CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
CỦA CHỦ ĐẦU TƯ LÀ TƯ NHÂN
Trong những năm gần đây, cùng với những công
trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, các dự án đầu tư nước ngoài, các
công trình xây dựng do tư nhân làm chủ đầu tư không ngừng tăng về số lượng và
quy mô. Phần lớn các công trình đều có chất lượng tốt, tuy nhiên trong thực tế
một số nơi vẫn còn có những công trình xây dựng chưa đảm bảo chất lượng, không
an toàn trong thi công xây dựng. Qua việc kiểm tra các công trình có chất lượng
kém do chủ đầu tư là tư nhân cho thấy công tác quản lý khảo sát xây dựng, thiết
kế, thi công xây dựng, giám sát, quản lý chất lượng thi công xây dựng, tổ chức
khai thác sử dụng còn nhiều tồn tại. Các tồn tại chủ yếu là: không thực hiện khảo
sát xây dựng, không thuê tư vấn lập thiết kế theo quy định, thuê nhà thầu thi
công xây dựng không có đăng ký kinh doanh và không đủ năng lực để thi công,
không thuê tổ chức hoặc cá nhân có chuyên môn có đủ năng lực theo quy định để
giám sát thi công xây dựng. Mặc dù Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật đã quy định chặt chẽ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động
xây dựng nhưng nhiều chủ đầu tư là tư nhân, nhà thầu xây dựng chưa nắm vững các
quy định hoặc chấp hành không nghiêm pháp luật xây dựng, thực tế làm cho công
trình xây dựng chưa đảm bảo về chất lượng, xảy ra sự cố gây nguy hiểm đến tính
mạng, thiệt hại tài sản nhân dân hoặc tranh chấp khiếu kiện kéo dài.
Thực hiện quy định của Luật Xây dựng, các Nghị định
số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu
tư xây dựng công trình, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của
Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số
112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công
trình; tăng cường đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng mà chủ đầu tư là
tư nhân (kể cả nhà ở riêng lẻ), hạn chế nguy cơ sự cố công trình ảnh hưởng đến
an toàn cộng đồng, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Đối với Uỷ ban nhân dân
các huyện, thị xã:
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức
tập huấn, tuyên truyền và giao nhiệm vụ cho Phòng Quản lý đô thị, Phòng Hạ tầng
kinh tế và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra việc
tuân thủ nội dung, trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây
dựng theo các quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
đối các dự án đầu tư xây dựng mà chủ đầu tư là tư nhân, cụ thể tập trung vào
các nội dung như sau:
a) Khi cấp giấy phép xây dựng, cơ quan cấp phép
phải kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân lập thiết kế xây dựng
theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.
Cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân
công, phân cấp tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về chất lượng công tác khảo
sát xây dựng theo quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Đối với việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ có
tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên hoặc
nhà ở trong các khu di sản văn hóa, di tích lịch sử-văn hóa, thì việc thiết kế
phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc
năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện. Nếu nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ
hơn quy định nêu trên thì cá nhân, hộ gia đình được tự tổ chức thiết kế nhưng
phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt (trường hợp nơi xây dựng có quy
hoạch xây dựng được duyệt) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng
thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình
lân cận.
b) Kiểm tra điều kiện khởi công theo quy định tại
Điều 72 của Luật Xây dựng.
c) Kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép xây dựng
của chủ đầu tư.
d) Kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng
của nhà thầu thi công xây dựng theo quy định. Đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện
tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250 m2 hoặc từ 2 tầng trở xuống thì cá
nhân được tự tổ chức thi công xây dựng nhưng phải có năng lực hành nghề thi
công xây dựng công trình và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn và vệ sinh
môi trường, an toàn các công trình lân cận.
đ) Kiểm tra công tác giám sát thi công xây dựng và
quản lý chất lượng, công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường của
chủ đầu tư trong quá trình thi công xây dựng.
e) Kiểm tra việc chấp hành quy
định chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với các công
trình bắt buộc phải chứng nhận theo quy định tại Điều 28 của Nghị định số
209/2004/NĐ-CP , Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14 tháng 7 năm 2005 của Bộ Xây
dựng hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.
g) Kiên quyết xử lý những sai
sót được phát hiện trong quá trình kiểm tra đối với các nội dung nêu trên theo
Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt
vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị
và quản lý sử dụng nhà. Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính theo Nghị định nêu trên phải thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm
vụ của mình và chịu trách nhiệm các hậu quả do không thực hiện kịp thời theo
quy định của Nghị định này.
2. Đối với Uỷ ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn:
Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phải
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nội dung nêu tại khoản 1 của Chỉ thị
này; đồng thời có trách nhiệm xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong
hoạt động quản lý chất lượng các công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân
trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.
