Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 03/2020/TT-BTNMT quy định kỹ thuật mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Số hiệu: 03/2020/TT-BTNMT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Nguyễn Thị Phương Hoa
Ngày ban hành: 29/05/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2020/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT VỀ MẠNG LƯỚI TRẠM ĐỊNH VỊ VỆ TINH QUỐC GIA

Căn cứ Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các yêu cầu kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia; cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ và từ ngữ viết tắt

1. Giải thích từ ngữ

a) Dịch vụ đo động thời gian thực được cung cấp bởi mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia: là dịch vụ có khả năng cung cấp các dữ liệu cải chính được xử lý tính toán từ 3 trạm định vị vệ tinh quốc gia trở lên phục vụ trong hoạt động đo đạc và bản đồ đáp ứng độ chính xác cỡ cm trong thời gian thực;

b) Giãn cách thu tín hiệu (Data Sampling): là khoảng thời gian (đơn vị giây) trị đo được ghi vào bộ nhớ của máy thu;

c) Giá gắn ăng-ten: là phụ kiện để gắn ăng-ten cố định vào trụ mốc, có khả năng cân bằng và điều chỉnh hướng của ăng-ten, thường được chế tạo sẵn theo chuẩn quốc tế;

d) Tôn ZAM: là hợp kim của thép với kẽm - nhôm - magiê được phát triển phù hợp với dòng sản phẩm mới, có khả năng chống mòn vượt trội, có độ bền cao thường được sử dụng làm vật liệu cấu trúc nhà xây dựng.

2. Từ ngữ viết tắt

a) GNSS (Global Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu;

b) GPS (Global Positioning System): Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ;

c) GLONASS (Global Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu của Nga;

d) GALILEO: Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu của Liên minh Châu Âu được vận hành bởi cơ quan hàng không vũ trụ Châu Âu;

đ) BDS (BeiDou Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu của Trung Quốc;

e) QZSS (Quasi-Zenith Satelite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh của Nhật Bản hoạt động chủ yếu ở khu vực châu Á - Châu Đại Dương;

g) IRNSS (Indian Regional Navigation Satellite System): Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh khu vực được phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ;

h) IGS (International GNSS Service): Tổ chức quốc tế cung cấp các dịch vụ về hệ thống GNSS;

i) ITRF (International Terrestrial Reference Frame): Hệ quy chiếu trắc địa quốc tế;

k) RINEX (Receiver Independent Exchange format): Chuẩn dữ liệu trị đo GNSS theo khuôn dạng dữ liệu ASCII được sử dụng để thuận tiện cho việc xử lý không phụ thuộc máy thu hoặc phần mềm;

l) VRS (Virtual Reference Station): Trạm tham chiếu ảo;

m) MAC (Master-Auxiliary Concept): Trạm chính - phụ;

n) MAX: Dịch vụ cải chính sử dụng giải pháp công nghệ trạm chính - phụ;

o) i-MAX: Dịch vụ cải chính sử dụng giải pháp công nghệ trạm chính - phụ có điều chỉnh;

p) Single Base: Dịch vụ cải chính sử dụng giải pháp công nghệ trạm đơn;

q) RTCM (Radio Technical Commission for Maritime services): Chuẩn cấu trúc dữ liệu để truyền cải chính phân sai được phát triển bởi Ủy ban kỹ thuật vô tuyến cho các dịch vụ hàng hải;

r) DVR (Digital video recoder): Thiết bị điện tử có thể thu nhận các tín hiệu từ camera kỹ thuật số có nhiệm vụ xử lý và ghi lại hình ảnh theo thời gian thực;

s) FTTH (Fiber to the Home): Giải pháp kết nối cáp quang thuần túy được đi trực tiếp từ nhà mạng đến hộ gia đình hoặc tổ chức;

t) Leased line hay còn gọi là kênh thuê riêng, đây là hình thức kết nối trực tiếp giữa các node mạng có sử dụng kênh truyền dẫn số liệu thuê riêng;

u) Mạng LAN (Local Area Network) hay còn gọi là mạng máy tính cục bộ: là một hệ thống mạng dùng để kết nối các máy tính trong một phạm vi nhỏ.

Điều 4. Quy định chung về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm các trạm định vị vệ tinh quốc gia và trạm điều khiển xử lý trung tâm được kết nối với nhau qua internet đảm bảo việc thu nhận dữ liệu được liên tục, ổn định.

2. Trạm điều khiển xử lý trung tâm bao gồm trung tâm dữ liệu và phòng điều khiển được kết nối với nhau qua hệ thống mạng LAN có chức năng xử lý, tính toán, cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ, định vị, dẫn đường độ chính xác cao, nghiên cứu khoa học.

3. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được xây dựng đồng bộ, phủ trùm trên toàn quốc trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia; được tính toán xác định tọa độ thường xuyên, liên tục theo ngày trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF; được xác định giá trị trọng lực và sự biến thiên của giá trị trọng lực với chu kỳ đo lặp 10 năm/lần.

4. Mô hình Geoid phục vụ cho việc xác định độ cao thủy chuẩn là mô hình Geoid được xây dựng phù hợp với lãnh thổ Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đồng thời với việc cung cấp các dịch vụ của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Độ cao thủy chuẩn h = H-N (trong đó H là độ cao trắc địa, N là độ cao Geoid được nội suy từ mô hình Geoid nói trên).

5. Một số trạm định vị vệ tinh quốc gia ven biển cần được liên kết với trạm hải văn gần nhất để có số liệu quan trắc mực nước biển phục vụ việc thiết lập hệ độ cao quốc gia, chính xác hóa mô hình Geoid, quan trắc sự dâng lên của nước biển.

6. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia phải có khả năng mở rộng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo tính tương thích với hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của các hệ thống định vị, dẫn đường bằng vệ tinh hiện có trên thế giới.

Chương II

TRẠM ĐỊNH VỊ VỆ TINH QUỐC GIA

Điều 5. Thiết kế sơ bộ trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Trạm định vị vệ tinh quốc gia gồm 2 loại được thiết kế theo mục đích sử dụng như sau:

a) Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục: được phân bố đều trên phạm vi toàn quốc, có khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 150km-200km, được sử dụng để làm khung tham chiếu tọa độ quốc gia, nghiên cứu khoa học và phục vụ cho các hoạt động đo đạc và bản đồ. Vị trí của 24 trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục đã xây dựng được thể hiện tại Phụ lục 01 của Thông tư này, trong đó có từ 1 đến 3 trạm tham gia vào mạng lưới của IGS;

b) Trạm tham chiếu hoạt động liên tục: được tăng dày giữa các trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục có khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50km- 70km, trường hợp đặc biệt có thể lên đến 100km. Các trạm tham chiếu hoạt động liên tục kết hợp với các trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục tạo thành mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia có khả năng cung cấp dịch vụ định vị, dẫn đường trong thời gian thực với độ chính xác cỡ cm đáp ứng hầu hết các yêu cầu về độ chính xác trong công tác đo đạc và bản đồ hiện nay.

2. Trong quá trình thiết kế phải ưu tiên lựa chọn vị trí tại các nơi đã có sẵn các cơ sở hạ tầng như các cơ sở quan trắc tài nguyên môi trường, các cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường ở địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp để giảm thiểu chi phí đầu tư, vận hành, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài, bảo mật dữ liệu.

3. Kết thúc quá trình thiết kế sơ bộ phải thể hiện tổng thể vị trí của tất cả các trạm định vị vệ tinh quốc gia trên nền bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:1.000.000. Vị trí cụ thể của từng trạm được thể hiện trên nền bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 hoặc lớn hơn làm cơ sở cho việc khảo sát, lựa chọn chi tiết vị trí xây dựng trạm.

Điều 6. Đặt tên và đánh số hiệu cho trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Tên trạm định vị vệ tinh quốc gia gồm có tên đầy đủ và tên rút gọn. Tên đầy đủ được lấy theo địa danh của khu vực đặt trạm. Tên rút gọn gồm 04 ký tự được viết tắt từ tên đầy đủ, đồng thời thỏa mãn các yêu cầu sau:

a) Dễ nhận biết so với tên đầy đủ;

b) Không được trùng nhau trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia;

c) Không trùng với tên đã có của các điểm trong mạng lưới IGS (đối với các điểm tham gia mạng lưới trạm định vị vệ tinh của tổ chức IGS).

2. Số hiệu của trạm định vị vệ tinh quốc gia có 09 ký tự bao gồm: 02 ký tự đầu tiên là mã vùng quốc gia, 04 ký tự tiếp theo là tên rút gọn của trạm, 03 ký tự tiếp theo là số thứ tự của trạm trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đó trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục được đánh số từ 001 đến 039, trạm tham chiếu hoạt động liên tục được đánh số từ 040 trở đi. Số hiệu của trạm định vị vệ tinh quốc gia phải đảm bảo là duy nhất trong mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.

Điều 7. Khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Trên cơ sở kết quả thiết kế sơ bộ trạm định vị vệ tinh quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này, tiến hành khảo sát thực tế khu vực dự kiến xây dựng trạm. Việc khảo sát nhằm thu thập các thông tin sau:

a) Nhóm tiêu chí về các thông tin cơ bản, bao gồm các thông tin về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, khí hậu, giao thông, kinh tế xã hội, an ninh khu vực...;

b) Nhóm tiêu chí về thông tin cảnh quan bao gồm các thông tin về cảnh quan xung quanh khu vực dự kiến đặt trạm có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng thu nhận tín hiệu vệ tinh;

c) Nhóm tiêu chí về thông tin cơ sở hạ tầng bao gồm các thông tin về hạ tầng sẵn có của khu vực cũng như các thông tin chi tiết phục vụ công tác thi công lắp đặt thiết bị;

d) Nhóm tiêu chí về quan trắc vệ tinh GNSS: thực hiện thu nhận dữ liệu trực tiếp bằng máy thu GNSS trong thời gian tối thiểu 24 giờ tại vị trí dự kiến xây trụ mốc với các thông số được thiết lập trên máy thu như khi vận hành chính thức nhằm phân tích, đánh giá cụ thể chất lượng thu tín hiệu vệ tinh trên tất cả các tần số quan trắc được; đánh giá sự can nhiễu, khuất hướng, suy giảm tín hiệu đối với từng vệ tinh cụ thể trong ngày; đánh giá sự ảnh hưởng của các loại sóng vô tuyến khác trong khu vực;

đ) Nhóm tiêu chí về đo đạc, khảo sát hiện trạng: đo vẽ trực tiếp mặt bằng khu vực, quan tâm đặc biệt các đối tượng có chiều cao lớn gây khuất hướng ảnh hưởng tới khả năng thu nhận tín hiệu của máy thu;

e) Nhóm tiêu chí về điểm tọa độ quốc gia, độ cao quốc gia, bao gồm kiểm tra sự tồn tại và khả năng sử dụng của các điểm tọa độ, độ cao, trọng lực có trong khu vực phục vụ việc đo nối;

g) Nhóm tiêu chí về thông tin địa chất: thực hiện đánh giá khái quát về đặc điểm địa chất, địa mạo và thổ nhưỡng tại vị trí cần xây dựng đối với trụ mốc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục;

h) Nội dung chi tiết đối với từng nhóm tiêu chí quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e và điểm g khoản này theo quy định tại Phụ lục 02 của Thông tư này. Kết thúc quá trình khảo sát đơn vị khảo sát phải lập Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát có xác nhận của các bên tham gia.

2. Trên cơ sở thiết kế sơ bộ kết hợp với kết quả khảo sát lựa chọn vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia, đồng thời tiến hành thiết kế chính thức. Trên sơ đồ thiết kế chính thức phải thể hiện đầy đủ các thông tin cơ bản của trạm như: tên trạm, số hiệu trạm, tọa độ gần đúng của trạm, khoảng cách đến các trạm lân cận; các ký hiệu sử dụng trong thiết kế phải rõ ràng, thống nhất. Thiết kế chính thức giao nộp ở dạng in trên giấy và dạng số.

Điều 8. Xây dựng trụ mốc trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Trụ mốc trạm định vị vệ tinh quốc gia phải được xây dựng ở nơi có nền đất ổn định, thông thoáng, đảm bảo có góc mở lên bầu trời lớn hơn 170o tại vị trí đặt ăng- ten. Quanh trụ mốc 2 mét không nên có tấm lợp vật liệu bằng kim loại, cây tán rộng, hàng rào kim loại... để giảm thiểu tối đa nhiễu đa đường.

2. Trụ mốc được làm bằng bê tông cốt thép mác M25 (theo 39 TCVN 6025:1995 ) trở lên. Trụ mốc có hình trụ đường kính 0,3 mét, chiều cao từ đế mốc đến vị trí đặt ăng-ten là 4 mét. Một số trường hợp đặc biệt được quy định như sau:

a) Trường hợp quanh trụ mốc có các công trình kiến trúc ảnh hưởng đến việc thu nhận tín hiệu được phép nâng chiều cao trụ mốc nhưng không được vượt quá 8 mét;

b) Trường hợp trụ mốc thiết kế đặt trên các công trình kiến trúc được phép hạ chiều cao trụ mốc nhưng không được thấp hơn 2 mét so với mái của công trình kiến trúc.

3. Trên đỉnh trụ mốc được lắp giá gắn ăng-ten. Giá gắn ăng-ten phải được gắn chặt vào trụ mốc, được gia công bằng vật liệu thép không gỉ và phải có các chức năng cơ bản như: khóa chặt ăng-ten, cân chỉnh ăng-ten về mặt phẳng cân bằng và điều chỉnh hướng ăng-ten (tham khảo tại Phụ lục 03 của Thông tư này).

4. Tại đế trụ mốc phải gắn hai dấu mốc độ cao, trong đó một dấu mốc gắn nổi trên mặt đế mốc và một dấu mốc chôn chìm dưới mặt đất. Trường hợp trụ mốc đặt trên các công trình kiến trúc chỉ gắn một dấu mốc độ cao. Thực hiện xác định chênh cao thẳng đứng giữa dấu mốc độ cao và điểm tham chiếu ăng-ten (ARP) với độ chính xác < 2 mm. Quy cách dấu mốc độ cao theo quy định tại Phụ lục 04 của Thông tư này.

