Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2918/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
Ngày ban hành: 18/11/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2918/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 18 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ÐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH VÀ CHUYỂN PHÁT TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bưu chính số 49/2010/QH12 ban hành ngày 28/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/06/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính;

Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính – Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 17/2013/TT-BTTTT ngày 02/08/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy định hoạt động của điểm Bưu điện – Văn hóa xã;

Căn cứ Nghị quyết số 31/2012/NQ-HĐND ngày 06/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3155/QĐ-UBND ngày 15/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 582/TTr-STTTT ngày 09/10/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính và chuyển phát tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

I. QUAN ĐIỂM

- Phổ cập dịch vụ bưu chính đến mọi người dân trên địa bàn tỉnh, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát triển bưu chính theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đầu tư có trọng điểm vào các điểm bưu chính có nhiều người đến và các dịch vụ có nhiều người sử dụng.

- Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ bưu chính, chuyển phát trên cơ sở phát triển gắn với quản lý và khai thác có hiệu quả đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Phát triển dịch vụ bưu chính phải gắn với việc đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn mạng lưới thông tin góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng, phát triển mạng lưới bưu chính tỉnh Hải Dương phát triển so với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước.

Phát triển mạng lưới bưu chính của tỉnh theo hướng công nghệ hiện đại, từng bước phát triển rộng khắp, chất lượng dịch vụ tốt, cung cấp đa dịch vụ.

Phổ cập các dịch vụ bưu chính, dịch vụ tài chính, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin đến cấp xã.

Đến năm 2020, số dân phục vụ bình quân dưới 6.000 người/điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân dưới 1,4km/điểm phục vụ.

Xây dựng mạng lưới vận chuyển rộng khắp, nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới, tiết kiệm chi phí đầu tư. Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia chuyển phát đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2015:

- Phát triển mạng bưu chính công cộng, phục vụ bưu chính công ích theo đơn đặt hàng của Chính phủ.

- Phát triển việc sử dụng các ki ốt lưu động ở các khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, trường học…

- 45% hệ thống các Bưu điện – Văn hóa xã được cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng.

- Lắp đặt các điểm Giao dịch tự động cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính cá nhân. Giai đoạn đến 2015, tiến hành lắp đặt điểm Giao dịch tự động tại các phường trung tâm tại thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh, khu trung tâm hành chính, khu vực đông dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

- Doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng bình quân 20% năm.

- Dịch vụ bưu chính truyền thống (bưu phẩm, bưu kiện...) có tốc độ tăng trưởng 12 – 15%/năm. Dịch vụ bưu chính hiện đại (tài chính bưu chính, tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm bưu chính...) có tốc độ tăng trưởng 10 – 15%/năm.

- Đổi mới hệ thống quản lý, khai thác (ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng mã vạch trong việc chia chọn, các hệ thống truy tìm, định vị và tra cứu bưu gửi...) nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành.

- Phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ tài chính bưu chính mới.

- Nâng cao chất lượng mạng vận chuyển. Xây dựng mạng vận chuyển bưu chính dùng chung giữa các doanh nghiệp bưu chính nhằm giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Tối ưu hóa tuyến đường thư đến năm 2015 có 100% số xã có báo Đảng đến trong ngày.

Đến năm 2020:

- 100% hệ thống các Bưu điện – Văn hóa xã được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.

- Lắp đặt điểm Giao dịch tự động cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính cá nhân tại các xã, phường còn lại tại thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh; khu vực nhà ga, bến xe, trung tâm y tế; lắp đặt điểm Giao dịch tự động tại trung tâm các huyện.

- Nghiên cứu, đưa vào phát triển các trạm bưu kiện tự động ở thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh, trung tâm các huyện.

- 100% nhu cầu về dịch vụ bưu chính và chuyển phát của người dân được đáp ứng.

- 100% các điểm Bưu điện – Văn hóa xã là các điểm đa dịch vụ về bưu chính.

- Doanh thu dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng bình quân 25% giai đoạn 2016 – 2020.

Định hướng đến năm 2030:

- Xây dựng mạng điểm phục vụ tới các khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân.

- Lắp đặt điểm Giao dịch tự động cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính cá nhân đến tất cả các xã còn lại trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

- Tin học hóa mạng lưới bưu chính: ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, cung cấp dịch vụ…

- Tự động hoá trong khai thác: khâu chia chọn được tự động hoá do trung tâm chia chọn tự động thực hiện.

