BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2022/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 02 năm 2022
|
THÔNG TƯ
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ XEM XÉT, THẨM TRA, CHẤP THUẬN CÁC KHOẢN
VAY NỢ NƯỚC NGOÀI THEO PHƯƠNG THỨC TỰ VAY, TỰ TRẢ CỦA DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC
SỞ HỮU TRÊN 50% VỐN ĐIỀU LỆ BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 153/2014/TT-BTC NGÀY
20 THÁNG 10 NĂM 2014 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Quản
lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh
nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Pháp lệnh
ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh
sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm
2013;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng
7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử
dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng
3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước
vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng
11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyên doanh nghiệp
nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước
đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày
13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và
quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP
ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 91/2015/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng
01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu
nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng
12 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh
nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh
nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ
nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu
trên 50% vốn điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 153/2014/TT-BTC ngày 20
tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài theo
phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều
lệ ban hành kèm theo Thông tư số 153/2014/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2014 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nội dung Bộ Tài chính thẩm định,
chấp thuận chủ trương các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả
dưới hình thức hợp đồng vay gắn với dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Nhà nước
nắm giữ 100% vốn điều lệ.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cơ quan đại diện chủ sở hữu;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
không bao gồm các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng;
c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
(sau đây gọi là doanh nghiệp) bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước,
công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công
ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là
công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
2. Khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự
trả quy định tại Quy chế này là các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn theo
phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với Bên cho vay và không được
Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp (sau đây gọi
là khoản vay nước ngoài).
3. Bên cho vay là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước
ngoài cấp khoản vay nước ngoài cho doanh nghiệp.
4. Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn
hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể,
trong khoảng thời gian xác định (sau đây gọi là dự án).”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc thẩm định, chấp thuận chủ
trương khoản vay nước ngoài
1. Tuân thủ các quy định về huy động vốn, vay nước
ngoài theo phương thức tự vay, tự trả đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản
xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước
ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
2. Bộ Tài chính thực hiện thẩm định, chấp thuận chủ
trương khoản vay nước ngoài căn cứ trên cơ sở quyết định đầu tư dự án của cấp
có thẩm quyền, đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu và hồ sơ quy định tại Điều
5 Quy chế này.
3. Doanh nghiệp tự chịu mọi rủi ro và chịu trách
nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay nợ nước
ngoài theo phương thức tự vay, tự trả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay
nước ngoài theo thỏa thuận đã ký kết.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 8 Điều 4 như sau:
“2. Dự án sử dụng khoản vay nước ngoài phải phục vụ
hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp,
do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm,
kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu đã phê duyệt chủ
trương khoản vay nước ngoài.
4. Bên cho vay đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý
cung cấp khoản vay nước ngoài.
5. Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp (bao gồm cả
giá trị các khoản bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng)
không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được ghi trên báo cáo tài
chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với
thời điểm nộp hồ sơ để Bộ Tài chính thẩm định theo quy định tại điểm
a khoản 3 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh
doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014. Trường hợp huy động vốn
trên mức quy định này thì phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
8. Có phương án tài chính đảm bảo khả năng trả nợ
khoản vay nước ngoài.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Quy định về hồ sơ thẩm định, chấp thuận
chủ trương khoản vay nước ngoài
Hồ sơ để Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận chủ trương
khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu cung cấp
bao gồm:
1. Công văn của cơ quan đại diện chủ sở hữu đề nghị
Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp,
trong đó, thuyết minh cụ thể về các nội dung:
a) Việc đáp ứng các điều kiện thẩm định, chấp thuận
chủ trương khoản vay nước ngoài quy định tại Điều 4 Quy chế này;
b) Ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với sự
cần thiết của khoản vay nước ngoài, khả năng cân đối vốn đối ứng của doanh nghiệp,
khả năng trả nợ khoản vay nước ngoài, năng lực tài chính của doanh nghiệp.
2. Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt
chủ trương khoản vay nước ngoài, bao gồm các nội dung:
a) Mục đích vay;
b) Các điều kiện chính của khoản vay nước ngoài:
Giá trị khoản vay nước ngoài, đồng tiền nhận nợ, thời hạn vay, lãi suất và các
khoản phí có liên quan đến khoản vay nước ngoài, phương thức trả nợ, thời gian
ân hạn, thời gian trả nợ;
c) Các điều khoản và các điều kiện cơ bản khác liên
quan đến khoản vay nước ngoài (nếu có);
d) Các thông tin cơ bản trong phương án tài chính của
dự án sử dụng khoản vay nước ngoài gồm tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu
tư, tiến độ giải ngân khoản vay nước ngoài, kế hoạch bố trí vốn đối ứng hàng
năm của doanh nghiệp.
3. Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản
xuất kinh doanh năm của doanh nghiệp.
4. Văn bản của Bên cho vay chấp thuận cung cấp khoản
vay nước ngoài để thực hiện dự án, trong đó có các điều kiện của khoản vay nước
ngoài gồm: Giá trị khoản vay nước ngoài, đồng tiền nhận nợ, thời hạn vay, lãi
suất và các khoản phí có liên quan đến khoản vay nước ngoài, phương thức trả nợ,
thời gian ân hạn, thời gian trả nợ và các điều kiện cơ bản khác liên quan đến
khoản vay nước ngoài (nếu có).
5. Quyết định đầu tư dự án của cấp có thẩm quyền hoặc
quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ (FDP) đối với các dự án dầu khí.
6. Phương án tài chính của dự án sử dụng khoản vay
nước ngoài do doanh nghiệp lập trong đó thuyết minh số liệu Tổng mức đầu tư, cơ
cấu nguồn vốn đầu tư (vốn đối ứng của doanh nghiệp, vốn từ khoản vay nước ngoài
và các nguồn vốn khác), tiến độ giải ngân khoản vay nước ngoài, kế hoạch bố trí
vốn đối ứng hàng năm, kế hoạch cân đối nguồn trả nợ khoản vay hàng năm từ khấu
hao, lợi nhuận do dự án mang lại và các biểu số liệu kèm theo.
7. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm
gần nhất.
8. Báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp
nhất (trong trường hợp doanh nghiệp là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước,
công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công
ty con) đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật trong 03 năm liền kề gần
nhất và báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp tính đến thời điểm đề
nghị Bộ Tài chính thẩm định.
Trường hợp doanh nghiệp chưa đủ 03 năm hoạt động
liên tục, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có ý kiến về khả năng trả nợ kèm
theo báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán, báo cáo tài chính quý gần
nhất của doanh nghiệp.
9. Báo cáo của doanh nghiệp về giá trị các khoản bảo
lãnh cho các công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng còn hiệu lực tại thời điểm
cuối năm và cuối quý gần nhất tính đến thời điểm đề nghị Bộ Tài chính thẩm định
(nếu có).
10. Báo cáo của doanh nghiệp về các khoản nợ quá hạn
tại các tổ chức tài chính, tín dụng, nợ quá hạn liên quan đến các khoản được bảo
lãnh, các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ngân sách nhà
nước tại thời điểm đề nghị Bộ Tài chính thẩm định.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định,
chấp thuận chủ trương khoản vay nước ngoài
1. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi nhận
được đầy đủ hồ sơ do cơ quan đại diện chủ sở hữu cung cấp, căn cứ kết quả thẩm
định hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo kết quả thẩm định, chấp thuận chủ trương khoản
vay nước ngoài gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu.
2. Các nội dung thẩm định của Bộ Tài chính:
a) Việc đáp ứng các điều kiện thẩm định, chấp thuận
chủ trương khoản vay nước ngoài;
b) Tính đầy đủ của hồ sơ;
c) Tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm
thẩm định;
d) Phương án cân đối vốn đối ứng của doanh nghiệp
khi vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả;
đ) Khả năng trả nợ khoản vay nước ngoài theo chủ
trương đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt tại thời điểm thẩm định.
