BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
21/2012/TT-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 12 năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY BƯU ĐIỆN VIỆT NAM TRONG CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ
VỀ BƯU CHÍNH
Căn cứ Luật bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng
6 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật
bưu chính;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng
12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng
6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12
năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg ngày 03
tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện
duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích,
dịch vụ bưu chính quốc tế;
Căn cứ Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 16 tháng
11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu
nhà nước tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông
Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bưu chính;
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Thông tư quy định về hoạt động của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong các tổ
chức quốc tế về bưu chính,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về vai trò, nội dung, quyền
và nghĩa vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khi tham gia hoạt động trong các
tổ chức quốc tế về bưu chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Tổng công ty Bưu điện
Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Tổng công ty
Bưu điện Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về bưu chính.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Điều ước quốc tế về bưu chính mà Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là điều ước quốc tế), gồm
hiến chương, công ước, các thể lệ, các hiệp định, các nghị định thư cuối cùng
và các quy chế, quy định khác của các tổ chức quốc tế về bưu chính.
2. Dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác
trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bưu chính (sau đây gọi là dịch vụ bưu chính
quốc tế) là các tác nghiệp hoặc dịch vụ bưu chính được quy định trong các điều
ước quốc tế.
Điều 4. Các tổ chức quốc tế về
bưu chính
Các tổ chức quốc tế về bưu chính mà Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là các tổ chức quốc tế về bưu
chính) bao gồm:
1. Liên minh Bưu chính Thế giới, gồm Đại hội, Hội đồng
Điều hành, Hội đồng Khai thác Bưu chính, Văn phòng Quốc tế và các ủy ban, hiệp
hội trực thuộc.
2. Liên minh Bưu chính khu vực châu Á - Thái Bình
Dương, gồm Đại hội, Hội đồng Chấp hành, Văn phòng và các cơ quan, hiệp hội trực
thuộc.
Điều 5. Doanh nghiệp được chỉ định
tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế về bưu chính
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp được
Nhà nước chỉ định thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế và
tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế về bưu chính trong khuôn khổ điều
ước quốc tế về bưu chính quy định tại Thông tư này và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.
Điều 6. Các nội dung tham gia
hoạt động của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về bưu
chính
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tham gia hoạt động
trong các tổ chức quốc tế về bưu chính với các nội dung sau:
1. Cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế trong khuôn
khổ điều ước quốc tế về bưu chính.
2. Tham gia Hội đồng Khai thác Bưu chính và các hiệp
hội trực thuộc các tổ chức quốc tế về bưu chính.
3. Thực hiện các dự án, chương trình hợp tác kỹ thuật,
hoạt động phát triển bền vững về bưu chính trong phạm vi toàn cầu, khu vực.
4. Tham gia Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới và
Đại hội Liên minh Bưu chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
5. Tham gia triển khai điều ước quốc tế và các chiến
lược, kế hoạch tổng thể, chương trình hành động của các tổ chức quốc tế về bưu
chính.
6. Tham gia triển khai thực hiện các thỏa thuận của
Bộ Thông tin và Truyền thông ký với các nước thành viên của tổ chức quốc tế về
bưu chính nhằm triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về bưu chính.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khi tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế
về bưu chính
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khi tham gia hoạt động
trong các tổ chức quốc tế về bưu chính có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tuân thủ các quy định, yêu cầu về nghiệp vụ bưu
chính đối với doanh nghiệp được chỉ định trong các điều ước quốc tế về bưu
chính.
2. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về
việc tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế và cung ứng dịch vụ bưu chính
quốc tế.
3. Về việc cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế trong
khuôn khổ điều ước quốc tế về bưu chính:
a) Xây dựng, duy trì, quản lý và khai thác mạng bưu
chính quốc tế đảm bảo việc cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế theo đúng quy định
của điều ước quốc tế về bưu chính và pháp luật Việt Nam về bưu chính;
b) Chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết
để cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế bền vững và hiệu quả.
4. Về việc tham gia Hội đồng Khai thác Bưu chính và
các hiệp hội trực thuộc các tổ chức quốc tế về bưu chính:
a) Tham gia Hội đồng Khai thác Bưu chính với tư
cách là doanh nghiệp được chính thức chỉ định của Việt Nam;
b) Chủ động quyết định tham gia các hiệp hội trực
thuộc các tổ chức quốc tế về bưu chính;
c) Chủ động tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế,
các hội nghị, hội thảo về bưu chính;
d) Chủ trì nghiên cứu và chuẩn bị các nội dung nghiệp
vụ bưu chính liên quan đến các vấn đề về khai thác, kinh doanh, kỹ thuật, kinh
tế, hợp tác kỹ thuật.