- Bưu chính phát triển hội tụ với viễn thông và tin học, hội tụ đa ngành… , đa dạng loại hình dịch vụ, đa dạng hình thức thanh toán…

- Dịch vụ cung cấp rộng rãi trên mọi lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

- Thị trường mở cửa hoàn toàn bình đẳng. Phát triển mạnh thị trường kinh doanh qua mạng (mạng bưu chính điện tử).

III. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH VÀ CHUYỂN PHÁT

1. Mạng điểm phục vụ bưu chính và chuyển phát

a) Quy hoạch hệ thống các điểm phục vụ bưu chính và chuyển phát

Mạng lưới bưu cục vẫn được tổ chức theo 3 cấp như hiện nay, gồm Bưu cục cấp I, cấp II và cấp III. Các Bưu cục từng bước được nâng cấp đầu tư các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác và cung cấp dịch vụ.

Nâng cấp, cải tạo trụ sở 186 điểm Bưu điện – Văn hóa xã, kết nối Internet băng rộng, đồng thời chú trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho hoạt động tại các điểm Bưu điện – Văn hóa xã.

Ngoài ra phát triển một số các điểm phục vụ như sau:

- Quy hoạch mạng điểm phục vụ xây dựng nông thôn mới: Giai đoạn đến 2020, quy hoạch 100% xã trên địa bàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính (Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới); quy hoạch hệ thống điểm đại lý bưu điện đa dịch vụ đến năm 2020:

+ Thành phố Hải Dương: Phát triển 2 điểm phục vụ: xã Nam Đồng, phường Ái Quốc.

+ Huyện Kinh Môn: Phát triển 2 điểm phục vụ: xã Phạm Mệnh, xã Hiệp An.

+ Huyện Kim Thành: Phát triển 2 điểm phục vụ: xã Phúc Thành A, xã Tuấn Hưng.

+ Huyện Thanh Hà: Phát triển 4 điểm phục vụ: xã Liên Mạc, xã Thanh Cường, xã Thanh Hải, xã Tiền Tiến.

+ Huyện Bình Giang: Phát triển 3 điểm phục vụ: xã Bình Minh, xã Tân Hồng, xã Tráng Liệt.

+ Huyện Gia Lộc: Phát triển 2 điểm phục vụ: xã Phương Hưng, xã Thống Kênh.

+ Huyện Tứ Kỳ: Phát triển 1 điểm phục vụ: xã Đông Kỳ.

+ Huyện Ninh Giang: Phát triển 2 điểm phục vụ: xã Hiệp Lực, xã Hưng Long.

+ Huyện Thanh Miện: Phát triển 1 điểm phục vụ: xã Cao Thắng

- Quy hoạch mạng điểm phục vụ theo định hướng phát triển không gian khu, cụm công nghiệp, du lịch: Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng 2030; hiện trạng phát triển mạng bưu chính, chuyển phát của tỉnh; căn cứ vào thực trạng và định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp, du lịch, quy hoạch hệ thống điểm đại lý bưu điện đa dịch vụ tỉnh Hải Dương đến năm 2020 như sau:

+ Thành phố Hải Dương: Phát triển 2 điểm phục vụ: phường Tứ Minh, phường Việt Hòa.

+ Thị xã Chí Linh: Phát triển 1 điểm phục vụ: phường Cộng Hòa.

+ Huyện Cẩm Giàng: Phát triển 3 điểm phục vụ: thị trấn Lai Cách, xã Cao An, xã Cẩm Điền.

- Quy hoạch mạng điểm phục vụ theo định hướng phát triển không gian hệ thống đô thị: Phát triển hệ thống các điểm ki ốt bưu chính (ki ốt lưu động), đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị trong tương lai, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày một cao của nhân dân. Quy hoạch hệ thống điểm ki ốt bưu chính tỉnh Hải Dương đến năm 2020 như sau:

+ Thành phố Hải Dương: phát triển mới 2 điểm ki ốt bưu chính.

+ Thị xã Chí Linh: phát triển mới 1 điểm ki ốt bưu chính.

+ Huyện Kinh Môn: phát triển mới 1 điểm ki ốt bưu chính.

+ Huyện Kim Thành: phát triển mới 1 điểm ki ốt bưu chính.

+ Huyện Bình Giang: phát triển mới 1 điểm ki ốt bưu chính.

+ Huyện Ninh Giang: phát triển mới 1 điểm ki ốt bưu chính.

+ Huyện Thanh Miện: phát triển mới 1 điểm ki ốt bưu chính.

b) Phát triển các điểm Giao dịch tự động

Điểm Giao dịch tự động: Cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính cá nhân như: rút tiền mặt, ứng tiền mặt, tra cứu thông tin tài khoản, chuyển tiền cá nhân, nộp tiền vào tài khoản, thanh toán hóa đơn.

