ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 476/KH-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 27 tháng 12 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
CHIẾN LƯỢC HẠ TẦNG SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN
NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày
24 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Luật An toàn thông
tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng
ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số
50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của
Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Căn cứ Nghị quyết số
54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh
tế giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số
1132/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban
hành Kế hoạch thực hiện “Chiến lược hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Hạ tầng số là hạ tầng của nền
kinh tế: hạ tầng số của Thừa Thiên Huế (bao gồm 04 thành phần chính: Hạ tầng viễn
thông và Internet; Hạ tầng dữ liệu; Hạ tầng vật lý - số; Hạ tầng tiện ích số và
Công nghệ số như dịch vụ) phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ
cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh
tế số, xã hội số, Chính phủ số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Hạ tầng số tại Thừa Thiên Huế
tiên tiến, hiện đại: Hạ tầng số được Nhà nước ưu tiên phát triển và bảo vệ như
hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng.
3. Phát triển đồng bộ: Hạ tầng
số được quy hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng
điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.
Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số có hiệu quả trên cơ sở dùng
chung, chia sẻ hạ tầng.
4. Nhà nước mạnh, thị trường mạnh:
Nhà nước kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc
các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số. Thị trường sản
phẩm, dịch vụ hạ tầng số phát triển nhanh, bền vững trong môi trường cạnh tranh
bình đẳng, lành mạnh. Phát triển các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư
nhân tại Thừa Thiên Huế có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh
tranh, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong phát triển hạ tầng số.
5. An toàn, an ninh mạng là điều
kiện tiên quyết đối với hạ tầng số trong toàn bộ quá trình thiết kế, thử nghiệm,
đánh giá, vận hành, khai thác: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng
yếu, xuyên suốt, không thể tách rời với phát triển hạ tầng số.
II. TẦM NHÌN
1. Hạ tầng số là nền tảng để Thừa
Thiên Huế trở thành tỉnh số hiện đại, thông minh.
2. Hạ tầng số Thừa Thiên Huế
tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn và bền vững, góp phần đưa Thừa
Thiên Huế đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao
vào năm 2045.
III. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu đến 2025:
- Phổ cập cáp quang đến các hộ
gia đình;
- 100% khu vực thành phố Huế,
các khu đô thị, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, nhà ga/cảng
biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G;
- Hình thành trung tâm dữ liệu
hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI Data Center);
- Phát triển các trung tâm dữ
liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu
quả sử dụng năng lượng (PUE - Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4;
- Trung bình mỗi người dân có
01 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things);
- Mỗi người dân có 01 định danh
số;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có
chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%.
- Phát triển các nền tảng cung
cấp các công nghệ số (IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, an ninh mạng,...)
như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế, xã hội.
2. Mục tiêu đến năm 2030
- 100% người sử dụng có khả
năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên;
- Mạng băng rộng di động 5G phủ
sóng 99% dân số;
- Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn
sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G;
- Tổng dung lượng cáp quang thiết
kế đáp ứng nhu cầu dự phòng tối thiểu 1+2 (dung lượng khả dụng gấp 03 lần dung
lượng sử dụng thực tế);
- Phát triển Trung tâm dữ liệu
siêu lớn (Hyperscale Data Center); Trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ
nhân tạo; Trung tâm dữ liệu biên đáp ứng yêu cầu trong tỉnh;
- Số lượng kết nối IoT đạt mức
trung bình cao của cả nước hoặc trung bình mỗi người dân 04 kết nối IoT;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có
chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%.
IV. NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Hạ tầng
viễn thông và Internet
a) Phổ cập kết nối tốc độ cao,
độ trễ thấp đến hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức bao gồm: cáp quang;
wifi thế hệ mới;…
b) Tăng cường đầu tư phát triển
các hệ thống truyền dẫn liên tỉnh, liên huyện dung lượng lớn, bảo đảm nhu cầu dự
phòng, kết nối đa dạng, an toàn, bền vững.
c) Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện
có, tiếp tục xây dựng và mở rộng mạng cáp quang băng rộng tốc độ cao đến các
thôn, bản trên toàn tỉnh, thực hiện phổ cập sẵn sàng kết nối cáp quang băng rộng
đến hộ gia đình có nhu cầu. Nghiên cứu, bổ sung tuyến cáp quang dọc theo các
tuyến đường cao tốc và các tuyến đường giao thông khác đáp ứng nhu cầu về dung
lượng truyền dẫn trong nước và phục vụ cho mục đích dự phòng.
d) Tập trung mở rộng vùng phủ
sóng, chất lượng dịch vụ mạng di động 5G tại các khu vực trọng điểm: Khu vực
hành chính công; khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch
trọng điểm; cơ sở y tế; các trường cao đẳng, đại học; đầu mối giao thông; hệ thống
đường bộ, đường sắt và đường thủy; trung tâm thương mại; khu dân cư phức hợp;
khu vực tập trung đông dân cư; các tòa nhà thương mại, khách sạn; các thị trấn
và khu vực trọng điểm ở nông thôn.
