Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 73/2004/QĐ-BTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Lê Thị Băng Tâm
Ngày ban hành: 03/09/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73/2004/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 73/2004/QĐ-BTC NGÀY 3 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VÀ CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Căn cứ Nghị định 77/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 7 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3: Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty quản lý quỹ và các bên liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VÀ CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quyết định số73 /2004/QĐ-BTC ngày 3 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc tổ chức và hoạt động của các công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát, việc huy động vốn, lập và hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán (sau đây gọi tắt là Quỹ) và hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ cho quỹ đầu tư chứng khoán trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Trong quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vốn điều lệ quỹ là số vốn bằng tiền do tất cả người đầu tư thực góp và được ghi trong Điều lệ quỹ.

2. Đơn vị quỹ là vốn điều lệ quỹ được chia thành nhiều phần bằng nhau.

3. Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán (sau đây gọi tắt là chứng chỉ quỹ) là một loại chứng khoán dưới hình thức chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ do công ty quản lý quỹ thay mặt Quỹ công chúng phát hành, xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của người đầu tư đối với một hoặc một số đơn vị quỹ của một Quỹ công chúng. Chứng chỉ quỹ có mệnh giá thống nhất là 10.000 VND.

4. Quỹ công chúng là Quỹ có chứng chỉ quỹ được phát hành ra công chúng.

5. Quỹ thành viên là Quỹ được lập bằng vốn góp của tối đa 49 thành viên góp vốn và không phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng.

6. Người đầu tư là cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài đầu tư vào Quỹ.

7. Thành viên góp vốn là người đầu tư tham gia góp vốn vào Quỹ thành viên.

8. Giá trị tài sản ròng của Quỹ là tổng giá trị các tài sản của Quỹ trừ đi tổng nợ phải trả của Quỹ tại thời điểm tính toán.

Chương 2:

QUỸ CÔNG CHÚNG

Điều 3. Điều kiện phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng

1. Việc phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép.

2. Tổng giá trị chứng chỉ quỹ xin phép phát hành đạt ít nhất 5 tỷ đồng.

3. Có phương án về việc đầu tư vốn thu được từ đợt phát hành chứng chỉ quỹ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4. Hồ sơ xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng

Hồ sơ xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng bao gồm:

1. Đơn xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng (theo Phụ lục số 01 kèm theo Quy chế này);

2. Dự thảo Điều lệ quỹ công chúng (theo Phụ lục số 02 kèm theo Quy chế này);

3. Bản cáo bạch (theo Phụ lục số 03 kèm theo Quy chế này);

4. Hợp đồng giám sát tài sản quỹ giữa công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát đã được hai bên chấp thuận về nguyên tắc;

5. Cam kết của các sáng lập viên về việc không chuyển nhượng chứng chỉ quỹ mà mình sở hữu trong 02 năm, kể từ ngày phát hành.

Điều 5. Cấp phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng

1. Hồ sơ xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng được lập thành 02 bộ (01 bộ bản chính và 01 bộ bản sao) và được gửi đến UBCKNN.

2. Việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ được tiến hành khi công ty quản lý quỹ thấy cần sửa đổi, bổ sung hoặc UBCKNN yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Bản sửa đổi, bổ sung phải có chữ ký của những người đã ký trong hồ sơ đăng ký phát hành gửi UBCKNN hoặc của những người có cùng chức danh với những người nói trên.

3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, UBCKNN cấp giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng. Trường hợp từ chối cấp giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng, UBCKNN có văn bản giải thích rõ lý do.

Điều 6. Thông tin trước khi phát hành và công bố việc phát hành

1. Trong thời gian UBCKNN xem xét hồ sơ xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng, công ty quản lý quỹ, tổ chức bảo lãnh phát hành và các đối tượng có liên quan không được quảng cáo, chào mời và phân phối chứng chỉ quỹ ra công chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Tài liệu dùng để thăm dò thị trường không được có những thông tin sai lệch so với những nội dung chính trong Bản cáo bạch đã gửi UBCKNN.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày UBCKNN cấp giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng, công ty quản lý quỹ phải công bố việc phát hành trên một (01) tờ báo trung ương hoặc một (01) tờ báo địa phương nơi công ty quản lý quỹ đặt trụ sở chính với các nội dung quy định tại mẫu Thông báo phát hành (theo Phụ lục số 04 kèm theo Quy chế này).

3. Các tài liệu phục vụ cho việc phát hành bao gồm: bản Thông báo phát hành, Bản cáo bạch và tài liệu bổ sung Bản cáo bạch (nếu có) đã được UBCKNN chấp thuận. Công ty quản lý quỹ và các tổ chức, cá nhân liên quan không được phân phát các tài liệu có thông tin sai lệch gây hiểu nhầm cho người đầu tư.

Điều 7. Phân phối chứng chỉ quỹ

1. Công ty quản lý quỹ, tổ chức phân phối và tổ chức bảo lãnh phát hành không được phân phối chứng chỉ quỹ khi chưa thực hiện công bố việc phát hành và cung cấp Bản cáo bạch, dự thảo Điều lệ quỹ và các tài liệu khác có liên quan cho người đầu tư.

2. Công ty quản lý quỹ và các tổ chức liên quan phải phân phối chứng chỉ quỹ một cách công bằng và phải đảm bảo thời hạn đăng ký mua chứng chỉ quỹ cho người đầu tư tối thiểu là 15 ngày làm việc kể từ ngày giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng có hiệu lực. Các nguyên tắc và cơ chế ưu tiên trong việc đăng ký mua và phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư phải được công bố rõ cho người đầu tư trong Bản cáo bạch.

3. Công ty quản lý quỹ hoặc tổ chức phân phối phải hoàn thành đợt phân phối chứng chỉ quỹ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng có hiệu lực. Khi hết thời hạn trên, nếu còn chứng chỉ quỹ chưa bán hết, công ty quản lý quỹ muốn phân phối tiếp phải có văn bản đề nghị UBCKNN gia hạn giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng, trong đó nêu rõ lý do và phương án phân phối số chứng chỉ quỹ còn lại.

4. Số tiền mua chứng chỉ quỹ phải được chuyển vào tài khoản phong toả mở tại ngân hàng giám sát cho đến khi hoàn tất đợt phát hành.

5. Trường hợp người đầu tư bị thiệt hại do thông tin trong Bản cáo bạch và các tài liệu phát hành khác là sai lệch hoặc che giấu sự thực thì công ty quản lý quỹ soạn thảo hồ sơ xin phép phát hành sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.

6. Công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát lập và lưu giữ sổ đăng ký người đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ kể từ khi kết thúc đợt phát hành. Sổ đăng ký người đầu tư bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a. Tên Quỹ;

b. Tên, số giấy phép, địa chỉ trụ sở chính của công ty quản lý quỹ;

c. Tên, số giấy phép, địa chỉ trụ sở chính của ngân hàng giám sát;

d. Tổng số đơn vị quỹ được quyền chào bán;

e. Tổng số đơn vị quỹ đã bán và giá trị vốn đã góp;

f. Tên người đầu tư, địa chỉ, số lượng đơn vị quỹ và tỷ lệ trên vốn điều lệ quỹ do người đầu tư nắm giữ, ngày đăng ký sở hữu.

Điều 8. Đình chỉ phát hành và thu hồi giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng

Việc đình chỉ phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng và thu hồi giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng được thực hiện theo quy định tại Điều 79 và Điều 80 Nghị định số 144/2003/ NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 144/2003/NĐ-CP).

Điều 9. Báo cáo kết quả đợt phát hành

Trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc đợt phát hành, công ty quản lý quỹ phải công bố công khai và báo cáo UBCKNN về kết quả đợt phát hành. Nội dung báo cáo gửi UBCKNN bao gồm tổng vốn huy động của Quỹ công chúng và danh sách người đầu tư có xác nhận của ngân hàng giám sát, trong đó nêu chi tiết giá trị góp vốn, số đơn vị quỹ và tỷ lệ sở hữu của từng người đầu tư.

Điều 10. Thủ tục đăng ký lập Quỹ công chúng và niêm yết chứng chỉ quỹ

1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ phiên họp Đại hội người đầu tư đầu tiên sau khi kết thúc đợt phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng, công ty quản lý quỹ gửi UBCKNN hồ sơ xin đăng ký lập Quỹ công chúng và niêm yết chứng chỉ quỹ bao gồm:

a. Đơn đăng ký lập Quỹ công chúng và niêm yết chứng chỉ quỹ (theo Phụ lục số 05 kèm theo Quy chế này);

b. Bản cáo bạch;

c. Điều lệ quỹ và Hợp đồng giám sát đã được Đại hội người đầu tư thông qua;

d. Danh sách và lý lịch tóm tắt của thành viên Ban đại diện quỹ; cam kết bằng văn bản của các thành viên độc lập trong Ban đại diện quỹ về sự độc lập của mình với công ty quản lý quỹ;

e. Cam kết của sáng lập viên và thành viên Ban đại diện quỹ về việc không chuyển nhượng chứng chỉ quỹ mà mình sở hữu trong 02 năm kể từ ngày niêm yết;

f. Biên bản và các tài liệu khác liên quan đến cuộc họp Đại hội người đầu tư.

2. Công ty quản lý quỹ phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ và chính xác của hồ sơ. Trường hợp phát hiện hồ sơ đã nộp cho UBCKNN chưa đầy đủ, có những thông tin không chính xác hoặc có những sự kiện mới phát sinh ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp, công ty quản lý quỹ phải báo cáo UBCKNN để sửa đổi, bổ sung kịp thời vào hồ sơ đăng ký lập Quỹ công chúng và niêm yết chứng chỉ quỹ.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, UBCKNN cấp chứng nhận đăng ký lập Quỹ công chúng và niêm yết chứng chỉ quỹ. Trường hợp từ chối, UBCKNN giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Điều 11. Thu nhập, chi phí và phân phối thu nhập của Quỹ công chúng

1. Quỹ công chúng có những khoản thu nhập sau:

Cổ tức;

Lãi trái phiếu;

Lãi tiền gửi;

Chênh lệch mua bán từ các hoạt động đầu tư của Quỹ;

Các khoản thu nhập khác.

2. Các chi phí của Quỹ công chúng phải được quy định cụ thể tại Điều lệ quỹ bao gồm:

a. Phí quản lý quỹ và thưởng (nếu có) trả cho công ty quản lý quỹ;

b. Phí trả cho các dịch vụ giám sát, bảo quản tài sản quỹ do ngân hàng giám sát thực hiện;

c. Phí và lệ phí mà Quỹ phải thanh toán theo quy định của pháp luật;

d. Chi phí phát sinh liên quan đến các khoản vay của Quỹ phù hợp với Điều lệ quỹ và quy định của pháp luật;

e. Chi phí liên quan đến việc kiểm toán Quỹ;

f. Chi phí liên quan đến việc thuê các tổ chức độc lập cung cấp dịch vụ tư vấn định giá, đánh giá tài sản quỹ và tư vấn luật nhằm bảo vệ quyền lợi người đầu tư;

g. Chi phí liên quan đến việc tổ chức, triệu tập họp thường niên của Đại hội người đầu tư và Ban đại diện quỹ;

h. Các chi phí khác theo quy định của Điều lệ quỹ.

3. Việc phân phối thu nhập của Quỹ công chúng phải tuân thủ các quy định sau:

a. Phần còn lại của thu nhập của Quỹ công chúng sau khi trừ các chi phí của Quỹ công chúng được phân phối cho người đầu tư theo nguyên tắc: chỉ người đầu tư được ghi tên trong danh sách người đầu tư lập vào ngày đăng ký cuối cùng được quyền nhận thu nhập phân phối.

b. Quy trình và thủ tục phân phối thu nhập của Quỹ công chúng cho người đầu tư được thực hiện theo quy định pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán.

Điều 12. Xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ

1. Việc xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

a. Đối với chứng khoán niêm yết, giá của các chứng khoán niêm yết được xác định là giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày định giá theo quy định.

b. Đối với các tài sản không phải là chứng khoán niêm yết, việc xác định giá trị tài sản phải dựa trên một quy trình và phương pháp xác định giá trị tài sản được ngân hàng giám sát xác nhận và Ban đại diện quỹ, Đại hội người đầu tư phê chuẩn. Quy trình và phương pháp định giá phải khoa học, khách quan và được áp dụng thống nhất. Các bên tham gia định giá tài sản phải độc lập với công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát.

c. Đối với các loại tài sản khác của Quỹ như cổ tức, lãi nhận được, tiền mặt, giá trị của các tài sản này được tính theo giá trị thực tế tại thời điểm xác định.

d. Tổng nợ phải trả của Quỹ là các khoản nợ hoặc các nghĩa vụ thanh toán của Quỹ tính đến thời điểm xác định giá trị.

2. Giá trị đơn vị quỹ bằng giá trị tài sản ròng của Quỹ chia cho tổng số đơn vị quỹ đang lưu hành.

3. Giá trị tài sản ròng của Quỹ công chúng phải được xác định một tuần một lần và phải được thông báo công khai cho người đầu tư vào ngày làm việc tiếp theo.

Điều 13. Các hạn chế đầu tư của Quỹ công chúng

1. Vốn và tài sản của Quỹ công chúng chỉ được đầu tư vào chứng khoán hoặc tài sản khác phù hợp với Điều lệ quỹ và quy định của pháp luật. Việc đầu tư vốn và tài sản của Quỹ công chúng phải tuân thủ các hạn chế sau:

a. Một Quỹ công chúng không được góp vốn hoặc đầu tư vào chứng chỉ quỹ của chính Quỹ công chúng đó hoặc của một Quỹ khác;

b. Một Quỹ công chúng không được đầu tư vào quá 15% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành;

c. Một Quỹ công chúng không được đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành;

d. Một Quỹ công chúng không được đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản quỹ vào bất động sản;

e. Một Quỹ công chúng không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản Quỹ vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau;

f. Vốn và tài sản của Quỹ công chúng không được dùng để cho vay hoặc bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào; không được phép vay để tài trợ cho hoạt động của Quỹ công chúng, trừ trường hợp vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho Quỹ công chúng. Tổng giá trị các khoản vay của Quỹ công chúng không được vượt quá 1% giá trị tài sản ròng của Quỹ công chúng tại mọi thời điểm. Thời hạn vay tối đa không được quá 30 ngày;

g. Các Quỹ công chúng không bị hạn chế đầu tư vào các loại trái phiếu Chính phủ.

2. Cơ cấu đầu tư của Quỹ công chúng có thể sai lệch nhưng không vượt quá 10% so với các hạn chế đầu tư quy định tại Khoản 1 Điều này và sai lệch phải là kết quả của việc tăng hoặc giảm thị giá tài sản đầu tư và các khoản thanh toán hợp pháp của Quỹ công chúng. Trong trường hợp này, công ty quản lý quỹ không được tiến hành đầu tư vốn và tài sản quỹ vào các tài sản đang có sai lệch trên và trong vòng 3 tháng kể từ ngày sai lệch phát sinh phải có biện pháp khắc phục. Công ty quản lý quỹ phải báo cáo UBCKNN và công bố thông tin cho người đầu tư về nguyên nhân của các sai lệch trên và biện pháp khắc phục, kết quả của việc khắc phục.

Điều 14. Giao dịch tài sản của Quỹ công chúng với người liên quan của công ty quản lý quỹ

1. Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc (Giám đốc, Phó Giám đốc), thành viên Hội đồng quản trị công ty quản lý quỹ, người điều hành quỹ hoặc người có liên quan không được phép mua tài sản của Quỹ công chúng cho công ty hoặc cho chính mình hoặc bán tài sản của mình cho Quỹ công chúng.

2. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, các giao dịch tài sản của Quỹ công chúng mà công ty quản lý quỹ hoặc người có liên quan của công ty quản lý quỹ có tham gia dưới mọi hình thức phải tuân thủ các quy định sau:

a. Tài sản giao dịch không được là bất động sản;

b. Giao dịch phải được ngân hàng giám sát và toàn bộ thành viên độc lập của Ban đại diện quỹ chấp thuận.

3. Trường hợp công ty quản lý quỹ hoặc người có liên quan của công ty quản lý quỹ có quan hệ hợp tác, cùng lợi ích với Quỹ công chúng trong giao dịch tài sản quỹ, việc phân bổ quyền lợi, tài sản phải được thực hiện công bằng. Các bên không được sử dụng tài sản Quỹ công chúng để thu lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho chính mình ngoài lợi ích trực tiếp từ phần tham gia của mình trong giao dịch, hoặc thực hiện mục tiêu khác mục tiêu giao dịch, đầu tư của Quỹ công chúng.

Điều 15. Giải thể Quỹ

1. Việc giải thể Quỹ được tiến hành trong các trường hợp sau đây:

a. Quỹ kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ quỹ;

b. Đại hội người đầu tư quyết định giải thể Quỹ trước thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ quỹ.

2. Trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát chịu trách nhiệm hoàn tất việc thanh lý tài sản quỹ và hoàn trả tài sản quỹ cho người đầu tư.

3. Tối thiểu 3 tháng trước ngày tiến hành giải thể, Ban đại diện quỹ phải triệu tập Đại hội người đầu tư và trình phương án giải thể Quỹ để Đại hội người đầu tư quyết định. Phương án giải thể Quỹ phải được UBCKNN chấp thuận.

4. Tiền thu được từ việc thanh lý tài sản quỹ và các tài sản còn lại trong khi giải thể được thanh toán theo trật tự ưu tiên sau:

a. Thanh toán nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (nếu có);

b. Thanh toán chi phí giải thể và các khoản nợ của Quỹ; các khoản phải trả cho công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát;

c. Các khoản phải trả hợp lệ khác theo quy định của pháp luật (nếu có);

d. Phần còn lại (nếu có) sau khi đã thanh toán theo các nghĩa vụ nêu trên được dùng để thanh toán cho người đầu tư tương ứng với tỷ lệ sở hữu của người đầu tư trong Quỹ.

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của người đầu tư

1. Tuân thủ Điều lệ quỹ; chấp hành Nghị quyết của Đại hội người đầu tư.

2. Thanh toán đủ tiền mua chứng chỉ quỹ và chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Quỹ công chúng trong phạm vi số vốn đã góp.

3. Hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của Quỹ công chúng tương đương với tỷ lệ góp vốn của mình trong Quỹ công chúng.

4. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thông qua Đại hội người đầu tư theo quy định tại Điều lệ quỹ.

5. Chuyển nhượng chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật; không được phép yêu cầu công ty quản lý quỹ hoặc ngân hàng giám sát thay mặt Quỹ công chúng mua lại chứng chỉ quỹ, trừ khi có quy định khác của pháp luật.

Điều 17. Đại hội người đầu tư

1. Đại hội người đầu tư lần đầu tiên khi thành lập Quỹ công chúng do công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát triệu tập.

