Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 01/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn quản lý sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA

Số hiệu: 01/2014/TT-BKHĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Kế hoach Đầu tư Người ký: Bùi Quang Vinh
Ngày ban hành: 09/01/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thủ tục cho tư nhân tiếp cận nguồn vốn ODA

Từ ngày 26/02/2014 để tiếp cận được nguồn vốn ODA, khu vực tư nhân có thể thực hiện một trong số các thủ tục sau đây:

- Gửi hồ sơ đề nghị cho vay theo quy định cho vạy lại đến các tổ chức tài chính, tín dụng được tài trợ cho dự án bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
- Thực hiện theo quy định cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các quy định khác để tham gia thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của CP.
- Đề xuất và thực hiện chương trình, dự án theo các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đây là một số nội dung tiêu biểu tại Thông tư 01/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi.

Thông tư này thay thế Thông tư 04/2007/TT-BKH, 03/2007/TT-BKH và Quyết định 803/2007/QĐ-BKH .

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2014/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 38/2013/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ

Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 38/2013/NĐ-CP) theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

Điều 2. Các nhà tài trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Các nhà tài trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi bao gồm:

1. Các nhà tài trợ song phương:

Chính phủ các nước Ai-len, Anh, Ấn-độ, Áo, Ba Lan, Bỉ, Ca-na-đa, Cô- oét, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hung-ga-ri, I-ta-li-a, Lúc-xăm-bua, Ma-lai-xi-a, Mỹ, Na-uy, Nhật Bản, Niu-di-lân, Ôx-trây-li-a, Phần Lan, Pháp, Séc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Xinh-ga-po, Ấn Độ.

2. Các nhà tài trợ đa phương:

a) Các định chế và các quỹ tài chính quốc tế:

Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (OFID), Quỹ Cô-oét, Quỹ Đầu tư Ả rập, Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF), Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB).

b) Các tổ chức quốc tế và liên Chính phủ:

Liên minh châu Âu (EU), Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Chương trình chung của Liên hợp quốc về Phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc (UN-HABITAT), Chương trình Tình nguyện của Liên hợp quốc (UNV), Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ (UN Women), Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Đầu tư phát triển của Liên hợp quốc (UNCDF), Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).

3. Các nhà tài trợ khác cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi cho Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Quản lý và sử dụng viện trợ phi dự án

1. Viện trợ phi dự án bao gồm:

a) Các khoản viện trợ riêng lẻ, không cấu thành một dự án cụ thể được cung cấp dưới dạng: tiền, hiện vật, mua sắm hàng hoá, chuyên gia, các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo.

b) Các khoản viện trợ khẩn cấp để khắc phục hậu quả trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh hoặc tai họa khác và kéo dài tối đa 3 tháng kể từ khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.

2. Việc quản lý và sử dụng viện trợ phi dự án áp dụng tương tự như đối với các chương trình, dự án tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Thông tư này, trừ quy trình và nội dung thẩm định riêng quy định tại Khoản 4 Điều 12 của Thông tư này.

Điều 4. Khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

Chủ dự án thuộc khu vực tư nhân gửi hồ sơ đề nghị vay vốn theo quy định cho vay lại của tổ chức tài chính, tín dụng trong nước đến các tổ chức tài chính, tín dụng đó để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế về các nguồn vốn này và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng.

Các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước xem xét việc cho vay vốn theo các quy định hiện hành của pháp luật về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

2. Đối với trường hợp tham gia thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

Thực hiện theo quy định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

3. Đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

Chủ dự án thuộc khu vực tư nhân đề xuất và thực hiện chương trình, dự án theo các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

4. Đối với trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

a) Đối với các chương trình, dự án trong giai đoạn xây dựng Danh mục tài trợ:

Cơ quan chủ quản đề xuất chương trình, dự án có mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân thông báo để các tổ chức, đơn vị khu vực tư nhân có nhu cầu phù hợp với mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân của chương trình, dự án gửi đề xuất dự án thành phần (đối với chương trình, dự án ô) hoặc hợp phần của chương trình, dự án mà các tổ chức, đơn vị này tham gia thực hiện. Cơ quan chủ quản tổng hợp, lựa chọn các đề xuất dự án thành phần hoặc hợp phần để xây dựng đề xuất chương trình, dự án và tiến hành các thủ tục tiếp theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Thông tư này;

b) Đối với các chương trình, dự án đã ký kết Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi:

Trường hợp chương trình, dự án đã xác định cụ thể các tổ chức, đơn vị khu vực tư nhân tham gia chương trình, dự án, cơ quan chủ quản chương trình, dự án thông báo để các tổ chức, đơn vị khu vực tư nhân tham gia thực hiện chương trình, dự án trên cơ sở Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết.

Trường hợp chương trình, dự án chưa xác định cụ thể các tổ chức, đơn vị khu vực tư nhân tham gia chương trình, dự án, cơ quan chủ quản chương trình, dự án thông báo để các tổ chức, đơn vị khu vực tư nhân có nhu cầu phù hợp với mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân của chương trình, dự án gửi công văn và các tài liệu theo yêu cầu đề nghị tham gia chương trình, dự án. Cơ quan chủ quản chương trình, dự án quyết định sự tham gia thực hiện chương trình, dự án của tổ chức, đơn vị khu vực tư nhân trên cơ sở Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết.

Chương 2.

XÂY DỰNG VÀ PHÊ DUYỆT DANH MỤC TÀI TRỢ

Điều 5. Xây dựng và phê duyệt Danh mục tài trợ quy định tại Điều 13 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Trên cơ sở định hướng hợp tác và lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và nhà tài trợ cho từng thời kỳ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, căn cứ nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của mình, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công văn đề nghị tài trợ kèm theo Đề xuất chương trình, dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục Ia hoặc Đề xuất viện trợ phi dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục Ib của Thông tư này (sau đây gọi tắt là Đề xuất). Đề xuất được lập thành 08 bản bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh) có đóng dấu xác nhận của cơ quan chủ quản.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan xem xét và trao đổi với nhà tài trợ lựa chọn các đề xuất phù hợp dựa trên các căn cứ sau:

a) Lĩnh vực ưu tiên và cơ sở vận động ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Điều 7 và Điều 11 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP;

b) Mức độ ưu tiên trong hợp tác với nhà tài trợ trong từng thời kỳ.

3. Sau khi lựa chọn các đề xuất phù hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho cơ quan chủ quản và nhà tài trợ phối hợp xây dựng Đề cương chương trình, dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục IIa hoặc Đề cương viện trợ phi dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục IIb của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Đề cương).

Đối với chương trình, dự án ô, cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ quản dự án thành phần xây dựng Đề cương theo mẫu quy định tại Phụ lục IIa ban hành kèm theo Nghị định số 38/2013/NĐ- CP, trong đó phải thể hiện rõ quyền hạn và nghĩa vụ của cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô với vai trò đầu mối điều phối và chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động chung của chương trình, dự án ô; quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan chủ quản dự án thành phần với vai trò phối hợp với cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô và chịu trách nhiệm chính đối với dự án thành phần do mình quản lý và thực hiện.

Đề cương chương trình, dự án ô phải bao gồm:

a) Nội dung các dự án thành phần gồm tên dự án, cơ quan chủ quản và chủ dự án, mục tiêu và các kết quả chủ yếu, thời gian tối đa thực hiện, hạn mức vốn, nguồn và cơ chế tài chính trong nước, các hoạt động thực hiện trước (nếu có);

b) Phương thức phối hợp, cơ chế quản lý và thực hiện chương trình, dự án ô và các dự án thành phần.

4. Đối với Danh mục tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ bao gồm:

- Công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục tài trợ;

- Đề cương chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án được lập thành 08 bản bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh) có đóng dấu xác nhận của cơ quan chủ quản;

- Văn bản, tài liệu về khả năng thu xếp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ theo quy định tại Khoản 6 Điều này. Các văn bản, tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.

b) Quy trình xây dựng và phê duyệt Danh mục tài trợ thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

5. Đối với Danh mục tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

a) Hồ sơ cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan bao gồm:

- Đề cương chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án được lập thành 08 bản bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh) có đóng dấu xác nhận của cơ quan chủ quản;

- Văn bản, tài liệu về khả năng thu xếp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ theo quy định tại Khoản 6 Điều này. Các văn bản, tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.

b) Quy trình xây dựng và phê duyệt Danh mục tài trợ thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

6. Văn bản, tài liệu về khả năng thu xếp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ bao gồm một trong những văn bản, tài liệu sau đây:

a) Văn bản, tài liệu về các chương trình hợp tác phát triển, chiến lược hợp tác quốc gia của nhà tài trợ, trong đó chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án có trong danh mục xem xét tài trợ;

b) Các văn bản thoả thuận về khả năng tài trợ ký giữa các cơ quan, tổ chức Việt Nam và đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ;

c) Công thư của nhà tài trợ thông báo cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam về cam kết tài trợ hoặc khả năng tài trợ.

Điều 6. Xây dựng và phê duyệt Danh mục tài trợ đối với các trường hợp ngoại lệ

1. Trường hợp nhà tài trợ cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi nhưng chưa có chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam: Trên cơ sở chủ động tìm hiểu thông tin, chính sách và các lĩnh vực ưu tiên của nhà tài trợ, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tài trợ kèm theo Đề xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này. Các bước tiếp theo được thực hiện theo quy định tại các Khoản 3 và 4 Điều 13 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và các Khoản 3,4,5 và 6 Điều 5 của Thông tư này.

2. Trường hợp nhà tài trợ chủ động đề xuất và thoả thuận với cơ quan chủ quản việc tài trợ chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án:

a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công văn kèm theo hồ sơ bao gồm:

- Đề cương chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án được lập thành 08 bản bằng hai thứ tiếng (Việt và Anh) có đóng dấu xác nhận của cơ quan chủ quản;

- Văn bản, tài liệu về khả năng thu xếp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này. Các văn bản, tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.

b) Căn cứ công văn đề nghị của cơ quan chủ quản, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan công văn đề nghị góp ý kiến cho Đề cương chương trình, dự án.

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn đề nghị góp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản góp ý của các cơ quan liên quan:

- Trường hợp không phải hoàn thiện Đề cương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phê duyệt Danh mục tài trợ hoặc thông báo cho cơ quan chủ quản phê duyệt Danh mục tài trợ theo thẩm quyền.

- Trường hợp cần hoàn thiện Đề cương: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản góp ý của các cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ hoàn thiện Đề cương làm cơ sở cho việc xem xét phê duyệt Danh mục tài trợ theo thẩm quyền.

3. Trường hợp các chương trình, dự án và viện trợ phi dự án hỗ trợ khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh hoặc tai họa bất thường:

a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan công văn kèm theo Đề cương và công thư của nhà tài trợ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy trình rút gọn đối với việc phê duyệt Danh mục tài trợ.

b) Quy trình rút gọn áp dụng như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của cơ quan chủ quản, các cơ quan liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quá thời hạn này, cơ quan không có ý kiến góp ý được hiểu là đồng ý với đề nghị của cơ quan chủ quản.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của các cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Điều 7. Nội dung quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về thẩm quyền phê duyệt Danh mục tài trợ của Thủ tướng Chính phủ

1. Các khoản ODA viện trợ không hoàn lại là các chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại.

2. Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là hỗ trợ kỹ thuật thông qua các chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án nhằm hỗ trợ trực tiếp công tác chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi với nội dung hoạt động và các khoản chi phí chuẩn bị chương trình, dự án quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

3. Viện trợ mua sắm hàng hóa thuộc diện quản lý của Nhà nước là các trang thiết bị, vật tư, vật liệu, hóa sinh phẩm và các sản phẩm khác thuộc diện cấm xuất nhập khẩu hoặc xuất nhập khẩu có điều kiện do Chính phủ hoặc các cơ quan chức năng của Nhà nước quy định và ban hành theo thẩm quyền.

Điều 8. Các hoạt động thực hiện trước quy định tại Điều 17 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

Căn cứ các hoạt động thực hiện trước trong Đề cương chương trình, dự án kèm theo Danh mục tài trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản và chủ dự án tiến hành các hoạt động sau đây:

1. Đối với việc thành lập Ban Quản lý dự án (sau đây gọi tắt là Ban QLDA) quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 38/2013/NĐ- CP:

a) Cơ quan chủ quản ban hành quyết định về chủ dự án theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này;

b) Chủ dự án hoặc cơ quan chủ quản với vai trò chủ dự án thành lập Ban QLDA theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này. Ban QLDA có nhiệm vụ hỗ trợ chủ dự án trong giai đoạn chuẩn bị dự án bao gồm lập văn kiện chương trình, dự án, hoàn tất hồ sơ để thực hiện các thủ tục về thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, xây dựng Khung chính sách tái định cư, chuẩn bị kế hoạch đấu thầu, tài liệu đấu thầu, hồ sơ mời thầu và các nhiệm vụ khác do cơ quan chủ quản và chủ dự án giao;

c) Sau khi văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án xem xét kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban QLDA trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án của Ban QLDA được thành lập theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này hoặc quyết định thành lập Ban QLDA mới đáp ứng các yêu cầu quy định tại các Điều 15 và 16 của Thông tư này.

2. Các hoạt động quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

Đối với các chương trình, dự án có đàm phán Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi: Cơ quan chủ quản phối hợp với cơ quan chủ trì đàm phán thống nhất với nhà tài trợ tiến độ và nội dung các hoạt động tại Điểm a Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP trong biên bản đàm phán, làm cơ sở để các bên liên quan triển khai ngay các hoạt động này sau khi kết thúc đàm phán.

3. Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động thực hiện trước được bố trí từ vốn chuẩn bị chương trình, dự án quy định tại Điều 23 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện chương trình, dự án quy định tại Điều 43 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, các nguồn vốn khác được nhà tài trợ cung cấp thông qua hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án.

Chương 3.

CHUẨN BỊ, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Điều 9. Cơ quan chủ quản ban hành Quyết định về chủ dự án quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

Căn cứ Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền, trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan chủ quản ban hành quyết định về chủ dự án với những nội dung chính sau:

1. Tên chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án;

2. Tên chủ dự án;

3. Thông tin cơ bản của chủ dự án;

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ dự án trong việc chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và trong quản lý thực hiện các chương trình, dự án hoặc viện trợ phi dự án theo quy định tại Điều 38 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

Điều 10. Quy trình thẩm định văn kiện chương trình, dự án quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều 25 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Cơ quan chủ quản chỉ định một đơn vị trực thuộc làm cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định.

Đối với chương trình, dự án ô, cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô tổ chức thẩm định văn kiện chương trình, dự án ô với sự tham gia của các cơ quan chủ quản dự án thành phần. Sau khi văn kiện chương trình, dự án ô được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan chủ quản dự án thành phần tổ chức thẩm định văn kiện các dự án thành phần phù hợp với quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ô.

2. Căn cứ quy định tại Điều 26 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án, chủ dự án nộp 08 bộ hồ sơ, trong đó có ít nhất 01 bộ hồ sơ gốc để cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định tổ chức thẩm định. Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định thông qua cơ quan chủ quản gửi hồ sơ thẩm định kèm theo công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan góp ý kiến về nội dung văn kiện chương trình, dự án. Trường hợp hồ sơ thẩm định không đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 26 của Nghị định, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định yêu cầu chủ dự án hoàn chỉnh hồ sơ và gửi lại trước khi tiến hành thẩm định.

4. Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn đề nghị kèm theo bộ hồ sơ thẩm định của cơ quan chủ quản, các cơ quan được đề nghị góp ý kiến nêu tại Khoản 3 Điều này phải gửi ý kiến góp ý thẩm định văn kiện chương trình, dự án bằng văn bản về cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định thông qua cơ quan chủ quản.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản góp ý kiến của các cơ quan với thời hạn quy định tại Khoản 4 Điều này, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định tổng hợp ý kiến, lập báo cáo thẩm định, trong đó nêu rõ ý kiến đồng thuận và ý kiến khác nhau giữa các bên.

Trong quá trình thẩm định, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định phải xem xét trình tự, thủ tục và tiến độ thẩm định của nhà tài trợ để đảm bảo sự phối hợp và hài hòa cần thiết, xem xét các nội dung đã thoả thuận với nhà tài trợ, ý kiến thẩm định của nhà tài trợ hoặc đại diện của nhà tài trợ. Cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định có quyền yêu cầu chủ dự án giải trình, bổ sung hồ sơ và trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức hội nghị thẩm định hoặc các cuộc họp để làm rõ các nội dung thẩm định theo quy định.

Trường hợp văn kiện chương trình, dự án chưa đáp ứng yêu cầu, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định thông báo cho chủ dự án về nội dung cần hoàn thiện và thời hạn gửi lại cho cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định để tiến hành các thủ tục tiếp theo.

6. Trên cơ sở kết luận của Báo cáo thẩm định, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định thực hiện công việc sau:

a) Đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ:

- Trường hợp văn kiện chương trình, dự án đủ điều kiện phê duyệt: Cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định dự thảo tờ trình kèm theo báo cáo thẩm định và dự thảo quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án để cơ quan chủ quản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

- Trường hợp văn kiện chương trình, dự án không đủ điều kiện phê duyệt: Cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định báo cáo cơ quan chủ quản để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định việc đưa chương trình, dự án này ra khỏi Danh mục tài trợ.

b) Đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản:

- Trường hợp văn kiện chương trình, dự án đủ điều kiện phê duyệt: Cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định lập tờ trình kèm theo báo cáo thẩm định và dự thảo quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án trình cơ quan chủ quản xem xét và quyết định.

- Trường hợp văn kiện chương trình, dự án không đủ điều kiện phê duyệt: Cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định báo cáo cơ quan chủ quản để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định việc đưa chương trình, dự án này ra khỏi Danh mục tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc để cơ quan chủ quản quyết định việc đưa chương trình, dự án này ra khỏi Danh mục tài trợ theo thẩm quyền.

Điều 11. Nguyên tắc thẩm định văn kiện chương trình, dự án theo quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều 25 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Thẩm định văn kiện chương trình, dự án phải xem xét tính phù hợp với nội dung Đề cương và so sánh, đối chiếu nội dung văn kiện chương trình, dự án và viện trợ phi dự án với nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 38/2013/NĐ- CP. Trường hợp có thay đổi với nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ, cơ quan chủ quản thực hiện theo các quy định tại Điều 19 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

2. Trong trường hợp chương trình, dự án bao gồm cả hợp phần hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư, ngoài nội dung thẩm định như hướng dẫn tại Điều 12 của Thông tư này đối với hợp phần hỗ trợ kỹ thuật, phải thẩm định các nội dung sau đây đối với hợp phần đầu tư:

a) Tính hợp lý về quy mô đầu tư, phương án công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng.

b) Đánh giá tính khả thi của các yếu tố sau đây (nếu có):

- Phương án địa điểm, sử dụng đất đai; chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia.

- Phương án thiết kế cơ sở.

- Giải pháp bảo vệ môi trường, sinh thái, kế hoạch tái định cư; biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội của dự án.

- Các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh; phòng, chống cháy nổ.

Điều 12. Nội dung thẩm định văn kiện chương trình, dự án quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Nội dung thẩm định văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật:

Căn cứ vào hồ sơ thẩm định văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật quy định tại Điều 26 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, trong quá trình thẩm định phải làm rõ những nội dung sau:

a) Tính hợp lý của dự án về:

- Bối cảnh và sự cần thiết.

- Mục tiêu của dự án so với chính sách ưu tiên ở cấp quốc gia và cấp Bộ, ngành và địa phương.

- Kết quả hoặc sản phẩm đầu ra dự kiến so với mục tiêu đề ra của dự án.

- Từng cấu phần và hoạt động cụ thể của từng cấu phần tạo ra kết quả hoặc sản phẩm đầu ra.

- Đối tượng thụ hưởng.

- Cơ cấu phân bổ ngân sách của dự án (ODA viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng) cho các hoạt động bao gồm chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, đào tạo trong và ngoài nước, trang thiết bị và vật tư, chi phí quản lý và các chi phí khác.

b) Tính khả thi của dự án về:

- Yếu tố đầu vào (tài chính, trang thiết bị, chuyên gia và các yếu tố khác) của toàn bộ dự án và của từng hoạt động.

- Quy mô và mức độ đảm bảo vốn của dự án (ODA viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng), cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với dự án.

- Thời gian thực hiện.

- Các giải pháp thực hiện, bao gồm các hoạt động thực hiện trước (nếu có).

- Tổ chức, cơ chế quản lý và thực hiện dự án (bao gồm cơ chế quản lý tài chính, cơ chế phối hợp).

- Khả năng đáp ứng của phía Việt Nam đối với các điều kiện của nhà tài trợ.

- Kế hoạch và biện pháp giám sát, đánh giá và thúc đẩy thực hiện dự án.

- Tác động của dự án.

- Rủi ro và biện pháp phòng ngừa rủi ro.

c) Tính bền vững của dự án về:

- Các yếu tố cần thiết để đảm bảo phát huy tác động của dự án sau khi kết thúc.

- Những cam kết hoặc điều kiện của nhà tài trợ và của phía Việt Nam để đảm bảo tính bền vững của dự án.

2. Nội dung thẩm định văn kiện chương trình

Nội dung thẩm định văn kiện chương trình tương tự như quy định tại Khoản 1 Điều này. Ngoài ra phải làm rõ mối liên kết, cơ chế phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, lãnh thổ và các chủ thể khác nhau nhằm đạt được mục tiêu và kết quả của chương trình.

3. Nội dung thẩm định văn kiện chương trình, dự án ô và văn kiện các dự án thành phần

Nội dung thẩm định văn kiện chương trình, dự án ô và văn kiện các dự án thành phần tương tự như quy định tại Khoản 1 Điều này. Ngoài ra phải đánh giá tính hợp lý và tính khả thi đối với các nội dung sau:

a) Mối quan hệ giữa các hoạt động chính của chương trình, dự án ô với các hoạt động chính của từng dự án thành phần;

b) Cơ cấu phân bổ vốn (ODA và vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng) của chương trình, dự án ô và của các dự án thành phần;

c) Phương thức tổ chức thực hiện và quản lý chương trình, dự án ô.

4. Nội dung và quy trình thẩm định đối với viện trợ phi dự án

a) Đối với viện trợ phi dự án có quy mô tương đương dưới 20.000 đô la Mỹ, cơ quan chủ quản không tiến hành tổ chức thẩm định và căn cứ Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền để quyết định phê duyệt khoản viện trợ phi dự án này;

b) Đối với viện trợ phi dự án có quy mô tương đương từ 20.000 đô la Mỹ trở lên, việc thẩm định văn kiện viện trợ phi dự án thực hiện theo quy trình và nguyên tắc quy định tại các Điều 10 và 11 của Thông tư này. Hồ sơ thẩm định được quy định tại Điều 26 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, trong đó văn kiện viện trợ phi dự án được lập trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung nêu trong Đề cương viện trợ phi dự án thuộc Danh mục tài trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung thẩm định tương tự như quy định tại Điều 12 của Thông tư này. Nếu viện trợ phi dự án chỉ bao gồm hoặc có hoạt động đầu tư, nội dung và quy trình thẩm định thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 25 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

Điều 13. Phê duyệt văn kiện chương trình, dự án quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 27 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Sau khi thẩm định, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định gửi báo cáo thẩm định cho cơ quan chủ quản trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản thông báo cho nhà tài trợ và chủ dự án kết quả phê duyệt, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan quyết định phê duyệt (bản gốc hoặc bản sao có công chứng) kèm theo văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt có đóng dấu giáp lai của cơ quan chủ quản. Đối với các chương trình, dự án ô, cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô và cơ quan chủ quản dự án thành phần có trách nhiệm thông báo cho nhau về kết quả phê duyệt.

Chương 4.

QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Điều 14. Các hình thức quản lý chương trình, dự án quy định tại Điều 36 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Trường hợp cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án trực tiếp quản lý chương trình, dự án quy định tại các Khoản 1 và 2, Điều 36 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

a) Trường hợp thành lập Ban QLDA, chủ dự án hoặc cơ quan chủ quản với vai trò là chủ dự án ban hành quyết định thành lập Ban QLDA theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP;

b) Trường hợp không thành lập Ban QLDA, chủ dự án hoặc cơ quan chủ quản với vai trò là chủ dự án sử dụng bộ máy hiện có để trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Điều 42 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP;

c) Trường hợp cơ quan chủ quản với vai trò là chủ dự án, cơ quan chủ quản phải ban hành văn bản phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn giữa vai trò cơ quan chủ quản và vai trò chủ dự án trong tổ chức quản lý và thực hiện chương trình, dự án để đảm bảo tính khách quan và trách nhiệm giải trình.

2. Trường hợp thuê tổ chức tư vấn quản lý chương trình, dự án quy định tại Khoản 3, Điều 36 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

a) Căn cứ hình thức thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án nêu trong văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ dự án thuê tổ chức tư vấn làm nhiệm vụ của Ban QLDA hoặc quản lý một phần chương trình, dự án;

b) Việc lựa chọn, ký hợp đồng thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Hợp đồng thuê tư vấn quản lý dự án phải nêu rõ phạm vi công việc và nội dung quản lý; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức tư vấn và của chủ dự án;

c) Khi áp dụng hình thức thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án, chủ dự án vẫn phải sử dụng các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của mình hoặc chỉ định đầu mối để kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của tổ chức tư vấn quản lý dự án và chịu trách nhiệm cuối cùng về việc tổ chức quản lý dự án, chi phí, chất lượng, tiến độ thực hiện dự án và trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do tổ chức tư vấn quản lý dự án gây ra.

Điều 15. Thành lập Ban QLDA quy định tại Điều 39 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc sau khi văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, căn cứ Quyết định về chủ dự án quy định tại Điều 9 của Thông tư này, chủ dự án ban hành Quyết định thành lập Ban QLDA theo Mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

Việc thành lập Ban QLDA phải xem xét khả năng sử dụng các Ban QLDA chuyên nghiệp hoặc các Ban QLDA hiện có của chủ dự án để nâng cao chất lượng và giảm chi phí quản lý trên cơ sở sử dụng năng lực, kinh nghiệm của các cán bộ quản lý dự án.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ký Quyết định thành lập Ban QLDA theo quy định tại Khoản 4 Điều 39 của Nghị định số 38/2013/NĐ- CP, căn cứ Quyết định về chủ dự án quy định tại Điều 9 của Thông tư này, chủ dự án ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban QLDA trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Ban QLDA theo Mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký Quyết định thành lập Ban QLDA, cơ quan quyết định thành lập Ban QLDA gửi bản sao Quyết định có công chứng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khác và nhà tài trợ để phối hợp trong công tác quản lý và thực hiện chương trình, dự án.

3. Cơ cấu tổ chức và nhân sự của Ban QLDA:

a) Căn cứ vào nội dung, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động, phương thức tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án, Giám đốc Ban QLDA đề xuất cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án quyết định về cơ cấu tổ chức của Ban QLDA, có thể bao gồm các đơn vị chức năng về hành chính, nhân sự và đào tạo, kế hoạch, đấu thầu, tài chính trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban QLDA. Đối với dự án đầu tư, có thể thành lập thêm các đơn vị phụ trách công tác giải phóng mặt bằng, giám sát thiết kế, thi công;

b) Các chức danh chủ chốt của Ban QLDA bao gồm: Giám đốc Ban QLDA, Phó Giám đốc Ban QLDA (nếu có), Kế toán trưởng hoặc Phụ trách kế toán Ban QLDA được bổ nhiệm trong quyết định thành lập Ban QLDA, trong đó Giám đốc và Kế toán trưởng hoặc Phụ trách kế toán Ban QLDA phải là người của phía Việt Nam. Các chức danh khác trong Ban QLDA do Giám đốc Ban QLDA tuyển chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ đãi ngộ của các chức danh này phải được quy định cụ thể và thông báo cho cơ quan chủ quản và các bên liên quan;

c) Các yêu cầu cơ bản đối với tổ chức và nhân sự của Ban QLDA:

- Ban QLDA phải có cơ cấu tổ chức thích hợp, có đủ nhân sự với năng lực, kinh nghiệm phù hợp đảm bảo việc quản lý thực hiện chương trình, dự án hiệu quả và bền vững.

- Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của từng đơn vị (nếu có); mối quan hệ công tác giữa các đơn vị phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban QLDA.

Trường hợp cán bộ của Ban QLDA được điều động từ các cơ quan, đơn vị khác phải được sự nhất trí bằng văn bản của các tổ chức này.

Việc lựa chọn, thuê tuyển cán bộ từ bên ngoài phải căn cứ vào văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

4. Con dấu và tài khoản của Ban QLDA:

Ban QLDA được phép sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật hoặc con dấu của cơ quan chủ quản, chủ dự án theo quy định của cơ quan để phục vụ việc quản lý và thực hiện chương trình, dự án.

Ban QLDA được mở tài khoản của chương trình, dự án tại Kho bạc Nhà nước và tại ngân hàng thương mại phù hợp với các quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ.

5. Kinh phí hoạt động của Ban QLDA:

Kinh phí hoạt động của Ban QLDA được trích từ nguồn vốn chuẩn bị chương trình, dự án quy định tại Điều 23 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án quy định tại Điều 43 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP hoặc sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ.

6. Quản lý và sử dụng tài sản do chủ dự án giao cho Ban QLDA để phục vụ công tác quản lý và thực hiện chương trình, dự án:

a) Tài sản do chủ dự án giao cho Ban QLDA để phục vụ công tác quản lý và thực hiện chương trình, dự án phải được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, đúng mục đích và đúng đối tượng theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ;

b) Trường hợp các đơn vị tư vấn, nhà thầu bàn giao, tặng, để lại tài sản cho Ban QLDA, Ban QLDA có văn bản đề nghị chủ dự án cho phép quản lý, sử dụng trong thời gian thực hiện chương trình, dự án và sẽ ban giao lại cho chủ dự án sau khi chương trình, dự án kết thúc.

7. Kết thúc chương trình, dự án và giải thể Ban QLDA:

a) Thời điểm kết thúc chương trình, dự án ODA được quy định tại Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ.

Trong thời hạn 6 tháng sau khi kết thúc chương trình, dự án, Ban QLDA phải gửi chủ dự án báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán chương trình, dự án để chủ dự án trình cơ quan chủ quản, đồng thời Ban QLDA bàn giao các tài sản được chủ dự án giao quản lý cho chủ dự án theo quy định của pháp luật.

Sau khi báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và việc bàn giao các tài sản cho chủ dự án đã hoàn thành, chủ dự án hoặc cơ quan chủ quản với vai trò là chủ dự án sẽ ban hành Quyết định kết thúc chương trình, dự án và giải thể Ban QLDA.

b) Trường hợp chưa thể kết thúc được các công việc nêu trên trong thời hạn quy định, trên cơ sở văn bản giải trình của Ban QLDA, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của cơ quan chủ quản, chủ dự án ban hành văn bản cho phép gia hạn tối đa 6 tháng để Ban QLDA tiếp tục hoàn thành các công việc dở dang và đảm bảo kinh phí cần thiết để Ban QLDA duy trì hoạt động trong thời gian gia hạn.

c) Đối với trường hợp Ban QLDA quản lý nhiều chương trình, dự án, chủ dự án sẽ ban hành Quyết định kết thúc từng chương trình, dự án cụ thể, đồng thời điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ban QLDA trên cơ sở tuân thủ các quy định của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Thông tư này.

Điều 16. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban QLDA quy định tại Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Hỗ trợ chủ dự án lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP:

Ban QLDA hỗ trợ chủ dự án xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án (kế hoạch giải ngân, kế hoạch chi tiêu, kế hoạch đấu thầu,...) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong các kế hoạch này phải xác định rõ các nguồn lực sử dụng, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí chấp nhận kết quả đối với từng hoạt động của chương trình, dự án để làm cơ sở theo dõi, đánh giá.

Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án phải được cơ quan chủ quản phê duyệt chậm nhất 3 tháng trước ngày khởi động chương trình, dự án.

Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm phải được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ, phù hợp với lịch biểu xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hàng năm cho chương trình, dự án của cơ quan chủ quản và tiến độ thực hiện chương trình, dự án theo Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết.

2. Hỗ trợ chủ dự án trong công tác chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

3. Thực hiện các hoạt động đấu thầu và hỗ trợ chủ dự án trong công tác quản lý hợp đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

a) Thực hiện nhiệm vụ về đấu thầu do chủ dự án giao phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định đấu thầu của nhà tài trợ;

b) Quản lý việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng đã được người có thẩm quyền ký kết với nhà thầu (trên các phương diện: tiến độ, khối lượng, chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường). Theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động và kết quả hoạt động của nhà thầu. Kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện các hợp đồng theo thẩm quyền;

c) Tổ chức thực hiện nghiệm thu sản phẩm, thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.

4. Hỗ trợ chủ dự án trong công tác giải ngân, quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

Thực hiện các thủ tục giải ngân, quản lý tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định của nhà tài trợ.

5. Thực hiện công tác theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

Tổ chức theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án theo quy định tại Điều 55 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CPĐiều 24 của Thông tư này.

6. Chuẩn bị để chủ dự án nghiệm thu và bàn giao các kết quả đầu ra của chương trình, dự án sau khi hoàn thành; hoàn tất công tác kiểm toán, bàn giao tài sản của chương trình, dự án; lập báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán chương trình, dự án theo quy định tại tại Điểm e Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, trong đó:

a) Chuẩn bị để chủ dự án nghiệm thu chương trình, dự án và bàn giao chương trình, dự án đã hoàn thành cho đơn vị tiếp nhận theo quy định để vận hành, khai thác;

b) Lập báo cáo kết thúc chương trình, dự án và báo cáo quyết toán chương trình, dự án trong thời hạn quy định tại Điều 49 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ dự án giao theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, bao gồm:

a) Quản lý hành chính và chức năng điều phối:

- Tổ chức văn phòng và quản lý nhân sự Ban QLDA.

- Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, tập hợp, phân loại, lưu trữ toàn bộ thông tin, tư liệu gốc liên quan đến chương trình, dự án và Ban quản lý dự án theo các quy định của pháp luật.

- Đại diện theo ủy quyền của chủ dự án trong các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện được xác định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban QLDA và tại các văn bản ủy quyền.

- Làm đầu mối của chủ dự án và các cơ quan tham gia thực hiện chương trình, dự án trong việc liên hệ với nhà tài trợ về các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.

- Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng của chủ dự án tham gia các hoạt động của chương trình, dự án.

b) Trách nhiệm về minh bạch và giải trình:

- Thiết lập và tổ chức thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ, bao gồm kiểm soát tài chính của chương trình, dự án.

- Chuẩn bị để chủ dự án thông báo công khai nội dung, tổ chức, tiến độ thực hiện và ngân sách của chương trình, dự án cho những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chương trình, dự án và chính quyền địa phương, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa bàn dự án.

- Cung cấp các thông tin chính xác và trung thực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhà tài trợ, các cơ quan thông tin đại chúng và cá nhân liên quan trong khuôn khổ nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, ngoại trừ những thông tin được giới hạn phổ biến theo luật định.

Điều 17. Sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện chương trình, dự án quy định tại Điều 48 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án dẫn đến thay đổi về nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ: thực hiện theo Khoản 1 Điều 48 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP. Thủ tục phê duyệt văn kiện chương trình, dự án sửa đổi và bổ sung thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

2. Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án dẫn đến sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi:

a) Nếu việc sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án dẫn đến thay đổi về nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ: thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, làm cơ sở để tiến hành sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

b) Nếu việc sửa đổi, bổ sung không dẫn đến thay đổi về nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ: Cơ quan chủ quản tiến hành các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt văn kiện chương trình, dự án sửa đổi và bổ sung thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này, làm cơ sở để tiến hành sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

3. Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án không dẫn đến thay đổi về nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ và không dẫn đến sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi: Cơ quan chủ quản tiến hành các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt văn kiện chương trình, dự án sửa đổi và bổ sung thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

4. Phê duyệt văn kiện chương trình, dự án sửa đổi và bổ sung.

a) Đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ:

- Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan công văn đề nghị góp ý kiến kèm theo đề xuất và lý do sửa đổi, bổ sung nội dung văn kiện chương trình, dự án và văn bản thống nhất của nhà tài trợ;

- Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, trong vòng 10 ngày làm việc cơ quan chủ quản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung thay đổi.

b) Đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản:

- Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan công văn đề nghị góp ý kiến kèm theo đề xuất và lý do sửa đổi, bổ sung nội dung văn kiện chương trình, dự án và văn bản thống nhất của nhà tài trợ;

- Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, trong vòng 10 ngày làm việc cơ quan chủ quản ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan.

Chương 5.

LẬP VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN VÀ KẾ HOẠCH VỐN CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Điều 18. Lập và phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án được lập cho toàn bộ thời gian thực hiện chương trình, dự án và phải bao gồm tất cả các hợp phần, hạng mục, nhóm hoạt động, nguồn lực và tiến độ thực hiện dự kiến kèm theo.

2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ký kết Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi, căn cứ vào văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi, chủ dự án phối hợp với nhà tài trợ lập hoặc rà soát, cập nhật kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án, trình cơ quan chủ quản xem xét và phê duyệt.

3. Đối với chương trình, dự án ô, kế hoạch tổng thể phải bao gồm kế hoạch tổng thể của các dự án thành phần. Thủ trưởng cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô phê duyệt kế hoạch tổng thể chương trình, dự án ô; thủ trưởng cơ quan chủ quản dự án thành phần phê duyệt kế hoạch tổng thể dự án thành phần.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án, cơ quan chủ quản chương trình, dự án, kể cả chương trình, dự án ô, gửi Quyết định phê duyệt kèm theo kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ phục vụ công tác giám sát, đánh giá và phối hợp thực hiện chương trình, dự án.

Điều 19. Lập và phê duyệt kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 và Điểm a Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án được lập cho từng năm và phải bao gồm thông tin chi tiết nội dung các hợp phần (phân theo hợp phần hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư), các hạng mục và hoạt động chính, các nguồn vốn, kể cả vốn đối ứng và tiến độ thực hiện dự kiến kèm theo.

Kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án làm cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng quý, phục vụ công tác điều hành, theo dõi và đánh giá, tình hình thực hiện chương trình, dự án đồng thời để chủ dự án lập và trình cơ quan chủ quản kế hoạch phân bổ vốn hàng năm theo quy định về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

2. Trên cơ sở kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt và căn cứ vào kế hoạch giải ngân theo Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết, Ban QLDA phối hợp với nhà tài trợ lập kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án, trình chủ dự án xem xét và phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình, dự án, chủ dự án gửi cho cơ quan chủ quản và thông qua cơ quan chủ quản gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ Quyết định phê duyệt kèm theo kế hoạch hàng năm phục vụ công tác giám sát, đánh giá và phối hợp thực hiện chương trình, dự án.

Điều 20. Lập và phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn hàng năm của các chương trình, dự án quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Kế hoạch phân bổ vốn hàng năm của chương trình, dự án bao gồm kế hoạch phân bổ vốn ODA và vốn vay ưu đãi (ODA viện trợ không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi) và kế hoạch phân bổ vốn đối ứng, trong đó:

a) Kế hoạch phân bổ vốn ODA và vốn vay ưu đãi được xây dựng theo nguồn vốn xây dựng cơ bản (đối với dự án hoặc hợp phần đầu tư), hành chính sự nghiệp (đối với dự án hoặc hợp phần hỗ trợ kỹ thuật), hỗ trợ ngân sách, cho vay lại phân theo từng nhà tài trợ. Việc xây dựng kế hoạch này thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục Va của Thông tư này;

b) Kế hoạch phân bổ vốn đối ứng hàng năm được xây dựng theo vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng trong nước, vốn tự có của chủ dự án và các nguồn vốn trong nước khác theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng kế hoạch này thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục Vb của Thông tư này.

2. Đối với các chương trình, dự án có vốn thuộc diện ngân sách nhà nước cấp phát:

a) Hàng năm vào thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, chủ dự án gửi cho cơ quan chủ quản kế hoạch dự kiến phân bổ vốn để tổng hợp vào kế hoạch ngân sách hàng năm của cơ quan chủ quản. Trên cơ sở kế hoạch ngân sách hàng năm của các cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ngân sách nhà nước và phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ và Quốc hội xem xét và phê duyệt;

b) Quy trình giao kế hoạch vốn hàng năm cho các chương trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Đối với các chương trình, dự án có vốn thuộc diện ngân sách nhà nước cho vay lại:

Hàng năm, vào cùng thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, chủ dự án lập kế hoạch phân bổ vốn hàng năm gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Chủ dự án có trách nhiệm tự cân đối đủ vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện của chương trình, dự án.

4. Đối với các chương trình, dự án có vốn hỗn hợp vừa cấp phát, vừa cho vay lại:

Tùy theo tính chất của từng hợp phần chương trình, dự án (cấp phát hay cho vay lại), chủ dự án áp dụng quy trình lập và trình duyệt kế hoạch của chương trình, dự án tương ứng với từng hợp phần của chương trình, dự án theo quy định tại các Khoản 2 và 3 của Điều này.

Chương 6.

GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Điều 21. Đánh giá chương trình, dự án quy định tại các Điều 52 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Đánh giá chương trình, dự án bao gồm các giai đoạn sau:

a) Đánh giá ban đầu;

b) Đánh giá giữa kỳ;

c) Đánh giá kết thúc;

d) Đánh giá tác động.

Tùy thuộc tính chất của chương trình, dự án và yêu cầu của cơ quan chủ quản hoặc nhà tài trợ, chương trình, dự án tiến hành đánh giá theo một số hoặc tất cả các giai đoạn nêu trên. Ngoài đánh giá định kỳ, việc đánh giá đột xuất có thể được tiến hành khi cần thiết.

2. Nội dung đánh giá ban đầu:

Đánh giá ban đầu do chủ dự án thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập hoặc giao Ban QLDA tiến hành sau khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án. Đánh giá ban đầu tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Đánh giá công tác chuẩn bị thực hiện, tổ chức, huy động các nguồn lực của Ban QLDA để đảm bảo việc thực hiện chương trình, dự án theo đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra;

b) Đánh giá những vướng mắc, phát sinh mới xuất hiện so với thời điểm phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và đề xuất phương hướng giải quyết;

c) Phát hiện và đề xuất các biện pháp giải quyết đối với những vấn đề phát sinh do các nguyên nhân khách quan (môi trường pháp lý có những thay đổi, yêu cầu thay đổi tiến độ hoặc nội dung một số hạng mục cho phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất, tập quán, dân cư,…) hay do các nguyên nhân chủ quan (năng lực và cơ cấu tổ chức của chủ dự án, Ban QLDA,…).

Kết quả đánh giá ban đầu được sử dụng để rà soát, cập nhật kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình, dự án cho năm đầu tiên.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá ban đầu của chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập hoặc Ban QLDA, chủ dự án có trách nhiệm gửi báo cáo này và báo cáo phản hồi của mình cho cơ quan chủ quản và nhà tài trợ, trong đó phân tích các phát hiện, các vấn đề và các đề xuất của báo cáo đánh giá, nêu rõ các biện pháp xử lý, giải quyết vấn đề, các hoạt động cần thiết để đáp ứng các đề xuất, các bài học kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và các chương trình, dự án Nhóm A, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo đánh giá ban đầu của chủ dự án, cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá này và ý kiến của mình cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác giám sát và đánh giá ở cấp quốc gia.

3. Nội dung đánh giá giữa kỳ:

Đánh giá giữa kỳ do chủ dự án thuê chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập tiến hành vào giữa thời gian thực hiện chương trình, dự án hoặc sau khi kết thúc một giai đoạn đối với chương trình, dự án gồm nhiều giai đoạn. Đánh giá giữa kỳ tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Đánh giá sự phù hợp của kết quả thực hiện với mục tiêu của chương trình, dự án;

b) Đánh giá khối lượng và chất lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch thực hiện của chương trình, dự án;

c) Phát hiện và đánh giá những vướng mắc, phát sinh mới xuất hiện trong quá trình thực hiện chương trình, dự án do các nguyên nhân khách quan (môi trường pháp lý có những thay đổi, yêu cầu thay đổi tiến độ hoặc nội dung một số hạng mục cho phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất, tập quán, dân cư,…) hay do các nguyên nhân chủ quan (năng lực và cơ cấu tổ chức của chủ dự án, Ban QLDA,…);

d) Đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo chương trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ và bảo đảm chất lượng đề ra trong thời gian còn lại hoặc gia đoạn tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết, khuyến nghị điều chỉnh nội dung, tái cấu trúc hoặc phương án sử dụng vốn dư của chương trình, dự án.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá giữa kỳ của chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập, chủ dự án có trách nhiệm gửi báo cáo này và báo cáo phản hồi của mình cho cơ quan chủ quản và nhà tài trợ, trong đó phân tích các phát hiện, các vấn đề và các đề xuất của báo cáo đánh giá, nêu rõ các biện pháp xử lý, giải quyết vấn đề, các hoạt động cần thiết để đáp ứng các đề xuất, các bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức quản lý và thực hiện chương trình, dự án.

Đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và các chương trình, dự án Nhóm A, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo đánh giá giữa kỳ của chủ dự án, cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi báo cáo này và ý kiến kết luận của mình cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác giám sát và đánh giá ở cấp quốc gia.

4. Nội dung đánh giá kết thúc:

Đánh giá kết thúc chương trình, dự án do chủ dự án thuê chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập tiến hành và phải được hoàn thành trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc chương trình, dự án theo quy định tại Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi. Đánh giá kết thúc được sử dụng làm cơ sở để lập báo cáo kết thúc chương trình, dự án.

Đánh giá kết thúc tập trung vào xem xét và đánh giá toàn diện các khâu trong chu trình dự án, bao gồm:

a) Đánh giá công tác chuẩn bị và chuẩn bị thực hiện chương trình, dự án;

b) Đánh giá kết quả thực hiện chương trình, dự án, bao gồm: tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án; bố trí vốn và huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, dự án; các hoạt động, kết quả đầu ra và kết quả cuối cùng của chương trình, dự án; các lợi ích trực tiếp và gián tiếp do chương trình, dự án mang lại cho các đối tượng thụ hưởng;

c) Đánh giá các tác động của chương trình, dự án sau khi hoàn thành, bao gồm các tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực;

d) Đánh giá tính bền vững của chương trình, dự án và các yếu tố đảm bảo;

đ) Các bài học rút ra trong công tác chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện, thực hiện chương trình, dự án;

e) Đưa ra các khuyến nghị cần thiết đảm bảo hiệu quả của chương trình, dự án.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá kết thúc của chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập, chủ dự án có trách nhiệm gửi báo cáo này và báo cáo phản hồi của mình cho cơ quan chủ quản và nhà tài trợ.

Đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và các chương trình, dự án Nhóm A, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo đánh giá kết thúc của chủ dự án, cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi báo cáo này và ý kiến kết luận của mình cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác giám sát và đánh giá ở cấp quốc gia.

5. Đánh giá tác động (Đánh giá sau dự án):

Trên cơ sở kế hoạch hàng năm về đánh giá tác động chương trình, dự án do Bộ Kế hoạch và đầu tư giao, cơ quan chủ quản chủ trì và thuê chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập đánh giá tác động chương trình, dự án theo thẩm quyền. Đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, việc đánh giá tác động là do cơ quan tư vấn độc lập được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn hoặc uỷ quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn.

Đánh giá tác động các chương trình, dự án được tiến hành trong vòng 3 năm kể từ ngày đưa chương trình, dự án vào khai thác, sử dụng và tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:

a) Thực trạng kinh tế, kỹ thuật của chương trình, dự án trong quá trình vận hành khai thác, sử dụng;

b) Tác động của chương trình, dự án tới các mặt kinh tế - chính trị - xã hội;

c) Tác động của chương trình, dự án tới môi trường sinh thái;

d) Tính bền vững của chương trình, dự án;

đ) Các bài học rút ra trong khâu thiết kế, thực hiện, quản lý và vận hành chương trình, dự án.

Đối với các chương trình, dự án Nhóm A, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đánh giá tác động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá tác động của chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập và báo cáo phản hồi của mình cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác đánh giá hiệu quả viện trợ ở cấp quốc gia.

Đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đánh giá tác động, căn cứ báo cáo đánh giá tác động của cơ quan tư vấn độc lập và báo cáo phản hồi của cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả đánh giá tác động.

6. Nội dung đánh giá đột xuất:

Đánh giá đột xuất được tiến hành trong những trường hợp có những vướng mắc, khó khăn, tác động phát sinh ngoài dự kiến trong quá trình thực hiện chương trình, dự án. Đánh giá đột xuất tập trung làm rõ những vấn đề sau:

a) Xác định tình trạng và bản chất những phát sinh ngoài dự kiến;

b) Đánh giá ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện chương trình, dự án, đến khả năng hoàn thành mục tiêu đã đề ra;

c) Đề xuất các biện pháp, các cơ quan có trách nhiệm xử lý và thời hạn thực hiện.

Cơ quan chủ quản chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức đoàn đánh giá đột xuất. Kết quả đánh giá đột xuất là cơ sở để cơ quan chủ quản can thiệp kịp thời, triển khai các biện pháp xử lý cần thiết để ngăn ngừa sự thất bại của chương trình, dự án. Trong trường hợp các biện pháp xử lý vượt quá thẩm quyền, cơ quan chủ quản gửi văn bản kèm theo báo cáo kết quả đánh giá đột xuất đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định theo thẩm quyền.

Điều 22. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong công tác giám sát và đánh giá quy định tại Điều 53 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Đối với công tác giám sát, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chính sau đây:

a) Kiểm tra tính đầy đủ, cập nhật tính chính xác của các thông tin theo dõi chương trình, dự án do chủ dự án cung cấp và việc thực hiện hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP;

b) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CPĐiều 27 của Thông tư này;

c) Giám sát những thay đổi so với kế hoạch thực hiện và bố trí vốn của các chương trình, dự án về tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân, công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội (nếu có);

d) Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh thuộc thẩm quyền. Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, cơ quan chủ quản có trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân chương trình, dự án;

đ) Bảo đảm các nguồn lực cần thiết (cán bộ, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật và các vấn đề có liên quan khác) cho hoạt động giám sát chương trình, dự án tại cơ quan chủ quản. Hỗ trợ và tăng cường năng lực giám sát chương trình, dự án trong nội bộ cơ quan chủ quản và các chủ dự án thuộc thẩm quyền quản lý;

e) Tổ chức kiểm tra ít nhất mỗi năm một lần tình hình thực hiện chương trình, dự án và sự tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ về quản lý chương trình, dự án.

2. Đối với công tác đánh giá, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chính sau đây:

a) Trên cơ sở kế hoạch hàng năm về đánh giá tác động chương trình, dự

án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao, cơ quan chủ quản bố trí vốn và các nguồn lực cần thiết để tổ chức đánh giá tác động các chương trình, dự án theo thẩm quyền. Trường hợp nhà tài trợ và cơ quan chủ quản tiến hành đánh giá chung, kế hoạch đánh giá tác động của cơ quan chủ quản phải thể hiện rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong quá trình đánh giá;

b) Xem xét và có ý kiến kết luận đối với báo cáo đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá đột xuất; có ý kiến nhận xét đối với báo cáo đánh giá tác động các chương trình, dự án ODA thuộc thẩm quyền;

c) Xem xét và phê duyệt báo cáo kết thúc chương trình, dự án do chủ dự án trình và gửi báo cáo này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan và nhà tài trợ.

Điều 23. Trách nhiệm của chủ dự án trong công tác giám sát và đánh giá quy định tại Điều 54 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Đối với công tác giám sát, chủ dự án có trách nhiệm chính sau đây:

a) Bố trí các nguồn lực cần thiết đảm bảo cho công tác theo dõi của Ban QLDA;

b) Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra tính đầy đủ, tính cập nhật và tính chính xác của các thông tin theo dõi chương trình, dự án do Ban QLDA thực hiện;

c) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CPĐiều 26 của Thông tư này;

d) Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền nảy sinh trong quá trình thực hiện chương trình, dự án do Ban QLDA báo cáo. Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo cơ quan chủ quản để kịp thời xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân chương trình, dự án;

đ) Chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác giám sát định kỳ hàng năm của cơ quan chủ quản;

e) Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ trong quản lý chương trình, dự án của Ban QLDA.

2. Đối với công tác đánh giá, chủ dự án có trách nhiệm chính sau đây:

a) Phê duyệt kế hoạch đánh giá, bố trí vốn và các nguồn lực cần thiết cho công tác đánh giá theo thẩm quyền;

b) Chủ trì phối hợp với nhà tài trợ tổ chức đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc chương trình, dự án; phối hợp với cơ quan chủ quản, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tiến hành đánh giá tác động, đánh giá đột xuất chương trình, dự án;

c) Lập và trình cơ quan chủ quản báo cáo kết thúc chương trình, dự án.

Điều 24. Trách nhiệm của Ban QLDA trong công tác theo dõi và đánh giá quy định tại Điều 55 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Đối với công tác theo dõi, Ban QLDA có trách nhiệm chính sau đây:

a) Theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện chương trình, dự án: Tiến độ và khối lượng thực hiện, chất lượng, chi phí, các biến động;

b) Hỗ trợ chủ dự án thực hiện chế độ báo cáo theo quy định theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CPĐiều 26 của Thông tư này;

c) Theo dõi, cập nhật tình hình quản lý chương trình, dự án, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của nhà tài trợ trong quản lý chương trình, dự án của Ban QLDA;

d) Hỗ trợ chủ dự án chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác giám sát định kỳ hàng năm của cơ quan chủ quản;

đ) Theo dõi, cập nhật tình hình xử lý, phản hồi thông tin: Tình hình bảo đảm thông tin báo cáo, tình hình xử lý thông tin báo cáo, tình hình và kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc của chủ dự án, cơ quan chủ quản, các cơ quan có thẩm quyền và nhà tài trợ.

2. Đối với công tác đánh giá, Ban QLDA có trách nhiệm chính sau đây:

a) Lập kế hoạch đánh giá chương trình và dự án trình chủ dự án phê duyệt;

b) Hỗ trợ chủ dự án tổ chức đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc chương trình, dự án; hỗ trợ chủ dự án trong việc phối hợp với cơ quan chủ quản tổ chức đánh giá đột xuất chương trình, dự án;

c) Lập báo cáo kết thúc chương trình, dự án trình chủ dự án trên cơ sở báo cáo đánh giá kết thúc chương trình, dự án theo mẫu Đề cương Báo cáo kết thúc chương trình, dự án nêu tại Mẫu V-GSĐG 5 trong Phụ lục V của Thông tư này.

Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác giám sát và đánh giá quy định tại Điều 56 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP

1. Đối với công tác giám sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chính sau đây:

a) Tổ chức thiết lập và vận hành hệ thống giám sát ở cấp quốc gia và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác này;

b) Lập kế hoạch giám sát hàng năm ở cấp quốc gia trên cơ sở báo cáo giám sát của các cơ quan chủ quản và kết quả các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện danh mục các chương trình, dự án với nhà tài trợ;

c) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Khoản 3 Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CPKhoản 1 Điều 28 của Thông tư này; giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo ODA và vốn vay ưu đãi ở các cấp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện công tác này;

d) Xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền nêu trong báo cáo của chủ dự án, cơ quan chủ quản và nhà tài trợ; đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình hình thực hiện chương trình, dự án và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan giám sát việc tuân thủ pháp luật và điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này ở các cấp;

e) Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả giám sát hàng năm ở cấp quốc gia.

2. Đối với công tác đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chính sau đây:

a) Lập kế hoạch đánh giá ODA và vốn vay ưu đãi hàng năm ở cấp quốc gia và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương và nhà tài trợ tổ chức thực hiện kế hoạch đánh giá này;

b) Phối hợp với các cơ quan chủ quản và nhà tài trợ lựa chọn các chương trình, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng để xây dựng kế hoạch đánh giá tác động hàng năm vào thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm;

c) Tổ chức thực hiện đánh giá tác động chương trình, dự án trọng điểm quốc gia khi được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền; phối hợp với các cơ quan chủ quản trong việc thực hiện đánh giá tác động chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan chủ quản;

d) Phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Điều 26. Chế độ báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cấp chủ dự án quy định tại Khoản 1 Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

1. Đối với các chương trình, dự án:

Chủ dự án có nhiệm vụ lập báo cáo về tình hình thực hiện chương trình, dự án gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ.

Bộ mẫu biểu báo cáo cấp chủ dự án gồm các mẫu biểu báo cáo tháng theo Mẫu V-GSĐG 1, báo cáo quý theo Mẫu V-GSĐG 2, báo cáo năm theo Mẫu V- GSĐG 3 và báo cáo kết thúc chương trình, dự án theo Mẫu V-GSĐG 4 trong Phụ lục V của Thông tư này. Ban QLDA phải xây dựng và trình các báo cáo nêu trên lên chủ dự án để chủ dự án gửi các báo cáo này cho cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan.

a) Báo cáo tháng

Báo cáo tháng chỉ áp dụng đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các dự án đầu tư nhóm A.

Trong thời hạn 10 ngày sau khi kết thúc tháng, chủ dự án phải gửi Báo cáo tháng về tình hình thực hiện chương trình, dự án theo Mẫu VI-GSĐG 1 trong Phụ lục V của Thông tư này (trừ các tháng có báo cáo quý quy định tại Điểm b Khoản này) bằng văn bản và thư điện tử về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án. Riêng Biểu Phụ đính GSĐG 1.1 chỉ gửi một lần trong kỳ báo cáo tháng đầu tiên và chỉ phải gửi lại khi có thay đổi trong văn bản Điều ước cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký kết.

b) Báo cáo quý

Báo cáo quý áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.

Trong thời hạn 15 ngày sau khi kết thúc quý, chủ dự án phải gửi Báo cáo quý về tình hình thực hiện chương trình, dự án theo Mẫu VI-GSĐG 2 trong Phụ lục V của Thông tư này bằng thư điện tử (riêng Biểu Phụ đính GSĐG 2.1 và 2.2 gửi cả bằng văn bản và thư điện tử) về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án và nhà tài trợ (bằng tiếng Anh, trừ khi có thỏa thuận khác). Riêng Biểu Phụ đính GSĐG 2.1 chỉ gửi một lần trong kỳ báo cáo quý đầu tiên và chỉ phải gửi lại khi có thay đổi trong Điều ước cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký kết.

Đối với các chương trình, dự án không có các nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, bảo vệ môi trường không phải lập Biểu Phụ đính GSĐG 2.6 và Biểu Phụ đính GSĐG 2.7.

c) Báo cáo năm

Báo cáo năm áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.

Chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 của năm sau, chủ dự án phải gửi Báo cáo năm về tình hình thực hiện chương trình, dự án theo Mẫu VI-GSĐG 3 trong Phụ lục V của Thông tư này bằng văn bản và thư điện tử về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ quản lý ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ.

d) Báo cáo kết thúc dự án

Báo cáo kết thúc dự án áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc thực hiện chương trình, dự án, chủ dự án phải gửi báo cáo theo mẫu Báo cáo kết thúc chương trình, dự án theo Mẫu VI-GSĐG 4 trong Phụ lục VI của Thông tư này bằng văn bản và thư điện tử về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, các Bộ quản lý ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ.

2. Đối với các dự án thành phần trong khuôn khổ chương trình, dự án ô:

Chủ dự án các dự án thành phần thực hiện chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo áp dụng như đối với các chương trình, dự án theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Khoản 1 Điều này. Báo cáo gửi về cơ quan chủ quản dự án thành phần, chủ chương trình, dự án ô. Chủ chương trình, dự án ô chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các dự án thành phần trong các báo cáo chung của chương trình, dự án ô và thực hiện chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Khoản 1 Điều này.

3. Đối với viện trợ phi dự án:

Chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo áp dụng như đối với các chương trình, dự án theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Khoản 1 Điều này.

4. Đối với khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi:

Chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo áp dụng cho các hình thức tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Điều 9 của Nghị định số 38/2013/NĐ- CP được quy định cụ thể như sau:

a) Khu vực tư nhân vay vốn từ hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước thông qua các chương trình, dự án hạn mức tín dụng hoặc hợp phần tín dụng được tài trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi: Chủ dự án khu vực tư nhân có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Báo cáo gửi các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước cho vay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính;

b) Tham gia thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại: Chủ dự án khu vực tư nhân có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính;

c) Tham gia thực hiện các chương trình, dự án theo hình thức đối tác công tư, trong đó Chính phủ góp bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi: Khu vực tư nhân có trách nhiệm báo cáo theo tại Khoản 1 Điều này. Báo cáo gửi về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan;

d) Tham gia thực hiện các chương trình, dự án có mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản chương trình, dự án: Đơn vị khu vực tư nhân có trách nhiệm báo cáo theo tại Khoản 1 Điều này. Báo cáo gửi về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan.

4. Các quy định khác về chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo:

a) Ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, nếu Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết có sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chủ dự án phải thông báo cho cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án về những thay đổi này trong kỳ báo cáo gần nhất;

b) Trường hợp Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi có quy định riêng về chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Nghị định 38/2013/NĐ-CP và Thông tư này, cơ quan chủ quản tuân thủ chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo nêu trên.

Điều 27. Chế độ báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cấp cơ quan chủ quản quy định tại Khoản 2 Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

Trong thời hạn 20 ngày sau mỗi quý, cơ quan chủ quản phải lập và gửi Báo cáo tổng hợp về tình hình vận động, tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, kết quả thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quản lý theo Mẫu VI-GSĐG 5 trong Phụ lục VI của Thông tư này bằng văn bản và thư điện tử về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao để tổng hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 28. Chế độ báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cấp quốc gia quy định tại Khoản 3 Điều 57 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập Báo cáo tổng hợp định kỳ 06 tháng và cả năm về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp quốc gia theo Mẫu VI-GSĐG 6 trong Phụ lục VI của Thông tư này trình Thủ tướng Chính phủ (bằng văn bản), thông báo cho Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan (bằng văn bản và thư điện tử). Báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 31 tháng 7 hàng năm và báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 01 năm sau.

2. Bộ Tài chính lập Báo cáo tổng hợp định kỳ 6 tháng và cả năm về tình hình giải ngân, rút vốn, thanh toán và trả nợ đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi vay nợ ở cấp quốc gia theo Mẫu VI-GSĐG 7 trong Phụ lục VI của Thông tư này trình Thủ tướng Chính phủ (bằng văn bản), thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan (bằng văn bản và thư điện tử). Báo cáo 6 tháng đầu năm gửi trước ngày 31 tháng 7 hàng năm và báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 01 năm sau.

Điều 29. Xử lý vi phạm trong công tác giám sát và đánh giá

1. Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về mọi hậu quả phát sinh do các vi phạm sau:

a) Không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ các quy định về giám sát và đánh giá tại Nghị định 38/2013/NĐ-CP và Thông tư này;

b) Cung cấp thông tin sai sự thực về tình hình quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong phạm vi quản lý của mình.

2. Trường hợp vi phạm chế độ báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi áp dụng các hình thức xử lý sau đây:

a) Vi phạm chế độ báo cáo không thường xuyên (02 kỳ liên tục không có báo cáo hoặc 03 kỳ không có báo cáo): Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản yêu đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm chế độ báo cáo;

b) Vi phạm chế độ báo cáo có hệ thống (04 kỳ liên tục không có báo cáo hoặc 06 kỳ không có báo cáo): Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ những cơ quan, đơn vị vi phạm và đề xuất hình thức cảnh cáo, kể cả việc đề nghị cấp có thẩm quyền không xem xét phê duyệt Danh mục tài trợ đối với các chương trình, dự án mới do các cơ quan, đơn vi phạm này đề xuất.

Chương 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Điều khoản chuyển tiếp

Các chương trình, dự án và viện trợ phi dự án trong giai đoạn chuyển đổi từ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức sang Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ được xử lý như sau:

1. Đối với trường hợp cơ quan chủ quản đã trình Đề cương chi tiết chương trình, dự án nhưng chưa được phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ theo quy định tại Nghị định 131/2006/NĐ-CP: cơ quan chủ quản hoàn thiện Đề cương và thực hiện các bước như quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này. Việc phê duyệt Danh mục tài trợ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

2. Đối với trường hợp chương trình, dự án đã có Quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ theo quy định tại Nghị định 131/2006/NĐ-CP đang trong quá trình chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện và thực hiện nếu có nội dung thay đổi so với yêu cầu về nội dung của Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP, thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

3. Trường hợp các chương trình, dự án đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 31/2006/NĐ-CP song các vấn đề phát sinh không phù hợp với các quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP và Thông tư này, chủ dự án trình cơ quan chủ quản để xem xét và quyết định theo thẩm quyền. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Điều 31. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 02 năm 2014.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 04/2007/TT-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý chương trình, dự án ODA và Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA.

Điều 32. Tổ chức thực hiện

Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
-
Văn phòng Trung ương Đảng;
-
Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
-
Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Các Tổng Công ty nhà nước;
-
Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ KH&ĐT;
- Công báo;
- Lưu; VT, KTĐN (5).

BỘ TRƯỞNG




Bùi Quang Vinh

PHỤ LỤC Ia

ĐỀ XUẤT CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

I. Tên chương trình, dự án

II. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ

III. Tên cơ quan chủ quản

IV. Cơ sở đề xuất và sự cần thiết của chương trình, dự án

IV. Mô tả tóm tắt chương trình, dự án

Mô tả tóm tắt chương trình, dự án, bao gồm: mục tiêu, quy mô, thời gian và địa điểm dự kiến thực hiện của chương trình, dự án; các kết quả và cấu phần chủ yếu; vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến của chương trình, dự án (quy đổi ra Đô la Mỹ).

V. Tài liệu gửi kèm theo (nếu có)

1. Chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Bộ, ngành, địa phương liên quan đến chương trình, dự án.

2. Tài liệu liên quan đến sự quan tâm, ủng hộ của nhà tài trợ đối với chương trình, dự án.

PHỤ LỤC Ib

ĐỀ XUẤT VIỆN TRỢ PHI DỰ ÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

I. Tên viện trợ phi dự án

II. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ

III. Cơ quan chủ quản

IV. Cơ sở đề xuất và sự cần thiết của viện trợ phi dự án

VI. Mục tiêu và nội dung của viện trợ phi dự án

V. Tổng vốn hoặc giá trị tương đương của viện trợ phi dự án (quy đổi ra Đô la Mỹ)

PHỤ LỤC II

MẪU QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

(TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN HOẶC CHỦ DỰ ÁN)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:…../QĐ-

……, ngày...... tháng...... năm......

QUYẾT ĐỊNH

Thành lập Ban quản lý dự án (Tên Chương trình, Dự án)

(TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN HOẶC CHỦ DỰ ÁN)

Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vay ưu đãi của nhà tài trợ;

Căn cứ Thông tư số……/2013/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  hướng dẫn một số điều của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Căn cứ (tên văn bản) số…..ngày…..tháng….năm quyết định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của (Cơ quan chủ quản);

Căn cứ vào Quyết định số……..ngày…..tháng….năm…. của (Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt văn kiện chương trình, dự án) hoặc Quyết định số ngày…..tháng….năm…. của (Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phê duyệt Danh mục tài trợ đối với chương trình, dự án) (trong trường hợp thực hiện hoạt động trước về việc thành lập trước Ban QLDA) (Tên Chương trình, dự án);

Căn cứ Quyết định số……..ngày…..tháng….năm…. của (Cơ quan có thẩm quyền)về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của (Chủ dự án);

Xét đề nghị của (Thủ trưởng cơ quan đơn vị được giao thực hiện chương trình, dự án với vai trò Ban QLDA) về việc thành lập Ban Quản lý dự án (Ban QLDA),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban QLDA (Tên chương trình, dự án và viện trợ phi dự án bằng tiếng Việt và tiếng Anh) do (tên nhà tài trợ) tài trợ. Chương trình, dự án và viện trợ phi dự án có tổng vốn (vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng), thực hiện trong thời gian từ ngày…. tháng…. năm…. đến ngày…. tháng…. năm….

Điều 2. Ban QLDA có nhiệm vụ quản lý thực hiện chương trình, dự án và viện trợ theo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng và nguồn lực nêu trong văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (hoặc Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền trong trường hợp Ban QLDA được thành lập trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện trước) và Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án và viện trợ phi dự án.

Điều 3. Ban QLDA được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại, được phép sử dụng con dấu riêng (hoặc sử dụng con dấu của Cơ quan chủ quản hoặc Chủ dự án) để phục vụ cho việc chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện án (trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện trước) và thực hiện chương trình, dự án và viện trợ phi dự án.

Điều 4. Bổ nhiệm Ông/Bà…… là Giám đốc Ban QLDA.

Điều 5. Bổ nhiệm Ông/Bà……. là Phó Giám đốc Ban QLDA (nếu có).

Điều 6. Bổ nhiệm Ông/Bà…… là Kế toán trưởng hoặc Cán bộ phụ trách kế toán của chương trình, dự án.

Điều 7. Giám đốc Ban QLDA có trách nhiệm xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban QLDA (Tên Chương trình, Dự án) trình (Cơ quan chủ quản hoặc Chủ dự án) phê duyệt trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi Quyết định này có hiệu lực.

Điều 8. Thời hạn hoạt động của Ban QLDA

Ban QLDA giải thể theo Quyết định của (Cơ quan chủ quản hoặc Chủ dự án) kể từ ngày báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và việc xử lý tài sản của Ban QLDA đã hoàn thành.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giám đốc Ban QLDA, Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này.

Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Các cơ quan, đơn vị có liên quan;
- Lưu: VT,...

CƠ QUAN CHỦ DỰ ÁN
HOẶC CHỦ DỰ ÁN
(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC III

MẪU QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

(Tên Cơ quan chủ quản hoặc Chủ Dự án)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

……, ngày...... tháng...... năm......

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
(TÊN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, VIỆN TRỢ PHI DỰ ÁN)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ sở pháp lý

Việc thành lập Ban QLDA căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau:

a) Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các khoản vay ưu đãi của nhà tài trợ và Thông tư số…../2013/TT-BKHĐT …..ngày….tháng….năm…. của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định.

b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản, chủ dự án.

c) Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền (áp dụng đối với trường hợp Ban QLDA được thành lập trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện trước).

d) Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án của cấp có thẩm quyền.

e) Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và các khoản vay ưu đãi của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án (nếu có).

g) Quyết định thành lập Ban QLDA của cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án.

Điều 2. Thông tin chung về chương trình, dự án, viện trợ phi dự án

a) Tên chương trình, dự án, viện trợ phi dự án.

b) Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ.

c) Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án.

d) Thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án, viện trợ phi dự án.

đ) Tổng vốn của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án (ODA viện trợ không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng).

e) Nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án, viện trợ phi dự án.

Điều 3. Thông tin về Ban QLDA

a) Tên giao dịch của Ban Quản lý dự án: ………..

b) Địa chỉ: ………..

c) Điện thoại: ………..

d) Fax: ………..

đ) E-mail: ………..

e) Số tài khoản: ………..(nếu có)

Kho bạc Nhà nước : ……………..

Ngân hàng thương mại: …………

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

Điều 5. Lập kế hoạch thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án

Điều 6. Quản lý quá trình chuẩn bị thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án

Điều 7. Thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng

Điều 8. Quản lý tài chính, tài sản và giải ngân

Điều 9. Công tác hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình

Điều 10. Công tác theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án

Điều 11. Công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán chương trình, dự án, viện trợ phi dự án

Điều 12. Các nhiệm vụ đặc thù

Điều 13. Một số nhiệm vụ khác do cơ quan chủ quản, chủ dự án giao

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

Điều 14. Cơ cấu tổ chức Ban QLDA

Điều 15. Giám đốc Ban QLDA

Điều 16. Nhân sự của Ban QLDA

Điều 17. Chế độ đãi ngộ của Ban QLDA

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Các nhiệm vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án không được quy định cho Ban QLDA trong Quy chế này sẽ do cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án thực hiện theo quy định hiện hành.  

3. Giám đốc Ban Quản lý dự án, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc (Chủ dự án) có trách nhiệm thi hành Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Ban Quản lý dự án có trách nhiệm đề xuất với (Chủ dự án) xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy chế này.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CHỦ QUẢN
HOẶC CHỦ DỰ ÁN
(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC IV

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HÀNG NĂM CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

(Tên Cơ quan chủ quản hoặc Chủ Dự án)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

……, ngày...... tháng...... năm......

KẾ HOẠCH HÀNG NĂM THỰC HIỆN
CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

I. Thông tin cơ bản về chương trình, dự án

1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt):

2. Tên chương trình, dự án (tiếng Anh):

3. Mã chương trình, dự án (nếu có):

4. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ:

5. Thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án (theo Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết):

II. Mục tiêu của chương trình dự án

Mô tả mục tiêu tổng thể, mục tiêu cụ thể hoặc mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn của chương trình, dự án.

III. Tóm tắt các kết quả chủ yếu của chương trình, dự án

1. Tóm tắt các kết quả dự kiến của toàn bộ chương trình, dự án và của từng cấu phần, hạng mục.

2. Nêu cụ thể các kết quả dự kiến của chương trình, dự án và của từng cấu phần, hạng mục trong năm kế hoạch.

IV. Tổng vốn của chương trình, dự án

1. Vốn ODA, vốn vay ưu đãi (nguyên tệ, quy đổi ra đồng Việt Nam và đô la Mỹ).

2. Nguồn và vốn đối ứng (đồng Việt Nam và quy đổi ra đô la Mỹ).

V. Đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án

Đánh giá khái quát tình hình và tiến độ thực hiện chương trình, dự án so sánh với kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án đã được cơ quan chủ quản phê duyệt và dự kiến khả năng hoàn thành kế hoạch của năm hiện hành (khối lượng công việc đã hoạt thành, các sản phẩm đầu ra và giá trị giải ngân theo từng hợp phần).

VI. Kế hoạch thực hiện và phân bổ vốn của chương trình, dự án năm tiếp theo

1. Nêu các hoạt động của chương trình, dự án theo từng hợp phần căn cứ vào các kết quả dự kiến của chương trình, dự án trong năm kế hoạch kèm theo nguồn lực tương ứng để đảm bảo các hoạt động được hoàn thành.

2. Nêu rõ các cơ sở đảm bảo tính khả thi của các hoạt động đề ra trong kế hoạch bao gồm:

a) Tiến độ thực hiện các hoạt động về đấu thầu, ký kết hợp động và tiến độ thực hiện hợp đồng của các nhà thầu,…

b) Các yếu tố thuận lợi, khó khăn, các rủi ro có thể xảy ra và các giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch.

c) Cơ sở tính toán các nguồn lực thực hiện kế hoạch.  

V. Giá trị giải ngân trong nội dung đánh giá tình hình thực hiện, kế hoạch thực hiện và bố trí vốn của chương trình, dự án năm tiếp theo

1. Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi (vốn nước ngoài): Giá trị giải ngân vốn nước ngoài ghi theo nguyên tệ và quy đổi ra “Triệu VNĐ” theo tỷ giá hiện hành do Ngân hàng nhà nước công bố và phân theo tính chất chi (xây dựng cơ bản (XDCB), hành chính sự nghiệp (HCSN), hỗ trợ ngân sách (HTNS), cho vay lại (CVL)).

2. Đối với nguồn vốn đối ứng: Giá trị giải ngân ghi theo “Triệu VNĐ” và phân theo nguồn vốn (cân đối từ ngân sách Trung ương, cân đối từ ngân sách địa phương, chủ dự án tự bố trí, huy động các nguồn vốn khác).

VI. Biểu kế hoạch thực hiện và phân bổ vốn của chương trình, dự án năm kế hoạch nêu tại Phụ lục IV.1

CHỦ DỰ ÁN
(ký tên, đóng dấu)


Phụ lục IV.1

(Cơ quan chủ quản)

(Chủ dự án)

Tên chương trình, dự án:

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN NĂM TIẾP THEO

NĂM..........

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

TT

Nội dụng hoạt động

Tổng vốn theo ĐƯQT cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi

Tổng vốn đã phân bổ từ đầu năm đến thời điểm xây dựng KH

Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến thời điểm xây dựng KH

Ước thực hiện cả năm

Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

I. Hợp phần I

Hoạt động 1.1

Hoạt động 1.2

I. Hợp phần II

Hoạt động 2.1

Hoạt động 2.2

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án (ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC Va

KẾ HOẠCH PHÂN BỔ VỐN CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN (NĂM KẾ HOẠCH)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

Cơ quan chủ quản:

KẾ HOẠCH PHÂN BỔ VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN

NĂM ..........(NĂM KẾ HOẠCH TIẾP THEO)

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

TT

Tên chương trình, dự án

Nhà tài trợ

Loại tài trợ

Thời gian BĐ-KT

Số QĐ ĐT (ngày, tháng, năm)

Tổng vốn theo Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi

Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo

Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến thời điểm báo cáo

Ước thực hiện năm

Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TỔNG SỐ

A/ Các dự án do địa phương làm chủ quản

I/ Dự án kết thúc trong năm

Dự án 1

Dự án 2

II/ Dự án chuyển tiếp

Dự án 1

Dự án 2

II/ Dự án khởi công mới

Dự án 1

Dự án 2

B/ Các dự án do TW làm chủ quản thực hiện trên địa bàn

I/ Dự án kết thúc trong năm

Dự án 1

Dự án 2

II/ Dự án chuyển tiếp

Dự án 1

Dự án 2

II/ Dự án khởi công mới

Dự án 1

Dự án 2

Ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng Cơ quan chủ quản
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Loại tài trợ là một trong các loại sau: ODA vốn vay, ODA viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi

2. Đối với cơ quan chủ quản là Bộ, ngành và các Tập đoàn và Tổng công ty phân loại theo Mục I, II, III (không phân loại theo Mục A và B)

3. Các chữ viết tắt: XDCB: Xây dựng cơ bản; HCSN: Hành chính sự nghiệp; CVL: Cho vay lại; HTNS: Hỗ trợ ngân sách

PHỤ LỤC Vb

KẾ HOẠCH PHÂN BỔ VỐN CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN (NĂM KẾ HOẠCH)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

Cơ quan chủ quản:
hoặc Chủ dự án:

KẾ HOẠCH PHÂN BỔ VỐN ĐỐI ỨNG CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

NĂM .........(NĂM KẾ HOẠCH TIẾP THEO)

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

TT

Tên chương trình, dự án (CT, DA)

Nhà tài trợ

Loại tài trợ

Thời gian BĐ-KT

Số QĐ ĐT (ngày, tháng, năm)

Tổng vốn theo Quyết định đầu tư

Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo

Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến thời điểm báo cáo

Ước thực hiện năm

Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo

TS

Vốn đối ứng

Vốn nước ngoài

TS

Vốn đối ứng

Vốn nước ngoài

TS

Vốn đối ứng

Vốn nước ngoài

TS

Vốn đối ứng

Vốn nước ngoài

TS

Vốn đối ứng

Vốn nước ngoài

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

TS

NSTW

NS ĐP

CDA

Khác

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

TỔNG SỐ

A/ Các chương trình, dự án do địa phương làm chủ quản

I/ Các chương trình, dự án kết thúc trong năm

CT, DA 1

CT, DA 2

II/ Các chương trình, dự án chuyển tiếp

CT, DA 1

CT, DA 2

II/ Các chương trình, dự án khởi công mới

CT, DA 1

CT, DA 2

B/ Các chương trình, dự án do TW làm chủ quản thực hiện trên địa bàn

I/ Các chương trình, dự án kết thúc trong năm

CT, DA 1

CT, DA 2

II/ Các chương trình, dự án chuyển tiếp

CT, DA 1

CT, DA 2

II/ Các chương trình, dự án mới

CT, DA 1

CT, DA 2

Ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng Cơ quan chủ quản
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Loại tài trợ là một trong các loại sau: ODA vốn vay, ODA viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi

2. Đối với cơ quan chủ quản là Bộ, ngành và các Tập đoàn và Tổng công ty phân loại theo Mục I, II, III (không phân loại theo Mục A và B)

3. Các chữ viết tắt: NSTW: Cân đối từ ngân sách trung ương đối với cơ quan bộ ngành, hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với địa phương; NSĐP: Cân đối từ Ngân sách địa phương; CDA: Chủ dự án tự bố trí; Khác: Huy động từ các nguồn khác.


PHỤ LỤC VI

CÁC MẪU BIỂU BÁO CÁO GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 01 năm 2014)

DANH MỤC CÁC MẪU BIỂU BÁO CÁO

1. Cấp Chủ dự án

- Mẫu VI-GSĐG 1: Mẫu biểu báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, dự án hàng tháng của chủ dự án, áp dụng đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, dự án Nhóm A.

Mẫu VI-GSĐG 1 kèm theo mẫu Phụ đính GSĐG 1.1 và  GSĐG 1.2

- Mẫu VI-GSĐG 2: Mẫu báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, dự án hàng quý của chủ dự án, áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.

Mẫu VI-GSĐG 2 kèm theo bộ mẫu biểu gồm 8 phụ đính (từ GSĐG 2.1 đến GSĐG 2.8).

- Mẫu VI-GSĐG 3: Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, dự án hàng năm của chủ dự án (áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án).

 Mẫu VI-GSĐT 3 kèm theo bộ mẫu biểu gồm 3 phụ đính (từ GSĐG 3.1 đến GSĐG 3.3).           

- Mẫu VI-GSĐG 4: Báo cáo kết thúc chương trình, dự án.                      

Mẫu VI-GSĐT 4 kèm theo bộ mẫu biểu của 3 phụ đính (từ GSĐG 4.1 đến GSĐG 4.3).   

2. Cấp cơ quan chủ quản

Mẫu VI-GSĐG 5: Báo cáo về tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và kết quả thực hiện các chương trình, dự án hàng quý của cơ quan chủ quản.

Mẫu VI-GSĐT 5 kèm theo bộ mẫu biểu của 5 phụ đính (từ GSĐG 5.1 đến GSĐG 5.5).

3. Cấp quốc gia

- Mẫu VI-GSĐG 6: Báo cáo tổng hợp tình hình vận động, thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm và cả năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 - Mẫu VI-GSĐG 7: Báo cáo rút vốn ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm và cả năm của Bộ Tài chính.

4. Bảng các thuật ngữ: các thuật ngữ sử dụng trong các Phụ đính thuộc Mẫu VI-GSĐG 1 và Mẫu VI-GSĐG 2 của Phụ lục VI.

Mẫu VI-GSĐG 1

(Tên Cơ quan chủ quản)
(Tên Chủ dự án)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /BCGSĐG 

............, ngày.........tháng.........năm.........

