BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2628/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 11 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ ĐẦU TƯ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng
9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số
101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 và Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 10
tháng 7 năm 2024 của Chính phủ);
Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng
4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Đầu tư là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức
năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về tài chính đầu tư
(trừ những nhiệm vụ cụ thể được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho Vụ Tài chính quốc
phòng, an ninh, đặc biệt, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Tài chính
các ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp quản lý) theo
quy định pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Về xây dựng cơ chế chính sách:
a) Chủ trì trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách: Quản
lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; quản lý tài chính dự
án đầu tư theo phương thức đối tác công tư - dự án PPP (trừ việc sử dụng tài sản
công tham gia hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong dự án
PPP; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu
tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao; chính
sách về giá, phí); quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý
dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; quản
lý, sử dụng các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; chế độ báo
cáo tình hình giải ngân quyết toán vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư
công và các quy định của pháp luật có liên quan.
b) Chủ trì trình Bộ tham gia ý kiến với các Bộ, cơ
quan trung ương, địa phương trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách về: đầu
tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư (trừ các cơ chế, chính
sách đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước
ngoài); quản lý đầu tư xây dựng, đấu thầu, quy hoạch và cơ chế, chính sách quản
lý khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý của Vụ Đầu tư theo phân công của Bộ
trưởng Bộ Tài chính.
2. Tham gia với các đơn vị thuộc Bộ về chiến lược,
kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm về tài chính ngân sách, quản lý nợ
công; cơ chế, chính sách về quản lý ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, quản
lý tài sản công, cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, đầu tư vốn nhà nước vào sản
xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các cơ chế, chính sách khác có liên quan đến
lĩnh vực quản lý của Vụ Đầu tư.
3. Về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội:
a) Chủ trì tham gia ý kiến về chiến lược, kế hoạch
phát triển ngành, lĩnh vực gắn với nhiệm vụ quản lý về tài chính đầu tư (trừ đầu
tư thuộc phạm vi quản lý của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ
Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt, Cục Tài chính doanh nghiệp).
b) Chủ trì tham gia ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc
gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia (trừ quy hoạch
mạng lưới các đơn vị sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực; quy hoạch trong lĩnh vực
quốc phòng, an ninh); quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (trừ quy hoạch
các đơn vị sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy hoạch trong lĩnh vực an ninh, quốc
phòng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, tỉnh, huyện, đơn vị hành chính kinh
tế đặc biệt, quy hoạch cửa khẩu) theo quy định của Luật Quy hoạch.
c) Phối hợp tham gia với các đơn vị thuộc Bộ về chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành,
lĩnh vực khác, phát triển vùng, miền và từng địa phương.
4. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn:
a) Chủ trì trình Bộ tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân
sách nhà nước cho kế hoạch trung hạn.
b) Chủ trì, tổng hợp trình Bộ tham gia với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia; phương án phân bổ,
thực hiện, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, cơ
quan trung ương và địa phương; báo cáo đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ tình hình thực
hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của pháp luật về Đầu tư công.
c) Tham gia với Vụ Ngân sách nhà nước trong việc
xác định tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong trung hạn.
5. Về kế hoạch đầu tư công hằng năm:
a) Chủ trì trình Bộ tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư về xây dựng, điều hành kế hoạch đầu tư công hàng năm, bao gồm: Phương án lập,
phân bổ, thực hiện kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các Bộ, cơ quan trung ương
và địa phương; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm; phương án
kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, thời gian thực hiện và giải ngân
kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm; xây dựng tiêu chí ứng trước vốn và thu hồi vốn
ngân sách nhà nước ứng trước từ ngân sách trung ương để thực hiện các dự án đầu
tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.
b) Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý nợ và tài
chính đối ngoại và các đơn vị liên quan trình Bộ nội dung Kiểm tra phân bổ vốn
đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương (trừ các bộ,
cơ quan trung ương thuộc phạm vi quản lý của Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh,
đặc biệt); trình Bộ có ý kiến bằng văn bản trong trường hợp các bộ, cơ quan
trung ương phân bổ chưa đúng quy định và có ý kiến nhận xét bằng văn bản gửi
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp phát hiện việc phân
bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công chưa đúng quy định, chưa đủ điều kiện giải
ngân.
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý nợ và tài chính đối
ngoại, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị liên quan trình Bộ có ý kiến thẩm định
quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo năm ngân sách của các
bộ, cơ quan trung ương (trừ các bộ, cơ quan trung ương thuộc phạm vi quản lý của
Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt).
c) Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý nợ và Tài
chính đối ngoại thực hiện nhập và phê duyệt dự toán trên Hệ thống thông tin quản
lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đối với vốn ngân sách nhà nước chi đầu tư công
thuộc phạm vi quản lý.
6. Về thẩm định, tham gia ý kiến các Chương trình,
dự án:
a) Chủ trì trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ý kiến tham
gia thẩm định (bao gồm cả điều chỉnh) về đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo
nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công thuộc phạm
vi quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp
luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (trừ các dự án do nhà đầu tư nước
ngoài đề xuất); tham gia ý kiến đề xuất, thẩm định các chương trình đầu tư công
theo quy định pháp luật.
b) Chủ trì trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ý kiến tham
gia thẩm định (bao gồm cả điều chỉnh) chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu
tư ngoài đầu tư công thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng
Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở
(trừ dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và dự án đầu tư của Việt Nam ra
nước ngoài; dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; dự án đầu tư của
doanh nghiệp nhà nước; dự án đầu tư có hoạt động đặt cược, casino).
c) Phối hợp tham gia ý kiến (bao gồm cả điều chỉnh)
đối với đề xuất khoản vay, đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay
ưu đãi nước ngoài, báo cáo chủ trương đầu tư (báo cáo tiền khả thi), báo cáo khả
thi chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị thuộc Bộ.