2. Đại hội người đầu tư hàng năm do Ban đại diện quỹ triệu tập họp trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

3. Đại hội người đầu tư bất thường được Ban đại diện quỹ hoặc ngân hàng giám sát triệu tập họp trong những trường hợp sau đây:

a. Có những thay đổi quan trọng trong môi trường hoạt động đầu tư và tình hình đầu tư của Quỹ công chúng và quyết định các vấn đề quy định tại Điều 18 Quy chế này;

b. Công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát bị phá sản, bị đình chỉ hoạt động hoặc vi phạm nghiêm trọng Điều lệ quỹ;

c. Khi Ban đại diện quỹ hoặc ngân hàng giám sát nhận được yêu cầu của người đầu tư hoặc nhóm người đầu tư đại diện ít nhất 10% vốn điều lệ quỹ liên tục trong 6 tháng;

d. Các trường hợp khác do Điều lệ quỹ quy định.

4. Trường hợp Ban đại diện quỹ hoặc ngân hàng giám sát không triệu tập họp theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này, người đầu tư hoặc nhóm người đầu tư đại diện ít nhất 10% vốn điều lệ quỹ liên tục trong 6 tháng được quyền đứng ra triệu tập họp Đại hội người đầu tư.

5. Việc triệu tập họp Đại hội người đầu tư theo quy định tại các Khoản 3 và 4 Điều này phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày các tình huống đó xảy ra. Chậm nhất 10 ngày làm việc trước khi diễn ra cuộc họp Đại hội người đầu tư, bên triệu tập họp phải thông báo công khai cho người đầu tư về việc triệu tập họp Đại hội người đầu tư.

Điều 18. Quyền của Đại hội người đầu tư

Đại hội người đầu tư có quyền:

1. Bầu chủ tọa Đại hội.

2. Bầu, miễn nhiệm thành viên Ban đại diện quỹ, Chủ tịch Ban đại diện quỹ.

3. Quyết định thù lao và chi phí hoạt động của Ban đại diện quỹ.

4. Xem xét và xử lý các vi phạm của Ban đại diện quỹ, công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức có liên quan gây thiệt hại cho Quỹ công chúng.

5. Thông qua quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ, việc niêm yết chứng chỉ quỹ.

6. Thay đổi chính sách phân phối lợi nhuận.

7. Thay đổi chủ trương, chiến lược quan trọng, mục tiêu đầu tư của Quỹ công chúng và giải thể Quỹ công chúng.

8. Thay đổi mức phí trả cho công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát.

9. Yêu cầu công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát trình sổ sách hoặc thư từ giao dịch tại Đại hội người đầu tư.

10. Thông qua các báo cáo về tình hình tài chính, tài sản và hoạt động hàng năm của Quỹ công chúng.

11. Thông qua, sửa đổi, bổ sung hợp đồng giám sát tài sản quỹ.

12. Thay đổi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát.

13. Các quyền và nhiệm vụ khác quy định tại Điều lệ quỹ.

Điều 19. Điều kiện, thể thức tiến hành họp Đại hội người đầu tư

1. Cuộc họp Đại hội người đầu tư được tiến hành khi có số người đầu tư dự họp đại diện ít nhất 65% vốn điều lệ quỹ.

2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại Khoản 1 Điều này, thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuộc họp lần thứ nhất dự định khai mạc. Cuộc họp Đại hội người đầu tư triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số người đầu tư dự họp đại diện ít nhất 51% vốn điều lệ quỹ.

3. Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại Khoản 2 Điều này, thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày cuộc họp lần thứ hai dự định khai mạc. Trong trường hợp này, cuộc họp của Đại hội người đầu tư được tiến hành không phụ thuộc vào số người đầu tư dự họp.

4. Thể thức tiến hành họp Đại hội người đầu tư, hình thức biểu quyết do Điều lệ quỹ quy định.

Điều 20. Thông qua quyết định của Đại hội người đầu tư

1. Đại hội người đầu tư thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vấn đề cần biểu quyết không được tham gia biểu quyết.

2. Quyết định của Đại hội người đầu tư được thông qua tại cuộc họp khi:

a. Được số người đầu tư đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả người đầu tư dự họp chấp thuận;

b. Đối với quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ, giải thể Quỹ công chúng, phải được số người đầu tư đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả người đầu tư dự họp chấp thuận.

3. Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, thì quyết định của Đại hội người đầu tư được thông qua nếu được số người đầu tư đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của toàn bộ người đầu tư của Quỹ công chúng chấp thuận.

4. Ban đại diện quỹ, công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát có trách nhiệm tuân thủ Nghị quyết của Đại hội người đầu tư.

Điều 21. Báo cáo về Đại hội người đầu tư

1. Việc triệu tập họp và nội dung họp Đại hội người đầu tư phải được thông báo công khai cho người đầu tư và báo cáo UBCKNN chậm nhất 10 ngày làm việc trước khi tiến hành Đại hội.

2. UBCKNN có quyền yêu cầu thay đổi nội dung cuộc họp nếu thấy nội dung trái với quy định của pháp luật hoặc có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người đầu tư.

3. Trong vòng 10 ngày làm việc sau khi kết thúc họp Đại hội người đầu tư, Ban đại diện quỹ có trách nhiệm lập và gửi Biên bản và Nghị quyết Đại hội cho UBCKNN.

Điều 22. Ban đại diện quỹ

1. Ban đại diện quỹ đại diện cho quyền lợi của người đầu tư và có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều lệ quỹ. Các quyền và nghĩa vụ của Ban đại diện quỹ quy định tại Điều lệ quỹ phải bao hàm các nội dung chính sau:

a. Giám sát hoạt động của công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ cho Quỹ công chúng phù hợp với Điều lệ quỹ;

b. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình và phương pháp xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ công chúng;

c. Phê chuẩn các giao dịch của Quỹ công chúng với người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát phù hợp với quy định tại Điều 14 Quy chế này và quy định của Điều lệ quỹ;

d. Kiến nghị chính sách và mục tiêu đầu tư của Quỹ công chúng;

e. Kiến nghị mức lợi nhuận phân phối cho người đầu tư; thông qua thời hạn và thủ tục phân phối lợi nhuận;

f. Kiến nghị việc thay đổi công ty quản lý quỹ hoặc ngân hàng giám sát;

g. Các quyền và nhiệm vụ khác quy định tại Điều lệ quỹ.

2. Quyết định của Ban đại diện quỹ được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ quỹ quy định. Mỗi thành viên Ban đại diện quỹ có một phiếu biểu quyết.

3. Ban đại diện quỹ có tối thiểu 3 thành viên và không quá 11 thành viên, trong đó ít nhất 60% số thành viên Ban đại diện quỹ không phải là người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát (dưới đây gọi tắt là thành viên độc lập).

4. Nhiệm kỳ, tiêu chuẩn, số lượng thành viên, bổ nhiệm, miễn nhiệm và bãi miễn, bổ sung thành viên Ban đại diện quỹ do Điều lệ quỹ quy định. Thành viên Ban đại diện quỹ không được ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với Quỹ công chúng.

5. Các thành viên Ban đại diện quỹ phải cam kết không chuyển nhượng các chứng chỉ quỹ mà mình sở hữu trong 02 năm kể từ ngày phát hành. Sau thời hạn trên, việc chuyển nhượng chứng chỉ quỹ của các thành viên Ban đại diện quỹ phải công bố công khai cho người đầu tư.

Điều 23. Cuộc họp Ban đại diện quỹ

1. Chủ tịch Ban đại diện quỹ có quyền triệu tập họp Ban đại diện quỹ. Ban đại diện quỹ phải họp ít nhất mỗi quý một lần, trong trường hợp cần thiết có thể họp bất thường.

2. Cuộc họp Ban đại diện quỹ được tiến hành khi có từ hai phần ba tổng số thành viên trở lên tham dự. Quyết định của Ban đại diện quỹ được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp chấp thuận. Trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Ban đại diện quỹ.

3. Cuộc họp Ban đại diện quỹ phải được ghi đầy đủ vào biên bản. Chủ tọa và thư ký phải liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của biên bản họp Ban đại diện quỹ.

Điều 24. Chủ tịch Ban đại diện quỹ

1. Đại hội người đầu tư bầu Chủ tịch Ban đại diện quỹ trong số thành viên Ban đại diện. Chủ tịch Ban đại diện quỹ phải là thành viên độc lập.

2. Chủ tịch Ban đại diện quỹ có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a. Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban đại diện quỹ;

b. Chuẩn bị chương trình, nội dung, các tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp Ban đại diện quỹ;

c. Theo dõi quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Ban đại diện quỹ;

d. Các quyền và nhiệm vụ khác quy định tại Điều lệ quỹ.

2. Trường hợp Chủ tịch Ban đại diện quỹ vắng mặt hoặc mất khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao thì thành viên Ban đại diện quỹ được Chủ tịch Ban đại diện quỹ ủy quyền sẽ thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Ban đại diện quỹ. Trường hợp không có người được ủy quyền, các thành viên Ban đại diện quỹ còn lại chọn một trong số các thành viên độc lập tạm thời giữ chức Chủ tịch Ban đại diện quỹ theo nguyên tắc nhất trí. Việc bầu lại Chủ tịch Ban đại diện quỹ sẽ được thực hiện tại Đại hội người đầu tư thường niên gần nhất.

Chương 3:

QUỸ THÀNH VIÊN

Điều 25. Thành lập Quỹ thành viên

1. Quỹ thành viên do các thành viên góp vốn thành lập theo quy định tại Nghị định số 144/2003/NĐ-CP được ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý. Quỹ thành viên có số vốn điều lệ tối thiểu là 5 tỷ đồng.

2. Trong quá trình thành lập Quỹ thành viên, các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc lập Quỹ thành viên và công ty quản lý quỹ không được sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để quảng cáo, kêu gọi góp vốn, thăm dò thị trường dưới mọi hình thức.

3. Việc lập Quỹ thành viên phải được đăng ký với UBCKNN.

Điều 26. Thành viên góp vốn

1. Thành viên góp vốn phải luôn đáp ứng điều kiện sau đây:

a. Đầu tư tối thiểu 3 tỷ đồng Việt Nam, trường hợp thành viên là tổ chức;

b. Đầu tư tối thiểu 1 tỷ đồng Việt Nam, trường hợp thành viên là cá nhân.

2. Thành viên góp vốn có các quyền và nghĩa vụ sau:

a. Tuân thủ Điều lệ quỹ; chấp hành Nghị quyết của Đại hội thành viên;

b. Thanh toán đủ tiền mua chứng chỉ quỹ và chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Quỹ thành viên trong phạm vi số vốn đã góp;

c. Hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của Quỹ thành viên tương đương với tỷ lệ góp vốn của mình trong Quỹ thành viên;

d. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thông qua Đại hội thành viên theo quy định tại Điều lệ quỹ;

e. Chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Quỹ thành viên theo quy định của pháp luật; không được phép yêu cầu công ty quản lý quỹ hoặc ngân hàng giám sát thay mặt Quỹ thành viên mua lại phần vốn góp.

3. Đại hội thành viên gồm tất cả các thành viên góp vốn vào Quỹ thành viên có từ 2 thành viên góp vốn trở lên. Đại hội thành viên có các quyền như sau:

a. Bầu chủ toạ Đại hội;

b. Quyết định về việc có hay không thành lập Ban đại diện quỹ; quyết định việc bầu, miễn nhiệm Chủ tịch, thành viên Ban đại diện quỹ(nếu có); quyết định về thù lao và chi phí hoạt động của Ban đại diện;

c. Quyết định việc lựa chọn ngân hàng giám sát;

d. Xem xét và xử lý các vi phạm của công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan gây thiệt hại cho Quỹ;

e. Thông qua quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ, Hợp đồng giám sát;

f. Thay đổi chính sách phân phối lợi nhuận;

g. Thay đổi chủ trương, chiến lược quan trọng, mục tiêu đầu tư của Quỹ và giải thể Quỹ;

h. Thay đổi mức phí trả cho công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát;

i. Yêu cầu công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát trình sổ sách hoặc thư từ giao dịch;

j. Thông qua các báo cáo về tình hình tài chính, tài sản và hoạt động hàng năm của Quỹ;

k. Thông qua, sửa đổi, bổ sung hợp đồng giám sát tài sản Quỹ;

l. Thay đổi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát;

m. Các quyền và nhiệm vụ khác quy định tại Điều lệ quỹ.

4. Trường hợp Quỹ thành viên có 1 thành viên góp vốn, Quỹ thành viên không có Đại hội thành viên; thành viên góp vốn duy nhất của Quỹ có các quyền quy định tại các Khoản d, e, f, g, h, i, j, k, l, m Khoản 3 Điều này.

5. Thành viên góp vốn của Quỹ thành viên chỉ được chuyển nhượng vốn góp cho người đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều này.

Điều 27. Thủ tục và hồ sơ đăng ký lập Quỹ thành viên

1. Hồ sơ đăng ký lập Quỹ thành viên gồm có:

a. Đơn đăng ký lập Quỹ thành viên (theo Phụ lục số 06 kèm theo Quy chế này);

b. Điều lệ Quỹ thành viên (theo Phụ lục số 02 kèm theo Quy chế này);

c. Hợp đồng giám sát tài sản quỹ; quy định của hợp đồng giám sát phải phù hợp với Điều lệ quỹ;

d. Biên bản thỏa thuận góp vốn và danh sách các thành viên góp vốn.

3. Công ty quản lý quỹ phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ và chính xác của hồ sơ. Trường hợp phát hiện hồ sơ đã nộp cho UBCKNN chưa đầy đủ, có những thông tin không chính xác hoặc có những sự kiện mới phát sinh ảnh hưởng đến nội dung của hồ sơ đã nộp, công ty quản lý quỹ phải báo cáo UBCKNN để sửa đổi, bổ sung kịp thời vào hồ sơ đăng ký lập Quỹ thành viên.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, UBCKNN cấp chứng nhận đăng ký lập Quỹ thành viên. Trường hợp từ chối, UBCKNN giải thích rõ lý do bằng văn bản.

5. Kể từ khi được cấp chứng nhận đăng ký lập quỹ thành viên, công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát phải lập và lưu giữ sổ đăng ký đăng ký sở hữu phần vốn góp của thành viên góp vốn của Quỹ thành viên và mọi thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp.

Điều 28. Hoạt động đầu tư của Quỹ thành viên

1. Quỹ thành viên phải đảm bảo đầu tư tối thiểu 60% giá trị tài sản quỹ vào chứng khoán.

2. Quỹ thành viên không phải tuân thủ các quy định về hạn chế đầu tư như đối với các Quỹ công chúng quy định tại Quy chế này, ngoại trừ trường hợp Điều lệ quỹ có quy định khác.

Điều 29. Chế độ báo cáo và cung cấp thông tin.

1. Công ty quản lý quỹ phải thông báo với cá nhân, tổ chức có nhu cầu góp vốn vào Quỹ thành viên nội dung sau:

"Việc đầu tư vào Quỹ thành viên này không phù hợp với nhà đầu tư nhỏ, chỉ phù hợp đối với cá nhân và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong quản lý và đầu tư tài chính, có tiềm lực tài chính và sẵn sàng chấp nhận rủi ro tiềm tàng từ việc đầu tư của Quỹ. Người đầu tư vào Quỹ thành viên này cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký lập Quỹ thành viên chỉ có nghĩa là việc lập Quỹ thành viên đã được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan, không hàm ý bảo đảm về mục tiêu, chiến lược, mức rủi ro và khả năng sinh lời của Quỹ."

2. Công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ cung cấp cho thành viên góp vốn của Quỹ các báo cáo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 55 Quy chế này.

3. Công ty quản lý quỹ không phải tuân thủ các nghĩa vụ công bố thông tin ra công chúng đối với Quỹ thành viên.

Điều 30. Các quy định khác về Quỹ thành viên

1. Các loại phí và chi phí liên quan đến hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư chứng khoán phải phù hợp với quy định của pháp luật. Điều lệ quỹ phải quy định đầy đủ, chi tiết mức phí quản lý quỹ, thưởng tối đa trả cho công ty quản lý quỹ hàng năm; mức phí tối đa trả cho ngân hàng giám sát hàng năm phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Giá trị tài sản ròng của Quỹ thành viên có thể được xác định định kỳ theo quy định tại Điều lệ quỹ để làm cơ sở tính các loại phí hoặc trong các trường hợp khác quy định tại điều lệ Quỹ thành viên. Việc xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ phải tuân thủ theo các nguyên tắc quy định tại Điều 12 Quy chế này.

3. Việc hạch toán và phân bổ thu nhập và chi phí của Quỹ thành viên phải tuân thủ các quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 11 Quy chế này.

4. Chậm nhất 30 ngày trước ngày phân phối thu nhập Quỹ thành viên, Ngân hàng giám sát phải lập danh sách thành viên góp vốn có quyền nhận phần thu nhập được phân phối, xác định mức thu nhập phân phối đối với từng đơn vị quỹ hoặc phần vốn góp, thời hạn và hình thức trả thu nhập. Thông báo về phân phối thu nhập phải được gửi đến tất cả thành viên góp vốn chậm nhất 15 ngày làm việc trước khi thực hiện phân phối thu nhập. Thông báo phải ghi rõ tên Quỹ, tên, địa chỉ của thành viên góp vốn, số đơn vị quỹ hoặc phần vốn góp của thành viên góp vốn, mức thu nhập phân phối và tổng giá trị thu nhập phân phối mà thành viên góp vốn đó được nhận, ngày và phương thức trả phần thu nhập được phân phối.

5. Việc giải thể Quỹ thành viên được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Quy chế này.

6. Công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát, thành viên góp vốn và những tổ chức, cá nhân có liên quan khác phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật và của Quy chế này.

Chương 4:

CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Điều 31. Nguyên tắc cấp giấy phép quản lý quỹ

1. Công ty quản lý quỹ được cấp giấy phép thực hiện một hoặc các loại hình dịch vụ sau:

a. Lập và quản lý Quỹ công chúng;

b. Lập và quản lý Quỹ thành viên.

2. Việc thành lập công ty liên doanh quản lý quỹ phải được UBCKNN cấp Giấy phép sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận. Giấy phép này đồng thời có giá trị là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tham gia góp vốn thành lập công ty liên doanh quản lý quỹ phải là tổ chức được phép hoạt động quản lý quỹ theo pháp luật nước ngoài (sau đây gọi tắt là công ty quản lý quỹ nước ngoài).

Điều 32. Điều kiện cấp giấy phép quản lý quỹ

Điều kiện cấp giấy phép quản lý quỹ được thực hiện theo quy định tại Điều 83 Nghị định 144/2003/NĐ-CP .