đ) Phát triển mạng di động 5G
và các thế hệ tiếp theo. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai các
công nghệ mới trong quá trình phát triển hạ tầng số như mạng di động 6G, Open
RAN, mô hình dữ liệu mở, …
e) Triển khai sử dụng địa chỉ
giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) cho toàn bộ mạng Internet tỉnh Thừa Thiên
Huế.
2. Hạ tầng
dữ liệu (trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây)
a) Phát triển, thu hút đầu tư
phát triển hạ tầng dữ liệu, bao gồm: các trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán
đám mây đạt tiêu chuẩn quốc tế, an toàn, bền vững, theo tiêu chuẩn xanh trên địa
bàn tỉnh.
b) Thu hút đầu tư trong và
ngoài nước triển khai các trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center);
Trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Trung tâm dữ liệu biên.
c) Phát triển các trung tâm dữ
liệu đa mục tiêu cấp vùng.
3. Hạ tầng
vật lý - số
a) Triển khai tích hợp cảm biến
và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng,
điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ
tầng số.
b) Phát triển hạ tầng vật lý -
số bảo đảm sự vận hành rộng khắp, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa sử dụng
tài nguyên, tăng sự linh hoạt trong triển khai các hệ thống giúp giảm thiểu thời
gian triển khai, nâng cao hiệu quả.
c) Xây dựng, thúc đẩy khả năng
tương tác, giao tiếp giữa các thiết bị IoT, mạng lưới thông qua các phần mềm
trung gian (Middleware).
d) Tận dụng cơ sở hạ tầng mạng
di động 4G, 5G cho các giải pháp IoT, khai thác sức mạnh của điện toán đám mây,
và tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển các
ngành công nghiệp.
đ) Thúc đẩy phát triển hạ tầng
vật lý - số trong các lĩnh vực có tác động lớn như giao thông thông minh, y tế
thông minh, giáo dục thông minh, nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, du
lịch thông minh… để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
e) Phát triển các bản sao kỹ
thuật số (Digital Twin) thực hiện mô phỏng và theo dõi hoạt động của vật thể
trong thế giới thực thông qua các dữ liệu và thông tin thu thập từ cảm biến,
thiết bị IoT và các nguồn dữ liệu khác, tăng cường tính minh bạch, đổi mới và
nâng cao hiệu quả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ công, sản xuất
công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, logistics, xây dựng…
4. Hạ tầng
tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ
a) Phát triển hạ tầng tiện ích
số và công nghệ số như dịch vụ, trọng tâm là các nền tảng: định danh số; xác thực
số; thanh toán số, hóa đơn số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xác thực văn bản số;
chữ ký số và chứng thực chữ ký số.
b) Tiện ích số được thiết kế để
cung cấp hạ tầng mềm cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các chức năng cốt
lõi của giao dịch số - bắt đầu từ danh tính số, thanh toán số, hóa đơn số, xác
minh tài liệu số và trao đổi dữ liệu. Các tiện ích số và các nền tảng cung cấp
công nghệ số như dịch vụ mới sẽ được phát triển đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế
số, xã hội số.
c) Phát triển các nền tảng cung
cấp công nghệ số như dịch vụ sử dụng ít dữ liệu hơn, cần ít sức mạnh tính toán
hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn cung cấp công nghệ AI, blockchain, IoT như dịch
vụ.
d) Sử dụng dịch vụ công nghệ
AI, blockchain, IoT để thông minh hoá, tự động hoá các hoạt động kinh tế, xã hội.
V. GIẢI PHÁP
1. Hoàn
thiện thể chế
a) Nghiên cứu, ban hành Quy định
theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng, giá
cước phù hợp; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; bảo vệ người sử dụng; thu hút đầu
tư trong và ngoài nước; ứng phó, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật
trên hạ tầng viễn thông; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
b) Xây dựng, hoàn thiện các văn
bản quy phạm pháp luật khác tạo hành lang pháp lý cho phát triển hạ tầng số.
c) Nghiên cứu, xây dựng chính
sách thúc đẩy việc cấp, sử dụng chữ ký số để phù hợp với điều kiện kinh tế và
tăng số lượng cá nhân tham gia thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch điện tử.