5. Về việc thực hiện các dự án, chương trình hợp tác
kỹ thuật, hoạt động phát triển bền vững về bưu chính trong phạm vi toàn cầu,
khu vực;
a) Chủ động quyết định tham gia các dự án, chương
trình hợp tác kỹ thuật, hoạt động phát triển bền vững về bưu chính trong phạm
vi toàn cầu, khu vực;
b) Chủ trì xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị cơ
sở vật chất, nhân lực, tài chính;
c) Tổ chức triển khai thực hiện các dự án, chương
trình hợp tác kỹ thuật, hoạt động đã tham gia.
6. Về việc tham gia Đại hội Liên minh Bưu chính Thế
giới và Đại hội Liên minh Bưu chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương:
a) Tham gia đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Đại
hội, các cuộc họp của các hội đồng, ủy ban, nhóm công tác của các tổ chức quốc
tế về bưu chính;
b) Chủ động nghiên cứu và đề xuất với Bộ Thông tin
và Truyền thông các kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế và các nội dung
khác liên quan đến nghiệp vụ bưu chính;
c) Phối hợp chuẩn bị nội dung và các công tác liên
quan khác theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
7. Về việc tham gia triển khai điều ước quốc tế,
các chiến lược, kế hoạch tổng thể, chương trình hành động của các tổ chức quốc
tế về bưu chính và các thỏa thuận quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông
tư này:
a) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các
cơ quan, đơn vị liên quan triển khai điều ước quốc tế và các thỏa thuận quy định
tại khoản 6 Điều 6 Thông tư này;
b) Chủ trì triển khai các chiến lược, kế hoạch tổng
thể, chương trình hành động đối với các nội dung liên quan đến doanh nghiệp bưu
chính được chỉ định;
c) Chủ trì việc tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc
tế về bưu chính trên toàn mạng bưu chính công cộng.
8. Đóng góp tài chính theo quy định của các tổ chức
quốc tế về bưu chính cho các hoạt động có liên quan.
9. Thực hiện công tác báo cáo theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
10. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin có liên
quan với Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác quản lý nhà nước và để
được hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện.
11. Triển khai, thực hiện các hoạt động khác trong
các tổ chức quốc tế về bưu chính trong khả năng, điều kiện của doanh nghiệp và
theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 8. Công tác báo cáo
1. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có trách nhiệm
báo cáo:
a) Về việc tham gia Hội đồng Khai thác Bưu chính;
tham gia các hiệp hội trực thuộc các tổ chức quốc tế về bưu chính quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư này;
b) Kết quả việc tham gia các hội nghị, hội thảo,
các cuộc họp quy định tại điểm c khoản 4 và điểm a khoản 6 Điều
7 Thông tư này, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc các cuộc họp nêu
trên;
c) Kết quả hoặc tiến độ thực hiện các nội dung quy
định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này, chậm nhất là 30 ngày kể
từ ngày kết thúc việc triển khai thực hiện hoặc báo cáo theo tiến độ thời gian
của các hoạt động, dự án, chương trình hợp tác kỹ thuật;
d) Theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế về bưu
chính và của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Việc thực hiện báo cáo quy định tại khoản 1 Điều
này phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Đúng thời hạn quy định;
b) Nội dung, số liệu báo cáo phải thống nhất, chính
xác;
c) Gửi bằng bản giấy kèm theo bản điện tử về Bộ
Thông tin và Truyền thông.
3. Trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam gửi báo cáo trực tiếp cho các tổ chức quốc tế về
bưu chính thì Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có trách nhiệm gửi bản sao báo cáo
đã gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày gửi
báo cáo.
4. Việc báo cáo hoạt động của Tổng công ty Bưu điện
Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về bưu chính, các hoạt động hợp tác quốc tế
khác được thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của
pháp luật về bưu chính.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 02 năm 2013.
2. Thông tư này thay thế cho Quyết định số
818/QĐ-BTTTT ngày 04 tháng 06 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông về việc chỉ định Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tham gia một số hoạt động
trong Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của UPU, Quyết định số 835/QĐ-BTTTT
ngày 04 tháng 06 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cử
Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tham gia Hiệp hội APP của APPU.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Vụ trưởng
Vụ Hợp tác Quốc tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Tổng Giám đốc Tổng
công ty Bưu điện Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Tổng công ty Bưu điện Việt Nam;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Các Thứ trưởng Bộ TTTT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TTTT;
- Lưu: VT, Vụ BC, VTT.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Bắc Son
|