Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 3159/QĐ-UBND 2022 Kế hoạch đổi mới phát triển hợp tác xã nông nghiệp Quảng Trị

Số hiệu: 3159/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Hà Sỹ Đồng
Ngày ban hành: 12/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3159/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 12 tháng 12 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN HTX NÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2022-2026, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Căn cứ Nghị định 193/2013/NĐ-CP , ngày 21/11/2013 về quy định chi tiết một số điều của luật HTX năm 2012; Nghị định 107/2017/NĐ-CP , ngày 15/09/2017 của Chính phủ sửa đổi nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã;

Căn cứ Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Kết luận số 168-KL/TU ngày 04/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về kết luận Hội nghị lần thứ 6, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

Căn cứ Chương trình hành động số 47/CTr-TU ngày 01 tháng 12 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Căn cứ Nghị quyết số 68/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc quy định mức chi hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và mức vốn điều lệ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Trị.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 293/TTr-SNN ngày 25 tháng 11 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

(Kế hoạch chi tiết kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông Nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kinh tế hợp tác và PTNT;
- Chủ tịch, PCT Hà Sỹ Đồng;
- Chi cục Phát triển nông thôn;
- Lưu: VT, KTTuấn.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Sỹ Đồng

KẾ HOẠCH

ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN HTX NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2022-2026, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Trị)

I. Thông tin chung về HTX nông nghiệp tỉnh Quảng Trị

1. Tổng quan về số lượng, quy mô và đánh giá xếp loại HTX nông nghiệp

Toàn tỉnh có 288 HTX nông nghiệp và 01 LHHTX nông nghiệp (10 HTX nông nghiệp của huyện Hải Lăng), tỷ lệ HTX nông nghiệp được đánh giá: 25,5% loại tốt (69 HTX), 32,5% loại khá (88 HTX), trung bình 36,1% (98 HTX), yếu kém 5,9% (16 HTX)1. Trong đó có 7 HTX mới thành lập nên chưa đánh giá.

Loại hình HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp là chủ yếu chiếm 92,86%, còn lại là các loại hình HTX thủy lợi chiếm 0,65%, chăn nuôi chiếm 1,95%, chế biến thủy hải sản 1,3%, HTX chuyên ngành (cà phê, hồ tiêu) chiếm 1,95% còn lại là các loại hình khác.

Theo báo cáo kết quả điều tra 154 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì số HTX tự đánh giá loại tốt từ 80 điểm trở lên là: 40 HTX chiếm tỷ lệ 25,97%; Số HTX tự đánh giá loại khá từ 65-79 điểm có 51 HTX chiếm tỷ lệ 33,12%; Số HTX tự đánh giá trung bình từ 50-65 điểm trở lên có 38 HTX chiếm tỷ lệ 24,68%; Số HTX tự đánh giá kém dưới 50 điểm có 25 HTX chiếm tỷ lệ 16,33%. Tổng số HTX tự xếp loại tốt và khá chiếm đa số nhưng thấp hơn mức trung bình của nước (>60% năm 2021).

Tỷ lệ HTX thành lập trước năm 2003 chiếm đến 73,38%, thành lập từ năm 2003 đến năm 2012 chiếm 6,49% và thành lập từ năm 2012 đến nay chiếm 20,13% (trung bình mỗi năm có khoảng 8-10 HTX được thành lập mới). Tới nay đã có 100% số HTX đã chuyển đổi theo luật HTX năm 2012.

HTX có quy mô chủ yếu trong thôn hoặc liên thôn chiếm 80,77%, tỷ lệ HTX toàn xã chiếm 5,19%, HTX do một nhóm thành viên đứng ra thành lập chiếm 14,04%. Một số nơi như thị xã Quảng Trị hay thành phố Đông Hà, một số HTX gặp khó khăn khi diện tích đất nông nghiệp giảm, tổ chức đã sắp xếp lại bộ máy chính quyền (sát nhập xã, phường) nhưng HTX chưa sát nhập được, hoạt động cầm chừng.

Tỷ lệ HTX là thành viên của Liên hiệp HTX chiếm 3,9%; HTX nông nghiệp tham gia là thành viên của Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị chiếm 79,22%, số còn lại chưa tham gia tổ chức nào về HTX. Mô hình HTX có Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc chiếm 98,7%, còn lại 1,3% là chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc tách riêng.

Tỷ lệ HTX có trụ sở kiên cố chiếm 52,6%, trụ sở tạm bợ chiếm 27,27% còn lại là chưa có trụ sở. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trụ sở chiếm 53,25%, còn lại 46,75% là chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trụ sở. Qua đó cho thấy còn nhiều HTX gặp khó khăn, chưa có trụ sở ổn định để tập trung sản xuất và phát triển, việc không có giấy chứng nhận sẽ khiến cho HTX không tiếp cận các nguồn vốn thông qua việc thế chấp tài sản.

2. Trình độ năng lực của cán bộ HTX nông nghiệp và số lượng thành viên

Về trình độ của Ban lãnh đạo HTX: Theo số liệu điều tra từ 154 HTX thì tổng số người trong Ban lãnh đạo HTX là 440 người, trong đó: Tỷ lệ thành viên Ban lãnh đạo được đào tạo đại học chiếm 9,05%, cao đẳng chiếm 3,41%, trung cấp chiếm 20,27%, cấp 3 chiếm 32,05%, còn lại là trình độ khác dưới cấp 3. Điều này dẫn đến việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế và thay đổi tư duy, tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số gặp khó khăn.

Có 107 thành viên trong Ban lãnh đạo được đóng bảo hiểm chiếm 24,32%, có 333 người chưa được đóng bảo hiểm chiếm 75,68%. Trong tổng số 154 HTX được khảo sát thì có 27,27% HTX có đóng bảo hiểm còn lại 72,73% HTX chưa đóng bảo hiểm.

Số lượng thành viên trung bình là 260 thành viên/HTX; Giám đốc là nam giới chiếm 97,4%, nữ giám đốc chiếm 2,6%. Độ tuổi trung bình của giám đốc HTX là 54 tuổi, trong đó độ tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 31,17%, độ tuổi từ 50 đến 59 tuổi chiếm 43,51%, độ tuổi từ 40 đến 49 chiếm 12,99%, còn lại là độ tuổi dưới 40 tuổi.

Số lượng thành viên HTX nông nghiệp từ số liệu khảo sát là 40.048 người: Trong đó thành viên HTX là nam chiếm 64,31%, thành viên nữ chiếm 35,69%.

3. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp

Phân theo tiêu chí quy mô các loại hình dịch vụ của các HTX: HTX chỉ có 01 dịch vụ vẫn chiếm 61,69%; HTX có từ 2 đến 3 dịch vụ chiếm 22,08% và các HTX có từ 4 dịch vụ trở lên chiếm 16,23%. Trong các dịch vụ bắt buộc mà HTX đang cung cấp thì các HTX có dịch vụ về tưới tiêu chiếm tỷ lệ cao nhất 80,52%; tiếp đến là dịch vụ về điều hành sản xuất chiếm 78,57%, dịch vụ về chăn nuôi - thú y chiếm 41,56%, dịch vụ về thu gom rác thải chiếm 31,17%; dịch vụ về thủy nông chiếm 12,34%; dịch vụ về bảo vệ đồng mộng chiếm 11,04%; còn lại là các dịch vụ khác chiếm 8,44%.

