QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC RÀ SOÁT DANH SÁCH DOANH NGHIỆP NĂM 2017
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1672/QĐ-TTg
ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh
tế năm 2017;
Căn cứ Quyết định 1879/QĐ-BKHĐT
ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tổ chức rà soát
doanh nghiệp năm 2017;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thống
kê - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế thành phố,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành rà soát danh sách doanh nghiệp, hợp
tác xã, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh
nghiệp nước ngoài trên địa bàn thành phố (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) phục
vụ cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định
này.
Điều 2. Giám đốc các doanh nghiệp nêu tại Điều 1 có
trách nhiệm báo cáo đầy đủ và kịp thời thông tin theo nội dung được yêu cầu.
Điều 3. Thành lập Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh
sách doanh nghiệp thành phố như sau:
a) Thành phần:
- Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục
Thống kê thành phố - Tổ trưởng;
- Ông Trần Việt Tuấn, Phó Giám đốc Sở
Kế hoạch và Đầu tư - Ủy viên;
- Ông Đoàn Hồng
Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố - Ủy viên;
- Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở
Công Thương - Ủy viên;
- Ông Phạm Minh Đức, Phó Trưởng ban
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng - Ủy viên;
- Ông Nguyễn Văn Bút, Trưởng phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng,
Cục Thống kê - Ủy viên;
- Ông Đoàn Văn Sáng, Phó Trưởng phòng
Phòng Quản lý và Phát triển doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư - Ủy viên;
- Phạm Đình Phúc, Phó Trưởng phòng
Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Ủy viên;
- Ông Đinh Văn Thanh Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế, Cục Thuế thành phố - Ủy viên;
- Ông Trần Văn Ngọc, Trưởng phòng Đầu tư và Hội nhập Kinh tế quốc
tế, Sở Công thương - Ủy viên.
b) Nhiệm vụ: Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp thành phố có nhiệm
vụ giúp Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế thành phố chỉ đạo, triển khai,
hướng dẫn thực hiện việc rà soát danh sách doanh nghiệp trên địa
bàn theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổ Thường trực rà soát doanh nghiệp Trung
ương.
Điều 4. Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh
nghiệp thành phố tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Cục
trưởng Cục Thống kê, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế các huyện, quận,
Thủ trưởng các đơn vị có tên tại Điều 3 và các cá nhân, đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Tổ TTRSDNTW;
- CT, các PCT UBNDTP;
- Như Điều
5;
- BCĐ Tổng điều tra kinh tế các
huyện, quận;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Sơn
|
KẾ HOẠCH
RÀ SOÁT DOANH NGHIỆP NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định
số 87/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)
1. Mục đích
- Thống kê đầy đủ số lượng doanh nghiệp,
hợp tác xã, đơn vị cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã hiện có đến thời điểm 31/12/2016 trên
phạm vi thành phố phục vụ công tác quản lý, hoạch định
chính sách, kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp của thành phố, từng địa phương, các nhà đầu
tư và các doanh nghiệp;
- Phục vụ thu thập thông tin khối
doanh nghiệp, hợp tác xã trong Tổng điều tra kinh tế năm
2017 theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ;
- Cập nhật cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh, quản lý đối tượng nộp thuế
đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Đối tượng và phạm vi rà
soát
a) Đối tượng rà soát
- Các doanh nghiệp hạch toán kinh tế
độc lập được thành lập, chịu sự điều tiết bởi Luật doanh nghiệp; hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã và các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các
Luật chuyên ngành như Luật bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật luật sư,... đã
được đăng ký trước thời điểm 31/12/2016;
- Cơ sở trực thuộc doanh nghiệp;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện của
doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Hải Phòng.
b) Phạm vi rà soát
Tiến hành rà soát danh sách doanh
nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện
doanh nghiệp của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trên phạm
vi thành phố.
3. Nội dung và cách thức tiến
hành rà soát
a) Nguồn thông tin
Căn cứ vào nguồn thông tin do 4 cơ quan cung cấp, gồm:
(1) Danh sách các doanh nghiệp, hợp
tác xã, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp được cấp mã số thuế có đến thời điểm 31/12/2016 do Tổng cục Thuế - Bộ Tài
chính quản lý;
(2) Danh sách các doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh có đến thời điểm 31/12/2016 do Cục
Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý;
(3) Danh sách các doanh nghiệp, hợp
tác xã đã thu được phiếu số 1A/ĐTDN-DN; 1B/ĐTDN-DS trong điều tra doanh nghiệp
năm 2016 do Tổng cục Thống kê quản lý;
(4) Danh sách các chi nhánh, văn
phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động tại thành phố
do Sở Công Thương thành phố quản lý.
b) Cách thức tiến hành
(1) Rà soát số lượng doanh nghiệp, hợp
tác xã
- Bước 1: Sử dụng danh sách doanh
nghiệp, hợp tác xã do Tổng cục Thuế cung cấp làm nền, đối chiếu các thông tin chủ yếu có liên quan gồm: Tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, loại hình, ngành kinh doanh
chính, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã với danh sách doanh
nghiệp, hợp tác xã của Tổng cục Thống kê, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế
hoạch và Đầu tư.