7. Về quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia:
a) Chủ trì trình Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia ý
kiến thẩm định (bao gồm cả điều chỉnh) báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo
cáo nghiên cứu tiền khả thi của các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định
của pháp luật về đầu tư công.
b) Chủ trì trình Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia
nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối
ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy
định của pháp luật về đầu tư công.
c) Chủ trì quản lý vốn đầu tư công đối với các
chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật đầu tư công.
d) Chủ trì trình Bộ trưởng Bộ Tài chính việc tham
gia ý kiến về nhu cầu, phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm
thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
đ) Phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổng hợp, báo
cáo kiểm tra tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo chức
năng nhiệm vụ được giao.
8. Chủ trì trình Bộ báo cáo tổng hợp, theo dõi,
đánh giá và công khai tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn thực
hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công và
các văn bản hướng dẫn; tình hình thực hiện và thu hồi vốn ứng trước kế hoạch đầu
tư công; đề xuất, kiến nghị các biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư
công.
9. Thực hiện hướng dẫn, tổng hợp công khai tình
hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành hàng năm.
10. Chủ trì trình Bộ trưởng Bộ Tài chính trình cấp
có thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thanh toán phần
doanh thu giảm cho doanh nghiệp dự án PPP. Chủ trì trình Bộ tham gia với các Bộ,
cơ quan trung ương hoặc trình Bộ quyết định phương án xử lý vốn đầu tư ngân
sách trung ương trong năm từ nguồn dự phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác theo
quy định pháp luật cho các Bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý để thực
hiện các chương trình, dự án đầu tư.
Phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước trình Bộ hoặc
trình cấp có thẩm quyền quyết định việc bổ sung vốn đầu tư công cho các Bộ,
ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương
còn lại cuối năm và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng
năm.
11. Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với đơn vị có
liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật, chính sách, chế độ về tài chính đầu tư thuộc phạm vi quản lý; trình
cấp có thẩm quyền xử lý đối với những vi phạm thuộc lĩnh vực phân công.
12. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đôn đốc, tổng
hợp việc xử lý, giải quyết các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ
quan thanh tra, cơ quan điều tra về lĩnh vực tài chính đầu tư thuộc phạm vi quản
lý của Vụ Đầu tư.
13. Chủ trì tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến
pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản
lý của Vụ Đầu tư; phối hợp với Vụ Pháp chế hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm
pháp luật theo quy định. Thực hiện tự kiểm tra văn bản theo quy định pháp luật
và phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
14. Tổ chức nghiên cứu khoa học hoặc hợp tác nghiên
cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài ngành theo kế hoạch và nội dung được
cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định và phân
công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của
Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Đầu tư có Vụ trưởng và một số Phó Vụ trưởng.
Vụ trưởng Vụ Đầu tư chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng
Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Vụ; quản lý công chức, tài sản được giao
theo quy định.
Phó Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về
nhiệm vụ được phân công.
2. Vụ Đầu tư có các phòng sau:
a) Phòng Chính sách -Tổng hợp.
b) Phòng Tài chính đầu tư trung ương.
c) Phòng Tài chính đầu tư địa phương.
d) Phòng Quyết toán tài chính đầu tư.
Nhiệm vụ cụ thể của các phòng do Vụ trưởng Vụ Đầu
tư quy định.
3. Vụ Đầu tư làm việc theo tổ chức phòng kết hợp với
chế độ chuyên viên. Đối với công việc thực hiện theo chế độ chuyên viên, Vụ trưởng
phân công nhiệm vụ cho công chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và năng lực
chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Biên chế của Vụ Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính
quyết định.
Điều 4. Trách nhiệm, quyền hạn
của Vụ trưởng
1. Tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm
vụ theo quy định tại Điều 2 Quyết định này.
2. Được ký thừa lệnh hoặc thừa ủy quyền của Bộ trưởng
Bộ Tài chính đối với các văn bản hướng dẫn, giải quyết hoặc thông báo các vấn đề
liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy
chế làm việc của Bộ.
3. Được yêu cầu các Bộ, cơ quan khác ở Trung ương,
Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính địa phương, các đơn vị khác có liên quan gửi
báo cáo tình hình huy động, tiếp nhận, quản lý tài chính cho đầu tư công theo
quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các
cơ quan tài chính địa phương, các chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan cung cấp
tài liệu, số liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tạm dừng thanh
toán đối với các chương trình, dự án đầu tư không thực hiện đúng quy định của
pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền, kiến nghị về những vấn đề khác có liên
quan để tiếp tục hoàn thiện công tác thanh toán, quyết toán vốn cho đầu tư công
từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm
thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
và thay thế Quyết định số 333/QĐ-BTC ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Đầu tư.
Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Như Điều 5;
- Cổng TTĐT Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCCB. (6b)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|