BÁO CÁO THÁNG VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

(Tháng ... năm ...)

Kính gửi: ..........................

1. Thông tin cơ bản

1.1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt):

1.2. Tên chương trình, dự án (tiếng Anh):

1.3. Mã chương trình, dự án (nếu có):

1.4. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ:

1.5. Thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án:

(Kèm theo Biểu thông tin cơ bản về chương trình, dự án - Phụ đính GSĐG 1.1. Phụ đính này chỉ gửi một lần trong kỳ báo cáo tháng đầu tiên và chỉ phải gửi lại khi có thay đổi trong văn bản Điều ước cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký kết).

2. Tình hình thực hiện chương trình, dự án

2.1. Tiến độ thực hiện chương trình, dự án

a) Khối lượng và giá trị các công việc đã thực hiện trong tháng;

b) Lũy kế khối lượng và giá trị các công việc thực hiện từ đầu năm - So sánh với kế hoạch năm;

c) Lũy kế khối lượng và giá trị các công việc từ đầu chương trình, dự án đến thời điểm báo cáo.

2.2. Tình hình giải ngân

a) Tổng giá trị giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng trong tháng (quy đổi ra triệu VNĐ);

b) Lũy kế giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng từ đầu năm đến thời điểm báo cáo (quy đổi ra triệu VNĐ) - So sánh với kế hoạch năm;

c) Lũy kế giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng từ đầu chương trình, dự án đến thời điểm báo cáo (quy đổi ra triệu VNĐ);

Số liệu giải ngân nêu tại điểm a), b) và c) tại Mục 1.2 phân theo tính chất chi (xây dựng cơ bản (XDCB), hành chính sự nghiệp (HCSN), hỗ trợ ngân sách (HTNS), cho vay lại (CVL)) đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi phân theo nguồn (cân đối từ ngân sách Trung ương, cân đối từ ngân sách do địa phương, chủ dự án tự bố trí, huy động các nguồn khác) đối với vốn đối ứng.

3. Đánh giá tình hình thực hiện và công tác giám sát, đánh giá chương trình, dự án

3.1. Đánh giá chung tình hình thực hiện chương trình, dự án trong tháng báo cáo. Nêu tóm tắt các kết quả đã đạt, được các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị giải pháp (nếu có).

3.2. Đánh giá chung về công tác giám sát và đánh giá chương trình, dự án: Tổ chức và thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá của chủ dự án. Nêu các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị giải pháp (nếu có).

(Kèm theo Biểu báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện chương trình, dự án - Phụ đính GSĐG 1.2).

CHỦ DỰ ÁN
(ký tên, đóng dấu)


Phụ đính GSĐG 1.1

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt): 

2. Tên chương trình, dự án (tiếng Anh): 

3. Mã chương trình, dự án:

Mã dự án thành phần

4. Mã ngành kinh tế:

Mô tả:

5. Tên lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi :

6. Phương thức cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi:

7. Địa điểm thực hiện:

Mã tỉnh

Tên tỉnh

8. Nhà tài trợ:

Nhà tài trợ chính:

Nhà tài trợ khác (nếu có):

Tên nhà tài trợ

Tên viết tắt của nhà tài trợ

9. Cơ quan chủ quản

Tên cơ quan:

Người liên hệ trực tiếp:

Chức vụ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

 

Fax:

Email:

 

Các cơ quan đồng thực hiện

10. Chủ dự án

Tên cơ quan:

Người liên hệ trực tiếp:

Chức vụ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

 

Fax:

Email:

 

11. Ban quản lý dự án

Tên BQLDA:

Tên Giám đốc BQLDA:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Fax:

Email:

 

12. Các mốc thời gian

Ngày và số Quyết đinh phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền:

 

Ngày và số Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của cấp có thẩm quyền:  

Tên dự án thành phần

(đối với chương trình, dự án ô)

Ngày phê duyệt văn kiện dự án thành phần

Các thông tin về Hiệp định ký kết

Nhà tài trợ

Tên hiệp định

Ngày ký

Số hiệu

Ngày có hiệu lực

Ngày hết hạn

Ngày gia hạn
(nếu có)

13. Tổng vốn thực hiện chương trình, dự án:

Tổng số:

Triệu VNĐ

Tương đương:

Nguyên tệ

Tỷ giá:

1 Nguyên tệ =

USD

1 USD =

VNĐ

13.1. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Tổng số:

triệu VNĐ

ODA viện trợ không hoàn lại:

triệu VNĐ

ODA vốn vay:

triệu VNĐ

Vay ưu đãi:

triệu VNĐ

Nhà tài trợ

Đơn vị tiền tệ

Tỷ giá*

ODA viện trợ không hoàn lại

ODA
Vốn vay

Vay ưu đãi

Tổng số vốn
(nguyên tệ)

Tổng số vốn
(triệu VNĐ)

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi quy đổi ra VNĐ

*Tỷ giá nêu tại Hiệp định hoặc văn kiện chương trình, dự án

Điều kiện khoản vay:

Nhà tài trợ

Số hiệu Hiệp định

Thời hạn trả nợ (số năm)

Thời gian ân hạn (số năm)

Lãi suất (%/năm)

Phí cam kết (%/năm)

Trong thời gian ân hạn

Sau thời gian ân hạn

Cơ chế trong nước đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi (triệu VNĐ)

- Cho vay lại

triệu VNĐ

- Cấp phát

triệu VNĐ

13.2. Vốn đối ứng

Tổng số:

 

triệu VNĐ

Tương đương:

nguyên tệ

Tỷ giá:

1 nguyên tệ =

USD

Bao gồm:

1. Ngân sách nhà nước cấp (triệu VNĐ)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

Tổng

Xây dựng cơ bản

Hành chính sự nghiệp

Tổng

2. Chủ dự án tự bố trí (triệu VNĐ):

3. Huy động từ các nguồn khác (triệu VNĐ):

14. Mô tả tóm tắt chương trình, dự án:

15. Những thay đổi về nội dung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện

15.1 Thay đổi về quy mô vốn (phân theo nguồn vốn):

Nguồn vốn

Ngày điều chỉnh

Số văn bản
Điều chỉnh

Đơn vị tiền tệ

Tổng vốn sau khi điều chỉnh

Tỷ giá*

Quy đổi ra
triệu VNĐ

Tổng cộng

*Tỷ giá tại thời điểm điều chỉnh

15.2. Các thay đổi khác (mục tiêu, kết quả, thời gian thực hiện, địa điểm thực hiện,...)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 1.2

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO TÓM TẮT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Tháng …. năm ….

Tên chương trình, dự án
(tiếng Việt):
 

I. Tình hình thực hiện

1. Khối lượng lũy kế thực hiện từ đầu năm so với kế hoạch năm (%):

2. Giải ngân trong tháng

Nguồn vốn

Đơn vị tiền tệ

Tỷ giá

Giải ngân trong năm…..

Lũy kế giải ngân từ đầu dự án

Kế hoạch năm

Kế hoạch tới thời điểm báo cáo

Giải ngân trong tháng

Lũy kế từ đầu năm

Tỷ lệ % đạt được so với kế hoạch

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)=(7)/(4)

(9)

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Xây dựng cơ bản

Hành chính sự nghiệp

Hỗ trợ ngân sách

Cho vay lại

Vốn đối ứng

Cân đối từ NSTƯ

Cân đối từ NSĐP

Chủ dự án tự bố trí

Huy động từ các nguồn khác

3. Tổng giải ngân trong tháng quy đổi ra triệu VNĐ:

II. Tóm tắt các kết quả đạt được

III. Các vướng mắc

STT

Mã vướng mắc

Loại vướng mắc

Mô tả vướng mắc

Cơ quan giải quyết

Thời hạn giải quyết

Tình trạng giải quyết

Đã giải quyết (Ngày)

Chưa giải quyết
(Thời hạn mới)

IV. Các khuyến nghị (nếu có)

STT

Khuyến nghị

Thời hạn xử lý

V. Các vấn đề khác (nếu có)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)


Mẫu VI-GSĐG 2

(Tên Cơ quan chủ quản)
(Tên Chủ dự án)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /BCGSĐG 

............, ngày.........tháng.........năm.........

BÁO CÁO QUÝ VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

(Quý.....năm.........)

Kính gửi: ............................

1. Thông tin cơ bản

1.1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt):

1.2. Tên chương trình, dự án (tiếng Anh):

1.3. Mã chương trình, dự án:

1.4. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ (nếu có):

1.5. Thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án:

2. Tình hình thực hiện chương trình, dự án

2.1. Tiến độ thực hiện chương trình, dự án:

a) Khối lượng và giá trị các công việc đã thực hiện trong quý;

b) Lũy kế khối lượng và giá trị các công việc thực hiện từ đầu năm - So sánh với kế hoạch năm;

c) Lũy kế khối lượng giá trị các công việc từ đầu chương trình, dự án đến thời điểm báo cáo.

2.2. Tình hình giải ngân

a) Tổng giá trị giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng trong Quý (quy đổi ra triệu VNĐ).

b) Lũy kế giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng từ đầu năm đến thời điểm báo cáo (quy đổi ra triệu VNĐ) - So sánh với kế hoạch năm.

c) Lũy kế giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo (quy đổi ra triệu VNĐ).

Số liệu giải ngân nêu tại điểm a), b) và c) tại Mục 1.2 phân theo tính chất chi (XDCB, HCSN, HTNS, CVL) đối với ODA và vốn vay ưu đãi; phân theo nguồn (cân đối từ ngân sách Trung ương, cân đối từ  ngân sách địa phương, chủ dự án tự bố trí, huy động từ các nguồn khác) đối với vốn đối ứng.

3. Đánh giá tình hình thực hiện và công tác giám sát, đánh giá chương trình, dự án

3.1. Đánh giá chung tình hình thực hiện chương trình, dự án trong Quý báo cáo. Nêu các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị giải pháp (nếu có).

3.2. Đánh giá chung về công tác giám sát và đánh giá chương trình, dự án: Tổ chức và thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá dự án của chủ dự án. Nêu các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị giải pháp (nếu có).

(Chi tiết về thực hiện tiến độ chương trình, dự án; tiến độ thực hiện; kết quả giải ngân; đấu thầu và thực hiện hợp đồng và các vấn đề liên quan khác... được báo cáo tại các biểu kèm theo - từ Phụ đính GSĐG 2.1 đến Phụ đính GSĐG 2.8).

CHỦ DỰ ÁN
(ký tên, đóng dấu)


Phụ đính GSĐG 2.1

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt): 

2. Tên chương trình, dự án (tiếng Anh): 

3. Mã chương trình, dự án:

Mã dự án thành phần

4. Mã ngành kinh tế:

Mô tả:

5. Tên lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi :

6. Phương thức cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi:

7. Địa điểm thực hiện:

Mã tỉnh

Tên tỉnh

8. Nhà tài trợ:

Nhà tài trợ chính:

Nhà tài trợ khác (nếu có):

Tên nhà tài trợ

Tên viết tắt của nhà tài trợ

9. Cơ quan chủ quản

Tên cơ quan:

Người liên hệ trực tiếp:

Chức vụ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

 

Fax:

Email:

 

Các cơ quan đồng thực hiện

10. Chủ dự án

Tên Cơ quan:

Người liên hệ trực tiếp:

Chức vụ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

 

Fax:

Email:

 

11. Ban quản lý dự án

Tên BQLDA:

Tên Giám đốc BQLDA:

Địa chỉ:

Điện thoại:

 

Fax:

Email:

 

12. Các mốc thời gian

Ngày và số Quyết đinh phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền:

 

Ngày và số Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của cấp có thẩm quyền:  

Tên dự án thành phần

(đối với chương trình, dự án ô)

Ngày phê duyệt văn kiện dự án thành phần

Các thông tin về Hiệp định ký kết

Nhà tài trợ

Tên hiệp định

Ngày ký

Số hiệu

Ngày có hiệu lực

Ngày hết hạn

Ngày gia hạn
(nếu có)

13. Tổng vốn thực hiện chương trình, dự án:

Tổng số:

 

Triệu VNĐ

Tương đương:

Nguyên tệ

Tỷ giá:

1 Nguyên tệ =

USD

1 USD =

VNĐ

13.1. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Tổng số:

 

triệu VNĐ

ODA viện trợ không hoàn lại:

triệu VNĐ

ODA vốn vay:

triệu VNĐ

Vay ưu đãi:

triệu VNĐ

Nhà tài trợ

Đơn vị tiền tệ

Tỷ giá*

ODA viện trợ không hoàn lại

ODA
Vốn vay

Vay ưu đãi

Tổng số vốn
(nguyên tệ)

Tổng số vốn
(triệu VNĐ)

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi quy đổi ra VNĐ

*Tỷ giá nêu tại Hiệp định hoặc văn kiện chương trình, dự án

Điều kiện khoản vay:

Nhà tài trợ

Số hiệu Hiệp định

Thời hạn trả nợ (số năm)

Thời gian ân hạn (số năm)

Lãi suất (%/năm)

Phí cam kết (%/năm)

Trong thời gian ân hạn

Sau thời gian ân hạn

Cơ chế trong nước đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi (triệu VNĐ)

- Cho vay lại

   triệu VNĐ

- Cấp phát

   triệu VNĐ

13.2. Vốn đối ứng

Tổng số:

 

triệu VNĐ

Tương đương:

nguyên tệ

Tỷ giá:

1 nguyên tệ =

USD

Bao gồm:

1. Ngân sách nhà nước cấp (triệu VNĐ)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương

Tổng

Xây dựng cơ bản

Hành chính sự nghiệp

Tổng

2. Chủ dự án tự bố trí (triệu VNĐ):

3. Huy động từ các nguồn khác (triệu VNĐ):

14. Mô tả tóm tắt chương trình, dự án:

15. Những thay đổi về nội dung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện

15.1 Thay đổi về quy mô vốn (phân theo nguồn vốn):

Nguồn vốn

Ngày điều chỉnh

Số văn bản
Điều chỉnh

Đơn vị tiền tệ

Tổng vốn sau khi điều chỉnh

Tỷ giá*

Quy đổi ra triệu VNĐ

Tổng cộng

*Tỷ giá tại thời điểm điều chỉnh

15.2. Các thay đổi khác (mục tiêu, kết quả, thời gian thực hiện, địa điểm thực hiện,...)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 2.2

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO TÓM TẮT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Quý …năm …

1. Tên chương trình, dự án (tiếng Việt): 

2. Tên chương trình, dự án (tiếng Anh): 

3. Mã chương trình, dự án:

Mã dự án thành phần

4. Mã ngành kinh tế:

Mô tả:

5. Mã lĩnh vực ưu tiên:

6. Phương thức cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi:

I. Tình hình thực hiện

1. Khối lượng lũy kế thực hiện từ đầu năm so với kế hoạch năm (%):

2. Giải ngân trong quý:

Nguồn vốn

Đơn vị tiền tệ

Tỷ giá

Giải ngân trong năm

Lũy kế giải ngân từ đầu dự án

Kế hoạch năm

Kế hoạch tới thời điểm báo cáo

Giải ngân trong quý

Lũy kế từ đầu năm

Tỷ lệ % đạt được so với kế hoạch

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)=(7)/(4)

(9)

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Xây dựng cơ bản

Hành chính sự nghiệp

Hỗ trợ ngân sách

Cho vay lại

Vốn đối ứng

Cân đối từ NSTƯ

Cân đối từ NSĐP

Chủ dự án tự bố trí

Huy động từ các nguồn khác

Tổng giải ngân trong quý quy đổi ra triệu VNĐ:

II. Tóm tắt các kết quả đạt được

III. Các vướng mắc

STT

Mã vướng mắc

Loại vướng mắc

Mô tả vướng mắc

Cơ quan giải quyết

Thời hạn giải quyết

Tình trạng giải quyết

Đã giải quyết (ngày)

Chưa giải quyết
(thời hạn mới)

IV. Các khuyến nghị (nếu có)

STT

Khuyến nghị

Thời hạn xử lý

V. Các vấn đề khác (nếu có)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 2.3

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

Quý … năm …

NHÀ TÀI TRỢ

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

Tên hạng mục hay hoạt động chủ yếu

Lũy kế thực tế đến ngày 31/12/năm trước

Giải ngân trong năm

Tổng số vốn giải ngân của cả chương trình, dự án

Quý I

Quý II

Quý III

Quý IV

Tổng số vốn giải ngân trong năm

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch năm

Lũy kế giải ngân thực tế từ đầu năm

Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch (%)

Tổng vốn ký kết

Lũy kế giải ngân thực tế từ đầu dự án

Tỷ lệ giải ngân (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)= (4+6+8+10)

(13)= (12)/(11)

(14)

(15)=(2) +(12)

(16)=(15)/ (14)

1

2

3

Tổng

Tỷ giá

Tỷ giá trung bình:

Tổng quy đổi ra triệu VND:

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 2.4

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐỐI ỨNG

Quý … năm …

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

Tên hạng mục hay hoạt động chủ yếu

Lũy kế thực tế đến ngày 31/12/năm trước

Giải ngân trong năm

Tổng số vốn đối ứng giải ngân của cả chương trình, dự án

Quý I

Quý II

Quý III

Quý  IV

Tổng số vốn đối ứng giải ngân trong năm

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch năm

Lũy kế giải ngân thực tế từ đầu năm

Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch (%)

Tổng vốn bố trí

Lũy kế giải ngân thực tế từ  đầu dự án

Tỷ lệ giải ngân (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)= (4+6+8+10)

(13)=(12)/ (11)

(14)

(15)=(2)+(12)

(16)= (15)/ (14)

1

2

3

Tổng

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 2.5

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Quý … năm …

TT

Số hiệu gói thầu

Số hiệu hợp đồng

Tên hợp đồng

Tên nhà thầu

Ngày ký hợp đồng

Đơn vị tiền tệ

Tỷ giá

Hợp đồng ban đầu

Hợp đồng điều chỉnh
(nếu có)

Ngày hoàn thành thực tế

Khối lượng công việc đã hoàn thành (%)

Nguồn vốn

Giá trị đã thanh toán

Giá trị hợp đồng

Giá trị hợp đồng (tr.VNĐ)

Ngày hoàn thành

Giá trị hợp đồng

Giá trị hợp đồng (tr.VNĐ)

Ngày hoàn thành

Quý báo cáo

Lũy kế từ đầu năm

Lũy kế từ khi ký hợp đồng

Quý báo cáo

Lũy kế từ đầu năm

Lũy kế từ khi ký hợp đồng

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

(17)

(18)

(19)

(20)

(21)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 2.6

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG VÀ TÁI ĐỊNH CƯ

Quý … năm …

TT

Tên dự án, dự án thành phần, gói thầu, địa điểm

Ngày CPVN phê duyệt Phương án đền bù GPMB&TĐC

Chi phí vốn thực hiện
Phương án đền bù GPMB&TĐC
(triệu VNĐ)

Ngày hoàn thành đền bù bàn giao mặt bằng

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Đã chi trong quý

Lũy kế chi từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo

Kế hoạch

Thực tế

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 2.7

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Quý … năm …

TT

Tên dự án, dự án thành phần, gói thầu, địa điểm

Báo cáo Đánh giá tác động môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường

Mô tả tóm tắt những vấn đề về môi trường

Các biện pháp khắc phục

Ngày bắt đầu thực hiện các biện pháp khắc phục

Ngày hoàn thành và gửi báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục

Ngày Nhà tài trợ thông qua Báo cáo

Ngày CPVN phê duyệt Báo cáo

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 2.8

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO CÁC CHỈ SỐ THỰC HIỆN HOẶC ĐẦU RA

Quý … năm …

Nội dung

Chỉ số thực hiện

Đơn vị tính

Số liệu nền

Lũy kế đến đầu năm

Thực hiện trong năm

Lũy kế từ đầu dự án

Mục tiêu cuối kỳ

Quý I

Quý II

Quý III

Quý IV

Lũy kế

Giá trị

Ngày ghi nhận

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)=
(7+9+
11+13)

(16)=
(8+10+
12+14)

(17)=
(6+15)

(18)=
(6+16)

(19)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)


Mẫu VI-GSĐG 3

(Tên Cơ quan chủ quản)
(Tên Chủ dự án)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /BCGSĐG 

............, ngày.........tháng.........năm.........

BÁO CÁO NĂM VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN (Năm ...)

1. Thông tin cơ bản

- Tên chương trình, dự án (tiếng Việt):

- Tên chương trình, dự án (tiếng Anh):

- Mã chương trình, dự án:

- Tên nhà tài trợ chính:

- Thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án:

2. Thông tin bổ sung, sửa đổi (nếu có)

Tóm tắt những bổ sung, sửa đổi đã được phê duyệt trong năm báo cáo về:

- Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án:

- Các đầu ra:

- Nguồn vốn:

- Thời gian thực hiện:

3. Tình hình thực hiện chương trình, dự án

- Tóm tắt các công việc và đầu ra đã và đang thực hiện.

(Chú ý: So sánh kết quả thực hiện của năm báo cáo với kế hoạch năm được giao và so với kết quả thực hiện năm trước).

- Tóm tắt các công việc và đầu ra chưa làm hoặc chậm so với kế hoạch năm.

(Chú ý: Nêu rõ lý do dẫn đến sự chậm trễ trong tiến độ)

(Chi tiết về Chỉ số thực hiện và Đầu ra – Phụ đính GSĐT 3.1)

- Tóm tắt tình hình giải ngân.

Nguồn vốn

Đơn vị tiền tệ

Tỷ giá trung bình trong năm báo cáo

Kế hoạch giải ngân năm

Giải ngân năm báo cáo

Lũy kế giải ngân từ khi bắt đầu dự án

Tỷ lệ (%) thực tế giải ngân so với Kế hoạch năm

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)=(5)/(4)

Vốn đối ứng

Triệu VNĐ

Nhà tài trợ 1

(nguyên tệ)

Nhà tài trợ 2

(nguyên tệ)

Tổng quy đổi ra triệu VNĐ

(Chi tiết về tình hình giải ngân – Phụ đính GSĐT 3.2 và 3.3)

- Đánh giá về tiến độ:

+ Đánh giá về tiến độ các hoạt động của chương trình, dự án.

+ Đánh giá tóm tắt về tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng của chương trình, dự án trong năm báo cáo.

4. Các thuận lợi và khó khăn

5. Bài học kinh nghiệm

6. Kế hoạch thực hiện và giải ngân năm tiếp theo

- Kế hoạch thực hiện và đầu ra đã được cấp cơ quan chủ quản phê duyệt (Phụ đính GSĐT 3.1)

- Kế hoạch giải ngân đã được cấp cơ quan chủ quản phê duyệt (Phụ đính GSĐT 3.2 và 3.3)

7. Kiến nghị

- Các vướng mắc cần xử lý

- Các biện pháp cải thiện và nâng cao hiệu qủa thực hiện chương trình, dự án.

Ngày….tháng….năm….
Chủ dự án
(Ký tên, đóng dấu)


Phụ đính GSĐG 3.1

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO CÁC CHỈ SỐ THỰC HIỆN HOẶC ĐẦU RA NĂM …

VÀ KẾ HOẠCH NĂM TIẾP THEO (…)

STT

Nội dung

Chỉ số thực hiện

Đơn vị tính

Lũy kế đến đầu năm báo cáo

Tổng của năm báo cáo

Lũy kế từ đầu dự án đến cuối năm báo cáo

Kế hoạch năm tiếp theo

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

Kế hoạch

Thực tế

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)=(5)+(7)

(10)=(6)+(8)

(11)

Hợp phần 1

Đầu ra 1.1

Hoạt động 1.1.1

Hoạt động 1.1.2

 

Đầu ra 1.2

Hoạt động 1.2.1

Hoạt động 1.2.2

 

Hợp phần 2

Đầu ra 2.1

Hoạt động 2.1.1

Hoạt động 2.1.2

 

Đầu ra 2.2

Hoạt động 2.2.1

Hoạt động 2.2.2

 

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 3.2

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO KẾ HOẠCH THỰC HIỆN VÀ PHÂN BỔ VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN NĂM TIẾP THEO

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

STT

Nội dụng hoạt động

Tổng vốn theo Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi

Thực tế giải ngân năm báo cáo

Lũy kế giải ngân từ đầu dự án  đến thời điểm kết thúc năm báo báo

Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng (phân theo nguồn vốn)

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

TS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

1. Hợp phần 1

Hoạt động 1.1

Hoạt động 1.2

2. Hợp phần 2

Hoạt động 2.1

Hoạt động 2.2

Tổng cộng

Ghi chú:

- Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo là Kế hoạch được Cơ quan chủ quản phê duyệt

- Các chữ viết tắt: TS: Tổng số; XDCB: Xây dựng cơ bản; HCSN: Hành chính sự nghiệp;

CVL: cho vay lại; HTNS: Hỗ trợ ngân sách

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 3.3

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO KẾ HOẠCH THỰC HIỆN VÀ PHÂN BỔ VỐN ĐỐI ỨNG

CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN NĂM TIẾP THEO

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

STT

Nội dụng hoạt động

Tổng vốn theo Quyết định đầu tư

Thực tế giải ngân năm báo cáo

Lũy kế giải ngân từ đầu dự án  đến thời điểm kết thúc năm báo báo

Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo

TS

Vốn đói ứng

Vốn ODA  và vay ưu đãi

TS

Vốn đói ứng

Vốn ODA và vay ưu đãi

TS

Vốn đói ứng

Vốn ODA  và vay ưu đãi

TS

Vốn đói ứng

Vốn ODA và vay ưu đãi

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

TS

NSTW

NSĐP

CDA

Khác

1. Hợp phần 1

Hoạt động 1.1

Hoạt động 1.2

2. Hợp phần 2

Hoạt động 2.1

Hoạt động 2.2

Tổng cộng

Ghi chú:

- Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo là Kế hoạch được Cơ quan chủ quản phê duyệt

- Các chữ viết tắt: TS: Tổng số; NSTW: Cân đối từ Ngân sách Trung ương;

NSĐP: Cân đối từ Ngân sách địa phương; CDA: Chủ dự án tự bố trí;

Khác: Huy động các nguồn vốn khác

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)


Mẫu VI-GSĐG 4

(Tên Cơ quan chủ quản)
(Tên Chủ dự án)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /BCGSĐG 

............, ngày.........tháng.........năm.........

BÁO CÁO KẾT THÚC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

MỤC LỤC

1. Thông tin chung .................................................................................................................

1.1 Thông tin cơ bản về chương trình, dự án   

1.2 Mô tả  chương trình, dự án

1.2.1 Mục tiêu và phạm vi.....................................................................................................

1.2.2 Tổ chức thực hiện .......................................................................................................

2. Kết quả thực hiện chương trình, dự án..............................................................................

2.1 Thực hiện mục tiêu..........................................................................................................

2.2 Các hợp phần và đầu ra..................................................................................................

2.3 Kết quả thực hiện về tài chính..........................................................................................

2.4 Những yếu tố tác động đến kết quả thực hiện..................................................................

3. Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội.....................................................................................

3.1 Phân tích so với mục tiêu và thiết kế chương trình, dự án.................................................

3.2 Tác động đối với ngành và vùng.....................................................................................

3.3 Tính bền vững................................................................................................................

4. Những bài học kinh nghiệm...............................................................................................

5. Phụ đính..........................................................................................................................

1. Thông tin chung

1.1 Thông tin cơ bản về chương trình, dự án

- Tên chương trình, dự án (tiếng Việt):

- Tên chương trình, dự án (tiếng Anh):

- Mã chương trình, dự án:

- Địa điểm thực hiện chương trình, dự án:

- Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ:

- Cơ quan chủ quản:

- Chủ dự án:

- Thời gian thực hiện:

- Ngày phê duyệt văn kiện chương trình, dự án:

- Ngày ký kết hiệp định, ngày hiệp định có hiệu lực, thời hạn hiệp định, ngày gia hạn hiệp định (nếu có).