2. Ưu
tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng
a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
ban hành các chính sách, quy định bảo đảm hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác
(giao thông, điện, chiếu sáng…) phải cho hạ tầng viễn thông được chia sẻ, dùng
chung nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông, bảo đảm hiệu quả đầu tư chung
của nền kinh tế.
b) Hoàn thiện các chính sách,
thúc đẩy, bảo đảm trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải sẵn
sàng cho phát triển hạ tầng số (ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để
phát triển hạ tầng băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm
trung chuyển Internet, trạm cập bờ kết nối quốc tế…).
c) Xây dựng trung tâm dữ liệu cấp
vùng theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, kết hợp đồng bộ với hạ tầng
điện, kết nối cáp quang, mạng cáp quang trục trong tỉnh, trạm trung chuyển Internet.
d) Hoàn thiện chính sách, bảo đảm
khả năng triển khai hạ tầng băng rộng đồng bộ với hạ tầng ngành khác (giao
thông, xây dựng, cấp thoát nước, chiếu sáng, năng lượng) theo nguyên tắc tăng
cường chia sẻ, dùng chung.
đ) Tăng cường phối hợp, chia sẻ,
sử dụng chung hạ tầng viễn thông để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng
hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai
các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động, tích cực).
e) Triển khai xây dựng quy hoạch
hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.
g) Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng
dùng chung giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật để
mở rộng vùng phủ sóng mạng di động 4G, 5G cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư.
h) Nghiên cứu, triển khai sử dụng
thông tin liên lạc vệ tinh để phủ sóng các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc miền
núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
i) Đẩy mạnh giám sát và phân
tích các chỉ số chất lượng về trải nghiệm của người sử dụng.
k) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo,
phát triển các ứng dụng cho công nghệ di động 5G phục vụ các ngành kinh tế.
3. Huy động
nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện
a) Nhà nước bảo đảm kinh phí để
thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch này do Nhà nước đặt hàng, giao
nhiệm vụ, đấu thầu thực hiện.
b) Doanh nghiệp viễn thông có
phương án nghiên cứu chuyển đổi thành doanh nghiệp hạ tầng số, chuyển đổi nguồn
nhân lực, nâng cao tỷ trọng chuyên gia công nghệ số.
c) Ưu tiên nguồn vốn khoa học
và công nghệ, nguồn vốn từ các chương trình quốc gia để phát triển công nghệ số,
chương trình phát triển sản phẩm quốc gia để phát triển sản phẩm công nghệ số,
dịch vụ số, giải pháp phát triển hạ tầng số và các nhiệm vụ nghiên cứu, phát
triển, chuyển giao công nghệ hạ tầng số.
d) Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp
tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số.
đ) Tổ chức thực hiện, sử dụng
hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để thực hiện
hỗ trợ phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ viễn thông băng rộng cố định, băng rộng
di động tại các khu vực biên giới, miền núi, vùng cao, vùng bãi ngang, ven biển,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn và các khu vực khó có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường;
kết hợp bảo vệ khu vực biên giới trên đất liền và chủ quyền vùng biển, hải đảo.
e) Phát triển, đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao về công nghệ số, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng số;
Tạo mối liên kết về nhân lực giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu với các doanh
nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số.
4. Bảo đảm
an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng
a) Thực thi văn bản quy phạm
pháp luật, chính sách và văn bản hướng dẫn thi hành về bảo đảm an toàn, an ninh
mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
b) Xử lý các nguồn phát tán
thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
c) Các doanh nghiệp cung cấp hạ
tầng số có trách nhiệm từ chối hợp tác, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp
có hành vi vi phạm pháp luật và không để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có
hành vi vi phạm pháp luật sử dụng hạ tầng của mình.
d) Bảo vệ quyền lợi người sử dụng,
ứng phó, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên hạ tầng viễn thông.
đ) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
cho hạ tầng số bao gồm việc triển khai các biện pháp để bảo vệ nhiều lớp, giám
sát, cảnh báo sớm, ứng cứu sự cố, phục hồi hệ thống kịp thời.