Điều 33. Hồ sơ xin cấp giấy phép quản lý quỹ

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép quản lý quỹ cho công ty quản lý quỹ 100% vốn trong nước gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép quản lý quỹ (theo Phụ lục số 07 kèm theo Quy chế này);

b. Điều lệ công ty;

c. Phương án kinh doanh dự kiến trong 3 năm đầu;

d. Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, của thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên hoặc quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

e. Bản sao hợp lệ giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh của các pháp nhân tham gia góp vốn, lập công ty quản lý quỹ;

f. Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của các bên là pháp nhân góp trên 10% vốn điều lệ của công ty quản lý quỹ;

g. Bản thuyết trình cơ sở vật chất kỹ thuật và phương tiện phục vụ hoạt động quản lý quỹ (theo Phụ lục số 08 kèm theo Quy chế này);

h. Lý lịch tóm tắt của các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty (theo Phụ lục số 09 kèm theo Quy chế này);

i. Hồ sơ hợp lệ xin cấp chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ cho Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc (Giám đốc, Phó Giám đốc) và người hành nghề quản lý quỹ của công ty theo quy định tại Điều 48 Quy chế này.

2. Hồ sơ xin cấp giấy phép quản lý quỹ cho công ty liên doanh quản lý quỹ bao gồm các tài liệu nêu tại Điểm a, b, c, e, f, g, h, i Khoản 1 Điều này và các tài liệu sau:

a. Tài liệu chứng minh bên nước ngoài tham gia liên doanh được phép hoạt động quản lý quỹ tại nước sở tại và tóm tắt về hoạt động và kết quả đầu tư đã được công bố của các Quỹ do bên nước ngoài quản lý;

b. Bản sao hợp lệ điều lệ của các bên liên doanh;

c. Hợp đồng liên doanh.

3. Trong bộ hồ sơ xin cấp phép quản lý quỹ của công ty quản lý quỹ liên doanh, các giấy tờ phải là bản sao có xác nhận hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền nơi bên nước ngoài đóng trụ sở chính và được cơ quan công chứng Việt Nam xác nhận bản dịch ra tiếng Việt.

4. Hồ sơ xin cấp phép quản lý quỹ gửi tới UBCKNN bao gồm 01 bộ bản chính và 02 bộ bản sao.

Điều 34. Thủ tục cấp giấy phép quản lý quỹ

1. Thời hạn cấp các giấy phép quản lý quỹ tối đa là 60 ngày, kể từ ngày UBCKNN nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, UBCKNN phải giải thích rõ lý do bằng văn bản.

2. Sau khi nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc việc cấp giấy phép quản lý quỹ của UBCKNN, tổ chức xin cấp phép phải chuyển toàn bộ số vốn điều lệ vào tài khoản phong toả tại Ngân hàng chỉ định thanh toán. Số tiền này chỉ được giải tỏa sau khi công ty được chính thức cấp giấy phép quản lý quỹ.

3. Trường hợp vốn điều lệ có phần vốn góp bằng hiện vật hoặc quyền sử dụng đất, tổ chức xin phép quản lý quỹ phải gửi UBCKNN bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng và giá trị hiện vật tương đương với phần vốn góp.

4. UBCKNN chính thức cấp giấy phép quản lý quỹ sau khi tổ chức xin phép hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với trường hợp công ty quản lý quỹ 100% vốn trong nước và sau khi tổ chức xin phép hoàn thành thủ tục phong toả vốn theo quy định tại Khoản 2 Điều này đối với trường hợp thành lập công ty liên doanh quản lý quỹ.

Điều 35. Thay đổi, bổ sung loại hình dịch vụ cho công ty quản lý quỹ

1. Công ty quản lý quỹ đã được cấp giấy phép quản lý quỹ muốn thay đổi hoặc bổ sung loại hình dịch vụ phải làm thủ tục xin thay đổi, bổ sung giấy phép quản lý quỹ.

2. Hồ sơ xin thay đổi hoặc bổ sung loại hình dịch vụ cho công ty quản lý quỹ bao gồm:

a. Đơn xin thay đổi hoặc bổ sung loại hình dịch vụ cho công ty quản lý quỹ (theo Phụ lục số 10 kèm theo Quy chế này);

b. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Quyết định của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần hoặc Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Quyết định của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc thay đổi, bổ sung loại hình dịch vụ của công ty;

c. Phương án kinh doanh dự kiến khi tăng thêm hoặc rút bớt loại hình dịch vụ.

3. Trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBCKNN thông báo bằng văn bản việc chấp thuận thay đổi, bổ sung loại hình dịch vụ cho công ty quản lý quỹ. Trường hợp không chấp thuận, UBCKNN giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Điều 36. Chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp cho công ty quản lý quỹ nước ngoài

1. Cổ phần hoặc phần vốn góp trong công ty quản lý quỹ được chuyển nhượng cho các công ty quản lý quỹ nước ngoài theo tỷ lệ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Việc bán cổ phần hoặc phần vốn góp trị giá trên 5% vốn điều lệ của Công ty quản lý quỹ cho công ty quản lý quỹ nước ngoài phải được UBCKNN chấp thuận.

3. Hồ sơ xin chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp cho công ty quản lý quỹ nước ngoài:

a. Đơn xin chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho công ty quản lý quỹ nước ngoài (theo Phụ lục số 11 kèm theo Quy chế này);

b. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Quyết định của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần hoặc Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Quyết định của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp cho công ty quản lý quỹ nước ngoài;

c. Các tài liệu nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều 33;

d. Bản sao hợp lệ điều lệ của công ty quản lý quỹ nước ngoài;

e. Bản sao hợp lệ giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu chứng nhận pháp lý tương đương và báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của công ty quản lý quỹ nước ngoài;

f. Thoả thuận nguyên tắc về việc chuyển nhượng vốn góp hoặc cổ phần giữa bên Việt Nam và công ty quản lý quỹ nước ngoài.

4. Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBCKNN thông báo bằng văn bản việc chấp thuận chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp cho công ty quản lý quỹ nước ngoài. Trường hợp không chấp thuận, UBCKNN giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Điều 37. Lập, đóng cửa chi nhánh công ty quản lý quỹ

1. Công ty quản lý quỹ muốn lập, đóng cửa chi nhánh phải được UBCKNN chấp thuận.

2. Hồ sơ xin lập chi nhánh bao gồm:

a. Đơn xin lập chi nhánh công ty quản lý quỹ (theo Phụ lục số 13 kèm theo Quy chế này);

b. Phương án hoạt động quản lý quỹ dự kiến trong 02 năm đầu hoạt động phù hợp với chiến lược phát triển thị trường chứng khoán;

c. Bản thuyết trình cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động quản lý quỹ của chi nhánh (theo Phụ lục số 08 kèm theo Quy chế này) kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sử dụng phần diện tích làm trụ sở chi nhánh;

d. Hồ sơ hợp lệ xin cấp chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ của Giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh và người hành nghề quản lý quỹ theo quy định tại Điều 48 Quy chế này nếu chưa phải là người đã có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

3. Hồ sơ xin đóng cửa chi nhánh công ty quản lý quỹ bao gồm:

a. Đơn xin đóng cửa chi nhánh (theo Phụ lục số 12 kèm theo Quy chế này);

b. Tài liệu giải trình lý do xin đóng chi nhánh;

c. Phương án đóng cửa chi nhánh, trong đó có nêu rõ hướng giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ của chi nhánh với khách hàng và các bên liên quan.

4. Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBCKNN thông báo bằng văn bản về việc chấp thuận cho công ty quản lý quỹ lập, đóng cửa chi nhánh. Trường hợp không chấp thuận, UBCKNN giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Điều 38. Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh

1. Công ty quản lý quỹ muốn thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, trụ sở chi nhánh phải được sự chấp thuận của UBCKNN.

2. Hồ sơ xin chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh bao gồm:

a. Đơn xin thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh (theo Phụ lục số 13 kèm theo Quy chế này);

b. Bản thuyết trình cơ sở vật chất kỹ thuật của trụ sở, chi nhánh tại địa điểm dự kiến chuyển tới (theo Phụ lục số 08 kèm theo Quy chế này) kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sử dụng phần diện tích làm trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh;

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBCKNN thông báo bằng văn bản về việc chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh công ty quản lý quỹ. Trường hợp từ không chấp thuận, UBCKNN giải thích rõ lý do bằng văn bản.

Điều 39. Lệ phí cấp phép và bổ sung giấy phép quản lý quỹ

Công ty quản lý quỹ phải nộp lệ phí cấp phép và lệ phí bổ sung giấy phép theo quy định của pháp luật.

Điều 40. Công bố giấy phép quản lý quỹ và các thay đổi có liên quan

1. Trước khi chính thức hoạt động, công ty quản lý quỹ phải làm thủ tục công bố giấy phép quản lý quỹ theo Điều 86 Nghị định số 144/2003/NĐ-CP .

2. Công ty quản lý quỹ phải thực hiện công bố thông tin về các thay đổi quy định tại Điều 35, Điều 36, Điều 37 và Điều 38 Quy chế này trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 41. Kiểm soát nội bộ

1. Công ty quản lý quỹ phải ban hành quy định về kiểm soát nội bộ và đề ra tiêu chuẩn đạo đức hành nghề đối với nhân viên công ty.

2. Công ty quản lý quỹ phải đảm bảo luôn có ít nhất một cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm soát nội bộ với quyền hạn và trách nhiệm được quy định cụ thể trong quy định về kiểm soát nội bộ. Cán bộ chuyên trách kiểm soát nội bộ phải có đủ các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3. Công ty quản lý quỹ phải gửi UBCKNN bản sao các quy định nêu tại Khoản 1 và sơ yếu lý lịch của cán bộ kiểm soát nội bộ nêu tại Khoản 2 Điều này để báo cáo.

Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ

1. Công ty quản lý quỹ có các nghĩa vụ sau:

a. Tuân thủ Điều lệ quỹ và bảo vệ quyền lợi của người đầu tư;

b. Công bằng, trung thực và vì lợi ích của Quỹ và người đầu tư;

c. Công ty quản lý quỹ bảo vệ an toàn và quản lý tách biệt tài sản của từng Quỹ, của công ty quản lý quỹ; Công ty quản lý quỹ đảm bảo tách biệt về tổ chức, nhân sự, và hoạt động giữa hoạt động quản lý quỹ, hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán;

d. Đối với những giao dịch của Quỹ do công ty quản lý quỹ thực hiện trong đó có sự tham gia của người có liên quan của công ty quản lý quỹ, phải đảm bảo sự công bằng và không làm tổn hại đến quyền lợi của Quỹ; thông báo đầy đủ thông tin liên quan đến giao dịch đó cho Ban đại diện quỹ, UBCKNN và thông báo công khai cho người đầu tư;

e. Bảo đảm việc uỷ quyền trách nhiệm cho bên thứ ba và sự thay đổi tổ chức, quản lý của công ty quản lý quỹ không gây ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của Quỹ;

f. Công ty quản lý quỹ chịu trách nhiệm đền bù các tổn thất của Quỹ do công ty quản lý quỹ không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định tại Điều này;

g. Tất cả các giao dịch chứng khoán của thành viên Hội đồng quản trị, những người quản lý và nhân viên của công ty quản lý quỹ đều phải được báo cáo và quản lý tập trung tại công ty quản lý quỹ dưới sự giám sát của bộ phận kiểm soát nội bộ;

h. Khi công ty quản lý quỹ giao dịch mua, bán các tài sản cho Quỹ thì thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc (Giám đốc, Phó Giám đốc) công ty, người điều hành quỹ không được nhận bất kỳ một lợi ích nào cho công ty hoặc cho chính mình hoặc cho một người thứ ba, ngoài khoản phí và thưởng quy định trong Điều lệ quỹ;

i. Công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ thực hiện việc xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ theo quy định của pháp luật;

j. Trong trường hợp ngân hàng giám sát phát hiện và thông báo cho công ty quản lý quỹ biết giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ quỹ hoặc vượt quá thẩm quyền của công ty quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ phải huỷ bỏ giao dịch đó hoặc thực hiện mua hoặc bán tài sản của Quỹ nhằm phục hồi tài sản quỹ như trước khi có giao dịch. Mọi chi phí phát sinh liên quan đến các giao dịch này do công ty quản lý quỹ chịu.

2. Công ty quản lý quỹ có các quyền sau:

a. Được hưởng các khoản phí và thưởng quy định trong Điều lệ quỹ phù hợp với quy định của pháp luật;

b. Được hoạt động tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư chứng khoán; công ty quản lý quỹ chỉ được tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào hoặc tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ các Quỹ do công ty quản lý quỹ quản lý; không được tham gia các hoạt động tư vấn niêm yết hoặc tư vấn phát hành chứng khoán;

c. Được thực hiện các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 43. Hạn chế hoạt động của công ty quản lý quỹ

1. Công ty quản lý quỹ không được là người có liên quan của ngân hàng giám sát tài sản của Quỹ.

2. Công ty quản lý quỹ không được đầu tư vào các Quỹ do mình quản lý.

3. ủy viên Hội đồng quản trị công ty quản lý quỹ, người điều hành công ty quản lý quỹ, người điều hành Quỹ và người có liên quan chỉ được mua, bán các chứng chỉ quỹ của Quỹ do mình quản lý theo giá thị trường.

4. Công ty quản lý quỹ không được đầu tư, góp vốn hoặc mua cổ phần của một công ty quản lý quỹ khác; không được đầu tư, góp vốn hoặc mua cổ phần của một công ty chứng khoán.

5. Công ty quản lý quỹ không được phép mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho các Quỹ do mình quản lý tại công ty chứng khoán là người có liên quan của công ty quản lý quỹ.

6. Công ty quản lý quỹ không được phép dùng vốn của một Quỹ để mua tài sản của một Quỹ khác mà mình quản lý nhằm làm tăng hay giảm giá trị của Quỹ.

7. Công ty quản lý quỹ không được đầu tư vốn của Quỹ vào bất kỳ tài sản hoặc loại chứng khoán nào mà trong đó công ty quản lý quỹ, nhân viên và người có liên quan của công ty quản lý quỹ có quyền lợi, trừ trường hợp có sự cho phép trước của Ban đại diện quỹ.

8. Công ty quản lý quỹ không được nhận cho chính mình bất kỳ thu nhập hay lợi ích nào thu được từ việc sử dụng các dịch vụ giao dịch tài sản Quỹ do một tổ chức thứ ba cung cấp và phải hạch toán các khoản này vào thu nhập của Quỹ.

9. Công ty quản lý quỹ không được dùng vốn và tài sản của các Quỹ do mình quản lý để đầu tư vượt quá 49% tổng giá trị của một loại chứng khoán đang lưu hành của tổ chức phát hành hoặc một công ty không niêm yết.

10. Công ty quản lý quỹ không được thực hiện các giao dịch làm tăng chi phí và rủi ro không hợp lý cho Quỹ.

Điều 44. Cung cấp thông tin cho người đầu tư

1. Công ty quản lý quỹ phải tuân thủ các nghĩa vụ về công bố thông tin cho người đầu tư theo quy định của pháp luật.

2. Công ty quản lý quỹ phải đảm bảo có đủ các tài liệu sau đây tại trụ sở chính và chi nhánh của mình để người đầu tư tham khảo:

a. Điều lệ quỹ và các sửa đổi, bổ sung;

b. Bản cáo bạch và các sửa đổi, bổ sung;

c. Báo cáo tháng, quý gần nhất và báo cáo năm của Quỹ trong năm năm gần nhất;

d. Bản đánh giá giá trị tài sản ròng gần nhất của Quỹ, trong đó nêu rõ giá trị từng khoản mục trong danh mục tài sản Quỹ;

e. Các tài liệu, báo cáo, hợp đồng dẫn chiếu trong Bản cáo bạch.

Điều 45. Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép quản lý quỹ

Công ty quản lý quỹ có thể bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép quản lý quỹ theo quy định của Điều 89 Nghị định số 144/2003/NĐ-CP .

Điều 46. Chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của công ty quản lý quỹ

1. Công ty quản lý quỹ chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình đối với Quỹ trong các trường hợp sau:

a. Công ty quản lý quỹ đề nghị chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình đối với Quỹ phù hợp với quy định của Điều lệ quỹ được Đại hội người đầu tư chấp thuận;

b. Bị thu hồi giấy phép quản lý quỹ theo quy định tại Điều 45 Quy chế này;

c. Theo đề nghị của ngân hàng giám sát hoặc Ban đại diện quỹ được Đại hội người đầu tư chấp thuận.

2. Trong trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của công ty quản lý quỹ được chuyển giao cho một công ty quản lý quỹ khác theo quy định tại Điều 47 Quy chế này.

Điều 47. Thay đổi công ty quản lý quỹ

1. Việc thay đổi công ty quản lý quỹ chỉ được tiến hành sau khi được Đại hội người đầu tư và UBCKNN chấp thuận bằng văn bản. Công ty quản lý quỹ được lựa chọn thay thế có nghĩa vụ gửi UBCKNN các tài liệu sau:

a. Văn bản đề nghị thay thế công ty quản lý quỹ;

b. Văn bản đề nghị chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của công ty quản lý quỹ (đối với trường hợp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 46 Quy chế này); hoặc

c. Văn bản đề nghị thay thế công ty quản lý quỹ của ngân hàng giám sát hoặc Ban đại diện quỹ và báo cáo chi tiết về lý do thay đổi công ty quản lý quỹ cùng các bằng chứng xác thực bằng văn bản (đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 46 Quy chế này);

d. Nghị quyết kèm theo Biên bản họp Đại hội người đầu tư về việc thay đổi công ty quản lý quỹ và lựa chọn công ty quản lý quỹ mới;

e. Phương án thay đổi và cách thức xử lý các vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan;

f. Dự thảo Hợp đồng giám sát mới;

g. Dự thảo Điều lệ quỹ sửa đổi.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi được UBCKNN chấp thuận, việc thay đổi công ty quản lý quỹ phải được ngân hàng giám sát công bố công khai cho người đầu tư.

3. Quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của công ty quản lý quỹ bàn giao chỉ chấm dứt từ thời điểm hoàn tất việc bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ cho công ty quản lý quỹ nhận bàn giao. Công ty quản lý quỹ nhận bàn giao có nghĩa vụ gửi UBCKNN Biên bản bàn giao giữa hai công ty quản lý quỹ có xác nhận của ngân hàng giám sát.

Điều 48. Hành nghề quản lý quỹ

1. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, đổi và thu hồi chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ được áp dụng theo quy định tại Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 37 Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 55/2004/QĐ-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Người hành nghề quản lý quỹ tuân thủ các quy định về hạn chế đối với người hành nghề quản lý quỹ quy định tại Điều 98 Nghị định số 144/2003/ NĐ-CP.

