ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5465/KH-UBND
|
Bình Dương, ngày
24 tháng 10 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ CHUYỂN ĐỔI SỐ DOANH NGHIỆP VÀ CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DOANH
NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Thực hiện Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021
của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa chuyển đổi số; Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông
tin và Truyền thông phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi
số của doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số”;
Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ
trình số 88/TTr-STTTT ngày 27/09/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
Kế hoạch triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Chương trình
hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ
thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh
(sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu
hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới
cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số
377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đẩy nhanh việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp,
hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua Đề án xác định
chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp
chuyển đổi số ban hành kèm theo Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Áp dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp để
đánh giá rộng rãi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm (i) giúp doanh nghiệp
xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có lộ
trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển
nhanh hơn, mạnh hơn; (ii) giúp tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số
doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực trên địa
bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác quản lý và chính sách phát triển của địa phương.
- Đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi
số giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực
và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát
triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Hình thành được Hệ thống kỹ thuật làm công cụ,
phương tiện áp dụng Bộ chỉ số để đánh giá, theo dõi quá trình chuyển đổi số cho
từng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thông tin, cung cấp bức tranh cập nhật về
chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số thuộc các ngành, lĩnh vực,
địa phương trên cả nước.
- Có hệ thống phần mềm hỗ trợ thu thập và tính toán
các chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số và đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi
số của các doanh nghiệp theo quy mô, ngành, lĩnh vực, địa phương; có các giải
pháp hữu ích, thiết thực để tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất kinh doanh; có đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp chất
lượng, chuyên nghiệp để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.
3. Đối tượng, phạm vi
3.1. Đối tượng
- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là
doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu
cầu chuyển đổi số.
- Các doanh nghiệp nền tảng số, cơ quan, tổ chức,
hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ,
thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
- Các cơ quan, tổ chức quản lý hoặc chủ trì triển
khai chương trình, đề án, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi
số doanh nghiệp, phát triển kinh tế số và các cơ quan, đơn vị khác có liên
quan.
3.2. Phạm vi
- Triển khai đánh giá Bộ Chỉ số chuyển đổi số doanh
nghiệp cho 3 loại doanh nghiệp phân theo quy mô: (1) Chỉ số đánh giá mức độ
chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp dụng cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ,
siêu nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh; (2) Chỉ số đánh giá mức độ
chuyển đổi số doanh nghiệp lớn, áp dụng cho các doanh nghiệp lớn độc lập, không
tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con; (3) Chỉ số đánh giá mức độ chuyển
đổi số tập đoàn, tổng công ty, áp dụng cho các tập đoàn, tổng công ty hoặc
doanh nghiệp tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp phương tiện, công cụ để tự
đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; cung cấp thông tin chỉ số và xếp
hạng mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong
các hoạt động chuyển đổi số.
- Hình thành và tổ chức hoạt động mạng lưới chuyên
gia tư vấn, đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tư vấn cho các
doanh nghiệp chuyển đổi số, tư vấn đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp,
tham gia, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi
số doanh nghiệp.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Tổ chức các hoạt động truyền
thông
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại
chúng, mạng Internet nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và tổ
chức, cá nhân liên quan về hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, Bộ chỉ số
đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp, Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số
doanh nghiệp, hoạt động của Mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh
nghiệp.
- Tổ chức khen thưởng, vinh danh các doanh nghiệp
điển hình trên địa bàn tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế
số, các doanh nghiệp đạt thứ hạng cao trong mức độ chuyển đổi số, phát triển
kinh tế số; các nội dung khác liên quan đến chuyển đổi số doanh nghiệp và phát
triển kinh tế số.
2. Hỗ trợ xác định chỉ số đánh
giá mức độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp
- Thu thập, tổng hợp danh sách doanh nghiệp trong từng
ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về Bộ chỉ số đánh
giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ đánh
giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số
doanh nghiệp.
- Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Cổng
thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dbi.gov.vn để áp
dụng Bộ chỉ số, định kỳ tự thực hiện đánh giá hoặc đề nghị chuyên gia, đơn vị
tư vấn hỗ trợ đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số và lấy chứng nhận mức độ
chuyển đổi số của doanh nghiệp mình.
- Thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp về chiến
lược, kế hoạch chuyển đổi số, định kỳ đánh giá xác định chỉ số chuyển đổi số và
phát triển kinh tế số của doanh nghiệp
- Thực hiện các nhiệm vụ khác để hỗ trợ doanh nghiệp
chuyển đổi số, đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và phát triển
kinh tế số.
3. Hỗ trợ các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh triển khai chuyển đổi số
- Lựa chọn các nền tảng số xuất sắc trong các
chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số của Bộ Thông tin và
Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực
tế để giới thiệu, tư vấn cho các doanh nghiệp xem xét, ứng dụng.
- Trao đổi, kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp
có nhu cầu chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số
xuất sắc. Ký kết thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp giải
pháp chuyển đổi số xuất sắc để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến
toàn trình liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn doanh
nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại,
xử lý thủ tục hành chính.
- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử
điển hình, tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại
điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu theo từng
ngành/lĩnh vực. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các Hội, Hiệp
hội ngành hàng tiếp cận ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất,
kinh doanh, tìm kiếm thị trường, chào bán sản phẩm trực tuyến trên sàn.
- Duy trì, vận hành chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng
thông tin điện tử tỉnh, chuyên trang chuyển đổi số, cung cấp thông tin, kiến thức,
tài liệu về chuyển đổi số doanh nghiệp; quản lý thông tin, kết quả hỗ trợ chuyển
đổi số doanh nghiệp, tuyên truyền các mô hình thành công điển hình, giới thiệu
các kinh nghiệm thực tiễn cho doanh nghiệp.
- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chữ ký số, kê khai bảo
hiểm xã hội, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ
chức triển khai hoạt động mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh
nghiệp
- Khảo sát, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu các
doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chuyển đổi
số và các nền tảng số phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuyên
truyền, vận động và thực hiện chuyển đổi số, đánh giá mức độ chuyển đổi số
doanh nghiệp.
- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông
để phối hợp tổ chức các hoạt động Mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số
doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực, trên địa bàn tỉnh.
- Thành lập tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia
tư vấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Phát triển và nâng cao năng lực của
các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới; từ
đó kết nối các chuyên gia với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có
nhu cầu về chuyển đổi số.
5. Triển khai các khóa đào tạo,
tập huấn
- Tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số phù hợp
theo quy mô, mức độ, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, qua đó nâng cao nhận
thức cho các doanh nghiệp về chuyển đổi số, về Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển
đổi số doanh nghiệp và sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ đánh giá mức độ chuyển
đổi số doanh nghiệp trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp.
- Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tham gia chương
trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, lựa chọn, sử dụng các nền tảng để chuyển
đổi số.
- Triển khai các khoá tập huấn, đào tạo về chuyển đổi
số cho doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Tổ chức đào tạo,
nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số; đào tạo, tư vấn về chiến
lược, kế hoạch chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; kỹ năng ứng dụng thương mại
điện tử.
- Tổ chức đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn,
lĩnh vực, nền tảng chuyển đổi số cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị đa dạng bằng hình thức
trực tiếp và trực tuyến về chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Phối hợp với các tổ
chức, chuyên gia, hiệp hội ngành nghề triển khai tổ chức các hội thảo, hội nghị
về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành, lĩnh vực, địa
phương.
- Tổ chức, triển khai các khóa đào tạo theo hình thức
trực tiếp và trực tuyến đại trà (Massive Open Online Courses - MOOCs) hoặc hội
thảo - tọa đàm về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
- Hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số
cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: bên cạnh hoạt động đào tạo, tư vấn, tổ chức
xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối
tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh
vực, ngành nghề.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách
nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành, nguồn kinh phí huy
động đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp
khác theo quy định.
- Tùy theo tính chất quy, quy mô thực hiện (có thể
thí điểm với quy mô nhỏ khoảng 50 - 70 doanh nghiệp) của Kế hoạch. Đơn vị chủ
trì lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho triển khai đánh
giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa chuyển đổi số doanh nghiệp hàng năm trình cấp có thẩm quyền theo các quy
định hiện hành.
- Kinh phí thực hiện công tác sơ kết, tổng kết hàng
năm để đánh giá các nội dung thực hiện của Kế hoạch và đưa ra các phương hướng,
nhiệm vụ thực hiện trong các năm tiếp theo.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chủ trì, là đầu mối phối hợp với các sở, ban,
ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế
hoạch này phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
- Phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp và các cơ
quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tổ chức hướng dẫn
triển khai Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp; Chương trình hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển
đổi số doanh nghiệp.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để triển khai
kế hoạch xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ
doanh nghiệp chuyển đổi số và các giải pháp, nhiệm vụ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp
chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
- Đăng ký và đăng nhập tài khoản tại cổng thông tin
đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp https://dbi.gov.vn để sử dụng phần mềm
công cụ đánh giá thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp được
đánh giá.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
xây dựng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về công nghệ, tư vấn và chuyển
đổi số trong chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn
tỉnh.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng
kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp để làm căn cứ xét duyệt
hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp về công nghệ, tư vấn và chuyển đổi số
trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chương trình
hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có liên quan.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức
hội thảo, tập huấn, đào tạo các hoạt động liên kết về chuyển đổi số, về chỉ số
đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và về phát triển kinh tế số; phối hợp
đánh giá mức độ chuyển đổi số; hàng năm phối hợp, tham mưu UBND tỉnh khen thưởng,
vinh danh các doanh nghiệp điển hình về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số
theo quy định.
