa hiệu quả.
Để chấn chỉnh công tác thu, quản lý,
sử dụng các khoản đóng góp tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đắk
Nông và khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng
dạy và học, tạo sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh chỉ thị:
1. Các khoản kinh
phí thu theo quy định
a) Học phí: Thực hiện theo quy định tại
Nghị quyết số 26/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc
quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập áp dụng cho năm học
2015-2016 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ
chi phí học tập: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 26/2015/NQ-HĐND ngày
10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu học phí đối với
các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 trên địa
bàn tỉnh Đắk Nông; Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày
30/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày
02/10/2015 của Chính phủ.
b) Tiền dạy thêm, học thêm: Thu theo
quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào
tạo quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 04/7/2013
của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh
Đắk Nông; Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 07/10/2014 của UBND tỉnh Đắk Nông
về việc sửa đổi khoản 1, Điều 7 quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh
ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 04/7/2013 của UBND tỉnh.
c) Tiền Bảo hiểm y tế: Thu theo Luật
Bảo hiểm y tế năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
năm 2014 và định mức thu theo thông báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội hàng năm.
2. Các khoản kinh
phí được thỏa thuận, vận động thu
a) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện
cha mẹ học sinh
Thực hiện theo Điều 10, Thông tư số
55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Điều lệ
Ban đại diện cha mẹ học sinh, cụ thể như sau:
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện
cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn
tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Trưởng ban Ban đại
diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến
kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được
toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha
mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ
học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện
cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện
học sinh trường. Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với
Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ
sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý
kiến.
Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện
cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải
báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh
lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định
mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được
quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo
nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của
Ban đại diện cha mẹ học sinh như Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm
an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ
sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học
hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản
lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới
các công trình của nhà trường.
b) Khoản thu xã hội hóa
Trong điều kiện ngân sách nhà nước
còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác
dạy và học, các trường được huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ
huynh học sinh dùng để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như
nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường rào bao quanh... hoặc
mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy và học (gọi tắt là khoản thu xã hội
hóa). Tuy nhiên, khoản thu này không được huy động thường xuyên hàng năm. Chỉ
khi năm học nào nhà trường thấy thật sự cần thiết mới tổ chức huy động.
Trong quá trình tổ chức huy động nguồn
thu xã hội hóa, nhà trường phải xin chủ trương và được sự đồng ý của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền và được sự đồng tình của cha mẹ học sinh toàn trường. Việc
thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường phải trên tinh thần tự nguyện của
các đối tượng tham gia đóng góp. Không được ép buộc hay bình quân hóa mức đóng
góp đối với cha mẹ học sinh, đồng thời khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc
thu vừa đủ chi (đảm bảo tồn quỹ cuối kỳ không quá 01% trên tổng số thu). Quỹ
này không được trích chi cho công tác quản lý thu. Các trường học khi vận động,
quản lý và sử dụng các khoản đóng góp này phải thực hiện theo đúng các bước được
quy định tại khoản 4 của Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện
cho các cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, các trường còn được tiếp nhận
các khoản kinh phí (tiền mặt hoặc hiện vật) từ sự ủng hộ tự nguyện của các cơ
quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân nhằm mục đích gây quỹ
khuyến học, khuyến tài để động viên phong trào dạy và học; hỗ trợ những học
sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi. Việc tiếp nhận các khoản tài trợ
này phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và thực hiện theo đúng quy định
tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy
định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
c) Quỹ phục vụ học tập, vệ sinh trường,
lớp
Quỹ phục vụ học tập: Việc thu quỹ phục
vụ học tập chỉ dùng để phục vụ cho chính bản thân học sinh như hỗ trợ khen thưởng
cho học sinh trong các hoạt động phong trào văn thể mỹ, phong trào thi đua của
trường, của lớp trong các ngày lễ lớn; hàng năm, mua bổ sung ghế ngồi chào cờ,
dự lễ cho học sinh; phô tô đề thi học kỳ; mua giấy thi học kỳ theo mẫu; thuê rạp
cho học sinh ngồi dự các buổi lễ; mua sổ liên lạc giấy cho học sinh; mua học bạ
cho học sinh đầu cấp và bổ sung học bạ cho học sinh.