Điều 49. Ban Giám đốc công ty quản lý quỹ

Người được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc (Giám đốc, Phó Giám đốc) người điều hành Quỹ phải đáp ứng các quy định sau:

a. Phải có thâm niên công tác ít nhất 5 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoặc bảo hiểm;

b. Có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ do UBCKNN cấp hoặc đã đủ điều kiện và nộp đủ hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ theo quy định của pháp luật;

c. Không phải là người hành nghề đã bị UBCKNN thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 144/2003/NĐ-CP .

Chương 5:

NGÂN HÀNG GIÁM SÁT

Điều 50. Lựa chọn ngân hàng giám sát

1. Ngân hàng giám sát do công ty quản lý quỹ lựa chọn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 93 Nghị định số 144/2003/NĐ-CP và phải được Đại hội người đầu tư thông qua.

2. Ngân hàng giám sát có nghĩa vụ báo cáo UBCKNN về việc được lựa chọn làm ngân hàng giám sát của Quỹ kèm theo các tài liệu sau:

a. Sơ yếu lý lịch của các nhân viên nghiệp vụ được ngân hàng giám sát chỉ định giám sát bảo quản tài sản Quỹ;

b. Cam kết không sở hữu bất kỳ tài sản nào của Quỹ;

c. Cam kết của ngân hàng giám sát và các nhân viên nghiệp vụ về việc không phải là người có liên quan của công ty quản lý quỹ.

Điều 51. Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng giám sát

1. Nghĩa vụ của ngân hàng giám sát:

a. Ngân hàng giám sát có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo hoạt động quản lý quỹ của công ty quản lý quỹ là phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ quỹ;

b. Ngân hàng giám sát phải thực hiện đăng ký sở hữu chứng chỉ quỹ cho người đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện các hoạt động giúp người đầu tư thực hiện quyền phát sinh liên quan đến việc sở hữu chứng chỉ quỹ;

c. Ngân hàng giám sát có nghĩa vụ lưu giữ và bảo quản an toàn tài sản Quỹ; thay mặt Quỹ thực hiện quyền phát sinh liên quan đến tài sản Quỹ (ngoại trừ quyền bỏ phiếu); thanh toán giao dịch Quỹ theo đúng quy định pháp luật, Điều lệ quỹ, Hợp đồng giám sát và lệnh hoặc chỉ thị hợp pháp của công ty quản lý quỹ;

d. Ngân hàng giám sát phải quản lý tách biệt tài sản của các Quỹ với nhau và với tài sản của ngân hàng giám sát và các tài sản khác do ngân hàng giám sát quản lý; trong mọi trường hợp, vốn và tài sản của Quỹ không được sử dụng để thanh toán những khoản nợ của bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào khác ngoài Quỹ;

e. Ngân hàng giám sát có trách nhiệm xác nhận các báo cáo liên quan đến tài sản và hoạt động của Quỹ do công ty quản lý quỹ lập;

f. Trong trường hợp ngân hàng giám sát xác định mức độ sai lệch trong định giá chứng chỉ quỹ là đáng kể, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người đầu tư, ngân hàng giám sát phải yêu cầu công ty quản lý quỹ lập tức có biện pháp khắc phục phù hợp nhằm đảm bảo công bằng cho các bên;

g. Ngân hàng giám sát thực hiện nghĩa vụ báo cáo và quản lý hồ sơ theo quy định của pháp luật, Điều lệ quỹ và Hợp đồng giám sát;

h. Ngân hàng giám sát phải tuân thủ các quy định khác tại Điều 94 Nghị định số 144/2003/NĐ-CP , Điều lệ quỹ và Hợp đồng giám sát;

i. Mọi xác nhận, phê chuẩn của ngân hàng giám sát liên quan đến các báo cáo hoặc giao dịch của Quỹ chỉ có nghĩa là các báo cáo hoặc giao dịch đó được lập và thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ quỹ.

2. Ngân hàng giám sát được hưởng các loại phí cung cấp dịch vụ bảo quản, giám sát tài sản quỹ theo Điều lệ quỹ và phù hợp với các quy định của pháp luật; không được nhận bất kỳ một lợi ích nào khác cho chính mình hoặc cho người thứ ba.

Điều 52. Quan hệ giữa ngân hàng giám sát, công ty quản lý quỹ và Quỹ

1. Ngân hàng giám sát không được có quan hệ tham gia góp vốn, nắm giữ cổ phần, vay hoặc cho vay với công ty quản lý quỹ và ngược lại.

2. Thành viên Hội đồng quản trị, những người điều hành và nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát hoạt động Quỹ và bảo quản tài sản quỹ của ngân hàng giám sát không được là người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngược lại.

3. Ngân hàng giám sát, thành viên Hội đồng quản trị, những người điều hành và nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát hoạt động Quỹ và bảo quản tài sản Quỹ của ngân hàng giám sát không được là đối tác mua, bán trong giao dịch mua, bán tài sản của Quỹ.

Điều 53. Chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của ngân hàng giám sát

1. Ngân hàng giám sát chấm dứt toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình đối với Quỹ trong các trường hợp sau:

a. Ngân hàng giám sát đề nghị chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình đối với Quỹ phù hợp với quy định của Điều lệ quỹ được Đại hội người đầu tư chấp thuận;

b. Ngân hàng giám sát chấm dứt hoạt động, giải thể, tuyên bố phá sản;

c. Theo đề nghị của công ty quản lý quỹ hoặc Ban đại diện quỹ được Đại hội người đầu tư chấp thuận.

2. Trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của ngân hàng giám sát được chuyển giao cho một ngân hàng giám sát khác theo quy định tại Điều 54 Quy chế này và phù hợp với Khoản 1 Điều 50 Quy chế này.

Điều 54. Thay đổi ngân hàng giám sát

1. Trường hợp thay đổi ngân hàng giám sát theo quy định tại Điều 47 Quy chế này, công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ báo cáo UBCKNN về việc chọn ngân hàng giám sát thay thế kèm theo các tài liệu sau:

a. Văn bản đề nghị thay thế ngân hàng giám sát của công ty quản lý quỹ;

b. Văn bản đề nghị chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của ngân hàng giám sát (đối với trường hợp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 53 Quy chế này) và tài liệu liên quan đến việc chấm dứt hoạt động, giải thể, tuyên bố phá sản của ngân hàng giám sát (đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 53 Quy chế này); hoặc

c. Văn bản đề nghị thay thế ngân hàng giám sát của công ty quản lý quỹ hoặc Ban đại diện quỹ và báo cáo chi tiết về lý do thay đổi ngân hàng giám sát cùng các bằng chứng xác thực bằng văn bản (đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 53 Quy chế này);

d. Nghị quyết kèm theo Biên bản họp của Đại hội người đầu tư về việc thay đổi ngân hàng giám sát và lựa chọn ngân hàng giám sát mới;

e. Dự thảo Hợp đồng giám sát mới;

f. Dự thảo Điều lệ quỹ sửa đổi;

g. Phương án thay đổi và cách thức xử lý các vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày được UBCKNN chấp thuận, việc thay đổi ngân hàng giám sát phải được công ty quản lý quỹ công bố công khai cho người đầu tư.

3. Quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ của ngân hàng giám sát bàn giao chỉ chấm dứt từ thời điểm hoàn tất việc bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với Quỹ cho ngân hàng giám sát nhận bàn giao. Ngân hàng giám sát nhận bàn giao phải lập và gửi UBCKNN Biên bản bàn giao giữa hai ngân hàng giám sát có xác nhận của công ty quản lý quỹ và Ban đại diện quỹ.

Chương 6:

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ QUẢN LÝ HỒ SƠ

Điều 55. Nghĩa vụ báo cáo của công ty quản lý quỹ

1. Công ty quản lý quỹ phải gửi UBCKNN báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm về hoạt động của công ty và tài sản của các Quỹ do công ty quản lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 Nghị định số 144/2003/NĐ-CP như sau:

a. Các báo cáo tháng, quý, năm đối với Quỹ:

- Báo cáo tài sản của Quỹ hàng tháng, quý, và năm (theo Phụ lục số 14 kèm theo Quy chế này);

- Báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng của Quỹ hàng tháng, quý, và năm (theo Phụ lục số 15 kèm theo Quy chế này);

- Báo cáo hoạt động đầu tư của Quỹ hàng tháng, quý, và năm (theo Phụ lục số 16 kèm theo Quy chế này);

- Báo cáo về tình hình danh mục đầu tư của Quỹ (theo Phụ lục số 17 kèm theo Quy chế này);

- Báo cáo về một số chỉ tiêu trong hoạt động của Quỹ (theo Phụ lục số 18 kèm theo Quy chế này);

- Báo cáo khác của Quỹ (nếu có) theo quy định của pháp luật về kế toán.

b. Các báo cáo về công ty quản lý quỹ:

- Báo cáo tình hình hoạt động tháng, quý và năm của công ty quản lý quỹ (theo Phụ lục số 19 kèm theo Quy chế này);

- Báo cáo tài chính quý của công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về kế toán;

- Báo cáo tài chính năm của công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về kế toán.

c. Thời hạn nộp các báo cáo quy định tại Điểm a và b Khoản này:

- Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng, công ty quản lý quỹ gửi các báo cáo tháng của Quỹ và của công ty quản lý quỹ tới UBCKNN;

- Trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, công ty quản lý quỹ gửi các báo cáo quý của Quỹ và của công ty quản lý quỹ tới UBCKNN;

- Trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, công ty quản lý quỹ gửi các báo cáo năm của Quỹ và của công ty quản lý quỹ tới UBCKNN.

d. Các báo cáo tài chính năm quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều này phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.

2. Công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ báo cáo UBCKNN trong trường hợp phát hiện ngân hàng giám sát có vi phạm Điều lệ Quỹ, Hợp đồng giám sát và pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện ra vi phạm.

3. Trường hợp công ty quản lý quỹ thay mặt Quỹ bỏ phiếu tại cuộc họp Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị của công ty mà Quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ báo cáo nội dung bỏ phiếu của mình trong báo cáo hoạt động tháng của Quỹ.

4. Trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích chung và lợi ích của người đầu tư, UBCKNN, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có thể yêu cầu công ty quản lý quỹ báo cáo bằng văn bản các thông tin về tổ chức và hoạt động của công ty và các Quỹ do công ty quản lý theo các quy định về nghĩa vụ công bố thông tin và chế độ báo cáo của công ty quản lý quỹ tại Điều 57 và Khoản 2 và 3 Điều 96 Nghị định số 144/2003/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 56. Chế độ báo cáo của ngân hàng giám sát

1. Ngân hàng giám sát phải lập báo cáo giám sát tháng, quý, năm về hoạt động quản lý quỹ của công ty quản lý quỹ đối với Quỹ mà mình giám sát. Báo cáo này phải được gửi UBCKNN và người đầu tư.

2. Báo cáo giám sát của ngân hàng giám sát phải đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, pháp luật liên quan và Điều lệ quỹ của công ty quản lý quỹ về những nội dung sau:

a. Toàn bộ hoạt động quản lý quỹ;

b. Việc xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ;

c. Việc phát hành chứng chỉ quỹ, huy động vốn của Quỹ;

d. Các vi phạm (nếu có) của công ty quản lý quỹ và đề nghị hướng giải quyết, khắc phục.

3. Thời hạn nộp báo cáo cho UBCKNN:

a. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng, ngân hàng giám sát gửi báo cáo giám sát tháng tới UBCKNN;

b. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, ngân hàng giám sát gửi báo cáo giám sát quý tới UBCKNN;

c. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân hàng giám sát gửi báo cáo giám sát năm tới UBCKNN.

4. Ngân hàng giám sát có nghĩa vụ báo cáo UBCKNN trong trường hợp phát hiện công ty quản lý quỹ, Ban đại diện quỹ vi phạm Điều lệ quỹ, Bản cáo bạch và pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày vi phạm được phát hiện.

5. Trường hợp có giao dịch chuyển nhượng chứng chỉ quỹ của tổ chức và cá nhân nước ngoài từ 5% vốn điều lệ quỹ trở lên, ngân hàng giám sát phải báo cáo UBCKNN các thông tin về giao dịch trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch đó.

6. Ngân hàng giám sát có nghĩa vụ báo cáo theo yêu cầu bằng văn bản của UBCKNN.

Điều 57. Chế độ lưu giữ hồ sơ và đối chiếu chứng từ

1. Công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát phải luôn lưu giữ đầy đủ, có hệ thống, đảm bảo rõ ràng, chính xác và thống nhất mọi tài liệu chào bán chứng chỉ đầu tư, đăng ký sở hữu, báo cáo tài chính, chứng từ kế toán và giao dịch của Quỹ tại thời điểm thành lập Quỹ và trong suốt thời gian hoạt động của Quỹ phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Số liệu, chứng từ giao dịch tài sản Quỹ và tài sản uỷ thác đầu tư và các tài khoản kế toán của Quỹ phải được công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát định kỳ và thường xuyên kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo cân đối theo quy định của Điều lệ quỹ, Hợp đồng uỷ thác đầu tư và pháp luật kế toán.

Chương 7:

THANH TRA, GIÁM SÁT, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 58. Thanh tra, giám sát

Quỹ, công ty quản lý quỹ, người hành nghề quản lý quỹ và ngân hàng giám sát phải chịu sự giám sát của UBCKNN và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Điều 59. Xử lý vi phạm

Công ty quản lý quỹ, người hành nghề quản lý quỹ, ngân hàng giám sát vi phạm các quy định trong hoạt động quản lý quỹ sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Chương 8:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 60. Điều khoản thi hành

1. Các công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát xây dựng và gửi tới UBCKNN quy chế làm việc và các quy trình nghiệp vụ phù hợp với quy định của Quy chế này.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

PHỤ LỤC SỐ 01

MẪU ĐƠN XIN PHÉP PHÁT HÀNH CHỨNG CHỈ QUỸ RA CÔNG CHÚNG

(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN XIN PHÉP PHÁT HÀNH CHỨNG CHỈ QUỸ RA CÔNG CHÚNG

Kính gửi : Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

- Chúng tôi là: Công ty quản lý quỹ.........

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số... do.... cấp ngày... tháng... năm .... tại ........

- Giấy phép quản lý quỹ số......do...... cấp ngày..... tháng..... năm.....

- Giấy phép đầu tư số...... do...... cấp ngày..... tháng..... năm..... (nếu là công ty quản lý quỹ liên doanh)

- Địa chỉ trụ sở chính:.........

Đề nghị ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng với các nội dung chủ yếu sau:

- Tên Quỹ.......... (tên quỹ xin phép):

- Tên tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt:

- Thời hạn hoạt động:

- Tổng số vốn dự kiến huy động:...............................................;

- Mệnh giá chứng chỉ quỹ:.........................................................;

- Ngân hàng giám sát dự kiến:....................................................;

Chúng tôi xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng.

Hồ sơ gửi kèm

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ.......

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 02

MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH QUY ĐỊNH TRONG ĐIỀU LỆ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ)

ĐIỀU LỆ QUỸ

Điều lệ quỹ bao hàm các nội dung chính sau:

A. PHẦN THÔNG TIN CHUNG

Tên Công ty quản lý quỹ

Tên Quỹ

Ngày lập Quỹ

Tên ngân hàng giám sát

B. PHẦN NỘI DUNG CHÍNH CỦA ĐIỀU LỆ QUỸ

I. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ

II. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng giám sát

III. Các quy định về việc ủy quyền cho công ty quản lý quỹ ký hợp đồng giám sát với ngân hàng giám sát

IV. Các quy định về Quỹ

1. Quy định các thông tin đặc thù của Quỹ:

- Mục tiêu đầu tư;

- Lĩnh vực đầu tư;

- Vốn điều lệ của Quỹ;

- Thời hạn hoạt động của Quỹ;

- Các thông tin khác.

2. Các quy định về Ban đại diện quỹ

a. Quy định về các nguyên tắc chọn lựa thành viên Ban đại diện quỹ;

b. Quy định về quyền và nghĩa vụ của Ban đại diện quỹ;

c. Quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Ban đại diện quỹ;

d. Quy định về chế độ làm việc của Ban đại diện quỹ;

e. Quy định về cuộc họp của Ban đại diện quỹ.

3. Các quy định về Đại hội người đầu tư

a. Quy định về quyền và nghĩa vụ của người đầu tư;

b. Quy định về thẩm quyền của Đại hội người đầu tư;

c. Quy định về thủ tục triệu tập họp Đại hội người đầu tư;

d. Quy định về thể thức thông qua quyết định của Đại hội người đầu tư.

4. Quy định về các hạn chế đầu tư của Quỹ

5. Quy định mức phí phát hành (nếu có)

6. Quy định về việc đăng ký sở hữu chứng chỉ quỹ và lưu giữ sổ đăng ký người đầu tư của Quỹ

7. Quy định các nguyên tắc lựa chọn ngân hàng giám sát cho Quỹ

8. Quy định cung cấp các thông tin về việc thành lập Quỹ, các thông tin chính xác về việc bàn giao tài sản của Quỹ cho ngân hàng giám sát, các thông tin về nghĩa vụ của ngân hàng giám sát đối với các tài sản đó của người đầu tư

9. Quy định các trường hợp chấm dứt quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát đối với Quỹ

10. Quy định các trường hợp thay đổi ngân hàng giám sát

11. Quy định các trường hợp thay đổi công ty quản lý quỹ

12. Quy định về việc lựa chọn và thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập của Quỹ

13. Quy định về niêm yết chứng chỉ quỹ

14. Quy định về các loại chi phí và thu nhập của Quỹ

15. Quy định cụ thể các mức phí và thưởng đối với công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát

16. Quy định các phương thức xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ và giá trị tài sản ròng của mỗi chứng chỉ quỹ

17. Quy định các điều kiện chuyển nhượng chứng chỉ quỹ (nếu có)

18. Quy định các trường hợp ngừng giao dịch chứng chỉ quỹ (nếu có)

19. Quy định các trường hợp và phương pháp phân chia thu nhập của Quỹ cho các nhà đầu tư

20. Các quy định về giải quyết xung đột lợi ích

21. Các quy định về chế độ báo cáo

22. Quy định các vấn đề chấm dứt, giải thể Quỹ

23. Quy định về các trường hợp sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ

24. Các quy định khác

Điều lệ quỹ bao gồm:

- Cam kết của công ty quản lý quỹ;

- Cam kết của ngân hàng giám sát;

- Cam kết chung của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát.

- Các cam kết này là phần không tách rời của Điều lệ quỹ.

Điều lệ quỹ được Đại hội người đầu tư thông qua ngày..... tháng..... năm.....

TM/Đại hội người đầu tư

Chủ tịch Ban đại diện quỹ

(Ký và ghi rõ họ tên)

CAM KẾT CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ ĐỐI VỚI QUỸ

(Cam kết này là một phần không tách rời của Điều lệ quỹ...., được Đại hội người đầu tư của Quỹ thông qua ngày..... tháng..... năm....)