3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm giải
trình về ý kiến, nội dung cung cấp cho Bộ Tài chính trong quá trình tổ chức thực
hiện thẩm định, chấp thuận chủ trương khoản vay nước ngoài.”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Chế độ giám sát
1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm giám
sát việc quản lý và sử dụng khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp thuộc phạm
vi quản lý đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và đủ nguồn trả nợ
theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích hoặc
gặp khó khăn về tài chính có nguy cơ không trả được nợ, thì cơ quan đại diện chủ
sở hữu tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương án
giải quyết để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về quản
lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 9 như sau:
“ 1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu:
a) Phê duyệt chủ trương khoản vay nước ngoài và
cung cấp dây dù hồ sơ để Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận chủ trương khoản
vay nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này;
b) Trường hợp có sự thay đổi về nội dung so với hồ
sơ gửi Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận mà không làm thay đổi nội dung quy định
tại điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 6 Quy chế này thì cơ quan đại diện chủ sở hữu
chủ động xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền, không phải gửi Bộ Tài chính thẩm định
lại.
2. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty:
a) Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê
duyệt chủ trương khoản vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý, sử
dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật
về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo
lãnh;
b) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực,
đầy đủ của các hồ sơ, tài liệu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về hiệu quả
dự án, khả năng trả nợ khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp;
c) Chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo doanh nghiệp
tuân thủ điều kiện, trình tự, thủ tục vay nước ngoài theo quy định của pháp luật
về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo
lãnh; ký, thực hiện các thỏa thuận liên quan đến khoản vay nước ngoài theo quy
định của pháp luật;
d) Tổ chức quản lý, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Thực hiện chế độ báo cáo tình hình sử dụng khoản vay nước ngoài theo quy định của
pháp luật;
đ) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch trả
nợ, cân đối dòng tiền đảm bảo nguồn trả nợ và thanh toán đầy đủ các khoản nợ phải
trả theo đúng thời hạn đã cam kết với Bên cho vay;
e) Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ do
nguyên nhân chủ quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Hội đồng thành
viên, Chủ tịch công ty, người có liên quan bị xem xét, xử lý theo quy định của
pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp.”.
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số
cụm từ, điểm, khoản, điều của Thông tư số 153/2014/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm
2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các
khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do Nhà
nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 153/2014/TT-BTC
ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
1. Thay thế một số cụm từ sau đây:
a) Thay thế cụm từ “xem xét,
thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự
trả của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” bằng cụm từ “thẩm
định, chấp thuận chủ trương các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự
trả của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” quy định tại Thông
tư số 153/2014/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và
Quy chế này;
b) Thay thế cụm từ “xem xét,
thẩm tra, chấp thuận khoản vay nước ngoài”, “thẩm định, chấp thuận khoản
vay nước ngoài”, “xem xét, chấp thuận khoản vay nước ngoài”, “thẩm tra, chấp
thuận khoản vay nước ngoài” bằng cụm từ “thẩm định, chấp thuận chủ trương khoản
vay nước ngoài” quy định tại Quy chế này.
2. Bãi bỏ nội dung quy định tại
khoản 1, khoản 7 Điều 4; Điều 7; khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 9
Quy chế này.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 4 năm 2022.
2. Các trường hợp Bộ Tài chính đã tiếp nhận hồ sơ
trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa hoàn thành thẩm định,
chấp thuận chủ trương khoản vay nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại Quy
chế này.
3. Đối với các khoản vay nước ngoài không thuộc phạm
vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này, cơ quan đại diện chủ sở
hữu chủ động xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Bộ Tài chính không thực hiện
thẩm định, chấp thuận chủ trương đối với các khoản vay nước ngoài này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét và có hướng
dẫn cụ thể./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực
thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước;
- Hội Kế toán và Kiểm toán VN, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục TCDN ( 350b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|