Một số dịch vụ tự nguyện mà các HTX đang cung cấp: trong số 154 HTX điều tra có 103 HTX cung cấp dịch vụ phân bón chiếm 66,88%; 114 HTX cung cấp dịch vụ về giống chiếm 74,03%; 98 HTX cung cấp dịch vụ thuốc BVTV chiếm 63,64%; 12 HTX cung cấp dịch vụ thức ăn chăn nuôi chiếm 7,79% và 06 HTX cung cấp các dịch vụ khác chiếm 3,9%.

HTX đang cung cấp dịch vụ cho các thành viên vay vốn là 46 HTX chiếm tỷ lệ 29,87%, HTX đang có dịch vụ tiết kiệm tín dụng là 18 HTX chiếm 11,69%. Số HTX không có hoạt động cho vay vốn và tiết kiệm là 90 HTX chiếm 58,44%.

Có 94 HTX chiếm 61,03% dự kiến sẽ mở thêm các ngành hàng/dịch vụ cho giai đoạn tới 2022-2026 và với số lượng thành viên dự kiến sẽ tham gia hưởng lợi là 8.845 người.

Tỷ lệ HTX có tham gia chuỗi giá trị và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên chiếm 45,45%2, trong đó có 19% HTX nông nghiệp tham gia thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như: lúa gạo chất lượng cao 400 ha (công ty Cổ phần tổng công ty thương mại Quảng Trị), chanh leo 120 ha (công ty Giải pháp vàng, công ty T9, Công ty Nafood Tây Bắc), cà phê 300 ha (Cát Quế, Hội An Roastery, Tường Linh...), dược liệu 30 ha (Đông Nam dược Bảo Linh, Cổ phần đầu tư và Phát triển Tâm Xanh)...; còn lại là 54,55% HTX không thực hiện các hoạt động để thúc đẩy hình thành liên kết chuỗi cho các thành viên. Tỷ lệ HTX có ứng dụng công nghệ cao trong chế biến và sản xuất còn thấp chỉ chiếm 8,13%.

Theo số liệu thống kê từ 154 HTX cho thấy: Tổng nguồn vốn của các HTX trung bình là 6.152.066 nghìn đồng/HTX (Sáu tỷ một trăm năm mươi hai triệu không trăm sáu mươi sáu nghìn đồng), trong đó vốn cố định là 1.719.705 nghìn đồng/HTX, vốn lưu động là 4.432.360 nghìn đồng/HTX. Tổng doanh thu năm 2021 trung bình là 2.058.263 nghìn đồng/HTX (Hai tỷ không trăm năm mươi tám triệu hai trăm sáu mươi ba nghìn đồng/HTX/năm). Vốn quỹ tín dụng nội bộ là 36.330 nghìn đồng (Ba mươi sáu triệu ba trăm ba mươi nghìn đồng/HTX; Số tiền trích lập các quỹ là 118.201 nghìn đồng (Một trăm mười tám triệu hai trăm linh một nghìn đồng).

Có 12 HTX tham gia chương trình OCOP với tổng số 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm công nhận 4 sao và 9 sản phẩm công nhận 3 sao. Tỉnh đã lựa chọn, hỗ trợ cho 05 HTX được lựa chọn triển khai mô hình HTX kiểu mới (theo QĐ 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Tỷ lệ HTX vay ngân hàng chiếm 4,55%, tổng số tiền vay là 1.950 triệu đồng; Trung bình số tiền vay trên HTX đã vay là 278,57 triệu đồng. Tính trung bình số tiền vay trên các HTX được điều tra là 12,66 triệu đồng. Số liệu cho thấy chỉ một số ít HTX có đủ điều kiện đã mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh các dịch vụ.

4. Kết quả khảo sát nhu cầu đầu tư của các HTX nông nghiệp

- Tập huấn nâng cao trình độ và năng lực: Đào tạo nghề, kỹ năng điều hành quản lý HTX, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, nghiệp vụ về kế toán, tham quan học hỏi kinh nghiệm trong, ngoài tỉnh và nước ngoài.

- Phát triển HTX: Củng cố các HTX, theo dõi, tư vấn thúc đẩy HTX, hỗ trợ xây dựng thương hiệu (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa), bộ nhận diện thương hiệu (logo), bao bì, nhãn mác... đăng ký bảo hộ, xây dựng hồ sơ OCOP cho sản phẩm của HTX, hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho HTX, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho HTX, hỗ trợ về trang thiết bị máy móc, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, đường vào vùng nguyên liệu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tư vấn quản lý, quản trị HTX, hỗ trợ vay vốn mua phương tiện vận tải, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa (xe tải, xe bán tải...).

II. Định hướng đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp

- Tập trung đổi mới phương thức hoạt động của HTX nông nghiệp, từ chú trọng phát triển số lượng sang củng cố và phát triển chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp. Phát triển loại hình HTX nông nghiệp phải dựa trên nội lực của tổ chức là chính, nhà nước tập trung hỗ trợ một số chính sách và bố trí ngân sách để tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp phát triển. Ưu tiên hỗ trợ phát triển HTX thân thiện với môi trường, gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động lớn tới thành viên, cộng đồng. Nội dung thực hiện kế hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

- Phát triển HTX nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế tập thể, HTX kiểu mới vẫn là xu hướng lựa chọn phát triển, đặc biệt là đối với cư dân nông nghiệp, nông thôn; là phương tiện để cư dân nông nghiệp, nông thôn thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Là giải pháp quan trọng để khắc phục các tồn tại, hạn chế yếu kém của kinh tế tập thể góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.

- Khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp nhanh và bền vững với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng và hoạt động có hiệu quả; xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

III. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Đổi mới và phát triển được các HTX nông nghiệp giai đoạn 2022-2026 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững phù hợp với chủ trương và định hướng của Đảng và nhà nước

Phát triển HTX nông nghiệp cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; Tăng cường hình thành các liên kết ngang để mở rộng quy mô hoạt động, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX; có chính sách ưu tiên cho các HTX nông nghiệp gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp sinh thái, thuận tự nhiên gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tri thức...

Đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Kết luận số 168-KL/TU ngày 04/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về kết luận Hội nghị lần thứ 6, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2022-2026

+ Thành lập mới được 60 HTX nông nghiệp và củng cố 01 liên hiệp HTX nông sản, thành lập mới thêm một liên hiệp HTX cho các sản phẩm chủ lực là cà phê, gỗ rừng trồng, dược liệu, lúa gạo...

+ Phấn đấu có trên 62% HTX nông nghiệp đạt loại tốt và khá được đánh giá theo bộ tiêu chí hiện hành.

+ Trình độ cán bộ HTX nông nghiệp đạt: sơ cấp, trung cấp: 30% (tăng thêm 10%); cao đẳng, đại học: 20% (tăng thêm 8%). Trong đó, có 40% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

+ Có ít nhất 10% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến, phát triển kênh hàng mới có hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

+ Có ít nhất 24 HTX nông nghiệp tham gia chương trình OCOP và nâng sản phẩm OCOP của HTX từ 15 sản phẩm lên 30 sản phẩm, trong đó có tăng số sản phẩm đạt 4 sao từ 7 sản phẩm hiện nay lên 15 sản phẩm.