Công ty quản lý quỹ:.......

Số GPQLQ:..... do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày....

Công ty quản lý quỹ cam kết:

a. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật và của Điều lệ quỹ trong hoạt động quản lý quỹ;

b. Thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ một cách hiệu quả, tận tụy và phù hợp với mục tiêu đầu tư của Qũy;

c. Đảm bảo Quỹ luôn có một ngân hàng giám sát vào mọi thời điểm;

d. Trả cho ngân hàng giám sát các khoản phí theo quy định tại Điều lệ quỹ;

e. Định kỳ cung cấp cho ngân hàng giám sát các thông tin sau:

i. Các báo cáo tình hình hoạt động và báo cáo tài chính của công ty quản lý quỹ;

ii. Các báo cáo liên quan đến Quỹ hoặc liên quan đến tài sản, danh mục đầu tư của Quỹ.

f. Cung cấp miễn phí hoặc được thu một mức phí hợp lý khi cung cấp bản sao Điều lệ quỹ (và các phụ lục kèm theo), Bản cáo bạch (và các phụ lục kèm theo) cho các nhà đầu tư theo yêu cầu;

g. Khi chưa có sự phê chuẩn của ngân hàng giám sát và Ban đại diện quỹ không được đầu tư vào các chứng khoán, hoặc các tài sản mà chính công ty quản lý quỹ hoặc những người có liên quan đến công ty quản lý quỹ có lợi ích trong đó hoặc có liên quan đến các lợi ích đó;

h. Không sử dụng vị thế của công ty quản lý quỹ trong hoạt động quản lý quỹ để thu lợi trực tiếp hoặc gián tiếp cho chính công ty hoặc những người có liên quan hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các nhà đầu tư;

i. Thực hiện công tác kế toán cho Quỹ một cách trung thực, chính xác;

j. Cung cấp miễn phí hoặc được thu một mức phí hợp lý khi cung cấp bản sao báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động hàng năm của công ty quản lý quỹ cho các nhà đầu tư theo yêu cầu;

k. Cung cấp miễn phí hoặc được thu một mức phí hợp lý khi cung cấp bản sao báo cáo hàng năm và các báo cáo khác của Quỹ cho các nhà đầu tư theo yêu cầu;

l. Cung cấp miễn phí hoặc được thu một mức phí hợp lý khi cung cấp bản sao báo cáo hàng năm của ngân hàng giám sát đánh giá về hoạt động quản lý quỹ của công ty quản lý quỹ cho các nhà đầu tư theo yêu cầu;

m. Thực hiện nghĩa vụ triệu tập họp Đại hội người đầu tư theo quy định của pháp luật;

n. Các cam kết khác do Đại hội người đầu tư yêu cầu.

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý

CAM KẾT CỦA NGÂN HÀNG GIÁM SÁT ĐỐI VỚI QUỸ
(Cam kết này là một phần không tách rời của Điều lệ quỹ.... , được Đại hội người đầu tư của quỹ thông qua ngày..... tháng..... năm.....)

Ngân hàng giám sát:……

Số GPHĐ:..... do….. cấp ngày….

Ngân hàng giám sát cam kết:

a. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật và của Điều lệ quỹ trong hoạt động giám sát;

b. Đảm bảo cho Quỹ luôn luôn có một công ty quản lý quỹ tại mọi thời điểm;

c. Thực hiện một cách tận tuỵ và thận trọng các chức năng ngân hàng giám sát đối với Quỹ;

d. Thực hiện lưu ký, thanh toán, bảo quản và giám sát tất cả các tài sản, chứng khoán của Quỹ thay cho các nhà đầu tư;

e. Đảm bảo nghĩa vụ giám sát để công ty quản lý quỹ không lợi dụng vị thế quản lý quỹ của mình thực hiện các hoạt động thu lợi trực tiếp hoặc gián tiếp cho công ty quản lý quỹ hoặc những người có liên quan làm tổn hại đến lợi ích của các nhà đầu tư;

f. Thực hiện nghĩa vụ ghi chép và theo dõi tất cả các giao dịch, các khoản lãi, cổ tức và thu nhập được nhận hoặc được phân phối của Quỹ;

g. Đảm bảo Quỹ được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập hàng năm;

h. Các cam kết khác do Đại hội người đầu tư yêu cầu.

(Tổng) Giám đốc Ngân hàng giám sát

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

CAM KẾT CHUNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

VÀ NGÂN HÀNG GIÁM SÁT ĐỐI VỚI QUỸ

(Cam kết này là một phần không tách rời của Điều lệ quỹ..., được Đại hội

người đầu tư của quỹ thông qua ngày..... tháng..... năm..... )

Công ty quản lý quỹ:

Số GPQLQ:.. do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày…

Ngân hàng giám sát:

Số GPHĐ:.. do.. cấp ngày.

Công ty quản lý quỹ và Ngân hàng giám sát cùng cam kết:

a. Cùng cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư;

b. Cùng cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ trong suốt thời gian tồn tại của Quỹ;

c. Cùng cam kết thực hiện quyền bỏ phiếu phát sinh liên quan đến việc sở hữu các cổ phiếu mà Quỹ đã đầu tư theo tinh thần và vì lợi ích của người đầu tư tại Đại hội đồng cổ đông của các công ty phát hành cổ phiếu đó;

d. Các cam kết khác theo yêu cầu của Đại hội đồng người đầu tư.

(Tổng) Giám đốc

Công ty quản lý quỹ…

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(Tổng) Giám đốc

Ngân hàng giám sát…

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 03

NỘI DUNG BẢN CÁO BẠCH CỦA QUỸ CÔNG CHÚNG (TRONG PHỤ LỤC NÀY GỌI TẮT LÀ QUỸ)
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

BẢN CÁO BẠCH

Bản cáo bạch bao gồm các nội dung chính sau:

Phần 1. Các thông tin chung

1. Đề tên của Quỹ trên trang bìa Bản cáo bạch.

2. Đề ngày đăng ký và ngày hết hạn của Bản cáo bạch.

3. Thông cáo nội dung sau:

"Quỹ đầu tư chứng khoán được mô tả trong Bản cáo bạch này là Quỹ được thành lập theo Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bản cáo bạch này đã được đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày..... tháng.... năm..

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng chỉ có nghĩa là việc xin phép lập Quỹ và phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư đã thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan, không hàm ý bảo đảm về nội dung của Bản cáo bạch cũng như mục tiêu, chiến lược đầu tư của Quỹ."

4. Liệt kê mục lục của Bản cáo bạch.

Phần 2. Thông tin về Công ty quản lý quỹ

1. Tên và địa chỉ của Công ty quản lý quỹ.

2. Các thông tin về tình hình hoạt động của Công ty quản lý quỹ.

Trường hợp Bản cáo bạch đưa ra bất cứ thông tin nào về kinh nghiệm, kết quả hoạt động, trình độ chuyên môn,.v.v... của công ty quản lý quỹ hoặc các nhân viên của công ty quản lý quỹ:

a. Phải nêu rõ nguồn cung cấp thông tin;

b. Phải nêu rõ thời gian của các thông tin trên;

c.Phải nêu rõ các thông tin về hoạt động trong quá khứ của Công ty quản lý quỹ, không hàm ý đảm bảo cho khả năng hoạt động của công ty quản lý quỹ trong tương lai.

Trong bản cáo bạch không được cung cấp vì mục đích riêng, theo xu hướng thổi phồng các thành công và che đậy thất bại đối với các thông tin về tình hình hoạt động, kinh nghiệm quản lý quá khứ cũng như hiện tại của Công ty quản lý quỹ, tình hình hoạt động quá khứ cũng như hiện tại của các quỹ khác do Công ty quản lý quỹ đang quản lý.

Phần 3. Thông tin về Ngân hàng giám sát dự kiến

Các thông tin về ngân hàng giám sát dự kiến bao gồm: tên, địa chỉ, các loại giấy phép hoạt động của ngân hàng giám sát và tên, địa chỉ, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của ngân hàng giám sát, tình hình hoạt động của ngân hàng giám sát, kinh nghiệm giám sát của ngân hàng giám sát,.v.v...

Phần 4. Thông tin về các tổ chức khác có liên quan

1. Các thông tin về các tổ chức tư vấn đầu tư của Quỹ (nếu có).

2. Các thông tin về tổ chức đăng ký của Quỹ và địa chỉ thực hiện đăng ký cho các nhà đầu tư của Quỹ.

3. Các thông tin về tổ chức kiểm toán của Quỹ.

Phần 5. Mục tiêu, chiến lược và phương pháp đầu tư

1. Mục tiêu đầu tư của Quỹ.

2. Trọng tâm đầu tư của Quỹ:

a. Loại chứng khoán dự định đầu tư (ví dụ: đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, công cụ thị trường tiền tệ,.v.v.);

b. Thị trường mà Quỹ dự định đầu tư vào; và

c. Lĩnh vực hoặc ngành nghề dự định đầu tư.

3. Các hạn chế đầu tư của Quỹ.

4. Nêu phương pháp đầu tư của Công ty quản lý: Mô tả phương pháp mà Công ty quản lý quỹ áp dụng để lựa chọn danh mục đầu tư của Quỹ.

Phần 6. Phí, lệ phí

Các loại phí mà nhà đầu tư hoặc Quỹ phải trả:

a. Phí phát hành chứng chỉ quỹ (nếu có);

b. Phí quản lý quỹ;

c. Phí trả cho ngân hàng giám sát;

d. Thưởng hoạt động của công ty quản lý quỹ;

e. Các loại phí, lệ phí khác.

Trong trường hợp dự tính có các loại phí nêu tại điểm (f) nhưng không tính toán được cụ thể tại thời điểm hiện tại, trong bản cáo bạch phải nêu rõ những trường hợp trên và lý do tại sao không thể tính toán ngay được.

Phần 7. Các rủi ro của Quỹ

1. Đưa ra lời cảnh báo về các loại rủi ro chung mà Quỹ thường gặp phải.

Ví dụ: "Đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán có nghĩa là nhằm vào mục tiêu tạo ra những khoản thu nhập sau một khoảng thời gian dài. Các nhà đầu tư không nên kỳ vọng thu được các khoản thu nhập trong ngắn hạn từ hoạt động đầu tư này"

"Các nhà đầu tư cần ý thức rằng giá của chứng chỉ quỹ và các khoản thu nhập từ việc nắm giữ chứng chỉ quỹ có thể tăng hoặc giảm, do đó các nhà đầu tư có thể sẽ không lấy lại được khoản đầu tư ban đầu".

2. Cảnh báo về các rủi ro đặc thù của Quỹ:

a. Mô tả và giải thích rõ ràng về các rủi ro chủ yếu, đặc thù của Quỹ, bao gồm các rủi ro quốc gia, rủi ro thị trường hoặc rủi ro trong lĩnh vực đầu tư mà Quỹ đầu tư vào;

b. Trường hợp Quỹ có các khoản thu bằng ngoại tệ, Bản cáo bạch phải nêu rõ phương án dự phòng biến động tỷ giá (nếu có), và phương thức dự phòng của Công ty quản lý quỹ. Trường hợp không dự phòng thì phải nêu rõ rủi ro biến động tỷ giá là do các nhà đầu tư chịu; và

c. Trường hợp Quỹ dự định đầu tư trên 5% giá trị tài sản vào một khoản đầu tư, trong Bản cáo bạch phải nêu rõ rủi ro có thể gặp phải của việc đầu tư tập trung này.

Phần 8. Phương án phát hành chứng chỉ quỹ

1. Cung cấp thông tin về thời gian phát hành chứng chỉ quỹ.

2. Cung cấp danh sách các địa điểm phát hành chứng chỉ quỹ, địa điểm cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan đến việc phát hành chứng chỉ quỹ.

3. Công bố mệnh giá chứng chỉ quỹ và giá đăng ký mua chứng chỉ quỹ đầu tư.

4. Cung cấp các thông tin hướng dẫn việc đăng ký mua chứng chỉ quỹ và nộp tiền mua chứng chỉ quỹ của các nhà đầu tư.

5. Công bố các nguyên tắc và cơ chế ưu tiên trong việc đăng ký mua và phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư.

6. Công bố mức đăng ký mua tối thiểu (nếu có quy định).

7. Công bố thời hạn xác nhận việc đăng ký mua chứng chỉ quỹ cho các nhà đầu tư.

8. Trường hợp có yêu cầu việc phát hành chứng chỉ quỹ huy động vốn phải đạt một mức tối thiểu nào đó, trong Bản cáo bạch phải nêu rõ các điều kiện và mức tối thiểu này.

9. Trường hợp Công ty quản lý quỹ hoàn trả lại số tiền đóng góp của các nhà đầu tư trong một số trường hợp nhất định, trong Bản cáo bạch phải nêu rõ các trường hợp này (ví dụ: khi số lượng vốn huy động không đủ mức tối thiểu) và mức lãi tiền gửi kèm theo số vốn góp (nếu có).

Phần 9. Phương pháp tính thu nhập và kế hoạch phân chia lợi nhuận của Quỹ

Nêu rõ phương thức tính các khoản thu nhập của Quỹ; kế hoạch và phương thức phân chia lợi nhuận của Quỹ cho các nhà đầu tư.

Phần 10. Giao dịch chứng chỉ quỹ

1. Cung cấp thông tin về các điều kiện mua, bán chứng chỉ quỹ (nếu có).

2. Thông báo quy định về mức nắm giữ tối thiểu (nếu có).

Phần 11. Xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ

Nêu rõ phương pháp xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ và thời hạn xác định giá trị tài sản ròng của Quỹ theo quy định của pháp luật. Các thông tin về giá trị tài sản ròng của Quỹ phải được công bố công khai cho các nhà đầu tư. Trường hợp giá trị tài sản ròng của Quỹ được niêm yết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong Bản cáo bạch phải nêu rõ tên của phương tiện đó.

Phần 12. Các trường hợp ngừng giao dịch chứng chỉ quỹ

Thông báo rõ các trường hợp ngừng giao dịch chứng chỉ quỹ cho các nhà đầu tư (nếu có).

Phần 13. Xung đột lợi ích

Nêu rõ các xung đột về lợi ích có thể sẽ phát sinh giữa Quỹ, Ngân hàng giám sát, công ty quản lý quỹ, các tổ chức, cá nhân có liên quan và phương pháp hạn chế, loại trừ các xung đột lợi ích đó.

Phần 14. Chế độ báo cáo

Nêu rõ nghĩa vụ của Công ty quản lý quỹ và Ngân hàng giám sát trong việc cung cấp các báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động tháng, quý, năm cho các người đầu tư của quỹ.

Phần 15. Địa chỉ liên lạc giải đáp thắc mắc cho các nhà đầu tư

Ghi rõ thông tin về địa chỉ, số điện thoại liên lạc để các nhà đầu tư có thể tiếp xúc với Công ty quản lý quỹ nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến Quỹ.

Phần 16. Dự báo kết quả hoạt động của Quỹ

1. Trong bản cáo bạch của Quỹ không được phép nêu các thông tin ước tính kết quả hoạt động sẽ đạt được của một Quỹ (theo tính toán lý thuyết).

2. Trong bản cáo bạch của quỹ không được thể hiện:

a. Các dự báo, ước đoán về kết quả hoạt động của Quỹ trong tương lai; hoặc

b. Các thuật ngữ "mục tiêu", "dự kiến" hoặc các thuật ngữ tương tự đối với các khoản thu nhập của quỹ.

3. Trong bản cáo bạch có thể đưa ra các dự báo, ước đoán về tình hình chung của nền kinh tế, của thị trường chứng khoán, các xu hướng phát triển kinh tế,.v.v... nhưng phải nêu rõ các dự báo, ước đoán trên không hàm ý đảm bảo về kết quả hoạt động trong tương lai của Quỹ. Bản cáo bạch phải nêu rõ các căn cứ để đưa ra các dự báo trên.

Phần 17. Các thông tin, phụ lục và tài liệu khác kèm theo

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 04

MẪU THÔNG BÁO PHÁT HÀNH CHỨNG CHỈ QUỸ RA CÔNG CHÚNG
(Ban hành kèm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ)

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH CHỨNG CHỈ QUỸ RA CÔNG CHÚNG

(Giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng số... ....

do Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày... /..../...)

1.Tên Quỹ công chúng (trong Phụ lục này gọi tắt là Quỹ):

2. Tên công ty quản lý quỹ:

* Giấy phép quản lý quỹ số....... do Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày......

* Địa chỉ trụ sở chính:

* Số điện thoại:

* Số Fax:

3. Tên ngân hàng giám sát dự kiến:

* Giấy phép hoạt động số..... do..... cấp ngày.....

* Địa chỉ trụ sở chính:

* Số điện thoại:

* Số Fax:

4. Tên, địa chỉ tổ chức bảo lãnh phát hành (nếu có)

5. Số lượng đơn vị quỹ được phép phát hành:

6. Mệnh giá đơn vị quỹ:

7. Mệnh giá chứng chỉ quỹ:

8. Mục đích huy động vốn:

9. Giá bán ra công chúng:

10. Số lượng đăng ký mua tối thiểu:

11. Thời hạn nhận đăng ký mua: Từ ngày.../.../... đến ngày.../.../...

12. Địa điểm nhận đăng ký mua chứng chỉ quỹ và công bố Bản cáo bạch: (Tên, số điện thoại liên hệ, địa điểm của các đại lý phát hành).

13. Số tài khoản nhận tiền mua chứng chỉ quỹ tại ngân hàng giám sát:

...., ngày.... tháng... năm 200....

(Tổng) Giám đốc công ty quản lý quỹ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 05

MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ LẬP QUỸ VÀ NIÊM YẾT CHỨNG CHỈ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN ĐĂNG KÝ LẬP QUỸ CÔNG CHÚNG VÀ NIÊM YẾT CHỨNG CHỈ QUỸ

Kính gửi : Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

- Chúng tôi là: Công ty quản lý quỹ.......

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số..... do...... cấp ngày..... tháng..... năm..... tại.......

- Giấy phép quản lý quỹ số ….

- Giấy phép đầu tư số.... do...... cấp ngày..... tháng..... năm..... (nếu là công ty quản lý quỹ liên doanh)

- Địa chỉ trụ sở chính:

Đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp đăng ký lập Quỹ và niêm yết chứng chỉ quỹ với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Quỹ:

2. Tên tiếng Anh (nếu có):

3. Tên viết tắt:

4. Ngân hàng giám sát:

5. Giấy phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng số:..... ngày...... do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp

6. Thời hạn hoạt động của Quỹ:........

7. Vốn điều lệ của Quỹ:

8. Mệnh giá chứng chỉ quỹ: 10.000 đồng

9. Số lượng chứng chỉ quỹ:

10. Niêm yết tại:.....

Chúng tôi xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ xin đăng ký lập Quỹ công chúng và niêm yết chứng chỉ quỹ.