5. Các trụ mốc của trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục chỉ được xây dựng trên mặt đất và được khoan sâu, đổ bê tông cốt thép tới tầng ổn định. Quy cách trụ mốc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục theo quy định tại Phụ lục 05 của Thông tư này.

6. Các trụ mốc trạm tham chiếu hoạt động liên tục được xây dựng trên mặt đất hoặc trên các công trình kiến trúc kiên cố. Quy cách trụ mốc trạm tham chiếu hoạt động liên tục theo quy định tại Phụ lục 06 của Thông tư này.

Điều 9. Thiết bị thu tín hiệu vệ tinh của trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Ăng-ten thu tín hiệu định vị vệ tinh được lắp trên đỉnh trụ mốc thông qua giá gắn ăng-ten, được căn chỉnh về đúng mặt phẳng nằm ngang; hướng ăng-ten phải được quay về hướng bắc thực với sai lệch không quá ±5o, trường hợp vượt quá 5o phải ghi giá trị cụ thể ra nhật ký. Ăng-ten phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

a) Sử dụng ăng-ten có vòng cảm kháng, có khả năng thu nhận tất cả tín hiệu (tần số) hiện có từ các hệ thống định vị vệ tinh tại thời điểm lắp đặt như: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS, QZSS; khuyến khích sử dụng các loại ăng-ten có khả năng thu nhận các tín hiệu hiện tại chưa được phát nhưng đã được lên kế hoạch từ các hệ thống định vị vệ tinh nói trên hoặc hệ thống định vị vệ tinh mới như IRNSS;

b) Có tên trong danh sách các loại ăng-ten có tâm pha được hiệu chuẩn tuyệt đối của tổ chức IGS;

c) Chịu được độ ẩm lên đến 100%; tiêu chuẩn kháng bụi, chịu nước phải đạt tối thiểu mức IP67 theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC);

d) Có khả năng làm việc trong môi trường nhiệt độ từ -10oC đến +70oC;

đ) Các trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục phải sử dụng loại ăng-ten có vòng cảm kháng với vật liệu Dorne-Margolin, khuyến khích sử dụng đối với các trạm còn lại;

e) Chỉ được sử dụng loại vòng chụp bảo vệ dạng bán cầu cho ăng-ten, không sử dụng vòng chụp dạng nón;

g) Không được phép tháo ăng-ten sau khi trạm đã đi vào hoạt động trừ trường hợp phải sửa chữa phần cứng do hỏng hóc.

2. Máy thu tín hiệu định vị vệ tinh được đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, đảm bảo hoạt động liên tục. Về máy thu phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

a) Có khả năng thu nhận tất cả tín hiệu hiện có từ các hệ thống định vị vệ tinh tại thời điểm lắp đặt như: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS, QZSS;

b) Số kênh thu không dưới 555 kênh, trong đó tối thiểu phải có 12 kênh cho mỗi tần số từ mỗi hệ thống định vị vệ tinh nói trên;

c) Có khả năng dò tìm và thu nhận tín hiệu từ các vệ tinh ở góc ngưỡng <10o, hỗ trợ khả năng loại bỏ nhiễu đa đường;

d) Có khả năng thu tín hiệu ở mức giãn cách thu tín hiệu 1 giây hoặc nhỏ hơn, hỗ trợ xuất dữ liệu qua RTCM các phiên bản hiện hành 2.x/3.x, khuyến khích hỗ trợ xuất dữ liệu qua CRM, CMR+, NMEA-0183...; hỗ trợ Ntrip, TCP/IP, FTP;

đ) Có tối thiểu 2 nguồn cấp điện, hỗ trợ kết nối trực tiếp thiết bị cảm biến khí tượng, cảm biến dịch chuyển nghiêng;

e) Có đầy đủ các cổng kết nối cơ bản như RJ-45, USB, 3G/4G/5G, RS-232;

g) Tiêu chuẩn kháng bụi, chịu nước phải đạt tối thiểu mức IP67 theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC);

h) Có khả năng làm việc trong môi trường nhiệt độ từ -10oC đến +65oC;

i) Bộ nhớ trong có khả năng lưu trữ dữ liệu ít nhất 60 ngày; hỗ trợ kết nối bộ nhớ mở rộng;

k) Chiều dài cáp nối tín hiệu từ máy thu tới ăng-ten không vượt quá 70 mét. Trường hợp cá biệt phải tiến hành đo đạc đánh giá chất lượng tín hiệu trước khi lắp đặt chính thức. Đối với các khu vực có mật độ sét lớn cần thiết kế khoảng cách từ máy thu tới ăng-ten càng ngắn càng tốt;

l) Dây nối ăng-ten với máy thu được đặt trong ống bọc dây điện PVC hoặc HDPE dạng công nghiệp và được chôn ngầm dưới đất, trường hợp cá biệt được phép thiết kế đi nổi trên không nhưng phải có hệ thống giá đỡ chắc chắn và không được để dây quá căng. Đầu dây nối với ăng-ten phải được bọc đảm bảo không thấm nước, đặc biệt là đối với các khu vực ven biển để tránh trường hợp bị ăn mòn, rỉ sét;

m) Máy thu được cài đặt thu tín hiệu liên tục 24 giờ từ tất cả các vệ tinh có thể quan sát được với giãn cách thu tín hiệu 1 giây; góc ngưỡng đặt trong máy thu là 0o.

3. Máy thu tín hiệu định vị vệ tinh và các thiết bị phụ trợ khác kèm theo được đặt trong tủ thiết bị có hệ thống quạt thông gió tắt, mở tự động thông qua rơ le cảm biến nhiệt để làm giảm nhiệt độ trong tủ (thiết kế tủ thiết bị tham khảo Phụ lục 07 của Thông tư này).

4. Vị trí tủ thiết bị ưu tiên đặt ở trong phòng, trường hợp đặc biệt như khoảng cách từ phòng tới trụ mốc ăng-ten quá xa hoặc không thể tìm được vị trí đặt tủ thiết bị trong phòng thì có thể đặt ngoài trời. Đối với các khu vực có khí hậu không thuận lợi như nhiệt độ cao, mưa nhiều trong năm, an ninh không đảm bảo khi đặt tủ thiết bị ngoài trời phải xây dựng nhà để đảm bảo an toàn cho tủ thiết bị (thiết kế nhà đặt tủ thiết bị tham khảo Phụ lục 08 của Thông tư này).

Điều 10. Thiết bị cảm biến khí tượng

1. Trường hợp có tích hợp cảm biến khí tượng tại các trạm định vị vệ tinh quốc gia để phục vụ nghiên cứu khoa học, cải thiện chất lượng tính toán, nghiên cứu các mô hình thời tiết thì các thiết bị cảm biến khí tượng được lắp đặt phải là các thiết bị chuyên dụng; thiết bị cảm biến khí tượng phải được kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật trước khi lắp đặt.

2. Cảm biến khí tượng phải được lắp đặt gần ăng-ten thu tín hiệu định vị vệ tinh nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thu nhận tín hiệu hoặc gây nhiễu; cần xác định chênh cao giữa điểm tham chiếu ăng-ten (ARP) với cảm biến khí áp của cảm biến khí tượng với độ chính xác < 1cm.

3. Các yêu cầu cơ bản của cảm biến khí tượng như sau:

a) Độ chính xác đo khí áp ≤ ±0.1 hPa;

b) Độ chính xác đo độ ẩm tương đối: ≤ ±2%;

c) Độ chính xác đo nhiệt độ: ≤ ±0.1oC;

d) Có khả năng làm việc trong môi trường nhiệt độ từ -10oC đến +60oC.

4. Trong quá trình vận hành, thường xuyên kiểm tra sự hoạt động của các cảm biến đặc biệt là cảm biến nhiệt độ, có biện pháp sửa chữa, thay thế kịp thời. Việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 70/2015/TT-BTNMT ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đối với các trạm khí tượng thủy văn tự động.

Điều 11. Nguồn điện

1. Tại mỗi trạm định vị vệ tinh phải có tối thiểu 2 nguồn điện: nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng. Trong đó, nguồn điện chính được cung cấp bởi lưới điện quốc gia, nguồn điện dự phòng được cung cấp bởi hệ thống UPS, ắc quy... đảm bảo duy trì hoạt động của tất cả các thiết bị của trạm một cách liên tục tối thiểu 48 giờ. Tại các khu vực có số giờ nắng trong năm cao, nguồn điện dự phòng có thể là hệ thống pin mặt trời.

2. Việc cung cấp nguồn điện cho các thiết bị của trạm định vị vệ tinh quốc gia phải được quản lý bởi bộ phân phối điện có cơ chế chuyển đổi tự động giữa nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng.

3. Tất cả các hợp phần điện phải được trang bị bộ phận chống tăng điện đột ngột để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống.

Điều 12. Giải pháp truyền dữ liệu

1. Các trạm định vị vệ tinh quốc gia phải được lắp đặt đường kết nối internet ổn định để phục vụ cho việc truyền tải dữ liệu về trạm điều khiển và xử lý trung tâm. Đường kết nối internet nên được thiết kế riêng cho việc truyền dẫn dữ liệu của trạm, không sử dụng chung với mục đích khác để đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu và băng thông truyền dẫn.

2. Ngoài đường kết nối internet chính là cáp quang FTTH (hoặc Leased line), tại mỗi trạm định vị vệ tinh quốc gia phải có thêm 01 đường truyền kết nối internet dự phòng là cáp quang FTTH của một nhà mạng khác với nhà mạng cung cấp đường kết nối internet chính hoặc sử dụng giải pháp kết nối qua sóng 3G/4G/5G đối với khu vực có sóng 3G/4G/5G ổn định. Mỗi đường kết nối FTTH phải được cung cấp 01 địa chỉ IP tĩnh kèm theo để phục vụ cho việc truyền dữ liệu được ổn định.

3. Trạm điều khiển xử lý trung tâm phải được lắp đặt 02 đường kết nối internet là cáp quang FTTH (hoặc Leased Line) từ hai nhà mạng khác nhau. Mỗi đường truyền kết nối internet được cấp tối thiểu 01 IP tĩnh. Cả 02 đường đều phải có băng thông đủ lớn để tiếp nhận dữ liệu được truyền từ các trạm định vị vệ tinh và cung cấp các dịch vụ cho người dùng liên tục, không bị gián đoạn.

4. Để đảm bảo chất lượng của việc cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực, độ trễ trung bình cho phép của việc truyền dữ liệu từ trạm định vị vệ tinh về trạm điều khiển xử lý trung tâm là <50ms đối với kết nối FTTH (hoặc Leased Line) và <100ms đối với kết nối 3G/4G/5G.

Điều 13. Hệ thống chống sét

1. Hệ thống chống sét trực tiếp được thiết kế đảm bảo an toàn cho thiết bị tại trạm định vị vệ tinh quốc gia. Tại mỗi trạm phải xây dựng bãi tiếp đất đáp ứng theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BTTTT ngày 07 tháng 12 năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp đất cho các trạm viễn thông.

2. Các thiết bị có khả năng bị ảnh hưởng bởi sét đánh lan truyền phải được lắp đặt thiết bị cắt, thoát sét bao gồm: nguồn điện, dây nối ăng-ten với máy thu tín hiệu định vị vệ tinh, dây nối thiết bị cảm biến khí tượng với máy thu tín hiệu định vị vệ tinh (nếu có).

Chương III

ĐO NỐI MẠNG LƯỚI TRẠM ĐỊNH VỊ VỆ TINH QUỐC GIA

Điều 14. Đo nối, xác định tọa độ VN-2000 cho mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Sử dụng các điểm tọa độ quốc gia cấp 0 có trong khu vực để làm điểm khởi tính cho mạng lưới đo nối; trường hợp mở rộng, chêm dày trạm định vị vệ tinh quốc gia được phép sử dụng các trạm định vị vệ tinh đã có trong khu vực để làm điểm khởi tính cho mạng lưới đo nối. Các điểm khởi tính phải được bố trí đều trong mạng lưới đo nối; số lượng điểm khởi tính căn cứ số lượng trạm định vị vệ tinh quốc gia cần đo nối nhưng không được ít hơn 05 điểm.

2. Các máy thu GNSS đặt tại điểm tọa độ quốc gia cấp 0 phải là các máy thu đa tần, tối thiểu phải thu được các tín hiệu L1/L2 từ các hệ thống GPS và GLONASS; thời gian quan trắc đồng thời liên tục không ít hơn 24 giờ, bắt đầu từ 7h00’ (giờ Việt Nam); giãn cách thu tín hiệu là 15 giây; sử dụng phương pháp đo tĩnh với góc ngưỡng thu là 10o. Các máy thu đặt tại các trạm định vị vệ tinh quốc gia được thiết lập theo quy định tại điểm m khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

3. Việc xử lý tính toán được thực hiện bởi các phần mềm xử lý GNSS thông dụng; trong quá trình tính toán xử lý các cạnh (baselines) phải sử dụng lịch vệ tinh chính xác (Final Orbit) để tính toán. Sai số vị trí điểm sau tính toán bình sai không được lớn hơn 2cm. Quy trình tính toán theo quy định tại Thông tư số 06/2009/TT-BTNMT ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng lưới tọa độ quốc gia.

Điều 15. Đo nối, xác định độ cao trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Thiết kế các tuyến độ cao độc lập để xác định độ cao cho các điểm trong mạng lưới trạm định vị quốc gia. Thiết kế dạng tuyến đơn, mỗi tuyến phải sử dụng ít nhất 02 điểm thuộc mạng lưới độ cao quốc gia hạng cao có trong khu vực để làm điểm khởi tính. Việc thiết kế, đo nối, tính toán xác định độ cao theo quy định tại Quyết định số 11/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lưới độ cao.

2. Đối với các điểm thuộc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục: việc thiết kế, đo nối, tính toán được thực hiện theo quy trình đo độ cao hạng II. Các điểm độ cao quốc gia làm điểm khởi tính là các điểm độ cao hạng I, hạng II. Sai số khép giữa đo đi - đo về và giữa 2 điểm hạng cao không được vượt quá ±4√L đối với vùng đồng bằng và ±5√L đối với vùng núi (L là chiều dài tuyến đo tính bằng km).

