Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 50/VBHN-BGTVT Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Xuân Sang
Ngày ban hành: 27/10/2023 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH

VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ KHAI THÁC CẢNG CẠN

Nghị định 38/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 74/2023/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014; Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.1

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn tại Việt Nam, bao gồm: Tiêu chí xác định cảng cạn, kết cấu hạ tầng, dịch vụ tại cảng cạn; quản lý đầu tư xây dựng, khai thác cảng cạn; quản lý hoạt động cảng cạn; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tại cảng cạn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Khu vực kiểm soát là nơi trực tiếp kiểm tra, kiểm soát việc vào, rời cảng cạn của người, phương tiện và hàng hóa.

3. Khu vực văn phòng điều hành là nơi tập trung các hoạt động hành chính, điều hành và giao dịch của các bên liên quan tại cảng cạn.

4. Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng cảng cạn.

5. Doanh nghiệp khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn (gọi tắt là cảng cạn) bao gồm chủ đầu tư hoặc người được chủ đầu tư ủy quyền hoặc cho thuê quản lý khai thác cảng cạn.

6. TEU là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Twenty foot Equivalent Unit”, là đơn vị đo của một con-ten-nơ tiêu chuẩn 20 ft(dài) x 8 ft (rộng) x 8,5 ft (cao).

7. Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

8. Phương thức vận tải có năng lực cao bao gồm các phương thức: Vận tải bằng đường thủy trên các tuyến đường thủy nội địa từ cấp II trở lên; vận tải bằng đường sắt trên tuyến kết nối với cảng cạn; vận tải bằng đường bộ trên các tuyến đường cao tốc.

9. Tổ chức cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn là chủ đầu tư cảng cạn hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.

Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về cảng cạn

1. Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cảng cạn; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến cảng cạn.

2. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cảng cạn.

3. Ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến cảng cạn theo quy định của pháp luật.

4. Công bố mở, đóng, tạm dừng cảng cạn.

5. Tổ chức quản lý đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn.

6. Tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động của người, phương tiện và hàng hóa tại cảng cạn (kiểm tra hàng hóa, làm thủ tục hải quan, kiểm dịch, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ).

7. Quản lý về giá, phí và lệ phí đối với hoạt động khai thác cảng cạn.

8. Tổ chức thống kê các thông số, dữ liệu liên quan về cảng cạn.

9. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cảng cạn

1. Bộ Giao thông vận tải là đầu mối giúp Chính phủ tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về cảng cạn, điều phối hoạt động liên ngành và hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.

2. Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hải quan, giá, phí lệ phí tại cảng cạn theo quy định của pháp luật.

3. Các bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.

Điều 6. Chức năng cảng cạn

1. Nhận và gửi hàng hóa được vận chuyển bằng con-ten-nơ.

2. Đóng hàng hóa vào và dỡ hàng hóa ra khỏi con-ten-nơ.

3. Tập kết con-ten-nơ để vận chuyển đến cảng biển và các nơi khác theo quy định của pháp luật.

4. Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

5. Gom và chia hàng hóa lẻ đối với hàng hóa có nhiều chủ trong cùng con-ten-nơ.

6. Tạm chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và con-ten-nơ.

7. Sửa chữa và bảo dưỡng con-ten-nơ.

Điều 7. Tiêu chí xác định cảng cạn

1. Phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt.

2. Gắn với các hành lang vận tải chính, kết nối tới cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng.

3. Phải có ít nhất hai phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức hoặc kết nối trực tiếp với một phương thức vận tải có năng lực cao.

4. Bảo đảm đủ diện tích để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức hữu quan và đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài; có diện tích tối thiểu 05 ha đối với các cảng cạn hình thành mới.

5. Bảo đảm yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Kết cấu hạ tầng cảng cạn là cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư xây dựng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng cạn để thực hiện các chức năng của cảng cạn.

2. Các công trình chủ yếu thuộc kết cấu hạ tầng cảng cạn, gồm:

a) Hệ thống kho, bãi hàng hóa;

b) Các hạng mục công trình đảm bảo an ninh, trật tự tại cảng cạn và kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện vào, rời cảng cạn, như: Cổng, tường rào, thiết bị soi, chiếu, trang thiết bị giám sát, kiểm soát, thanh tra và lưu giữ của hải quan; cơ sở vật chất kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý, chất thải;

c) Bãi đỗ xe cho các phương tiện vận tải, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa và các phương tiện khác hoạt động tại cảng cạn;

d) Đường giao thông nội bộ và giao thông kết nối với hệ thống giao thông vận tải ngoài khu vực cảng cạn;

đ) Khu văn phòng bao gồm nhà điều hành, văn phòng làm việc cho các cơ quan liên quan như hải quan, kiểm dịch cùng cơ sở hạ tầng khác, như: Hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước, thông tin liên lạc.

3. Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng cạn.

Điều 9. Các dịch vụ tại cảng cạn

Dịch vụ cảng cạn bao gồm các loại hình sau:

1. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải:

a) Dịch vụ bốc xếp, bao gồm bốc xếp con-ten-nơ và bốc xếp hàng hóa.

b) Dịch vụ lưu kho, lưu bãi;

c) Dịch vụ đại lý vận tải;

d) Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan;

đ) Dịch vụ kiểm đếm hàng hóa;

e) Dịch vụ gia cố, sửa chữa, vệ sinh con-ten-nơ;

2. Các dịch vụ vận tải.

3. Các dịch vụ gia tăng giá trị hàng hóa: Đóng gói, phân chia, đóng gói lại, phân loại, dán nhãn, gia công, lắp ráp, kiểm định và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.

4. Các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, KHAI THÁC CẢNG CẠN

MỤC 1. QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẢNG CẠN

Điều 10. Công bố danh mục cảng cạn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, công bố và cập nhật hàng năm danh mục cảng cạn trên các Trang thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 11. Lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển cảng cạn

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch cảng cạn phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, quy định về trình tự lập quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, quy hoạch về xây dựng và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

a) Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn; kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn;

b) Phê duyệt quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn theo quy định;

c) Công bố công khai và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt.

d) Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cảng cạn tại địa phương bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn đã phê duyệt.

đ) Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư, xây dựng khai thác cảng cạn phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt theo thẩm quyền.

3. Trách nhiệm của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch cảng cạn theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

b) Bảo đảm quỹ đất để xây dựng phát triển cảng cạn theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Điều 12. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn

1. Việc lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực giao thông vận tải và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước.

2. Nội dung chủ yếu của quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn, bao gồm:

a) Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển và phân bố cảng cạn trên phạm vi cả nước;

b) Xác định nhu cầu phát triển cảng cạn phục vụ vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu, hàng hóa trung chuyển, hàng hóa vận tải liên vùng bằng con-ten-nơ của cả nước, vùng lãnh thổ, các hành lang kinh tế; xác định những tuyến vận tải chính kết nối với cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ;

c) Dự báo các tác động của tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước trong thời kỳ quy hoạch đối với phát triển cảng cạn;

d) Quan điểm, mục tiêu và luận chứng các phương án phát triển cảng cạn trên phạm vi cả nước, các vùng lãnh thổ và các hành lang kinh tế;

đ) Các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển cảng cạn và tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu quy hoạch;

e) Phân tích, đánh giá việc bảo đảm an ninh quốc phòng;

g) Đánh giá tác động môi trường chiến lược theo quy định;

h) Các phương án phát triển cảng cạn trên bản vẽ quy hoạch.

Điều 13. Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn

1. Việc lập quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt.

2. Nội dung chủ yếu của quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn, gồm:

a) Hiện trạng hệ thống cảng cạn trên phạm vi cả nước và vùng lãnh thổ, phân tích so sánh với mục tiêu quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn đã được phê duyệt;

b) Dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa bằng con-ten-nơ trên từng vùng lãnh thổ, từng hành lang kinh tế và vùng hấp dẫn;

c) Vị trí, quy mô, công suất quy hoạch cảng cạn trên từng vùng lãnh thổ, từng hành lang kinh tế;

d) Phương án kết nối hạ tầng giao thông từ cảng cạn đến hệ thống giao thông quốc gia, cảng biển và các cửa khẩu hàng hóa khác;

đ) Danh mục cảng cạn khuyến khích ưu tiên đầu tư toàn quốc;

e) Các giải pháp, cơ chế chính sách quản lý, tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu quy hoạch;

g) Bản đồ quy hoạch vị trí và các phương thức kết nối giao thông.