Quỹ vệ sinh trường, lớp: Dùng để trả
công thuê người quét dọn các phòng học hàng ngày, quét dọn sân trường, dọn dẹp
nhà vệ sinh của học sinh, mua giấy vệ sinh (nếu có). Nhà trường bàn bạc thông
qua Hội nghị cha mẹ học sinh để thống nhất thuê lao công trên cơ sở lập dự toán
thu đủ chi trả tiền công thuê; tuyệt đối không thu dư. Đơn vị nào đã được bố
trí biên chế nhân viên vệ sinh thì không được thu.
d) Khoản thu tiền giữ xe của học sinh
Tiền thu chỉ dùng để trả công thuê
người trông giữ xe hàng ngày cho học sinh có nhu cầu gửi xe. Tùy theo số lượng
học sinh gửi xe của từng trường, nhà trường lên kế hoạch và thỏa thuận thống nhất
với cha mẹ học sinh nhưng mức thu phải phù hợp mức thu phí và lệ phí của từng
thời điểm tại địa phương.
Đối với các trường có số lượng học
sinh gửi xe nhiều, sau khi trả đủ công cho người trông giữ và các khoản chi phí
khác, số kinh phí còn dư (nếu có) được chuyển qua quỹ phúc lợi tập thể do công
đoàn cơ sở của đơn vị đó quản lý theo quy định. Mức chi trả công cho người giữ
xe phải được sự thống nhất của Ban Đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường. Quỹ
này không được trích chi cho công tác quản lý quỹ.
e) Khoản thu phục vụ bán trú (nếu có)
Quỹ này dùng để thực hiện một số nhiệm
vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như tiền ăn, tiền
chăm sóc bán trú, tiền nước uống cho học sinh, chi trả cho giáo viên dạy các lớp
bán trú, nhân viên cấp dưỡng phục vụ bán trú; đồng thời dùng để mua sắm mới,
mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú; xây dựng,
sửa chữa bếp nấu ăn; xây dựng, sửa chữa nhà ăn cho học sinh học bán trú.
Tùy thuộc vào tình hình kinh tế từng
địa phương (huyện, thị xã), theo nhu cầu đề xuất của cha mẹ học sinh, nhà trường
thỏa thuận với cha mẹ học sinh về chủ trương và mức thu trong đó phải đảm bảo
cho khẩu phần ăn và sức khỏe của học sinh (khoản thu này đơn vị phải có dự toán
đảm bảo thu đủ chi tiền công cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng và được thống
nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường). Quỹ này chỉ áp dụng cho các
trường, các lớp, có tổ chức bán trú; các học sinh có tham gia học học bán trú.
g) Khoản thu chi phí vận hành bể bơi
(nếu có):
Tiền thu chỉ dùng để trả chi phí vận
hành hoạt động của bể bơi gồm: Chi phí điện, nước, hóa chất, nhân viên bảo dưỡng
hồ bơi phục vụ cho học sinh có nhu cầu học bơi tại trường (nếu có). Tùy theo số
lượng học sinh học bơi của từng trường, nhà trường lên kế hoạch và thỏa thuận
thống nhất với cha mẹ học sinh, nhưng mức thu phải phù hợp mức thu phí và lệ
phí của từng thời điểm tại địa phương.
Đối với các trường có số lượng học
sinh học bơi nhiều, sau khi trả đủ chi phí vận hành hoạt động của bể bơi, số
kinh phí còn dư (nếu có) được chuyển qua quỹ phúc lợi tập thể do công đoàn cơ sở
của đơn vị đó quản lý theo quy định. Mức chi trả chi phí vận hành, hoạt động của
bể bơi phải được sự thống nhất của Ban Đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường.
Quỹ này không được trích chi cho công tác quản lý quỹ.
h) Các nhu cầu khác của học sinh
Đối với các nhu cầu thực tế khác trực
tiếp phục vụ cho học sinh như: phù hiệu, quần áo đồng phục, quần áo thể dục; nước
uống hàng ngày cho học sinh (đối với học sinh không học bán trú), bảo hiểm thân
thể, sổ liên lạc điện tử..., nhà trường hướng dẫn cho cha mẹ học sinh tự liên hệ
trang bị và tùy theo khả năng, hoàn cảnh của từng gia đình.