3. Đối với các điểm thuộc trạm tham chiếu hoạt động liên tục: việc thiết kế, đo nối, tính toán được thực hiện theo quy trình đo độ cao hạng III. Các điểm độ cao quốc gia làm điểm khởi tính là các điểm độ cao hạng I, hạng II, hạng III. Sai số khép giữa đo đi - đo về và giữa 2 điểm hạng cao không được vượt quá ±10√L đối với vùng đồng bằng và ±12√L đối với vùng núi (L là chiều dài tuyến đo tính bằng km).

4. Đo nối, xác định độ cao của trạm định vị vệ tinh quốc gia phải được thực hiện vào tất cả dấu mốc theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Thông tư này. Chênh cao thẳng đứng giữa dấu mốc độ cao và điểm tham chiếu ăng-ten (ARP) được xác định bằng thước thép chuyên dụng hoặc các phương tiện đo có độ chính xác tương đương và được ghi riêng, tách khỏi sổ đo thủy chuẩn.

Điều 16. Đo nối, xác định giá trị trọng lực trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Trên cơ sở các điểm trọng lực cơ sở, trọng lực hạng I có trong khu đo, thiết kế tuyến đo nối trọng lực vào các trạm định vị vệ tinh quốc gia với độ chính xác của trọng lực hạng II theo phương pháp đo trọng lực tương đối. Mỗi tuyến phải sử dụng ít nhất 02 điểm thuộc mạng lưới trọng lực quốc gia hạng cao có trong khu vực để làm điểm khởi tính.

2. Vị trí xác định giá trị trọng lực tại trạm định vị vệ tinh quốc gia là dấu mốc độ cao gắn nổi trên trụ mốc. Sai số trung phương gia tốc lực trọng trường sau bình sai không được lớn hơn 0,05mGal.

3. Sử dụng các phương tiện đo trọng lực có độ chính xác tối thiểu 0,03 mGal để xác định giá trị trọng lực cho mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.

Điều 17. Kết nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia với hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF

1. Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được kết nối với hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF thông qua các trạm thuộc mạng lưới của tổ chức cung cấp dịch vụ GNSS quốc tế IGS có trong khu vực. Tất cả các điểm trong mạng lưới trạm định vị quốc gia được xử lý tính toán thường xuyên, liên tục hàng ngày trong ITRF với độ chính xác ≤ 2mm.

2. Sử dụng dữ liệu GNSS từ ít nhất 05 trạm thuộc mạng lưới IGS, trong đó ưu tiên sử dụng các trạm có dữ liệu ổn định, được xây dựng từ lâu và có các thông số khác có liên quan đến trạm đầy đủ theo khuyến cáo của IGS.

3. Sử dụng các phần mềm có độ chính xác cao như Bernese, GAMIT/GLOBK...đế tính toán. Trong quá trình tính toán, ngoài trị đo GNSS còn phải sử dụng tất cả các dữ liệu khác có liên quan đế nâng cao độ chính xác như: các thông số về ăng-ten sau kiếm định của IGS, lịch vệ tinh chính xác, tham số quay của cực trái đất, mô hình cải chính ảnh hưởng của thủy triều đại dương, mô hình tầng đối lưu, mô hình tầng điện ly....

4. Việc tính toán được thực hiện theo từng ngày, bắt đầu từ 0h00 (giờ UTC); sử dụng dữ liệu GNSS với giãn cách thu tín hiệu 30 giây đế tính toán xử lý. Kết quả nhận được là cơ sở cho việc xác định dịch chuyến mảng, dịch chuyến đứng, xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia theo quan điểm động, xác định tham số tính chuyến giữa hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và ITRF.

Chương IV

TRẠM ĐIỀU KHIỂN XỬ LÝ TRUNG TÂM

Điều 18. Trạm điều khiển xử lý trung tâm

1. Trạm điều khiến xử lý trung tâm là nơi tính toán, xử lý, cung cấp các dịch vụ của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Trạm điều khiến xử lý trung tâm phải được đặt tại nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, có nguồn điện lưới quốc gia ổn định, có khả năng kết nối internet tốc độ cao, đảm bảo an ninh trật tự, bảo mật an toàn dữ liệu.

2. Có khả năng thu nhận dữ liệu liên tục từ các trạm định vị vệ tinh quốc gia gửi về; đảm bảo tính toán, xử lý, cung cấp kịp thời các dịch vụ cho người sử dụng 24giờ/7ngày.

3. Có khả năng xử lý, tính toán tọa độ các điếm thuộc mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF với độ chính xác mm.

4. Có khả năng cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực độ chính xác cao tới người sử dụng một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời thông qua mạng internet.

5. Có khả năng xử lý sau các trị đo GNSS dưới hình thức trực tuyến.

6. Có khả năng điều khiến, xác lập cấu hình và giám sát tình trạng hoạt động của các trạm định vị vệ tinh quốc gia thường xuyên, liên tục từ xa qua mạng internet.

7. Có khả năng giám sát tình trạng hoạt động các phương tiện đo GNSS sử dụng dịch vụ đo động thời gian thực.

8. Có khả năng quản lý các tài khoản đã và đang sử dụng dịch vụ của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.

9. Hỗ trợ tính toán các thông số tầng khí quyển dựa trên dữ liệu GNSS kết hợp với dữ liệu từ thiết bị cảm biến khí tượng tại các trạm định vị vệ tinh quốc gia.

10. Có khả năng lưu trữ dữ liệu GNSS thu nhận từ các trạm định vị vệ tinh quốc gia ở định dạng RINEX V2.x, V3.x. Thời gian lưu trữ được quy định như sau:

a) Lưu trữ vĩnh viễn đối với loại dữ liệu có giãn cách thu tín hiệu 30 giây;

b) Lưu trữ trong thời gian tối thiểu 20 năm đối với loại dữ liệu có giãn cách thu tín hiệu 15 giây (trừ các yêu cầu đặc biệt);

c) Lưu trữ trong thời gian tối thiểu 10 năm đối với loại dữ liệu có giãn cách thu tín hiệu 1 giây;

d) Lưu trữ vĩnh viễn đối với kết quả tính toán liên quan đến việc xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia.

11. Có hệ thống bảo mật nhiều lớp đảm bảo an ninh, an toàn đối với dữ liệu mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, dữ liệu người sử dụng.

12. Có khả năng sao lưu dữ liệu tự động theo định kỳ để đảm bảo sự an toàn của dữ liệu.

Điều 19. Trung tâm dữ liệu

1. Có hệ thống điện lưới quốc gia ổn định, chất lượng; thiết lập nguồn điện theo 3 pha, có máy phát điện dự phòng đảm bảo cung cấp đủ lượng điện cho trung tâm dữ liệu khi có sự cố mất điện lưới xảy ra.

2. Hệ thống lưu điện UPS công suất lớn đảm bảo khả năng duy trì toàn bộ hệ thống thiết bị của trung tâm bao gồm cả máy chủ, máy lạnh, các thiết bị phụ trợ.... trong thời gian ít nhất 30 phút, khuyến khích thiết lập máy phát điện dự phòng và lưu điện UPS theo chuẩn 1+1.

3. Làm mát bằng hệ thống điều hòa không khí đảm bảo khả năng hoạt động luân phiên, liên tục, có khả năng kiểm soát nhiệt độ với độ chính xác ±1oC, độ ẩm ±5%.

4. Có hệ thống sàn kỹ thuật hoặc lớp cách ly chống nhiễm điện. Hệ thống điện và thiết bị phải được lắp đặt các thiết bị cắt sét, thoát sét lan truyền.

5. Có hệ thống báo cháy có khả năng phát hiện khói sớm và tự động cảnh báo; có khả năng chữa cháy tự động.

6. Có hệ thống camera giám sát được kết nối với đầu ghi hình DVR theo dõi hình ảnh trong và ngoài trung tâm dữ liệu đảm bảo thường xuyên, liên tục.

7. Hệ thống máy chủ đủ mạnh có tính tới yếu tố dự phòng, hệ thống chuyển mạch hoạt động song song với cơ chế dự phòng tối ưu. Hệ thống cáp cần có tính tổ chức, linh hoạt và có thể tái sử dụng lại. Tất cả các cabin, rack, panel, cables cần phải đánh nhãn thống nhất theo nguyên tắc dễ nhớ và dễ mở rộng.

Chương V

CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ MẠNG LƯỚI TRẠM ĐỊNH VỊ VỆ TINH QUỐC GIA

Điều 20. Các dịch vụ cung cấp bởi mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

1. Cung cấp các dữ liệu GNSS với loại dữ liệu có giãn cách thu tín hiệu 30 giây, 15 giây, 1 giây dạng RINEX phục vụ việc xử lý sau (Post Processing) trong thời gian như quy định tại khoản 10 Điều 18 của Thông tư này.

2. Cung cấp dịch vụ tính toán, xử lý các mạng lưới GNSS với độ chính xác lên tới mm trong hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF.

3. Cung cấp dịch vụ tự động xử lý, tính toán trị đo GNSS cho người sử dụng dưới hình thức trực tuyến theo yêu cầu riêng.

4. Cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực trong hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mạng (Network RTK) như: VRS, MAX, iMAX hoặc theo trạm đơn Single Base. ..cho người sử dụng.

5. Các dịch vụ được cung cấp bởi mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được sử dụng trong đo đạc, thành lập bản đồ địa hình; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; nghiên cứu khoa học và các hoạt động đo đạc và bản đồ khác.

Điều 21. Sử dụng dịch vụ đo động thời gian thực

1. Các phương tiện đo GNSS di động sử dụng dịch vụ đo động thời gian thực phải thỏa mãn các yêu cầu cơ bản sau:

a) Là phương tiện đo GNSS di động đa tần, thu được đầy đủ tín hiệu từ các hệ thống định vệ tinh phổ biến như GPS, GLONASS, GALILEO, BDS;

b) Có khả năng hỗ trợ kết nối qua giao thức Ntrip và nhận được dữ liệu cải chính RTCM v3.x với các kiểu gói tin nhắn từ 1021 - 1027;

c) Thu được tín hiệu từ các hệ thống định vị vệ tinh ở điều kiện thông thoáng.

3. Độ chính xác khi sử dụng dịch vụ đo động thời gian thực được cung cấp bởi mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia như bảng dưới đây:

Phương thức cải chính

Độ chính xác tuyệt đối về mặt phẳng

Độ chính xá độ cao (khi hình Geoid nguyên và M

c tuyệt đối về sử dụng mô của Bộ Tài Môi trường)

Khu vực k≤80km

Khu vực k>80km

Khu vực đồng bằng

Khu vực miền núi

VRS, MAX, iMAX

3cm ÷ 5cm

4cm ÷ 7cm

<10cm

< 17cm

Single Base

(áp dụng nếu S ≤ 25km)

< 5 cm

Trong đó:

- k là khoảng cách giữa các trạm định vị vệ tinh tham gia xử lý trong mạng lưới để cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực. Phạm vi cụ thể các khu vực tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được thể hiện tại Phụ lục 09 kèm theo Thông tư này.

- S là khoảng cách từ vị trí phương tiện thu tín hiệu vệ tinh di động đến trạm định vị vệ tinh cố định được sử dụng để cải chính.

- Phạm vi khu vực phủ trùm mô hình Geoid của Bộ Tài nguyên và Môi trường được thể hiện tại Phụ lục 10 kèm theo Thông tư này.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2020.

Điều 23. Tổ chức thực hiện

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
-
Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT,
PC, KHCN, ĐĐBĐVN

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Phương Hoa

PHỤ LỤC 01

SƠ ĐỒ VỊ TRÍ CỦA 24 TRẠM THAM CHIẾU CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG LIÊN TỤC ĐÃ XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PHỤ LỤC 02

TIÊU CHÍ VÀ HƯỚNG DẪN KHẢO SÁT VỊ TRÍ XÂY DỰNG TRẠM ĐỊNH VỊ VỆ TINH QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

1. NHÓM TIÊU CHÍ THÔNG TIN CƠ BẢN

Bao gồm các chỉ tiêu thông tin để xác định và hiểu rõ về vị trí cũng như khu vực khảo sát như vị trí địa lý, đơn vị chủ quan, địa hình, khí hậu, kinh tế

Tên trạm

Loại trạm

Ghi chú

Tên đầy đủ: Được lấy theo địa danh của khu vực đặt trạm

VD: Đồ Sơn

VD: Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục

Tên rút gọn: gồm 04 ký tự được đặt sao cho dễ nhận biết với tên đầy đủ

VD: DSON

Số hiệu trạm

VD:

84DSON016

Số hiệu trạm định vị được đặt theo quy định thống nhất như sau. Ví dụ tên trạm 84XXXX001, trong đó:

84 là 2 số chỉ mã nước Việt Nam;

XXXX là tên rút gọn của trạm;

001 là số thứ tự của các trạm;

Vĩ độ tương đối (WGS-84)

Vĩ độ gần đúng của mốc dự kiến (lấy chính xác đến 0.1”)

Kinh độ tương đối (WGS-84)

Kinh độ gần đúng của mốc dự kiến (lấy chính xác đến 0.1”)

Độ cao mặt đất tương đối

Độ cao thủy chuẩn của mặt đất nơi dự kiến đặt mốc (lấy chính xác đến 0.1m)

Địa chỉ

Tên: Tên đầy đủ và chính xác của khu vực khảo sát

Địa chỉ: Số; đường; khóm (xóm); phường (xã); quận (huyện); thành phố (tỉnh); điện thoại; địa chỉ thư điện tử.

Nhân lực tại chỗ

Số người tại trạm:

Người phụ trách chính:

Điện thoại di động của người phụ trách:

Thành phần tham gia

Các đơn vị tham gia: Trưởng đoàn:

Các thành viên:

Trang thiết bị sử dụng

Liệt kê chi tiết tất cả các trang thiết bị sử dụng trong quá trình khảo sát tại khu vực kèm theo số lượng. Ví dụ:

Máy thu GNSS đa tần …… số lượng:

Thiết bị đo khoảng cách cầm tay …….., số lượng:

Máy toàn đạc điện tử ……., số lượng:

Thiết bị phụ trợ khác ………

Thời gian tiến hành

Thời gian bắt đầu khảo sát:

Thời gian kết thúc khảo sát:

Vị trí địa lý

Nêu rõ đặc điểm địa lý của khu vực có địa điểm sẽ tiến hành khảo sát theo những một số tiêu chí cơ bản như:

Vị trí địa lý và phạm vi của khu vực;

Mối liên hệ với các địa phương, vùng lân cận;

Đặc điểm địa hình

Mô tả chi tiết đặc điểm địa hình khu vực

Sử dụng bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 chọn vị trí đặt mốc rồi cắt phạm vi có kích thước 15cm x 15cm dán kèm theo.