- Bước 2: Lập danh sách các doanh
nghiệp, hợp tác xã trùng tên, trùng mã số thuế, trùng tình trạng hoạt động thì
không tiến hành rà soát thực tế đối với các đơn vị này.
- Bước 3: Đối với các doanh nghiệp, hợp
tác xã do các cơ quan cung cấp còn có sự khác biệt về tên, mã số thuế, tình trạng
hoạt động, Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp thành phố tổ
chức rà soát thực tế như: trực tiếp đến doanh nghiệp, hợp tác xã, gửi thư điện tử (email), gọi điện thoại,... để xác minh thông tin.
Trên cơ sở đó các cơ quan (Cục Thống
kê, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và đầu tư) thống nhất số lượng doanh nghiệp và báo
cáo kết quả theo các biểu mẫu quy định.
(2) Lập danh
sách cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước
ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Dựa vào danh sách các đơn vị cơ sở trực
thuộc doanh nghiệp do Tổng cục Thuế cung cấp và danh sách chi nhánh, văn phòng
đại diện của doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam do Sở
Công Thương cung cấp, Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp
thành phố tiến hành phân loại và lập danh sách theo mẫu biểu quy định.
c) Nội dung rà soát
Nội dung rà soát danh sách doanh nghiệp,
hợp tác xã gồm: Tên, địa chỉ, điện thoại, loại hình, tình trạng hoạt động,
ngành kinh doanh chính.
d) Báo cáo kết quả rà soát
Sau khi rà soát, đối chiếu giữa nguồn
thông tin hiện có của các cơ quan và quá trình xác minh tại địa bàn, Tổ Thường
trực rà soát danh sách doanh nghiệp thành phố báo cáo kết quả cho Tổ Thường trực
chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp Trung ương theo 5 loại biểu mẫu sau:
- Biểu
số 1: Số doanh nghiệp thực tế tồn tại
trên địa bàn chia theo tình trạng hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2016;
- Biểu
số 2: Số doanh nghiệp thực tế tồn tại trên địa bàn chia theo
ngành kinh tế và tình trạng hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2016;
- Biểu
số 3: Số hợp tác xã thực tế tồn tại trên địa bàn chia theo
ngành kinh tế và tình trạng hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2016;
- Biểu
số 4: Số cơ sở trực thuộc doanh nghiệp
thực tế tồn tại tính đến thời điểm 31/12/2016 trên địa bàn
chia theo tình trạng hoạt động;
- Biểu
số 5: Danh sách chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp
nước ngoài được cấp phép hoạt động trên địa bàn tính đến thời điểm 31/12/2016.
4. Các bảng
danh mục sử dụng trong rà soát danh sách doanh nghiệp
a) Bảng phân ngành kinh tế: Áp dụng bảng hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam 2007 (phân loại theo
ngành kinh tế cấp I).
b) Bảng danh mục loại hình doanh
nghiệp: Gồm các loại hình doanh nghiệp như sau:
(1) Doanh nghiệp nhà nước (mã số 1) gồm:
(1) Công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập
đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại
nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con. (2) Công ty TNHH một
thành viên độc lập do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (3) Công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%;
(2) Doanh nghiệp ngoài nhà nước (mã số
2) gồm: (4) Doanh nghiệp tư nhân; (5) Công ty hợp danh;
(6) Công ty TNHH tư nhân, Công ty TNHH có vốn nhà nước bằng hoặc dưới 50%; (7) Công ty cổ phần không có vốn nhà nước; (8) Công ty cổ phần có
vốn nhà nước bằng hoặc dưới 50%;
(3) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài (mã số 3) gồm: (9) DN 100% vốn nước ngoài; (10) DN nhà nước liên doanh với
nước ngoài; (11) DN khác liên doanh với nước ngoài;
(4) Hợp tác xã (mã số 4) gồm: (12) Hợp
tác xã; (13) Liên hiệp hợp tác xã; (14) Quỹ tín dụng nhân
dân.
c) Bảng tình trạng hoạt động của
doanh nghiệp, hợp tác xã
(1) Doanh nghiệp thực tế đang hoạt động,
gồm các doanh nghiệp thực tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có phát sinh
thuế.
(2) Doanh nghiệp đang đầu tư chưa đi
vào hoạt động SXKD, gồm các doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng, đầu tư máy móc thiết bị, lắp
đặt dây chuyền sản xuất... và chưa đi vào hoạt động sản xuất
kinh doanh chưa phát sinh sản phẩm, doanh thu...