- Nguồn vốn: Tổng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng (nêu rõ các điều chỉnh, bổ sung nếu có).

1.2 Mô tả chương trình, dự án

1.2.1 Mục tiêu và phạm vi chương trình, dự án

Theo Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

1.2.2 Tổ chức thực hiện

Mô hình và cách thức tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án.

2. Kết quả thực hiện

2.1 Đánh giá việc hoàn thành mục tiêu

Mức độ đạt được mục tiêu đề ra trong văn kiện của chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền duyệt.

2.2 Các hợp phần và đầu ra

Nêu các hợp phần và đầu ra chủ yếu của chương trình, dự án và mức độ hoàn thành (theo các chỉ số đã được xác định trong khung lô-gíc). Nêu rõ những nội dung điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện (nếu có) (Phụ đính GSĐG 4.1: Khung lô-gíc).

2.3 Kết quả thực hiện về tài chính

So sánh giữa tổng mức vốn trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và tổng vốn giải ngân theo các nguồn vốn (vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng). Nêu những yếu tố tác động đến công tác giải ngân, dẫn đến phải điều chỉnh vốn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án (Phụ đính GSĐG 4.2: Báo cáo kết thúc giải ngân chương trình, dự án).

2.4 Những yếu tố tác động đến kết quả thực hiện chương trình, dự án

Nêu những yếu tố tác động đến kết quả thực hiện chương trình dự án:

a) Chính sách và môi trường pháp lý:

- Chính sách của Chính phủ

- Chính sách của Nhà tài trợ

b) Công tác tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án:

- Đánh giá việc đảm bảo điều kiện về tài chính, kỹ thuật, nhân lực cho chương trình, dự án trên cơ sở Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết và văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án.

- Năng lực quản lý và thực hiện chương trình, dự án.

- Thực hiện chế độ báo cáo và các quy định về GS&ĐG.

- Quản lý rủi ro và thay đổi.

c) Công tác đấu thầu, mua sắm.

d) Công tác hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tăng cường năng lực.

đ) Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư (đối với các dự án đầu tư).

e) Các tác động về môi trường.

g) Các vấn đề về giới.

h) Những vấn đề về kỹ thuật, công nghệ.

Ngoài việc nêu các yếu tố tác động, cần làm rõ các thuận lợi, khó khăn và các biện pháp khắc phục mà chủ dự án, Ban QLDA đã thực hiện.

3. Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội

Phân tích các lợi ích và tác động về kinh tế, xã hội của chương trình, dự án trên cơ sở các kết quả và mục tiêu đạt được.


Phụ đính GSĐG 4.1

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO KẾT THÚC GIẢI NGÂN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

TT

Tên hợp phần, hạng mục (*)

Tổng vốn giải ngân của chương trình, dự án

Tỷ lệ giải ngân(%)

ODA và vốn vay ưu đãi (nguyên tệ)

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi (triệu VNĐ)

Vốn đối ứng
(triệu VNĐ)

Tổng số
(triệu VNĐ)

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Vốn đối ứng

Tổng vốn chương trình, dự án

Đơn vị tiền tệ

Theo Hiệp định ký kết

Thực hiện

Theo Hiệp định ký kết

Thực hiện

Theo QĐ đầu tư

Thực hiện

Theo quyết định phê duyệt chương trình, dự án

Thực hiện

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)= (6)+(8)

(11)= (6)/(5)

(12)= (8)/(7)

(13)= (10)/(9)

Hợp phần, hạng mục 1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hợp phần, hạng mục 2

 

 

  

 

  

  

  

 

 

 

 

 

…..

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Đối với chương trình, dự án ô bao gồm chương trình, dự án ô và các dự án thành phần phân theo hợp phần, hạng mục.  

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 4.2

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

BÁO CÁO CÁC CHỈ SỐ THỰC HIỆN HOẶC KẾT QUẢ ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Hợp phần, hạng mục

Nội dung

Chỉ số thưc hiện

Đơn vị tính

Mục tiêu của chương trình, dự án

Kết quả thực hiện

Mức độ thực hiện (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)=(6)/(5)

Hợp phần, hạng mục 1

 

Kết quả đầu ra 1.1

 

Kết quả đầu ra 1.2

 

 

 

Hợp phần, hạng mục 2

 

Kết quả đầu ra 2.1

 

Kết quả đầu ra 2.2

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Đối với chương trình, dự án ô bao gồm chương trình, dự án ô và các dự án thành phần phân theo hợp phần, hạng mục.  

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 4.3

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

DANH MỤC CÁC BÁO CÁO KỸ THUẬT QUAN TRỌNG DO CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THỰC HIỆN

TT

Tên báo cáo

Tóm tắt nội dung báo cáo

Nơi lưu trữ

(1)

(2)

(3)

(4)

Ngày … tháng … năm …
Chủ dự án
(ký tên, đóng dấu)


Mẫu VI-GSĐG 5

(Tên Cơ quan chủ quản)
(Tên Chủ dự án)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /BCGSĐG 

............, ngày.........tháng.........năm.........

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN VÀ SỬ DỤNG

VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

(Quý... năm...)

I. Tình hình vận động ODA và vốn vay ưu đãi

1. Tình hình thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án

a) Số chương trình, dự án đến hạn phê duyệt:……….

b) Số chương trình, dự án đã được phê duyệt: ..............

c) Số chương trình, dự án, viện trợ phi dự án chậm phê duyệt: ...................

(Phụ đính GSĐG 5.1: Danh mục các chương trình, dự án trong kỳ báo cáo)

2. Tình hình ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi

Tổng giá trị các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong kỳ báo cáo (nguyên tệ, quy đổi ra Triệu VNĐ và USD):………

(Phụ đính GSĐG 5.2: Danh mục chương trình, dự án đã ký kết trong kỳ báo cáo)

II. Tình hình thực hiện các chương trình, dự án

1. Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án 

Đánh giá chung tình hình thực hiện các chương  trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản.

Xếp loại dự án

Dự án đầu tư

Dự án HTKT

Tổng số dự án

Tốt

Khá

Trung bình

Kém

Tổng số dự án

2. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án so với kế hoạch

Tiến độ thực hiện các hoạt động (theo khối lượng hoặc giá trị công việc)

Kết quả thực hiện so với kế hoạch trong Quý báo cáo

Lũy kế thực hiện từ đầu năm so với kế hoạch cả năm

Tiến độ thực hiện

Số chương trình, dự án

Tiến độ Thực hiện

Số chương trình, dự án

> 80%

 > 80%

80% - 60%

80% - 60%

60% - 40%

60% - 40%

< 40%

< 40%

Biểu đồ và đánh giá tóm tắt về tiến độ thực hiện các hoạt động: đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tái định cư và bảo vệ môi trường,…

3. Tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng

a) Tiến độ giải ngân thực tế trong Quý báo cáo so với kế hoạch năm:

Tổng vốn giải ngân thực tế phân loại theo nhà tài trợ, nguồn vốn (ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng) và tính chất đầu tư (XDCB, HCSN, CVL, HTNS) trong Quý báo cáo, lũy kế từ đầu năm đến hết Quý báo cáo. So sánh với kế hoạch Quý và kế hoạch năm (có biểu đồ và đánh giá tóm tắt).

b) Lũy kế tỷ lệ giải ngân thực tế từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án đến hết Quý báo cáo so với tổng vốn đã ký trong các Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi (hoặc tổng vốn sau điều chỉnh, nếu có) của các chương trình, dự án đang thực hiện (có biểu đồ và đánh giá tóm tắt).

(Phụ đính GSĐG 5.3 Báo cáo tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi và Phụ đính GSĐG 5.4 Báo cáo tiến độ giải ngân vốn đối ứng).

4. Các kết quả đầu ra chủ yếu

Nêu các hoạt động và kết quả đầu ra chủ yếu của chương trình, dự án. 

5. Các vướng mắc và biện pháp giải quyết

a) Các vướng mắc

Loại vướng mắc

Số dự án

b) Các biện pháp giải quyết đã thực hiện

c) Khuyến nghị

- Các đề xuất của cơ quan chủ quản.

- Đề nghị đối với các cơ quan chức năng liên quan.

(Phụ đính GSĐG 5.5 Các vướng mắc chưa giải quyết)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CHỦ QUẢN
(Ký tên, đóng dấu)


Phụ đính GSĐG 5.1

Cơ quan chủ quản:

DANH MỤC CÁC VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐƯỢC PHÊ DUYỆT

Quý… năm…

TT

Tên chương trình, dự án

Loại văn kiện chương trình, dự án (*)

Loại vốn tài trợ

Nhà tài trợ

Cấp phê duyệt

Ngày phê duyệt theo kế hoạch

Ngày phê duyệt thực tế

Tổng ngân sách
(triệu VNĐ)

Thời hạn phê duyệt mới

Lý do chậm phê duyệt

Tổng số

ODA và vốn vay ưu đãi

Vốn đối ứng

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(8)

(9)

(10)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Ghi chú:

1. Loại văn kiện chương trình dự án (*) bao gồm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, văn kiện chương trình, dự án.

2. Báo cáo Quý II bao gồm thực hiện 6 tháng đầu năm; Báo cáo Quý IV bao gồm thực hiện cả năm

Ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng Cơ quan chủ quản
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 5.2

Cơ quan chủ quản:

BÁO CÁO VỀ  KÝ KẾT CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Quý… năm…

TT

Tên chương trình, dự án

Nhà tài trợ

Loại vốn tài trợ

Ngày nhà tài trợ phê duyệt

Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi

Ngày ký

Ngày hiệu lực

Ngày hoàn thành

Giá trị

Kế hoạch

Thực tế

Đơn vị tiền tệ

Tỷ giá      (nguyên tệ/VNĐ)

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi (nguyên tệ)

Quy đổi
(triệu VNĐ)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)=(10)x(11)

Tổng cộng

 

Ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng Cơ quan chủ quản
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 5.3

Cơ quan chủ quản:

BÁO CÁO TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

Quý… năm…

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

Tên chương trình, dự án

Nhà tài trợ

Loại tài trợ

Phương thức tài trợ

Thời gian Bắt đầu - Kết thúc

Tổng vốn  theo Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi

Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo

Kế hoạch năm

Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến thời điểm báo cáo

Giải ngân trong quý báo cáo

Tổng số

Trong đó

Tỷ lệ giải ngân (%)

Tổng
số

Trong đó

Tỷ lệ (% ) so với KH năm

Tổng
số

Trong đó

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

XDCB

HCSN

CVL

HTNS

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)= (7)/ (6)

(13)

(14)

(15)

(16)

(17)

(18)

(19)=
(14)/
(13)

(20)

(22)

(23)

(24)

(25)

TỔNG SỐ

 Dự án 1

 Dự án 2

 Dự án 3

 Dự án 4

 Dự án 5

Ghi chú: 

1. Loại tài trợ cột (3) là một trong các loại sau: ODA vốn vay, ODA viện trợ không hoàn lại, Vốn vay ưu đãi

2. Phương thức tài trợ (cột 4) là một trong các phương thức sau: hỗ trợ dự án hỗ trợ chương trình, hỗ trợ ngân sách.

3. Từ viết tắt:  XDCB: Xây dựng cơ bản; HCSN: Hành chính sự nghiệp; CVL: Cho vay lại; HTNS: Hỗ trợ ngân sách

Ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng Cơ quan chủ quản
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 5.4

Cơ quan chủ quản:

BÁO CÁO TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐỐI ỨNG

Quý… năm…

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

Tên chương trình, dự án

Thời gian Bắt đầu - Kết thúc

Vốn đối ứng theo Quyết định đầu tư

Lũy kế giải ngân

từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo

Kế hoạch năm

Lũy kế giải ngân

từ đầu năm đến thời điểm báo cáo

Giải ngân trong quý báo cáo

Số QĐ (ngày, tháng, năm)

Tổng số

Trong đó

Tổng số

Trong đó

Tỷ lệ giải ngân (%)

Tổng số

Trong đó

Tỷ lệ (% ) so với KH năm

Tổng số

Trong đó

Cân đối từ NSTW

Cân đối từ NSĐP

Chủ dự án tự bố trí

Huy động từ các nguồn vốn khác

Cân đối từ NSTW

Cân đối từ NSĐP

Chủ dự án tự bố trí

Huy động từ các nguồn vốn khác

Cân đối từ NSTW

Cân đối từ NSĐP

Chủ dự án tự  bố trí

Huy động từ các nguồn vốn   khác

Can đối từ NSTW

Cân đối từ NSĐP

Chủ dự án tự bố trí

Huy động từ các nguồn vốn khác

(1)

(2)

(3)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)= (8)/ (3)

(14)

(15)

(16)

(17)

(18)

(19)

(20)= (15)/ (14)

(21)

(22)

(23)

(24)

(25)

TỔNG SỐ

 Dự án 1

 Dự án 2

 Dự án 3

 Dự án 4

 Dự án 5

Ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng Cơ quan chủ quản
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 5.5

Cơ quan chủ quản:

CÁC VƯỚNG MẮC CHƯA GIẢI QUYẾT

Quý…. năm….

TT

Tên dự án

Loại vướng mắc

Nội dung vướng mắc

Thời hạn giải quyết

Cơ quan giải quyết

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

Dự án 1

Dự án 2

Dự án 3

…..

Ghi chú: 

- Báo cáo Quý II đồng thời là 6 tháng đầu năm

- Báo cáo Quý IV đồng thời là Báo cáo cả năm

Ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng Cơ quan chủ quản
(ký tên, đóng dấu)


Mẫu VI-GSĐG 6

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /BCGSĐG 

Hà Nội, ngày.........tháng.........năm.........

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THU HÚT, QUẢN LÝ

VÀ SỬ DỤNG ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

(6 tháng đầu năm....../ năm....)

I. BỐI CẢNH

Tình hình trong nước và quốc tế tác động đến hoạt động hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.

II. TÌNH HÌNH VẬN ĐỘNG, THU HÚT ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

1. Tình hình vận động, thu hút ODA và vốn vay ưu đãi

2. Tình hình ký kết các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

III. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

1. Đánh giá chung tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

2. Tình hình giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; phân theo nguồn vốn (ODA viện trợ không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng), cơ quan chủ quản, nhà tài trợ, ngành và lĩnh vực (kèm theo Phụ đính GSĐG 6).

IV. CÁC KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP CẢI THIỆN TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

1. Các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

2. Kiến nghị các giải pháp cải thiện tình hình thực hiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

V. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ

1. Đánh giá việc chấp hành các quy định về giám sát và đánh giá ở các cấp.

2. Đánh giá việc chấp hành chế độ báo cáo ở các cấp.

BỘ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)


Phụ đính GSĐG 6

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

BÁO CÁO GIẢI NGÂN NGUỒN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

(6 tháng đầu năm….. /năm…)

Đơn vị: Tỷ VNĐ

Nội dung

Tổng vốn các chương trình, dự án

Kế hoạch giải ngân năm....

Lũy kế giải ngân  từ đầu chương trình, dự án đến thời điểm báo cáo

Thực tế giải ngân 6 tháng đầu năm..../cả năm....

Tỷ lệ giải ngân

(%)

TS

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Vốn đối ứng

TS

ODA vốn vay

ODA viện trợ không hoàn lại

TS

ODA vốn vay

ODA viện trợ không hoàn lại

TS

ODA vốn vay

ODA viện trợ không hoàn lại

TS

ODA vốn vay

ODA viện trợ không hoàn lại

ODA

Vốn đối ứng

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

(17)

(18)

(19)

(20)

(21)

(22)

(23)

Tổng số

(Tỷ VNĐ)

Quy đổi Triệu USD

I.THEO CƠ QUAN CHỦ QUẢN

Bộ...

Bộ

...........

UBND tỉnh...

.......

II. THEO NHÀ TÀI TRỢ

Nhật Bản

......

Ngày … tháng … năm …
BỘ TRƯỞNG
(ký tên, đóng dấu)

Phụ đính GSĐG 7

Cơ quan báo cáo:           

Bộ Tài chính

Cơ quan nhận báo cáo: 

- Thủ tướng Chính phủ

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư

BÁO CÁO TÌNH HÌNH RÚT VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

6 THÁNG ĐẦU NĂM …. /NĂM ….

Đơn vị tính: Tỷ VNĐ

CƠ QUAN CHỦ QUẢN

DỰ ÁN

Nhà tài trợ

Giá trị Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi

Kế hoạch rút vốn năm …....

Thực hiện 6 tháng đầu năm....... / năm ……..

Lũy kế rút vốn từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo

Vốn ODA và Vốn vay ưu đãi

Thời gian

Tổng số

Trong đó

Tổng số

Trong đó

Tổng số

Trong đó

KT

XD
CB

HC
SN

CVL

HT
NS

XD
CB

HC
SN

CVL

HT
NS

XD
CB

HC
SN

CVL

HT
NS

A

B

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

(17)

TỔNG SỐ (Tỷ VNĐ)

Quy đổi ngoại tệ (Triệu USD)

I. BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG

1. Bộ…

Dự án…..

Dự án…..

2. Bộ…

Dự án…..

Dự án…..

II. TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

1. Tỉnh….

Dự án…..

Dự án…..

2. Tỉnh….

Dự án…..

Dự án…..

Ngày … tháng … năm …
BỘ TRƯỞNG
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Các chữ viết tắt:

- BĐ: Thời gian bắt đầu thực hiện chương trình, dự án ( năm)

- KT: Thời gian kết thúc thực hiện chương trình, dự án (năm)

- XDCB: Xây dựng cơ bản; HCSN: Hành chính sự nghiệp; CVL: Cho vay lại; HTNS: Hỗ trợ ngân sách

2. Cột A (cơ quan chủ quản, dự án):

- Ghi các CQCQ là các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý chương trình dự án ODA và vốn vay ưu đãi đang thực hiện hoặc bắt đầu thực hiện trong kỳ báo cáo

- Ghi các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi cụ thể (hoặc tiểu dự án của dự án ô) thuộc sự quản lý của từng CQCQ

3. Cột B (Nhà tài trợ): Ghi theo dòng các chương trình, dự án

4. Tổng số: Tổng giá trị rút vốn ODA và vốn vay ưu đãi (từ cột 3 đến cột 12) ghi theo 2 dòng:

- Ngoại tệ: quy đổi ra USD ở thời điểm ký hiệp định

- VNĐ (tỷ VNĐ): theo tỷ giá USD/VNĐ tại thời điểm ký Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi (cột 1) và tại thời điểm xây dựng

5. Lũy kế rút vốn từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo (từ cột 3 đến cột 17) chỉ ghi các dòng chương trình, dự án


BẢNG CÁC THUẬT NGỮ SỬ DỤNG TRONG CÁC BIỂU PHỤ ĐÍNH THUỘC MẪU VI-GSĐG 1 VÀ MẪU VI-GSĐG 2

Thuật ngữ

Giải thích các thuật ngữ

Xuất hiện ở biểu Phụ đính

Ban Quản lý dự án (Ban QLDA)

Xem Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ

Điền tên đầy đủ của Ban QLDA (theo Quyết định thành lập Ban QLDA), tên của Giám đốc Ban QLDA, địa chỉ, điện thoại, Fax, Email của Giám đốc Ban QLDA.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Chủ dự án

Xem Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ

Điền tên chủ dự án, tên, chức vụ, địa chỉ, điện thoại, fax và email của người liên hệ (người được chủ dự án giao nhiệm vụ làm đầu mối quản lý dự án).

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Cơ quan chủ quản

Xem Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ.

Điền tên cơ quan chủ quản, tên, chức vụ, địa chỉ, điện thoại, fax và email của người liên hệ (người được cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ làm đầu mối quản lý dự án).

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Cơ quan đồng thực hiện

Nếu trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, viện trợ phi dư án trong đó giao nhiệm vụ cho nhiều cơ quan thực hiện (đồng thực hiện)

Liệt kê cụ thể tên các cơ quan này.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Cơ chế tài chính trong nước

Xem Điều 10 của Nghị định.Cơ chế tài chính trong nước bao gồm: (i) Ngân sách nhà nước cấp phát, ngân sách nhà nước cho vay lại toàn bộ hoặc một phần.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngân sách nhà nước cấp phát

Xem Khoản 1 Điều 10 của Nghị định.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngân sách nhà nước cho vay lại

Xem Khoản 2 Điều 10 của Nghị định.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Các vướng mắc (nếu có)

Bao gồm: (1) các vướng mắc mới nảy sinh và (2) các vướng mắc trước đây. Mô tả tóm tắt các vướng mắc liên quan tới vấn đề giải ngân, đấu thầu, hợp đồng, giải phóng mặt bằng (bao gồm cả việc đền bù, tái định cư), môi trường và các vấn đề khác. Với mỗi vướng mắc mới cần xác định rõ cơ quan giải quyết, thời hạn giải quyết (trước ngày... tháng... năm…). Với mỗi vướng mắc trước đây cần nêu lên thực trạng giải quyết (nếu đã giải quyết cần ghi ngày... tháng ... năm... đã giải quyết; nếu chưa giải quyết cần ghi thời hạn mới phải giải quyết. Đối với các vướng mắc chưa được giải quyết, ngoài việc mô tả vướng mắc.

GSĐG 1.1 GSĐG 1.2

GSĐG 2.1

Mã các vướng mắc:

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

1 Về chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án (Ban QLDA)

2 Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng liên quan

3 Về nhân sự quản lý dự án

4 Về phương tiện vật chất, tài chính cho hoạt động của Ban QLDA

5 Về nội dung thiết kế dự án

6 Về dự toán

7.1 Về giải phóng mặt bằng - Liên quan đến chính sách của nhà tài trợ

7.2 Về giải phóng mặt bằng - Liên quan đến sự phối hợp của chính quyền sở tại

7.3 Về giải phóng mặt bằng - Liên quan đến người sử dụng đất

8.1 Về đấu thầu/mua sắm - Phê duyệt kế hoạch

8.2 Về đấu thầu/mua sắm - Quá trình đấu thầu

8.3 Về đấu thầu/mua sắm - Phê duyệt kết quả

9 Về vốn đối ứng

10.1 Về giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi – Liên quan đến các cơ quan Việt Nam

10.2 Về giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi – Liên quan đến Nhà tài trợ

11 Về thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án đầu tư xây dựng

12 Về hạch toán, chi phí xây dựng

13 Về thuế và phí

14 Về hải quan, xuất nhập khẩu

15.1 Điều chỉnh - Điều chỉnh thay đổi mục tiêu

15.2 Điều chỉnh vốn

15.3 Điều chỉnh - Điều chỉnh khác

16 Các rủi ro nghiêm trọng

 Các khuyến nghị (nếu có)

Tóm tắt các khuyến nghị chưa được phản hồi từ những lần báo cáo trước. Đề đạt các khuyến nghị mới nhằm giải quyết các vướng mắc chủ yếu hoặc để đạt được các kết quả và những thay đổi.

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

Các biện pháp khắc phục

Liệt kê các biện pháp xử lý từng vấn đề cụ thể về môi trường đã nêu.

GSĐG 2.7

 Các vấn đề khác (nếu có)

Tóm tắt các vấn đề chưa được đề cập ở trên, ví dụ như tình hình thực hiện các điều khoản và điều kiện ràng buộc.

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

Chi phí vốn thực hiên Phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư (triệu VNĐ)

Kế hoạch: Tổng chi phí liên quan đến tất cả các hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư,… trong Phương án được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.

Đã chi trong quý báo cáo: thực tế chi phí cho các hoạt động trong Phương án đã được Người có thẩm quyền phê duyệt.

Lũy kế chi từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo: tổng chi thực tế cho các hoạt động trong Phương án đã được duyệt từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến thời điểm báo cáo.

GSĐG 2.6

Chỉ số thực hiện

Cột này liệt kê các chỉ số thực hiện nhằm xác định và theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động, đầu ra hay cấu phần.

GSĐG 2.8

Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi

Xem Mục b) Khoản 19 Điều 4 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ.

Trong các mẫu biểu báo cáo “Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi” ký kết giữa Chính phủ Việt Nam (CPVN) và nhà tài trợ (NTT) được gọi tắt là “Hiệp định”.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Địa điểm thực hiện

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự án được thực hiện như đã quy định trong Quyết định đầu tư, Văn kiện dự án.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Mã tỉnh: Danh sách Mã tỉnh sau được xây dựng dựa trên mã điện thoại của tỉnh, thành phố:

0

Liên tỉnh

1

Toàn quốc

76

An Giang

20

Lào Cai

64

Bà Rịa - Vũng Tàu

72

Long An

240

Bắc Giang

350

Nam Định

281

Bắc Kạn

38

Nghệ An

781

Bạc Liêu

30

Ninh Bình

241

Bắc Ninh

68

Ninh Thuận

75

Bến Tre

210

Phú Thọ

56

Bình Định

57

Phú Yên

650

Bình Dương

52

Quảng Bình

651

Bình Phước

510

Quảng Nam

62

Bình Thuận

55

Quảng Ngãi

780

Cà Mau

33

Quảng Ninh

26

Cao Bằng

53

Quảng Trị

500

Đắk Lắk

79

Sóc Trăng

501

Đăk Nông

22

Sơn La

230

Điện Biên

66

Tây Ninh

61

Đồng Nai

36

Thái Bình

67

Đồng Tháp

280

Thái Nguyên

59

Gia Lai

37

Thanh Hoá

19

Hà Giang

54

Thừa Thiên Huế

351

Hà Nam

73

Tiền Giang

39

Hà Tĩnh

710

Tp. Cần Thơ

320

Hải Dương

511

Tp. Đà Nẵng

711

Hậu Giang

4

Tp. Hà Nội

18

Hòa Bình

31

Tp. Hải Phòng

321

Hưng Yên

8

Tp. Hồ Chí Minh

58

Khánh Hòa

74

Trà Vinh

77

Kiên Giang

27

Tuyên Quang

60

Kon Tum

70

Vĩnh Long

231

Lai Châu

211

Vĩnh Phúc

63

Lâm Đồng

29

Yên Bái

25

Lạng Sơn

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Điều kiện vốn vay

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

 Thời hạn trả nợ (năm)

Thời gian tính theo năm được ghi trong Hiệp định mà Việt Nam phải trả nợ khoản vay (bao gồm cả gốc và lãi) cho nhà tài trợ.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

 Thời gian ân hạn (năm)

Thời gian tính theo năm (hoặc theo tháng) được ghi trong Hiệp định mà Việt Nam không phải trả nợ gốc đối với phần ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đã được giải ngân.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

 Lãi suất (%/năm)

Tỷ lệ phần trăm theo năm (%/năm) mà Việt Nam phải trả cho nhà tài trợ đối với số vốn vay đã được giải ngân. Trong một số trường hợp, khoản vay áp dụng các lãi suất thay đổi thì ghi theo lãi suất đã xác định trong Hiệp định.