Đặc điểm giao thông

Mô tả khái quát hệ thống giao thông để đi đến điểm (Cần mô tả từ trung tâm thị trấn, thị xã... đi theo các đường quốc lộ, đường tỉnh...)

Sử dụng bản đồ dẫn đường Google cắt phạm vi có kích thước 15cm x 15cm dán kèm theo

Đặc điểm khí hậu

Khảo sát, thu thập số liệu liên quan tới các yếu tố khí tượng, khí hậu ngay tại vị trí khảo sát, tổng hợp và nêu rõ những đặc điểm và thông số liên quan tới khí hậu như dưới đây:

Đặc điểm khí hậu tổng quan của vùng;

Số mùa trong năm;

Độ ẩm trung bình năm;

Nhiệt độ trung bình năm;

Số giờ nắng trung bình năm;

Lượng mưa trung bình năm;

Đỉnh lũ lịch sử ghi nhận được ở khu vực.

Đặc điểm kinh tế, xã hội, dân trí và an ninh

Nêu rõ những đặc điểm của khu vực theo những tiêu chí cơ bản: Cấp hạng hành chính của khu vực (đô thị hay nông thôn);

Đặc điểm dân cư tại khu vực;

Khả năng cung cấp nguồn lực trong quá trình xây dựng (nguyên vật liệu và nhân công, điều tra trực tiếp tại nơi khảo sát);

Đặc điểm dân trí của cư dân lân cận khu vực khảo sát;

Tình hình đảm bảo an ninh và an toàn tại địa phương.

2. NHÓM TIÊU CHÍ VỀ THÔNG TIN CẢNH QUAN

Yêu cầu thu thập thông tin thông qua việc quan sát bằng mắt thường, xem xét mối quan hệ giữa các yếu tố quan trọng được liệt kê theo từng phần dưới đây. Với mỗi câu trả lời đều cần đưa ra những giải thích hoặc ghi chú phù hợp để giúp quá trình xem xét, đánh giá và thiết kế sau này chính xác, phù hợp với thực tiễn hơn.

STT

Các yêu cầu

Có/ Không

Ghi chú & Giải thích

X

1

Có tầm nhìn thông thoáng lên bầu trời ở góc ngưỡng 10° hay không?

Nếu không cần chỉ rõ đối tượng gây cản trở tầm nhìn và hướng mà đối tượng hiện hữu.

2

Có các tòa nhà cao tầng đang tồn tại hoặc sẽ được xây dựng ở khu vực lân cận hay không?

Nếu có cần chỉ rõ quy mô, chiều cao và hướng mà đối tượng đã hoặc sẽ hiện hữu.

3

Có cây thân lớn, cao và tán rộng đang tồn tại trong khuôn viên khu vực khảo sát cũng như vùng lân cận hay không?

Nếu có cần chỉ rõ số lượng, mô tả và đề xuất phương án giải quyết.

4

Có gần các đối tượng bao gồm hồ nước lớn, bờ tường gắn kính hoặc mái tôn rộng sáng màu trong khoảng cách < 200m hay không?

Nếu có cần mô tả rõ loại đối tượng hoặc vật liệu như đã đề cập, quy mô, chiều cao và hướng mà đối tượng gây ảnh hưởng đang hiện hữu.

5

Có đường dây truyền tải điện cao thế chạy ngang qua khu vực khảo sát hay không?

Nếu có cần xác định điện thế truyền tải, loại dây trần hay bọc, chiều cao đường dây, hướng của đường dây.

6

Có trạm biến thế lớn trong khuôn viên hoặc liền kề khu vực khảo sát hay không?

Nếu có cần xác định quy mô và điện áp của trạm hạ thế, vị trí cũng như hướng phân bố.

7

Có các đối tượng có khả năng phát ra từ trường mạnh hay không?

Nếu có cần xác định chủng loại, quy mô và hướng phân bố.

8

Có các trạm phát sóng vô tuyến truyền thanh hoặc truyền hình nằm trong khoảng cách dưới 300m quanh khu vực khảo sát hay không?

Nếu có cần xác định chiều cao cột phát tín hiệu, chủng loại cột, thời gian hoạt động.

9

Có các trạm phát sóng điện thoại di động trong khuôn viên hoặc liền kề khu vực khảo sát hay không?

Nếu có cần xác định chiều cao cột phát tín hiệu, chủng loại cột và đơn vị sở hữu.

10

Có nằm gần đường giao thông hay không?

Nếu có cần chỉ rõ loại đường (quốc lộ, tỉnh lộ, đường nhánh).

11

Có các phương tiện trọng tải nặng khi di chuyển có khả năng gây rung chấn hay không? (Yêu cầu quan sát và cảm nhận trong thời gian khảo sát tại khu vực)

Nếu có cần đưa ra kết quả quan sát cũng như những nhận định, đánh giá.

12

Đường ranh giới toàn bộ khu vực khảo sát có liền kề với nhà dân hay không?

Nếu có cần chỉ rõ các hướng liền kề với nhà dân. Nếu không cần chỉ rõ đối tượng liền kề là gì

13

Khu vực có cho phép người lạ tự do ra vào, đi lại trong khuôn viên hay không?

Nếu có cần đề xuất giải pháp đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động của thiết bị sau khi lắp đặt.

14

Khu vực đã từng có các hoạt động kiến tạo như động đất và núi lửa hay không? (Lưu ý trong thời gian gần đây)

Nếu có cần bổ sung thêm thông tin liên quan đến sự kiện này.

15

Khu vực có nằm ở gần những vùng có khả năng xảy ra trượt lở, ngập lụt, lũ bùn hoặc các hoạt động rửa trôi bề mặt mạnh hay không?

Nếu có cần bổ sung thông tin mô tả đặc trưng.

16

Khu vực có nằm gần hoặc liền kề với sông hoặc suối hay không?

Nếu có cần mô tả các thông tin cơ bản như độ lớn, hướng dòng chảy và điều tra thông tin ảnh hưởng tại chỗ.

Chỉ hướng cảnh quan khu
vực khảo sát

Ảnh vệ tinh khu vực khảo sát

Sử dụng ảnh vệ tinh Google, đặt khu vực khảo sát làm tâm, cắt ảnh trên diện tích phù hợp và gắn vào theo mẫu để có thể so sánh với các kết quả khảo sát đo vẽ khác và được dán trực tiếp vào đây.

Chụp ảnh mô tả chi tiết đường biên của khu vực khảo sát với các đối tượng liền kề để thấy rõ vị trí của khu vực trong tổng quan các yếu tố tiếp giáp.

Những tiêu chí cơ bản của ảnh chụp như sau:

- Sử dụng máy chụp ảnh kỹ thuật số có độ phân giải tối thiểu 10 megapixels;

- Ảnh chụp đủ sáng, thể hiện rõ ràng khu vực đường biên liền kề của khu vực với các đối tượng xung quanh theo 4 hướng bao trọn khu vực;

- Lưu trữ ảnh dưới định dạng .JPG;

- Nguyên tắc đặt tên cho ảnh lưu trữ: DB_GHI CHÚ TRẠM_HƯỚNG CHỤP.JPG (Ví dụ ảnh chụp đường biên trạm AN NHƠN về hướng Bắc sẽ có tên như sau DB_ANNHON_BAC.JPG)

- Ảnh phải được gắn trực tiếp vào báo cáo tổng hợp như hướng dẫn dưới đây.

Đường biên tiếp giáp khu vực khảo sát về hướng Bắc

Ảnh chụp thể hiện rõ đường biên cũng như các đối tượng liền kề với khu vực khảo sát về hướng Bắc và được dán trực tiếp vào đây.

Đường biên tiếp giáp khu vực khảo sát về hướng Đông

Ảnh chụp thể hiện rõ đường biên cũng như các đối tượng liền kề với khu vực khảo sát về hướng Đông và được dán trực tiếp vào đây.

Đường biên tiếp giáp khu vực khảo sát về hướng Nam

Ảnh chụp thể hiện rõ đường biên cũng như các đối tượng liền kề với khu vực khảo sát về hướng Nam và được dán trực tiếp vào đây.

Đường biên tiếp giáp khu vực khảo sát về hướng Tây

Ảnh chụp thể hiện rõ đường biên cũng như các đối tượng liền kề với khu vực khảo sát về hướng Tây và được dán trực tiếp vào đây.

3. NHÓM TIÊU CHÍ VỀ THÔNG TIN CƠ SỞ HẠ TẦNG

Khảo sát chi tiết và cung cấp thông tin liên quan tới các yếu tố cơ sở hạ tầng theo các tiêu chí dưới đây. Trong trường hợp cần thiết cần cung cấp thêm những mô tả để làm rõ hơn về thông tin hạ tầng hiện hữu tại khu vực khảo sát.

TT

Các yêu cầu

Có/Không

Ghi chú & Giải thích

X

1

Hạ tầng có khó khăn gì trong quá trình thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị hay không?

Nếu có cần chỉ rõ khó khăn và khả năng khắc phục.

2

Có thuận tiện cho việc triển khai xe, máy móc thi công và tập kết nguyên vật liệu hay không?

Nếu không cần chỉ rõ điểm bất tiện là gì và khả năng khắc phục.

3

Quá trình thi công có gây ảnh hướng đến hợp phần nào của hạ tầng hiện có hay không?

Nếu có cần chỉ rõ phần chịu ảnh hưởng là gì và giải pháp xử lý.

4

Có cần phải san lấp mặt bằng hay gia cố cho khu vực thi công trụ mốc ăng-ten hay không?

Nếu có nêu rõ lý do cũng như đề xuất phương án thực hiện.

5

Khoảng cách từ vị trí dự kiến xây dựng trụ mốc ăng-ten tới phòng làm việc của khu vực khảo sát có xa hơn 70 mét hay không?

Nếu có cần xác định và đề xuất vị trí lắp đặt tủ thiết bị ngoài trời.

6

Phòng làm việc tại khu vực khảo sát có đủ không gian để lắp đặt tủ thiết bị trong phòng hay không?

Nếu không cần giả thích rõ tại sao và đề xuất hướng khắc phục.

7

Có nguồn cấp điện cao thế hay không?

Nếu không cần nêu rõ hiện ở khu vực đang sử dụng nguồn điện nào.

8

Nguồn điện cao thế đang sử dụng có ổn định hay không?

Nếu không cần nêu rõ không ổn định như thế nào. Tần xuất mất điện lưới điển hình ra sao.

9

Nếu lắp đặt tủ thiết bị trong phòng có cần khoan tường, đi dây điện bổ sung hay không?

Nếu có cần chỉ ra tương đối những nhiệm vụ sẽ phải thực hiện để có thể đấu nối nguồn cấp điện trong phòng vào tủ thiết bị.

10

Có cần thực hiện các thủ tục pháp lý nào khác để có được nguồn cấp điện hay không?

Nếu có cần nêu rõ quy trình thực hiện như thế nào.

11

Tại phòng làm việc của khu vực khảo sát đã có phương thức cấp điện dự phòng hay không?

Nếu có cần nêu rõ phương thức cấp điện dự phòng đang sử dụng là điện gió, điện mặt trời hay ắc quy (UPS)

12

Khu vực có hệ thống cáp điện ngầm chạy qua hay không?

Nếu có cần xác định tương đối và mô tả vị trí tuyến cáp chạy qua, độ sâu tuyến cáp.

13

Việc kết nối mạng theo phương thức lắp đặt đường truyền riêng có thuận lợi hay không?

Nếu không cần chỉ rõ lý do tại sao.

14

Khu vực có các phương thức kết nối mạng khác như GPRS/3G hay không?

Nếu không cần giải thích chi tiết.

15

Tại phòng thiết bị của khu vực khảo sát hiện có giải pháp kết nối mạng hay không?

Nếu có cần cung cấp thông tin về phương thức kết nối, nhà cung cấp dịch vụ và độ ổn định của dịch vụ.

16

Tại phòng thiết bị của khu vực khảo sát có hệ thống điều hòa không khí hay không?

Nếu có cần cung cấp thêm mô tả. Nếu không cần đưa ra khuyến cáo.

17

Tại phòng thiết bị của khu vực khảo sát có giải pháp phòng cháy chữa cháy hay không?

Nếu có cần cung cấp thêm mô tả. Nếu không cần đưa ra khuyến cáo.

18

Có sẵn nguồn cung cấp nguyên vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng ...) ở khu vực hay không?

Nếu không cần bổ sung thông tin về nguồn cung ứng nguyên vật liệu ở khu vực.

19

Trong khuôn viên khu vực khảo sát có các công trình hạ tầng nào khác hay không?

Nếu có cần đưa ra mô tả chi tiết về loại hình công trình, diện tích chiếm dụng đất cũng như chiều cao công trình.

20

Trong khuôn viên khu vực khảo sát có các cán bộ kỹ thuật hiện đang sinh sống hay không?

Nếu có cần cung cấp thông tin tổng quan như số phòng, số cá nhân hoặc gia đình đang sinh sống.

21

Khu vực khảo sát có sẵn nguồn nước sinh hoạt hay không?

Nếu có cần nêu rõ phương thức cấp nước. Nếu là giếng khoan cần điều tra xem mức khoan sâu là bao nhiêu để có được nguồn nước.

22

Khuôn viên khu vực khảo sát có tường rào bảo vệ hay không?

Nếu có cần mô tả loại tường rào, chiều cao tường rào hiện hữu.

23

Khuôn viên khu vực khảo sát có đèn chiếu sáng ban đêm hay không?

Nếu có cần mô tả tổng quan số lượng cũng như khả năng chiếu sáng đảm bảo an ninh buổi tối.

24

Khu vực có được bảo vệ an toàn vào buổi tối hay không?

Có thể bổ sung thông tin cho cả hai trường hợp có hoặc không

25

Khu vực có cho phép người lạ tự do ra vào, đi lại trong khuôn viên hay không?

Nếu có cần đề xuất giải pháp đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động của thiết bị sau khi lắp đặt.

26

Thông tin về đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý ở khu vực. (tên, địa chỉ, thông tin liên hệ ...).