Hồ sơ gửi kèm

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 06

MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ LẬP QUỸ THÀNH VIÊN
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN ĐĂNG KÝ LẬP QUỸ THÀNH VIÊN

Kính gửi : Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

- Chúng tôi là : Công ty quản lý quỹ …..

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số..... do..... cấp ngày..... tháng..... năm..... tại.......

- Giấy phép quản lý quỹ số......

- Giấy phép đầu tư số..... do...... cấp ngày..... tháng..... năm..... (nếu là công ty quản lý quỹ liên doanh)

- Địa chỉ trụ sở chính:

Đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng nhận đăng ký lập Quỹ thành viên với các nội dung chủ yếu sau:

- Tên Quỹ.............(tên quỹ xin phép):

- Tên tiếng Anh (nếu có):

- Tên viết tắt:

- Loại hình quỹ:

- Thời hạn hoạt động:

- Tổng số vốn dự kiến huy động:...............................................;

- Ngân hàng giám sát dự kiến:...................................................;

Chúng tôi xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký lập Quỹ thành viên kèm theo.

Hồ sơ gửi kèm

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ......

(ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 07

MẪU ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP QUẢN LÝ QUỸ

Kính gửi : Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Chúng tôi là:

- Tên đầy đủ và chính thức của cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần), của thành viên sáng lập (đối với công ty TNHH quản lý quỹ có 2 thành viên trở nên), chủ sở hữu (đối với công ty TNHH 1 thành viên) hoặc một trong các bên liên doanh của Công ty liên doanh quản lý quỹ (ghi bằng chữ in hoa)

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy phép đầu tư số..... do...... cấp ngày ..... tháng..... năm..... tại.......

- Địa chỉ trụ sở chính:.

Thay mặt các cổ đông sáng lập (hoặc các thành viên sáng lập) đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép quản lý quỹ cho Công ty quản lý quỹ............. (tên công ty quản lý quỹ xin phép kinh doanh):

- Vốn điều lệ:...............................................;

- Các loại hình dịch vụ xin phép:..................

- Nơi dự kiến đặt trụ sở chính:......................;

Chúng tôi xin cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ xin cấp giấy phép quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Hồ sơ gửi kèm

(Liệt kê đầy đủ)

TM.Cổ đông sáng lập/Thành viên sáng lập

xin cấp giấy phép hoạt động cho CTQLQ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 08

CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BẢN THUYẾT TRÌNH CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT PHỤC VỤ CHO HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

BẢN THUYẾT TRÌNH CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT PHỤC VỤ CHO HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ QUỸ
(áp dụng cho hồ sơ xin cấp giấy phép quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ)

I. GIỚI THIỆU CHUNG:

1. Tên công ty:

2. Địa chỉ trụ sở chính (chi nhánh)

3. Số fax, điện thoại

II. CHI TIẾT:

1. Tổng diện tích

2. Bố trí phòng ban, mặt bằng làm việc

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động kinh doanh

a. Thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh: hệ thống máy tính, phần mềm, điện thoại, fax, bàn ghế cho nhân viên,...

b. Hệ thống lưu trữ thông tin, tài liệu

c. Thiết bị phòng cháy chữa cháy

d. Hệ thống an toàn phòng chống trộm cắp

Chúng tôi xin cam đoan về tính chính xác, trung thực và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nội dung trên.

Hồ sơ gửi kèm:

(Liệt kê đầy đủ)

TM. Cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập/

(Tổng) Giám đốc công ty quản lý quỹ

(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 09

MẪU LÝ LỊCH TÓM TẮT CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN, CHỦ TỊCH CÔNG TY, BAN KIỂM SOÁT VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐẠI DIỆN CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

Lý Lịch Tóm Tắt

1. Họ và tên : Nam/ Nữ

Bí danh ( nếu có ):

2. Ngày tháng năm sinh :

3. Nơi sinh:

4. Số chứng minh thư nhân dân:

Số hộ chiếu (nếu có) :

5. Quốc tịch:

6. Địa chỉ thường trú:

Điện thoại, fax:

7. Trình độ chuyên môn:

8. Các nghề nghiệp và chức vụ đã qua :

9. Khen thưởng:

10. Kỷ luật:

11. Chức vụ trong công ty quản lý quỹ:

12. Chức vụ hiện nay tại các tổ chức khác:

13. Quan hệ vợ, chồng, bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh chị em ruột (đề rõ họ và tên, ngày sinh, số chứng minh thư, địa chỉ, nơi công tác):.............

Tôi xin cam đoan về tính chính xác, trung thực và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nội dung trên.

Xác nhận

của cơ quan có thẩm quyền

Người khai

(Ký, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 10

MẪU ĐƠN XIN THAY ĐỔI, BỔ SUNG LOẠI HÌNH DỊCH VỤ CHO CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư và Công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN XIN THAY ĐỔI/BỔ SUNG LOẠI HÌNH DỊCH VỤ TRONG GIẤY PHÉP QUẢN LÝ QUỸ

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Chúng tôi là:

- Công ty quản lý quỹ: (tên đầy đủ và chính thức của công ty ghi bằng chữ in hoa)

- Giấy chứng nhận ĐKKD/Giấy phép đầu tư số:..... do..... cấp ngày..... tháng..... năm.......

- Giấy phép quản lý quỹ số:... do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày... tháng..... năm.....

- Vốn điều lệ:

- Địa chỉ trụ sở chính

Đề nghị được thay đổi/bổ sung Giấy phép quản lý quỹ loại hình dịch vụ: (nêu rõ).

Lý do xin thay đổi/bổ sung giấy phép quản lý quỹ:

Chúng tôi xin cam kết và liên đới hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ xin thay đổi/bổ sung giấy phép quản lý quỹ kèm theo đây.

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 11

MẪU ĐƠN XIN CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP CHO CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ NƯỚC NGOÀI.
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN XIN CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN/PHẦN VỐN GÓP CHO CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ NƯỚC NGOÀI

Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Chúng tôi là:

- Công ty (tên đầy đủ và chính thức của công ty ghi bằng chữ in hoa)

- Giấy chứng nhận ĐKKD/Giấy phép đầu tư số:.. do... cấp ngày... tháng... năm...

- Giấy phép quản lý quỹ số:... do ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày ... tháng ... năm ...

- Vốn điều lệ:

- Địa chỉ trụ sở chính:

- Điện thoại:.... Fax:...

đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho công ty chúng tôi được chuyển nhượng cổ phần (hoặc phần vốn góp) với số lượng cổ phần (phần vốn góp):............., mệnh giá chuyển nhượng......... (tính theo VND) cho tổ chức quản lý quỹ nước ngoài là........ (tên tổ chức nước ngoài), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số.........., nơi cấp........ (hoặc các giấy tờ pháp lý tương tự)

Chúng tôi xin cam đoan hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cổ phần (phần vốn góp) và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hồ sơ gửi kèm theo quy định pháp luật.

Hồ sơ kèm theo:

(liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ trong nước

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 12

MẪU ĐƠN XIN CHẤP THUẬN LẬP (ĐÓNG) CHI NHÁNH CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN XIN LẬP (ĐÓNG) CHI NHÁNH CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Chúng tôi là:

- Công ty (tên đầy đủ và chính thức của công ty ghi bằng chữ in hoa)

- Giấy chứng nhận ĐKKD/Giấy phép đầu tư số:... do... cấp ngày... tháng... năm ...

- Giấy phép quản lý quỹ số:... do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày... tháng... năm...

- Vốn điều lệ:

- Địa chỉ trụ sở chính:

- Điện thoại: .... Fax:...

đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho công ty chúng tôi lập (đóng) chi nhánh như sau:

- Tên và địa chỉ trụ sở chi nhánh:

- Điện thoại: .... Fax:...

- Nội dung, phạm vi hoạt động:

Lý do lập (đóng) chi nhánh:

Chúng tôi xin cam đoan sau khi được phép lập (đóng) chi nhánh chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan và thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng pháp luật.

Chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung đơn và các tài liệu kèm theo.

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 13

MẪU ĐƠN XIN THAY ĐỔI ĐỊA ĐIỂM ĐẶT TRỤ SỞ CHÍNH, CHI NHÁNH CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....,ngày... tháng... năm...

ĐƠN XIN THAY ĐỔI ĐỊA ĐIỂM ĐẶT TRỤ SỞ CHÍNH (CHI NHÁNH)

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Chúng tôi là:

- Công ty quản lý quỹ (tên đầy đủ và chính thức của công ty ghi bằng chữ in hoa)

- Giấy chứng nhận ĐKKD/Giấy phép đầu tư số:... do... cấp ngày... tháng... năm ...

- Giấy phép quản lý quỹ số: ... do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày... tháng... năm...

- Vốn điều lệ:

- Địa chỉ trụ sở chính:

- Điện thoại: .... Fax:...

đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho công ty chúng tôi chuyển trụ sở chính (chi nhánh) tới:

- Địa điểm:

- Số điện thoại, fax:

Lý do xin chuyển sang địa điểm mới:.........................................................

Chúng tôi xin cam đoan sau khi chuyển sang trụ sở mới, chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan và thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng pháp luật.

Chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung đơn và các tài liệu kèm theo.

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ (Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 14

MẪU BÁO CÁO TÀI SẢN CỦA QUỸ (BAN HÀNH KÈM THEO QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VÀ CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ) BÁO CÁO TÀI SẢN CỦA QUỸ

(Tháng, quý, năm)

1. Tên công ty quản lý quỹ:

2. Tên ngân hàng giám sát:

3. Tên Quỹ:

4. Ngày lập báo cáo:

Đơn vị tính:....VND

STT

TÀI SẢN

KỲ BÁO CÁO

KỲ TRƯỚC

% /CÙNG KỲ NĂM TRƯỚC

1

Tiền

2

Các khoản đầu tư (kê chi tiết)

3

Cổ tức được nhận

4

Lãi được nhận

5

Tiền bán chứng khoán chờ thu (kê chi tiết)

6

Các khoản phải thu khác

7

Các tài sản khác

Tổng tài sản

Các khoản nợ

8

Tiền phải thanh toán mua chứng khoán (kê chi tiết)

9

Các khoản phải trả khác

Tổng nợ

tài sản ròng của quỹ

10

Tổng số đơn vị quỹ

11

Giá trị của một đơn vị quỹ

(Tổng) Giám đốc Ngân hàng giám sát

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(Tổng) Giám đốc Công ty QLQ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 15

MẪU BÁO CÁO THAY ĐỔI GIÁ TRỊ TÀI SẢN RÒNG CỦA QUỸ HÀNG THÁNG/QUÝ/NĂM
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

BÁO CÁO THAY ĐỔI GIÁ TRỊ TÀI SẢN RÒNG CỦA QUỸ

(Tháng/quý/năm)

1. Tên công ty quản lý quỹ:

2. Tên ngân hàng giám sát:

3. Tên Quỹ:

4. Ngày lập báo cáo:

Đơn vị tính:.... VND

STT

CHỈ TIÊU

KỲ BÁO CÁO

KỲ TRƯỚC

I

Giá trị tài sản ròng đầu kỳ

II

Thay đổi trong giá trị tài sản ròng của Quỹ trong kỳ:

Trong đó

1

Thay đổi giá trị tài sản ròng của Quỹ do các hoạt động liên quan đến đầu tư của Quỹ trong kỳ

2

Thay đổi giá trị tài sản ròng của Quỹ do việc phân phối thu nhập của Quỹ cho các nhà đầu tư trong kỳ

III

Giá trị tài sản ròng cuối kỳ

(Tổng) Giám đốc Ngân hàng giám sát

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(Tổng) Giám đốc Công ty QLQ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 16

MẪU BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CỦA QUỸ HÀNG THÁNG/QUÝ/NĂM (BAN HÀNH KÈM THEO QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VÀ CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ)

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CỦA QUỸ

(Tháng/quý/năm)

1. Tên công ty quản lý quỹ:

2. Tên ngân hàng giám sát:

3. Tên Quỹ:

4. Ngày lập báo cáo:

Đơn vị tính:.... VND

STT

CHỈ TIÊU

KỲ BÁO CÁO

KỲ TRƯỚC

LŨY KẾ TỪ ĐẦU NĂM

I

Thu nhập từ hoạt động đầu tư

1

Cổ tức được nhận

2

Lãi được nhận

II

Chi phí

1

Phí quản lý quỹ

2

Phí lưu ký, giám sát

3

Các loại chi phí khác

III

Thu nhập ròng từ hoạt động đầu tư (I-II)

IV

Lãi (lỗ) từ hoạt động đầu tư

1

Lãi (lỗ) thực tế phát sinh từ hoạt động đầu tư

2

Thay đổi về giá trị của các khoản đầu tư trong kỳ

V

Thay đổi của giá trị tài sản ròng của Quỹ do các hoạt động đầu tư trong kỳ (III + IV)

(Tổng) Giám đốc Ngân hàng giám sát

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(Tổng) Giám đốcCông ty QLQ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 17

Mẫu báo cáo về tình hình danh mục đầu tư của Quỹ

(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán

và Công ty quản lý quỹ)

BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH DANH MỤC ĐẦU TƯ QUỸ

(Tháng...... năm....)

1. Tên công ty quản lý quỹ:

2. Tên ngân hàng giám sát:

3. Tên Quỹ:

4. Ngày lập báo cáo:

STT

Loại

Số lượng

Giá thị trường cuối tháng

Tổng giá trị

Tỷ lệ %/Tổng giá trị tài sản hiện tại của Quỹ

I

Cổ phiếu niêm yết

1

2

Tổng

II

Cổ phiếu không niêm yết

1

2

Tổng

III

Trái phiếu

1

2

Tổng

IV

Các loại chứng khoán khác

1

2

Tổng

V

Các tài sản khác

1

2

Tổng

VI

Tiền

1

Tiền mặt

2

TGNH

Tổng

VII

Tổng giá trị danh mục

(Tổng) Giám đốc NHGS

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(Tổng) Giám đốc CTQLQ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 18

MẪU BÁO CÁO MỘT SỐ CHỈ TIÊU TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

BÁO CÁO MỘT SỐ CHỈ TIÊU TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ

(Tháng.....năm...)

1. Tên công ty quản lý quỹ:

2. Tên ngân hàng giám sát:

3. Tên Quỹ:

4. Ngày lập báo cáo:

Đơn vị tính:....VND

STT

CHỈ TIÊU

THÁNG BÁO CÁO

THÁNG TRƯỚC

I

Các chỉ số về tình hình hoạt động đầu tư

1

Tỷ lệ các loại chứng khoán trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

2

Tỷ lệ các loại cổ phiếu trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

3

Tỷ lệ các loại cổ phiếu niêm yết trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

4

Tỷ lệ các loại cổ phiếu không niêm yết trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

5

Tỷ lệ các loại trái phiếu trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

6

Tỷ lệ các loại chứng khoán khác trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

7

Tỷ lệ tiền mặt trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

8

Tỷ lệ bất động sản trong tổng giá trị tài sản của Quỹ

9

Tỷ lệ thu nhập bình quân (cả thu nhập từ lãi, cổ tức, chênh lệch giá) so với tổng giá trị tài sản của Quỹ

10

Tỷ lệ chi phí bình quân so với tổng giá trị tài sản của Quỹ

II

Các chỉ số thị trường

1

Tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành cuối tháng

2

Tỷ lệ nắm giữ chứng chỉ quỹ của các nhân viên công ty quản lý quỹ cuối tháng

3

Tỷ lệ nắm giữ chứng chỉ quỹ của 10 nhà đầu tư lớn nhất cuối tháng

4

Tỷ lệ nắm giữ chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư nước ngoài

5

Tỷ lệ giá trị giao dịch chứng chỉ quỹ so với tổng số chứng chỉ quỹ trong tháng

6

Giá trị đơn vị quỹ cuối tháng

(Tổng) Giám đốc Ngân hàng giám sát

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(Tổng) Giám đốc Công ty QLQ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 19

MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HÀNG THÁNG, QUÝ, NĂM CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoánvà Công ty quản lý quỹ)

TÊN CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Số:........(số công văn)

V/v báo cáo hoạt động hàng tháng/quý/năm

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày......tháng......năm.......

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

I. THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

1. Hoạt động quản lý quỹ

- Tổng số Quỹ đang thực hiện quản lý:

- Tổng số vốn của các Quỹ đang thực hiện quản lý :

- Số lượng Quỹ lập, đóng trong tháng/quý/năm:

Phí thu được trong tháng/quý/năm (nếu có):

Trong đó:

- Phí quản lý quỹ:

- Thưởng (nếu có):

2. Hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán

Tổng số hợp đồng đã ký còn hiệu lực thực hiện:

Số hợp đồng ký trong tháng/quý/năm:

Nội dung tư vấn:

- Tư vấn đầu tư chứng khoán trực tiếp cho khách hàng:

Đối tượng (trong nước, nước ngoài): + Cá nhân

+ Tổ chức

- Tư vấn tài chính:

Đối tượng (trong nước, nước ngoài):

Phí thu được trong tháng/quý/năm (nếu có):

* Tổng phí thu được trong tháng của Công ty quản lý quỹ từ các hoạt động quản lý quỹ và tư vấn:

3. Các hoạt động khác của công ty quản lý quỹ.

II. THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN THAY ĐỔI NHÂN SỰ CỦA CÔNG TY (TUYỂN DỤNG MỚI, CHUYỂN CÔNG TÁC, KỶ LUẬT....)

Đối với những trường hợp đã được cấp chứng chỉ hành nghề, công ty phải liệt kê đầy đủ (họ tên, số giấy phép, ngày cấp, vị trí công tác...)

III. CÁC VƯỚNG MẮC PHÁT SINH VÀ KIẾN NGHỊ

1. Khung pháp lý

2. Điều hành quản lý của UBCKNN

3. Các vấn đề khác phát sinh

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 20

MẪU CÔNG VĂN THÔNG BÁO THAY ĐỔI HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, BAN GIÁM ĐỐC
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

TÊN CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
Số:........(số công văn)

Vv..... (trích yếu nội dung công văn)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày......tháng......năm.......

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Công ty quản lý quỹ........ xin báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc thay đổi lãnh đạo của Công ty như sau:

- Họ và tên người được bổ nhiệm:.....,chức vụ....., thay cho ông (bà)..., chức vụ........

- Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ số......., ngày cấp...........

Lý do thay đổi: ......................................................................

Công ty sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những người mới được bổ nhiệm đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định và tính chính xác của nội dung công văn cùng các tài liệu kèm theo.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 21

MẪU BÁO CÁO TĂNG (GIẢM) VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

Tên công ty quản lý quỹ

Số:........(số công văn)

Vv..... (trích yếu nội dung công văn)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày......tháng......năm.......