Trường hợp Nhà tài trợ phân chia lãi suất thành: (i) Lãi suất trong thời gian ân hạn (áp dụng trong thời gian ân hạn); và (ii) Lãi suất sau thời gian ân hạn (áp dụng từ sau khi hết thời gian ân hạn); thì điền các lãi suất này vào cột tương ứng.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

 Phí cam kết (%/năm)

Tỷ lệ phần trăm theo năm (%/năm) mà Việt Nam phải trả cho nhà tài trợ đối với số tiền còn lại (chưa được giải ngân) trong Hiệp Định.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Đơn vị tính trong các biểu tài chính

- Ngoại tệ: Đơn vị nguyên tệ của Nhà tài trợ (ví dụ: SDR, USD, EUR)

VNĐ: Triệu (1.000.000) VNĐ

Thống nhất về sử dụng dấu phẩy (,) và dấu chấm (.):

(i) Với báo cáo bằng Tiếng Việt

+ Dấu chấm ngăn cách hàng nghìn

+ Dấu phẩy ngăn cách phần số nguyên và số thập phân

+ Ví dụ: 1.000.000,00 VNĐ được hiểu là 1 triệu Việt Nam Đồng chẵn

(ii)Với báo cáo bằng Tiếng Anh

+ Dấu phẩy ngăn cách hàng nghìn

+ Dấu chấm ngăn cách phần số nguyên và số thập phân

+ Ví dụ: 1,000,000.00 VNĐ được hiểu là 1 triệu Việt Nam Đồng chẵn

Các biểu tài chính và các biểu liên quan

Đơn vị tiền tệ

Bằng nguyên tệ của nhà tài trợ (vốn ODA và vốn vay ưu đãi); bằng triệu VNĐ (vốn đối ứng).

Nguyên tệ của NTT nêu trong Hiệp định ký giữa CPVN và (các) NTT (trường hợp ADB và WB, sử dụng đơn vị ngoại tệ là SDR; EU và các nước thành viên EU sử dụng đơn vị ngoại tệ là EUR).

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

Đơn vị tiền tệ (trong đấu thầu)

Các loại tiền sử dụng trong gói thầu được liệt kê chi tiết.

GSĐG 2.5

Đơn vị tính

Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi tính theo loại tiền tệ của NTT được xác định trong Hiệp định đã ký kết.

GSĐG 2.3

Điều chỉnh vốn dự án (thay đổi về quy mô vốn)

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

 Ngày điều chỉnh (nếu có)

Ngày CPVN hoặc cấp có thẩm quyền của CPVN và NTT ký văn bản thỏa thuận điều chỉnh vốn hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Vốn ODA  và vốn vay ưu đãi (đã được điều  chỉnh)

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được điều chỉnh (theo đơn vị tiền tệ của Hiệp định) được thể hiện trong Văn bản điều chỉnh vốn của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án ký kết giữa CPVN và NTT. Liệt kê theo nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của (từng) NTT (nếu có điều chỉnh vốn).

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

 Quy đổi ra VNĐ

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã điều chỉnh của (từng) NTT được quy đổi ra VNĐ theo tỷ giá tại thời điểm văn bản thỏa thuận điều chỉnh được ký kết giữa CPVN và NTT.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được NTT chuyển cho CPVN thông qua Tài khoản Đặc biệt hoặc Tài khoản Tạm ứng của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hoặc chuyển trực tiếp cho nhà thầu (theo thông báo rót vốn của NTT).

Thời điểm giải ngân là thời điểm vốn được chuyển đi từ tài khoản của NTT vào Tài khoản Đặc biệt hoặc Tài khoản Tạm ứng của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hoặc vào tài khoản của nhà thầu.

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

GSĐG 2.3

Giải ngân vốn đối ứng

Giá trị vốn đối ứng (bằng tiền VNĐ) được giải ngân (được chi ra từ Tài khoản vốn đối ứng của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án) trong kỳ báo cáo.

GSĐG 2.4

Giải ngân trong tháng

Giá trị giải ngân trong tháng báo cáo của từng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo nguyên tệ của nhà tài trợ (NTT1, NTT2...) và giải ngân vốn đối ứng tính bằng triệu VNĐ.

GSĐG 1.2

Giải ngân trong quý

Giá trị giải ngân trong quý báo cáo của từng nguồn vốn theo nguyên tệ của nhà tài trợ (NTT1, NTT2...) và vốn đối ứng (triệu VNĐ).

GSĐG 2.2

Giá trị đã thanh toán

Giá trị bằng (các loại) tiền tệ đã thanh toán thực tế cho nhà thầu thực hiện Hợp đồng theo đúng Hợp đồng. Giá trị này được báo cáo theo từng quý, lũy kế từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, lũy kế từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo và chi tiết theo từng đơn vị tiền tệ sử dụng trong Hợp đồng ký kết.

GSĐG 2.5

Hợp đồng ban đầu

GSĐG 2.5

Giá trị hợp đồng

Giá trị hợp đồng ký kết. Giá trị hợp đồng được liệt kê chi tiết theo các loại tiền tệ trong gói thầu.

GSĐG 2.5

 Giá trị hợp đồng (triệu VNĐ)

Giá trị hợp đồng quy đổi ra triệu VNĐ (theo tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng).

Lưu ý: giá trị này chỉ phục vụ mục đích theo dõi, không phải là giá trị gốc của gói thầu.

Ví dụ: Giá gói thầu là 100 USD và 2.000.000 VNĐ, ta có giá trị gói thầu quy đổi tương đương 4.000.000 VNĐ (theo tỷ giá 1USD=20.000 VNĐ).

GSĐG 2.5

Ngày hoàn thành

Ngày hoàn thành hợp đồng được quy định trong hợp đồng gốc.

GSĐG 2.5

Hợp đồng điều chỉnh

GSĐG 2.5

Giá trị hợp đồng

Giá trị hợp đồng đã được điều chỉnh theo văn bản được ký kết chi tiết theo các loại tiền tệ trong gói thầu.

GSĐG 2.5

Giá trị hợp đồng (triệu VNĐ)

Giá trị hợp đồng đã được điều chỉnh được quy đổi ra triệu VNĐ (theo tỷ giá tại thời điểm ký Hợp đồng)

GSĐG 2.5

Ngày hoàn thành

Ngày hoàn thành hợp đồng đã được điều chỉnh theo văn bản được ký giữa chủ dự án hoặc Ban QLDA và nhà thầu, nhà cung ứng, tư vấn.

GSĐG 2.5

Kế hoạch giải ngân năm

Kế hoạch giải ngân hàng năm của dự án (bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng) được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt để thực hiện dự án trong năm kế hoạch.

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

GSĐG 2.3

GSĐG 2.4

Kế hoạch giải ngân vốn từng quý (Quý I, Quý II…)

Kế hoạch giải ngân dự kiến trong từng quý do Ban QLDA bố trí dựa trên kế hoạch giải ngân năm vốn ODA và vốn vay ưu đãi được giao

GSĐG 2.3

 Kế hoạch giải ngân vốn đối ứng từng quý (Quý I, Quý II…)

Kế hoạch giải ngân dự kiến trong từng quý do Ban QLDA bố trí dựa trên kế hoạch giải ngân năm vốn đối ứng được giao.

GSĐG 2.4

Kế hoạch tới thời điểm báo cáo

Lũy kế phần kế hoạch giải ngân của dự án tính từ đầu năm đến thời điểm báo cáo

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

Khối lượng công việc đã thực hiện (%)

Giá trị khối lượng công việc thực hiện được ước lượng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên toàn bộ giá trị khối lượng công việc của hợp đồng (hoặc hợp đồng đã được điều chỉnh). Khối lượng này được báo cáo theo từng quý, Lũy kế từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, Lũy kế từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo.

GSĐG 2.5

Khối lượng lũy kế thực hiện từ đầu năm so với Kế hoạch năm (%)

Tỷ lệ (%) giữa tổng giá trị khối lượng các công việc đã hoàn thành từ đầu năm (lũy kế) đến thời điểm báo cáo so với tổng giá trị khối lượng các công việc của năm kế hoạch.

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

Lũy kế giải ngân

Tổng giá trị giải ngân lũy kế từ khi bắt đầu dự án đến thời điểm báo cáo theo từng nguồn vốn.

GSĐG 1.2

Lũy kế từ đầu năm/Lũy kế thực tế từ đầu năm

Tổng giá trị giải ngân thực tế lũy kế từ đầu năm báo cáo đến thời điểm báo cáo theo từng nguồn vốn.

GSĐG 1.2

GSĐG 2.3

GSĐG 2.4

Lũy kế thực tế đến ngày 31/12/ năm trước

Số lũy kế vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án đến ngày 31/12 năm trước (năm liền trước năm báo cáo)

GSĐG 2.3

GSĐG 2.4

Lũy kế thực tế từ đầu dự án

Giá trị giải ngân thực tế lũy kế từ khi bắt đầu thực hiện dự án (từ đầu dự án) đến thời điểm báo cáo.

GSĐG 2.4

Lũy kế đến đầu năm (liên quan đến chỉ số thực hiện)

Lũy kế tiến độ thực hiện thực tế của các chỉ số hay đầu ra tính đến thời điểm đầu năm báo cáo

GSĐG 2.8

Lũy kế (liên quan đến chỉ số thực hiện)

Lũy kế tiến độ thực hiện thực tế của các chỉ số hay đầu ra tính từ đầu năm báo cáo đến thời điểm báo cáo

Giá trị lũy kế này được tự động cập nhật khi số liệu kế hoạch và thực tế của các quý được điền

GSĐG 2.8

Lũy kế từ đầu dự án (liên quan đến chỉ số thực hiện)

Lũy kế tiến độ thực hiện theo kế hoạch và thực tế của các chỉ số hay đầu ra tính từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo

Giá trị lũy kế này được tự động cập nhật khi số liệu kế hoạch và thực tế của các quý và thực tế tại đầu năm được điền.

GSĐG 2.8

Mã chương trình, dự án

Mã của dự án nêu tại Hiệp định được ký giữa CPVN và NTT.

Trong trường hợp có nhiều nhà tài trợ, mã chương trình, dự án được nêu trong Hiệp định được ký giữa CPVN và NTT.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Mã tiểu dự án (dự án thành phần)

Xem “Chương trình, dự án ô” tại Khoản 12 Điều 4 Nghị định.

Trường hợp dự án thành phần thuộc chương trình, dự án ô, chủ dự án thành phần sử dụng Phụ đính GSĐG 1.1 để gửi Báo cáo cho Ban QLDA của cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô (còn gọi là Ban QLDA Trung ương) thì phải điền Mã dự án thành phần. Mã dự án thành phần do Ban QLDA của cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô và cơ quan chủ quản dự án thành phần thống nhất cách đặt.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Mã ngành kinh tế

Mã ngành kinh tế quốc dân của dự án phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ). Có thể lấy mã ngành chi tiết đến ngành cấp 2.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Mô tả tóm tắt chương trình, dự án

Tóm tắt ý nghĩa quan trọng của chương trình, dự án đối với xã hội, các hoạt động dự kiến, các đầu ra và những lợi ích lâu dài đối với các đối tượng thụ hưởng cuối cùng. Tóm tắt này cũng cố gắng thể hiện mức độ phù hợp của chương trình, dự án đối với các chính sách phát triển ngành, vùng của CPVN, chính sách của NTT có liên quan.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Mô tả tóm tắt những vấn đề môi trường

Liệt kê tên, nội dung các vấn đề cụ thể do dự án tác động xấu tới môi trường khu vực dự án (cụ thể về: gây ô nhiễm môi trường nước, nước thải, không khí, đất, tiếng ồn,…)

GSĐG 2.7

Mục tiêu cuối kỳ

Ghi giá trị / mức độ của chỉ số thực hiện hay đầu ra phải đạt được khi kết thúc dự án (theo Văn kiện dự án).

GSĐG 2.8

Năm tài chính

Được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hàng năm

Các biểu liên quan

Nhà tài trợ (NTT)

Tổ chức tài trợ quốc tế hoặc đại diện của Chính phủ nước ngoài với vai trò là một bên ký Hiệp định với CPVN.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Nhà tài trợ chính

NTT cung cấp phần lớn khoản vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hay được các NTT cùng tham gia đồng tài trợ với NTT chính.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Nhà tài trợ khác (nếu có)

Một hay nhiều NTT tham gia (đồng tài trợ) cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho chương trình, dự án, viện trợ phi dự án song không phải là NTT chính.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày và số Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền

Ngày và số ghi trên Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của cấp có thẩm quyền của CPVN.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày và số Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của cấp có thẩm quyền

Ngày và số ghi trên Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của cấp có thẩm quyền của CPVN.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày nhà tài trợ phê duyệt dự án

Ngày NTT chính và các NTT khác cùng tham gia (đồng tài trợ) phê duyệt văn kiện chương trình, dự án.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày ký Hiệp định về ODA và vốn vay ưu đãi

Ngày CPVN, NTT chính và các NTT đồng tài trợ ký kết Hiệp định trừ trường hợp cá biệt một số dự án quy mô lớn do JICA tài trợ thông qua nhiều Hiệp định vay vốn cần liệt kê các Hiệp định đã ký theo thứ tự thời gian.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày hiệu lực

Ngày mà khoản tài trợ theo Hiệp định ký kết giữa CPVN và NTT có hiệu lực (bên vay, bên nhận có thể rút vốn).

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày kết thúc

Ngày mà khoản tài trợ theo Hiệp định ký kết giữa CPVN và NTT hết hạn hiệu lực (bên vay, bên nhận hết quyền rút vốn).

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày gia hạn Hiệp định (nếu có)

Ngày gia hạn Hiệp định thống nhất giữa CPVN và NTT.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Ngày ký hợp đồng

Ngày chủ dự án hoặc Ban QLDA (nếu được ủy quyền) ký hợp đồng với nhà thầu, nhà cung cấp, tư vấn trúng thầu.

GSĐG 2.5

Ngày hoàn thành thực tế

Ngày nhà thầu, nhà cung ứng, tư vấn hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng công trình, các công việc phải được hoàn thành và công trình bàn giao cho chủ dự án, Ban QLDA. Ngày toàn bộ công việc của hợp đồng được nghiệm thu bằng văn bản giữa chủ dự án hoặc Ban QLDA và Ngày nhà thầu, nhà cung ứng, tư vấn và các yêu cầu thanh toán đã được thực hiện.

GSĐG 2.5

Ngày CPVN phê duyệt Phương án đền bù, GPMB, tái định cư

Kế hoạch: Ngày dự kiến phê duyệt Phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư của cấp có thẩm quyền của CPVN

Thực tế: Ngày cấp có thẩm quyền của CPVN phê duyệt Phương án đền bù GPMB, tái định cư (gọi tắt là Phương án)

GSĐG 2.6

Ngày hoàn thành đền bù bàn giao mặt bằng

Ngày Ban QLDA giao mặt bằng đã được đền bù, giải tỏa cho nhà thầu.

Kế hoạch: Ngày được xác định trong Phương án được phê duyệt

Thực tế: Ngày Ban QLDA thực hiện giao đủ diện tích mặt bằng cho nhà thầu.

GSĐG 2.6

Ngày NTT thông qua Báo cáo

Kế hoạch: Ngày chủ dự án dự kiến NTT thông qua hoặc có ý kiến “không phản đối” đối với Báo cáo.

Thực tế: Ngày NTT thông qua hoặc có ý kiến “không phản đối” đối với Báo cáo..

GSĐG 2.7

Ngày Chính phủ Việt Nam phê duyệt Báo cáo

Kế hoạch: Ngày chủ dự án dự kiến cấp có thẩm quyền của CPVN phê duyệt Báo cáo.

Thực tế: Ngày cấp có thẩm quyền của CPVN phê duyệt Báo cáo.

GSĐG 2.7

Ngày bắt đầu thực hiện các biện pháp khắc phục

Kế hoạch: Ngày dự kiến đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện bảo vệ môi trường tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục.

Thực tế: Ngày thực tế đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện bảo vệ môi trường bắt đầu thực hiện các biện pháp khắc phục.

GSĐG 2.7

Ngày hoàn thành và gửi báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục

Kế hoạch: Ngày dự kiến chủ dự án nhận được Báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục từ đơn vị thực hiện bảo vệ môi trường.

Thực tế: Ngày chủ dự án nhận được Báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục từ đơn vị thực hiện bảo vệ môi trường.

GSĐG 2.7

Tổng vốn thực hiện chương trình, dự án

Tổng số vốn theo Quyết định đầu tư của chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổng số: bao gồm vốn ODA/vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng quy đổi ra nội tệ (đơn vị triệu VNĐ); quy đổi tương đương nguyên tệ của Nhà tài trợ (nhà tài trợ chính) theo tỷ giá giữa nguyên tệ và USD và tỷ giá giữa USD và VNĐ ở thói điểm phê duyệt Quyết định đầu tư.

GSĐG 1.1 GSĐG 2.1

Nguồn vốn (để thanh toán hợp đồng thầu)

Nguồn vốn (vốn nhà tài trợ hoặc vốn đối ứng) được sử dụng để thanh toán cho nhà thầu, nhà cung ứng, tư vấn.

GSĐG 2.5

Phụ đính GSĐG 1.1

Mục đích và tần suất lập Phụ đính GSĐG 1.1:

Phụ đính GSĐG 1.1 tóm tắt các thông tin cơ bản về chương trình, dự án, viện trợ phi dự án. Các thông tin này thường không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện. Chỉ cần lập và gửi báo cáo một lần gửi kèm theo Báo cáo tháng đầu tiên đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, dự án đầu tư nhóm A.

 Chỉ lập và gửi lại Phụ đính này khi có quyết định bổ sung, sửa đổi bằng văn bản của cấp có thẩm quyền của CPVN và NTT (khi có thay đổi trong văn bản Hiệp định đã ký kết hoặc thay đổi nhân sự liên quan đến chương trình dự án như thay đổi tên và địa chỉ, điện thoại,... của Người liên hệ trực tiếp của cơ quan chủ quản dự án hoặc Giám đốc Ban quản lý dự án) .

GSĐG 1.1

Phụ đính GSĐG 1.2

Mục đích và tần suất lập Phụ đính GSĐG 1,2:

Phụ đính GSĐG 1.2 cập nhật theo tháng bao gồm các tóm tắt về tiến độ thực hiện dự án, chỉ ra các kết quả, những thay đổi quan trọng và những khó khăn vướng mắc đã gặp trong kỳ báo cáo cũng như cơ hội đưa ra các hành động cần thiết để giải quyết các vấn đề đó.

Biểu này được lập và gửi hàng tháng đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, dự án đầu tư nhóm A. Riêng đối với các tháng đầu của quý, chủ dự án không phải có lập và gửi Báo cáo tháng (theo Mẫu VI-GSĐG 1), thay vào đó lập và gửi Báo cáo hàng quý (theo Mẫu VI-GSĐG 2).

GSĐG 1.2

Phụ đính GSĐG 2.1

Mục đích và tần suất lâp Phụ đính GSĐG 2.1:

Phụ đính GSĐG 2.1 tóm tắt các thông tin cơ bản về chương trình, dự án, viện trợ phi dự án. Các thông tin này thường không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện. Chỉ cần lập và gửi báo cáo một lần sau khi Hiệp định có hiệu lực (hoặc Báo cáo Quý đầu tiên đối với tất cả các loại dự án).

 Chỉ lập và gửi lại Phụ đính này khi có quyết định bổ sung, sửa đổi bằng văn bản của cấp có thẩm quyền của CPVN và NTT (khi có thay đổi trong văn bản Hiệp định đã ký kết hoặc thay đổi nhân sự liên quan đến dự án như thay đổi tên và địa chỉ, điện thoại,... của Người liên hệ trực tiếp của cơ quan chủ quản dự án hoặc Giám đốc Ban quản lý dự án) .

GSĐG 2.1

Phụ đính GSĐG 2.2

Mục đích và tần suất lập Phụ đính GSĐG 2.2

Phụ đính GSĐG 2.2 cập nhật theo theo quý bao gồm các tóm tắt về tiến độ thực hiện dự án, chỉ ra các kết quả, những thay đổi quan trọng và những khó khăn vướng mắc đã gặp trong kỳ báo cáo cũng như cơ hội đưa ra các hành động cần thiết để giải quyết các vấn đề đó.

Biểu này được lập và gửi hàng quý. đối với tất cả các loại dự án.

GSĐG 2.2

Phụ đính GSĐG 2.3

Phụ đính GSĐG 2.3 báo cáo tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, theo dõi tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của dự án so với kế hoạch năm về giải ngân đã được giao.

Biểu này được lập và gửi hàng quý theo từng nhà tài trợ của dự án.

GSĐG 2.3

Phụ đính GSĐG 2.4

Phụ đính GSĐG 2. 4 cập nhật tiến độ giải ngân thực tế vốn đối ứng hàng quý so với Kế hoạch năm về vốn đối ứng.

Biểu này lập và gửi hàng quý.

GSĐG 2.4

Phụ đính GSĐG 2.5

Mục đích và tần suất lập Phụ đính GSĐG 2.5

Phụ đính GSĐG 2.5 liệt kê các gói thầu, hợp đồng đã ký với nhà thầu, nhà cung cấp, tư vấn; kết quả thực hiện các hợp đồng trong quý báo cáo (bao gồm các hợp đồng ban đầu và hợp đồng đã điều chỉnh).

Phụ đính này lập và gửi hàng Quý.

GSĐG 2.5

Phụ đính GSĐG 2.6

Mục đích và tần suất lập Phụ đính GSĐG 2.6

Phụ đính GSĐG 2.6 cung cấp thông tin về tiến độ lập và phê duyệt và thực hiện Phương án đền bù gỉải phóng mặt bằng, tái định cư.

 Biểu này được lập và báo cáo hàng quý.

Các dự án không có hoạt động liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư,...không phải lập và gửi Biểu này.

GSĐG 2.6

Phụ đính GSĐG 2.7

Mục đích và tần suất lập Phụ đính GSĐG 2.7

Phụ đính GSĐG 2.17 cung cấp thông tin về tiến trình phê duyệt và thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Biểu này lập và gửi hàng quý (bắt đầu lập từ khi NTT thông qua Báo cáo).

Các dự án không có hoạt động tác động tới môi trường.không phải lập và gửi Biểu này.

GSĐG 2.7

Phụ đính GSĐG 2.8

Mục đích và tần suất lập Phụ đính GSĐG 2.8

Phụ đính GSĐG 2.8 ghi lại những kết quả theo Quý của các chỉ số thực hiện hoặc đầu ra được sử dụng trong quá trình thực hiện dự án. Biểu này được lập hàng quý.

GSĐG 2.8

Phương thức cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi

Hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ chương trình, hỗ trợ dự án, viện trợ phi dự án.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Số hiệu gói thầu

Số hiệu gói thầu là duy nhất và được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện dự án, phù hợp với Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hoặc theo nguyên tắc ngắn gọn và không trùng lặp.

Trong trường hợp một gói thầu bao gồm nhiều hợp đồng, Phụ đính GSĐG 2.5 sẽ liệt kê các hợp đồng này với cùng một ký hiệu gói thầu (trùng ký hiệu).

GSĐG 2.5

Số hiệu hợp đồng

Số hiệu của Hợp đồng được ký kết.

 GSĐG 2.5

Số liệu nền

Dữ liệu: ghi giá trị, mức độ của chỉ số thực hiện hay đầu ra (bằng số hoặc chữ) ở thời điểm bắt đầu thực hiện dự án.

Ngày ghi nhận: ghi ngày thực tế đạt được giá trị đầu kỳ.

GSĐG 2.8

Số liệu Kế hoạch của các quý

Sử dụng kế hoạch năm của chương trình, dự án để nhập các kết quả thực hiện dự kiến theo quý đối với các chỉ số thực hiện hoặc đầu ra.

GSĐG 2.8

Số liệu thực tế của các quý

Tình hình thực hiện thực tế theo quý của các chỉ số thực hiện hoặc đầu ra.

GSĐG 2.8

Tên dự án (tiếng Việt)

Tên của dự án được sử dụng trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền của CPVN phê duyệt.

GSĐG 1.1

GSĐG 1.2

GSĐG 2.1

Tên chương trình, dự án, viện trợ phi dự án (tiếng Anh)

Tên của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án sử dụng trong Hiệp định về ODA ký kết giữa CPVN và NTT (tiếng Anh).

GSĐG 1.2

GSĐG 2.1

Tên lĩnh vực ưu tiên sử dụng vón ODA và vốn vay ưu đãi

Lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án, viện trợ phi dự án là 1 trong những lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Điều 7 của Nghị định.

Số hiệu Mã lĩnh vực ưu tiên:

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ,...

Phát triển kết cấu hạ tầng xã hội,…

Khoa học và công nghệ...

Phát triển nông nghiệp và nông thôn,...

Tăng cường năng lực và thể chế...

Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên...

Hỗ trợ thúc đẩy thương mại và đầu tư....

Hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...

 9. Một số lĩnh vực ưu tiên khác

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tên dự án, dự án thành phần, gói thầu, địa điểm

Tên Dự án: Tham chiếu “Tên Dự án” trong Biểu Phụ đính GSĐG 2.1.

Tên dự án thành phần: Tên dự án thành phần trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ô.

Tên gói thầu: Tên đầy đủ của từng gói thầu trong Kế hoạch đấu thầu được phê duyệt.

Địa điểm: Địa điểm thực hiện gói thầu.

Tùy thuộc vào cách quản lý của Ban QLDA, ở cột này liệt kê theo tên dự án, dự án thành phần hay tên gói thầu hay địa điểm thực hiện gói thầu.

GSĐG 2.6

Tên hợp đồng

Tên của Hợp đồng được ký kết.

GSĐG 2.5

Tên nhà thầu /tư vấn

Tên đầy đủ của nhà thầu, nhà cung ứng, tư vấn trúng thầu đối với từng gói thầu theo kết quả đấu thầu được duyệt (không liệt kê tên các nhà thầu phụ).

GSĐG 2.5

Tổng số (trong mục Nguồn vốn của dự án)

Tổng vốn dự án (bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng) được ghi trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án. Đơn vị tính là Triệu VNĐ.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tổng vốn đã ký (mục Tổng cộng cho dự án)

Là tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong Hiệp định gốc cộng thêm các khoản điều chỉnh tăng và trừ đi các cấu phần đã cắt bỏ ghi trong Văn bản điều chỉnh đã ký (nếu có). Đây chính là giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã sẵn có để thực hiện chương trình (net loan).

GSĐG 2.3

Tổng số (trong mục Vốn ODA và vốn vay ưu đãi)

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do NTT cung cấp (ghi trong Hiệp định ký kết giữa CPVN và NTT) được quy đổi ra VNĐ. Đơn vị tính là Triệu VNĐ.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tổng vốn theo Quyết định đầu tư (vốn đối ứng)

Tổng vốn đối ứng CPVN cam kết tài trợ trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án (chỉ tính giá trị vốn đối ứng bằng tiền mặt không tính các khoản đối ứng bằng hiện vật như nhà, xe, thiết bị văn phòng,…sẵn có của chủ dự án phục vụ công tác quản lý dự án).

GSĐG 2.4

Tổng quy đổi ra VNĐ

Quy đổi ra VNĐ tính theo tỷ giá tại thời điểm báo cáo. Chỉ quy đổi cho kế hoạch giải ngân năm, thực tế giải ngân từ đầu năm, tổng vốn đã ký và thực tế giải ngân từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án.

GSĐG 2.3

Tương đương (ngoại tệ) trong mục Nguồn vốn của dự án)

Tổng vốn dự án (bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng) được quy đổi ra ngoại tệ (nguyên tệ)

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tỷ giá (tại thời điểm ký Quyết định đầu tư- trong mục Nguồn vốn của dự án)

Liệt kê các tỷ giá sau tại thời điểm phê duyệt Quyết định đầu tư hoặc Văn kiện dự án:

Tỷ giá giữa USD và VNĐ

Tỷ giá giữa USD và đồng ngoại tệ quy đổi

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tỷ giá (trong mục Vốn ODA và vốn vay ưu đãi)

Tỷ giá giữa đồng nguyên tệ (đơn vị ngoại tệ ghi trong Hiệp định) và VNĐ tại thời điểm ký kết.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tỷ giá (mục Giải ngân trong tháng)

Tỷ giá giữa đồng nguyên tệ và VNĐ tại thời điểm báo cáo

GSĐG 1.2

Tỷ giá (tại thời điểm cuối tháng của Quý báo cáo)

Nêu tỷ giá giữa ngoại tệ dùng để báo cáo và VNĐ do Bộ Tài chính công bố vào tháng cuối của Quý báo cáo.Trong trường hợp có nhiều loại ngoại tệ ghi trong Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi, phải cập nhật tất cả các tỷ giá của các loại ngoại tê.

