ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
82/2002/QĐ-UB
|
Nghệ An, ngày
13 tháng 9 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ
QUẢN LÝ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- Căn cứ Luật tổ chức
HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21- tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Nghị định
01/CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ;
- Căn cứ kết luận của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tại Thông báo số 182/TB-TU ngày 04 tháng 02 năm
2002 và Thông báo số 237/TB-UB ngày 21 tháng 6 năm 2002;
- Xét đề nghị của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1719/ TT.NN.CS ngày 15
tháng 8 năm 2002.
QUYẾT ĐỊNH
Điều
1: Nay ban hành
kèm theo Quyết định này quy định về việc đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý nông
trường quốc doanh.
Điều
2: Quyết định
này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND tỉnh trái với
Quyết định này đều bãi bỏ.
Các ông: Chánh Văn
phòng HĐND - UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Địa
chính, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện; Giám đốc
các Công ty, Nông trường, Xí nghiệp được Nhà nước giao đất sản xuất nông nghiệp
và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
TM. UBND TỈNH
NGHỆ AN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Trung
|
QUY ĐỊNH
CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN VỀ VIỆC ĐỔI
MỚI TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 82/2002/QĐ-UB
ngày 13 tháng 9 năm 2002 của UBND tỉnh Nghệ An)
Để nâng cao hiệu quả sử
dụng đất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm nòng cốt trong sản Xuất nông lâm
nghiệp, dịch vụ vật tư, kỹ thuật, thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các
tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất nông - lâm nghiệp, tăng sản lượng hàng
hóa xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh
trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định về việc "Đổi mới
tổ chức và cơ chế quản lý nông trường quốc doanh” như sau:
Chương
I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1: Phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng đối
với tất cả các nông trường quốc doanh, công ty, xí nghiệp được Nhà nước giao đất
để sản xuất nông, lâm nghiệp, sau đây gọi chung là nông trường, hoạt động theo
Luật Doanh nghiệp Nhà nước.
Chương
II
NHỮNG QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
Điều
2: Kiểm kê, xử lý đối với các loại đất đai của nông trường.
2.1. Sau khi rà soát,
kiểm tra quy hoạch sử dụng đất của các nông trường, UBND tỉnh sẽ thu hồi phần
diện tích đất mà nông trường không sử dụng, sử dụng không có hiệu quả hoặc sử dụng
sai mục đích để giao cho UBND huyện sở tại quản lý, đưa vào sử dụng theo quy hoạch
và pháp luật.
Nông trường có trách
nhiệm lập hồ sơ trình UBND tỉnh (qua Sở Địa chính) cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất cho phần diện tích phù hợp quy hoạch phát triển nông trường.
2.2. Đối với diện tích
các loại đất sau đây sẽ giao cho UBND huyện sở tại quản lý, giao cho các chủ sử
dụng theo quy hoạch.
- Đất xây dựng các
công trình công cộng.
- Đất thổ cư (đất ở, đất
vườn, đất giao thông nội bộ khu dân cư).
2.3. Đất đai của nông
trường bị lấn chiếm, phải xử lý theo quy định của pháp luật và giải quyết theo
hướng:
- Nếu diện tích đất
đang bị tranh chấp lấn chiếm, nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu tập trung
thì nông trường phối hợp với UBND huyện, xã sở tại thu hồi lại để sử dụng theo
quy hoạch.
- Nếu diện tích đất bị
tranh chấp, lấn chiếm nhưng không nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu tập trung
thì UBND tỉnh thu hồi để giao UBND huyện giao cho hộ nông dân sử dụng ổn định
lâu dài theo Nghị định 64/CP; 85/CP và Nghị định 163/CP của Chính phủ.
Điều
3: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông trường.
Trên cơ sở quy hoạch được
UBND tỉnh phê duyệt, nông trường xác định rõ ranh giới giữa nông trường và các
chủ sử dụng đất liền kề trên thực địa và bản đồ, lập hồ sơ địa chính, trình
UBND tỉnh quyết định giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông trường.
Điều
4: Cơ chế quản lý, sử dụng đất đai.
4.1. Các nông trường lập
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể cho từng loại đất phù hợp với từng loại
cây trồng một cách có hiệu quả nhất, kể cả đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản,
đất chuyên dùng và phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
- Nông trường chịu
trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt (trồng
các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đảm bảo
phát huy hiệu quả sử dụng đất.
