VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 232/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 06 năm 2018
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỚI PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ
ĐỨC ĐAM VÀ MỘT SỐ THÀNH VIÊN ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VỀ
XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ
Ngày 14 tháng 5 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ Mai Tiến Dũng, Lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ,
Tài chính, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp: Bưu chính Viễn thông Việt Nam,
Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Công ty cổ phần FPT và một số đơn vị có liên
quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Tài
chính.
Sau khi nghe Báo cáo của Văn phòng Chính phủ về
kinh nghiệm của Malaysia, Cộng hòa Pháp và Estonia về quản lý hành chính công
và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, ý kiến phát biểu của các đại biểu
tham dự cuộc họp và ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:
1. Đánh giá cao tinh thần làm việc
của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội đồng Tư vấn cải
cách thủ tục hành chính, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp -
Viễn thông quân đội, FPT về những đề xuất mạnh mẽ để Việt Nam có những thay đổi
trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Có thể khẳng định, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa
phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền
tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như xây dựng và đưa vào vận
hành một số cơ sở dữ liệu như Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp,
Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; đã cung cấp một số dịch vụ công
trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như đăng ký doanh nghiệp, kê
khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội...; một số Bộ, ngành đã
xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng: tại một số địa phương, hệ thống
thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và
trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của
Việt Nam cũng được nâng cao. Tuy nhiên, có thể thấy còn nhiều nội dung triển
khai Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi, như còn thiếu các văn bản làm cơ
sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng
dụng công nghệ thông tin; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm;
các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có phần mềm kết nối, chia sẻ dữ
liệu giữa các hệ thống thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất
thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng
tính thủ công, giấy tờ. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là do các cấp, các
ngành chưa xác định rõ được lộ trình và các mục tiêu cụ thể để triển khai. Bên
cạnh đó, một số bộ, ngành địa phương còn coi nhẹ việc đưa các ứng dụng công nghệ
thông tin vào công tác quản lý, điều hành, chưa coi đây là nhiệm vụ của người đứng
đầu; việc triển khai mang nặng tính hình thức; thói quen thủ công, giấy tờ chưa
được khắc phục...
2. Để việc triển khai Chính phủ điện
tử hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhận
thức đây là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải
cách, đặc biệt là cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công, phát
triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi
trường đầu tư kinh doanh. Từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ,
ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động,
thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải
“nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả
lớn”. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính
với ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó công nghệ thông
tin là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách.
3. Trong thời gian tới, cần tập
trung thực hiện ngay vào những việc sau đây:
a) Thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin do Thủ
tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính
phủ điện tử; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký giúp
Chủ tịch Ủy ban theo dõi, đôn đốc, điều phối hoạt động của Ủy ban. Văn phòng
Chính phủ là cơ quan đầu mối xây dựng Chính phủ điện tử. Định kỳ hàng quý báo
cáo Chính phủ về kết quả thực hiện.
Ủy ban có Tổ công tác giúp việc kiêm nhiệm, gồm đại
diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu
Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, các chuyên gia Chính phủ điện tử
trong nước và quốc tế đến từ các Tập đoàn nhà nước và khối tư nhân. Cục Kiểm
soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ là đơn vị thường trực của Tổ công
tác.
Giao Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định thành lập
và Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trình Thủ tướng
Chính phủ trong tháng 6 năm 2018.
b) Giao Văn phòng Chính phủ:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông, các Bộ ngành có liên quan xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; trình Ủy
ban quốc gia về Chính phủ điện tử cho ý kiến hoàn thiện và trình Chính phủ dự
thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện
tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 tại phiên họp thường kỳ Chính
phủ tháng 6 năm 2018.
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển
khai Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết
thủ tục hành chính trong tháng 6 năm 2018, trong đó chú trọng giải pháp Cổng dịch
vụ công quốc gia kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các Bộ,
ngành, địa phương để tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng
cung cấp và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công cho công dân, doanh nghiệp.
- Nghiên cứu, xây dựng Đề án về giải pháp kết nối,
chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm tính khoa học cả về
hành chính quản lý và công nghệ chia sẻ, kết nối, trình Thủ tướng Chính phủ
trong tháng 11 năm 2018.
- Nghiên cứu, xây dựng Đề án thiết lập Hệ thống
thông tin Chính phủ không giấy tờ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính; trình Thủ
tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2018.
- Nghiên cứu, xây dựng Đề án thiết lập Hệ thống
thông tin điện tử về tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để cung
cấp đầy đủ các thông tin giúp người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ra quyết
định kịp thời, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2018.
- Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chế độ báo
cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước trong tháng 12 năm 2018; thiết lập Hệ
thống thông tin báo cáo quốc gia để cung cấp kịp thời thông tin phục vụ công
tác chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách, bảo đảm tiết kiệm nguồn lực.
- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các
cơ quan có liên quan của Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn lực phù hợp và hỗ
trợ kỹ thuật trong triển khai các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.
c) Giao Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ
ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số
80/2014/QĐ-TTg để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư công
nghệ thông tin và thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử;
- Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Chính phủ điện
tử được giao tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
- Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới (phiên bản
2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận Cuộc cách mạng Công nghiệp lần
thứ tư (CMCN 4.0), đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ
trong giai đoạn mới.
- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây
dựng các nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin
giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019;
d) Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư
pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có
liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Chính
phủ trong năm 2019.
đ) Các Bộ, ngành đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện
các cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ thông tin, trong đó chú trọng Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư.
e) Các Bộ, ngành, địa phương:
- Thúc đẩy mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công trực
tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP.
- Chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ
Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Nội vụ đẩy mạnh việc gửi,
nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Văn phòng Chính phủ và các Bộ,
ngành phải là những cơ quan đi đầu trong thực hiện giải pháp "không giấy tờ".
g) Đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp
công nghệ thông tin, đề nghị các doanh nghiệp cử một số chuyên gia giỏi, nhiều
kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử đến làm việc theo chế độ biệt phái tại
Văn phòng Chính phủ để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai những nhiệm vụ
Chính phủ điện tử được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTgCP (để
b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ban Thường trực UBTWMTTQVN;
- TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- Các doanh nghiệp: VNPT, Viettel, FPT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTgCP, các Vụ: PL, TH, KGVX, QHĐP, Cổng
TTĐTCP;
- Lưu: VT, KSTT (2).TM
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|