ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
----------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3016/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 27 tháng 11 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG THÔNG QUA DỮ LIỆU TẠI
TRUNG TÂM GIÁM SÁT, ĐIỀU HÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng
11 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP
ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số
24/2017/TT-BTNMT ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế phối hợp giám sát môi trường thông qua dữ liệu tại Trung tâm
Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Báo TTH, Đài TRT;
- VP: CVP và các PCVP;
- Lưu: VT, CN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG THÔNG QUA DỮ LIỆU TẠI TRUNG TÂM GIÁM SÁT, ĐIỀU HÀNH ĐÔ THỊ
THÔNG MINH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3016/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định nguyên
tắc, quy trình và trách nhiệm phối hợp giám sát môi trường thông qua dữ liệu tại
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh;
c) Chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ
thống, thiết bị quan trắc môi trường tự động, liên tục theo quy định tại Nghị định
38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu được
sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về
sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi
hành Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Chủ nguồn thải)
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. Quan trắc môi trường tự động, liên tục: Là quá
trình đo đạc chỉ tiêu của các thành phần môi trường một cách liên tục, tự động
nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi
trường, đánh giá chất lượng nước thải, khí thải ra môi trường.
2. Hệ thống quan trắc tự động, liên tục: Là hệ thống
mở, bao gồm các Trạm cơ sở, Trạm trung tâm và các đường truyền dữ liệu.
3. Trạm trung tâm: Là nơi tiếp nhận, xử lý thông
tin, dữ liệu từ các Trạm cơ sở cung cấp; giám sát, hỗ trợ hoạt động cho các Trạm
cơ sở.
4. Trạm cơ sở: Là các trạm quan trắc môi trường tự
động, liên tục do nhà nước đầu tư hoặc do chủ nguồn thải đầu tư.
5. Hiệu chuẩn: Là hoạt động xác định, thiết lập mối
quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại
lượng cần đo.
6. Kiểm định: Là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc
tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.
7. Bảo trì, bảo dưỡng: Là tập hợp các hoạt động nhằm
duy trì hoặc phục hồi một thiết bị ở tình trạng nhất định hoặc đảm bảo một dịch
vụ nhất định luôn hoạt động trong trạng thái tiêu chuẩn.
Chương II
QUY ĐỊNH PHỐI HỢP GIÁM
SÁT MÔI TRƯỜNG
Điều 3. Nguyên tắc của giám
sát môi trường
1. Hoạt động giám sát môi trường phải tuân theo các
quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật đo lường, Luật An ninh mạng và các
văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật, tính năng và
thành phần cơ bản của hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục phải đảm
bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ
Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường.
3. Chủ nguồn thải chủ trì, phối hợp với các đơn vị
cung cấp thiết bị quan trắc chịu trách nhiệm kết nối dữ liệu về Trung tâm Giám
sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh để tận dụng hạ tầng dùng chung phục vụ
công tác lưu trữ, giám sát, phục vụ công tác dùng chung, chia sẻ dữ liệu cho
các đơn vị, các ngành trong phạm vi quản lý và phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo,
điều hành của lãnh đạo tỉnh.
4. Các đơn vị cung cấp thiết bị quan trắc chịu
trách nhiệm kết nối dữ liệu về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh
tỉnh ngay sau khi lắp đặt thiết bị.
5. Đảm bảo kết quả quan trắc được truyền, nhận, xử
lý và giám sát tự động, liên tục; đảm bảo thông tin nhanh chóng, kịp thời giữa
các đơn vị có liên quan đến hoạt động của các trạm quan trắc môi trường tự động,
liên tục.
6. Xử lý sự cố nhanh chóng, đảm bảo tính pháp lý của
kết quả quan trắc; phát huy hiệu quả của các trạm quan trắc môi trường tự động,
liên tục; xác định hành vi vi phạm hành chính để xử phạt theo đúng quy định của
pháp luật.
7. Sử dụng tối đa hệ thống thông tin (phần mềm,
email, điện thoại, hội thoại nhóm...) để nâng cao hiệu quả phối hợp; hạn chế sử
dụng giấy tờ, văn bản.
Điều 4. Quy trình phối hợp giám
sát môi trường
1. Dữ liệu từ trạm được kết nối và truyền về Trung
tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh qua mạng Internet với tần suất tích hợp
dữ liệu 05 phút/lần, liên tục trong 24 giờ/ngày.
2. Đối với số liệu từ các trạm do doanh nghiệp đầu
tư lắp đặt, truyền về máy chủ đặt tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị
thông minh để lưu trữ. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, thẩm định, đánh
giá độ tin cậy.
3. Số liệu quan trắc sau khi xử lý, được lưu trữ
trong Cơ sở dữ liệu môi trường thông qua phần mềm được tích hợp với máy chủ đặt
tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.
4. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh
chuyển giao địa chỉ và tài khoản truy cập phần mềm cho Sở Tài nguyên và Môi trường,
các đơn vị có liên quan để giám sát, tra cứu số liệu liên quan quan trắc tự động
thông qua hệ thống mạng riêng của tỉnh, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước.