Cung cấp đầy đủ thông tin theo hướng dẫn.

Chụp ảnh mô tả các yếu tố cơ bản liên quan tới cơ sở hạ tầng của khu vực khảo sát.

Những tiêu chí cơ bản của ảnh chụp như sau:

- Sử dụng máy chụp ảnh kỹ thuật số có độ phân giải tối thiểu 10 megapixels;

- Ảnh chụp đủ sáng, thể hiện rõ ràng các đối tượng;

- Lưu trữ ảnh dưới định dạng .JPG;

- Nguyên tắc đặt tên cho ảnh lưu trữ: HT_GHI CHÚ TRẠM_XX.JPG (Ví dụ ảnh chụp mô tả hạ tầng trạm AN NHƠN sẽ có tên như sau HT_ANNHON_XX.JPG trong đó XX đánh theo thứ tự 01, 02 ...)

- Ảnh phải được gắn trực tiếp vào báo cáo tổng hợp như hướng dẫn dưới đây.

Ảnh bên ngoài phòng làm việc tại khu vực khảo sát

Ảnh chụp thể hiện toàn bộ nhà (hoặc khối nhà) nơi có phòng làm việc. Phòng làm việc là điểm trung tâm của ảnh và được dán trực tiếp vào đây.

Ảnh bên trong phòng làm việc tại khu vực khảo sát

Ảnh chụp thể hiện bên trong phòng làm việc hiện có. Lưu ý tập trung vào khu vực dự kiến sẽ lắp đặt tủ thiết bị và nguồn cấp điện sẽ đấu nối với tủ thiết bị. Ảnh được dán trực tiếp vào đây.

Ảnh khu vực sinh hoạt của các cán bộ tại khu vực khảo sát

Ảnh chụp thể hiện toàn bộ khu vực sinh hoạt (hoặc cư trú) của các các bộ kỹ thuật hiện có trong khu vực khảo sát và được dán trực tiếp vào đây.

Ảnh cơ sở hạ tầng hoặc các công trình lớn khác nằm trong khuôn viên khu vực khảo sát

Nếu trong khuôn viên khu vực khảo sát có công trình hạ tầng kích thước lớn như nhà thiết bị, cột thu phát sóng di động, đường hầm ... cần chụp ảnh thể hiện rõ các đối tượng nêu trên với ghi chú cụ thể và được dán trực tiếp vào đây.

4. NHÓM TIÊU CHÍ QUAN TRẮC VỆ TINH GNSS

Đây là nhóm tiêu chí đặc biệt quan trọng và phải được thực hiện tuân thủ theo đúng các yêu cầu và hướng dẫn chi tiết trong các hợp phần dưới đây. Trường hợp không đảm bảo thu trọn vẹn 24 giờ liên tục cần phải thực hiện lại quá trình quan trắc trong ngày kế tiếp.

4.1 Yêu cầu chung về quan trắc vệ tinh GNSS

Yêu cầu cơ bản về máy thu GNSS và phần mềm xử lý số liệu:

Máy thu GNSS và phần mềm xử lý số liệu phải đáp ứng những chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản trong bảng dưới đây.

STT

Hạng mục

Chỉ tiêu kỹ thuật yêu cầu

1

Máy thu GNSS

Là loại máy thu thế hệ mới có khả năng thu nhận tất cả tín hiệu hiện có từ các hệ thống định vị vệ tinh tại thời điểm lắp đặt như: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS, QZSS.

Máy thu thiết kế đặc thù phục vụ cho hoạt động của các trạm định vị vệ tinh quốc gia liên tục trong thời gian dài.

Có khả năng ghi số liệu trực tiếp qua bộ nhớ trong. Có khả năng kết nối với máy tính ngoài để giám sát thông tin liên tục trong quá trình quan trắc.

Ngoài sử dụng nguồn cấp điện ngoài cần có pin cấp điện trong để đảm bảo cho máy hoạt động kể cả khi mất nguồn điện ngoài.

2

Ăng-ten thu GNSS

Sử dụng loại ăng-ten hiệu năng cao.

Khuyến khích sử dụng ăng-ten được trang bị vòng cảm kháng (Choke Ring).

Khuyến khích sử dụng loại ăng-ten có vòm cầu bảo vệ.

Phần mềm xử lý số liệu

Có khả năng xử lý phục vụ phân tích các giá trị cơ bản của quá trình quan trắc vệ tinh GNSS như: Số liệu từ các trùm vệ tinh; Số hiệu vệ tinh; Số lượng vệ tinh; Số chu kỳ quan trắc lý thuyết; Số chu kỳ quan trắc thực tiễn; Tỷ lệ trượt chu kỳ; Vệ tinh lỗi trong thời gian quan trắc; Giá trị nhiễu SNR theo tần số ...

Có khả năng tổng hợp báo cáo cuối cùng dạng HTML chi tiết phục vụ cho quá trình phân tích đánh giá về sau.

Có khả năng thay đổi góc ngưỡng vệ tinh trong quá trình xử lý để tìm góc tốt nhất cho trạm định vị vệ tinh quốc gia hoạt động sau này.

Có khả năng loại bỏ không cho các vệ tinh bị lỗi trong thời gian quan trắc tham gia vào quá trình xử lý để đánh giá kết quả khách quan.

Yêu cầu cơ bản về quan trắc số liệu GNSS:

Quá trình quan trắc vệ tinh GNSS tại khu vực khảo sát phải tuân thủ theo những yêu cầu cơ bản trong bảng sau.

STT

Các chỉ tiêu quan trắc cơ bản

Giá trị

1

Thời gian quan trắc

24 giờ liên tục (từ 7 giờ sáng giờ địa phương đến 7 giờ sáng giờ địa phương ngày tiếp theo)

2

Khoảng dãn cách ghi mối số liệu vệ tinh

1 giây

3

Góc ngưỡng quan sát vệ tinh

00

4

Vị trí lắp ăng-ten GNSS tại khu vực khảo sát

Tham khảo ý kiến cán bộ kỹ thuật tại khu vực. Chủ động xác định v trí lắp ăng-ten GNSS phục vụ quan trắc gần nhất với vị trí dự kiến xây dựng trụ mốc ăng-ten CORS (lý tưởng nhất là trùng vị trí)

5

Chuẩn số liệu quan trắc GNSS

RINEX

6

Chụp ảnh màn hình và ghi chú thông tin

Trong quá trình thu số liệu cần chụp ảnh màn hình thông tin vị trí quan trắc, số lượng vệ tinh GNSS, tần số vệ tinh hiện đang thu nhận.

7

Theo dõi thường xuyên

Yêu cầu kiểm tra định kỳ để đảm bảo số liệu không bị gián đoạn trong suốt 24 giờ.

8

Sử dụng chân máy

Sử dụng chân máy đo đạc chuẩn. Ăng-ten được cân bằng bởi gá lắp có gắn bọt thủy.

9

Đánh dấu điểm lắp ăng-ten

GNSS

Tại vị trí lắp đặt ăng-ten phục vụ cho quá trình quan trắc thu số liệu 24 giờ phải được ghi nhận lại bằng cách đóng cọc gỗ trực tiếp lên vị trí.

Yêu cầu sản phẩm giao nộp:

Sản phẩm giao nộp cuối cùng bao gồm các hạng mục trong bảng dưới đây.

STT

Mô tả sản phẩm giao nộp

Số lượng

1

Tập tin số liệu GNSS quan trắc liên tục 24 giờ trên đĩa DVD cho từng khu vực khảo sát

1

2

Báo cáo xử lý số liệu quan trắc 24 giờ, ở góc ngưỡng 100

1

3

Bảng tóm tắt các chỉ số vệ tinh cơ bản định dạng Microsoft Word

1

4.2 Nhóm thông tin cơ sở quan trắc vệ tinh GNSS

Yêu cầu cung cấp đầy đủ và chính xác tất cả các thông tin như hướng dẫn trong bảng dưới đây.

STT

Nội dung thông tin

Ghi chú & Giải thích

1

Tên trạm

Ghi đúng tên trạm theo quy định.

2

Phân loại trạm

Ghi rõ trạm Geodetic CORS hay CORS

3

Ghi chú trạm

Ghi rõ tên giải thích trạm (ví dụ AN NHƠN)

4

Kiểu máy thu sử dụng

Ghi rõ chủng loại máy thu GNSS sử dụng

5

Số mã máy thu (Part Number)

Ghi số mã máy thu

6

Số hiệu máy thu (Serial Number)

Ghi rõ số hiệu máy thu

7

Kiểu ăng-ten thu GNSS

Ghi rõ kiểu loại ăng-ten sử dụng (Geodetic, Choke Ring ...)

8

Số mã ăng-ten (Part Number)

Ghi rõ số mã ăng-ten

9

Số hiệu ăng-ten (Serial Number)

Ghi rõ số hiệu ăng-ten

10

Chiều cao ăng-ten (đo đến

0.001m)

Ghi rõ chiều cao ăng-ten đo được tại vị trí quan trắc

11

Phương thức đo chiều cao ăng- ten

Ghi rõ phương thức xác định chiều cao ăng- ten

12

Thời điểm bắt đầu (UTC +7h)

Ghi chú theo định dạng: 05/4/2020 07:00:00 AM

13

Thời điểm kết thúc (UTC +7h)

Ghi chú theo định dạng: 06/4/2020 06:59:59 AM

14

Tổng thời gian quan trắc

Ghi rõ tổng thời gian đã tiến hành quan trắc vệ tinh

15

Định dạng số liệu quan trắc

Ghi rõ định dạng số liệu đã quan trắc

16

Độ lớn tập tin quan trắc

Ghi rõ độ lớn của tập tin thu liên tục 24 giờ

17

Dãn cách ghi số liệu

Ghi rõ khoảng dãn cách ghi một số liệu vệ tinh

18

Góc ngưỡng quan trắc (°)

Ghi rõ góc ngưỡng quan trắc vệ tinh đã xác lập

4.3 Nhóm các tiêu chí kết quả phân tích chất lượng số liệu GNSS

STT

Nội dung thông tin

Ghi chú & Giải thích

1

Tổng số chu kỳ quan trắc lý thuyết Epochs Observable

Ghi rõ số chu kỳ quan trắc lý thuyết.

2

Số chu kỳ khả dụng thực tiễn Epochs Available

Ghi rõ số chu kỳ quan trắc thực tiễn sau khi xử lý số liệu.

3

Tỷ lệ toàn vẹn chu kỳ (%) Epochs Completeness (%)

Xác định tỷ lệ toàn vẹn của chu kỳ.

4

Số liệu thu từ các hệ thống vệ tinh Constellations Data Received

Ghi rõ các trùm vệ tinh cung cấp số liệu cho máy thu.

5

Số liệu vệ tinh tham gia phân tích Constellation Data Evaluated

Ghi rõ các trùm vệ tinh tham gia phân tích.

6

Số lượng vệ tinh đã thu nhận số liệu

Number of GNSS Satellites Tracked

Ghi rõ số vệ tinh ít nhất và nhiều nhất trong suốt 24 giờ.

Thông tin mô tả chi tiết dưới dạng ảnh chụp:

Để làm rõ những thông tin liên quan đã nêu ở phần trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân tích sau này, yêu cầu cung cấp thêm các ảnh chụp theo đúng mô tả và hướng dẫn thực hiện dưới đây.

Cung cấp ảnh chụp số lượng vệ tinh và trùm vệ tinh hiện hữu tại mỗi thời điểm trong suốt thời gian quan trắc thu số liệu GNSS 24 giờ liên tục và được dán trực tiếp vào đây.

Cung cấp ảnh chụp thông tin về vị trí, giá trị DOP, số vệ tinh quan trắc được phân theo từng trùm vệ tinh riêng tại một thời điểm bất kỳ trong quá trình quan trắc vệ tinh và thu số liệu và được dán trực tiếp vào đây.

Thông tin về các tiêu chí kết quả phân tích bằng phần mềm xử lý phân tích:

Để làm rõ những thông tin liên quan đã nêu ở phần trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân tích sau này, yêu cầu cung cấp thêm các ảnh chụp theo đúng mô tả và hướng dẫn thực hiện dưới đây.

TT

Nội dung thông tin

Ghi chú & Giải thích

1

Số lượng trị quan trắc tương ứng

(≥10°)

Observations Approx. (≥10°)

Số lượng trị quan trắc tính toán tương đối góc 100

2

Số lượng trị quan trắc đạt chuẩn

(≥10°)

Observation Qualified (≥10°)

Số lượng trị quan trắc đạt chuẩn ở góc 100

3

Tỷ lệ toàn vẹn số liệu (%) (≥10°)
Data Completeness (%) (≥10°)

Tỷ lệ toàn vẹn số liệu ở góc 100

4

Trượt IOD/MP (≥10°)

IOD/MP Slips (≥10°)

Tỷ lệ trượt IOD/MP ở góc 100

5

Tỷ lệ trượt chu kỳ (%)(≥10°)

Cycles/Slips Ratio (%)(≥10°)

Tỷ lệ trượt chu kỳ Cycles/Slips Ratio ở góc 100

6

Chỉ số nhiễu đa đường L1 (MP1)

(m) (≥10°)

Multipath L1 (MP1) (m) (≥10°)

Chỉ số nhiễu đa đường tần số L1 ở góc 100

7

Chỉ số nhiễu đa đường L2 (MP2)

(m) (≥10°)

Multipath L2 (MP2) (m) (≥10°)

Chỉ số nhiễu đa đường tần số L2 ở góc 100

8

Chỉ số nhiễu SNR L1 (<300)

SNR L1

Chỉ số nhiễu SNR L1 góc dưới 300

9

Chỉ số nhiễu SNR L1 (>300)

SNR L1

Chỉ số nhiễu SNR L1 góc trên 300

10

Chỉ số nhiễu SNR L2 (<300)

SNR L2

Chỉ số nhiễu SNR L2 góc dưới 300

11

Chỉ số nhiễu SNR L2 (>300)

SNR L2

Chỉ số nhiễu SNR L2 góc dưới 300

4.4 Quy định chụp ảnh tại vị trí đặt ăng-ten GNSS

Việc triển khai khảo sát thực địa cần lựa chọn và xác định tương đối chính xác vị trí tối ưu để xây dựng cột trụ mốc ăng-ten cho trạm định vị vệ tinh quốc gia tại mỗi địa điểm. Việc lựa chọn vị trí tối ưu phải dựa trên quan sát trực tiếp trên thực địa, cân đối mức độ ảnh hưởng của các đối tượng xung quanh đồng thời tham khảo ý kiến của người quản lý trực tiếp tại khu vực tiến hành khảo sát. Ngoài ra vị trí đề xuất lựa chọn cũng cần đảm bảo thuận tiện cho quá trình thi công xây dựng, không ảnh hưởng (hoặc ảnh hưởng không lớn) đến các công trình liền kề, hạn chế việc san lấp mặt bằng hoặc gia cố lớn cho phần đế của trụ mốc ăng-ten.