- Tuyên truyền trực tiếp nội dung kế hoạch đến các
doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi nội dung đăng ký
doanh nghiệp, đặc biệt lồng ghép nội dung kế hoạch vào các khóa đào tạo hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa do đơn vị phối hợp tổ chức.
- Hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số tiếp cận
kinh phí để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, đánh giá xác định mức độ chuyển
đổi số theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử ngành Công
Thương, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng
thương mại điện tử.
- Tăng cường ứng dụng mô hình kinh doanh trên môi trường
trực tuyến, quảng bá trực tiếp sản phẩm sản xuất đến người tiêu dùng, tăng
doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Thực hiện Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh
nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.
4. Ban Quản lý các khu công
nghiệp tỉnh
Rà soát, lập danh sách doanh nghiệp có nhu cầu chuyển
đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp trên địa
bàn tỉnh, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ các doanh nghiệp
này thực hiện chuyển đổi số.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn
từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số.
- Tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện
nghiên cứu và doanh nghiệp để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao
các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất đặc
biệt trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên
quan chọn triển khai thí điểm từ 50 - 70 doanh nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi số
theo nội dung kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0[1].
6. Sở Tài chính
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu cấp thẩm quyền
bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách và
theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
7. Các sở, ban, ngành, UBND cấp
huyện
Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thuộc ngành
lĩnh vực, trên địa bàn quản lý tham gia đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các
doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện Kế
hoạch nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
8. Các Hội, Hiệp hội ngành hàng
[2] , cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp [3] có liên quan
- Chủ động nghiên cứu, áp dụng Bộ chỉ số đánh giá mức
độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, thường xuyên đánh giá mức độ chuyển đổi số của
doanh nghiệp để làm căn cứ hoạch định và cập nhật điều chỉnh chiến lược, kế hoạch,
lộ trình chuyển đổi số của mình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh
tranh. Cung cấp kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp.
- Khuyến khích các hội, hiệp hội ngành hàng, cơ
quan, tổ chức phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để thông tin, tuyên
truyền về Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp, vận động các doanh nghiệp tham
gia Chương trình, sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét hướng
dẫn, sử dụng kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp để làm căn
cứ xét duyệt hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp về công nghệ, tư vấn và
chuyển đổi số trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhưng
các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có liên quan.
9. Báo Bình Dương, Đài Phát
thanh và truyền hình Bình Dương, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông
tin cơ sở
- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng
doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan về hoạt động chuyển đổi số của doanh
nghiệp.
- Thông tin biểu dương, vinh danh các doanh nghiệp
điển hình trên địa bàn tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế
số, các doanh nghiệp đạt thứ hạng cao trong mức độ chuyển đổi số, phát triển
kinh tế số; các nội dung khác liên quan đến chuyển đổi số doanh nghiệp và phát
triển kinh tế số.
- Đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động chuyển đổi số
của doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của
cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan về hoạt động chuyển đổi số
của doanh nghiệp.
Trên đây là Kế hoạch triển khai đánh giá mức độ
chuyển đổi số doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển
đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện,
thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện cụ thể theo các quy định hiện
hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không gây lãng phí, thất thoát
ngân sách. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan,
đơn vị, địa phương kịp thời có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Thông tin và Truyền
thông để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ TTTT;
- TT.TU, TT.HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT PCT.UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy; UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành(19), Đoàn thể(6) tỉnh;
- CA tỉnh; Cục Thống kê tỉnh;
- Các Hội, Hiệp hội ngành hàng tỉnh;
- Liên hiệp HKHKT tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Báo BD, Đài PTTH, Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐVP, Dg, CV, TH, Tin học;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Lộc Hà
|
[1] Danh sách doanh nghiệp 4.0 có thể được lập
theo nhóm: (1) theo loại hình doanh nghiệp: sản xuất, kinh doanh và dịch vụ;
(2) theo quy mô doanh nghiệp: doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa, siêu nhỏ; (3) theo
Hiệp hội, Hội ngành hàng.
[2] Các hiệp hội ngành hàng tại tỉnh Bình Dương
bao gồm: Hiệp hội Dệt May; Hiệp hội Chế biến gỗ; Hiệp hội Cơ - Điện; Hiệp hội
Da giày; Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc; Hội Xuất Nhập khẩu tỉnh; Hiệp hội Gốm sứ;
Hội doanh nhân trẻ; Hiệp hội Logictis.
[3] Cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng viễn
thông, hạ tầng công nghệ thông tin.