5. Việc kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu quan
trắc môi trường với đơn vị bên ngoài hệ thống quan trắc môi trường tự động,
liên tục phải được phép cùa Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế; Tổng
cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
6. Trong các trường hợp sự cố đối với trạm quan trắc
môi trường tự động: Kết quả quan trắc vượt quy chuẩn; trạm bị mất kết nối với
máy chủ; thiết bị đang trong thời gian kiểm định, hiệu chuẩn; lỗi thiết bị...
phần mềm hệ thống sẽ tự động gửi thông báo (email, sms,...) đến đơn vị vận hành
trạm kịp thời khắc phục, đồng thời cũng gửi thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi
trường để theo dõi, giám sát, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trong trường hợp
sự cố vượt quá khả năng xử lý của chủ nguồn thải.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ
Điều 5. Trách nhiệm của Sở tài
nguyên và môi trường
1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì,
chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về giám sát môi trường trên địa bàn
tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định pháp luật và có các nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát
toàn bộ hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh; rà
soát các tổ chức, cá nhân có nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc
tự động, liên tục nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh để yêu cầu thực hiện lắp
đặt hệ thống, thiết bị quan trắc môi trường tự động, liên tục và truyền số liệu
về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh..
b) Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ
chức làm việc với các tổ chức, cá nhân đã lắp đặt và vận hành hệ thống, thiết bị
quan trắc môi trường tự động, liên tục để thực hiện kết nối số liệu, niêm phong
vật lý các thiết bị có khả năng điều chỉnh được số liệu đo sau khi kết nối
thành công; thông báo bằng văn bản việc hoàn thành kết nối cho các tổ chức, cá
nhân.
c) Trường hợp phát hiện số liệu quan trắc tự động
vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép, tổ chức làm việc, tiến hành thu mẫu
(nếu có), xác định nguyên nhân, yêu cầu Chủ nguồn thải, tổ chức, cá nhân liên
quan thực hiện các biện pháp khắc phục và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh nguyên
nhân, kết quả khắc phục.
d) Xem xét việc kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu
quan trắc môi trường tự động với bên ngoài khi có yêu cầu.
đ) Phối hợp với Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên
và Môi trường trong việc truyền dữ liệu theo thời gian thực để thống nhất quản
lý số liệu quan trắc môi trường trong phạm vi cả nước.
e) Phối hợp với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị
thông minh đảm bảo yêu cầu về an toàn thông tin, dữ liệu và hệ thống mạng kết nối
nhận, truyền dữ liệu theo quy định.
2. Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra công
tác kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị đo của các trạm quan trắc môi trường tự động,
liên tục nhằm đảm bảo độ tin cậy của số liệu đo.
3. Phối hợp Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh
kiểm tra, giám sát quá trình vận hành, xử lý sự cố các trạm quan trắc môi trường
tự động, liên tục của các khu công nghiệp và các Chủ nguồn thải trong khu công
nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố, Chủ nguồn thải và các đơn vị có liên quan trong quá trình đầu tư, lắp đặt,
kiểm tra, giám sát quá trình vận hành, xử lý sự cố các Trạm cơ sở trên địa bàn.
Điều 6. Trách nhiệm của Trung
tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh, Sở thông tin và truyền thông
1. Nguyên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào
việc quản lý, giám sát tập trung về hoạt động giám sát môi trường.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến
hành kết nối, thiết lập chính sách đảm bảo truy cập an toàn và thông suốt trong
truyền, nhận kết quả quan trắc môi trường.
3. Đảm bảo hệ thống mạng, máy chủ quản lý, hoạt động
ổn định, liên tục.
4. Vận hành, giám sát hệ thống cảnh báo sự số; ghi
nhận kết quả xử lý, khắc phục sự cố của các trạm quan trắc tự động, liên tục.
Điều 7. Trách nhiệm của chủ nguồn
thải
1. Chủ nguồn thải phải tuân thủ các quy định của Luật
Bảo vệ môi trường về hoạt động xả chất thải vào nguồn thải; có trách nhiệm lắp
đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đảm bảo các yêu cầu
và đặc tính kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài
nguyên và Môi trường.
2. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên Môi trường
trong công tác thu thập thông tin, xử lý số liệu; duy trì việc vận hành Trạm cơ
sở bao gồm: Kiểm tra, theo dõi tình trạng hoạt động của các thiết bị quan trắc
môi trường tự động, hệ thống thiết bị điện, hệ thống an ninh, an toàn, chất lượng
đường truyền dữ liệu quan trắc môi trường, hệ thống điều hòa, công tác phòng chống
cháy nổ, các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo tình trạng Trạm cơ sở hoạt động
ổn định, liên tục 24/24.
3. Giám sát hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, hiệu chuẩn,
kiểm định, thay thế thiết bị. Phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý, khắc phục
sự cố.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì phổ biến, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Quy chế này; xây dựng hướng dẫn, tổ chức tập huấn các nội
dung vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục; hướng dẫn chia sẻ
thông tin quan trắc tự động, liên tục; tổng hợp kết quả quản lý, vận hành các
thông số quan trắc tự động, liên tục và báo cáo định kỳ Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ phổ
biến hướng dẫn, tổ chức tập huấn việc kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị đo của
các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục.
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vấn
đề gì khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi về Sở Thông
tin và Truyền thông để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.