ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
2653/2008/QĐ-UBND
|
Huế,
ngày 22 tháng 11 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VIỄN
THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng
Chính phủ về Chiến lược phát triển Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đến năm 2010
và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến
năm 2010;
Căn cứ Chỉ thị 04/2008/CT-BTTTT ngày 22 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông về quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông;
Căn cứ Chỉ thị 44/2005/CT-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Chủ tịch UBND tỉnh
về việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông ở thành phố Huế, trung tâm thị trấn,
thị tứ và các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 2491/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân
tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Thừa
Thiên Huế đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số
495/TTr-STTTT ngày 29 tháng 10 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và
phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2.
Trên cơ sở nội dung Quy định về quản lý và phát triển hạ
tầng viễn thông được ban hành kèm theo Quyết định này, yêu cầu Giám đốc các Sở:
Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân các huyện và thành phố Huế chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn
tổ chức phát triển hạ tầng viễn thông đảm bảo đúng theo Quy hoạch Bưu chính Viễn
thông đã được UBND tỉnh ban hành.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở:
Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông Vận tải; Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân các huyện và thành phố Huế; Giám đốc các doanh nghiệp Viễn thông trên địa
bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thúy Hòa
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2653/2008/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2008
của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu quản lý và phát triển hạ tầng viễn
thông
Xây dựng hạ tầng viễn thông tỉnh
Thừa Thiên Huế theo huớng hiện đại; đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của khách hàng sử
dụng dịch vụ viễn thông và phát triển của Công nghệ thông tin & Truyền
thông; đáp ứng được yêu cầu phát triển của tất cả các ngành kinh tế, hệ thống dịch
vụ, hệ thống hành chính và phát triển cộng đồng; bảo đảm cảnh quan môi trường,
an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; phục vụ tốt an ninh quốc phòng,
phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn; là động lực góp phần thu hút đầu tư
vào tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Phạm
vi điều chỉnh
Quy định này hướng dẫn việc tổ
chức quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3. Đối
tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho tất cả
các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động về lĩnh vực viễn thông
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 4.
Việc quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông trên
địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngoài việc chấp hành theo Quy định này, còn phải
tuân thủ các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương II
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ
TẦNG VIỄN THÔNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Điều 5. Định
hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông
1. Phát triển hạ tầng viễn thông
gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng; với phát
triển các công trình giao thông trọng điểm, vùng du lịch, khu đô thị, khu công nghiệp,
khu dân cư.
2. Ưu tiên tập trung đầu tư các
công trình hạ tầng viễn thông có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã
hội; đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông có tính bền vững lâu dài.
3. Phối kết hợp chặt chẽ khi đầu
tư các công trình hạ tầng viễn thông với các công trình hạ tầng khác nhằm tiết
kiệm chi phí đầu tư và tránh tình trạng đào bới nhiều lần.
4. Đạt được yếu tố hiệu quả kinh
doanh nhưng phải bảo đảm mỹ quan đô thị và an toàn.
5. Xây dựng cơ sở hạ tầng theo
hướng cùng đầu tư và chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả đầu
tư.
Điều 6. Thị
trường Viễn thông
- Xu hướng phát triển viễn thông
với tốc độ truy nhập lớn, băng thông rộng hội tụ viễn thông và công nghệ thông
tin;
- Tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu phát
triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, chiếm lĩnh thị phần, chủ động
cạnh tranh theo lộ trình gia nhập WTO.
Điều 7. Dịch
vụ Viễn thông
- Tăng cường đưa các dịch vụ giá
trị gia tăng, giải trí phát triển mạnh trên mạng cố định và di động;
- Phát triển mạnh Internet băng
rộng và hướng tới công nghệ WiMax.
Điều 8. Yêu
cầu về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông
1. Các doanh nghiệp viễn thông
phải kết hợp chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng hạ tầng viễn thông; tạo điều
kiện hỗ trợ nhau trong việc cho thuê hạ tầng để sử dụng chung mạng ngoại vi
trong khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ và khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu
ngầm hóa hoàn toàn theo Chỉ thị số 44/2005/CT-UBND ngày 03/10/2005 của Chủ tịch
UBND tỉnh.
Trong quá trình quy hoạch, phát
triển đô thị, giao thông, yêu cầu các đơn vị phải phối hợp với các doanh nghiệp
viễn thông để cùng xây dựng đồng bộ các tuyến cống bể theo định hướng dùng
chung, đảm bảo việc đầu tư nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao tính cạnh
tranh, lợi ích lâu dài, đảm bảo mỹ quan đô thị.
2. Tăng cáp quang thay dần cáp đồng,
giải phóng cống bể để triển khai kế hoạch chuyển dần cáp treo xuống cống, bể.
Đưa kết cuối cáp đi ngầm đến tận thuê bao ở khu vực thành phố nhằm thực hiện
đúng lộ trình ngầm hóa đến năm 2010.