Sau khi xác định được vị trí tối ưu tương đối để xây dựng trụ mốc ăng tăn, việc quan trắc và thu số liệu vệ tinh sẽ được thực hiện ngay trên vị trí lựa chọn này. Sau khi lắp đặt ăng-ten GNSS hoàn chỉnh trên vị trí lựa chọn, cần chụp ảnh lại theo những hướng dẫn chi tiết dưới đây.

Những tiêu chí cơ bản của ảnh chụp vị trí ăng-ten quan trắc thu số liệu GNSS như sau:

- Sử dụng máy chụp ảnh kỹ thuật số có độ phân giải tối thiểu 10 megapixels;

- Chụp 5 tấm ảnh lần lượt như sau: 1 tấm chụp gần để thấy toàn bộ ăng-ten, chân máy và cảnh quan khu vực điểm lựa chọn. 4 tấm ảnh khác chụp theo các hướng Bắc, Đông, Nam và Tây;

- Sử dụng ống kính có góc rộng để đảm bảo khi ghép 4 tấm ảnh theo các hướng Bắc, Đông, Nam và Tây sẽ tạo ra ảnh toàn cảnh 3600 khu vực khảo sát;

- Đối với 4 tấm ảnh theo các hướng Bắc, Đông, Nam và Tây yêu cầu chụp cơ bản như sau. Ông kính máy chụp ảnh đặt phía sau ăng-ten GNSS ngắm qua ăng-ten về hướng chụp ảnh đã định, lấy ăng-ten làm tâm và đảm bảo thu được toàn cảnh các đối tượng phía sau ăng-ten về các hướng Bắc, Đông, Nam và Tây;

- Ảnh chụp đủ sáng, thể hiện rõ ràng các đối tượng;

- Lưu trữ ảnh dưới định dạng .JPG;

- Không chụp nhiều quá 5 tấm ảnh để mô tả vị trí lắp đặt ăng-ten quan trắc vệ tinh đối với mỗi khu vực khảo sát;

- Nguyên tắc đặt tên cho ảnh lưu trữ: GHI CHÚ TRẠM_HƯỚNG.JPG (Ví dụ ảnh chụp mô tả hạ tầng trạm AN NHƠN sẽ có tên như sau ANNHON_BAC.JPG ...);

- Ảnh phải được gắn trực tiếp vào báo cáo tổng hợp như hướng dẫn dưới đây.

Góc chụp gần toàn cảnh ăng- ten

Ảnh chụp thể hiện rõ ràng vị trí lắp đặt ăng-ten GNSS phục vụ quan trắc và thu số liệu vệ tinh với chân máy và ăng-ten GNSS là tâm của ảnh và được được dán trực tiếp vào đây

Góc chụp hướng Bắc

Ảnh chụp lấy ăng-ten GNSS làm tâm, thể hiện rõ ràng các đối tượng nằm phía sau ăng-ten GNSS về hướng Bắc.

Kèm theo ghi chú khoảng cách tới các công trình hay đối tượng điển hình xuất hiện phía sau ăng-ten. Ví dụ ghi chú “Nhà cao tầng, chiều cao 30 mét, khoảng cách từ ăng-ten 150 mét”

Ảnh được dán trực tiếp vào đây.

Góc chụp hướng Đông

Ảnh chụp lấy ăng-ten GNSS làm tâm, thể hiện rõ ràng các đối tượng nằm phía sau ăng-ten GNSS về hướng Đông.

Kèm theo ghi chú khoảng cách tới các công trình hay đối tượng điển hình xuất hiện phía sau ăng-ten. Ví dụ ghi chú “Nhà cao tầng, chiều cao 30 mét, khoảng cách từ ăng-ten 150 mét”

Ảnh được dán trực tiếp vào đây.

Góc chụp hướng Nam

Ảnh chụp lấy ăng-ten GNSS làm tâm, thể hiện rõ ràng các đối tượng nằm phía sau ăng-ten GNSS về hướng Nam.

Kèm theo ghi chú khoảng cách tới các công trình hay đối tượng điển hình xuất hiện phía sau ăng-ten. Ví dụ ghi chú “Nhà cao tầng, chiều cao 30 mét, khoảng cách từ ăng-ten 150 mét”

Ảnh được dán trực tiếp vào đây.

Góc chụp hướng Tây

Ảnh chụp lấy ăng-ten GNSS làm tâm, thể hiện rõ ràng các đối tượng nằm phía sau ăng-ten GNSS về hướng Tây.

Kèm theo ghi chú khoảng cách tới các công trình hay đối tượng điển hình xuất hiện phía sau ăng-ten. Ví dụ ghi chú “Nhà cao tầng, chiều cao 30 mét, khoảng cách từ ăng-ten 150 mét”

Ảnh được dán trực tiếp vào đây.

5. NHÓM TIÊU CHÍ VỀ ĐO ĐẠC KHẢO SÁT HIỆN TRẠNG

Để phục vụ cho việc lập hồ sơ thiết kế xây dựng trụ mốc ăng-ten tại khu vực khảo sát, đơn vị thực hiện nhiệm vụ khảo sát phải triển khai công tác khảo sát hiện trạng và đo vẽ mặt bằng chi tiết toàn bộ khu vực khuôn viên và lân cận khu vực triển khai. Công tác khảo sát hiện trạng và đo vẽ tuân thủ theo những quy định và hướng dẫn dưới đây.

Yêu cầu cơ bản công tác khảo sát hiện trạng và đo vẽ:

Quá trình khảo sát hiện trạng và đo vẽ cần đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật và các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản sau.

STT

Các chỉ tiêu quan trắc cơ bản

Giá trị

1

Tỷ lệ đo vẽ

1:500

2

Yêu cầu cơ bản

Thể hiện đúng hiện trạng tại thời điểm khảo sát và đo vẽ toàn bộ khu vực khuôn viên và liền kề.

Phải xác định được tất cả các đối tượng trong khuôn viên và liền kề, đặc biệt là các đối tượng có kích thước và chiều cao lớn.

Xác định chính xác vị trí của các đối tượng trên bản vẽ mặt bằng để thấy rõ mối tương quan giữa các đối tượng với nhau.

Phải xác định được độ cao của các đối tượng trong khuôn viên và liền kề, đặc biệt là các đối tượng có khả năng che khuất tầm quan sát vệ tinh của ăng-ten GNSS.

Phải thể hiện được các đối tượng đặc thù trong khu vực dưới dạng các mặt cắt ngang điển hình. Trên bản vẽ mặt bằng phải thể hiện rõ ràng và chi tiết các mặt cắt ngang điển hình này.

Dựa trên số liệu đo vẽ để tính toán và đề xuất độ cao tối ưu xây dựng cột trụ mốc lắp đặt ăng-ten CORS.

Bản vẽ mặt bằng hiện trạng sẽ sử dụng được cho đơn vị thiết kế phục vụ xây dựng trụ mốc ăng-ten GNSS sau này.

Bản vẽ dạng số có đơn vị đo trong hệ mét. Có khả năng đo xác định thông số mặt bằng trực tiếp.

Đảm bảo thông tin thể hiện trên bản vẽ là đầy đủ và chính xác nhất đúng thời điểm khảo sát đo vẽ. Có cơ sở để kiểm chứng khi có yêu cầu hoặc khi cần đo vẽ bổ sung mà không cần trực tiếp quay lại hiện trường khu vực khảo sát.

Yêu cầu sản phẩm giao nộp:

Sản phẩm giao nộp cuối cùng của hợp phần khảo sát hiện trạng và đo vẽ bao gồm.

STT

Mô tả sản phẩm giao nộp

Số lượng

1

Bản vẽ đen trắng mặt bằng khu vực khảo sát tỷ lệ 1:500

1

2

Tập tin bản vẽ mặt bằng ghi trên đĩa DVD

1

6. NHÓM TIÊU CHÍ VỀ THÔNG TIN ĐỊA CHẤT

Bao gồm các chỉ tiêu thông tin để xác định yếu tố địa chất, địa mạo và thổ nhưỡng tại vị trí cần xây dựng trụ mốc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục.

Khái quát đặc điểm địa chất khu vực cần khảo sát

Cần có báo cáo đánh giá khái quát về đặc điểm địa chất tại khu vực dự kiến xây dựng trụ mốc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục, trong đó cần đánh giá cụ thể đến các yếu tố sau:

- Về địa tầng;

- Về đặc điểm kiến tạo

Sử dụng bản đồ địa chất nơi dự kiến xây dựng mốc dán kèm

Ghi nhận những đặc điểm địa chất cơ bản

Cần có đánh giá ghi nhận những đặc điểm địa chất cơ bản của vị trí dự kiến xây dựng trụ mốc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục.

Độ sâu dự kiến tới tầng đất đá ổn định

Kết quả xác định độ sâu tới tầng đất đá ổn định, tính đến mét (m)

7. NHÓM TIÊU CHÍ VỀ ĐIỂM TỌA ĐỘ QUỐC GIA, ĐỘ CAO QUỐC GIA

7.1. Yêu cầu thống kê điểm tọa độ cấp 0

Các yêu cầu tìm điểm tọa độ

Việc thống kê điểm tọa độ thực hiện theo những tiêu chí cơ bản sau:

- Chỉ tìm các điểm tọa độ cấp 0;

- Thống kê toàn bộ các điểm tọa độ cấp 0 trên phạm vi toàn quốc.

Thông tin điểm tọa độ

Tên điểm

Ghi rõ tên điểm tọa độ cấp 0

Số hiệu

Ghi rõ số hiệu điểm tọa độ cấp 0

Tọa độ điểm

Ghi tọa độ tương đối của điểm tọa độ cấp 0 trên hệ VN-2000

Khoảng cách tới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Xác định khoảng cách tới trạm định vị vệ tinh quốc gia cần xây dựng (tương đối)

Mô tả vị trí

Mô tả trực quan vị trí của điểm điểm tọa độ cấp 0

Địa chỉ

Ghi rõ địa chỉ chi tiết của điểm điểm tọa độ cấp 0

7.2. Yêu cầu tìm điểm độ cao quốc gia hạng I, II

Các yêu cầu tìm điểm độ cao

Việc tìm điểm khống chế độ cao thực hiện theo những tiêu chí cơ bản sau:

- Chỉ tìm các điểm độ cao quốc gia hạng I, hạng II;

- Mỗi trạm trạm định vị vệ tinh quốc gia cần tìm 02 điểm độ cao;

- Hai điểm độ cao không được nằm về cùng một phía so với trạm;

- Khi tìm được điểm độ cao cần mô tả lại và chụp ảnh với người đi tìm đứng ngay bên cạnh mốc.

- Trường hợp không tìm thấy điểm khống chế độ cao nào trong khu vực cần nêu rõ lý do trong báo cáo.

Thông tin điểm độ cao

Tên điểm

Ghi rõ tên điểm khống chế độ cao

Cấp hạng

Ghi rõ điểm thuộc hạng I hay hạng II

Số hiệu

Ghi rõ số hiệu điểm độ cao

Tọa độ điểm

Ghi rõ tọa độ tương đối của điểm độ cao trên hệ VN- 2000

Khoảng cách tới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Xác định khoảng cách tới trạm (tương đối)

Mô tả vị trí

Mô tả trực quan vị trí của điểm độ cao

Địa chỉ

Ghi rõ địa chỉ chi tiết của điểm độ cao

Ảnh chụp điểm khống chế độ cao

Sau khi tìm được điểm độ cao, yêu cầu có người đứng trực tiếp trên mốc làm tiêu và chụp lại ảnh theo các tiêu chuẩn chụp ảnh chung trong những hướng dẫn chụp ảnh đã đề cập trong các phần trước và được dán trực tiếp vào đây.

8. NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU

Sau khi tổng hợp các tiêu chí khảo sát trong báo cáo tổng hợp cần đưa ra những nhận định ban đầu về khu vực khảo sát theo những tiêu chí dưới đây.

TT

Nội dung

Có/Không

Ghi chú & Giải thích

X

1

Chất lượng số liệu GNSS quan trắc tại vị trí có đáp ứng các tiêu chuẩn hay không?

Nhiễu đa đường và giao thoa tín hiệu là hai điểm cần đặc biệt lưu ý tại vị trí này.

2

Tầm nhìn, vật cản kích thước và chiều cao lớn có che khuất khả năng quan sát vệ tinh trên bầu trời hay không?

Nếu CÓ cần giải thích rõ các vật cản lớn xuất hiện trong khu vực

3

Các hoạt động kiến tạo, ngập lụt, trượt lở đất, xói mòn bề mặt có đe dọa đến sự tồn tại của trạm định vị vệ tinh quốc gia hay không?

Nếu CÓ cần giải thích rõ yếu tố gây ảnh hưởng.

4

Tất cả các yếu tố hạ tầng như giao thông, cấp điện, kết nối mạng, đảm bảo an ninh an toàn thiết bị, nguồn lực địa phương, nguyên vật liệu xây dựng ... có đáp ứng cho việc xây dựng và duy trì hoạt động của trạm định vị vệ tinh quốc gia hay không?

Nếu KHÔNG cần giải thích rõ những lý do cơ bản không đáp ứng

5

Tổng hợp phân tích các yếu tố đơn vị khảo sát có đề xuất chiều cao xây dựng cột trụ mốc ăng-ten hay không?

Nếu CỐ chỉ rõ chiều cao cột trụ mốc ăng-ten phù hợp với vị trí khảo sát.

Kết luận tổng hợp

Có/Không

Ghi chú & Giải thích

X

Địa điểm khảo sát có phải là lựa chọn tốt để xây dựng trạm định vị vệ tinh quốc gia hay không?

Nếu CÓ thì cần lưu ý những điểm gì.