Ngoài các khoản kinh phí thu theo quy
định và các khoản kinh phí được vận động thu đã quy định tại khoản 1, 2 của Chỉ
thị này, các trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không được vận động
bất cứ khoản thu nào khác. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phải
chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định.
3. Công tác quản
lý thu, chi
a) Việc thu, chi các khoản kinh phí
thu theo quy định và các khoản kinh phí được vận động thu phải đảm bảo nguyên tắc
công khai, dân chủ, chi đúng mục đích và thu đủ chi. Sau mỗi năm học (mỗi kỳ
thu, chi) phải công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học
sinh lớp và các cuộc họp cha mẹ học sinh toàn trường. Hàng năm phải gửi báo cáo
quyết toán tất cả các loại quỹ có tổ chức thu trong năm cho cơ quan quản lý cấp
trên trực tiếp và cơ quan quản lý tài chính đã được phân cấp của từng cấp học.
Đồng thời, đảm bảo lưu trữ đầy đủ hồ sơ sổ sách, chứng từ kế toán để phục vụ
công tác thanh kiểm tra và quyết toán theo quy định hiện hành.
b) Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm
tổ chức thực hiện công tác hạch toán kế toán, quyết toán, thống kê các khoản
thu theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra
của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách
nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu
cung cấp.
c) Khi thu bất cứ một khoản nào từ học
sinh hoặc cha mẹ học sinh nhà trường phải cung cấp biên lai thu tiền hoặc phiếu
thu tiền cho học sinh, cha mẹ học sinh tùy theo tính chất của khoản thu. Số tiền
thu được định kỳ phải gửi vào Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng (các khoản thu
khác nếu có); không để tồn nhiều tiền mặt tại trường để hạn chế tối đa những rủi
ro có thể xảy ra.
4. Trách nhiệm của
các cơ quan, đơn vị, địa phương
a) Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp
với UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra
việc thực hiện nội dung Chỉ thị và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ đạo,
điều hành các cơ sở giáo dục trong công tác thu, quản lý, sử dụng các khoản
kinh phí đóng góp tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn
các cơ sở giáo dục công lập biết và thực hiện đúng nội dung Chỉ thị. Chỉ đạo
các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc theo dõi, thực hiện đúng
Chỉ thị.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính,
Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra việc sử dụng
ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác tại các cơ sở giáo dục công lập
trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm hiệu lực của Chỉ thị trong việc quản lý, sử dụng
các khoản đóng góp. Có biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối
với cơ sở giáo dục công lập có hành vi vi phạm Chỉ thị này.
- Tổng hợp kết quả việc thực hiện quản
lý, sử dụng các khoản kinh phí thu theo quy định và các khoản kinh phí được vận
động thu tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh,
Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi kết thúc năm học hoặc đột xuất theo yêu cầu.
b) UBND các huyện, thị xã
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về
chỉ đạo, điều hành các cơ sở giáo dục trong công tác thu, quản lý, sử dụng các
khoản kinh phí đóng góp tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện, thị
xã.
- Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra
các khoản kinh phí thu tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn để phát hiện
các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn
phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các trường,
các cơ sở giáo dục công lập biết và thực hiện đúng Chỉ thị này.
- Thực hiện chế độ báo cáo việc quản
lý các khoản kinh phí thu theo quy định và các khoản kinh phí được vận động thu
tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn sau khi kết thúc năm học hoặc đột
xuất theo yêu cầu, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
c) Các cơ sở giáo dục công lập trên địa
bàn
- Công khai Chỉ thị để toàn thể cán bộ
quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh biết, theo dõi, thực hiện. Tổ
chức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu theo đúng quy định.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và
cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi sai quy định trong nhà trường.
Chịu sự kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan có thẩm quyền.
- Có chế độ miễn giảm phù hợp đối với
học sinh có khó khăn về kinh tế, học sinh dân tộc thiểu số. Tuyệt đối không được
để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học.
d) Các cơ quan, đơn vị có liên quan
Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của
mình, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã thực hiện các
nhiệm vụ quy định tại điểm a, b khoản này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- Báo Đắk Nông; Đài PT-TH tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (Q).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|