3. Đối với chủ đầu tư và người
quản lý sử dụng công trình:
3.1. Chủ đầu tư được tự thực hiện khảo sát xây dựng,
thiết kế, tổ chức thi công, giám sát thi công xây dựng khi có đủ năng lực hoạt
động theo quy định của Luật Xây dựng. Chủ đầu tư không đủ năng lực tự thực hiện
phải thuê nhà thầu xây dựng có đủ năng lực để thực hiện, khi đó cần coi trọng
quản lý chặt chẽ công việc ngay từ đầu các khâu sau:
a) Khảo sát xây dựng: chọn nhà thầu khảo sát xây
dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động khảo sát xây dựng phù hợp theo quy định
tại Điều 58 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP để thực hiện khảo sát xây dựng,
Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn
khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công
trình” và Chỉ thị số 12/2006/CT-BXD ngày 11 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ
Xây dựng “Về việc tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng”.
b) Thiết kế xây dựng công trình: chọn nhà thầu
thiết kế xây dựng công trình có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng
công trình, năng lực hành nghề phù hợp theo quy định tại các Điều 59, Điều 60,
Điều 61 và Điều 65 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Đối với nhà ở riêng lẻ có tổng
diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250 m2, từ 2 tầng trở xuống nên chọn
người thiết kế có kinh nghiệm đã từng thiết kế những công trình tương tự có chất
lượng đảm bảo. Chủ đầu tư nghiên cứu áp dụng các khuyến cáo về xây dựng công
trình an toàn đối với thiên tai gió bão, xây dựng an toàn đối với công trình
lân cận của các nhà thầu xây dựng có kinh nghiệm, các cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền để hoàn chỉnh thiết kế.
c) Tổ chức thi công và giám sát xây dựng công
trình:
- Chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động
thi công xây dựng công trình phù hợp để thi công xây dựng công trình theo quy định
tại các Điều 63 và Điều 64 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP .
- Mọi công trình xây dựng trong quá trình thi
công phải được thực hiện chế độ giám sát thi công xây dựng. Đối với nhà ở riêng
lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên,
chủ đầu tư không có năng lực giám sát theo quy định của Luật Xây dựng thì phải
thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng công
trình để thực hiện giám sát; nếu nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ hơn quy định nêu
trên thì chủ đầu tư có thể tự giám sát hoặc thuê người có chuyên môn phù hợp thực
hiện công tác giám sát.
- Giám sát thi công xây dựng công trình là phải
theo dõi, kiểm tra về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ
sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình, cần đặc biệt chú trọng quản
lý chặt chẽ các công đoạn xây dựng thường có nguy cơ gây sự cố công trình, cụ
thể như: kiểm tra việc đào, lấp đất hố móng, gia cố nền móng, chống sạt lở đối
với công trình liền kề, khe lún, khe co giãn nhiệt; kiểm tra chất lượng ván
khuôn, cây chống, giàn giáo; kiểm tra việc che chắn đảm bảo không để rơi các cấu
kiện, vật liệu gây mất an toàn cho người và công trình.
- Kiểm tra việc tuân thủ thiết kế đã được chấp
thuận của các cơ quan cấp giấy phép xây dựng.
- Chủ đầu tư xây dựng công trình tổ chức nghiệm
thu, tiếp nhận công trình xây dựng theo các quy định nêu tại Nghị định số
209/2004/NĐ-CP. Người tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình phải chịu trách
nhiệm cá nhân về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình thi công xây dựng
công trình và bàn giao công trình xây dựng.
3.2. Trong quá trình khai thác sử dụng, người quản lý sử dụng công trình xây dựng có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện bảo trì
công trình xây dựng theo quy định tại Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24 tháng 11
năm 2006 của Bộ Xây dựng về “Hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng”.
b) Chủ động kiểm tra nhằm
phát hiện các hư hỏng để sửa chữa kịp thời, thông báo kịp thời những hư hỏng lớn
làm ảnh hưởng đến an toàn công trình lân cận cho cơ quan quản lý có thẩm quyền
giải quyết.
4. Đối với các nhà thầu tham
gia hoạt động xây dựng:
Các nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng,
thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng không được thực hiện các hoạt động
xây dựng vượt quá điều kiện năng lực của mình; thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ
được quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.
5. Đối với Sở Xây dựng:
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn Uỷ ban
nhân dân các huyện, thị xã và các chủ đầu tư là tư nhân thực hiện công tác quản
lý chất lượng công trình xây dựng đúng theo quy định hiện hành.
Thanh tra Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra và kiên quyết xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số
126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ, đồng thời chịu trách nhiệm
xem xét, giải quyết những khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quản lý chất lượng
các công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân.
6. Trách nhiệm thông tin,
thông báo:
Đài phát thanh và Truyền hình Bến Tre, Báo Đồng
Khởi chịu trách nhiệm thông báo nội dung Chỉ thị này trên hệ thống thông tin của
mình để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thông
báo nội dung Chỉ thị này trên hệ thống phát thanh của xã, phường, thị trấn.
7. Tổ chức thực hiện :
Trong quá trình thực hiện, định kỳ sáu tháng, một
năm, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm báo cáo và đề xuất,
kiến nghị những khó khăn, vướng mắc (nếu có) về Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã;
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo và đề xuất,
kiến nghị về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
Sở Xây dựng là đầu mối giúp Uỷ
ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau mười
ngày kể từ ngày ký ./.