Lộ trình thực hiện:

- Đến năm 2016: Lắp đặt các điểm Giao dịch tự động tại các điểm thuộc khu vực phường trung tâm thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh, khu trung tâm hành chính, khu vực đông dân cư, khu vực có kinh tế, xã hội phát triển... Đến năm 2016, lắp đặt 10 điểm Giao dịch tự động.

- Giai đoạn 2017 – 2020: Lắp đặt các điểm Giao dịch tự động tại các xã, phường còn lại thuộc thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh; khu vực bến xe, nhà ga, trung tâm y tế; lắp đặt các điểm Giao dịch tự động tại trung tâm các huyện. Giai đoạn 2017 – 2020, lắp đặt 50 điểm Giao dịch tự động.

2. Mạng điểm phục vụ bưu chính và chuyển phát

- Quy hoạch tăng tần suất các tuyến đường thư cấp 2 lên 2 chuyến/ngày, các đường thư có sản lượng lớn lên 3 chuyến/ngày, tăng tần suất các tuyến đường thư đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới...

- Bổ sung thêm 11 ôtô cho các huyện, thị xã trung bình mỗi huyện, thị xã một chiếc.

- Kết hợp sử dụng phương tiện vận chuyển xe bưu chính với sử dụng các phương tiện vận chuyển xã hội (xe khách…) để nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới, tiết kiệm chi phí đầu tư.

- Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ chuyển phát, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

- Xây dựng mạng vận chuyển bưu chính dùng chung giữa các doanh nghiệp bưu chính nhằm giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ.

3. Dịch vụ bưu chính và chuyển phát

Phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng hóa, cung cấp tất cả các dịch vụ bưu chính đến các điểm phục vụ, chú trọng tới phát triển các dịch vụ mới, dịch vụ tài chính và các dịch vụ ứng dụng trên nền công nghệ thông tin:

- Duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính cơ bản, phổ cập nhanh các dịch vụ cộng thêm, phát triển các dịch vụ mới tại các điểm phục vụ.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện tại, phát triển các dịch vụ mới và dịch vụ cộng thêm: khai thác tối đa các nhu cầu của khách hàng trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng cho người sử dụng.

- Phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, trả lương hưu, nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp đến bưu cục cấp III. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính bưu chính: Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, dịch vụ tín dụng tiêu dùng, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán điện tử tại các điểm bán hàng…

- Tham gia cung cấp các dịch vụ viễn thông thông qua các hình thức bán lại dịch vụ, đại lý cho viễn thông như: phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ, cung cấp các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ Internet.

- Phục vụ tốt dịch vụ bưu chính công ích, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của mọi người dân và thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thông tin của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

- Xây dựng và kiện toàn tủ sách tại các điểm Bưu điện – Văn hóa xã, bổ sung thêm các đầu sách, báo có nội dung phù hợp với phong tục tập quán, hình thức sản xuất tại từng địa phương để tăng sức hấp dẫn

- Phát triển mạng chuyển phát an toàn tiện lợi và văn minh; nâng cao dịch vụ kho bãi, dịch vụ quản lý chu trình cung cấp hàng hoá; tạo ra kênh phân phối và thanh toán hàng hoá phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại của tỉnh.

- Áp dụng công nghệ thông tin từng bước xây dựng mạng bưu cục điện tử giúp cho việc thanh toán, chấp nhận yêu cầu trở lên đơn giản, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của đất nước trong tương lai.

- Hoàn thiện hệ thống tra cứu để khách hàng có thể tự tra cứu trên mạng về thông tin tiền hàng của mình, giải quyết khiếu nại, thắc mắc, đề nghị từ phía khách hàng về việc sử dụng dịch vụ. Tạo ra môi trường bình đẳng giữa khách hàng và nhà cung cấp.

Lộ trình thực hiện:

Đến năm 2015: Cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ bưu chính và chuyển phát đến cấp xã. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng…Triển khai thí điểm dịch vụ bưu chính điện tử (E – post).

Đến năm 2020: Phát triển mạnh dịch vụ bưu chính điện tử. Triển khai tự động hóa trong cung cấp dịch vụ (tự động hóa cấp tỉnh).

4. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh

Mở cửa thị trường bưu chính cho các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động, tạo môi trường bình đẳng cho mọi doanh nghiệp tham gia kinh doanh:

Trong tổ chức khai thác:

- Đổi mới khoa học và công nghệ: trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại vào khâu chia chọn tự động và cải thiện chất lượng dịch vụ.