Nếu KHÔNG nêu các lý do cơ bản.

Lưu ý liên quan tới triển khai xây dựng trụ mốc ăng-ten:

Dựa trên những số liệu và kết quả khảo sát nghiên cứu trực tiếp trên thực địa đơn vị thực hiện nhiệm vụ khảo sát đưa ra những lưu ý trong quá trình triển khai xây dựng trụ mốc ăng-ten cơ bản như sau:

- Lý do lựa chọn vị trí đề xuất trên bản vẽ, những điểm thuận lợi tại vị trí này;

- Nếu xây dựng ở vị trí khác với vị trí đơn vị khảo sát đề xuất thì sẽ gặp những khó khăn gì;

- Những khuyến nghị khác để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thi công xây dựng.

9. BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ KHẢO SÁT

Sau khi hoàn tất các hạng mục và tiêu chí khảo sát nêu trên, các bên tham gia trên thực địa cần tiến hành lập biên bản xác nhận đã thực hiện công tác khảo sát tại khu vực với sự tham gia của các bên liên quan. Yêu cầu hoàn tất biên bản này ngay tại chỗ sau khi kết thúc công tác khảo sát.

Biên bản xác nhận hoàn tất công tác khảo sát trên thực địa gồm những nội dung cơ bản như sau:

- Thời gian bắt đầu và kết thúc nhiệm vụ khảo sát thực địa;

- Thành phần của đoàn khảo sát thực địa (bao gồm đại diện đơn vị thực hiện khảo sát và đại diện cơ quan/tổ chức nơi thực hiện khảo sát);

- Tổng hợp các nội dung đã khảo sát theo các tiêu chí trên;

- Vị trí dự kiến xây dựng cột trụ mốc trạm định vị vệ tinh quốc gia trong khuôn viên khu vực khảo sát được thể hiện bằng ảnh chụp;

- Trích sử dụng 05 bức ảnh chụp vị trí lắp đặt ăng-ten GNSS trong quá trình quan trắc và thu số liệu 24 giờ;

- Các đặc điểm đặc thù khác tại mỗi khu vực khảo sát cần phải được ghi nhận cụ thể trong báo cáo;

- Chữ ký và xác nhận của các bên tham gia khảo sát (ký tên và đóng dấu nếu có).

10. THÔNG TIN CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA KHẢO SÁT

Đơn vị khảo sát thực địa và lập báo cáo

Tên đơn vị

Họ và tên cán bộ kỹ thuật tham gia

Chữ ký của các thành viên

Thời gian khảo sát thực địa

Thời gian lập báo cáo

PHỤ LỤC 03

BỘ GIÁ GẮN ĂNG-TEN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PHỤ LỤC 04

QUY CÁCH DẤU MỐC ĐỘ CAO GẮN VÀO TRỤ MỐC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Dấu mốc độ cao quốc gia sử dụng để gắn vào trụ mốc phải được làm bằng vật liệu inox 304 nguyên khối, với hình dáng và kích thước như trong hình vẽ.

PHỤ LỤC 05

QUY CÁCH TRỤ MỐC TRẠM THAM CHIẾU CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG LIÊN TỤC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PHỤ LỤC 06

QUY CÁCH TRỤ MỐC TRẠM THAM CHIẾU HOẠT ĐỘNG LIÊN TỤC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

a) Đối với mốc chôn dưới đất

b) Đối với mốc gắn trên các công trình xây dựng (sàn bê tông)

PHỤ LỤC 07

TỦ THIẾT BỊ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT Ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PHỤ LỤC 08

NHÀ ĐẶT TỦ THIẾT BỊ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT Ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

NHÀ ĐẶT TỦ THIẾT BỊ (Tiếp theo)

PHỤ LỤC 09

PHẠM VI CUNG CẤP DỊCH VỤ ĐO ĐỘNG THỜI GIAN THỰC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PHỤ LỤC 10

PHẠM VI KHU VỰC PHỦ TRÙM MÔ HÌNH GEOID TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM DO BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

MINISTRY OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 03/2020/TT-BTNMT

Hanoi, May 29, 2020

 

CIRCULAR

TECHNICAL REGULATIONS ON NATIONAL SATELLITE NAVIGATION NETWORK

Pursuant to Law on Surveying and Mapping dated June 14, 2018;

Pursuant to Decree No. 27/2019/ND-CP dated March 13, 2019 of Government on elaborating to Law on Surveying and Mapping;

Pursuant to Decree No. 36/2017/ND-CP dated April 4, 2017 of the Government administering functions, tasks, powers, and organizational structure of Ministry of Natural Resources and Environment;

At the request of Director General of Mapping, Survey and Geographic information Agency, Director General of Department of Science and Technology and Director General of Department of Legal Affairs;

Minister of Natural Resources and Environment promulgates Circular on technical regulations on national satellite navigation network.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope

This Circular prescribes technical requirements for national satellite navigations in survey and mapping.

Article 2. Regulated entities

This Circular applies to regulatory authorities, organizations and individuals involved in developing national satellite navigation network; provision and use of national satellite navigation network in survey and mapping.

Article 3. Definitions and abbreviations

1. Term interpretation

a) Real-time kinematic (RTK) service provided by national satellite navigation network: refers to a service capable of providing data corrections processed by at least 3 national satellite navigation stations to serve survey and mapping with accuracy in cm in real time;

b) Data Sampling: refers to a period of time (in second) during which the measurement is recorded in memory of the reception apparatus;

c) Antenna mount: refers to an accessory to install the antenna fixed to the base section, capable of stabilizing and allowing adjustment of direction of the antenna, usually premade according to international standards;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Abbreviations

a) GNSS: Global navigation satellite system;

b) GPS: Global positioning system developed by the US;

c) GLONASS: Global navigation satellite system developed by Russia;

d) GALILEO: Global navigation satellite system developed by the EU and operated by the European Space Agency;

dd) BDS (BeiDou Navigation Satellite System): Global navigation satellite system developed by China;

e) (Quasi-Zenith Satellite System): Navigation satellite system developed by Japan operating mainly in Asia – Australia;

g) IRNSS (Indian Regional Navigation Satellite System): Regional navigation satellite system developed by Indian Space Research Organisation;

h) IGS (International GNSS Service): International organizations providing services related to the GNSS system;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

k) RINEX (Receiver Independent Exchange forma): Standard GNSS data following ASCII data format to facilitate processing independent of reception apparatus or software;

l) VRS: Virtual reference station;

m) MAC: Master-Auxiliary concept;

n) MAX: Correction service utilizing MAC technology solution;

o) i-MAX: Correction service utilizing MAC technology solution corrections;

p) Single Base: Correction service utilizing single base technology solution;

q) RTCM (Radio Technical Commission for Maritime services): Standard data structure for correction transmission developed by the Radio technical commission for maritime services;

r) DVR (Digital video recorder): An electronic device capable of receiving signals from digital camera for processing and recording images in real time;

s) FTTH (Fiber to the Home): Simple cable connection solution transmitting directly from network providers to households or organizations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

u) LAN (Local Area Network): refers to a network system for connecting computers in a small scale.

Article 4. General regulations on national satellite navigation network

1. The national satellite navigation network consists of national satellite navigation stations and central control and processing center connected via internet to ensure continuous and stable date receipt.

2. The central control and processing center consists of data center and operating rooms connected with each other via LAN capable of processing, calculating and providing services serving survey, mapping, highly accurate navigation and scientific research.

3. The national satellite navigation network is developed simultaneously and nationwide in VN-2000 national coordinate system, national altitude system; calculated by determining coordinate regularly and continuously on a daily basis in the ITRF; with gravity value and fluctuation of gravity value determined once every 10 years.

4. Geoid model serving determination of orthometric height is the Geoid model developed conforming to Vietnam territory and publicized by Ministry of Natural Resources and Environment at the same time as providing services of the national satellite navigation network.  Orthometric height (h) = H – N (in which H refers to ellipsoid height, N refers Geoid deducted from the aforementioned Geoid model).

5. Some coastal national satellite navigation stations must be connected with the nearest oceanography stations to monitor sea level to service establishment of national altitude systems, improve the Geoid model and monitor rise of sea level.

6. The national satellite navigation network must be able to be expanded and upgraded to satisfy use demand and compatibility with technical and technology infrastructure of currently active satellite navigation systems around the world.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 5. Overall design of national satellite navigation station

1. National satellite navigation station consisting of 2 types designed according to use purposes as follows:

a) Continuous operating reference stations: distributed evenly nationwide, with average distance between stations of 150 km – 200 km, used as the national coordinate reference, scientific research and serving survey and mapping.   Positions of 24 constructed continuous operating reference stations 999re displayed under Annex 1 of this Circular, from 1 to 3 stations among which participate in the IGS network;

b) Continuous operating stations: positioned in between continuous operating reference stations with average distance between stations of 50 km – 70 km, this distance may be increased up to 100 km.  Continuous operating stations combine with the continuous operating reference stations to create national satellite navigation network capable of providing navigation services in real time with accuracy in cm and meeting most of accuracy requirements in survey and mapping.

2. The design process must prioritize installation in areas already equipped with infrastructure such as natural resource and environment monitor facilities, local agencies specialized in natural resource and environment and People’s Committees of all levels to reduce expenditure on investment and operation while ensuring data stability and security. 

3. At the end of the preliminary design process, display general positions of all national satellite navigation stations on a 1:1,000,000 nation topographic map. Specific position of each station must be displayed on a 1:50,000 national topographic map or larger to serve as the basis for survey and choosing station location.

1. Name of a national satellite navigation stations must include a full name and an abbreviated name. The full name shall be the location of the station. The abbreviated name consists of 4 letters abbreviated from the full name satisfactory to following requirements:

a) Distinguishable from the full name; and

b) Not repeating other names in the national satellite navigation network; and

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Number of a national satellite navigation station consists of: the first 2 letters are country code, the next 4 letters are abbreviated name of the station, the next 3 letters are order of the station within the national satellite navigation network in which the continuous operating reference stations shall be numbered from 001 to 039 and continuous operating stations shall be number from 040. Number of each national satellite navigation station must be idiosyncratic within the national satellite navigation network.

Article 7. Survey and selection of location of national satellite navigation station

1. On the basis of results of preliminary design of national satellite navigation stations performed as specified in Article 5 of this Circular, conduct physical survey at estimated station location. The survey aims to collect following information:

a) Criteria regarding basic information, including information on natural geography, characteristics, climate, traffic, socio-economic conditions, local security, etc.;

b) Criteria regarding environment and scenery including information on whether surroundings of the estimation station location influence satellite signal receipt quality;

c) Criteria regarding infrastructure including available information on local infrastructure as well as other information serving installation and placement of equipment;

d) Criteria regarding GNSS satellite: collect data directly by GNSS reception apparatus in at least 24 hours at estimated calibrating gauge with specifications established on the reception apparatus similar to official operation to analyze and assess satellite signal receipt quality on monitored frequency; assess interference, obstruction and reduction of signal of each satellite in a day; assess impact of other radio signals in the area;

dd) Criteria regarding measurement and survey of current conditions: directly me33sure the premises of the areas, pay special attention to objects with great height that potentially affects ability to receive signals of the reception apparatus;

e) Criteria regarding national coordinate and national altitude, including examining presence and usability of coordinates, altitude and gravity in the areas to serve measurement and connection;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Details for each criteria specified in Points a, b, c, d, dd, e and g of this Clause are specified in Annex 2 of this Circular. At the end of the survey, entities conducting the survey must produce survey final reports with confirmation of participating parties.

2. On the basis of preliminary design combining with survey for selecting location for nation satellite navigation stations, produce official design. The official design must display all basic information of the station namely: name, number, approximate coordinate, distance to neighboring stations; symbols used in design must be clear and consistent. Official design must be submitted in physical form and digital form.

Article 8. Construction of base section of national satellite navigation stations

1. Base section of a national satellite navigation station must be constructed on stable and spacious ground with 170o view to the sky from the antenna position.  Do not place metal plating, trees with broad canopy, metal fences, etc. within 2 meters of the base section to minimize multipath interference.

2. The base section shall be made of reinforced concrete with grade M25 concrete (according to 39 TCVN 6025:1995) or higher. The base section shall be in form of a cylinder, 0.3 m in radius, height from the base to antenna placement position is 4 meters. Special cases are prescribed as follows:

a) In case of surrounding structures affecting signal receipt, may raise height of the base section by no more than 8 meters;

b) In case a base section is positioned on other structures, may lower height of the base section to no lower than 2 meters compared to roof of said structures.

3. An antenna mount shall be attached to the top of the base section. The antenna mount must be installed fixed to base section, processed with stainless steel and capable of performing following functions: tightening the antenna, returning the antenna to flat surface and adjusting the antenna orientation (consult Annex 3 of this Circular).

4. Mark 2 altitude marks at the bottom of the base section, one of which is above the base section and the other is below ground level. In case of base sections installed on other structures, place only 1 altitude mark. Determine vertical distance between the altitude mark and antenna reference point (ARP) with accuracy of less than 2mm. Display of altitude mark shall comply with Annex 4 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Base sections of continuous operating reference stations shall be constructed above the ground or on ancient architectural structures. Regulations on continuous operating stations shall comply with Annex 6 of this Circular.