5. Nghiên cứu
phát triển
a) Nghiên cứu, ứng dụng các
công nghệ mới trong triển khai mạng truy nhập Internet băng rộng bao gồm vệ
tinh quỹ đạo tầm thấp (Low Earth Orbit - LEO),… để phục vụ nhu cầu của người
dân trong việc sử dụng các dịch vụ truy nhập băng rộng ở các vùng sâu, vùng xa,
hải đảo; đồng thời đảm bảo hạ tầng cho các ứng dụng kết nối IoT (phòng chống
thiên tai, cảnh báo thảm họa).
b) Phát triển sản phẩm Make in
Việt Nam, phát triển hạ tầng số. Triển khai thương mại hóa mạng di động 5G và
điện toán đám mây để hiện đại hóa hạ tầng số Việt Nam.
c) Thúc đẩy nghiên cứu, phát
triển, ứng dụng các hạ tầng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, IoT,
dữ liệu lớn.
d) Nghiên cứu phát triển các nền
tảng cung cấp công nghệ số như dịch vụ có tính chất nền tảng cấp quốc gia.
đ) Phát triển mạng di động 6G
thông qua hệ sinh thái mở (thiết bị, giải pháp, ứng dụng….) gồm các thành phần:
nền tảng mở, công nghệ mở, mã nguồn mở,...
e) Nghiên cứu, phát triển hạ tầng
khóa công khai, thúc đẩy phát triển giao dịch điện tử.
g) Tăng cường nghiên cứu khoa học
công nghệ trong các lĩnh vực: tính toán và lưu trữ phân tán, thuật toán mã hoá,
cơ chế đồng thuận, hợp đồng thông minh… Nghiên cứu, phát triển nền tảng cơ bản
của AI, blockchain, IoT.
6. Đo lường,
quản lý, giám sát
a) Triển khai các hệ thống đo
lường, giám sát, quản lý nhà nước về hạ tầng số.
b) Thực hiện khảo sát, thu thập
số liệu, công bố kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp
phát triển hạ tầng số tại tỉnh.
7. Hợp tác
trong nước và hợp tác quốc tế
a) Hợp tác với các tổ chức,
doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao
công nghệ số.
b) Hợp tác giữa cơ quan nhà nước
và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển các hạ tầng số.
8. Tuyên
truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số
a) Truyền thông về “Phát triển
hạ tầng số với hệ sinh thái mở, tạo niềm tin số” trên địa bàn tỉnh.
b) Tổ chức các hội thảo, hội
nghị về hạ tầng số, kết hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến về ý
nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số từ đó thay đổi căn bản được
thói quen của người dân khi sống trong môi trường xã hội số mới.
c) Tuyên truyền, phổ biến những
đặc tính, khả năng đáp ứng, cung cấp dịch vụ của hạ tầng băng rộng cố định,
băng rộng di động chất lượng cao (5G, 6G) để các cá nhân, tổ chức nắm bắt, xác
định nhu cầu (về tốc độ, độ trễ, …) theo từng mục đích sử dụng (y tế, giáo dục,
thương mại điện tử,…) từ đó đặt hàng các doanh nghiệp hạ tầng số thiết lập cung
cấp.
d) Truyền thông, phổ biến các kỹ
năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng
Internet, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo
đảm an toàn thông tin cá nhân.
đ) Triển khai các chiến dịch
tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc chuyển đổi từ hạ tầng công
nghệ thông tin đơn lẻ sang điện toán đám mây nhằm tăng tỷ lệ sử dụng điện toán
đám mây của các doanh nghiệp trong nước.
VI. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện kế hoạch
bao gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng
đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Ngân sách nhà nước được đảm
bảo để phục vụ các hoạt động do các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh chủ trì thực hiện
theo quy định.
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền
thông
a) Chủ trì tổ chức triển khai
thực hiện Kế hoạch này, triển khai các hệ thống giám sát, quản lý, đo lường,
đánh giá phát triển hạ tầng số bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp của Kế hoạch này.
b) Hướng dẫn, đôn đốc các sở,
ban, ngành, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch
này.
c) Nghiên cứu, đề xuất hoặc ban
hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng số;
tăng cường dùng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành và giữa các doanh nghiệp viễn
thông.
d) Thúc đẩy các doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số.
đ) Triển khai các nhiệm vụ, giải
pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng của tỉnh, chủ động ứng phó với các thách thức
từ không gian mạng.
e) Tham mưu ban hành hoặc đề xuất
cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, quy định hỗ trợ đầu tư phát triển hạ
tầng số, sử dụng chung hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật của các ngành giao
thông, năng lượng, chiếu sáng, cấp, thoát nước, hạ tầng công trình ngầm, hạ tầng
kỹ thuật khác.
g) Nghiên cứu xây dựng, ban
hành quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại tỉnh.
h) Phối hợp các cơ quan chuyên
môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về hạ tầng
số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển hạ tầng số.
i) Phối hợp với Sở, ban, ngành
liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình triển
khai hạ tầng số trên địa bàn tỉnh.
k) Chủ trì, hướng dẫn các cơ
quan báo chí thông tin, tuyên truyền về nội dung kế hoạch này và kết quả phát
triển hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
l) Là đầu mối tổng hợp, định kỳ
hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch này. Kịp thời tham mưu,
báo cáo UBND tỉnh các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai
đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên
Huế.