- Bố trí, phối hợp giữa các bộ phận trong quá trình khai thác bưu chính một cách có hệ thống đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, giảm bớt các công đoạn.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác để lưu giữ, trao đổi thông tin giữa các bưu cục và điểm phục vụ.

Trong vận chuyển:

- Tận dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe khách, xe buýt... Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xây dựng mạng vận chuyển cùng với phương tiện vận chuyển riêng để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong tổ chức lao động:

- Bố trí lao động đúng nghề nghiệp được đào tạo, phân công công việc một cách hợp lý giữa các khâu trong khai thác để đảm bảo trong các giờ cao điểm chất lượng phục vụ sẽ không bị ảnh hưởng. Có chế độ khen thưởng, kỷ luật rõ ràng.

5. Phát triển nguồn nhân lực

Tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có trong các doanh nghiệp bưu chính, tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng sẵn có thông qua công tác đào tạo lại.

Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, hoàn thiện kiến thức, nâng cao kỹ năng trong công tác bưu chính đối với các nhân viên.

Lộ trình thực hiện:

Đến năm 2015:

Tổng số lao động bưu chính đến năm 2015: quy mô khoảng 800 người; trình độ đại học và trên đại học chiếm 8%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 40%, sơ cấp và công nhân chiếm 37%.

Giai đoạn đến năm 2015, năng suất lao động bình quân hàng năm trong lĩnh vực bưu chính tăng 8 – 10%. Thu nhập bình quân hàng năm của 1 lao động trong lĩnh vực bưu chính tăng 10 – 20%.

Đến năm 2020:

Tổng số lao động bưu chính đến năm 2020: quy mô khoảng 1000 người; trình độ đại học và trên đại học chiếm 10%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 50%, sơ cấp và lao động phổ thông chiếm 20%.

Giai đoạn đến năm 2020, năng suất lao động bình quân hàng năm trong lĩnh vực bưu chính tăng 10 – 15%. Thu nhập bình quân hàng năm của 1 lao động trong lĩnh vực bưu chính tăng 20 – 25%.

6. Phát triển thị trường

Xã hội hóa lĩnh vực chuyển phát thư theo hướng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới chuyển phát thư, trang thiết bị, công nghệ hiện đại và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, chú trọng ứng dụng tin học và tự động hóa làm tăng thị phần khai thác các dịch vụ chuyển phát thư trong tương lai.

Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ chuyển phát thư, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

Định hướng các điều kiện cho phép các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư.

7. Khoa học công nghệ

Hiện đại hoá mạng bưu cục theo hướng mở rộng phạm vi kinh doanh, kết nối mạng tin học bưu chính các điểm phục vụ, triển khai một số thiết bị tự động.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bưu chính phục vụ việc định vị và truy tìm bưu phẩm, bưu kiện... Triển khai ứng dụng công nghệ mã vạch, chuẩn hóa các loại bao bì bưu chính.

Ứng dụng công nghệ đổi mới hệ thống quản lý, khai thác để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành dịch vụ.

Trang bị máy tính và kết nối mạng đến các điểm phục vụ để kết nối mạng bưu chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp thêm các dịch vụ từ hệ thống mạng Bưu chính.

Giai đoạn 2014 – 2020: Xây dựng dự án ứng dụng công nghệ mới trong bưu chính bao gồm đầu tư trang thiết bị hiện đại cho mạng lưới bưu chính đồng thời đào tạo nguồn nhân lực nhằm làm chủ công nghệ mới.

8. Định hướng phát triển bưu chính và chuyển phát đến năm 2030

a) Định hướng phát triển mạng điểm phục vụ

Đảm bảo 100% xã đều có ít nhất một điểm phục vụ bưu chính; phát triển thêm các đại lý bưu điện tại thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, khu dân cư mới…cung cấp đa dịch vụ

Phát triển mô hình mạng lưới điểm phục vụ có tính cơ động cao như: ki ốt lưu động, trạm bưu kiện tự động…

Khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới chuyển phát chất lượng cao.

Lắp đặt điểm Giao dịch tự động cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính cá nhân đến tất cả các xã còn lại trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đảm bảo bán kính phục vụ của mỗi điểm phục vụ, đảm bảo tính hoạt động hiệu quả điểm phục vụ đó tại khu vực.

b) Định hướng phát triển mạng vận chuyển

Tăng năng suất phục vụ của các chuyến xe chuyên ngành, nâng cao năng lực vận chuyển.