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Công ty quản lý quỹ...... xin báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc tăng (giảm) vốn điều lệ của Công ty như sau:

- Số vốn điều lệ cũ

- Số vốn điều lệ mới

- Từ nguồn

- Ngày bắt đầu có hiệu lực

Lý do tăng (giảm) vốn điều lệ:.................................................................

Công ty cam đoan sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung công văn và các tài liệu kèm theo.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 22

MẪU BÁO CÁO THAY ĐỔI TÊN CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

TÊN CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Số:........(số công văn)

Vv..... (trích yếu nội dung công văn)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày......tháng......năm.......

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Công ty quản lý quỹ....... xin báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc thay đổi tên Công ty như sau:

- Tên cũ (tên đầy đủ và chính thức của công ty ghi bằng chữ in hoa, tên viết tắt, tên giao dịch, tên bằng tiếng Anh):

- Tên mới (tên đầy đủ và chính thức của công ty ghi bằng chữ in hoa, tên viết tắt, tên giao dịch, tên bằng tiếng Anh):

- Ngày bắt đầu có hiệu lực

Lý do thay đổi: ................................................................................................

Công ty sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung công văn và các tài liệu kèm theo.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 23

MẪU BÁO CÁO VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU LỆ CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
(Ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ)

TÊN CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Số:........(số công văn)

Vv..... (trích yếu nội dung công văn)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày......tháng......năm.......

Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Công ty quản lý quỹ...... xin báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của Công ty như sau:

Lý do sửa đổi, bổ sung:

Những nội dung sửa đổi, bổ sung:

Ngày bắt đầu có hiệu lực:

Công ty cam đoan sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung công văn và các tài liệu kèm theo.

Xin trân trọng cảm ơn!

Hồ sơ kèm theo:

(Liệt kê đầy đủ)

(Tổng) Giám đốc Công ty quản lý quỹ

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

THE MINISTRY OF FINANCE
-------------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

No. 73/2004/QD-BTC

Hanoi. September 3, 2004

 

DECISION

PROMULGATING THE REGULATION ON ORGANIZATION AND OPERATION OF SECURITIES INVESTMENT FUNDS AND FUND MANAGEMENT COMPANIES

THE FINANCE MINISTER

Pursuant to the Government's Decree No. 144/2003/ND-CP of November 28, 2003 on securities and securities market;
Pursuant to the Government's Decree No. 77/2003/ND-CP of July 1, 2003 defining the functions, tasks, powers and organizational apparatus of the Finance Ministry;
At the proposal of the chairman of the State Securities Commission,

DECIDES:

Article 1.- To promulgate herewith the Regulation on organization and operation of securities investment funds and fund management companies.

Article 2.- This Decision takes effect 15 days after its publication in the Official Gazette.

Article 3.- The chairman of the State Securities Commission, fund management companies and concerned parties shall have to implement this Decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



FOR THE FINANCE MINISTER
VICE MINISTER




Le Thi Bang Tam

 

REGULATION

ON ORGANIZATION AND OPERATION OF SECURITIES INVESTMENT FUNDS AND FUND MANAGEMENT COMPANIES

(Promulgated together with the Finance Minister's Decision No. 73/2004/QD-BTC of September 3, 2004)

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation

This Regulation provides for the organization and operation of fund management companies, supervisory banks, capital mobilization, establishment and operation of securities investment funds (hereinafter called funds for short), and operation of organizations providing services for securities investment funds on the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In this Regulation, the following terms are construed as follows:

1. Charter capital of a fund means the capital in cash actually contributed by all investors and inscribed in the fund's charter.

2. Fund units mean a fund's charter capital divided into many equal parts.

3. Securities investment fund certificates (hereinafter called fund certificates for short) mean a kind of securities in the form of certificate or book entry issued by a fund management company on behalf of a public fund, certifying the investors' lawful ownership over one or more than one fund unit of the public fund. Fund certificates have a uniform par value of VND 10,000.

4. Public fund means a fund issuing fund certificates to the public.

5. Member fund means a fund which is established with the capital contributed by a maximum of 49 capital-contributing members and does not issue fund certificates to the public.

6. Investor means a domestic or foreign individual or organization investing in a fund.

7. Capital-contributing member means an investor contributing capital to a member fund.

8. Net asset value of a fund means the total value of a fund's assets minus its total liabilities at the time of calculation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



PUBLIC FUNDS

Article 3.- Conditions for issuance of fund certificates to the public

1. The issuance of fund certificates to the public must be licensed by the State Securities Commission.

2. Total value of fund certificates applied for issuance licensing must be at least VND 5 billion.

3. There is a plan on the investment of capital acquired from the fund certificate issuance drive in accordance with current law provisions.

Article 4.- Dossiers of application for licenses for issuance of fund certificates to the public

A dossier of application for a license for issuance of fund certificates to the public consists of:

1. An application for a license for issuance of fund certificates to the public (made according to a set form);

2. The public fund's draft charter (made according to a set form);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The fund asset supervision contract between the fund management company and the supervisory bank, which has been agreed upon in principle by the two parties;

5. The founding members' commitments not to transfer their fund certificates for 2 years as from the date of their issuance.

Article 5.- Licensing of issuance of fund certificates to the public

1. Dossiers of application for licenses for issuance of fund certificates to the public shall each be made in 2 sets (1 original set and 1 copy set) and sent to the State Securities Commission.

2. Dossiers may be amended and/or supplemented when the fund management companies find it so necessary or the State Securities Commission so requests. Written amendments and/or supplements must contain the signatures of the persons who have signed the issuance registration dossiers sent to the State Securities Commission or those who have the same titles of such persons.

3. Within 30 working days as from the date of receiving complete and valid dossiers, the State Securities Commission shall grant licenses for issuance of fund certificates to the public. In case of refusal, the State Securities Commission shall clearly explain the reasons therefor in writing.

Article 6.- Pre-issuance information and issuance publicization

1. Pending the consideration by the State Securities Commission of dossiers of application for licenses for issuance of fund certificates to the public, fund management companies, issuance-underwriting organizations and related subjects must not advertise, offer and distribute fund certificates to the public in any form. Documents used for market surveys must not contain information different from the principal contents of the prospectuses already sent to the State Securities Commission.

2. Within 5 working days as from the date the State Securities Commission grants licenses for issuance of fund certificates to the public, the fund management companies must publicize the issuance on one (1) central newspaper or one (1) local newspaper of the locality where they are headquartered, with the contents prescribed in the issuance notice form.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 7.- Distribution of fund certificates

1. Fund management companies, distributing organizations and issuance-underwriting organizations must not distribute fund certificates before publicizing the issuance and supplying the prospectuses, the funds' draft charters and other relevant documents to investors.

2. Fund management companies and concerned organizations must distribute fund certificates in a fair manner and ensure that the time limit for investors to subscribe for fund certificates is at least 15 working days as from the date the licenses for issuance of fund certificates to the public become valid. The principles and priority mechanism applicable to the registration for the purchase and distribution of investment fund certificates must be clearly notified to investors in the prospectuses.

3. Fund management companies or distributing organizations must complete the fund certificates distribution drive within 90 days as from the date the licenses for issuance of fund certificates to the public become valid. Past that time limit, if there remain fund certificates unsold and the fund management companies wish to continue distributing them, they must send written requests to the State Securities Commission for extension of their licenses for issuance of fund certificates to the public, clearly stating the reason therefor and plans on the distribution of the remaining fund certificates.

4. The amounts paid for the purchase of fund certificates must be transferred into the blockaded accounts opened at the supervisory banks till the distribution drives are completed.

5. Where investors suffer from damage because information in the prospectuses and other issuance documents is wrong or untruthful, fund management companies which have compiled the dossiers of application for issuance licenses shall be handled according to law provisions.

6. Fund management companies and supervisory banks shall open and keep book of registration of investors that hold fund certificates as from the time the distribution drives complete. Such an investors registration book contains the following principal contents:

a/ The fund's name;

b/ The fund management company's name, its license's serial number and its head office's address;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Total number of fund units the fund is entitled to offer;

e/ Total number of units already sold and the value of capital already contributed;

f/ The investors' names and addresses, the number of fund units held by each investor and its ratio to the fund's charter capital, the date of ownership registration.

Article 8.- Suspension of issuance and withdrawal of licenses for issuance of fund certificates to the public

The suspension of issuance and withdrawal of licenses for issuance of fund certificates to the public shall comply with the provisions of Articles 79 and 80 of the Government's Decree No. 144/2003/ND-CP of November 28, 2003 on securities and securities market (Decree No. 144/2003/ND-CP).

Article 9.- Reporting on the results of issuance drives

Within 10 working days after an issuance drive completes, fund management companies must make public and report to the State Securities Commission on the result of such issuance drive. The report sent to the State Securities Commission shall contain the total mobilized capital of the public fund and the list of investors with the supervisory bank's certification, clearly specifying each investor's contributed capital value, number of fund units and ownership ratio.

Article 10.- Procedures to register the establishment of public funds and listing of fund certificates

1. Within 30 working days as from the first meeting of the investors' congress following the completion of the drive of issuance of fund certificates to the public, the fund management companies shall send to the State Securities Commission dossiers of registration for the establishment of public funds and listing of fund certificates, each consisting of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The prospectus;

c/ The fund's charter and the supervision contract already adopted by the investors' congress;

d/ The list and resumes of members of the fund's representative board; written commitments of the representative board's independent members on their independence from the fund management company;

e/ The founding members' and the fund's representative board members' commitments not to transfer their fund certificates for 2 years as from the date of listing;

f/ The minutes of, and other documents related to, the meeting of the investors' congress.

2. Fund management companies must be responsible for the validity and accuracy of dossiers. If detecting that the dossiers already submitted to the State Securities Commission are incomplete, contain inaccurate information or newly arising events affect the contents of the submitted dossiers, fund management companies must report such to the State Securities Commission for timely amendments and/or supplements to the dossiers of registration for the establishment of public funds and listing of fund certificates.

3. Within 30 days as from the date of receiving complete and valid dossiers prescribed in Clause 1 of this Article, the State Securities Commission shall grant certificates of registration for the establishment of public funds and listing of fund certificates. In case of refusal, the State Securities Commission shall clearly explain the reasons therefor in writing.

Article 11.- Incomes, expenditures and distribution of incomes of public funds

1. A public fund shall have the following incomes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Bond interests;

c/ Deposit interests;

d/ Purchase-sale margins from the fund's investment activities;

e/ Other incomes.

2. A public fund's expenditures which must be specified in its charter include:

a/ Fund management charges and bonuses (if any) paid to the fund management company;

b/ Charges paid to fund asset supervision and preservation services provided by the supervisory bank;

c/ Charges and fees payable by the fund according to law provisions;

d/ Arising expenses related to the fund's loans in compliance with the fund's charter and law provisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Expenses related to the hiring of independent organizations to provide fund asset valuation and evaluation as well as legal consultancy services in order to protect investors' interests;

g/ Expenses related to the organization and convention of annual meetings of the investors' congress and the fund's representative board;

h/ Other expenses as prescribed in the fund's charter.

3. The distribution of public funds' incomes must comply with the following provisions:

a/ The remainder of a public fund's incomes after subtracting its expenses shall be distributed to investors on the principle: only investors who have their names inscribed on the investors' list made on the last registration day may receive distributed incomes.

b/ The process and procedures for distribution of public funds' incomes to investors shall comply with the law provisions on securities registration, custody, clearing and payment.

Article 12.- Valuation of funds' net assets

1. The valuation of funds' net assets must abide by the following principles:

a/ For listed securities, their prices shall be determined to be the closing prices of the transaction date preceding the valuation date according to regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ For the funds' other assets, such as dividends, received interests, cash, their value shall be calculated according to their actual value at the time of valuation.

d/ A fund's total liabilities are its debts or payment obligations calculated up to the time of valuation.

2. The value of a fund unit shall be the fund's net asset value divided by the total number of fund units currently in circulation.

3. A public fund's net asset value must be determined once a week and publicly notified to investors on the subsequent working day.

Article 13.- Restrictions on public funds' investment

1. Public funds' capital and assets shall be only invested in securities or other assets in compliance with their charters and law provisions. The investment of public funds' capital and assets must strictly abide by the following restrictions:

a/ A public fund must not contribute capital or invest in its own fund certificates or those of another fund;

b/ A public fund must not invest in over 15% of the total value of an issuing organization's securities currently in circulation;

c/ A public fund must not invest over 20% of the total value of its assets in an issuing organization's securities currently in circulation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ A public fund must not invest over 30% of the total value of its assets in companies of the same conglomerate or in a group of companies with mutual ownership relations;

f/ Public funds' capital and assets must not be used for providing or underwriting any loans; it is forbidden to borrow capital for financing public funds' activities, excluding short-term borrowings for covering necessary expenses of public funds. The total value of a public fund's borrowings must not exceed 1% of its net asset value at any time. The maximum borrowing duration is 30 days;

g/ Public funds are not restricted to invest in assorted government bonds.

2. A public fund's investment structure may vary but must not exceed by 10% of the investment restrictions prescribed in Clause 1 of this Article and such variations must result from the increase or decrease of the market value of invested assets and lawful payments of the public fund. In this case, the fund management company must not invest the fund's capital and assets in the assets currently experiencing such variations and must, within 3 months as from the date such variations occur, take remedial measures. The fund management company must report to the State Securities Commission and disclose information to investors on the causes of such variations, remedial measures already taken and the remedy results.

Article 14.- Public funds' asset transactions with involved persons of fund management companies

1. General directors, deputy general directors (directors, deputy directors), members of managing boards of fund management companies, fund managers as well as involved persons are not allowed to purchase public funds' assets for their companies or for themselves or sell their assets to public funds.

2. Except for the case prescribed in Clause 1 of this Article, all asset transactions of public funds, which are participated in any form by fund management companies or involved persons of fund management companies must strictly comply with the following provisions:

a/ Transacted assets must not be immovables;

b/ Transactions must be approved by the supervisory banks and all independent members of the funds' representative boards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 15.- Dissolution of funds

1. The dissolution of a fund shall be effected in the following cases:

a/ The fund completes its operation duration inscribed in its charter;

b/ The investors' congress decides to dissolve the fund before the end of its operation duration inscribed in the fund's charter.

2. In the cases prescribed in Clause 1 of this Article, fund management companies and supervisory banks shall have to complete the liquidation of the funds' assets and return them to investors.

3. At least 3 months before the date the funds are dissolved, their representative boards must convene the investors' congresses and submit the fund dissolution plans to the investors' congresses for decision. The fund dissolution plans must be approved by the State Securities Commission.

4. Proceeds from the liquidation of the funds' assets and assets left in the dissolution process shall be paid in the following priority order:

a/ Fulfilling financial obligations towards the State (if any);

b/ Paying dissolution expenses and the funds' debts; amounts payable to the fund manage-ment companies and supervisory banks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The remainder (if any) after the above-said obligations are fulfilled shall be paid to investors in proportion to each investor's ownership ratio in the funds.

Article 16.- Rights and obligations of investors

1. To observe the funds' charters; to abide by resolutions of the investors' congresses.

2. To fully pay for the purchase of fund certificates and be responsible for the public funds' debts and other asset obligations within their contributed capital.

3. To enjoy benefits from the public funds' investment activities corresponding to the ratio of their capital contributed to the public funds.

4. To exercise their rights and fulfill their obligations through the investors' congresses according to the provisions of the funds' charters.

5. To transfer fund certificates according to law provisions; not to request the fund management companies and supervisory banks to redeem fund certificates on behalf of the public funds, unless otherwise prescribed by law.

Article 17.- Investors' congresses

1. The first investors' congress held upon the establishment of a public fund shall be convened by the fund management company and supervisory bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Extraordinary investors' congresses shall be convened by the funds' representative boards or supervisory banks in the following cases:

a/ There are important changes in the investment environment and the investment situation of public funds and matters prescribed in Article 18 of this Regulation must be decided;

b/ The fund management companies or supervisory banks go bankrupt, are suspended from operation or seriously violate the funds' charters;

c/ Where the funds' representative boards or the supervisory banks receive requests of investors or investors' groups representing at least 10% of the funds' charter capital for six months in a row;

d/ Other cases prescribed in the funds' charters.

4. Where the funds' representative boards or the supervisory banks do not convene meetings according to the provisions of Point c, Clause 3 of this Article, investors or investors' groups representing at least 10% of the funds' charter capital for 6 months in a row may convene meetings of the investors' congresses.

5. The convention of meetings of the investors' congresses under the provisions of Clauses 3 and 4 of this Article must be effected within 30 days as from the date such circumstances happen. At least 10 working days before the meetings of the investors' congresses take place, the convening party must publicly notify investors of the convention of such meetings.

Article 18.- Rights of investors' congresses

The investors' congresses have the rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To elect and relieve from duty members or presidents of the funds' representative boards.

3. To decide on remunerations and operational expenses of the funds' representative boards.

4. To examine and handle violations committed by the funds' representative boards, fund management companies, supervisory banks and concerned organizations, which cause damage to the public funds.

5. To adopt decisions on amendments and supplements to the funds' charters, the listing of fund certificates.

6. To change the profit distribution policy.

7. To change important undertakings, strategies and investment objectives of the public funds, and to dissolve the public funds.

8. To change the rates of charges paid to the fund management companies and supervisory banks.

9. To request the fund management companies and supervisory banks to present transaction records and documents at the investors' congresses.

10. To adopt annual reports on the financial status, assets and operation of the public funds.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. To change the fund management companies and supervisory banks.

13. Other rights and tasks prescribed in the funds' charters.

Article 19.- Conditions and procedures for conducting meetings of investors' congresses

1. Meetings of investors' congresses shall be conducted when the participating investors represent at least 65% of the funds' charter capital.

2. Where the first meeting cannot be conducted because it does not satisfy the condition prescribed in Clause 1 of this Article, the second meeting may be convened within 30 days after the expected opening date of the first meeting. The second meeting of the investors' congress shall be conducted when the participating investors represent at least 51% of the fund's charter capital.

3. Where the second meeting cannot be conducted because it does not satisfy the condition prescribed in Clause 2 of this Article, the third meeting may be convened within 15 working days after the expected opening date of the second meeting. In this case, the meeting of the investors' congress shall be conducted regardless of the number of participating investors.

4. The procedures for conducting meetings of the investors' congresses and the voting form shall be prescribed in the funds' charters.

Article 20.- Adoption of decisions of investors' congresses

1. The investors' congresses shall adopt decisions falling under their jurisdiction by voting at the meetings or soliciting written opinions. Persons with interests and obligations related to matters to be voted must not participate in voting.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ They are approved by investors representing at least 51% of the total number of votes cast by all participating investors;

b/ For decisions on amendments and supplements to the funds' charters, on the public funds' dissolution, they must be approved by investors representing at least 65% of the total number of votes cast by all participating investors.

3. In case of adoption of decisions in the form of soliciting written opinions, decisions of the investors' congresses shall be adopted if they are approved by investors representing at least 51% of the total number of votes cast by all investors of the public funds.