Article 9. Satellite signal receptor of national satellite navigation stations

1. antenna receiving satellite signals shall be installed on top of the base section via the antenna mount, returned to flat surface; the antenna must face true north with deviation no more than ±5o, if exceeding 5o, record the specific value in diary. antennas must meet following basic requirements:

a) Use antennas with choke rings, capable of receiving all signals (frequencies) available from satellite navigation systems at the time of installation such as: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS, QZSS; encourage using antennas capable of receiving signals that are not transmitted by only planed to be transmitted from aforementioned satellite navigation systems or new satellite navigation systems such as the IRNSS;

b) Antenna’s name must be included in list of antenna whose phase center receives absolute calibration by the IGS;

c) Antennas must endure humidity up to 100 %; dust and water resistance standards must be at least IP67 according to stanrd3s of the International Electrotechnichal Committee (IEC);

d) Antennas must be able to operate in temperature ranging from -10oC +70oC;

dd) Base continuous operating reference stations must use antennas with choke rings made from Dorne-Margolin materials which are recommended for other stations;

e) Only use hemispherical protective covering for antennas, do not use conical protective covering;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Satellite signal receivers must be placed in dry and spacious areas and ensured regarding continuous operation. Receivers must meet following basic requirements:

a) Capable of receiving all available signals from satellite navigation systems at the time of installation such as: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS, QZSS;

b) Have no less than 555 channels, at least 12 of which must be assigned to each frequency from ach aforementioned satellite navigation systems;

c) Capable of searching and receiving signals from satellites in mask angle of <10o and eliminating multipath interference;

d) Capable of receiving signals with data sampling of 1 second or less, extracting data via current versions of RTCM such as 2.x/3.x, extracting data via CRM, CMR+, NMEA-0183, etc. and supporting Ntrip, TCP/IP and FTP;

dd) Have at least 2 power supply, support connecting directly with meteorology sensors and inclinometer;

e) Have all basic ports such as RJ-45, USB, 3G/4G/5G, RS-232;

g) Dust and water resistance standards must be at least IP67 according to stanrd3s of the International Electrotechnichal Committee (IEC);

h) Capable of operating in temperature ranging from -10oC +65oC;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

k) Signal cable from receivers to antennas must not exceed 70 meters. If necessary, measure and assess signal quality prior to official installation. With respect to areas with high lightning density, set the distance from the receivers to antennas as short as possible;

l) Connection between antennas and receivers must be placed in industrial PVC or HDPE pipes and buried underground level, if necessary, may design exposed transmission with firm shelves and do not leave the lines too tensed. Whichever end connects to the antenn3 must be watertight, especially when installed in coastal areas to prevent corrosion and rust;

m) Receivers are installed to receive signal 24 hours continuously from all visible satellite with data sampling of 1 second; mask angle in receivers is 0o;

3. Receivers of satellite navigation signal and other auxiliary equipment must be placed in equipment cabinet with ventilation fans that are automatically turned on/off via thermo sensor relays to reduce temperature in cabinet (design of the cabinet is illustrated under Annex 7 of this Circular).

4. The equipment cabinet must be placed in indoors, in special cases in which distance from rooms to base section of the antennas is too great or no more space for placement in the rooms, the cabinet may be placed outdoors. With respect to areas with unfavorable weather conditions namely high temperature, high annual precipitation or poor security, when placing equipment cabinet outdoors, construct buildings to ensure safety of the cabinet (design of buildings is illustrated under Annex 8 of this Circular).

Article 10. Meteorological sensors

1. In case meteorological sensors are integrated in national satellite navigation stations to serve scientific research, improve calculation and research weather model, the installed sensors must be specialized equipment; all meteorological sensors must be inspected in terms of technical requirement satisfaction prior to installation.

2. Meteorological sensors must be installed near antennas receiving satellite navigation signals but must not interfere signal receipt or cause any interference; must determine vertical distance from antenna reference point (ARP) to atmospheric pressure sensors of meteorological sensors with less than 1 cm in accuracy.

3. Basic requirements of meteorological sensors:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Accuracy when measuring relative humidity: ≤ ±2%;

c) Accuracy when measuring temperature: ≤ ±0.1oC;

d) Antennas must be able to operate in temperature ranging from -10oC +60oC;

4. During operation, regularly examine all sensors, especially temperature sensors and take immediate measures to repair or replace. Examination, maintenance, repair and replacement shall comply with Article 7, Article 8 and Article 9 of Circular No. 70/2015/TT-BTNMT dated December 23, 2015 of Ministry of Natural Resources and Environment on technical regulations for automatic meteorology and hydrology stations.

Article 11. Power supply

1. Each satellite navigation station must have 2 power supplies: a main power supply and a backup power supply. In which, the main power supply shall be powered by the national power grid while the backup power supply is powered by UPS system, rechargeable battery, etc. to maintain continuous operation of equipment of the station for at least 48 hours. In areas with high annual daytime hours, the backup power supply can be the solar panel system.

2. Powering equipment of the national satellite navigation station must be managed by distributor capable of automatically switching between the main power supply and the backup power supply.

3. all electrical components must be equipped with surge protectors to ensure safety for the whole system.

Article 12. Data transmission solution

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. In addition to primary internet connection which is FTTH cable (or Leased line), each national satellite navigation station must have a backup internet connection which is FTTH cable of an internet service provider other than the internet service provider providing the primary internet connection or use 3G/4G/5G connection solution in areas with stable 3G/4G/5G signal. Each FTTH connection must be provide with a static IP address to ensure stable data transmission.

3. Central control and processing stations must be equipped with 2 internet connections which are FTTH cable (or Leased Line) provided by 2 different internet service providers. Each internet connection shall be provided with at least 1 static IP address. Both connections must have adequate bandwidth to receive data transmitted from satellite navigation stations and provide services for users continuous and uninterrupted.

4. In order to guarantee quality of providing re33l-time kinematic services, average permissible latency for transmitting data from satellite navigation stations to central control and processing stations is <50ms for FTTH (or Leased Line) connection and <100ms for 3G/4G/5G connection.

Article 13. Lightning protection

1. Direct lightning protection system is designed to ensure safety for equipment in the national satellite navigation stations. Install earth electrodes satisfactory to Circular No. 26/2016/TT-BTTTT dated December 7, 2016 of Ministry of Information and Communications attached to National Technical Regulation on earthing of telecommunication stations.

2. Equipment potentially struck by lightning must be equipped with lightning dissipators and surge protection devices consisting of: power supply, conductor connecting antennas with satellite signal receivers, conductor connecting meteorological sensors with satellite signal receivers (if any).

Chapter III

CALIBRATION IN NATIONAL SATELLITE NAVIGATION NETWORK

Article 14. Calibrating and determining VN-2000 coordinates of national satellite navigation network

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. GNSS receivers positioned in level 0 national coordinates must be multifrequency receivers which must be able to receive at least L1/L2 signals from GPS and GLONASS systems; period of simultaneous and continuous monitor must not be less than 24 hours, starting from 7 a.m (Vietnam time); data sampling is 15 seconds; utilizing static measurement method with mask angle of 10o. Receivers installed in national satellite navigation stations must be configured as specified in Point m Clause 2 Article 9 of this Circular.

3. Calculation and processing shall be performed by common GNSS processing software; during calculation and processing of baselines, must use final orbit to calculate. Variance of point positions after adjustment calculation must not exceed 2cm.  Calculation process shall comply with Circular No. 06/2009/TT-BTNMT dated June 18, 2009 of Ministry of Natural Resources and Environment attaching Technical Regulations on developing national coordinate network.

Article 15. Calibrating and determining altitude of national satellite navigation stations

1. Establish independent altitude grids to determine altitude of points in national navigation network. Design single grid, each of which must utilize at least 2 points in high-level national leveling network in the areas as starting points. Designing, calibrating and calculating altitude shall comply with Decision No. 11/2008/QD-BTNMT dated December 18, 2008 of Ministry of Natural Resources and Environment attached to National Technical Regulations on development of leveling grid.

2. For points affiliated to base continuous operating reference stations: designing, calibrating and calculating shall be performed 999ccording to second-degree elevation measurement procedures. National altitude points serving as starting points must be second-degree and third-degree altitude points. Closure between 2 measurements and between 2 high category points must not exceed ±4√L for plains and ±5√L for mountainous regions (L refers to length of the measured space in km).

3. For points affiliated to continuous operating reference stations: designing, calibrating and calculating shall be performed 999ccording to third-degree elevation measurement procedures. National altitude points serving as starting points must be first-degree, second-degree and third-degree altitude points. Closure between 2 measurements and between 2 high category points must not exceed ±10√L for plains and ±12√L for mountainous regions (L refers to length of the measured space in km).

4. Calibrating and determining altitude of national navigation stations must be performed for all points as specified in Clause 4 Article 8 of this Circular. Vertical difference in the middle of altitude mark and ARP is determined by specialized steel rule or measuring instruments with equivalent accuracy and separately recorded from orthometric readings.

Article 16. Calibrating and determining gravitational value of national satellite navigation stations

1. On the basis of base gravitational points and first-degree gravitational points in measured areas, design measuring grids connected to national satellite navigation network with accuracy of second-degree gravity according to relative gravity measurement method. Each grid must utilize at least 2 points in high-level national gravity network in the areas as starting points.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Use gravity measuring devices with accuracy of at least 0.03 mGal to determine gravitational value for national satellite navigation network.

Article 17. Connecting national satellite navigation network with the ITRF

1. The national satellite navigation network shall be connected with the ITRF via stations affiliated to network of international GNSS service providers, IGS in the area. All points in the national navigation network shall be processed and calculated on a regular and daily basis in ITRF with accuracy of ≤ 2mm.

2. Use GNSS data from at least 5 stations within the IGS network, prioritize stations with stable data and stations that have been constructed not recently and other figures relating to stations according to recommendation of the IGS.

3. Use software with high accuracy namely Bernese, GAMIT/GLOBK, etc. to do the calculation. During the calculation process, in addition to GNSS value, use other related data to increase accuracy such as: figures regarding post-inspected antennas of IGS, accurate satellite schedules, rotation of the Earth’s poles, updated models of tidal impact, model of troposphere, model of ionosphere, etc.

4. Calculation shall be performed on a daily basis, starting from 12 a.m (UTC time); use GNSS data with data sampling of 30 seconds for calculation. The generated results shall serve as the basis for determining platform displacement, vertical displacement, developing frame of reference and national dynamic coordinate systems and determining transformation parameter for transforming between VN-2000 national coordinate system and ITRF.

Chapter IV

CENTRAL CONTROL AND PROCESSING STATION

Article 18. Central control and processing station

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Central control and processing station must be capable of receiving data continuously from national satellit3 navigation stations; calculate, process and provide services for users promptly 24 hours/7 days.

3. Central control and processing station must be capable of processing and calculating coordinates of points of national satellite navigation network within the ITRF with accuracy in mm.

4. Central control and processing station must be capable of providing real-time kinematic services with high accuracy for users rapidly, precisely and promptly via the internet.

5. Central control and processing station must b3 capable of conducting post-processing with respect to GNSS values offline.

6. Central control and processing station must be capable of controlling, establishing configuration and monitoring oper33tion of national satellite navigation stations regularly, continuously and remotely via the internet.

7. Central control and processing station must be capable of monitoring operation of GNSS measuring instruments utilizing real-time kinematic service.

8. Central control and processing station must be capable of managing accounts that have and are using services provided by the national satellite navigation network.

9. Central control and processing station must assist calculating figures related to atmospheric layers based on GNSS data combining with data from meteorological sensors at national satellite navigation stations.

10. Central control and processing station must b3 capable of storing GNSS data collected from national satellite navigation stations in RINEX V2.x,V3.x format. Storage period is prescribed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) At least 20 years for data with data sampling of 15 seconds (except for special request);

c) At least 10 years for data with data sampling of 1 seconds;

d) Permanent for calculation results related to developing national frame of reference and coordinate system.

11. Central control and processing station must have multi-layer security to ensure safety and assurance for data of national satellite navigation network and users.

12. Central control and processing station must be capable of backing up data automatically on a periodic basis to ensure data safety.

Article 19. Data center

1. Data centers must be powered by stable and quality national electrical grid with 3 phases and backup power generator to provide adequate power in case of power shortage.

2. High capacity uninterruptible power supply (UPS) to sustain the entire equipment system of the center including servers, air conditioners, auxiliary devices, etc. in at least 30 minutes, backup power generators and UPS are recommended to be set 1+1.

3. Data centers must be cooled by air conditioning systems which operate in turns, continuously and are capable of controlling temperature with accuracy of ±1oC and humidity with accuracy of ±5%. 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Data centers must be installed with fire alarm systems capable of detecting smoke early, warning automatically and suppressing fire automatically.

6. Data centers must have surveillance camera system connected with the DVR to monitor situations inside and outside of the data centers regularly and continuously.

7. Data centers must have server systems powerful enough taking into account backup element, switching system operating parallel with optimal backup mechanism.  Cable systems must be organized, flexible and reusable. All cabins, racks, panels and cables must be labeled in a memorable and expandable fashion.

Chapter V

PROVISION AND USE OF SERVICES OF NATIONAL SATELLITE NAVIGATION NETWORK

Article 20. Services provided by national satellite navigation network

1. Providing GNSS data with respect to data type with data sampling of 30 seconds, 15 seconds and 1 second in RINEX format serving post-processing in period specified in Clause 10 Article 18 of this Circular.

2. Providing GNSS network calculation and processing services with accuracy of mm in the ITRF.

3. Providing GNSS value processing and calculation services for users online on personal request.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Services provided by the national satellite navigation network used in survey and creation of topographic maps; development and update of national geological database; survey and creation of cadastral maps; scientific research and other survey, mapping activities. 

Article 21. Using real-time kinematic services

1. Mobile GNSS measuring instruments utilizing real-time kinematic services must satisfy following basic requirements:

a) Mobile multiband GNSS measuring instruments, capable of receiving all signals from popular satellite navigation systems such as: GPS, GLONASS, GALILEO, BDS;

b) Capable3 of establishing connection via Ntrip protocol and receiving RTCM v3.x data corrections with message packets from 1021 – 1027;

c) Receiving signals from satellite navigation systems in clear weather condition.

3. Accuracy of real-time kinematic services provided by the national satellite navigation network is specified in schedule below:

Correction method

Absolute horizontal accuracy

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Area with k≤80km

Area with k>80km

Plain regions

Mountainous region

VRS, MAX, iMAX

3cm ÷ 5cm

4cm ÷ 7cm

<10cm

< 17cm

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(apply if S ≤ 25 km)

< 5 cm

In which:

- “k” refers to distance between processing satellite navigation stations within the network to provide real-time kinematic services.  Specific ra3nge of areas until December 31, 2019 is specified under Annex 09 attached hereto.

- “S” refers to distance from mobile satellite signal receivers to fixed satellite navigation stations used for corrections.

- Area covering Geoid model of Ministry of Natural Resources and Environment is specified under Annex 10 attached hereto.

Chapter VI

IMPLEMENTATION

Article 22. Entry into force

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 23. Implementation

1. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, People’s Committees of provinces and central-affiliated cities and relevant organizations, individuals are responsible for the implementation of this Circular./.

2. Difficulties that arise during implementation should be reported promptly to Ministry of Natural Resources and Environment./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Thi Phuong Hoa

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 03/2020/TT-BTNMT ngày 29/05/2020 quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.603

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.182.26
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!