Tăng cường thêm các tuyến đường thư nhằm phục vụ cho nhu cầu bưu chính tăng mạnh tại các xã, huyện trong tương lai.

Nâng cao chất lượng mạng vận chuyển: cung cấp dịch vụ định vị, tra cứu bưu gửi, giảm thời gian đưa phát.

Tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính và chuyển phát, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

Xây dựng mạng vận chuyển bưu chính theo xu hướng dùng chung giữa các doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí vận chuyển, đảm bảo về mặt thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ.

c) Định hướng phát triển dịch vụ bưu chính và chuyển phát

Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm Bưu điện – Văn hóa xã… phát triển bưu chính theo hướng hoàn thiện chất lượng dịch vụ.

Tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ tài chính như: triển khai kinh doanh dịch vụ trả lương qua tài khoản, trả lương hưu, dịch vụ thanh toán qua mạng, dịch vụ nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền điện, nước, bảo hiểm nhân thọ…).

Phát triển các dịch vụ thương mại điện tử (E - Commerce) như bán hàng qua bưu chính, bưu chính ảo, bưu chính điện tử (E - Posts).., chất lượng dịch vụ ngày càng cao đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng khách hàng: Direct Mail (thư trực tiếp); Logistics (kho vận); mua hàng qua Bưu điện - thương mại điện tử.

Tăng tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ mới. Doanh thu từ các dịch vụ truyền thống chỉ chiếm dưới 20% tổng doanh thu bưu chính.

Phát triển dịch vụ bưu chính và chuyển phát đi đôi với việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin quốc gia và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững.

d) Định hướng phát triển khoa học và công nghệ

Sử dụng công nghệ xác định vị trí như GPS – GIS – RFID để xác định thông tin vị trí khách hàng cho xe và nhân viên bưu chính, giám sát phương tiện vận chuyển, và truy tìm – định vị bưu gửi.

Sử dụng các công nghệ thông tin tiên tiến như ảo hoá, điện toán đám mây, mạng thế hệ mới (NGN) để hiện đại hoá mạng tin học bưu chính.

Ứng dụng phần mềm và công nghệ RFID cho quản lý chất lượng.

Ứng dụng phần mềm và các thuật toán tối ưu để quy hoạch mạng khai thác bưu chính và hành trình vận chuyển của xe bưu chính.

Sử dụng các hệ thống nhúng và bộ điều khiển khả trình (PLC), công nghệ điều khiển độ chính xác gia công cơ khí để tự động hoá quy trình chia chọn bưu gửi.

Sử dụng công nghệ nhận dạng chữ viết – hình ảnh – chuyển động để số hoá thông tin khách hàng trên bưu gửi và giám sát trạng thái cho các hệ thống chia chọn tự động.

Ứng dụng các hệ thống tích hợp cho tự động hoá quy trình thao tác tại quầy giao dịch.

IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

STT

Dự án

Nguồn vốn

Nguồn vốn

Nhu cầu đầu tư

Giai đoạn 2014 - 2015

Giai đoạn 2016 - 2020

Doanh nghiệp, xã hội hóa

Ngân sách tỉnh

Doanh nghiệp, xã hội hóa

Ngân sách tỉnh

1

Đầu tư phát triển mạng điểm phục vụ

6,8

0

17,4

0

24,2

2

Đầu tư lắp đặt điểm Giao dịch tự động

0,5

0

5,5

0

6

3

Đầu tư mạng vận chuyển

1

0

4,5

0

5,5

4

Đầu tư trang thiết bị mạng điểm phục vụ

0,77

0

2,03

0

2,8

5

Xây dựng thư viện tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã

0

0,45

0

1,41

1,86

6

Đào tạo nguồn nhân lực mạng điểm phục vụ

0,99

0

0,87

0

1,86

7

Dự án ứng dụng công nghệ mới trong bưu chính

2,5

0

9

0

11,5

8

Tổng đầu tư

12,56

0,45

39,3

1,41

53,72

V. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp phát triển thị trường

Đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu thị trường: nghiên cứu nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ tài chính bưu chính để có chiến lược marketing phù hợp; nghiên cứu thói quen tiêu dùng, đòi hỏi của khách hàng đối với dịch vụ tài chính bưu chính, thái độ của khách hàng đối với dịch vụ.