4.2. Giám đốc nông trường
được quyền giao khoán đất đai cho các đối tượng (hộ nhận khoán) thông qua hợp đồng
kinh tế theo quy định tại Nghị định số 01/CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của
Chính phủ và các quy định của UBND tỉnh. Các hộ nhận khoán có trách nhiệm sử dụng
đất đúng mục đích, có hiệu quả cao.
4.3. Thời hạn giao
khoán đất:
a) Giao khoán đất nông
nghiệp trồng cây lâu năm: thời hạn giao khoán là 1 chu kỳ kinh doanh của cây
lâu năm được quy hoạch trồng cho vùng đất đó. Khi hết chu kỳ kinh doanh của vườn
cây, hộ nhận khoản có thể sẽ được giao khoán tiếp chu kỳ sau nếu sử dụng đất có
hiệu quả, chấp hành đúng các quy định của Nhà nước.
b) Giao khoán đất lâm
nghiệp.
- Đối với rừng phòng hộ,
rừng đặc dụng: 50 năm.
- Đối với rừng sản xuất:
01 chu kỳ kinh doanh.
c) Giao khoán đất nông
nghiệp trồng cây hàng năm: 05 năm. Khi hết 5 năm, hộ nhận khoán có thể được xem
xét cho nhận khoán 5 năm tiếp theo nếu sử dụng đất có hiệu quả, chấp hành đúng
các quy định của Nhà nước.
d) Giao khoán đất có mặt
nước nuôi trồng thủy sản.
- Ao, hồ, đầm và mặt
nước khác có quy mô nhỏ (dưới 1 ha) thực hiện giao khoán cho hộ gia đình, cá
nhân theo hợp đồng. Thời hạn giao khoán không quá 5 năm.
- Ao, hồ, đầm và mặt
nước khác có quy mô lớn (l ha trở lên) hoặc có liên quan chặt chẽ với nhau nếu
không giao khoán được cho 1 hộ gia đình, cá nhân thì có thể giao khoán cho nhóm
hộ hoặc tổ chức thích hợp. Thời hạn giao khoán theo hợp đồng.
Hộ, nhóm hộ, tổ chức
nhận khoán đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản có thể được xem xét cho nhận
khoán thời gian tiếp theo khi hết thời gian theo hợp đồng nếu sử dụng đất có hiệu
quả, chấp hành đúng quy định của Nhà nước.
4.4. Diện tích đất
giao khoán: Diện tích đất giao khoán cho hộ gồm 2 phần: phần diện tích theo mức
bình quân của hộ nông dân trong vùng (diện tích bình quân của xã sở tại) và phần
vượt trên diện tích đó (nếu có). Hộ nhận khoán có trách nhiệm đầu tư thâm canh
tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và đảm bảo độ phì của đất. Trường hợp hộ nhận
khoán sản xuất không đạt năng suất bình quân của vùng trong 3 vụ liên tiếp thì
phải thu hồi phần diện tích vượt mức bình quân của hộ nông dân trong vùng để
giao khoán lại cho các thành viên khác có điều kiện đầu tư tăng năng suất cây
trồng hơn.
4.5. Các hộ đã nhận
khoán đất của Nông trường theo Nghị định 01/CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của
Chính phủ hoặc theo Quyết định 1586/QĐ.UB ngày 08 tháng 9 năm 1992 của UBND tỉnh
Nghệ An, nay bổ sung hợp đồng giao khoán đất đai, vườn cây: điều chỉnh thời hạn
và mức diện tích đất giao khoán theo quy định tại khoản 4.3 và 4.4 điều 4 của bản
quy định này. Khi hết thời hạn hợp đồng, nếu hộ nhận khoán thực hiện đúng quy định,
được ưu tiên nhận khoán tiếp chu kỳ sau cho đến hết thời hạn giao khoán đất đai
theo Nghi định 01/CP.
4.6. Đối tượng được
nông trường giao khoán đất đai, vườn cây là hộ nông trường viên. Trường hợp hộ
nông trường viên không nhận khoán hết diện tích thì giám đốc nông trường báo
cáo với UBND tỉnh để thu hồi giao cho UBND huyện sở tại quản lý, giao cho các
chủ sử dụng theo quy hoạch.
Điều
5: Quyền và nghĩa vụ của nông trường
5.1. Nghĩa vụ:
5.1.1. Xác định đúng
diện tích, vị trí, ranh giới đất giao khoán trên bản đồ và thực địa, giá trị
cây trồng, vật nuôi, hiện trạng rừng và các công trình trên đất, mặt nước giao
khoán.