+ Có ít nhất 02 HTX nông nghiệp phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn, khai thác các tiềm năng sẵn có tại mỗi địa phương.

+ Tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên đạt 25%, tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển được ít nhất 15 liên kết chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh như cà phê, gỗ rừng trồng, trẩu, dược liệu, lúa, hồ tiêu, cây ăn quả có tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

+ Xây dựng và hoàn thiện 05 mô hình HTX kiểu mới theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025.

+ Tổ chức thực hiện kế hoạch thí điểm hợp nhất, sát nhập, tái cơ cấu lại HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém và tổng kết đánh giá.

+ Xử lý dứt điểm các HTX nông nghiệp đã ngừng hoạt động và yếu kém kéo dài.

b) Giai đoạn 2027 - 2030

+ Thành lập mới được 60 HTX nông nghiệp và củng cố 02 liên hiệp HTX nông nghiệp đã được thành lập đảm bảo được đánh giá xếp loại từ loại khá trở lên.

+ Có trên 70% HTX nông nghiệp đạt loại tốt và khá theo bộ tiêu chí đánh giá phân loại hiện hành.

+ Trình độ cán bộ HTX nông nghiệp đạt: sơ cấp, trung cấp: 40% (tăng thêm 10%); cao đẳng, đại học: 30% (tăng thêm 10%) và tổ chức đào tạo cho 40% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

+ Có ít nhất 15% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến, phát triển kênh hàng.

+ Có ít nhất 30 HTX tham gia chương trình OCOP và nâng sản phẩm OCOP của HTX lên 40 sản phẩm, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao và 15 sản phẩm OCOP 4 sao.

+ Có ít nhất 03 HTX nông nghiệp phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn, khai thác các tiềm năng sẵn có tại mỗi địa phương.

+ Tỷ lệ HTX nông nghiệp xây dựng liên kết chiếm 50%, trong đó tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển được 50 liên kết chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh như cà phê, gỗ rừng trồng, trẩu, dược liệu... có tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức lại hoạt động các HTX nông nghiệp

Tổ chức lại hoạt động các HTX nông nghiệp để đảm bảo đúng tính chất là một tổ chức kinh tế tập thể theo nguyên tắc tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm; đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối và phát huy dân chủ, phục vụ tốt nhu cầu của thành viên. Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp nhằm thực hiện tốt vai trò là tổ chức cho nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, đồng nhất chất lượng và kết nối với doanh nghiệp. Khuyến khích tạo điều kiện các HTX nông nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh; ưu tiên xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trở thành kiểu mẫu để nhân rộng. Cụ thể đối với từng nhóm như sau:

a) Đối với nhóm các HTX xếp loại tốt, khá

- Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có; tìm kiếm, nghiên cứu thị trường để phát triển thêm các dịch vụ, ngành nghề mới từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX trong cơ chế thị trường;

- Tư vấn hỗ trợ xây dựng các dự án, kế hoạch liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm;

- Tập trung hỗ trợ ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất và kinh doanh như: phần mềm kế toán hợp tác xã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động điều hành của HTX.

b) Đối với nhóm các HTX xếp loại trung bình

- Tư vấn hỗ trợ rà soát và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, Điều lệ, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, ban giám đốc, kiểm soát; các quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đối với HTX thông qua hợp đồng dịch vụ giữa HTX với thành viên; xây dựng bổ sung phương án hoạt động theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động hiện có, mở rộng dịch vụ thương mại, nhất là tăng khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ của thành viên;

- Hỗ trợ các HTX tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; huy động thêm vốn góp từ thành viên; vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác.

- Rà soát và xác lập tư cách thành viên, trong đó tập trung vào các nội dung: chứng nhận vốn góp, cam kết thực hiện dịch vụ của HTX, kiện toàn bộ máy quản lý và điều hành HTX, xây dựng phương án thu hút cán bộ trẻ có trình độ, năng lực về làm việc HTX.

- Tích cực chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh thực hiện việc liên doanh, liên kết để tổ chức cho thành viên và nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại địa phương.

c) Đối với nhóm các HTX xếp loại yếu:

- Tổ chức lại nội dung hoạt động HTX theo hướng đơn giản; đảm bảo đáp ứng được các dịch vụ cơ bản nhất là các dịch vụ đầu vào như: quản lý điều tiết nước, khuyến nông, làm đất, cung ứng giống cây trồng, phân bón.

- Tập huấn, hướng dẫn HTX thực hiện tốt chế độ quản lý tài chính, công khai minh bạch sổ sách kế toán nhằm tăng cường củng cố mối quan hệ giữa HTX với thành viên để huy động thêm vốn góp mở thêm các dịch vụ mới.

- Giải thể các HTX yếu kém kéo dài, HTX ngừng hoạt động, tồn tại trên hình thức hoặc chuyển sang hình thức tổ hợp tác dùng nước đối với HTX chỉ hoạt động dịch vụ thủy lợi.

2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HTX, đặc biệt quan tâm đào tạo các chức danh: giám đốc, kiểm soát, kế toán. Định kỳ bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp.

- Tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở các địa phương khác nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành, phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất.

- Khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các HTX nông nghiệp, nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành phù hợp, được đại hội thành viên nhất trí nhận về công tác tại các hợp tác xã.

- Tập trung hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành hợp tác xã. Hỗ trợ 80 cán bộ quản lý HTX được đào tạo và cấp chứng chỉ tin học văn phòng (Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán);

- Hỗ trợ đào tạo đội ngũ Giám đốc HTX nông nghiệp có trình độ tối thiểu trung cấp trở lên. Trung bình hỗ trợ 05 cán bộ HTX/năm, giai đoạn hỗ trợ 20 HTX có cán bộ đạt tối thiểu trình độ trung cấp.

- Đào tạo nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp” cho trên 70 cán bộ quản lý HTX/ năm; mỗi năm tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng; 01-02 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh cho cán bộ HTX và cán bộ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác;

- Hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ tốt nghiệp Đại học, cao đẳng về làm việc tại các HTX nông nghiệp, mục tiêu hỗ trợ được 24 HTX nông nghiệp trong giai đoạn.

3. Hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và xây dựng sản phẩm OCOP

- Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, nhất là công nghệ về giống, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo ra các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; Tăng cường hỗ trợ các HTX đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về HTX chuyển đổi số phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.

- Tổ chức và hỗ trợ các HTX tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát thị trường; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu; đăng ký sản phẩm thương mại; tham gia hội chợ triển lãm, nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đẩy mạnh hỗ trợ HTX ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch điện tử, mạng internet, các ứng dụng bán hàng trực tuyến...

- Tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước giúp tìm kiếm thị trường;

- Tổng hợp hiện trạng sản xuất hàng năm để xây dựng bản đồ sản xuất và giới thiệu năng lực sản xuất của các ngành hàng có quy mô, lợi thế của các HTX;

- Tư vấn hỗ trợ các HTX có nhu cầu xây dựng sản phẩm OCOP, nội dung hỗ trợ theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ;

Bình quân mỗi năm hỗ trợ 10-15 HTX đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; xây dựng được khoảng 02 mô hình HTX chuyển đổi số; hỗ trợ cho 20-30 lượt HTX tham gia xúc tiến thương mại.

4. Hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp.

- Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập mới HTX ở những nơi có đủ điều kiện, nông dân tự nguyện và có nhu cầu, nhất là các HTX chuyên ngành ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung hoặc ở những xã xây dựng nông thôn mới chưa có hợp tác xã.

- Tập trung vận động, tuyên truyền, hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp ở địa bàn các vùng khó khăn, miền núi như huyện Hướng Hóa, Đakrông; định hướng thành lập các HTX chuyên ngành gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh ở địa phương.

Bình quân mỗi năm hỗ trợ thành lập mới 15 HTX nông nghiệp

5. Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.

- Khuyến khích, tăng cường hỗ trợ các HTX nông nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất như: đường giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng; xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị... đặc biệt ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh sản xuất, nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và mang lại lợi ích chung cho cộng đồng thành viên hợp tác xã;

- Ưu tiên tập trung hỗ trợ các HTX có quy mô thành viên lớn, phương án sản xuất kinh doanh của HTX thể hiện rõ dịch vụ tiêu thụ sản phẩm của thành viên thông qua liên kết với các đơn vị tiêu thụ, hoặc tổ chức các hoạt động sơ chế, chế biến sản phẩm để tạo thêm giá trị gia tăng.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất. Dự kiến đến năm 2026 có trên 84 HTX nông nghiệp được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.

6. Hỗ trợ HTX phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

Hỗ trợ, khuyến khích HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên tạo thành chuỗi giá trị khép kín; đẩy mạnh các hình thức liên kết giữa HTX và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng dẫn của Nghị định 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Thúc đẩy hình thành các liên kết ngang giữa các HTX nông nghiệp với nhau để hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn, cùng quy trình sản xuất, đồng nhất về chất lượng sản phẩm, làm tiền đề xây dựng các liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tập trung.

Bình quân mỗi năm hỗ trợ khoảng 07 - 10 HTX xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tập trung vào các sản phẩm, ngành hàng chủ lực.

7. Tổ chức diễn đàn và đối thoại chính sách cho HTX nông nghiệp

- Tổ chức các hoạt động Hội thảo kết nối cung cầu cho các sản phẩm nông nghiệp của các HTX;

- Tổ chức được 02 buổi đối thoại và tháo gỡ các chính sách liên quan đến HTX nông nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố và thị xã.

- Tổ chức diễn đàn giới thiệu công nghệ tự động hóa, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

- Các nội dung về tổ chức sản xuất, xây dựng hệ thống liên kết ngang trong hoạt động sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

8. Triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm HTX kiểu mới hiệu quả theo Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh

a) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực gắn với kiểm soát nội bộ của HTX

- Hỗ trợ rà soát và xây dựng phương án sản xuất cho các HTX nông nghiệp, tư vấn rà soát điều lệ, quy chế hoạt động, xác lập tư cách thành viên;

- Nâng cao năng lực quản trị của cán bộ quản lý HTX: Tập trung đào tạo về kỹ năng quản lý HTX, kỹ năng xây dựng phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh và kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị nông sản.

- Tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các HTX tham gia mô hình thí điểm và các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

- Tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX nông nghiệp về Luật HTX và các văn bản liên quan.

- Thực hiện việc kiểm tra, báo cáo định kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX theo đúng quy định.

b) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tư vấn hỗ trợ, kết nối và tìm kiếm thị trường xây dựng các dự án liên kết/kế hoạch liên kết cho các HTX tham gia đề án. Trong đó tập trung vào một số chuỗi như: Chanh leo, Lúa gạo, gỗ rừng trồng, dược liệu

Hỗ trợ các HTX tham gia mô hình thí điểm đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm....

c) Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới

Hỗ trợ các HTX tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, mua sắm máy, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư các dây chuyền sơ chế, chế biến sản phẩm công nghệ cao, đạt các chứng nhận như chứng chỉ FSC, OCOP…

d) Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm

Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và chế biến sản phẩm cho các HTX, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, hỗ trợ máy móc trang thiết bị phục vụ công tác sơ chế, chế biến sản phẩm.

(Đính kèm chi tiết các phụ lục)

V. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX nông nghiệp

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về kinh tế tập thể đến các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân nhằm nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của loại hình HTX nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất (dẫn dắt, xây dựng, quản lý và đại diện cho hộ thành viên); Chỉ đạo các địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với nội dung phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX. Các nhiệm vụ, giải pháp phải được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu của Nghị quyết hoặc các Chương trình hành động cụ thể của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương (tỷ lệ HTX hoạt động loại khá, tốt; tỷ lệ HTX xây dựng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên…);

- Biểu dương, giới thiệu các mô hình HTX kiểu mới, mô hình sát nhập các HTX quy mô nhỏ và công tác dồn điền đổi thửa do HTX thực hiện... trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo, học tập kinh nghiệm.

2. Củng cố, kiện toàn phát triển HTX nông nghiệp

a) Nhóm HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt

- Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy định tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào (đất đai, lao động, vốn,...) hợp lý, hiệu quả nhằm tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đóng gói, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo chuỗi giá trị.

- Phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích thành viên trong HTX, vận động thành viên HTX nâng cao mức vốn góp, thu hút thêm thành viên mới, huy động nguồn lực, nâng cao tiềm lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động của HTX.

- Phát triển HTX nông nghiệp, phát triển công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Khuyến khích và hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, Hữu cơ,....; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; thuê địa điểm và vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm; tham gia các Hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước. Ưu tiên hỗ trợ các HTX nông nghiệp có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP.

- Tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất để ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc đảm bảo minh bạch, an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm chủ lực địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm từng bước thực hiện chuyển đổi số. Ưu tiên HTX nông nghiệp sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững và vùng nguyên liệu địa phương.

- Phát triển và hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về phê duyệt kế hoạch phát triển một số liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

b) Nhóm HTX nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu

- Hỗ trợ tư vấn hướng dẫn thực hiện củng cố lại tổ chức, hoạt động của HTX theo đúng Luật HTX. Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, tiếp cận thị trường và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.

- Các địa phương có kế hoạch, biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể từng HTX hoạt động trung bình, yếu; rà soát, tổng hợp khó khăn của HTX, từng bước tháo gỡ rào cản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Tạo điều kiện thuận lợi HTX đa dạng các dịch vụ phục vụ cung ứng cho các thành viên; tham gia cung cấp dịch vụ môi trường; quản lý, khai thác chợ dân sinh,...

- Hỗ trợ, kết nối HTX với các ngành, doanh nghiệp thực hiện liên kết để đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả để thay đổi phương pháp tổ chức sản xuất, xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh phát triển HTX.

- Hợp nhất, sáp nhập và tái cơ cấu các HTX nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp quy mô cấp thôn, có doanh thu thấp, hoạt động kém hiệu quả thành các HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp quy mô cấp xã nhằm nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động cho các HTX.

- Xử lý dứt điểm các HTX nông nghiệp tồn tại hình thức, yếu kém kéo dài và các HTX tổ chức hoạt động không theo quy định của pháp luật về HTX.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Liên minh HTX tỉnh đối với phát triển HTX nông nghiệp.

- Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp, nhất là cán bộ quản lý HTX cấp huyện. Tổ chức và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác do tỉnh, Trung ương tổ chức. Tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề về mô hình HTX kiểu mới; trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc và giải pháp xử lý các tình huống điển hình phát sinh trong thực tiễn để nâng cao năng lực, kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức, quản lý kinh tế hợp tác. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình quản lý kinh tế hợp tác có hiệu quả tại một số tỉnh, thành trong nước. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

- Tăng cường minh bạch trong quản lý của HTX nông nghiệp đối với một số nội dung như quy chế hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, hoạt động thu - chi, quyết toán hàng năm và phân phối thu nhập cho thành viên

- Tăng cường công tác đối thoại giữa các đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị tham mưu các chính sách liên quan đến đối tượng HTX nông nghiệp Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HTX nông nghiệp hoạt động.

4. Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp

Tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để HTX hoạt động đúng bản chất theo Luật HTX quy định; chỉ đạo, hướng dẫn xử lý, giải thể các HTX không hoạt động. Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao năng lực, chất lượng tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho các HTX nông nghiệp. Theo đó, phải đổi mới cả về tổ chức, phương thức quản lý, phân phối và phát huy dân chủ, phục vụ tốt nhất nhu cầu đa dạng của các hộ thành viên, giải quyết được nhiều việc làm, ổn định và tăng thu nhập của thành viên và người lao động. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; vận động thành viên HTX góp vốn và nâng mức vốn góp; vận động HTX thu hút thêm thành viên mới. Khuyến khích ủy thác một số dịch vụ công cho các HTX, tạo điều kiện cho HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức cho HTX. Từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở một số lĩnh vực, ngành nghề của HTX, nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và ổn định cán bộ trong từng HTX. Chú trọng đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp. Hỗ trợ HTX chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn. Tổ chức tham quan và học tập thực tế tại các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả các tỉnh để trao đổi, chia sẻ học tập kinh nghiệm. Xây dựng mô hình HTX điểm kiểu mới; nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Khuyến khích hợp nhất, sáp nhập và tái cơ cấu lại các HTX nông nghiệp cùng ngành nghề và địa bàn để có quy mô đủ lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa và quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, quy trình nhằm tạo sức hút đối đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp; Chuẩn hóa chức danh quản lý trong HTX nông nghiệp (giám đốc, kế toán, kiểm soát).

5. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ và liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã

Bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ; tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên đầu tư cho hoạt động sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các địa phương có sản phẩm chủ lực mang lợi thế cạnh tranh theo đề án OCOP; các vùng quy hoạch cánh đồng lớn. Xây dựng một số mô hình điểm, các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, mang tính đột phá để nhân rộng. Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các HTX.

6. Về huy động nguồn lực xã hội để phát triển hợp tác xã

Cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện kịp thời các chính sách của nhà nước trong giai đoạn mới đối với kinh tế tập thể, HTX sát thực tế nhằm thúc đẩy phát triển các HTX trên địa bàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển HTX; khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ, khuyến khích HTX liên doanh, liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

Tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; Tiếp tục nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong việc hỗ trợ HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi,

Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của HTX nông nghiệp; coi doanh nghiệp là trung tâm trong liên kết “bốn nhà” của chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới của nhà khoa học. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lồng ghép và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các HTX nông nghiệp về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao, sơ chế, chế biến, tham gia chương trình OCOP nhằm thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung hỗ trợ thông qua vai trò của HTX nhằm phát huy hết vai trò “bà đỡ” cho thành viên và người dân; khơi thông các cơ chế chính sách còn vướng mắc liên quan đến loại hình kinh tế tập thể

Huy động các nguồn lực từ các tổ chức, dự án, chương trình trong và ngoài nước để hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp tại Quảng Trị ngày càng hiệu quả hơn, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030 dự kiến: 165.211 triệu đồng (Một trăm sáu mươi năm tỷ, hai trăm mười một triệu đồng).

+ Ngân sách trung ương: 91.812 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương: 20.323 triệu đồng.

+ Nguồn vốn huy động: 53.076 triệu đồng. Huy động từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân liên kết với các hợp tác xã, các địa phương, tổ chức tín dụng và các nguồn hợp pháp khác.

Trong đó, tổng kinh phí thực hiện: 112.131 triệu đồng (một trăm mười hai tỷ, một trăm ba mươi một triệu đồng). Từ các nguồn sau:

- Nguồn vốn đầu tư phát triển: 40.000 triệu đồng do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư (Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

- Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh: 13.600 triệu đồng, được bố trí tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh;

- Nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 25.512 triệu đồng (trong đó: vốn ĐTPT 20.000 triệu đồng, vốn sự nghiệp 5.512 triệu đồng);

- Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án hợp pháp khác: 26.300 triệu đồng;

- Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh: 6.723 triệu đồng

Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ; nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững; nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ; nguồn vốn các chương trình, dự án và các nguồn vốn lồng ghép khác. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn đóng góp của Hợp tác xã và nguồn kinh phí hợp pháp khác.

(Có phụ lục 1 chi tiết kèm theo)

2. Phân kỳ đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2026

+ Năm 2023: 20.678 triệu đồng.

+ Năm 2024: 30.195 triệu đồng.

+ Năm 2025: 28.356 triệu đồng.

+ Năm 2026: 32.906 triệu đồng.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của kế hoạch và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Phối hợp với các địa phương hướng dẫn thành lập mới các HTX; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao; mô hình HTX chuyển đổi số; mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi.

- Xây dựng nhu cầu kinh phí hàng năm và cả giai đoạn gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan cân đối kế hoạch vốn hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2022-2026. Phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách, nội dung hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2022-2026 theo chức năng nhiệm vụ.

3. Sở Tài chính

Căn cứ kế hoạch đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030 và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác, trên cơ sở dự toán do các cơ quan, đơn vị xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện kế hoạch; hướng dẫn thanh, quyết toán kinh phí theo quy định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì hướng dẫn, hỗ trợ các HTX hoàn thiện các thủ tục để thuê đất, cấp đất, tích tụ ruộng đất cho sản xuất kinh doanh theo quy định; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp.

5. Các sở, ngành liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung nhiệm vụ phát triển HTX trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2026

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

- Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia HTX. Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia hỗ trợ thành lập mới HTX và xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả.

- Tổ chức phổ biến pháp luật về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về HTX cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân; Tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX có hiệu quả; lựa chọn và biểu dương các nhân tố điển hình tiên tiến để xem xét và đề nghị các cấp khen thưởng. Tạo điều kiện cho HTX thành viên của mình được tiếp cận các nguồn vốn do tổ chức đoàn thể quản lý. Tham gia phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến HTX.

7. Liên minh HTX tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn HTX hoạt động bảo đảm phù hợp với quy định của Luật HTX và các văn bản hướng dẫn. Nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, tích cực tuyên truyền Luật hợp tác xã.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ HTX tiến hành hợp nhất, sáp nhập, giải thể (tự nguyện hoặc bắt buộc) theo quy định đối với những HTX hoạt động yếu kém, hình thức. Đề xuất mô hình HTX kiểu mới phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển ở mỗi địa phương để tổng kết, đánh giá, chỉ đạo nhân rộng.

- Hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm, hội, câu lạc bộ những người cùng sở thích tạo nguồn phát triển thành các HTX chuyên ngành. Chỉ đạo UBND cấp xã ưu tiên các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp là đầu mối tiếp nhận, triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên HTX và nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định có liên quan về quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX theo quy định.

- Tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch. Định kỳ hàng năm; trước ngày 15/12 báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Ưu tiên, tạo điều kiện cho các HTX được thuê đất, tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh. Khuyến khích thành lập các liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích các HTX chủ trì xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, đặc biệt đối với những ngành hàng, sản phẩm chủ lực của cấp huyện.

- Cam kết thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến nội dung đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện và khuyến khích các huyện có quy định và dòng ngân sách cụ thể để phát triển HTX nông nghiệp

9. Các tổ chức trong nước và quốc tế

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để tổ chức lồng ghép các hoạt động và bố trí nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy và phát triển HTX nông nghiệp theo định hướng và mục tiêu của Kế hoạch đề ra.

10. Các hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp HTX nông nghiệp trên địa bàn

- Tích cực tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX; đổi mới phương thức quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

- Tăng cường huy động vốn từ thành viên, các tổ chức để nâng cao nội lực cho HTX. Tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước để đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng...nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026.

PHỤ LỤC 1

KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN HTX NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2022-2026, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ
(Kèm theo Quyết định số: 3159/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh)

I. Nâng cao năng lực cán bộ HTX nông nghiệp

1. Đào tạo sơ cấp nghề, giám đốc HTX nông nghiệp

TT

Tên HTX

ĐVT

Số lượng

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách đa phương

HTX

Ghi chú

1

Hải Lăng

Người

150

1.500

750

0

750

Nguồn vốn ngân sách Trung ương

2

Cam Lộ

Người

90

900

450

0

450

3

TP. Đông Hà

Người

20

200

100

0

100

4

TX. Quảng Trị

Người

10

100

50

0

50

5

Hướng Hóa

Người

40

400

200

0

200

6

Đakrông

Người

10

100

50

0

50

7

Vĩnh Linh

Người

200

2.000

1.000

0

1.000

8

Gio Linh

Người

60

600

300

0

300

9

Triệu Phong

Người

230

2.300

1.150

0

1.150

Tổng

810

8.100

4.050

0

4.050

2. Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cán bộ HTX

TT

Tên HTX

ĐVT

Số lưng

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn vốn

1

Huyện Hải Lăng

Người

265

106

106

0

0

Nguồn ngân sách Trung ương

2

Huyện Cam Lộ

Người

60

24

24

0

0

3

TP. Đông Hà

Người

200

80

80

0

0

4

TX. Quảng Trị

Người

20

8

8

0

0

5

Huyện Hướng Hóa

Người

60

24

24

0

0

6

Huyện Đakrông

Người

50

20

20

0

0

7

Huyện Vĩnh Linh

Người

284

114

114

0

0

8

Huyện Gio Linh

Người

265

106

106

0

0

9

Huyện Triệu Phong

Người

150

60

60

0

0

Tổng

1354

542

542

0

0

3. Đào tạo chứng chỉ tin học văn phòng cho cán bộ HTX nông nghiệp

TT

Tên HTX

ĐVT

Số lượng

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách đa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

Người

60

204

0

204

0

2

Huyện Cam Lộ

Người

30

102

0

102

0

3

TP. Đông Hà

Người

20

68

0

68

0

4

TX. Quảng Trị

Người

10

34

0

34

0

5

Huyện Hướng Hóa

Người

25

85

0

85

0

6

Huyện Đakrông

Người

8

27

0

27

0

7

Huyện Vĩnh Linh

Người

120

408

0

408

0

8

Huyện Gio Linh

Người

45

153

0

153

0

9

Huyện Triệu Phong

Người

140

476

0

476

0

Tổng

1.354

1.557

0

1.557

0

4. Hỗ trợ cán bộ có trình độ Đại học Cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp

TT

Tên HTX

ĐVT

Số lượng

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách đa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

Người

3

466

0

366

100

0

2

Huyện Cam Lộ

Người

3

466

0

366

100

0

3

TP. Đông Hà

Người

0

0

0

0

0

0

4

TX. Quảng Trị

Người

0

0

0

0

0

0

5

Huyện Hướng Hóa

Người

4

618

0

488

130

0

6

Huyện Đakrông

Người

4

618

0

488

130

0

7

Huyện Vĩnh Linh

Người

3

466

0

366

100

0

8

Huyện Gio Linh

Người

3

466

0

366

100

0

9

Huyện Triệu Phong

Người

4

618

0

488

130

0

Tổng

24

3.718

0

2.928

790

0

II. Nội dung hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp

1. Hỗ trợ nhu cầu thành lập mới HTX

TT

Tên đơn vị

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách đa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

7

20

140

0

140

0

0

2

Huyện Cam Lộ

HTX

7

20

140

0

140

0

0

3

TP. Đông Hà

HTX

1

20

20

0

20

0

0

4

TX. Quảng Trị

HTX

1

20

20

0

20

0

0

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

10

25

250

0

250

0

0

6

Huyện Đakrông

HTX

10

25

250

0

250

0

0

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

8

20

160

0

160

0

0

8

Huyện Gio Linh

HTX

8

20

160

0

160

0

0

9

Huyện Triệu Phong

HTX

8

20

160

0

160

0

0

Tng

60

1.300

0

1.300

0

0

2. Thực hiện thí điểm sát nhập HTX nông nghiệp tổng hợp quy mô nhỏ

TT

Tên đơn vị

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

3

15

45

0

45

0

0

2

Huyện Vĩnh Linh

HTX

5

15

75

0

75

0

0

3

Huyện Gio Linh

HTX

3

15

45

0

45

0

0

4

Huyện Triệu Phong

HTX

5

15

75

0

75

0

0

Tổng

16

240

0

240

0

0

3. Củng cố hoạt động HTX nông nghiệp (Quản trị hành chính, năng lực SXKD)

TT

Tên đơn vị

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

15

6

90

0

45

45

2

Huyện Cam Lộ

HTX

6

6

36

0

18

18

3

TP. Đông Hà

HTX

18

6

108

0

54

54

4

TX. Quảng Trị

HTX

3

6

18

0

9

9

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

15

6

90

0

45

45

6

Huyện Đakrông

HTX

5

6

30

0

15

15

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

19

6

114

0

57

57

8

Huyện Gio Linh

HTX

5

6

30

0

15

15

9

Huyện Triệu Phong

HTX

30

6

180

0

90

90

Tổng

116

696

0

348

348

4. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu (NHTT, NHHH) Đăng ký bảo hộ