Bộ Tài chính công bố tỷ giá hạch toán tháng cho các loại đồng tiền. Có thể truy cập Website của Bộ Tài chính: www.mof.gov.vn về xem tỷ giá này.

GSĐG 2.3

Tỷ giá trung bình

Tỷ giá trung bình tại thời điểm báo cáo, được tính bằng cách chia lũy kế giải ngân từ đầu năm đến thời điểm báo cáo bằng VNĐ cho lũy kế giải ngân từ đầu năm đến thời điểm báo cáo bằng ngoại tệ

GSĐG 2.3

Tỷ giá để tính tại thời điểm 31/12/năm trước

Tỷ giá tại thời điểm 31/12/năm trước chính là tỷ giá trung bình tính tại thời điểm lập báo cáo Quý IV của năm trước (năm liền trước năm báo cáo).

GSĐG 2.3

Tỷ giá (liên quan đến Hợp đồng)

Tỷ giá tại thời điểm ký Hợp đồng. (Các) Tỷ giá được liệt kê theo các loại tiền có trong Hợp đồng.

GSĐG 2.5

Tỷ lệ thực hiện Kế hoạch năm (%)

Tỷ lệ phần trăm (%) giữa thực tế giải ngân lũy kế từ đầu năm đến thời điểm báo cáo và kế hoạch giải ngân năm.

GSĐG 2.3

Tỷ lệ giải ngân (%)

Đối với vốn ODA: Tỷ lệ phần trăm (%) giữa giải ngân lũy kế từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo và tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo Hiệp định.

Đối với vốn đối ứng: Tỷ lệ phần trăm (%) giữa giải ngân vốn đối ứng lũy kế từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo và tổng vốn đối ứng theo Quyết định đầu tư hoặc Văn kiện dự án.

GSĐG 2.3

GSĐG 2.4

Tổng quy đổi ra VNĐ (trong mục Vốn ODA và vốn vay ưu đãi)

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của (các) nhà tài trợ quy đổi ra đồng Việt Nam (triệu VNĐ) theo tỷ giá tại thời điểm ký Hiệp định.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tương đương (Mục Vốn đối ứng)

Tổng số vốn đối ứng của dự án (đã được ghi trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án) quy đổi ra ngoại tệ của nhà tài trợ chính (trường hợp ADB và WB, sử dụng đơn vị ngoại tệ là SDR; EU và các nước thành viên EU sử dụng đơn vị ngoại tệ là EUR) tại thời điểm ký Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án. Tính theo Tỷ giá giữa ngoại tệ và VNĐ tại thời điểm ký Hiệp định.

GSĐG 1.1

GSĐG 2.1

Tỷ lệ (%) đạt được so với kế hoạch (mục Giải ngân trong tháng)

Tỷ lệ (%) tổng giá trị giải ngân lũy kế từ đầu năm báo cáo đến thời điểm báo cáo so với Kế hoạch giải ngân được giao theo từng nguồn vốn [(7) = (6)/(4)].

GSĐG 1.2

Tóm tắt các kết quả đạt được (mục Giải ngân trong tháng)

Báo cáo tóm tắt các đầu ra và các hoạt động quan trọng đã đạt được trong tháng báo cáo.

GSĐG 1.2

Tổng giải ngân trong tháng quy đổi ra VNĐ

Tổng giá trị giải ngân trong tháng báo cáo được quy đổi ra VNĐ. Đơn vị tính là triệu VNĐ (ô dưới dòng cuối của cột 6). Sử dụng tỷ giá nguyên tệ/VNĐ tại thời điểm báo cáo để quy đổi.

GSĐG 1.2

Tổng giải ngân trong Quý quy đổi ra VNĐ

Tổng giá trị giải ngân trong quý báo cáo được quy đổi ra VNĐ. Đơn vị tính là triệu VNĐ (ô dưới dòng cuối của cột 6). Sử dụng tỷ giá nguyên tệ/VNĐ tại thời điểm báo cáo để quy đổi.

GSĐG 2.2

Thời hạn xử lý

Với từng khuyến nghị cần nêu rõ thời hạn yêu cầu có phản hồi từ cơ quan chịu trách nhiệm xử lý.

GSĐG 1.2

GSĐG 2.2

Tên hạng mục hay các hoạt động chủ yếu

Mô tả tóm tắt các hạng mục theo cách phân bổ ngân sách dự án đã cam kết trong Hiệp định hoặc trong Quyết định phê duyệt văn kiện dự án.

Dự án lớn có thể chia nhỏ tiếp đến các gói thầu chính (ví dụ: tư vấn, xây lắp, thiết bị, dự phòng…).

GSĐG 2.3

GSĐG 2.4

Thực tế giải ngân vốn đối ứng từng quý (Quý I, Quý II…)

Giá trị giải ngân thực tế vốn đối ứng từng quý.

GSĐG 2.4

Tỷ lệ thực hiện Kế hoạch năm (%)

Tỷ lệ phần trăm (%) giữa thực tế giải ngân lũy kế từ đầu năm đến thời điểm báo cáo và kế hoạch giải ngân năm.

GSĐG 2.4

MINISTRY OF PLANNING AND INVESTMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 01/2014/TT-BKHDT

Hanoi, January 09, 2014

 

CIRCULAR

GUIDELINES FOR THE GOVERNMENT'S DECREE NO. 38/2013/ND-CP DATED APRIL 23, 2013 ON MANAGEMENT AND USE OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE (ODA) AND CONCESSIONAL LOANS OF DONORS

Pursuant to the Government's Decree No. 38/2013/ND-CP dated April 23, 2013 on management and use of Official Development Assistence (ODA) and concessional loans of donors;

Pursuant to the Government's Decree No. 116/2008/ND-CP dated November 14, 2008 on defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Planning and Investment;

At the request of the Director of International Trade Department;

The Minister of Planning and Investment promulgates a Circular on guidelines for the Government's Decree No. 38/2013/ND-CP dated April 23, 2013 on management and use of Official Development Assistence (ODA) and concessional loans of donors.

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Circular provides guidelines for the Government's Decree No. 38/2013/ND-CP dated April 23, 2013 on management and use of Official Development Assistence (ODA) and concessional loans of donors (hereinafter referred to as the Decree No. 38/2013/ND-CP) according to Clause 1 Article 70 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

Article 2. Donors of ODA and concessional loans

Donors of ODA include:

1. Bilateral donors:

The governments of Ireland, India, Austria, Poland, Belgium, Canada, Kuwait, Denmark, Germany, Netherlands, Hungary, Italia, Luxemburg, Malaysia, the United States, Norway, Japan, New Zealand, Australia, Finland, France, Czech, Spain, Thailand, Sweden, Switzerland, China, Singapore, and India.

2. Multilateral donors:

a) International financial institutions:

World Bank, International Monetary Fund (IMF), Asia Development Bank (ADB), OPEC Fund for International Development, Kuwait fund, Arab Investment Fund, Nordic Development Fund (NDF), Nordic Investment Bank (NIB).

b) International organizations and inter-governmental organizations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Other donors that provide ODA and concessional loans for the government of Socialist Republic of Vietnam.

Article 3. Management and use of non-project aid

1. Non-project aid includes:

a) Separate aid that do not form a specific project in cash or in kind, goods, experts, conventions, seminars, training courses, research, survey.

b) Emergency aid to relieve suffering in the event of natural disasters, epidemics, or other calamities that persist for up to 03 months from the occurrence of the emergency.

2. The management and use of non-project aid are similar to those of the programs and projects (hereinafter referred to as projects) in the Decree No. 38/2013/ND-CP and this Circular, except for the cases in Clause 4 Article 12 of this Circular.

Article 4. Access to ODA and concessional loans of the private sector mentioned in Clause 1 Article 9 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. In the cases mentioned in Point a Clause 1 Article 9 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

Owners of projects in the private sector shall send applications for capital loans to domestic financial institutions and credit institutions in accordance with the regulations on on-lending of such financial institutions and credit institutions; international agreements on such capital sources and the loan-granting procedures of financial institutions and credit institutions must be adhered to.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For execution of projects that are given priority when using ODA and concessional loans of the government (on-lent by government budget) mentioned in Point b Clause 1 Article 9 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

Regulations on on-lending foreign loans of the government and other applicable regulations of law shall apply.

3. In the cases mentioned in Point c Clause 1 Article 9 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

Owners of projects in the private sector shall make proposals and execute their projects in accordance with applicable regulations of law on investment in the form of Public-Private Partnerships.

4. In the cases mentioned in Point d Clause 1 Article 9 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

a) For the projects under construction that are enumerated in the funding list:

The governing body shall make an announcement of the project that provides support for the private sectors in order for the eligible entities in the private sectors (hereinafter referred to as private entities) to propose their subprojects (for master projects) or modules of the projects they can execute. The governing body shall choose some subprojects or modules to formulate a project proposal and follow the next procedures in the Decree No. 38/2013/ND-CP and this Circular.

b) If the project is under a particular International Agreement on ODA and concessional loans that has been concluded:

If the private entities that participate in the project are determined, the governing body of the project shall request them to execute the project in accordance with the concluded International Agreement on ODA and concessional loans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 2.

COMPILING AND APPROVING THE FUNDING LIST

Article 5. Compiling and approving the funding list as mentioned in Article 13 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. Considering the cooperation plan and the fields given priority by the government and donors in each period, which are announced by the Ministry of Planning and Investment, considering the demand for ODA and concessional loans, the governing body shall send the Ministry of Planning and Investment a written request for aid together with a Proposal of project using the form in Appendix Ia enclosed herewith or a Proposal of non-project aid using the form in Appendix Ib enclosed herewith (hereinafter referred to as Proposal). The proposal shall be made into 08 copies in Vietnamese and English, every of which must bear the seal of the governing body.

2. The Ministry of Planning and Investment shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance and relevant bodies in discussing the selection of proposals with the donors according to:

a) The fields given priority, the ODA and concessional loans that are raised according to Article 7 and Article 11 of the Decree No. 38/2013/ND-CP;

b) The priority given to the donors in each period.

3. After selecting appropriate proposals, the Ministry of Planning and Investment shall request governing body and the donors to cooperate in formulating a project outline using the form in Appendix IIa or the non-project aid outline using the form in Appendix IIb of the Decree No. 38/2013/ND-CP (hereinafter referred to as outline).

The governing body of the master project shall cooperate with the governing bodies of subprojects in formulating the outline using the form in Appendix IIa enclosed with the Decree No. 38/2013/ND-CP, which specifies the rights and obligations of the governing body of the master project, the its leading role in coordinating the joint operations of the master project; rights and obligations of governing bodies of the subprojects, their roles in cooperating with the governing body of the master project, and their responsibility for the subproject they execute.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Contents of the subprojects, including their names, governing body, owners, primary targets and results, deadlines, limits on capital, domestic financial mechanism and capital sources, prior tasks (if any);

b) Modalities of cooperation, management, and execution of the master project and subprojects.

4. If the funding list is within the competence of the Prime Minister as mentioned in Clause 1 Article 14 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

a) The governing body shall send a dossier to the Ministry of Planning and Investment, which consists of:

- A written request that the Ministry of Planning and Investment submit the funding list to the Prime Minister for approval;

- The outline of the project or non-project aid, which is made into 08 copies in Vietnamese and English and bears the seal of the governing body;

- Documents about the ability to accumulate ODA and concessional loans from donors according to Clause 6 of this Article. The documents in other languages must be enclosed with Vietnamese translations.

b) The funding list shall be compiled and approved in accordance with Clause 3 Article 13 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

5. If the funding list is within the competence of the governing body as mentioned in Clause 2 Article 14 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The outline of the project or non-project aid, which is made into 08 copies in Vietnamese and English and bears the seal of the governing body;

- Documents about the ability to accumulate ODA and concessional loans from donors according to Clause 6 of this Article. The documents in other languages must be enclosed with Vietnamese translations.

b) The funding list shall be compiled and approved in accordance with Clause 4 Article 13 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

6. Documents about the ability to accumulate ODA and concessional loans from donors are any of the documents below:

a) Documents about cooperation programs, national cooperation strategies of the donors showing that the project or non-project aid is enumerated in the list of projects under consideration;

b) Agreements on aid capacity between Vietnamese bodies/organizations and representatives of the donors;

c) Official Dispatches from the donors to Vietnamese bodies/organizations about the commitments to provide assistance or the aid capacity.

Article 6. Compiling and approving funding lists in exceptional cases

1. Where the donor or ODA or concessional loans has not had a program for cooperation in development with Vietnam: by getting information about the policies and fields given priority by the donor, the governing body shall send the Ministry of Planning and Investment the request for aid together  with the proposal specified in Clause 1 Article 5 of this Circular. The next steps are specified in Clause 3 and Clause 4 Article 13 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, Clauses 3, 4, 5, and 6 Article 5 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The governing body shall send a written request together with a dossier to the Ministry of Planning and Investment, which consists of:

- The outline of the project or non-project aid, which is made into 08 copies in Vietnamese and English and bears the seal of the governing body;

- Documents about the ability to accumulate ODA and concessional loans from the donor according to Clause 6 Article 5 of this Circular. The documents in other languages must be enclosed with Vietnamese translations.

b) Within 05 working days, the Ministry of Planning and Investment shall send the Ministry of Finance and relevant bodies written request for opinions about the project outline.

c) Within 15 working days from the receipt of the written request for opinions, the Ministry of Finance and relevant bodies shall send their written opinions to the Ministry of Planning and Investment.

d) Within 15 working days from the receipt of the opinions from relevant bodies:

- If the outline is satisfactory, the Ministry of Planning and Investment shall aggregate the opinions and request the Prime Minister to decide the approval for the funding list, or request the governing body to approve the funding list if the list is within its competence.

- If the outline is not satisfactory, within 05 working days from the receipt of opinions, the Ministry of Planning and Investment shall request the governing body to cooperate with the donor to complete the outline, which is the basis for considering the approval for the funding list.

3. For projects and urgent non-project aid aimed for disaster recovery, epidemic prevention, or unusual calamities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Simplified procedures:

- Within 05 working days from the receipt of the written request from the competent authority, relevant bodies shall send their written opinions to the Ministry of Planning and Investment. After this deadline, the bodies that do not offer their opinions are considered to concur with the request of the governing body.

- Within 05 working days from the receipt of opinions for relevant bodies, the Ministry of Planning and Investment shall request to the Prime Minister to consider and decide.

Article 7. Regulations on the Prime Minister’s competence to approve the funding list mentioned in Points c, d, and dd Clause 1 Article 14 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. ODA grants are projects or non-project aid funded by ODA grants.

2. Technical assistance in preparation of projects funded by ODA and concessional loans are technical assistance via projects or non-project aid for the purpose of preparation of the projects funded by ODA and concessional loans with the operations and budget for preparation specified in Clause 1 Article 3 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

3. Aid for purchases of goods under the management of the State are the equipment, supplies, raw materials, bio-chemical products, and other products banned from import subject to conditional export/import as prescribed by the government of regulatory bodies.

Article 8. Prior tasks mentioned in Article 17 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

Depending on the prior tasks in the Outline enclosed with the funding list approved by a competent authority, the governing body and the project owner shall carry out the following tasks:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The governing body shall issue a decision on the project owner according to Article 9 of this Circular;

b) The project owner or the governing body that acts as a project owner shall establish a project management board according to Article 15 of this Circular. The project management board shall assist the project owner in preparation of the project, including preparing the documentation, completing the application to follow the procedures for appraisal and ratification of the documentation, formulating a policy framework for relocation, preparing a bidding plan, bidding documents, invitations to tender, and performing other tasks given by the governing body and the project owner;

c) After the project documentation is approved by a competent authority, the governing body or the project owner shall consider improving the organizational structure of the project management board by giving additional functions or tasks to the existing project management board that was established as prescribed in Point a Clause 1 of this Article, or decide to establish a new project management board that meets the requirements in Article 15 and Article 16 of this Circular.

2. Tasks mentioned in Point a Clause 2 Article 17 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

If the project is funded by ODA and concessional loans under a particular international agreement: the governing body shall cooperate with the authority in charge of negotiation to reach an agreement with the donor on the progress and the tasks mentioned in Point a Clause 2 Article 17 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, which are the basis for all parties to initiate the performance of such tasks right after the negotiation is concluded.

3. The budget for the performance of such tasks shall be provided by the capital for preparation of the project mentioned in Article 23 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, the counterpart capital for preparation of the project mentioned in Article 43 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, and other capital sources provided by the donor via technical assistance in preparation of the project.

Chapter 3.

PREPARATION, ASSESSMENT, AND APPROVAL OF PROJECT DOCUMENTATION

Article 9. Governing body’s Decision on project owner mentioned in Clause 1 Article 20 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Name of the project or non-project aid;

2. Name of the project owner;

3. Basic information about the project owner;

4. Tasks and entitlements of the project owner with regard to the preparing, appraising, and approving the documentation of the project or non-project aid are specified in Article 21 of the Decree No. 38/2013/ND-CP; Tasks and entitlements of the project owner with regard to management of execution of the project or non-project aid are specified in Article 38 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

Article 10. Procedures for appraisal of project documentation mentioned in Point b Clause 3 Article 25 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. The governing body shall appoint one of its affiliate as the appraising body.

If the project is a master project, the governing body of the master project shall appraise its documentation in cooperation with governing bodies of subprojects. After the documentation of the master project is approved by a competent authority, governing bodies of subprojects shall appraise the documentation of subprojects in accordance with decision on approval for the master project documentation.

2. Pursuant to Article 26 of the Decree No. 38/2013/ND-CP on the application for appraisal of project documentation, the project owner shall submit 08 sets of application, at least one of which is the original set, to the appraising body. The documents in other languages must be enclosed with Vietnamese translations.

3. Within 03 working days from the receipt of the satisfactory application, the appraising body, via the governing body, shall send the application together with a written request for opinions about the project documentation to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, and relevant bodies. If the application fails to meet the requirements in Article 26 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, the appraising body shall request the project owner to complete the application before the appraisal is carried out.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Within 05 working days from the receipt of written opinions by the deadline mentioned in Clause 4 of this Article, the appraising body shall aggregate the opinions, make an appraisal report that specify the assenting opinions and dissenting opinions.

During the appraisal, the appraising body must consider the appraisal procedures and progress of the donor to ensure harmony and effective cooperation, consider the agreements with the donor, opinions of the donor or the donor’s representative. The appraising body is entitled to request the project owner to provide explanation, additional documents, and hold an appraisal convention or meetings to clarify the appraisal contents if necessary.

If the project documentation fails to meet the requirements, the appraising body shall notify the project owner of necessary complements and the deadline for submitting them to the appraising body in order to take the next steps.

6. According to the conclusion of the appraisal report, the appraising body shall perform the following tasks:

a) Where the project is within the competence of the Prime Minister:

- If the project documentation is satisfactory, the appraising body shall draft a report, a decision on approval for the project documentation, and send them together with the appraisal report to the governing body; then the governing body shall submit them to the Prime Minister for consideration and decision.

- If the project documentation is not satisfactory, the appraising body send a notification to the governing body, requesting the governing body to cooperate with the Ministry of Planning and Investment in asking for the Prime Minister’s decision on removing such project from the funding list.

b) Where the project is within the competence of the governing body:

- If the project documentation is satisfactory, the appraising body shall draft a report, a decision on arpproval for the project documentation, and send them together with the appraisal report to the governing body for consideration and decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 11. Rules for appraisal of project documentation mentioned in Point b Clause 3 Article 25 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. The appraisal of the project documentation must take into account the suitability for the Outline, the comparison between the documentation of the project and non-project aid with the Decision to approve the funding list issued by a competent authority as mentioned in Article 18 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.  If a change to the contents of the Decision to approve the funding list is made, the governing body shall follow the regulations in Article 19 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

2. If the project also includes the technical assistance module and investment module, the following aspects of the investment module must be appraised apart from the aspects mentioned in Article 12 of this Circular:

a) The rationality of the investment scale, the technological plan, and quality standards.

b) Assess the feasibility of the following factors (if any):

- The plan for the location and land use; the scheme for using national resources;

- The fundamental design.

- The solutions for environment protection, relocation plans; solutions for resolving social issues of the project.

- The factors related to national defense and security; fire safety.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Contents of appraisal of documentation a technical assistance project:

According to the application for appraisal of the technical assistance project documentation mentioned in Article 26 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, the appraisal must clarify:

a) The rationality of the project, in particular:

- The context and necessity.

- Targets of the project compared to priority polices of the State, the Ministries, and local authorities.

- Intended outcomes or products compared to the project targets.

- Each part and the role of each part in producing the outcomes or products.

- Beneficiaries.

- Mechanism for allocating budget (ODA grants, counterpart capital) to various operations including domestic and international advisors, domestic and foreign training, equipment and supplies, administrative expense, and other expenses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Resources (finance, equipment, experts, and other elements) for the whole project and each operation.

- Scale and capital sufficiency rate of the project (ODA grants, counterpart fund), domestic financial mechanism applied to the project.

- Execution time.

- Solutions for executions, including prior tasks (if any).

- Organization, management, and execution of the project (including financial management and cooperation mechanism).

- Vietnam’s ability to meet the donor’s requirements.

- Plans and measures for supervising, assessing, and boosting the project progress.

- Effects of the project.

- Risks and risk reduction measures.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Necessary factors for ensure the effects of the project after completion.

- Commitments or conditions of the donor and Vietnam’s party for ensuring the sustainability of the project.

2. Contents of appraisal of documentation of a program

The contents of appraisal of documentation of a program are similar to those prescribed in Clause 1 of this Article. The links, mechanism for cooperation among the fields, sectors, territories, and entities in achieving certain targets, and results of the program must be clarified.

3. Contents of appraisal of documentation of a master project and subprojects

The contents of appraisal of documentation of the master project and subprojects are similar to those prescribed in Clause 1 of this Article. The rationality and feasibility of the project must also be assessed, in particular:

a) The relation between primary operations of the master project and primary operations of subprojects;

b) The mechanism for capital distribution (ODA, concessional loans, counterpart capital) among the master project and subprojects;

c) The methods for execution and management of the master project.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) If the non-project aid is worth below USD 20,000, the governing body shall consider approving such non-project aid pursuant to the Decision to approve the funding list issued by a competent authority instead of carrying out an appraisal;

b) If the non-project aid is worth USD 20,000 or more, the documentation of the non-project aid shall be appraised in accordance with the procedures and rules specified in Article 10 and Article 11 of this Circular. The appraisal documents are specified in Article 26 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, where the documentation of the non-project aid is made by elaborating the contents of the outline of the non-project aid in the funding list approved by a competent authority. The appraisal contents are similar to those prescribed in Clause 12 of this Article. If the non-project aid consists of only investment activities or includes investment activities, the appraisal shall be carried out in accordance with Point a Clause 3 Article 25 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

Article 13. Approving project documentation mentioned in Clause 2 and Clause 3 Article 27 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. After the appraisal is finished, the appraising body shall send an appraisal report to the governing body; the governing body shall request a competent authority to consider approving the project documentation according to Clause 2 Article 27 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

2. Within 05 working days from the day on which the project documentation is approved by the competent authority, the governing body shall notify the result to the donor and the project owner, send the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, and relevant bodies the decision on approval (the original copy or a notarized copy) together with the approved documentation of the project, which bear the seals of the governing body. If the project is a master project, the governing body of the master project and governing bodies of subprojects must inform each other of the approval result.

Chapter 4.

MANAGEMENT OF PROJECT EXECUTION

Article 14. Modalities of project management mentioned in Article 36 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. Where the project mentioned in Clause 1, Clause 2 Article 36 of the Decree No. 38/2013/ND-CP is under the direct management of the governing body or the project owner:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If a project management board is not established, the project owner or the governing body that acts as a project owner shall make use of the existing apparatus to management the execution of the project in accordance with Article 42 of the Decree No. 38/2013/ND-CP;

c) If the governing body acts as a project owner, the governing body must issue a document specifying the tasks and entitlements of the governing body and the project owner role in management and execution of the project in order to ensure objectivity and accountability.

2. Where a advisory organization is hired to manage the project according to Clause 3 Article 36 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

a) According to the modalities of hiring an advisory organization to manage the project in the project documentation approved by a competent authority, the project owner shall hire an advisory organization to act as a project management board or to manage part of the project.

b) The selection of an advisory organization and conclusion of a project management contract therewith must be carried out in accordance with applicable regulations of law. The project management contract must specify the tasks, responsibilities, and entitlements of the advisory organization and the project owner;

c) When an advisory organization is hired to management the project, the project owner still have to employ its professional units or appoint some units to inspect, supervise the contract execution of the advisory organization hired, and is ultimately responsible for the project management, costs, quality, and progress of the project, and is jointly responsible for the violations committed by the advisory organization hired to manage the project.

Article 15. Establishment of project management board mentioned in Article 39 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. Within 30 working days after the project documentation is approved by a competent authority as prescribed in Clause 1 Article 39 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, pursuant to the decision on the project owner mentioned in Article 9 of this Circular, the project owner shall issue a Decision on establishment of a project management board using the form in Appendix II of this Circular.

The establishment of the project management board must take into account of the possibility of using a professional project management board or using the existing project management board in order to improve the quality and reduce costs by utilizing the experience of managerial officers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Within 05 working days from the day on which the Decision on establishment of the project management board is signed, the body that decides the establishment of the project management board shall send a notarized copy of the Decision to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, and relevant bodies in order to seek cooperation in management and execution of the project.

3. Organizational structure and personnel of the project management board:

a) Depending on the contents, scale, nature, scope of the project, and modality of project management, the Director of the project management board shall propose a organizational structure of the project management board to the governing body or project owner, which may include units in charge of administration, personnel and training, planning, bidding, and finance according to the Regulation on organization and operation of project management board. For a project of investment, secondary units in charge of land clearance, design and construction supervision may be established;

b) The key positions of the project owner include: Director, Deputy Director (if any), Chief accountant or accountant who is designated in the Decision on establishment of the project management board. The Director and the Chief accountant (or accountant) of the project management board must be personnel of the Vietnam’s party. The Director shall designate and dismiss other positions in project management board. Functions, tasks, entitlements and benefits of such positions must be specified and notified to the governing body and relevant parties.

c) Requirements for organization and personnel of the project management board:

- The organizational structure of the management board must be appropriate with qualified and experienced personnel that suit the effective and sustainable management and execution of the project.

- Functions, tasks, and entitlements of each unit (if any); the relationships among the units must be specified in the Regulation on organization and operation of the project management board.

If some officers of the project management board are dispatched by other bodies, such dispatch must be agreed in writing with such bodies.

External officers must be hired in accordance with the project documentation approved by a competent authority and applicable regulations of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The project management board may use a separate seal as prescribed by law, or use the seal of the governing body or project owner to serve the management and execution of the project.

The project management board may open accounts of the project at State Treasuries and commercial banks in accordance with regulations of law and the international agreement with the donor on ODA or concessional loans.

5. Budget for project management board:

Budget for the project management board shall be provided by the capital for preparation of the project mentioned in Article 23 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, the counterpart capital for preparation of the project mentioned in Article 43 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, or ODA/concessional loans under an international agreement with the donor on ODA or concessional loans

6. Management and use of assets transferred by the project owner to the project management board to serve the management and execution of the project:

a) The assets transferred by the project owner to the project management board to serve the management and execution of the project must be used properly and efficiently in accordance with regulations of law and the international agreement with the donor on ODA and concessional loans.

b) If asset are transferred or given by consultancy units, contractors to the project management board, the project management board shall request the project owner to permit the use of such assets during the execution of the project, and promise to return them after the project is completed.