2. Công an tỉnh
a) Triển khai các nhiệm vụ, giải
pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng của tỉnh, chủ động ứng phó với các thách thức
từ không gian mạng theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10
tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Thực thi pháp luật về an
ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, áp dụng cơ chế ưu tiên bố trí
nguồn vốn đầu tư phát triển cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
4. Sở Xây dựng
a) Nghiên cứu xây dựng và hoàn
thiện các quy định về việc tích hợp các thành phần của hạ tầng số trong các
công trình xây dựng dân dụng.
b) Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan liên quan hướng
dẫn các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện việc xây dựng và phát
triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phù hợp với quy hoạch kiến trúc, đô
thị của tỉnh và quy định của pháp luật về xây dựng.
5. Sở Giao thông vận tải
Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện
các quy định về việc tích hợp các thành phần của hạ tầng số trong các công
trình giao thông.
6. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Sở
Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, áp dụng cơ chế ưu tiên bố trí kinh phí
chi thường xuyên cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.
b) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế,
chính sách ưu đãi về thuế, phí để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
phát triển hạ tầng số.
7. Sở Công Thương
Xây dựng chính sách phát triển
các hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng các giải
pháp hợp đồng điện tử trong thương mại, hỗ trợ giải quyết tranh chấp trực tuyến
trong thương mại; nghiên cứu, xây dựng và phát triển giải pháp đảm bảo giao dịch
trong thương mại điện tử kết hợp với thanh toán điện tử, góp phần giảm tỷ lệ sử
dụng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử.
8. Các Sở, ban, ngành khác
a) Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông tổ chức thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật và chức
năng nhiệm vụ được giao.
b) Công bố kế hoạch đầu tư, cải
tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị để các doanh nghiệp viễn thông phối hợp
triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các ngành giao thông, năng
lượng, chiếu sáng, cấp, thoát nước, hạ tầng công trình ngầm, hạ tầng kỹ thuật
khác.
9. Ngân hàng Nhà nước Thừa
Thiên Huế
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng hạ tầng số để cung cấp đa dạng các sản phẩm
dịch vụ trong hoạt động ngân hàng.
10. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện
Kế hoạch phát triển hạ tầng số của cấp huyện phù hợp với Kế hoạch này.
b) Công bố kế hoạch đầu tư, cải
tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị để các doanh nghiệp phối hợp triển khai đầu
tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các ngành giao thông, năng lượng, chiếu
sáng, cấp, thoát nước, hạ tầng công trình ngầm, hạ tầng kỹ thuật khác.
c) Hỗ trợ, tạo điều kiện các
doanh nghiệp viễn thông triển khai các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số trên địa
bàn quản lý phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh.
d) Phối hợp các phòng chuyên
môn thuộc Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về hạ tầng
số. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi
phạm về xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo đúng quy
định của pháp luật.
đ) Rà soát, đánh giá chất lượng
thiết bị kỹ thuật của đài truyền thanh cấp xã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển
khai hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên
địa bàn tỉnh.
11. Các doanh nghiệp viễn
thông, Internet, doanh nghiệp cung cấp trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây,
doanh nghiệp cung cấp hạ tầng công nghệ số, doanh nghiệp chủ quản nền tảng cung
cấp công nghệ số như dịch vụ
a) Triển khai thực hiện các nhiệm
vụ trong Kế hoạch phù hợp ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
b) Tuân thủ các quy định về cấp
phép và quản lý xây dựng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ
động; chấp hành các quy định về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật; tăng cường việc
chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật liên ngành; xác định
giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung do doanh nghiệp đầu
tư.
c) Phối hợp với các Sở, ngành,
các đơn vị và các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư hạ tầng, thống nhất phương
án đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng các công
trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ với đầu tư các công trình hạ
tầng kỹ thuật khác.
d) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất
báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ
theo hướng dẫn, yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.
12. Các cơ quan Đài, báo chí
trên địa bàn tỉnh
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
về chiến lược phát triển hạ tầng số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng chuyên mục
tuyên truyền, phổ biến kết quả, thành tựu trong quá trình phát triển hạ tầng số
của tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch “Chiến lược
hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm
2030”. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố
Huế và các doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- CT và PCT UBND tỉnh;
- Như mục VII;
- Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế;
- VPUBND: CVP, PCVP;
- Lưu VT, CN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|