TT

Tên đơn vị

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

2

20

40

20

0

20

2

Huyện Cam Lộ

HTX

4

20

80

40

0

40

3

TP. Đông Hà

HTX

0

20

0

0

0

0

4

TX. Quảng Trị

HTX

0

20

0

0

0

0

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

3

20

60

30

0

30

6

Huyện Đakrông

HTX

4

20

80

40

0

40

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

5

20

100

50

0

50

8

Huyện Gio Linh

HTX

2

20

40

20

0

20

9

Huyện Triệu Phong

HTX

5

20

100

50

0

50

Tổng

25

500

250

0

250

5. Tư vấn xây dựng hồ sơ OCOP cho sản phẩm của HTX

TT

Tên đơn vị

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

3

20

60

60

0

0

0

2

Huyện Cam Lộ

HTX

5

20

100

100

0

0

0

3

TP. Đông Hà

HTX

2

20

40

40

0

0

0

4

TX. Quảng Trị

HTX

0

20

0

0

0

0

0

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

4

20

80

80

0

0

0

6

Huyện Đakrông

HTX

2

20

40

40

0

0

0

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

5

20

100

100

0

0

0

8

Huyện Gio Linh

HTX

2

20

40

40

0

0

0

9

Huyện Triệu Phong

HTX

5

20

100

100

0

0

0

Tổng

28

560

560

0

0

6. Hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho SP của HTX

TT

Tên HTX

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

5

5

25

25

0

0

0

2

Huyện Cam Lộ

HTX

5

5

25

25

0

0

0

3

TP. Đông Hà

HTX

0

5

0

0

0

0

0

4

TX. Quảng Trị

HTX

0

5

0

0

0

0

0

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

3

5

15

15

0

0

0

6

Huyện Đakrông

HTX

2

5

10

10

0

0

0

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

3

5

15

15

0

0

0

8

Huyện Gio Linh

HTX

1

5

5

5

0

0

0

9

Huyện Triệu Phong

HTX

3

5

15

15

0

0

0

Tổng

22

45

110

110

0

0

0

7. Hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX

TT

Tên HTX

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

5

10

50

0

50

0

0

2

Huyện Cam Lộ

HTX

5

10

50

0

50

0

0

3

TP. Đông Hà

HTX

5

10

50

0

50

0

0

4

TX. Quảng Trị

0

10

0

0

0

0

0

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

3

10

30

0

30

0

0

6

Huyện Đakrông

HTX

3

10

30

0

30

0

0

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

5

10

50

0

50

0

0

8

Huyện Gio Linh

HTX

4

10

40

0

40

0

0

9

Huyện Triệu Phong

HTX

5

10

50

0

50

0

0

Tổng

35

90

350

0

350

0

0

8. Hỗ trợ trang thiết bị máy móc phục vụ sơ chế, chế biến cho các HTX

TT

Tên đơn vị

ĐVT

Số lượng

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

5

4.000

2.000

0

2.000

0

2

Huyện Cam Lộ

HTX

5

4.000

2.000

0

2.000

0

3

TP. Đông Hà

HTX

0

0

0

0

0

0

4

TX. Quảng Trị

HTX

1

800

400

0

400

0

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

3

2.400

1.200

0

1.200

0

6

Huyện Đakrông

HTX

2

1.600

800

0

800

0

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

5

4.000

2.000

0

2.000

0

8

Huyện Gio Linh

HTX

1

9.800

400

0

400

9000

9

Huyện Triệu Phong

HTX

4

3.200

1.600

0

1.600

0

Tổng

26

29.800

10.400

0

10.400

9000

9. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, đường vào vùng nguyên liệu...

TT

Tên đơn vị

ĐVT

Số lượng

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Trong đó (triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

HTX

Nguồn khác (dự án QĐ 1088/QĐ-BNN)

1

Huyện Hải Lăng

HTX

18

23.738

5.000

4.000

4.738

10000

2

Huyện Cam Lộ

HTX

10

14.800

3.000

2.000

800

9000

3

TP. Đông Hà

HTX

0

5.000

0

0

5.000

0

4

TX. Quảng Trị

HTX

1

1.000

500

0

500

0

5

Huyện Hướng Hóa

HTX

5

2.500

2.000

500

0

0

6

Huyện Đakrông

HTX

2

1.100

1.000

0

100

0

7

Huyện Vĩnh Linh

HTX

18

29.100

6.000

3.000

11.100

9000

8

Huyện Gio Linh

HTX

5

13.500

2.400

100

5.000

6000

9

Huyện Triệu Phong

HTX

22

27.000

7.000

4.000

10.000

6000

Tổng

81

117.738

26.900

13.600

37.238

40000

PHỤ LỤC 2

PHÂN KỲ NHU CẦU ĐÀO TẠO NGHỀ “GIÁM ĐỐC HTX NÔNG NGHIỆP” GIAI ĐOẠN 2022-2026

TT

Năm

Nhu cầu đào tạo (người)

Đối tượng đào tạo

Ghi chú

GĐ/PGĐ HTX

Ban kiểm soát

Kế toán

Khác

1

2023

215

81

55

60

19

2

2024

232

88

60

63

21

3

2025

193

73

51

46

23

4

2026

170

70

48

31

21

Tổng cộng

810

312

214

200

84

PHỤ LỤC 3

DANH SÁCH CÁC HTX THAM GIA ĐỀ ÁN MÔ HÌNH HTX KIỂU MỚI THEO QUYẾT ĐỊNH 167/QĐ-TT CỦA CHÍNH PHỦ

TT

Tên Hợp tác xã

Địa chỉ

Người đại diện pháp luật

Mô hình HTX lựa chọn hoàn thiện

1

HTX SX, KD DV và TM nông nghiệp Tân Hợp

Thôn Hòa Thành. Xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa

Hoàng Công Phúc

Mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi.

2

HTX Dược Liệu Trường Sơn

Cụm công nghiệp Cam Thành, Xã Cam Thành, Huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị.

Lê Thanh Huệ

Mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

3

HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong

Thôn An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

Nguyễn Hữu Đạt

Mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (HTX có sản phẩm gạo đạt OCOP 4 sao, chứng nhận vùng nguyên liệu hữu cơ)

4

HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Văn Quỹ

Thôn Văn Quỹ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Nguyễn Bá Chánh

HTX nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

5

HTX SXKD DVNN Thủy Ba Tây

Thôn Thủy Ba Tây, Xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Nguyễn Văn Lâm

HTX nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản

PHỤ LỤC 4

BẢNG TỔNG HỢP NHU CẦU XÂY DỰNG LIÊN KẾT CHUỖI ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2022-2026, ĐỊNH HƯỚNG 2030 CỦA CÁC HTX NÔNG NGHIỆP

STT

Tên chuỗi

Đơn vị sản xuất

Đơn vị tiêu thụ

Quy mô (ha)

Sản lượng (tn)

Tiêu chuẩn chất lượng

Số hộ tham gia liên kết

Đơn vị phụ trách

Địa bàn triển khai

kinh phí hỗ trợ (tr,đ)

Danh mục các dự án và kế hoạch liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2022-2026, định hướng 2030,

1.460

19.035

0

2.993

I

Dự án liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp

870

9.060

0

1.038

1

Xây dựng liên kết chuỗi lúa chất lượng cao giữa công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị và các HTX trên địa bàn tỉnh

Các HTX: Kim Long, Long Hưng, Văn Quỹ, An Lợi, Phước Thị, Thủy Ba Tây, Lương Điền, Vân Hòa, Đức Xá (9 HTX)

Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị

395

1960

Hữu cơ, VietGAP, CLC

595

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh

2.000

2

Xây dựng liên kết chuỗi chanh leo trên địa bàn các xã của huyện Hướng Hóa

HTX Nông nghiệp Tân Hợp

Công ty TNHH Giải pháp vàng Global và Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản T9

125

2.700

VietGAP, ATTP

73

Chi cục QLCL NLS và thủy sản

Huyện Hướng Hóa

556

3

Xây dựng liên kết chuỗi Gỗ rừng trồng tại HTX Phú Hưng

HTX Phú Hưng

Công ty TNHH MTV Thu Hằng

150

4.000

FSC

20

Chi cục Kiểm lâm

Huyện Hải Lăng

4

Xây dựng liên kết chuỗi cà phê giữa công ty TNHH Tường Linh Việt Nam, Cát Quế và HTX Nông Sản Khe Sanh

