NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT
SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2015/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN TẠI
DOANH NGHIỆP ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 32/2018/NĐ-CP NGÀY 08
THÁNG 3 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 140/2020/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 11
NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư
vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm
2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ
về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại
doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08
tháng 3 năm 2018 của Chính phủ và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số
140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước
vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa
đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính
phủ và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ như
sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 37 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14
Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, đã được sửa
đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP
như sau:
“3. Quyền, trách nhiệm, tiền lương, thù lao, tiền
thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện theo
quy định tại Điều 48, Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước
đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các nội dung sau:
a) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu
về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp mà mình làm
đại diện vốn để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ
đông, cuộc họp Hội đồng thành viên theo quy định. Trước khi chỉ đạo người đại
diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp
Hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có văn bản xin ý kiến gửi
đến cơ quan tài chính cùng cấp (đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của
Nhà nước giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên). Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu (gửi kèm theo: Điều lệ tổ
chức và hoạt động của doanh nghiệp hiện hành, báo cáo tài chính năm đã được kiểm
toán và phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp),
cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến để cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người
đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết
định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên. Phương án phân phối
lợi nhuận sau thuế hàng năm tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước
(trừ tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước) phải đảm
bảo thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước
nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, phương
án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hàng năm được phân phối theo thứ tự như sau:
Chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định
của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có);
Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn
được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định.
Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển doanh
nghiệp (nếu Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp có quy định việc
trích lập Quỹ này).
Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động
trong doanh nghiệp, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp theo quy định của
Chính phủ về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ
phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Lợi nhuận còn lại thực hiện chia hết bằng tiền, bằng
cổ phiếu cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận
được chia bằng tiền cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp thực hiện nộp
vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ áp dụng đối với
công ty cổ phần thuộc phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước để thực hiện dự án
quan trọng quốc gia theo tiêu chí phân loại quy định tại Luật Đầu tư công được
cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương dự án. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực
hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm quy định tại Điều 43 Luật Quản
lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp,
đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hiệu quả,
không tạo kẽ hở để tham ô, tham nhũng, nếu vi phạm thì xử lý theo quy định pháp
luật.
Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước
nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ, sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính
cùng cấp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần
vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại
hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên phương án phân phối lợi nhuận
sau thuế hàng năm theo thứ tự như doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước
giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên nêu trên.
Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước
nắm giữ dưới 36% vốn điều lệ, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, cơ
quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước
tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ
đông, cuộc họp Hội đồng thành viên phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng
năm cho phù hợp, trong đó phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo
Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính được chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền
cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia
bằng tiền cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp này thực hiện nộp vào
ngân sách nhà nước theo quy định.
b) Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại
cổ phần có vốn nhà nước, việc phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp
thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017
của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ
chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn
nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
c) Định kỳ trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ
ngày kết thúc mỗi quý và 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm và đột xuất theo yêu cầu
của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp, người đại diện
phân vốn nhà nước báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính
và kiến nghị giải pháp đối với doanh nghiệp mà mình được cử làm đại diện vốn
nhà nước. Báo cáo của người đại diện phần vốn nhà nước gửi cơ quan đại diện chủ
sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành
kèm theo Nghị định này.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 5a, 5b Điều 42 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP đã được bổ sung tại
khoản 22 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP như
sau:
“5a. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại
diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước từ 50% vốn
điều lệ trở lên căn cứ các quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP , Nghị định số
32/2018/NĐ-CP , Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Nghị định này để có ý kiến sửa đổi,
bổ sung điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước và các quy chế quản trị
nội bộ khác cho phù hợp khi quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và tổ
chức thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp khác.
Trường hợp doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50%
vốn điều lệ trở lên xây dựng phương án chuyển nhượng vốn đầu tư tại công ty cổ
phần chưa niêm yết, đăng ký giao dịch theo trình tự, thủ tục quy định nhưng
không áp dụng được phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp
quy định tại Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP được sửa đổi
tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 16 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP do không đáp ứng điều
kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán năm
2019 thì doanh nghiệp được áp dụng quy định về chuyển nhượng cổ phần tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 để xây dựng phương
án. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có ý kiến để người đại diện phần vốn nhà nước
tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của
Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về phương án chuyển nhượng vốn đầu tư.
5b. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch doanh nghiệp
do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ đạo người đại diện phần vốn của doanh
nghiệp tại các doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ từ 50% vốn điều lệ trở lên căn cứ các quy định tại Nghị định số
91/2015/NĐ-CP , Nghị định số 32/2018/NĐ-CP , Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Nghị
định này để có ý kiến sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp của
doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các quy chế quản trị nội bộ
khác cho phù hợp khi quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và tổ chức
thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp khác.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
2. Khoản lợi nhuận sau thuế còn lại chưa thực hiện
chia cổ tức cho các cổ đông đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành được
áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương, Hội đồng thành viên công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại
diện phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hồ Đức Phớc
|