Đẩy mạnh công tác quảng cáo, tiếp thị các dịch vụ tài chính bưu chính. Đẩy mạnh hoạt động khuyến thị và chăm sóc khách hàng: thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng, giới thiệu dịch vụ, cho khách hàng dùng thử, lắng nghe ý kiến phản hồi…

Khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia mở rộng mạng lưới phục vụ bưu chính và chuyển phát, chú trọng công tác đặc biệt với các tổ chức, đoàn thể, lao động tại các xã tham gia phổ cập dịch vụ bưu chính.

Công khai việc thực hiện quy định về giá cước và chất lượng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cho người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Các điểm Bưu điện – Văn hóa xã chú trọng các dịch vụ dành cho người dân, thông tin nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khoa học kỹ thuật, giải trí. Cung cấp dịch vụ và hướng dẫn cho người dân.

Tổ chức các hội thảo chuyên đề tìm hướng đi phù hợp cho bưu chính và chuyển phát tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung khi bưu chính và chuyển phát vẫn chưa có lãi, chưa có hướng đi cụ thể để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

2. Giải pháp cơ chế chính sách

Nhà nước sẽ hỗ trợ phát triển dịch vụ bưu chính công ích thông qua các hình thức như: dành đặc quyền cung cấp dịch vụ thư cơ bản có khối lượng dưới 2kg và đến năm 2020 là thư có khối lượng dưới 20g.

Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện về đất đai, các thủ tục trong quyền hạn của tỉnh để xây dựng mạng điểm phục vụ cho doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát thực hiện tốt nhiệm vụ bưu chính công ích.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động đàm phán với các doanh nghiệp cơ chế cùng đầu tư, đóng góp và chia sẻ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công ích.

Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và cung cấp các dịch vụ đặc biệt có liên quan đến bảo mật thông tin và an toàn mạng lưới.

Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện giám sát các doanh nghiệp thực hiện việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ. Đảm bảo người dân được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về dịch vụ tại các nơi giao dịch và trên ấn phẩm. Đảm bảo cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích. Được bồi thường thiệt hại theo quy định trong mọi trường hợp. Đảm bảo bí mật thông tin riêng theo và các quyền lợi khác nhau theo quy định của pháp luật.

Sở Thông tin và Truyền thông giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cung cấp chất lượng dịch vụ, thực hiện giá cước.

Sở Thông tin và Truyền thông giám sát việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Đảm bảo thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ bưu chính cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn.

Xác định rõ cơ chế ưu đãi cung cấp dịch vụ công cho các cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương.

Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hòm thư ý kiến khách hàng.

3. Giải pháp quản lý nhà nước

Tăng cường quản lý Nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, gắn quy hoạch phát triển bưu chính và chuyển phát với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông.

Cần kết hợp tốt việc thực hiện giữa các ngành: giao thông vận tải, xây dựng và quản lý đô thị để phát triển ngành bưu chính và chuyển phát đồng bộ phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật.

Các cấp, các ngành của tỉnh cần tạo điều kiện để bưu chính và chuyển phát phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và thực hiện nhiệm vụ công ích (trong việc lưu thông của xe bưu chính, thiết lập điểm phục vụ bưu chính, bố trí các hòm thư bưu chính…).

Ban hành các quy định nâng cao năng lực quản lý nhà nước: nâng cao vai trò, thẩm quyền của Sở đối với các doanh nghiệp, các ngành, các cấp…

Kiểm tra, giám sát chất lượng thiết bị, chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người sử dụng.

Giám sát, theo dõi việc xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính trên địa bàn tỉnh, hạn chế những thiếu sót, cố tình làm sai quy hoạch.

Khi lập và phê duyệt quy hoạch, các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mới và các công trình công cộng khác, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm dành mặt bằng xây dựng cho các công trình thuộc mạng bưu chính, chuyển phát phù hợp với quy hoạch phát triển bưu chính và chuyển phát, thuận lợi cho việc cung cấp và sử dụng bưu chính phổ cập.

4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính và chuyển phát.

Từng bước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất tốt, làm chủ công nghệ hiện đại, vững vàng về quản lý kinh tế, khai thác hiệu quả mạng lưới bưu chính và chuyển phát trên địa bàn tỉnh.

Đào tạo và tiếp nhận để bố trí cán bộ nhân viên cho những điểm phục vụ mới thành lập.

Hỗ trợ đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực tại các điểm Bưu điện - văn hóa xã, nâng cao trình độ và kỹ năng sử dụng Internet, thực hiện nhiệm vụ phổ cập, nâng cao hiệu quả hoạt động.

5. Giải pháp khoa học công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động bưu chính và chuyển phát, trước hết là đổi mới hệ thống quản lý, khai thác trong từng bưu cục, điểm Bưu điện – Văn hóa xã để nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành.