Điều 14. Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng cạn

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn đã được phê duyệt, quy trình thủ tục để lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cảng cạn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Điều 15. Kết nối giao thông cảng cạn

1. Kết nối giao thông cảng cạn phải gắn liền với khả năng tổ chức khai thác hiệu quả, sử dụng hợp lý các phương thức vận tải kết nối.

2. Việc thực hiện kết nối cảng cạn với các phương thức vận tải phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý khai thác và sử dụng kết cấu hạ tầng của phương thức vận tải đó.

Điều 16. Nguyên tắc đầu tư xây dựng cảng cạn

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư xây dựng cảng cạn tại Việt Nam phải tuân theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Việc đầu tư xây dựng cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển cảng cạn và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt.

Điều 17. Giám sát thực hiện quy hoạch cảng cạn

1. Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng cảng cạn theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi trực tiếp đến Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đề nghị trả lời sự phù hợp quy hoạch cảng cạn. Hồ sơ bao gồm văn bản theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; bản vẽ tổng thể vị trí cảng cạn thể hiện phương án kết nối giao thông của cảng cạn có tỷ lệ 1/10.000 và bản vẽ thể hiện mặt bằng phân khu chức năng cảng cạn có tỷ lệ 1/2.000.

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này; nếu hồ sơ hợp lệ thì chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản thỏa thuận về việc đầu tư xây dựng cảng cạn và gửi trực tiếp đến chủ đầu tư hoặc gửi thông qua hệ thống bưu chính; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời chủ đầu tư và nêu rõ lý do.

3. Trước khi tiến hành xây dựng cảng cạn, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam bản sao chụp quyết định đầu tư xây dựng công trình kèm theo bình đồ bố trí mặt bằng tổng thể, bản sao chụp quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình và hồ sơ môi trường của dự án để phục vụ công tác quản lý.

Điều 18. Chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn

1. Khi có nhu cầu chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu (ICD) thành cảng cạn, chủ đầu tư gửi trực tiếp đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 bộ hồ sơ hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác. Hồ sơ bao gồm văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn và bản vẽ tổng thể thể hiện vị trí điểm thông quan, phương án kết nối mặt bằng phân khu chức năng.

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ:

a) Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì chậm nhất hai 02 ngày làm việc, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;

b) Chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đầu tư xây dựng cảng cạn và các cơ quan liên quan (nếu cần);

c) Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan liên quan phải có văn bản trả lời;

d) Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định và có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải;

đ) Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi điểm thông quan thành cảng cạn và gửi trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến chủ đầu tư; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời chủ đầu tư và nêu rõ lý do.

MỤC 2. CÔNG BỐ MỞ, ĐÓNG CẢNG CẠN

Điều 19. Thẩm quyền công bố mở, đóng cảng cạn

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố mở, đóng cảng cạn.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng cạn theo quy định.

Điều 20. Thủ tục công bố mở cảng cạn

1. Chủ đầu tư gửi trực tiếp 01 bộ hồ sơ đến Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác; hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai về việc mở cảng cạn theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao chụp có chứng thực Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng cạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

c) Bản sao chụp có chứng thực các giấy tờ hợp pháp chứng minh về quyền sử dụng đất theo quy định;

d) Bản chính Biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa công trình cảng vào sử dụng kèm theo bản vẽ hoàn công các hạng mục kết cấu hạ tầng cảng cạn;

đ) Bản sao chụp có chứng thực Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án theo quy định;

e) Bản sao chụp có chứng thực Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này; nếu hồ sơ hợp lệ thì chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định và có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải công bố mở cảng cạn theo quy định.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố mở cảng cạn theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến chủ đầu tư; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời chủ đầu tư và nêu rõ lý do.

Điều 21. Thủ tục công bố mở cảng cạn đối với điểm thông quan hàng hóa đã có chủ trương chuyển thành cảng cạn

Sau khi điểm thông quan hàng hóa đã được phê duyệt chủ trương chuyển đổi thành cảng cạn, quy trình thủ tục để công bố mở cạn được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.

Điều 22. Tạm dừng hoạt động, đóng cảng cạn

1. Tạm dừng hoạt động của cảng cạn được thực hiện trong trường hợp để phục vụ việc bảo dưỡng, sửa chữa cảng cạn hoặc để thực hiện các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Trước khi công bố tạm dừng hoạt động cảng cạn để bảo dưỡng, sửa chữa, chủ đầu tư phải có kế hoạch trước và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan, đơn vị tại cảng cạn.

2. Đóng cảng cạn được thực hiện trong trường hợp vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh; cảng cạn không còn đủ điều kiện hoạt động theo quy định và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3.2 Thủ tục công bố tạm dừng hoạt động, đóng cảng cạn

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ gồm Tờ khai tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản quyết định công bố tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời người đề nghị và nêu rõ lý do.

MỤC 3. ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN CẢNG CẠN

Điều 23. Nguyên tắc đặt tên, đổi tên cảng cạn

1. Cảng cạn được đặt tên hoặc đổi tên theo quyết định công bố đưa vào sử dụng trên cơ sở đề nghị của Chủ đầu tư hoặc người khai thác cảng cạn hoặc người được ủy quyền.

2. Tên cảng cạn phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo tên bằng tiếng Anh; bắt đầu là cụm từ “Cảng cạn” và tên riêng đặt theo địa danh nơi có cảng cạn hoặc tên riêng công trình.

3. Không đặt tên, đổi tên cảng cạn trong các trường hợp sau:

a) Đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp, cảng cạn đã công bố hoặc không đúng với tên gọi, chức năng của cảng cạn;

b) Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của cảng cạn; trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

c) Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên.

Điều 24. Thủ tục đổi tên cảng cạn 3

1. Chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác cảng cạn gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng hải Việt Nam 01 Tờ khai theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên cảng cạn chưa phù hợp thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn chủ đầu tư hoặc người khai thác cảng cạn để hoàn thiện hồ sơ cho phù hợp.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định đổi tên cảng cạn; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời người đề nghị và nêu rõ lý do.

MỤC 4. QUẢN LÝ KHAI THÁC CẢNG CẠN

Điều 25. Nguyên tắc quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Chủ đầu tư cảng cạn quyết định hình thức và phương án khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn.

2. Kết cấu hạ tầng cảng cạn đầu tư bằng vốn nhà nước được cho thuê khai thác từng phần hoặc toàn bộ.

Điều 26. Giao thông trong khu vực cảng cạn

1. Kết nối giao thông giữa cảng cạn với bên ngoài khu vực cảng cạn phải đảm bảo an toàn, thuận tiện và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Giao thông trong khu vực cảng cạn phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho hoạt động của người, phương tiện và hàng hóa vào, rời cảng cạn.

3. Trong khu vực cảng cạn và vùng phụ cận phải lắp đặt biển báo rõ ràng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật tại các khu tác nghiệp hàng hóa, các vị trí cần thiết, nơi để các trang thiết bị phòng, chống cháy nổ, cửa ra vào và các vị trí khác liên quan đến hoạt động của người, phương tiện, trang thiết bị và hàng hóa.

MỤC 5. QUẢN LÝ KHAI THÁC KẾT CẤU HẠ TẦNG CẢNG CẠN ĐƯỢC ĐẦU TƯ BẰNG VỐN NHÀ NƯỚC

Điều 27. Thẩm quyền quyết định phương án cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

Cơ quan quyết định đầu tư xây dựng cảng cạn là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cho thuê khai thác và kết quả lựa chọn bên thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn.

Điều 28. Phương án cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Tổ chức cho thuê có trách nhiệm lập phương án cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn, phương án cho thuê trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.

2. Nội dung chính của phương án bao gồm: Tên tổ chức cho thuê; danh mục và đặc tính kỹ thuật tài sản cho thuê; giá trị tài sản cho thuê; thời hạn cho thuê; giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn; điều kiện cho thuê; khả năng thu hồi vốn đầu tư; quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của bên thuê và bên cho thuê; hình thức lựa chọn bên thuê; hình thức hợp đồng; thời gian tổ chức lựa chọn bên thuê khai thác.

Điều 29. Giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư hoặc cơ quan phê duyệt phương án cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn.

2. Giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn phải được cơ quan quyết định đầu tư cảng cạn đó phê duyệt nhưng không được thấp hơn giá đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn bao gồm:

a) Giá thu cố định là giá tính trên cơ sở tỷ lệ khấu hao tài sản hàng năm, tiền trả nợ vay và lãi vay (nếu có), chi phí phục vụ quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn cho thuê và các chi phí khác theo quy định. Thời gian sử dụng kết cấu hạ tầng cảng cạn để tính giá cho thuê tối đa là 50 năm. Giá cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn không thấp hơn giá thu cố định;

b) Giá thu thay đổi là giá thu theo tỷ lệ phần trăm (%) của doanh thu khai thác tài sản cho thuê hàng năm.

3. Căn cứ và cơ sở xác định giá cho thuê:

a) Giá trị tài sản cho thuê;

b) Đặc tính kỹ thuật tài sản cho thuê;

c) Điều kiện cho thuê;

d) Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên;

đ) Các điều kiện cần thiết khác.

4. Giá cho thuê sẽ được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Định kỳ 05 năm một lần;

b) Khi tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trên 15%/năm;

c) Các trường hợp khác do bên cho thuê hoặc bên thuê đề xuất và được cơ quan quyết định đầu tư chấp thuận.

Điều 30. Điều kiện lựa chọn bên thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

Bên thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật.

2. Có năng lực về tài chính.

3. Có đủ nhân lực để quản lý khai thác kết cấu hạ tầng sẽ thuê.

4. Có phương án khai thác kết cấu hạ tầng đạt hiệu quả.

5. Có giá thuê cao nhất và không thấp hơn giá cho thuê trong phương án cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn đã được phê duyệt.

6. Có phương án khai thác bảo đảm các yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định; có phương án bảo đảm các hoạt động khai thác sử dụng không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn.

Điều 31. Hình thức lựa chọn bên thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Hình thức, trình tự, thủ tục lựa chọn bên thuê thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định có liên quan của pháp luật về đấu thầu.

2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành mẫu hồ sơ về đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn được đầu tư bằng vốn nhà nước.

Điều 32. Hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Việc cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn phải được thực hiện theo hợp đồng do hai bên thỏa thuận ký kết. Hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn phải được xây dựng trên cơ sở kết quả lựa chọn bên thuê đã được phê duyệt và phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật.

2. Hợp đồng cho thuê bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ, số tài khoản của bên cho thuê;

b) Tên, địa chỉ, số tài khoản bên thuê;

c) Thời hạn cho thuê;

d) Giá cho thuê và điều kiện, phương thức thanh toán;

đ) Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê và bên thuê;

e) Danh mục tài sản cho thuê;

g) Điều kiện, trình tự điều chỉnh hợp đồng cho thuê, điều kiện cho thuê lại;

h) Giải quyết tranh chấp.

Điều 33. Quản lý sử dụng nguồn thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Nguồn thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn được ưu tiên sử dụng vào các mục đích, chi phí sau đây:

a) Nâng cấp, cải tạo, mở rộng kết cấu hạ tầng cảng cạn;

b) Đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng cảng cạn và các mục đích khác để phát triển ngành giao thông vận tải;

c) Chi phí lập phương án và tổ chức lựa chọn bên thuê;

d) Chi phí của bên cho thuê trong hoạt động quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn;

đ) Các mục đích và chi phí hợp lý khác.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về cơ chế tài chính thu, nộp và sử dụng nguồn thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn được đầu tư bằng vốn nhà nước.

Điều 34. Cho thuê lại kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Bên thuê có quyền cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài thuê lại một phần kết cấu hạ tầng cảng cạn đã thuê theo quy định tại Nghị định này và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của bên cho thuê trước khi tiến hành cho thuê lại.

2. Việc cho thuê lại kết cấu hạ tầng cảng cạn được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng cho thuê lại kết cấu hạ tầng cảng cạn phải bảo đảm nguyên tắc không trái với nội dung của hợp đồng thuê đã ký với bên cho thuê.

3. Bên thuê phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước bên cho thuê về việc cho thuê lại của mình.

4. Bên thuê lại kết cấu hạ tầng cảng cạn có trách nhiệm quản lý khai thác cảng cạn theo quy định của pháp luật, hợp đồng thuê và không được tiếp tục cho thuê lại kết cấu hạ tầng cảng cạn đó.

Điều 35. Tổ chức quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn

1. Cơ quan quyết định đầu tư xây dựng cảng cạn có trách nhiệm tổ chức quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn.

2. Cơ quan, tổ chức được giao quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng cơ chế quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn trình cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Quản lý tài sản nhà nước và giám sát các hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn cho thuê;

c) Giám sát việc thực hiện hợp đồng cho thuê khai thác;

d) Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn thường xuyên và định kỳ nhằm bảo đảm sử dụng kết cấu hạ tầng cảng cạn đúng chức năng, đặc tính kỹ thuật theo quy định;

đ) Tổ chức thu tiền cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn;

e) Yêu cầu bên thuê tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật khai thác, duy tu bảo dưỡng và sử dụng kết cấu hạ tầng cảng cạn theo quy định; trường hợp bên thuê không tuân thủ, báo cáo chủ đầu tư để giải quyết;

g) Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi phát hiện sự cố; phối hợp với bên khai thác xử lý những trường hợp xảy ra sự cố gây hư hỏng đối với kết cấu hạ tầng cảng cạn; tổ chức giám sát việc sửa chữa, khắc phục tình trạng hư hỏng kết cấu hạ tầng cảng cạn trong phạm vi quản lý;

h) Tiếp nhận và đề xuất phương án thiết kế, xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp phát triển kết cấu hạ tầng cảng cạn khi có yêu cầu của bên thuê hoặc theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;

i) Giám sát việc bảo đảm công tác phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn lao động trong phạm vi cảng cạn;

k) Tổng hợp tình hình khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn; định kỳ báo cáo chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;

l) Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNG CẠN VÀ QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC TẠI CẢNG CẠN

MỤC 1. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNG CẠN

Điều 36. Nội quy cảng cạn

1. Chủ đầu tư cảng cạn hoặc tổ chức, cá nhân quản lý khai thác cảng cạn căn cứ quy định của pháp luật có liên quan, các quy định tại Nghị định này và điều kiện đặc thù tại cảng cạn để ban hành “Nội quy cảng cạn” nhằm mục đích bảo đảm hiệu quả khai thác chung, đảm bảo an toàn, an ninh, phòng, chống cháy, nổ; chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và bảo vệ môi trường trong hoạt động tại cảng cạn.

2. Nội quy cảng cạn bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Quy định chung;

b) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng cạn;

c) Hoạt động của các phương tiện bốc xếp, vận chuyển tại cảng cạn;

d) Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường tại cảng cạn;

đ) Tổ chức thực hiện và xử lý vi phạm.

3. Tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại cảng cạn có trách nhiệm chấp hành “Nội quy cảng cạn” và các quy định có liên quan của pháp luật.

Điều 37. Quy định về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại cảng cạn

1. Doanh nghiệp khai thác cảng cạn và các tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng cạn phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

2. Trong quá trình hoạt động, nếu phát hiện thấy những dấu hiệu vi phạm quy định về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và người quản lý khai thác cảng cạn biết, xử lý theo quy định.

MỤC 2. QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC TẠI CẢNG CẠN

Điều 38. Nguyên tắc phối hợp hoạt động quản lý

1. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng cạn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau khi thi hành nhiệm vụ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân khai thác cảng cạn, chủ phương tiện, chủ hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đảm bảo cho các hoạt động tại cảng cạn an toàn và hiệu quả.

2. Các vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đều phải được trao đổi thống nhất để giải quyết kịp thời. Trong trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào thì cơ quan đó phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên của mình để giải quyết ngay; khi cần thiết, các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để giải quyết nhưng chậm nhất là sau 04 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo phải thông báo quyết định xử lý của mình cho cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan biết.

3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khác tại khu vực để tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đối với hoạt động tại cảng cạn.

Điều 39. Trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương đối với hoạt động của cảng cạn

1. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng cạn gồm: Hải quan, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật và các cơ quan chức năng liên quan khác có trách nhiệm:

a) Thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của bộ, ngành mình theo quy định của pháp luật; không được gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp khai thác cảng cạn, chủ phương tiện, chủ hàng và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động trong khu vực cảng cạn;

b) Tùy theo nhu cầu thực tế, bố trí nhân sự thường trực hoặc không thường trực trong khu vực cảng cạn để đảm bảo thực hiện các thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, trung chuyển, kiểm dịch y tế và các thủ tục khác đối với hàng hóa thông qua khu vực cảng cạn một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định.

2. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức công bố, hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định này. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá các điều kiện cụ thể của địa điểm thông quan để quyết định công bố mở cảng cạn theo quy định tại Nghị định.

3. Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động của các điểm thông quan đảm bảo các điểm thông quan được bố trí hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp.

4. Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc triển khai thực hiện Nghị định này; chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động quản lý nhà nước tại cảng cạn; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cho hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.

Điều 40. Trách nhiệm và quyền hạn của chủ đầu tư, doanh nghiệp quản lý khai thác cảng cạn

1. Trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp quản lý khai thác cảng cạn

a) Quản lý, điều hành hoạt động của cảng cạn theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ tại cảng cạn;

c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và các hành vi trái pháp luật khác tại cảng cạn;

d) Định kỳ trước ngày 20 tháng 12 hàng năm, báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình hoạt động của khu vực cảng cạn theo Mẫu số 07 của Nghị định này hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

đ) Khi có thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc sự cố bất thường xảy ra, doanh nghiệp khai thác cảng cạn phải áp dụng mọi biện pháp có thể, bao gồm cả việc tổ chức huy động nguồn lực, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cứu người, hàng hóa, phương tiện, loại trừ và khắc phục sự cố; đồng thời tiến hành các thủ tục và biện pháp pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật.

2. Quyền hạn của chủ đầu tư, doanh nghiệp quản lý khai thác cảng cạn

a) Ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân về việc khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng cảng cạn phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Chấm dứt hợp đồng đã ký kết, đình chỉ hoặc kiến nghị việc đình chỉ các hoạt động trong khu vực cảng cạn của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định để ngăn chặn kịp thời các nguy cơ có thể gây mất an toàn, an ninh, ô nhiễm môi trường hoặc sức khỏe của cộng đồng theo quy định của pháp luật;

c) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình quản lý, khai thác khu vực cảng cạn.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 4

Điều 41. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

2. Bãi bỏ Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn.

Điều 42. Điều khoản chuyển tiếp

Các dự án đầu tư xây dựng cảng cạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc các cảng cạn đã được đầu tư xây dựng từ trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này nhưng chưa được công bố đưa vào khai thác sử dụng thì tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn.

Điều 43. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT (để đăng tải);
- Lưu: VT, PC (2).

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Sang

PHỤ LỤC

MẪU CÁC VĂN BẢN SỬ DỤNG TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ KHAI THÁC CẢNG CẠN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Đề nghị trả lời sự phù hợp quy hoạch cảng cạn.

Mẫu số 02

Tờ khai về việc mở cảng cạn.

Mẫu số 03

Quyết định công bố mở cảng cạn.

Mẫu số 045

Tờ khai dừng hoạt động, đóng cảng cạn.

Mẫu số 056

Quyết định về việc đóng cảng cạn.

Mẫu số 067

Tờ khai đổi tên cảng cạn.

Mẫu số 07

Báo cáo tình hình hoạt động cảng cạn.

Mẫu số 01

TÊN CHỦ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………………..

……….., ngày …… tháng …… năm ……..

ĐỀ NGHỊ

Trả lời sự phù hợp quy hoạch cảng cạn

Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam.

Tên Chủ đầu tư: ……………………………………………………

Người đại diện theo pháp luật: …………………………………………

Đăng ký kinh doanh: Số... do.... cấp ngày....tháng....năm....tại …………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………

Số điện thoại liên hệ: …………………………………………………………

Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, trả lời sự phù hợp quy hoạch cảng cạn với dự án có các thông tin dưới đây:

1. Tên dự án: ………………………………………………………………

2. Sự cần thiết đầu tư xây dựng: ……………………………………

3. Vị trí: ……………………………………………………………………

4. Quy mô, công suất: …………………………………………………

5. Phương thức kết nối giao thông: …………………………………………

6. Tổng diện tích dự kiến xây dựng: ………………………………………

7. Các nội dung khác và tài liệu liên quan kèm theo (nếu có):

Kính đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết./.

CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 02

TÊN CHỦ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………………..

……….., ngày …… tháng …… năm 20……..

TỜ KHAI

Về việc mở Cảng cạn

Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam.

Tên doanh nghiệp: ……………………………………………………………

Người đại diện theo pháp luật: ………………………………………………

Đăng ký kinh doanh: Số ……… do ……… cấp ngày... tháng.... năm.... tại …

Địa chỉ: ……………………………………………………………………

Số điện thoại liên hệ: ………………………………………………………

Đề nghị công bố mở cảng cạn với các thông tin dưới đây:

1. Tên cảng cạn: ……………………………………………………………..

2. Vị trí cảng cạn: …………………………………………………………...

3. Quy mô, công suất: ……………………………………………………....

4. Phương thức kết nối giao thông: …………………………………….......

5. Tổng diện tích: …………………………………………………………...

6. Các nội dung khác (nếu có) và tài liệu liên quan kèm theo:

- Bản chụp có chứng thực Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất;

- Bản chính Biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa công trình cảng vào sử dụng kèm theo bản vẽ hoàn công các hạng mục kết cấu hạ tầng cảng cạn;

- Bản chụp có chứng thực Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án;

- Bản chụp có chứng thực Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

- Tài liệu liên quan khác (nếu có).

Kính đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết./.

CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 03

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………………..

……….., ngày …… tháng …… năm 20 ……..

QUYẾT ĐỊNH

Công bố mở cảng cạn………..

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ………………………………………….………………..;

Căn cứ……………………….……………………….…………………..;

Căn cứ Nghị định số ……….. về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn;

Xét đề nghị công bố mở cảng cạn của ....... và đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam tại văn bản số …………….……………………….……………;

Theo đề nghị của ………………………………….………………….,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố mở cảng cạn ....................... với các nội dung cơ bản sau đây:

1. Tên cảng cạn: ……………………….………………………………………

2. Vị trí cảng cạn: ……………………….……………………………………

3. Chủ đầu tư cảng cạn:.... ……………………….……………………………

4. Mục tiêu của cảng cạn:. ……………………….……………………………

Điều 2.

1. Chủ đầu tư cảng cạn ………. thực hiện các trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp khai thác cảng theo quy định tại Nghị định số …………….về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và quy định của pháp luật có liên quan; tổ chức khai thác cảng cạn khi đã hoàn thành đầy đủ thủ tục và đúng mục đích, bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy, nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng cạn …………… theo quy định tại Nghị định số ……………… về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Giao Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cảng cạn theo quy định tại Nghị định số ……………. về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 3.

Quyết định này có hiệu lực…………………., kể từ ngày …………………

Điều 4.

Chánh Văn phòng bộ, Chánh Thanh tra bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc……………., Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- ………………..
- Lưu: VT, ........... (3b)

BỘ TRƯỞNG

Mẫu số 04

TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………..

….., ngày … tháng … năm ….

TỜ KHAI

Tạm dừng hoạt động/đóng cảng cạn

Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam.

Tên tổ chức đề nghị: ………………………..……………………………..

Người đại diện theo pháp luật: ……………………..…………………………

Đăng ký kinh doanh: Số …do……cấp ngày...... tháng...... năm...... tại ……

Địa chỉ: …………………………..……………………………………….

Số điện thoại liên hệ: …………………………………………………………..

Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, tiến hành thủ tục tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn với các thông tin dưới đây:

1. Tên cảng cạn: …………………………………………………………...

2. Vị trí: ……………………………………..…………………………….

3. Lý do tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn: ……………….………

4. Đề xuất chuyển giao quản lý nhân sự, đất đai (nếu có): ………………

Kính đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết.

TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 05

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……….

….., ngày … tháng … năm …….

QUYẾT ĐỊNH

Về việc tạm dừng hoạt động/đóng cảng cạn

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

Căn cứ ……………….………………………………………………….…;

Căn cứ………………………………………………………………………;

Xét đơn đề nghị tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn của ……………;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố tạm dừng hoạt động hoặc đóng cảng cạn………………..

Điều 2.

1. Chủ đầu tư cảng cạn …………………có trách nhiệm ………………….

2. ……………………………………………………………………………

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số….

Điều 4. Chánh Văn phòng Cục, Chánh Thanh tra Cục, Trưởng các phòng……, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ GTVT;
- UBND tỉnh….;
- Công ty….;
- Website Cục HHVN;
- Lưu: VT, .............. (2b)

CỤC TRƯỞNG

Mẫu số 06

TÊN CHỦ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………..

..., ngày … tháng … năm ….

TỜ KHAI

Đổi tên cảng cạn

Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam

Tên doanh nghiệp: ………………………………………………..…

Người đại diện theo pháp luật: …………………………………………

Đăng ký kinh doanh: Số ……do…… cấp ngày… tháng …..năm........ tại….

Địa chỉ: …………………………………………………………….……

Số điện thoại liên hệ: …………………………………………………

Đề nghị …(1) xem xét, chấp thuận đổi tên cảng cạn với các thông tin dưới đây:

1. Tên công trình: …………………………………………………

2. Vị trí: …………………………………………………………………

3. Tên cũ đã công bố: …………………………………………………

4. Tên mới: …………………………………………………………

Kính đề nghị …………… (1) ……………………… xem xét, giải quyết.

CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 07

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………………..

……….., ngày …… tháng …… năm 20 ……..

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CẢNG CẠN

Kính gửi: ……………………………. (1)

Tên doanh nghiệp: ………………………………………………………………

Tên cảng cạn: ……………………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………….…

Số điện thoại liên hệ: ………………………………………………………….…

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm trước

Thực hiện năm báo cáo

Ghi chú

A

C

1

2

3

I. Tổng sản lượng

1. Lượng hàng xuất khẩu

tấn

TEU

2. Lượng hàng nhập khẩu

tấn

TEU

3. Lượng hàng nội địa

- Xuất nội địa

tấn

TEU

- Nhập nội địa

tấn

TEU

II. Diện tích kho, bãi

1. Diện tích kho

m2

2. Diện tích bãi

m2

III. Doanh thu

đồng

Người lập biểu
(Ký, họ tên)

Người kiểm tra biểu
(Ký, họ tên)

…….., ngày… tháng…năm….
Đại diện pháp luật của doanh nghiệp
(Ký, đóng dấu, họ tên)

Ghi chú: (1) Tên của cấp có thẩm quyền đổi tên.



1 Nghị định số 74/2023/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải có căn cứ ban hành như sau:

"Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020; Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải.".

2 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.

3 Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.

4 Điều 5 Nghị định số 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023 quy định như sau:

"Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 11 năm 2023. Khoản 7 Điều 1 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 10 năm 2024.

2. Điều khoản chuyển tiếp:

a) Các văn bản chấp thuận, Quyết định, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn đã được quy định đối với những văn bản này;

b) Đối với các hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận, Quyết định, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ tiếp tục thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

c) Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có thẩm quyền thu hồi các Giấy chứng nhận; Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam có thẩm quyền thu hồi các Giấy xác nhận được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Nghị định này bãi bỏ:

a) Điều 3, khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải;

b) Điều 18 Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.".

5 Mẫu này được thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 và Mục 2 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.

6 Mẫu này được thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 và Mục 2 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.

7 Mẫu này được thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 và Mục 2 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.

MINISTRY OF TRANSPORT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 50/VBHN-BGTVT

Hanoi, October 27, 2023

 

DECREE

INVESTMENT IN CONSTRUCTION AND MANAGEMENT OF OPERATION OF DRY PORTS

Government’s Decree No. 38/2017/ND-CP dated April 04, 2017 on investment in construction and management of operation of dry ports, which comes into force from July 01, 2017 is amended by:

Government’s Decree No. 74/2023/ND-CP dated October 11, 2023 on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector, which comes into force from November 27, 2023.

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Vietnam Maritime Code dated November 25, 2015;

Pursuant to the Law on Investment dated November 26, 2014;

Pursuant to the Law on Construction dated June 18, 2014;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



At the request of the Minister of Transport; 

The Government promulgates Decree on investment in construction and management of operation of dry ports 1

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree provides for investment in construction and management of operation of dry ports in Vietnam, including criteria for identification of dry ports, infrastructure and services at dry ports; management of the investment in construction and operation of dry ports; management of operations of dry ports; and powers and responsibilities of agencies and organizations at dry ports.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to Vietnamese and foreign organizations and individuals involved in investment in construction and management of operation of dry ports.

Article 3. Interpretation of terms

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. “Dry port" means a part of transport infrastructure, a focal point of organization of transport in association with operations of a seaport, an airport, an inland waterway port, a railway station, a land border checkpoint, and at the same time it has functions as a border checkpoint for imports and exports.

2. “Control zone” means a place of direct inspection and control of people, vehicles and cargoes entering and leaving a dry port.

3. “Administration office zone” means a place where administrative activities, management operations and transactions of related parties at a dry port are carried out.

4. “Project owner” means an agency, organization or individual that owns or borrows capital or is assigned to directly manage and use capital for investment in construction of a dry port.

5. “Operator” of dry port infrastructure (hereinafter referred to as “dry port”) means a project owner or a person authorized or hired by the project owner to manage the operation of a dry port.

6. TEU stands for Twenty-Foot Equivalent Unit, which is a unit of measurement of a standard container of 20 feet (length) x 8 feet (width) x 8,5 feet (height).

7. “Logistics services” mean commercial operations of which traders perform one or multiple tasks, including receipt, transfer, storage of goods, preparation of customs procedures, other procedures related to documents, provision of advice for clients, packaging, marking, delivery thereof or other services related to goods as agreed with the clients for remuneration.

8.”High-capacity modes of transport” include waterway transport along inland waterway routes of grade II or higher grade; railway transport along railways in connection with dry ports; and road transport along expressways.

9. “Lessor” of dry port infrastructure for operation means a project owner of such dry port or an organization assigned to perform tasks by a competent agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Formulating, promulgating, and organizing the implementation of, legal documents on dry ports; and standards, national technical regulations and techno-economic norms related to dry ports.

2. Formulating, approving, and organizing the implementation of, the planning for development of dry ports.

3. Concluding, acceding to, and organizing the implementation of, international treaties concerning dry ports in accordance with law.

4. Announcing opening, closure or suspension of operation of dry ports.

5. Managing investment in construction and operation of dry port infrastructure.

6. Performing the specialized state management of activities of people, vehicles and cargoes at dry ports (cargo inspection, implementation of customs procedures, quarantine, prevention of environmental pollution, security and order maintenance, and fire and explosion prevention).

7. Managing prices, charges and fees related to the operation of dry ports.

8. Producing statistics on parameters and data related to dry ports.

9. Inspecting, examining, settling complaints and denunciations, and handling violations in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Ministry of Transport shall act as the focal point which assists the Government in performing the state management of dry ports, coordinating interdisciplinary activities and providing guidance on the compliance with regulations on investment in construction and management of operation of dry ports.

2. The Ministry of Finance shall perform state management of customs, prices, charges and fees at dry ports in accordance with law.

3. Ministers and People's Committees of provinces and central-affiliated cities shall perform the state management of investment in construction and management of operation of dry ports, within their scope of tasks and powers.

Article 6. Functions of dry ports

1. Receive and consign cargoes transported by containers.

2. Load cargoes into and unload cargoes from containers.

3. Accommodate containers for transportation to seaports and other places in accordance with law.

4. Inspect, and complete customs procedures for, imports and exports.

5. Gather and divide less-than-container-load cargoes of different owners in the same containers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Repair and maintain containers.

Article 7. Criteria for identification of a dry port

1. Conforming to the approved planning for development of the dry port system.

2. Being connected to major transport corridors and seaports serving regional economic development.

3. Having at least two modes of transport to facilitate multimodal transport or being directly connected to one high-capacity mode of transport.

4. Being large enough for arrangement of working offices for relevant agencies and organizations and having sufficient land area to meet long-term development needs; being at least 5 ha in area, for a newly formed dry port.

5. Satisfying requirements for fire and explosion prevention and environmental protection in accordance with law.

Article 8. Dry port infrastructure

1. Dry port infrastructure means technical facilities built in conformity with the national technical regulation on dry ports for performance of their functions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) A system of cargo warehouses and storage yards;

b) Work items for maintenance of security and order at the dry port and control of people, cargoes and vehicles entering and leaving the dry port, including gates, fencing walls, screening, surveillance, control, inspection and storage equipment of customs offices; and technical facilities for waste collection, storage and treatment;

c) Parking lots for vehicles, cargo-loading/unloading equipment and other vehicles operating at the dry port;

d) Internal roads and roads connected to the transport system outside the dry port;

dd) An office zone with the administration house and working offices of relevant agencies, including customs and quarantine agencies, and other infrastructure facilities, including power supply, water supply and drainage, and communications systems.

3. The Ministry of Transport shall issue national technical regulations on dry ports.

Article 9. Services at dry ports

Services at a dry port include:

1. Transport support services:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Storage service;

c) Transport agency service;

d) Customs clearance agency service;

dd) Cargo tally service;

e) Container reinforcement, repair and clean service;

2. Transport services

3. Cargo value-adding services: packaging, division, re-packaging, classification, labeling, processing, assembly, and inspection, and other added-value services.

4. Other services in accordance with law.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SECTION 1. MANAGEMENT OF INVESTMENT IN CONSTRUCTION OF DRY PORTS

Article 10. Announcement about the list of dry ports

The Minister of Transport shall annually draw up, announce and update the list of dry posts on its website and the website of the Vietnam Maritime Administration.

Article 11.  Formulation, appraisal, approval and management of the planning for development of dry ports

1. The formulation, appraisal, approval, and management of the implementation of, the planning for dry ports shall comply with this Decree and regulations on procedures for formulation of planning for development of sectors, fields and key products, construction planning and other relevant regulations.

2. Responsibility of the Minister of Transport

a) Organize the formulation and appraisal of, and submit the overall planning for development of the dry port system to the Prime Minister for approval; propose adjustments to this overall planning;

b) Approve and adjust the detailed planning for development of dry ports under regulations;

c) Publicly announce, and provide guidance on and inspect the implementation of, the approved planning for development of the dry port system;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Manage, inspect and supervise the investment in construction and operation of dry ports under the approved planning within his/her competence.

3. Responsibilities of Ministries and provincial People's Committees

a) Cooperate with the Ministry of Transport, Ministry of Finance and relevant agencies in managing the implementation of the planning for dry ports in accordance with this Decree and relevant regulations;

b) Arrange land area for construction and development of dry ports under the approved planning.

Article 12. General planning for development of the dry port system

1. The formulation of the general planning for development of the dry port system shall comply with the socio-economic development strategy, national defense and security tasks, and planning for development of transport sectors and fields, and conform to the planning for development of the system of logistics centers nationwide.

2. Principal contents of the general planning for development of the dry port system include:

a) Analysis and assessment of the current development and distribution of dry ports in nationwide;

b) Demands for development of dry ports for transport of imports and exports, cargo in transit, and containerized cargo across regions in the whole country, territorial areas and economic corridors; major transport routes connected to seaports, inland waterway ports, railway stations, airports and land border checkpoints;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Viewpoints, objectives and justifications for alternatives on development of dry ports of the whole country, territorial areas and economic corridors;

dd) Solutions, mechanisms and policies on development of dry ports and organization of their implementation for achievement in objectives of the planning;

e) Analysis and assessment of satisfaction of national defense and security requirements;

g) Strategic environmental impact assessment under regulations;

h) Plans for development of dry ports shown in the drawing of the planning.

Article 13. Detailed planning for development of the dry port system

1. The formulation of the detailed planning for development of dry ports shall comply with the approved planning for development of the dry port system.

2. Principal contents of the detailed planning for development of the dry port system include:

a) Actual conditions of the dry port system in the whole country and territorial areas; analysis of and comparison with the objectives of the approved general planning and detailed planning for development of dry ports;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Planned location, size and capacity of dry ports in each territorial area or economic corridor;

d) Plan for connection of the transport infrastructure from dry ports to the national transport system, seaports and other cargo border checkpoints;

dd) List of dry ports prioritized for investment nationwide;

e) Management and implementation solutions, mechanisms and policies for achievement in the planning’s objectives;

g) A map of the planned locations and modes of transport connection.

Article 14. Detailed planning for construction of dry ports

On the basis of the approved detailed planning for development of dry ports, procedures for formulation, appraisal and approval for the detailed planning for construction of dry ports shall comply with the law on construction investment.

Article 15. Dry port transport connection

1. Dry port transport connection shall be associated with the capacity to organize the efficient operation and proper use of connected modes of transport.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 16. Principles of investment in construction of dry ports

1. Vietnamese and foreign organizations and individuals that invest in construction of dry ports in Vietnam shall comply with this Decree and relevant regulations.

2. Investment in the construction of dry ports shall comply with the approved planning for development of dry ports and other relevant plannings.

Article 17. Supervision of implementation of the planning for dry ports

1. Before formulating an investment project on construction of a dry port under the law on construction investment, a project owner shall send an application for opinion about in the conformity of the project with the planning for dry ports in person or by another appropriate method to the Vietnam Maritime Administration. The application shall include a document made according to Form No. 01 in the Appendix to this Decree; a 1:10.000-scale overall drawing of the dry port’s location showing its plan for transport connection; and a 1:2,000-scale drawing showing sites of the dry port’s functional sub-zones.

2. Procedures for receiving and processing the application

The Vietnam Maritime Administration shall receive the application; if the application is invalid, within 2 working days after receiving it, the Vietnam Maritime Administration shall give a written instruction to the project owner in order to complete the application in accordance with this Decree; if the application is valid, within 3 working days after receiving it, the Vietnam Maritime Administration shall issue a written agreement on investment in the construction of a dry port and send it in person or by post to the project owner; in case of refusal, it shall issue a written reply to the project owner, stating the reason.

3. Before constructing a dry port, the project owner shall send a copy of the decision on the work construction investment enclosed with a plan on arrangement of the overall site, a copy of the decision on approval for the work construction design, and the project’s environmental dossier so as to serve management to the Vietnam Maritime Administration.

Article 18. Conversion of clearance depots into dry ports

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Procedures for receiving and processing the application:

a) The Vietnam Maritime Administration shall receive the application; if the application is invalid, within 2 working days, the Vietnam Maritime Administration shall give a written instruction for the project owner to complete the application in accordance with this Decree;

b) Within 2 working days after receiving the valid application, the Vietnam Maritime Administration shall send a written request to the Ministry of Finance, People’s Committee of the province or central-affiliated city where the dry port will be built and related agencies (if necessary), for opinion;

c) Within 3 working days after receiving the request from the Vietnam Maritime Administration, the Ministry of Finance, provincial-level People’s Committee and related agencies shall give written replies;

d) Within 05 working days after receiving a complete and valid application, the Vietnam Maritime Administration shall appraise it and send a report to the Ministry of Transport;

dd) Within 03 working days after receiving the report from the Vietnam Maritime Administration, the Ministry of Transport shall issue a written approval of the conversion of a clearance depot into a dry port and send it in person or by post to the project owner; in case of disapproval, it shall issue a written reply to the project owner, stating the reason.

SECTION 2. ANNOUNCEMENT ABOUT OPENING AND CLOSURE OF DRY PORTS

Article 19. Authority to announce the opening and closure of dry ports

1. The Minister of Transport shall announce the opening and closure of dry ports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 20. Procedures for announcement about the opening of dry ports

1. The project owner shall send an application in person or by another appropriate method to the Vietnam Maritime Administration. The application includes:

a) A declaration of the opening of a dry port, made according to Form No. 02 in the Appendix to this Decree

b) A certified photocopy of a competent authority’s decision on approval for the project on investment in construction of a dry port as prescribed by law;

c) Certified copies of lawful papers proving land use rights under regulations;

d) An original written record of the acceptance of the completed dry port work before operation, enclosed with as-built drawings of the dry port infrastructure items;

dd) A certified copy of the decision on approval for the project’s environmental impact assessment report as prescribed;

e) A certified photocopy of the written record of the acceptance of the satisfaction of fire prevention and fighting requirements as prescribed.

2. The Vietnam Maritime Administration shall receive the application; if the application is invalid, within 2 working days after receiving it, the Vietnam Maritime Administration shall issue a written instruction to the project owner to complete the application in accordance with this Decree; if the application is valid, within 5 working days after receiving it, the Vietnam Maritime Administration shall appraise it and send a written request to the Ministry of Transport for announcement of the opening of a dry port under regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 21. Procedures for announcing the opening of dry ports for clearance depots already planned to be converted into dry ports

After the conversion of a clearance depot into a dry port is approved, the opening of the dry port shall be announced according to procedures prescribed in Article 20 of this Decree.

Article 22. Suspension of operation of or closure of dry ports

1. A dry port may be suspended from operation for maintenance or repair of the dry port or to meet other requirements as prescribed by law. The project owner shall work out a plan before announcing the operation suspension of a dry port for maintenance or repair, ensuring that such suspension does not affect activities of agencies and units at the dry port.

2. A dry port may be closed to meet national defense and security maintenance requirements or when it no longer satisfies the prescribed conditions for operation or in other cases prescribed by law.

3. 2 Procedures for operational suspension or closure of a dry port

a) The organization or individual that wishes to suspend operation or close a dry port shall submit an application in person or by post or via the online public service system to Vietnam Maritime Administration. The submitted application includes a declaration form for operational suspension or closure of a dry port which is made using Form No. 04 in the Appendix enclosed herewith;

b) Within 05 working days after its receipt of the application, Vietnam Maritime Administration shall issue a decision to announce the operational suspension or closure of the dry port which is made using Form No. 05 in the Appendix enclosed herewith. In case of refusal, a written response indicating reasons for its refusal shall be given.

SECTION 3. NAMING AND RENAMING DRY PORTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A dry port shall be named or renamed under a decision to announce the opening of the dry port at the proposal of the project owner or operator of the dry port or an authorized person.

2. The name of a dry port shall be in Vietnamese and may be accompanied by a name in English; it must start with the words “Cang can” (dry port), followed by the name of the geographical area where the dry port is located or the name of the dry port.

3. A dry port may not use the following names:

a) A name which is identical to or confusingly similar to that of another enterprise or a dry port or which is inappropriate to the proper name or function of a dry port;

b) The name of a state agency, armed forces unit, political organization, socio-political organization or enterprise, unless it is permitted by such agency, unit, organization or enterprise;

c) A name that consists of words or signs that breach historical, cultural or moral traditions or fine customs of the nation.

Article 24. Procedures for renaming dry ports 3

1. The investor or the operator of the dry port shall submit a declaration form, which is made using Form No. 06 in the Appendix enclosed herewith, in person or by post or via the online public service system to Vietnam Maritime Administration.

2. Vietnam Maritime Administration shall receive and check the validity and rationality of the declaration form, and shall, if the declaration form is invalid or the new name of the dry port is irrational, provide guidelines for the applicant to complete their declaration form within 02 working days upon its receipt of the declaration form.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SECTION 4. DRY PORT OPERATION MANAGEMENT

Article 25. Principles of dry port operation management

1. The project owner of a dry port may decide methods of and plans for operation of dry port infrastructure.

2. State-funded dry port infrastructure may be leased in part or in whole for operation.

Article 26. Transport within dry port areas

1. Transport connection between dry ports and outside areas shall ensure safety, convenience and synchrony and comply with relevant sectoral planning in accordance with law.

2. Transport within dry port areas shall ensure safety and convenience for activities of people, vehicles and cargoes entering and leaving the dry ports.

3. In dry port areas and their vicinities, signboards shall be conspicuously erected according to technical regulations at cargo-handling zones, necessary locations, places where fire and explosion prevention and fighting equipment and devices are placed, gates and other locations related to activities of people, vehicles, equipment and cargoes.

SECTION 5. MANAGEMENT OF OPERATION OF STATE-FUNDED DRY PORT INFRASTRUCTURE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The agency that decides investment in the construction of a dry port has the authority to approve a plan for lease of dry port infrastructure for operation and approve the lessee selection result.

Article 28. Plans for lease of dry port infrastructure for operation

1. The lessor shall prepare a plan for lease of dry port infrastructure for operation and submit it to a competent agency for approval under Article 27 of this Decree.

2. The principal contents of such a plan shall include the name of the lessor; list and technical properties of leased assets; value of leased assets; lease term; rent; lease conditions; capital recovery capacity; rights, obligations and responsibilities of the lessee and lessor; form of selection of lessees; form of contract; and time for selecting lessees.

Article 29. Rent for dry port infrastructure for operation

1. The rent for dry port infrastructure for operation shall comply with the law on price. The Minister of Finance shall decide the rent for dry port infrastructure for operation at the proposal of the project owner or the agency approving plan for lease of dry port infrastructure for operation.

2. The rent for dry port infrastructure for operation shall be approved by the agency that has decided the investment in such dry port and it must not be lower than the rent already decided by the Minister of Finance. The rent for dry port infrastructure for operation includes:

a) The fixed rent, which shall be calculated based on the annual asset depreciation rate, money amount used to pay loan principal and interest (if any), expense on operation management of leased infrastructure, and other expenses as prescribed. The lifetime of dry port infrastructure used to calculate the rent is 50 years at most. The rent for dry port infrastructure for operation shall not be lower than the fixed rent;

b) The changeable rent, which shall be collected according to a percentage (%) of the annual revenue from the operation of the leased asset.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Value of leased asset;

b) Technical properties of leased asset;

c) Lease conditions;

d) Powers, obligations and responsibilities of related parties;

dd) Other necessary conditions.

4. The rent may be adjusted in the following cases:

a) Once every 5 years;

b) In case where the inflation rate in Vietnam exceeds 15%/year;

c) Other circumstances as proposed by the lessor or lessee and approved by the investment-deciding agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A lessee of dry port infrastructure for operation shall fully satisfy the following conditions:

1. Having the legal status according to law regulations.

2. Having financial capacity.

3. Having adequate staff members for operation management of infrastructure to be leased.

4. Having an efficient infrastructure operation plan.

5. Offering the highest rent which is not lower than the rent stated in the approved plan to lease dry port infrastructure for operation.

6. Having an operation plan which satisfies the prescribed requirements on security and national defense, environmental protection and fire and explosion prevention and fighting; having a plan which ensures that operation and use activities do not affect normal activities of related agencies and units.

Article 31. Forms of selection of lessees of dry port infrastructure for operation

1. Forms and procedures for selecting lessees shall comply with this Decree and relevant regulations of the bidding law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Contract for lease of dry port infrastructure for operation

1. The lease of dry port infrastructure for operation shall be carried out under a contract signed by the two parties. Such contract shall be made on the basis of the approved lessee selection result and in accordance with relevant law regulations.

2. A lease contract shall contain the following principal contents:

a) Name, address and number of bank account of the lessor;

b) Name, address and number of bank account of the lessee;

c) Lease term;

d) Rent and payment conditions and methods;

dd) Rights and obligations of the lessor and lessee;

e) List of leased assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Dispute settlement.

Article 33. Management of the use of revenues from lease of dry port infrastructure for operation

1. Revenues from the lease of dry port infrastructure for operation shall be prioritized for use for the following purposes and expenses:

a) Upgradation, renovation and expansion of dry port infrastructure;

b) Investment in the construction of new dry port infrastructure and for other purposes for the development of the transport sector;

c) Expense for preparation of a plan for and organization of the selection of the lessee;

d) Lessor’s expense for management of operation of dry port infrastructure;

dd) Other proper purposes and reasonable expenses.

2. The Ministry of Finance shall preside over and cooperate with the Ministry of Transport in specifying a financial mechanism for collection, payment and use of revenues from the lease of state-funded dry port infrastructure for operation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The lessee may sublease part of the leased dry port infrastructure to a Vietnamese or foreign organization or individual in accordance with this Decree and shall obtain the lessor’s written approval before effecting the sublease.

2. The sublease of dry port infrastructure shall be carried out under a contract which must not be contrary to the contents of the lease contract signed with the lessor.

3. The lessee shall be responsible to the lessor for the sublease.

4. The dry port infrastructure sublessee shall manage the operation of the dry port in accordance with law and the lease contract and may not further sublease such infrastructure.

Article 35. Organization of management of operation of dry port infrastructure

1. The agency that has decided investment in the construction of a dry port shall organize the management of operation of dry port infrastructure.

2. The agency or organization that is assigned to manage the operation of dry port infrastructure has the following functions, tasks and powers:

a) Create a mechanism for management of operation of dry port infrastructure and submit it to the investment-deciding agency for approval and organize the implementation thereof;

b) Manage state assets and supervise the operation of the leased dry port infrastructure;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Organize regular and periodical inspection and supervision of the operation of dry port infrastructure in order to ensure that dry port infrastructure is used according to its functions and technical properties as prescribed;

dd) Organize collection of the rent from the lease of dry port infrastructure for operation;

e) Request the lessee to strictly observe the prescribed technical process of operation, maintenance and use of dry port infrastructure and report on the lessee’s violations, if any, to the project owner for handling;

g) When detecting an incident, promptly notify the specialized state management agency; cooperate with the infrastructure operator in dealing with incidents that damage dry port infrastructure; supervise the repair of damaged dry port infrastructure under its management;

h) Receive and propose plans for design, construction, renovation, expansion or upgradation of dry port infrastructure at the request of the lessee or specialized state management agency;

i) Supervise the satisfaction of the requirements for fire and explosion prevention and fighting, environmental sanitation, security and order, and occupational safety within the dry port;

k) Review the actual operation of dry port infrastructure and periodically report it to the project owner and related state management agencies under regulations;

l) Perform other tasks as assigned.

Chapter III

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SECTION 1. MANAGEMENT OF OPERATIONS OF DRY PORTS

Article 36. Internal regulations of a dry port

1. The project owner of or organization or individual managing the operation of a dry port shall, pursuant to relevant laws and this Decree and according to specific conditions of such dry port, issue an internal regulation for the dry port with a view to ensuring the efficiency in general operation, safety, security, and fire and explosion prevention and fighting; combating smuggling, trade fraud and tax evasion and protecting the environment at the dry port.

2. The internal regulation of a dry port shall contain the following principal contents:

a) General regulations;

b) Responsibilities of organizations and individuals operating at the dry port;

c) Activities of loading/unloading and transporting vehicles at the dry port;

d) Assurance about security and order, occupational safety, traffic safety, fire and explosion prevention and fighting safety, and environmental protection at the dry port;

dd) Organization of implementation and handling of violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 37. Regulations on assurance about security, order, safety, fire and explosion prevention and fighting and environmental pollution prevention at dry ports

1. Dry port operators and organizations and individuals operating at dry ports shall fully comply with regulations on assurance of security, order, safety, fire and explosion prevention and fighting and environmental pollution prevention.

2. In the course of operation, if there are signs of violation against regulations on assurance of security, order, occupational safety, environmental sanitation and fire and explosion prevention and fighting, relevant organizations and individuals shall notify them to competent state management agencies and people managing the operation of dry ports for handling under regulations.

SECTION 2. POWERS AND RESPONSIBILITIES OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS AT DRY PORTS

Article 38. Principles of cooperation in management

1. Specialized state management agencies at dry ports shall closely cooperate in performing their tasks in order to facilitate activities of operators of dry ports, vehicle owners, cargo owners and other related organizations and individuals, ensuring safe and effective activities at dry ports.

2. Arising problems related to the functions and tasks of other specialized state management agencies shall be promptly settled through exchange of opinions and agreement. For a problem that falls beyond the competence of a specialized state management agency, this agency shall promptly report it to the superior management agency for settlement; when necessary, related ministries and central government agencies shall cooperate with the Ministry of Transport in settling a problem provided that within 4 hours after receiving a report on the problem, they shall notify their settlement decision to related parties.

3. While performing their tasks, specialized state management agencies shall cooperate with other related agencies and organizations in organizing the strict enforcement of regulations applicable to activities at dry ports.

Article 39. Responsibilities and powers of ministries, central and local authorities for operations of dry ports

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Exercise the powers and perform the responsibilities of their ministries and central government authorities in accordance with law; refrain from causing troubles that affect normal activities of dry port operators, vehicle owners, cargo owners or other organizations and individuals operating within dry port areas;

b) Depending on actual demands, assign staff members to work on a full-time or part-time basis within dry port areas so as to promptly and properly carry out procedures for import, export, transit, health quarantine and other procedures for cargoes handled in dry port areas.

2. The Ministry of Transport shall preside over and cooperate with related ministries, central and local authorities in publicizing, providing guidance and organizing the implementation of, this Decree. The Ministry of Transport shall preside over and cooperate with the Ministry of Finance and related agencies in, inspecting and assessing specific conditions of clearance depots in order to announce the opening of dry ports in accordance with this Decree.

3. The Ministry of Finance shall review and improve mechanisms for management of operations of clearance depots to ensure that they are arranged in ways suitable to practical conditions, and facilitate import and export activities of enterprises.

4. Related ministries, central government authorities and provincial-level People’s Committees shall, within the ambit of their functions, tasks and powers, direct their agencies and organizations to organize the implementation of this Decree; direct and provide guidance on operations of specialized state management agencies under their management to make close cooperation in state management activities at dry ports; examine, inspect, and handle violations in accordance with law; and apply information technology to their management activities to facilitate investment in construction and management of the operation of dry ports.

Article 40. Responsibilities and powers of project owners of and enterprises managing the operation of dry ports

1. Responsibilities of project owners of and enterprises managing the operation of dry ports

a) Manage and administer operations of dry ports in accordance with this Decree and relevant law regulations;

b) Enable organizations and individuals and specialized state management agencies to perform their tasks at dry ports;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Before December 20 every year, send the Ministry of Transport and provincial-level People’s Committees reports on operations of dry ports, made according to Form No. 07 of this Decree, or send ad hoc reports at the request of the Ministry of Transport or provincial-level People’s Committees;

dd) When natural disasters, fires, accidents or extraordinary incidents occur, dry port operators shall apply all possible measures, including mobilization of available resources, and cooperate with related agencies in rescuing people, cargoes and vehicles, and preclude and remedy incidents and, at the same time, carry out necessary legal procedures and measures in accordance with law.

2. Powers of project owners of and enterprises managing the operation of dry ports

a) Sign contracts with organizations and individuals for the operation and use of dry port infrastructure in accordance with law;

b) Terminate signed contracts, and suspend, or propose the suspension of, activities of related organizations and individuals within dry port areas under regulations in order to promptly prevent risks of unsafety, insecurity or environmental pollution or harm to community health in accordance with law;

c) Request competent agencies to settle problems arising in the course of managing and operating dry ports.

Chapter IV

IMPLEMENTATION PROVISIONS 4

Article 41. Entry into force

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Prime Minister’s Decision No. 47/2014/QD-TTg dated August 27, 2014 on issuance of the Regulation on management of operations of dry ports shall be annulled.

Article 42. Transition clauses

Projects on investment in construction of dry ports in which investment has been decided by competent authorities or dry ports which are constructed before the effective date of this Decree but have not yet been put into operation and use shall continue to be performed according to the Prime Minister’s Decision No. 47/2014/QD-TTg dated August 27, 2014.

Article 43. Implementation

1. The Minister of Transport shall preside over and cooperate with related ministries, central government authorities and provincial-level People’s Committees in, organizing the implementation of this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, chairpersons of provincial-level People’s Committees, and related organizations and individuals shall implement this Decree./.

 

 

CERTIFIED BY

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

1  Government’s Decree No. 74/2023/ND-CP dated October 11, 2023 on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector is promulgated pursuant to:

 “The Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to some Articles of Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

The Maritime Code of Vietnam dated November 25, 2015; The Law on Environmental Protection dated November 17, 2020; the Law on Investment dated June 17, 2020;

The Law on Enterprises dated June 17, 2020;

At the request of the Minister of Transport;

The Government promulgates Decree on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector.".

2  This Clause is amended by Clause 1 Article 2 of Government’s Decree No. 74/2023/ND-CP on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector, which comes into force from November 27, 2023.

3  This Article is amended by Clause 2 Article 2 of Government’s Decree No. 74/2023/ND-CP on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector, which comes into force from November 27, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 “Article 5. Implementation

1. This Decree comes into force from November 27, 2023. Clause 7 Article 1 of this Decree shall come into force from October 11, 2024.

2. Transition clauses:

a) Written approvals, decisions, certificates of compliance and certificates of endorsement given or issued before the effective date of this Decree shall remain valid until their prescribed expiry dates;

b) Applications for approvals, decisions, certificates of compliance or certificates of endorsement received before the effective date of this Decree shall continue to be processed in accordance with provisions of legislative documents in force at the time of application receipt;

c) Director General of Vietnam Maritime Administration and Directors of its Branches shall have the jurisdiction to revoke certificates of compliance and certificates of endorsement issued before the effective date of this Decree respectively.

3. This Decree annuls:

a) Article 3, Clauses 6 and 7 Article 4 of the Government’s Decree No. 69/2022/ND-CP dated September 23, 2022;

b) Article 18 of the Government’s Decree No. 29/2017/ND-CP dated March 20, 2017.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5 This form is replaced according to Clause 3 Article 2 and Section 2 of the Appendix of the Government’s Decree No. 74/2023/ND-CP on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector, which comes into force from November 27, 2023.

6  This form is replaced according to Clause 3 Article 2 and Section 2 of the Appendix of the Government’s Decree No. 74/2023/ND-CP on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector, which comes into force from November 27, 2023.

7 This form is replaced according to Clause 3 Article 2 and Section 2 of the Appendix of the Government’s Decree No. 74/2023/ND-CP on amendments to Decrees prescribing division of authority to handle administrative procedures in maritime sector, which comes into force from November 27, 2023.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 50/VBHN-BGTVT ngày 27/10/2023 hợp nhất Nghị định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.275

DMCA.com Protection Status
IP: 3.129.216.15
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!