3. Đầu tư xây dựng hệ thống cống,
bể cáp mới phải bảo đảm cho việc phát triển thuê bao dài hạn và đáp ứng yêu cầu
sử dụng chung hạ tầng.
4. Đầu tư xây dựng hạ tầng viễn
thông phải phù hợp với quy hoạch phát triển chung của ngành đã được phê duyệt.
5. Xây dựng các trạm ăngten thu
phát sóng thông tin di động (BTS) theo tiêu chí tăng số lượng và giảm dần chiều
cao, bảo đảm cảnh quan và an toàn, đáp ứng yêu cầu sử dụng hạ tầng chung.
Điều 9.
Chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng viễn thông
1. Sở Thông tin và Truyền thông
tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy mọi thành
phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, thúc đẩy thị trường
viễn thông có sức cạnh tranh lành mạnh, công bằng, phát triển hài hòa, phát huy
tối đa hiệu quả dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông phù hợp với tình hình địa
phương;
2. Tại các khu quy hoạch, khu
công nghiệp khi triển khai xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Ủy
ban Nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển hạ tầng
viễn thông, trên nguyên tắc tỉnh dành những ưu đãi tối đa và tạo mọi điều kiện
thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế
trong và ngoài nước tham gia đầu tư để phát triển mạng lưới và kinh doanh hạ tầng
viễn thông.
Điều 10. Giải
pháp phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông
1. Đầu tư xây dựng mới trạm
BTS phải đúng theo quy hoạch và phải đảm bảo nhu cầu sử dụng chung nhà trạm, cột
ăngten nhằm hạn chế phát triển về số lượng cột ăngten.
2. Thiết kế ăng ten và nhà trạm
phải đủ dung lượng, diện tích cho từ 3 doanh nghiệp trở lên sử dụng chung.
3. Các doanh nghiệp viễn thông
phải báo cáo Kế hoạch hàng năm phát triển hạ tầng viễn thông về Sở Thông tin và
Truyền thông vào đầu quý 4 của năm trước để Sở Thông tin và Truyền thông xem
xét, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp điều phối, thống nhất giữa các doanh nghiệp
nhằm tránh phát triển, xây dựng chồng chéo gây lãng phí và ảnh hưởng đến quy hoạch
chung.
4. Trong khi chưa có hệ thống cống
bể kỹ thuật (dự án của thành phố Huế), các Doanh nghiệp viễn thông liên hệ với
Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Huế để tận
dụng năng lực hệ thống cống bể của công trình đô thị nhằm giải quyết nạn ách tắc
về hạ tầng ngầm đối với các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển mạng điện thoại
cố định.
5. Các doanh nghiệp có các tuyến
cáp treo trong khu vực thành phố, thị trấn thì phải có kế hoạch ngầm hóa theo lộ
trình ngầm hóa từ nay đến năm 2010. Sau năm 2010 Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý những
trường hợp vi phạm quy định ngầm hoá mạng lưới viễn thông của tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
Phân công trách nhiệm
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Xây dựng và đề xuất với Ủy ban
Nhân dân tỉnh về cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng cơ sở hạ
tầng viễn thông;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ban ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện quản lý chặt chẽ việc đầu
tư phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn;
- Tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh
về phát triển hạ tầng viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn đảm bảo tính đồng
bộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển;
- Kết nối các doanh nghiệp viễn
thông trên địa bàn nhằm tận dụng hạ tầng sẳn có để hỗ trợ cho nhau cùng phát
triển.
2. Sở Giao thông vận tải:
Kịp thời thông báo cho các doanh
nghiệp viễn thông trên địa bàn biết kế hoạch xây dựng, sửa chữa nâng cấp các
tuyến giao thông trên địa bàn để doanh nghiệp chủ động phối hợp di chuyển cũng
như phối hợp đầu tư, mở rộng tuyến cống bể để tiết kiệm chi phí, hạn chế đào bới
cũng như tránh thiệt hại và mất liên lạc do sự cố trong quá trình thi công.
3. Sở Xây dựng:
- Chủ trì xây dựng quy định và
hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trong vấn đề quy hoạch xây dựng hạ tầng viễn
thông phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh;
- Thông tin về quy hoạch, kế hoạch
đầu tư xây dựng và kế hoạch giải tỏa, di dời… ở đô thị cho các doanh nghiệp viễn
thông biết để chủ động phối hợp với các đơn vị thi công triển khai quản lý và
phát triển mạng lưới;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông
tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện xây dựng quy định,
hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp về xây dựng trạm BTS trên địa bàn tỉnh
đúng với quy hoạch kiến trúc, đô thị của tỉnh.
4. Ủy ban Nhân dân các huyện,
thành phố Huế:
Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối
hợp với các cơ quan liên quan để quản lý chặt chẽ về hạ tầng viễn thông trên địa
bàn và hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ
sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn đúng quy định.
Điều 12.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh căn cứ Quy
định này có giải pháp, kế hoạch cụ thể về việc phát triển hạ tầng viễn thông
phù hợp.
Điều 13.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc các Sở,
Ban ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế, các doanh nghiệp
viễn thông kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo
cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.