5.1.2. Thực hiện các
hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các chính sách về đầu tư, hỗ trợ,
theo quy định
5.1.3. Chịu trách nhiệm
tư vấn về kỹ thuật, dịch vụ vốn, vật tư phân bón, tạo điều kiện và môi trường
thuận lợi cho hộ nhận khoán chủ động sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ
các loại sản phẩm chủ yếu: chè, cà phê, cao su... của các hộ nhận khoán và nhân
dân trên địa bàn và được hưởng phí dịch vụ theo hợp đồng.
5.1.4. Nếu vi phạm hợp
đồng gây thiệt hại cho hộ nhận khoán thì phải bồi thường giá trị thiệt hại.
5.1.5. Phối hợp với
UBND xã, huyện sở tại giữ gìn trật tự, an ninh trên địa bàn để các hộ nhận
khoán yên tâm sản xuất.
5.2. Quyền lợi:
5.2.1. Hướng dẫn, kiểm
tra, xử lý và thanh quyết toán việc thực hiện hợp đồng giao khoán, bảo đảm thực
hiện đúng pháp luật về đất đai, lao động và các điều khoản quy định trong hợp đồng
5.2.2. Khi hộ nhận
khoán vi phạm hợp đồng, nông trường căn cứ mức độ vi phạm để quyết định việc bồi
thường giá trị thiệt hại hoặc chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng, thu hồi lại đất và vườn
cây đã giao khoán.
Điều
6: Quyền và nghĩa vụ của hộ nhận khoán.
6.1. Quyền lợi:
Hộ nhận khoán đất, vườn
cây của nông trường được hưởng các quyền sau:
6.1.1. Chủ động sản xuất
trên diện tích đất nhận khoán theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt, được hưởng
thành quả lao động và kết quả đầu tư trên đất nhận khoán theo hợp đồng. Được
nuôi, trồng xen theo hợp đồng và được hưởng toàn bộ sản phẩm nuôi, trồng xen.
6.1.2. Được làm lán tạm
để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất, được làm sân phơi, đào giếng
nước, xây bể chứa nước, kênh dẫn nước, công cấp thoát nước, hố ủ phân chuồng
gia súc, gia cầm theo quy định của nông trường.
6.1.3. Được nông trường
hoàn trả hoặc đền bù tài sản đã đầu tư trên đất nhận khoán trong các trường hợp:
khi chuyển đi nơi khác, chuyển sang làm nghề khác (có lý do chính đáng) hoặc
không còn khả năng lao động, nông trường thu lại một phần hoặc toàn bộ đất giáo
khoán để sử dụng vào mục đích khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
6.1.4. Khi nông trường
vi phạm hợp đồng, hộ nhận khoán được bồi thường thiệt hại theo hợp đồng cam kết
của 2 bên.
Trong trường hợp bị
thiên tai, rủi ro được xét miễn, giảm các khoản phải nộp cho nông trường theo
quy định của pháp luật.
6.1.5. Khi chủ hộ nhận
khoán chết thì người đại diện hợp pháp trong hộ được tiếp tục thực hiện hợp đồng
khoán cho đến hết thời hạn giao khoán.
Trong trường hợp hộ nhận
khoán không còn thành viên hợp pháp nào có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng
khoán thì nông trường thu hồi đất để giao khoán lại cho người khác. Giá trị tài
sản đã đầu tư trên đất của chủ hộ nhận khoán đã chết được nông trường đền bù
cho người thừa kế. Nếu bên nhận khoán không có người thừa kế thì các khoản đền
bù được bổ sung vào qũy phát triển sản xuất của nông trường.
6.1.6. Hộ nhận khoán
được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng tài sản, được thế chấp vườn cây gắn với đất
nhận khoán và phải được sự đồng ý của giám đốc nông trường.
6.2. Nghĩa vụ:
Hộ nhận khoán đất đai,
vườn cây của nông trường có nghĩa vụ:
6.2.1. Nộp thuế sử dụng
đất nông nghiệp, thuế thu nhập theo luật định.
6.2.2. Trích nộp các
quỹ theo Thông tư 02/ TT-LB ngày 10 tháng 11 năm 1996 của Liên bộ Tài chính và
Nông nghiệp & PTNT với mức không quá 30% định suất thuế sử dụng đất nông
nghiệp. Trong đó: 10% cho quỹ đầu tư phát triển: 5% cho quỹ phúc lợi và 15% cho
quỹ quản lý.