HTX Nông Sản Khe Sanh

Công ty TNHH Tường Linh Việt Nam

200

400

Hữu cơ, ATTP

350

Chi cục PTNT

Xã Hướng Phùng và Hướng Tân

300

II

Kế hoạch liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp

590

9.975

0

1.955

1

Xây dựng liên kết chuỗi cà phê giữa công ty CP cà phê Golden Beans và HTX Sơn Nguyên

HTX Sơn Nguyên

Công ty CP cà phê Golden Beans

15

100

ATTP

20

Chi cục PTNT

Xã Hướng Phùng

2

Xây dựng liên kết chuỗi chanh leo tại HTX Hiệp Phát

HTX nông nghiệp thương mại Hiệp Phát

Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản T9 và HTX Năm Lộc - Gia Lai

20

800

ATTP

11

Chi cục QLCL NLS và thủy sản

Huyện Hướng Hóa

212

3

Xây dựng liên kết chuỗi chanh leo tại HTX Tây Vĩnh Thủy

HTX nông sản Tây Vĩnh Thủy

Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc

5

250

VietGAP, ATTP

7

Chi cục QLCL NLS và thủy sản

Huyện Vĩnh Linh

232

4

Xây dựng liên kết chuỗi lúa chất lượng cao giữa Nhà máy gạo Khang Long và một số HTX

Các HTX: Bích La, Đồng Bào, Quảng Điền A

Nhà máy gạo Khang Long, Thái Bình

110

600

CLC, ATTP

160

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Huyện Triệu Phong

5

Xây dựng liên kết chuỗi lúa chất lượng cao giữa nhà máy gạo Long Vũ và một số HTX

Các HTX: Đơn Quế, Văn Quỹ

Nhà máy gạo Long Vũ, Hà Nam

80

450

ATTP

110

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Huyện Hải Lăng

6

Xây dựng liên kết chuỗi dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ

HTX Hiếu Bắc (Cam Hiếu)

Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân

10

200

ATTP

50

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Huyện Cam Lộ

7

Xây dựng liên kết chuỗi dược liệu trên địa bàn huyện Triệu Phong

HTX Đồng Bào (Triệu Sơn)

Công ty CP đầu tư và phát triển Tâm Xanh

5

20

Hữu cơ và thông thường

50

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Huyện Triệu Phong

275

8

Xây dựng liên kết chuỗi dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ

Tổ hợp tác trồng tràm Năm Gân Cam Vũ

HTX Dược Liệu Trường Sơn

5

50

ATTP

300

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Huyện Cam Lộ

300

9

Xây dựng liên kết chuỗi Hồ Tiêu tại huyện Vĩnh Linh

HTX sản xuất kinh doanh Hồ tiêu Vĩnh Linh

Công ty TNHH Gia vị Sơn Hà

140

210

Hữu cơ

310

Trung tâm Khuyến nông

Huyện Vĩnh Linh

10

Xây dựng liên kết chuỗi Hồ Tiêu tại huyện Cam Lộ

HTX Nông nghiệp dịch vụ Tiêu Của

Công ty TNHH Chế biến Gia vị Nedspice Việt Nam

55

55

ATTP

32

Trung tâm Khuyến nông

Huyện Cam Lộ

11

Xây dựng liên kết chuỗi Gỗ rừng trồng tại HTX Keo Sơn

HTX Keo Sơn

Công ty TNHH MTV Mạnh Triều

60

6.600

FSC

115

Chi cục Kiểm lâm

Huyện Cam Lộ

150

12

Xây dựng liên kết chuỗi Gỗ rừng trồng tại HTX Thủy Ba Tây

HTX Thủy Ba Tây

Công ty TNHH Tiến Phong

FSC

20

Chi cục Kiểm lâm

Huyện Vĩnh Linh

13

Xây dựng kế hoạch liên kết chuỗi cà phê nông lâm kết hợp giữa công ty Slow coffee với các Doanh nghiệp trên địa bàn

HTX Nông sản Khe Sanh, HTX Sơn Nguyên, Công Ty Pun coffee

Tập đoàn Slow coffee - Đan Mạch

Giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án (dự kiến quy mô tác động đến 500 hộ dân), xây dựng mô hình cà phê nông lâm kết hợp, dự kiến triển khai từ 315 ha - 1,000 ha

Chi cục PTNT

Huyện Hướng Hóa

14

Xây dựng kế hoạch liên kết sản phẩm cây dược liệu giữa các Tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông với công ty TNHH Huệ Đà

Tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông

Công ty TNHH Huệ Đà

Giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án để xây dựng quy mô khoảng 250 ha dược liệu

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Huyện Hướng Hóa và Đakrông

15

Xây dựng kế hoạch/dự án liên kết chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản (khoai lang tím, ớt và húng quế)

Tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh

Công ty TNHH nâng tầm giá trị Việt, HTX Đông Triều

Giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án để xây dựng quy mô khoảng 2000 ha ớt, 50 ha húng quế

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Toàn tỉnh

PHỤ LỤC 5

ĐĂNG KÝ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN HTX NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2022-2026, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ

STT

Huyện

Giai đoạn 2022-2026

Giai đoạn 2027-2030

Đánh giá phân loại HTX (khá/tốt)

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Tham gia chương trình OCOP

Đánh giá phân loại HTX

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Tham gia chương trình OCOP

Số lượng HTX

%

Số lượng HTX

%

Số lượng HTX

%

Số lượng HTX

%

Số lượng HTX

%

Số lượng HTX

%

1

Vĩnh Linh

47

16,4%

18

6,3%

4

1,4%

50

17,4%

30

10,5%

6

2,1%

2

Cam Lộ

11

3,8%

6

2,1%

3

1,0%

12

4,2%

9

3,1%

4

1,4%

3

Hướng Hóa

6

2,1%

3

1,0%

3

1,0%

7

2,4%

7

2,4%

3

1,0%

4

Thị xã Quảng Trị

3

1,0%

1

0,3%

1

0,3%

5

1,7%

2

0,7%

1

0,3%

5

Triệu Phong

50

17,4%

18

6,3%

5

1,7%

60

20,9%

40

13,9%

5

1,7%

6

Đông Hà

5

1,7%

3

1,0%

0

0,0%

6

2,1%

3

1,0%

0

0,0%

7

Hải Lăng

45

15,7%

16

5,6%

4

1,4%

50

17,4%

40

13,9%

4

1,4%

8

Đakrong

2

0,7%

2

0,7%

2

0,7%

3

1,0%

5

1,7%

3

1,0%

9

Gio Linh

10

3,5%

6

2,1%

2

0,7%

14

4,9%

16

5,6%

4

1,4%

Tổng

179

62,4%

73

25,4%

24

8,4%

207

72,1%

152

53,0%

30

10,5%



1 Tập trung ở Tp Đông Hà 07 HTX, Gio Linh 05, Hướng Hóa 02, Vinh Linh 01, Đakrông 01

2 Chyếu liên kết sản xuất giống cho các công ty với quy mô nhỏ với diện tích vài trăm đến vài nghìn m2

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3159/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 phê duyệt Kế hoạch đổi mới và phát triển hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


457

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.25.44
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!