Sử dụng các thiết bị bưu chính hiện đại như các thiết bị bán hàng tự động, trang bị hệ thống phần mềm quản lý các dịch vụ bưu chính, cân điện tử, máy gói buộc, máy in cước thay tem... Kết hợp với các trung tâm chia chọn tự động thực hiện việc chia chọn tới cấp huyện, thị xã, thành phố.

Ứng dụng mạng tin học đến tất cả các bưu cục và điểm phục vụ nhằm kết hợp được điểm mạnh về mạng bưu chính rộng khắp và sự nhanh chóng của các phương tiện điện tử để cung cấp các dịch vụ bưu chính lai ghép mới như lập hóa đơn, thanh toán điện tử.

Đẩy mạnh liên doanh, liên kết và hợp tác với các tổ chức trong nước và nước ngoài về kinh doanh, nghiên cứu, và phát triển thêm các dịch vụ tài chính bưu chính để nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới.

Thúc đẩy, khuyến khích, mở rộng hợp tác quốc tế về các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, khoa học công nghệ về lĩnh vực tài chính bưu điện với các nước trong khu vực và thế giới.

Ưu tiên sử dụng vốn vay và viện trợ nước ngoài cho phát triển công nghệ thông tin phục vụ bưu chính nói chung và dịch vụ tài chính nói riêng.

6. Giải pháp huy động vốn đầu tư

Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh bưu chính và chuyển phát và có cơ chế khuyến khích việc đầu tư phát triển dịch vụ bưu chính và chuyển phát thư.

a) Vốn đầu tư từ ngân sách

Sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng thư viện kỹ thuật nông nghiệp, ngư nghiệp tại các điểm Bưu điện - Văn hoá xã hoặc tại thư viện xã tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của địa phương, ưu tiên cho các địa phương vùng nông thôn, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Xây dựng đề án “Hệ thống thông tin cơ sở”: thông tin kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục phổ thông, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phòng chống thiên tai…

Việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách phải có kế hoạch cụ thể; cam kết thực hiện đúng quan điểm của chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đúng chính sách, đảm bảo chất lượng.

b) Vốn đầu tư từ doanh nghiệp, xã hội hóa

Sau khi quy hoạch được ban hành, cần công khai cụ thể các dự án đầu tư; qua đó, xây dựng ban hành các cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư, đảm bảo thị trường bưu chính và chuyển phát là thị trường công khai, tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cơ sở bảo vệ lợi ích người sử dụng dịch vụ.

Huy động tiềm năng các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư trong tỉnh (vốn tín dụng, trái phiếu công trình, vốn tự có, vốn cổ phần, vốn qua thị trường chứng khoán…) để đầu tư vào bưu chính và chuyển phát.

Thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động phát triển hạ tầng (điện, đường, trạm…) theo phương thức là nhà nước và nhân dân cùng làm sau đó cho các doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát thuê lại.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên của các doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát hoạt động tại địa phương cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Khuyến khích đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh (trong lĩnh vực chuyển phát thư), mua cổ phần của doanh nghiệp chuyển phát thư, đặc biệt đối với các dự án phát triển dịch vụ mới.

c) Vốn đầu tư nước ngoài

Là một phần quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư, phát triển bưu chính và chuyển phát. Có các phương án sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, lựa chọn hình thức đầu tư liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài sao cho có lợi nhất (hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC, liên doanh).

7. Giải pháp phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ

a) Bưu cục: Hàng năm nên tổ chức kiểm tra các bưu cục hoạt động kém hiệu quả và nên cho chuyển hình thức hoạt động sang đại lý hoặc ki ốt nhằm giảm thiểu chi phí và có kế hoạch, định hướng kinh doanh và phát triển mạng bưu cục trên địa bàn sao cho vẫn đảm bảo phục vụ nhiệm vụ công ích vừa hoạt động kinh doanh có lãi tại các bưu cục.

b) Đại lý bưu điện, ki ốt: Thường xuyên tổ chức tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ đối với các đại lý bưu điện và ki ốt. Việc bưu tá đến thu gom tại các đại lý chỉ thực hiện ở những địa bàn khó khăn và cần khuyến khích mở điểm cung cấp dịch vụ thay vì mở bưu cục. Tại những địa bàn thuận lợi thì các đại lý phải có nhiệm vụ chuyển đến bưu cục gần cận do bưu điện tỉnh quy định để chuyển đi.

c) Bưu điện – Văn hóa xã: Đảm bảo các điểm Bưu điện – Văn hóa xã ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ công ích mà vẫn phải đảm bảo tốt lợi ích của ngành; nỗ lực duy trì hoạt động các điểm Bưu điện – Văn hóa xã, phát triển thêm các loại hình dịch vụ, lồng ghép mô hình điểm Bưu điện – Văn hóa xã vào chương trình hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới mà nghị quyết Đảng đề ra. Việc thành lập các trung tâm thông tin cộng đồng tại các xã cần lồng ghép mô hình Bưu điện – Văn hóa xã vào thực hiện. Hỗ trợ kinh phí trả lương cho nhân viên, hỗ trợ hệ thống sách báo.

8. Giải pháp phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính

Cần chủ động tiến hành đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; phát triển các dịch vụ tín dụng tiêu dùng…

Đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán, đa dạng hóa cách thức chuyển tiền, không chỉ có chuyển tiền quốc tế bằng đường thư, chuyển tiền nhanh mà cần đưa ra các dịch vụ tiện ích hơn giúp đa dạng hóa sự lựa chọn của khách hàng.

Cung cấp các dịch vụ tư vấn tới khách hàng: tư vấn liên quan đến vấn đề tài chính chiến lược ảnh hưởng đến khách hàng, các phương tiện lựa chọn về tài chính, các cơ hội đầu tư hoặc cơ cấu một giao dịch cụ thể.

9. Giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân

Tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân nhằm xây dựng, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng bưu chính và chuyển phát.

Công tác tuyên truyền, vận động cần tập trung hướng chủ yếu về cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn phức tạp, tình hình an ninh trật tự không ổn định, với những hình thức ngày càng phong phú, đa dạng; chú trọng đổi mới hình thức, triển khai thực hiện tốt công tác biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền…

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy hoạch. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, sự phát triển bưu chính và tình hình thực tế trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp.

- Tham mưu và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện quy hoạch.

- Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện quy hoạch.

- Xây dựng và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng đi trước đón đầu, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Định hướng các doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát triển khai thực hiện quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện các doanh nghiệp bưu chính để thực hiện các đề án:

+ Thiết lập các điểm cung cấp đa dịch vụ công cộng (bưu chính, điện thoại…) tại các xã vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp bưu chính không triển khai cung cấp dịch vụ.

+ Xây dựng hệ thống “Thư viện kỹ thuật nông nghiệp” tại các điểm Bưu điện - Văn hoá xã và tại các điểm cung cấp đa dịch vụ công cộng.

+ Xây dựng Đề án “Trung tâm thông tin cơ sở”.

- Phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành rà soát đối với các công trình bưu chính hiện có trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với những đơn vị thi công công trình vi phạm, ảnh hưởng đến công trình, kiến trúc tỉnh.

- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia phổ cập dịch vụ và thực hiện các dự án đào tạo người dân sử dụng dịch vụ.

- Là cơ quan đầu mối tập hợp nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng các công trình bưu chính và cùng với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn thủ tục xây dựng đảm bảo phù hợp với cảnh quan kiến trúc và các quy định khác của tỉnh.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bưu chính và chuyển phát trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về bưu chính và chuyển phát.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan, tính toán, cân đối, huy động các nguồn lực, kinh phí để xây dựng các kế hoạch ngắn và dài hạn để thực hiện các dự án, đề án, chương trình sử dụng ngân sách tỉnh. Trong khi triển khai, nếu có phát sinh cần tính toán điều chỉnh và thông báo kịp thời cho các bên liên quan.

3. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối và bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án, đề án, chương trình thuộc ngân sách tỉnh.

4. Sở Giao thông Vận tải

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát xây dựng các chương trình, đề án, quy định phù hợp với quy hoạch của từng thời kỳ.

5. Sở Tài nguyên Môi trường

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các doanh nghiệp bưu chính và tiến hành đo đạc, lập bản đồ và xác định ranh giới sử dụng đất cho các điểm Bưu điện – Văn hóa xã, các điểm phục vụ đa dịch vụ công cộng (bưu chính, điện thoại…).

6. Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới bưu chính.

7. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng quy định và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trong vấn đề quy hoạch, xây dựng mạng lưới các công trình bưu chính phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh.

8. Các Sở, ban, ngành khác

Các Sở, ban, ngành khác của tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quy hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Phối hợp với các cơ quan liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn quản lý.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin & Truyền thông, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Giao Thông - Vận Tải, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan ở địa phương căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2918/QĐ-UBND ngày 18/11/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính và chuyển phát tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.457

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.104.109
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!