6.2.3. Nộp khấu hao cơ
bản vườn cây, giá trị các công trình phục vụ sản xuất do nông trường đã đầu tư
xây dựng theo quy định.
6.2.4. Nộp các khoản
phí dịch vụ trên cơ sở ký kết hợp đồng giữa nông trường và người nhận khoán.
6.2.5. Nộp các khoản
đóng góp cho đầu tư xây dựng Các công trình thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ
sản xuất và phúc lợi hàng năm, do đại hội công nhân viên chức và người lao động
quyết định
6.2.6. Bán sản phẩm sản
xuất ra trên đất nhận khoán cho nông trường theo hợp đồng.
6.2.7. Chấp hành các
quy định phòng chống sâu bệnh, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo vệ nguồn
lợi của đất, nước, vật kiến trúc và môi trường sinh thái.
6.2.8. Bồi thường thiệt
hại cho nông trường do bên nhận khoán vi phạm hợp đồng gây ra (nếu có).
6.2.9. Trả lại đất khi
cơ quan có thẩm quyền có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.
Điều
7: Chính sách lao động trong nông trường.
7.1. Hàng năm nông trường
phải có kế hoạch đào tạo và sử dụng lao động hợp lý, ưu tiên tuyển dụng con em
cán bộ công nhân viên chức trong nông trường.
7.2. Cán bộ, công nhân
nhận giao khoán đất, vườn cây của nông trường đến tuổi nghỉ hưu, được nông trường
tuyển chọn con em vào nông trường để kế tục nhận giao khoán trên diện tích đó.
Trường hợp hộ hưu trí không có con em được tuyển chọn vào nông trường hoặc
không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng thì trả lại đất nhận khoán cho
nông trường khi hết hạn hợp đồng.
7.3. Đối với cán bộ,
công nhân đang làm việc cho nông trường, có nghĩa vụ đóng và hưởng chế độ bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
Điều
8: Quản lý tài chính trong nông trường.
8.1. Các nông trường
phải thực hiện quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh theo Nghi định
59/CP, Nghị định số 27/1999/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý tài chính
và hạch toán kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
8.2. Khi tiến hành cổ
phần hóa nông trường hoặc một số cơ sở chế biến nông sản theo Nghị định
44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 để chuyển thành công ty cổ phần thì ưu
tiên bán cổ phần cho cán bộ công nhân viên trong nông trường. Xây dựng mối liên
kết kinh tế giữa nông trường, nông trường viên và các cơ sở chế biến, tạo ra đồng
sở hữu giữa nông trường viên và nông trường về cơ sở chế biến.
8.3.Nông trường thực hiện
các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ nhận khoán theo quy định.
Điều
9: Quản lý hành chính trong nông trường.
Chuyển giao chức năng
quản lý hành chính nhà trẻ, mẫu giáo cho chính quyền địa phương. Nông trường chủ
yếu tập trung làm nhiệm vụ tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Điều
10: Đổi mới bộ máy quản lý trong nông trường
Bộ máy quản lý của
nông trường phải tinh giản, gọn nhẹ theo hướng: lựa chọn những người có tinh thần
trách nhiệm, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ kinh tế - kỹ thuật vào các vị trí
quản lý của nông trường
+ Bộ máy quản lý nông
trường gồm có: Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và một số phòng, ban hoặc
trợ lý giúp việc.
+ Ở đội sản xuất, xưởng
(hoặc phân xưởng) chế biến có đội trưởng, quản đốc xưởng (hoặc phân xưởng).
Nông trường phải tổ chức
tốt các loại hình dịch vụ sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo
nguồn thu chính, ổn định để trả lương cho bộ máy quản lý điều hành sản xuất
kinh doanh của nông trường.
Chương
III
TỔ CHÚC THỰC
HIỆN
Điều
11: Điều khoản thi hành.
Căn cứ những quy định
tại quyết định này, các nông trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến hành bổ sung, điều chỉnh hợp đồng giao
khoán đất đai, vườn cây cho phù hợp.
Giao Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính - Vật giá, Địa chính, Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các ban, ngành
cấp tỉnh có liên quan, UBND các huyện và giám đốc các nông trường chịu trách
nhiệm thi hành quy định này.
Trong quá trình tổ chức
thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các đơn vị, cơ quan chức năng kịp thời phản ánh
để UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh.