BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
2205/VBHN-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 08 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ VIỆC ĐẦU TƯ, MUA SẮM CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA CƠ QUAN, TỔ
CHỨC SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7
năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm
công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước,
có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 8 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10
năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều của Quyết định số
169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc
đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức sử dụng
nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2006.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
số 48/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17 tháng 10 năm
2000 của Bộ Chính trị về việc “đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông
tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn
thông,1
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi và đối tượng2
1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về
việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức
sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng: Quyết định này áp dụng đối với
các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị,
chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (sau đây gọi
chung là các cơ quan, tổ chức) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có
nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin
phục vụ cho các hoạt động không nhằm mục đích thương mại.
Điều 2. Quy định về đầu tư, mua
sắm sản phẩm công nghệ thông tin
1. Các cơ quan, tổ chức khi sử dụng nguồn vốn ngân
sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước hoặc vốn vay ưu đãi của tín
dụng đầu tư và phát triển của Nhà nước (sau đây gọi tắt là nguồn vốn ngân sách)
để đầu tư, mua sắm, thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông
tin (sau đây gọi tắt là dự án công nghệ thông tin), phải ưu tiên mua sắm, sử dụng
sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước (sau đây gọi là sản phẩm
công nghệ thông tin) được quy định tại Điều 3 của Quyết định này.
2. Trong trường hợp sản phẩm cần mua là loại trong
nước đã sản xuất được, nhưng do yêu cầu kỹ thuật đặc thù của dự án chỉ có sản
phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được, cơ quan chủ trì dự án phải có hồ sơ giải
trình chi tiết về các yêu cầu đặc thù này gửi xin ý kiến các cơ quan chuyên môn
liên quan và phải được sự thẩm định phê duyệt của cơ quan quản lý cấp Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương. Thủ trưởng các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trực tiếp về
quyết định cho phép mua sắm sản phẩm nhập ngoại nói trên.
3. Các cơ quan, đơn vị khi xây dựng và triển khai
các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải đảm bảo sự cân đối, hợp lý, đồng bộ
giữa mua sắm phần mềm và phần cứng; phải ưu tiên mua sắm, đầu tư xây dựng các
giải pháp, sản phẩm phần mềm và nội dung thông tin số để đảm bảo sự đầu tư ứng
dụng công nghệ thông tin là hiệu quả, tiết kiệm.
4. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về sở
hữu trí tuệ trong mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin, đặc biệt là
các sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số.
5.3 Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử
dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là các sản phẩm của các doanh
nghiệp trong nước khai thác, cung cấp mà có chức năng, tính năng, chất lượng
tương đương phần mềm thương mại, đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các cơ quan,
tổ chức nhà nước.
6. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nhanh chóng xây dựng quy chế và định mức đầu
tư, mua sắm công nghệ thông tin phù hợp với đặc thù các dự án ứng dụng và phát
triển công nghệ thông tin ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án phần mềm.
Điều 3. Tiêu chí các sản phẩm
công nghệ thông tin được ưu tiên
1. Trong Quyết định này, sản phẩm công nghệ thông
tin được hiểu bao gồm:
- Các sản phẩm phần mềm;
- Các sản phẩm nội dung thông tin số;
- Các sản phẩm phần cứng máy tính;
- Các sản phẩm điện tử chuyên dụng và dân dụng;
- Các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin (dịch vụ
tư vấn, thiết kế, đào tạo, chuyển giao công nghệ, bảo hành bảo trì về công nghệ
thông tin và các dịch vụ liên quan khác).
2. Sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên mua sắm
theo Quyết định này phải thỏa mãn các tiêu chí sau:
a) Là sản phẩm công nghệ thông tin thỏa mãn ít nhất
một trong số các yêu cầu sau:
- Được nghiên cứu thiết kế, sản xuất hoàn toàn trên
lãnh thổ Việt Nam;
- Được lắp ráp, chỉnh sửa, nâng cấp hoặc bản địa
hóa trên lãnh thổ Việt Nam mà các hoạt động này đem lại hàm lượng giá trị gia
tăng cao hoặc đem lại nhiều lợi ích thiết thực về chính trị, xã hội;
- Các dịch vụ công nghệ thông tin do các tổ chức,
doanh nghiệp của Việt Nam hoặc các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có giấy
phép đầu tư hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện;
- Các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở do các tổ chức,
doanh nghiệp của Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài có giấy phép đầu tư hoạt
động trên lãnh thổ Việt Nam khai thác, cung cấp.
b) Có chất lượng đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu ứng
dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
nhà nước và các yêu cầu liên quan khác do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ
Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào các quy định trong Điều
này để xây dựng tiêu chí chi tiết, đồng thời tiến hành xây dựng, ban hành và định
kỳ cập nhật danh mục các sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên để làm cơ sở
thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Lựa chọn nhà thầu thực
hiện các gói thầu thuộc dự án công nghệ thông tin
1. Các gói thầu thuộc các dự án công nghệ thông tin
của các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng nguồn vốn ngân sách chi tổ chức đấu thầu
quốc tế trong trường hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước chưa
có khả năng thực hiện, hoặc có thể thực hiện nhưng giá thành quá cao so với nhà
thầu nước ngoài hoặc không chọn được nhà thầu trong nước đáp ứng yêu cầu của hồ
sơ mời thầu. Cho phép các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước
có thể liên danh, liên kết để cùng đấu thầu dự án công nghệ thông tin.
2.4 Đối với các dự án công nghệ
thông tin thực hiện đấu thầu quốc tế, phải có cơ chế ưu tiên cho các nhà thầu
nước ngoài có liên danh với nhà thầu Việt Nam và có cam kết dành cho nhà thầu
Việt Nam khối lượng công việc có giá trị lớn hơn, hoặc có phương án sử dụng nhiều
sản phẩm công nghệ thông tin nội địa hơn.
3. Khi chấm thầu các gói thầu thuộc dự án công nghệ
thông tin dùng nguồn vốn ngân sách, phải có cơ chế ưu tiên cho các nhà thầu có
phương án sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ thông tin nội địa. Khuyến khích hình
thức tổ chức mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin tập trung, hạn chế mua sắm nhỏ
lẻ.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ
Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn chi tiết thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 5. Các cơ chế tài chính
thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin
1. Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng
nguồn vốn ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện được xem xét,
ưu tiên ứng vốn đầu tư tùy theo tính chất cấp bách của từng dự án; việc ứng vốn
được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế quản lý đầu tư
và xây dựng các dự án công nghệ thông tin; đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời
gian khấu hao đối với các sản phẩm công nghệ thông tin cho phù hợp với đặc điểm
thay đổi công nghệ nhanh của các sản phẩm này.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính,
Viễn thông hướng dẫn chi tiết thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban
hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định này.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của
mình ban hành các quy định cụ thể về ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ
thông tin trong nước đã sản xuất được trong các dự án công nghệ thông tin dùng
nguồn vốn vay nợ, nguồn vốn viện trợ của nước ngoài và các nguồn vốn khác.
3. Các Bộ, ngành, địa phương vào quý IV hàng năm có
trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ Bưu chính, Viễn thông về tình hình
thực hiện Quyết định này để Bộ Bưu chính, Viễn thông tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
Điều 7. Điều khoản thi hành5
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể
từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các đối tượng quy định ở Điều 1 có trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thành Hưng
|
1 Quyết định số
223/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số
điều của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của
cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có căn cứ ban hành như
sau:
“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
số 48/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn
thông,”
2 Điều này được sửa đổi
theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg ngày 04
tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều của Quyết định số
169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc
đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức sử dụng
nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2006.
3 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2
Điều 1 của Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ sửa đổi một số điều của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7
năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm
công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước,
có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2006.
4 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3
Điều 1 của Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ sửa đổi một số điều của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7
năn 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm
công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước,
có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2006.
5 Điều 2 của Quyết định số
223/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số
điều của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của
cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày
02 tháng 11 năm 2006 quy định như sau:
“Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính
phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đối
tượng quy định ở Điều 1 có trách nhiệm thi hành Quyết định này.”