(3) Doanh nghiệp tạm ngừng kinh
doanh, gồm các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh không quá 1
năm, sau đó tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại (tổng thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên
tiếp không quá 2 năm).
(4) Doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ
giải thể, phá sản, gồm các doanh nghiệp ngừng hoạt động như bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp đóng mã số
thuế, đang làm thủ tục chờ giải thể, phá sản,....
(5) Doanh nghiệp không tìm thấy hoặc
không xác minh được, gồm các doanh nghiệp có trong cơ sở dữ liệu cơ quan thuế
hiện đang quản lý thuộc các tình trạng ở trên nhưng điều
tra viên xác minh, không tìm thấy như: doanh nghiệp không hoạt động theo địa điểm
đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích...
d) Bảng
danh mục các đơn vị hành chính
Áp dụng bảng danh
mục các đơn vị hành chính Việt Nam 2007, ban hành theo Quyết
định số: 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và những thay đổi
đã cập nhật đến thời điểm 31/12/2016.
5. Kế hoạch tiến
hành
Bước 1. Công tác chuẩn bị: Thời gian thực hiện từ ngày 01 đến 15/01/2017, gồm
các công việc:
(1) Ban hành Quyết định tổ chức rà
soát danh sách doanh nghiệp năm 2017 của thành phố;
(2) Xây dựng kế hoạch rà soát;
(3) Triển khai Quyết định và Kế hoạch
rà soát danh sách doanh nghiệp của thành phố tới thành
viên Tổ Thường trực rà soát doanh nghiệp thành phố; UBND, Chi cục Thống kê các
quận, huyện;
Bước 2. Triển khai rà soát tại các huyện, quận: Thời gian thực hiện 15/01/2017
đến 15/02/2017, gồm các công việc:
(1) Ủy ban nhân dân các huyện, quận
chỉ đạo Chi cục Thống kê (cơ quan thường trực), Chi cục Thuế tiến hành
rà soát danh sách doanh nghiệp theo danh sách doanh nghiệp và hướng dẫn của Tổ
Thường trực rà soát doanh nghiệp thành phố.
(2) Nhập tin danh sách doanh nghiệp,
cơ sở trực thuộc doanh nghiệp sau rà soát: Thực hiện theo mẫu bảng kê gửi kèm.
(3) Báo cáo Tổ Thường trực chỉ đạo rà
soát danh sách doanh nghiệp thành phố. Thời gian chậm nhất là ngày 20/02/2017.
Bước 3. Tổng hợp, gửi báo cáo
Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp thành phố nghiệm thu kết quả rà soát của các huyện, quận; tổng hợp theo mẫu biểu
toàn thành phố và báo cáo kết quả rà soát danh sách doanh
nghiệp, hợp tác xã về Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh
sách doanh nghiệp Trung ương: Thời
gian thực hiện: Trước ngày 28/02/2017.
Địa chỉ gửi báo cáo:
- Báo cáo bằng văn bản (bản cứng) gửi
về địa chỉ: Cục Thống kê Hải Phòng (Phòng Thống kê Công nghiệp- Xây dựng).
- Báo cáo bằng file mềm (dạng Excel)
gửi về địa chỉ thư điện tử: congnghiephph@gso.gov.vn.
6. Tổ chức thực
hiện
- Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát
doanh nghiệp thành phố có trách nhiệm rà soát danh sách của Tổng cục Thuế, Tổng
cục Thống kê, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, loại bỏ
phần trùng, tách phần cần rà soát; phân cho từng huyện, quận
để tiến hành rà soát; tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Tổ thường
trực rà soát doanh nghiệp Trung ương đúng thời gian quy định.
- Cục Thuế, Cục Thống kê thành phố chỉ
đạo các Chi cục Thuế, Chi cục Thống kê các huyện, quận có trách nhiệm rà soát
và phối hợp rà soát danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ
sở trực thuộc doanh nghiệp trên địa bàn, hiện còn tồn tại tính đến thời điểm
31/12/2016;
- Sở Công Thương có trách nhiệm phối
hợp với Tổ Thường trực chỉ đạo rà soát danh sách doanh
nghiệp thành phố cung cấp danh sách các văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước
ngoài hoạt động trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm
31/12/2016;
- Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng
có trách nhiệm phối hợp với các thành viên trong Tổ Thường trực, rà soát tình
trạng doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp thành phố thuộc phạm vi quản
lý;
- Ủy ban nhân dân các huyện, quận có
trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát danh sách doanh nghiệp
trên địa bàn và báo cáo Tổ Thường trực rà soát doanh nghiệp
thành phố theo Kế hoạch.
7. Kinh phí thực
hiện
Kinh phí thực hiện rà soát danh sách
doanh nghiệp do ngân sách Trung ương bảo đảm cho các hoạt động được quy định
trong Kế hoạch Tổng điều tra kinh tế năm 2017./.