7. Finalizing the project and dissolving the project management board:

a) Time of completion of the ODA project according to the international agreement with the donor on ODA and concessional loans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

After the completion report and financial statement of the project is approved by a competent authority and all assets are returned to the project owner, the project owner or the governing body that acts as a project owner shall issue a Decision to finalize the project and dissolve the project management board.

b) If the tasks above cannot be done by the deadline, according to the explanation provided by the project management board, the approval by the governing body, the project owner shall issue a decision to extend the deadline by up to 06 months in order for the project management board to finish their jobs and provide sufficient budget for sustaining the operation of the project management board throughout the extension period.

c) If a project management board manages multiple projects, the project owner shall issue separate decision to finalize each of the projects, and concurrently adjust the functions and tasks of the management board in accordance with the Decree No. 38/2013/ND-CP and this Circular.

Article 16. Tasks and entitlements of project management board mentioned in Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. Assist the project owner in making an overall plan and annual plans for execution of the project in accordance with Point a Clause 3 Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP:

The project management board shall assist the project owner in making an overall plan and annual plans for execution of the project (disbursement plan, spending plan, bidding plan, etc.), and submit such plans to a competent authority for approval.  The plans must specify the resources being used, the schedule, the targets, quality, and criteria for acceptance of results of each operation of the project.

The overall plan for execution of the project must be approved by the governing body at least 03 months before the project is commenced.

Annual project execution plans must be formulated and approved in accordance with agreements with the donor, the schedule for annual capital distribution of the governing body, and the project progress under the concluded international agreement on ODA and concessional loans.

2. Assist the project owner in preparing and executing the project in accordance with Point b Clause 3 Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Perform the tasks related to bidding given by the project owner in accordance with the bidding laws and the donor’s regulations on bidding;

b) Monitor the fulfillment of obligations in the contracts with contractors that are signed by competent persons (with regard to the progress, workload, quality, occupational safety, and environmental safety). Monitor and assess the operations of contractors. Resolve the issues that arise during the contract execution in a timely manner;

c) Carry out product acceptance and make payments in accordance with law.

4. Assist the project owner in disbursement, financial management and asset management in accordance with Point d Clause 3 Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

Complete the procedures for disbursement, financial management and asset management in accordance with laws and the donor’s regulations.

5. Monitor and assess the execution of the project in accordance with Point dd Clause 3 Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

The project execution shall be monitored and assessed in accordance with Article 55 of the Decree No. 38/2013/ND-CP and Article 24 of this Circular.

6. Prepare the acceptance and transfer of products of the project after its completion; finish the tasks related to audit, asset transfer; make a completion report and financial statement of the project in accordance with Point e Clause 3 Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, in particular:

a) Prepare the acceptance and transfer of the completed project to the transferee in order for the transferee to put it into operation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Perform other tasks given by the project owner in accordance with Point g Clause 3 Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, including:

a) Administrative management and coordination:

- Manage the office and personnel of the project management board.

- Establish an internal information system; gather, classify, store all information and original documents related to the project and project management board in accordance with law.

- Represent the project owner when making business transactions within the competence of the representative specified in the Regulation on organization and operation of the project management board company the letter of authorizations.

- Act as a contact of the project owner and other bodies that participate in the execution of the project in order to discuss the issues arising during the project execution with the donor.

- Coordinate the participation of various units of the project owner in the project activities.

b) Transparency and accountability:

- Provide an internal control mechanism, including financial mechanism.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Provide accurate information for law enforcement bodies, inspection bodies, audit bodies, the donor, the media, and relevant individuals within their competence, except for the information restricted from disclosure by law.

Article 17. Amendments to the project contents during the project execution mentioned in Clause 2 Article 25 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. Where an adjustment to the project contents leads to a change to the Decision to approve the funding list: Clause 1 Article 48 of the Decree No. 38/2013/ND-CP shall apply. The procedures for approving the documentation of the adjusted project are specified in Clause 4 of this Article.

2. Where an adjustment to the project contents leads to a change to or extension of the international agreement on ODA and concessional loans:

a) If an adjustment to the project contents leads to a change in the Decision to approve the funding list: follow the regulations in Clause 1 of this Article. This is the basis for adjusting or extending the international agreement on ODA and concessional loans according to Clause 2 Article 48 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

b) If an adjustment to the project contents does not lead to a change in the Decision to approve the funding list: the governing body shall follow the procedures for approving the documentation of the adjusted project as prescribed in Clause 4 of this Article. This is the basis for adjusting or extending the international agreement on ODA and concessional loans according to Clause 2 Article 48 of the Decree No. 38/2013/ND-CP.

3. Where an adjustment to the project contents does not lead to a change in the Decision to approve the funding list and also does not lead to an adjustment or extension of the international agreement on ODA and concessional loans: the governing body shall follow the procedures for approving the documentation of the adjusted project as prescribed in Clause 4 of this Article.

4. Approving documentation of adjusted project.

a) If the project is within the competence of the Prime Minister:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- After considering to the opinions of the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant bodies, within 10 working days, the governing body shall request the Prime Minister to consider the adjustments.

b) If the project is within the competence of the governing body:

- The governing body shall send the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant bodies written request for opinions together with proposals and reasons for the adjustment to project, and an agreement with the donor;

- After considering to the opinions of the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant bodies, within 10 working days, the governing body shall issue a decision on adjustments to relevant contents.

Chapter 5.

FORMULATING AND APPROVING CAPITAL PLANS OF PROJECTS

Article 18. Making and approving the overall plan for project execution mentioned in Clause 2 Article 37 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. The overall plan for project execution covers the whole execution period of the project, and includes all modules, parts, groups of operations, resources, and intended progress.

2. Within 30 working days from the day on which the international agreement on ODA and concessional loans is concluded, according to the project documentation approved by a competent authority and the international agreement, the project owner shall cooperate with the investor in reviewing or formulating an overall plan for project execution, then submit it to the governing body for consideration and approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Within 05 working days from the day on which the overall plan for project execution is approved, the governing body of the project, including the master project, shall send a decision on approval together with the overall plan for project execution to the Ministry of Planning and Investment, relevant bodies, and the donor in order for them to supervise, assess, and cooperate in the execution of such project.

Article 19. Making and approving the annual plan for project execution mentioned in Clause 3 Article 38 and Point a Clause 3 Article 40 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. The annual plan for project execution shall be made every year and must contain detailed information about the modules (sorted by technical assistance module and investment module), the parts, primary operations, capital sources, including counterpart capital, and intended progress.

This annual plan is the basis for making quarterly plans serving the management, supervision, and assessment of the project execution, for the project owner to make and submit annual plans for capital distribution to the governing body in accordance with regulations on planning socio-economic development and annual the state budget estimate.

2. According to on the overall plan for project execution approved by the governing body, the disbursement plan under the concluded international agreement on ODA and concessional loans, the project management board shall cooperate with the donor in making the annual plan for project execution (using the form in Appendix IV to this Circular), which is then submitted to project owner for consideration.

3. Within 05 working days from the day on which the annual plan for project execution is approved, the project owner shall send a decision on approval together with the annual plan to the governing body, request the governing body to send them to the Ministry of Planning and Investment, relevant bodies, and the donors in order to facilitate the supervision, assessment, and cooperation in execution of the project.

Article 20. Making and approving the annual capital distribution plan of the project mentioned in Clause 2 Article 37 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. Annual capital distribution plan of the project include the plan for distribution of ODA and concessional loans (ODA grants, ODA loans, and concessional loans), and the plan for distribution of counterpart capital. In particular:

a) The plan for distribution of ODA and concessional loans is formulated based on the capital sources for infrastructure development (applied to investment project or module), administration (applied to technical assistance project or module), budget support, on-lending by each donor. This plan shall be formulated using the form in Appendix Va of this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. If the project is funded by government budget:

a) Every year when formulating the socio-economic development plan and making government budget estimate, the project owner shall send the governing body a plan for intended capital distribution, which is then aggregated with the annual budget plan of the governing body. Based on the annual budget plan of governing bodies, the Ministry of Planning and Investment shall cooperate with the Ministry of Finance in making a government budget estimate and request the National Assembly to consider;

b) Procedures for allocating annual capital to the projects shall comply with applicable regulations of law.

3.  If the project is funded by on-lent loans of the government:

Every year when formulating the socio-economic development plan and making government budget estimate, the project owner make and send the annual capital distribution plan to the governing body, the Ministry of Planning and Investment, and the Ministry of Finance. The project owner must provide sufficient counterpart capital during the execution of the project.

4. If the project is funded by both government budget and on-lent loans:

Depending on the nature of each project module (funded or on-lent), the project owner shall follow the corresponding procedures for making and submitting the capital distribution plan in accordance with Clause 2 and Clause 3 of this Article.

Chapter 6.

PROJECT SUPERVISION AND EVALUATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Project evaluations include:

a) Initial evaluation;

b) Midterm evaluation;

c) Finalizing evaluation;

d) Effect evaluation;

Depending on the nature of the project and requirements of the governing body or donor, the project shall under go one or all of the aforesaid evaluations. Apart from periodic evaluations, irregular evaluations may be carried out where necessary.

2. Contents of initial evaluation:

Initial evaluation is carried out by the experts or an independent advisory organization hired by the project owner or by the project management board before initiating the project execution. Initial evaluation focuses on:

a) Assess the preparations for the execution, mobilization of resources by the project management board to ensure that the project is executed in accordance with the set targets and plan;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Find and suggest solutions for the issues due to external causes (such as changes in the legal system, changes in the schedule or some parts to suit the climate, geology, traditions, population, etc.) or internal causes (competence and organizational structure of the project management board, project owner, etc.).

Results of the initial evaluation shall be used to review and update the overall plan for project execution and the detailed plan for project execution in the first year.

Within 15 working days from the receipt of the report on initial evaluation from the experts, the independent advisory organization, or the project management board, the project owner must send this report and their response to such report to the governing body and the donor, which contains the analysis of the issues, the proposals, solutions, necessary actions, and the lessons learned during the project execution.

For the projects whose documentation is approved by the Prime Minister and Group A projects, within 15 working days from the receipt of the reports on initial evaluation from the project owners, the governing bodies shall send such reports and their opinions to the Ministry of Planning and Investment and relevant bodies to facilitate supervision and evaluation by central authorities.

3. Contents of midterm evaluation:

Midterm evaluation is carried out by the experts or an independent advisory organization hired by the project owner, during the project execution or after a completion of a stage if the project consists of multiple stages. Midterm evaluation focuses on:

a) Assess the suitability of the results for the targets of the project;

b) Assess the workload and work quality at the evaluation time compared to the plan;

c) Find and assess the issues that arise during the  project execution due to external causes (such as changes in the legal system, changes in the schedule or some parts to suit the climate, geology, traditions, population, etc.) or internal causes (competence and organizational structure of the project management board, project owner, etc.);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Within 15 working days from the receipt of the report on midterm evaluation from the experts or the independent advisory organization, the project owner must send this report and their response to such report to the governing body and the donor, which contains the analysis of the issues, the proposals, solutions, necessary actions, and the lessons learned during the project management and execution.

For the projects whose documentaton is approved by the Prime Minister and Group A projects, within 15 working days from the receipt of the reports on midterm evaluation from the project owners, the governing bodies shall send such reports and their opinions to the Ministry of Planning and Investment and relevant bodies to facilitate supervision and evaluation by central authorities.

4. Contents of finalizing evaluation:

Finalizing evaluation is carried out by the experts or an independent advisory organization hired by the project owner, and must be done within 06 months from the date on which the project is completed according to the international agreement on ODA and concessional loans. Finalizing evaluation is the basis for making the report on the project finalization.

The finalization report focuses on assessing the stages during the project progress, including:

a) Assess the suitability of the results and the targets of the project;

b) Assess the result of the project, including: the management of project execution, capital allocation and mobilization of resources for project execution; operations, outcomes and final result of the project; direct and indirect benefits provided by the project for the beneficiaries;

c) Assess the impacts of the project after completion, including the economic impacts, social impacts, technological impacts, and impacts on manpower development;

d) Assess the sustainability of the project and assurance factors;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Recommendations for ensuring the effectiveness of the project.

Within 15 working days from the receipt of the report on finalizing evaluation from the experts or the independent advisory organization, the project owner must send this report and their response to such report to the governing body and the donor.

For the projects whose documentaton is approved by the Prime Minister and Group A projects, within 15 working days from the receipt of the reports on finalizing evaluation from the project owners, the governing bodies shall send such reports and their opinions to the Ministry of Planning and Investment and relevant bodies to facilitate supervision and evaluation by central authorities.

5. Impact evaluation (post-project evaluation):

Based on the annual plan for evaluating impacts of the project formulated by the Ministry of Planning and Investment, the governing body shall hire experts or an independent advisory organization to carry out an impact evaluation. For the projects whose documentaton is approved by the Prime Minister, the impact evaluation shall be carried out by an independent advisory organization appointed by the Prime Minister (or appointed by the Ministry of Planning and Investment under the authorization of the Prime Minister).

The impact evaluation shall be done within 03 years from the day on which the project is put into operation, and focuses on the following issues:

a) The economic and technical condition of the project during its operation;

b) The economic, political and social impacts of the project;

c) Impacts of the project on the environment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The lessons learned from the design, management, and operation of the project.

For Group A projects, within 15 working days from the day on which the impact evaluation is completed, the governing bodies shall send the impact evaluation reports made by the experts and independent advisory organizations together with their opinions to the Ministry of Planning and Investment and relevant bodies to facilitate the evaluation of aid effectiveness by central authorities.

For the projects whose documentaton is approved by the Prime Minister, within 15 working days from the day on which the impact evaluation is completed, according to the impact evaluation reports made by the independent advisory organizations and responses of the governing bodies, the Ministry of Planning and Investment shall submit an impact evaluation report to the Prime Minister.

6. Contents of irregular evaluation:

An irregular evaluation shall be carried out when unexpected issues arise during the project execution. The irregular evaluation is meant to:

a) Identify the seriousness and nature of unexpected issues;

b) Assess the impact of such issues on the project execution and achievement of set targets;

c) Suggest necessary measures and deadlines for taking such measures.

The governing body shall take charge and cooperate with relevant bodies and the donor in establishing an evaluation commission. The irregular evaluation result is the basis for the governing body to intervene and take necessary measures for preventing the failure of the project. If the measures are beyond the competence of the governing body, it shall send notifications enclosed with the irregular evaluation result to relevant regulatory bodies or the Prime Minister for consideration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The governing body is responsible for the supervision as follows:

a) Check, update the sufficiency and accuracy of the information about the project provided by project owner, and adherence to the reporting practice prescribed in Article 57 of the Decree No. 38/2013/ND-CP and Article 24 of this Circular;

b) Adhere to the reporting practice prescribed in Clause 2 Article 57 of the Decree No. 38/2013/ND-CP and Article 27 of this Circular;

c) Supervise the changes compared to the plan for capital distribution, progress, disbursement, bidding, land clearance, relocation, environment protection, and social security (if any);

d) Promptly deal with the issues within their competence. Report the issues beyond their competence to competent authorities for timely settlement in order to boost the execution and disbursement.

dd) Ensure sufficient resources (manpower, finance, equipment, and relevant issues) that are necessary for project supervision at the governing body.  Provide support and improve the project supervision capacity of the governing body itself and the project owners under its management;

e) Carry out at least one inspection a year of the project execution, the adherence to Vietnam’s lawn and the donor’s regulations on project management.

2. The governing body is responsible for the evaluation as follows:

a) Based on the annual plan for evaluating impacts of the project formulated by the Ministry of Planning and Investment, the governing body shall allocate capital and necessary resources for evaluating impacts of the project. Where the donor and the governing body carry out a joint evaluation, the impact evaluation plan of the governing body must specify the responsibilities and obligations of the parties during the evaluation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Examine and approve the report on project finalization made by the project owner; send such report to the Ministry of Planning and Investment, relevant bodies, and the donor.

Article 23. Responsibilities of the project owner for supervision and evaluation mentioned in Article 54 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. The project owner is responsible for the supervision as follows:

a) Provide necessary resources for the project management board to carry out supervision;

b) Supervise, inspect the adequacy, timeliness and accuracy of the information about the project executed by the project management board;

c) Adhere to the reporting practice prescribed in Clause 1 Article 57 of the Decree No. 38/2013/ND-CP and Article 26 of this Circular;

d) Promtply deal with the issues reported by the project management board during the project execution. Report the issues beyond the project owner’s competence to the governing body for timely settlement in order to boost the execution and disbursement.

dd) Prepare necessary materials and conditions for annual supervision of the governing body;

e) Inspect the adherence of the project management board to Vietnam’s law and the donor’s regulations on project management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Examine the evaluation plan, provide capital and necessary resources for evaluation;

b) Take charge and cooperate with the donor in carrying out initial evaluation, midterm evaluation, and finalizing evaluation of the project; cooperate with the governing body, relevant bodies, and the donor in carrying out impact evaluation and irregular evaluation of the project;

c) Make and submit the report on project finalization to the governing body.

Article 24. Responsibilities of the project management board for supevision and evaluation mentioned in Article 55 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. The project management board is responsible for the supervision as follows:

a) Monitor, update information about the project execution in terms of the progress, workload, quality, costs, and changes;

b) Assist the project owner in making reports according to Clause 1 Article 57 of the Decree No. 38/2013/ND-CP and Article 26 of this Circular;

c) Monitor and update information about project management, ensure the adherence of the project management board to Vietnam’s law and the donor’s regulations on project management.

d) Assist the project owner in preparing necessary materials and conditions for annual supervision by the governing body;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The project management board is responsible for the evaluation as follows:

a) Formulate a project evaluation plan and submit it to the project owner for approval;

b) Assist the project owner in carrying out initial evaluation, midterm evaluation, and finalizing evaluation of the project; assist the project owner in cooperating with the governing body in carrying out irregular evaluation of the project;

c) Make a report on finalizing evaluation of the project and submit it to the project owner (form V-GSDG5 in Appendix V enclosed herewith)

Article 25. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment for supervision and evaluation mentioned in Article 56 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. The Ministry of Planning and Investment is responsible for the supervision as follows:

a) Establish and operate a national supervision system and provide necessary resources for such system;

b) Make annual national supervision plans based on the supervision reports from governing bodies and results of the meetings with the donors about progress of the projects;

c) Adhere to the reporting practice prescribed in Clause 3 Article 57 of the Decree No. 38/2013/ND-CP and Clause 1 Article 28 of this Circular; supervise the adherence to the regulations on ODA and concessional loans reporting; send periodic reports on such tasks to the Prime Minister;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Take charge and cooperate with the Ministry of Finance, the Ministry of Foreign Affairs, and relevant bodies in supervising the adherence to the law, international agreements on ODA and concessional loans, and efficiency of such sources;

e) Make and submit annual reports on national supervision to the Prime Minister.

2. The Ministry of Planning and Investment is responsible for the evaluation as follows:

a) Make annual plans for national evaluation of the use of ODA and concessional loans; cooperate with other Ministries, bodies, local authorities, and donors in implementing such plans;

b) Cooperate with governing bodies and donors in selecting the projects that have been completed and in operation to formulate annual plans for impact evaluation when the annual plan for socio-economic development and the State budget estimate is being made;

c) Organize the evaluation of the impacts of projects of national importance as assigned by the Prime Minister; cooperate with governing bodies in evaluating the impacts of the projects under the competence of such governing bodies;

d) Analyze and evaluate the efficiency of ODA and concessional loans.

Article 26. Project owner’s reports on receipt and use of ODA and concessional loans mentioned in Clause 1 Article 57 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

1. For projects:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The reports forms, including the monthly report form V-GSDG 1, quarterly report form V-GSDG 2, annual report form V-GSDG 3, and finalization report form V-GSDG 4, are provided in Appendix 5 enclosed herewith. The project management board must make and submit the aforesaid reports to project owners; project owners shall send them to governing bodies and relevant bodies.

a) Monthly report:

Monthly reports are only applied to the projects within the competence of the Prime Minister and to Group A projects.

Within 10 days from the end of the month, the project owner must send a monthly report on the project execution using form VI-GSDG 1 in Appendix V enclosed herewith (except for the months when quarterly reports are made according to Point b of this Clause) in writing or by email to the governing body, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the governing Ministries, and the People’s Committee of the province where the project is executed. The form GSDG 1.1 is only sent one in the reporting period of the first month, and shall be sent again when a change in the concluded international agreement on ODA and concessional loans is made.

b) Quarterly reports

Quarterly reports are applied to all projects.

Within 15 days from the end of the quarter, the project owner must send a quarterly report on the project execution using form VI-GSDG 2 in Appendix V enclosed herewith by email (the form GSDG 2.1 and 2.2 must be sent both in writing and by email) to the governing body, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the governing Ministries, and the People’s Committee of the province where the project is executed, and the donor (in English, unless otherwise agreed). The form GSDG 2.1 is only sent one in the reporting period of the first quarter, and shall be sent again when a change in the concluded international agreement on ODA and concessional loans is made.

Forms GSDG 2.6 and GSDG 2.7 are not required if the project does not involve compensation for land clearance, relocation, or environment protection.

c) Annual report

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

By January 31 of the next year, the project owner must send an annual report on the project execution using form VI-GSDG 3 in Appendix V enclosed herewith both in writing and by email to the governing body, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the governing Ministries, and the People’s Committee of the province where the project is executed, and the donor.

d) Project finalization report

Project finalization reports are applied to all projects.

Within 06 months from the completion date of the project, the project owner must send a project finalization report using form VI-GSDG 4 in Appendix V enclosed herewith both in writing and by email to the governing body, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Foreign Affairs, the governing Ministries, and the People’s Committee of the province where the project is executed, and the donor.

2. For subprojects of a master project:

Project owners of subprojects shall apply the reporting practice and use the report forms for projects provided in the Decree No. 38/2013/ND-CP and Clause 1 of this Article. Reports shall be sent to the governing bodies of the subprojects and the owner of the master project. The owner of the master project shall aggregate reports on subprojects with the report on the master project, apply the reporting practice and use the report forms provided in the Decree No. 38/2013/ND-CP and Clause 1 of this Article.

3. For non-project aid:

The reporting practice and use the report forms for projects provided in the Decree No. 38/2013/ND-CP and Clause 1 of this Article shall apply.

4. For private entities that are granted access to ODA and concessional loans:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) For private entities that take loans from domestic financial/credit institutions via the credit limit programs funded by ODA and concessional loans programs: Owners of the private projects shall make reports in accordance with Clause 1 of this Article. Reports shall be sent to the domestic financial/credit institutions that grant loans, the Ministry of Planning and Investment, and the Ministry of Finance;

b) For participants in projects given priority when using on-lent ODA and concessional loans of the government: Owners of the private projects shall make reports in accordance with Clause 1 of this Article. Reports shall be sent to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance.

c) For participants in PPP projects partially funded by ODA and concessional loans of the government: private entities shall make reports in accordance with Clause 1 of this Article. Reports shall be sent to governing bodies, the Ministry of Planning and Investment, and relevant bodies;

d) For participants in the projects where private entities are supported: Private entities shall make reports in accordance with Clause 1 of this Article. Reports shall be sent to governing bodies, the Ministry of Planning and Investment, and relevant bodies.

4. Other regulations on reporting practice and report forms:

a) Apart from the regulations on reporting and report forms mentioned in Clause 1, Clause 2 and Clause 3 of this Article, the project owner must notify the governing body, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, relevant bodies, and the People’s Committee of the province where the project is executed if the concluded international agreement on ODA and concessional loans is revised or extended during the project execution;

b) If reporting practice and report forms are already provided for in the international agreement on ODA and concessional loans, the governing body must apply such reporting practice and report forms apart from those in the Decree No. 38/2013/ND-CP.

Article 27. Government body’s reports on receipt and use of ODA and concessional loans mentioned in Clause 2 Article 57 of the Decree No. 38/2013/ND-CP

Within 30 days after each quarter, governing bodies must make and send a report on the accumulation, receipt, and use of ODA and concessional loans, and the result of ODA projects within their competence using form VI-GSDG 5 in Appendix VI enclosed herewith to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, and the Ministry of Foreign Affairs (in writing or by email).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Ministry of Planning and Investment shall make biannual and annual reports on the accumulation, receipt, and use of ODA and concessional loans with regard to the national projects using form VI-GSDG 6 in Appendix VI enclosed herewith, submit them to the Prime Minister (in writing), and send them to the Ministry of Finance and relevant bodies (both in writing and by emails). Biannual reports shall be sent by July 31; annual reports shall be sent by January 31 of the next year.

2. The Ministry of Finance shall make biannual and annual reports on the disbursement, and repayment of ODA loans and concessional loans with regard to the national projects using form VI-GSDG 7 in Appendix VI enclosed herewith, submit them to the Prime Minister (in writing), and send them to the Ministry of Planning and Investment and relevant bodies (both in writing and by emails). Biannual reports shall be sent by July 31; annual reports shall be sent by January 31 of the next year.

Article 29. Dealing with violations during supervision and evaluation

1. Bodies and units are responsible for the damage caused by the following violations:

a) Failure to comply or fully comply with regulations on supervision and evaluation in the Decree No. 38/2013/ND-CP and this Circular;

b) Provision of false information about the management, use of ODA and concessional loans under their management.

2. Penalties for violations against regulations on reporting the receipt and use of ODA and concessional loans:

a) For irregular violations (no reports are submitted over 02 consecutive reporting periods or 03 reporting period): the Ministry of Planning and Investment shall request a competent authority in writing to impose penalties upon the violators;

b) For systematic violations (no reports are submitted over 04 consecutive reporting periods or 06 reporting periods): the Ministry of Planning and Investment shall report the violations to the Prime Minister and request the issuance of a warning, request competent authorities to not consider approving the funding list of the new projects proposed by such violators.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IMPLEMENTATION

Article 30. Transition

The programs, projects, and non-project aid that are established during the transition from the Government's Decree No. 131/2006/ND-CP dated November 09, 2006 on ODA management to the Government's Decree No. 38/2013/ND-CP dated April 23, 2013 shall be dealt with as follows:

1. Where the governing body has submitted the project documentation but the funding list has not been approved according to the Decree No. 131/2006/ND-CP: The governing body shall complete the documentation and follow the steps in Clause 2 Article 6 of this Circular. The funding list shall be approved in accordance with the Decree No. 38/2013/ND-CP.

2. If a Decision to approve the funding list has been issued according to the Decree No. 131/2006/ND-CP but changes are made during the project preparation or execution according to Article 18 of the Decree No. 38/2013/ND-CP, then Article 19 of the Decree No. 38/2013/ND-CP shall apply.

3. For the projects that apply the Decree No. 31/2006/ND-CP and the issues that arise are not regulated in the Decree No. 38/2013/ND-CP and this Circular, project owners shall request the governing bodies to consider making a decision. Governing bodies shall report the cases beyond their competence to the Prime Minister.

Article 31. Effect

1. This Circular takes effect on February 26, 2014.

2. This Circular supersedes the Circular No. 04/2007/TT-BKH dated July 30, 2007 of the Ministry of Planning and Investment on guidelines for the regulations on ODA management, the Circular No. 03/2007/TT-BKH dated March 12, 2007 of the Ministry of Planning and Investment on functions, tasks, and organizational structure of ODA project management boards, and the Decision No. 803/2007/QD-BKH dated July 30, 2007 of the Ministry of Planning and Investment on reporting ODA project execution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministries, relevant bodies, local governments, and relevant entities are responsible for the implementation of this Circular./.

 

 

MINISTER




Bui Quang Vinh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09/01/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


49.555

DMCA.com Protection Status
IP: 3.139.104.9
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!