4. The funds' representative boards, the fund management companies and supervisory banks shall have to abide by the resolutions of the investors' congresses.

Article 21.- Reports on investors' congresses

1. The convention and tentative contents of meetings of the investors' congresses must be publicly notified to investors and reported to the State Securities Commission at least 10 working days before the congresses take place.

2. The State Securities Commission may request changes in the meetings' contents if such contents are contrary to law provisions or may seriously harm investors' interests.

3. Within 10 working days after the end of the meetings of the investors' congresses, the funds' representative boards shall have to make and send the minutes and resolutions of the congresses to the State Securities Commission.

Article 22.- Funds' representative boards

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To supervise activities of the fund management companies, supervisory banks and organizations providing services for the public funds in accordance with the funds' charters;

b/ To examine and supervise the implementation of the process and methods of valuating the public funds' net assets;

c/ To approve the public funds' transactions of involved persons of the fund management companies and supervisory banks in accordance with the provisions of Article 14 of this Regulation and the provisions of the funds' charters;

d/ To propose investment policies and objectives of the public funds;

e/ To prose the levels of profits distributed to investors; adopt the profit distribution time limit and procedures;

f/ To propose the change of fund management companies or supervisory banks;

g/ Other rights and tasks prescribed in the funds' charters.

2. Decisions of the funds' representative boards shall be adopted by voting at meetings, soliciting written opinions or in other form prescribed in the funds' charters. Each member of the funds' representative boards shall have a vote.

3. The funds' representative boards shall have each at least 3 members and at most 11 members, of whom at least 60% are other than involved persons of the fund management companies and supervisory banks (hereinafter called independent members for short).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The funds' representative board members must commit not to transfer fund certificates they own for 2 years as from the date of their issuance. Past this time limit, the transfer of fund certificates of the funds' representative board members must be publicly notified to investors.

Article 23.- Meetings of funds' representative boards

1. The presidents of the funds' representative boards may convene meetings of the funds' representative boards. The funds' representative boards must meet at least once every quarter and may meet extraordinarily in case of necessity.

2. Meetings of the funds' representative boards shall be conducted when they are attended by two thirds or more of the total number of members. Decisions of the funds' representative boards shall be adopted if they are approved by a majority of participating members. Where the numbers of votes for and votes against are equal, the final decision shall belong to the side sharing the opinion of the president of the fund's representative board.

3. Meetings of the funds' representative boards must be fully recorded in minutes. The meetings' chairmen and secretaries must bear joint responsibility for the accuracy and truthfulness of the minutes of the meetings of the funds' representative boards.

Article 24.- Presidents of funds' representative boards

1. The investors' congresses shall elect presidents of the funds' representative boards among the representative boards' members. Presidents of the funds' representative boards must be independent members.

2. Presidents of the funds' representative boards have the following powers and duties:

a/ To formulate the activity programs and plans of the funds' representative boards;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To oversee the process of implementation of decisions of the funds' representative boards;

d/ Other powers and duties prescribed in the funds' charters.

2. Where the presidents of the funds' representative boards are absent or lose their capacity to perform their assigned duties, the funds' representative boards' members authorized by the presidents of the funds' representative boards shall perform the powers and duties of the latter. In case where no members are authorized, other members of the fund's representative board shall select on the consensus principle one among the independent members to temporarily hold the post of the fund's representative board president. The re-election of the funds' representative board presidents shall be effected at the nearest annual meetings of the investors' congresses.

Chapter III

MEMBER FUNDS

Article 25.- Establishment of member funds

1. Member funds are established by capital-contributing members according to the provisions of Decree No. 144/2003/ND-CP and trusted to fund management companies for management. A member fund shall have the minimum charter capital of VND 5 billion.

2. In the process of establishing member funds, organizations and individuals participating in the establishment of member funds as well as fund management companies must not use the mass media for advertising, calling for capital contribution and probing the market in any form.

3. The establishment of member funds must be registered with the State Securities Commission.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Capital-contributing members must always satisfy the following conditions:

a/ Investing at least VND 3 billion, for member organizations;

b/ Investing at least VND 1 billion, for member individuals.

2. Capital-contributing members have the following rights and obligations:

a/ To observe the funds' charters; abide by resolutions of the members' congresses;

b/ To fully pay for the purchase of fund certificates and be responsible for debts and other asset obligations of the member funds within the limit of their contributed capital amount;

c/ To enjoy benefits from the member funds' investment activities corresponding to the ratio of their capital contributed to the member funds.

d/ To exercise their rights and fulfill their obligations through the members' congresses according to the provisions of the funds' charters.

e/ To transfer their contributed capital amounts in the member funds according to law provisions; not to request the fund management companies or supervisory banks to redeem the contributed capital amounts on behalf of the member funds.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To elect the congresses' chairmen;

b/ To decide to set up or not to set up the funds' representative boards; to decide to elect or relieve from duty the presidents and members of the funds' representative boards (if any); to decide on remunerations and operation expenses of the representative boards;

c/ To decide to select supervisory banks;

d/ To examine and handle violations committed by fund management companies, supervisory banks and concerned service-providing organizations, which cause damage to the funds;

e/ To adopt decisions on amendments and supplements to the funds' charters, supervision contracts;

f/ To change the profit distribution policy;

g/ To change important undertakings, strategies and investment objectives of the funds, and to dissolve the funds;

h/ To change the rates of charges paid to fund management companies and supervisory banks;

i/ To request fund management companies and supervisory banks to submit transaction records and documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



k/ To adopt, amend and supplement the fund asset supervision contracts;

l/ To change fund management companies and supervisory banks;

m/ Other rights and tasks prescribed in the funds' charters.

4. Where a member fund has only one capital-contributing member, it shall not have the members' congress; the sole member of the fund shall have the rights prescribed in Clauses d, e, f, g, h, i, j, k, l and m, Clause 3 of this Article.

5. The member funds' capital-contributing members may transfer their contributed capital to investors that satisfy the conditions prescribed at Points a and b, Clause 1 of this Article.

Article 27.- Member fund establishment registration procedures and dossiers

1. A member fund establishment registration dossier consists of:

a/ An application for member fund establishment registration (made according to a set form);

b/ The member fund's charter (made according to a set form);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The minutes on the capital contribution agreement and the list of capital-contributing members.

3. Fund management companies must be responsible for the validity and accuracy of dossiers. If detecting that the dossiers already submitted to the State Securities Commission are incomplete, contain inaccurate information or that newly occurring events affect the contents of the submitted dossiers, fund management companies must report such to the State Securities Commission for making timely amendments and supplements to the member fund establishment registration dossiers.

4. Within 30 days as from the date of receiving complete and valid dossiers prescribed in Clause 1 of this Article, the State Securities Commission shall grant the member fund establishment registration certificates. In case of refusal, the State Securities Commission shall clearly explain the reasons therefor in writing.

5. After being granted the member fund establishment registration certificates, the fund management companies and supervisory banks must open and keep books of registration of the member fund members' ownership of contributed capital portions and all information on the transfer of contributed capital.

Article 28.- Member funds' investment activities

1. Member funds must ensure that at least 60% of their asset value is invested in securities.

2. Member funds shall not be subject to the investment restrictions imposed on public funds prescribed in this Regulation, unless otherwise prescribed by their charters.

Article 29.- Regime of reporting and information supply

1. Fund management companies must notify individuals and organizations wishing to contribute capital to the member funds of the following content:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The fact that the State Securities Commission grants the member fund establishment registration certificates only means that the establishment of the member funds has complied with relevant law provisions, but does not imply assurance of the funds' objectives, strategy, risk level and profitability."

2. Fund management companies are obliged to supply the funds' capital-contributing members the reports prescribed at Point a, Clause 1, Article 55 of this Regulation.

3. Fund management companies shall not have to comply with the obligations to disclose information to the public towards member funds.

Article 30.- Other provisions on member funds

1. Assorted charges and expenses related to the securities investment funds' investment activities must comply with law provisions. The funds' charters must fully specify fund management charge rates, annual maximum bonus payable to fund management companies; annual maximum charges payable to supervisory banks must comply with law provisions.

2. The member funds' net asset value may be determined periodically according to the provisions of the funds' charters, serving as a basis for calculating assorted charges in other cases prescribed in the member funds' charters. The valuation of the funds' net assets must abide by the principles prescribed in Article 12 of this Regulation.

3. The cost accounting and distribution of member funds' incomes and expenses must comply with the provisions of Clause 1, Clause 2, Point a of Clause 3, Article 11 of this Regulation.

4. At least 30 days before the date of distribution of member funds' incomes, supervisory banks must make the lists of capital-contributing members entitled to receive distributed incomes, determine the level of distributed income for each fund unit or each contributed capital portion, the income payment time limit and form. Income distribution notices must be sent to all capital-contributing members at least 15 working days before incomes are distributed. Such a notice must clearly state the fund's name, the name and address of the capital-contributing member, his/her/its number of fund units or capital portion, the level of distributed income and total value of distributed income such member is entitled to receive, the date and mode of payment of the distributed income.

5. The dissolution of member funds shall comply with the provisions of Article 15 of this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

FUND MANAGEMENT COMPANIES

Article 31.- Principles for fund management licensing

1. Fund management companies may be licensed to perform one or more of the following services:

a/ To establish and manage public funds;

b/ To establish and manage member funds.

2. The establishment of fund management joint-venture companies must be licensed by the State Securities Commission after it is approved by the Finance Ministry. These licenses shall be also valid as business registration certificates. Foreign securities trading organizations contributing capital to the establishment of fund management joint-venture companies must be organizations licensed to carry out fund management activities according to foreign laws (hereinafter called foreign fund management companies for short).

Article 32.- Conditions for fund management licensing

The conditions for fund management licensing shall comply with the provisions of Article 83 of Decree No. 144/2003/ND-CP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Dossiers of application for fund management licenses for fund management companies with 100% domestic capital shall each consist of:

a/ An application for a fund management license (made according to a set form);

b/ The company's charter;

c/ The business plan for the first three years;

d/ The minutes on the capital contribution by founding shareholders for joint-stock companies, by founding members for limited liability companies with two or more members or the owners' capital assignment decision for one-member limited liability companies;

e/ Valid copies of the establishment licenses or business registration certificates of the legal persons contributing capital to or establishing the fund management company;

f/ The financial statements of the latest 2 years of the parties that are legal persons contributing over 10% of the fund management company's charter capital;

g/ A written description of material and technical foundations and means serving fund management activities (made according to a set form);

h/ Resumes of the Managing Board members, the Members' Council members, the company president (made according to a set form);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Dossiers of application for fund management licenses for fund management joint-venture companies shall each consist of documents stated at Points a, b, c, e, f, g, h and i, Clause 1 of this Article and the following documents:

a/ Documents evidencing that the foreign party to the joint venture is licensed to carry out fund management activities in its country and a summary of the publicized investment activities and results of the funds managed by the foreign party;

b/ Valid copies of the charters of the joint-venture parties;

c/ The joint-venture contract.

3. In the dossiers of application for fund management licenses for fund management joint-venture companies, the papers must be copies lawfully certified by competent authorities of the places where the foreign parties are headquartered and enclosed with their Vietnamese translations already notarized by Vietnamese public notaries.

4. Dossiers of application for fund management licenses sent to the State Securities Commission shall each be made in 1 original set and 2 copy sets.

Article 34.- Fund management licensing procedures

1. The time limit for grant of fund management licenses is 60 days at most, counting from the date the State Securities Commission receives valid dossiers. In case of refusal to grant licenses, the State Securities Commission must clearly explain the reasons therefor in writing.

2. After receiving the State Securities Commission's written approvals in principle of the grant of fund management licenses, the applying organizations must transfer the whole charter capital into the blockaded accounts at the banks designated for payment. This sum of money shall be released only after the companies are officially granted the fund management licenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The State Securities Commission shall officially grant the fund management licenses after the applying organizations complete business registration procedures prescribed by law for fund management companies with 100% domestic capital or after the applying organizations complete the capital blockading procedures prescribed in Clause 2 of this Article for the establishment of fund management joint-venture companies.

Article 35.- Change, addition of types of services of fund management companies

1. The licensed fund management companies which wish to change and/or add types of services must fill in the procedures of application for change and/or addition of their fund management licenses.

2. A dossier of application for change or addition of types of services for a fund management company consists of:

a/ An application for change or addition of types of services for the fund management company (made according to a set form);

b/ The resolution of the shareholders' congress or the decision of the Managing Board for joint-stock companies or the decision of the company owner for State-owned one-member limited liability companies or the decision of the Members Council for limited liability companies with two or more members on the change or addition of types of services of the company;

c/ The business plan expected to be implemented when types of services are reduced or increased.

3. Within 30 days after the date of receiving valid dossiers, the State Securities Commission shall notify in writing its approval of the change or addition of types of services to the fund management companies. In case of disapproval, the State Securities Commission shall clearly explain the reasons therefor in writing.

Article 36.- Transfer of shares or contributed capital portions to foreign fund management companies

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The sale of shares or contributed capital portions valued at over 5% of the charter capital of a fund management company to a foreign fund management company must be approved by the State Securities Commission.

3. Dossiers of application for transfer of shares or contributed capital portions to foreign fund management companies:

a/ An application for transfer of shares or contributed capital portions to a foreign fund management company (made according to a set form);

b/ The resolution of the shareholders' congress or the decision of the Managing Board for joint-stock companies or the decision of the company owner for State-owned one-member limited liability companies or the decision of the Members Council for limited liability companies with two or more members on the transfer of shares or contributed capital portions to a foreign fund management company;

c/ The documents stated at Point a, Clause 2 of this Article;

d/ The valid copy of the charter of the foreign fund management company;

e/ The valid copy of the establishment license or business registration certificate or a written certification of equivalent legality, and the financial statement of the latest 02 years of the foreign fund management company;

f/ The principled agreement between the Vietnamese party and the foreign fund management company on the transfer of contributed capital or shares.

4. Within 15 days after receiving the valid dossiers, the State Securities Commission shall notify in writing its approval of the transfer of shares or contributed capital portions to the foreign fund management companies. In case of disapproval, the State Securities Commission shall clearly explain the reasons therefor in writing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Fund management companies which wish to open or close branches must obtain the approval of the State Securities Commission.

2. Dossiers of application for opening of branches shall each consist of:

a/ An application for opening of a branch of the fund management company (made according to a set form);

b/ The fund management activity plan for the first 2 years of activity in line with the securities market development strategy;

c/ A written description of material and technical foundations serving the branch's fund management activities (made according to a set form), enclosed with papers evidencing the right to use the land area where the branch's office is to be located;

d/ Valid dossiers of application for fund management practice certificates for the director and deputy director of the branch and fund management practitioners as prescribed in Article 48 of this Regulation, for those who have not yet had fund management practice certificates.

3. Dossiers of application for closure of branches of fund management companies shall each consist of:

a/ An application for closure of a branch (made according to a set form);

b/ Documents explaining the reason(s) for such closure;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Within 15 days after receiving the valid dossiers, the State Securities Commission shall notify in writing its approval to the fund management companies to open or close their branches. In case of disapproval, the State Securities Commission shall clearly explain the reasons therefor in writing.

Article 38.- Relocation of head offices, branches' offices

1. Fund management companies which wish to relocate their head offices or their branches' offices must obtain the approval of the State Securities Commission.

2. A dossier of application for approval of relocation of the head office or a branch's office shall consist of:

a/ An application for relocation of the head office or a branch's office (made according to a set form);

b/ A written description of material and technical foundations of the head office or branch's office in the expected new site (made according to a set form), enclosed with papers evidencing the right to use the area where the head office or the branch's office is to be located;

3. Within 15 days after receiving the valid dossiers, the State Securities Commission shall notify in writing its approval of the relocation of the head offices or branches of fund management companies. In case of disapproval, the State Securities Commission shall clearly explain the reasons therefor in writing.

Article 39.- Fees for grant and supplementation of fund management licenses

Fund management companies must pay fees for grant or supplementation of fund management licenses according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Before officially commencing operation, fund management companies must fill in the procedures to publicize their fund management licenses under Article 86 of Decree No. 144/2003/ND-CP.

2. Fund management companies must disclose on the mass media information on changes prescribed in Article 35, Article 36, Article 37 and Article 38 of this Regulation.

Article 41.- Internal control

1. Fund management companies must issue regulations on internal control and set forth professional ethical criteria for their employees.

2. Fund management companies must ensure that there is always at least one full-time official in charge of internal control, having the powers and responsibilities specified in the internal control regulations. Full-time officials in charge of internal control must fully have professional certificates of securities and securities market.

3. Fund management companies must send for reporting to the State Securities Commission copies of the regulations stated in Clause 1 and curricula vitae of internal control officials stated in Clause 2 of this Article.

Article 42.- Rights and obligations of fund management companies

1. Fund management companies have the following obligations:

a/ To observe the funds' charters and protect investors' interests;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To safely protect and separately manage assets of each fund and of their own; to ensure separate organization, personnel and operation for fund management activities as well as financial and securities investment consultancy activities;

d/ For funds' transactions conducted by fund management companies themselves, which are joined by involved persons of fund management companies, to ensure fairness and no harm caused to the funds' interests; to fully notify information on such transactions to the funds' representative boards, the State Securities Commission and publicly notify such information to investors;

e/ To ensure that the authorization of responsibilities to third parties and changes in the organization and management of fund management companies do not adversely affect the funds' interests;

f/ To be responsible for compensating for the funds' losses due to the fund management companies' failure to properly perform the obligations prescribed in this Article;

g/ All securities transactions conducted by their Managing Board members, managers and employees must be reported and centralizedly managed at fund management companies under the supervision by the internal control sections;

h/ When fund management companies conduct transactions to purchase or sell assets for the funds, their Managing Board members, general directors, deputy general directors (directors, deputy directors) as well as fund managers must not receive any benefits for the companies or themselves or third parties, except for charges and bonuses prescribed in the funds' charters;

i/ To value the funds' net assets according to law provisions;

j/ Where supervisory banks detect transactions at variance with law provisions, the funds' charters or beyond the fund management companies' jurisdiction and notify them to fund management companies, fund management companies must cancel such transactions or purchase or sell the funds' assets in order to restore the funds' assets to the state as before such transactions are conducted. All arising expenses related to these transactions shall be borne by fund management companies.

2. Fund management companies have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To carry out financial and securities investment consultancy activities; to provide financial consultancy only to enterprises investing in or receiving investment capital sources from the funds under the fund management companies' management; not to participate in securities listing or issuance consultancy activities;

c/ To conduct business activities and provide services in accordance with law provisions.

Article 43.- Restrictions on fund management companies' activities

1. Fund management companies must not be involved persons of the banks supervising the funds' assets.

2. Fund management companies must not invest in the funds under their management.

3. Members of Managing Boards and managers of fund management companies, and fund managers as well as involved persons may only purchase and sell fund certificates of the funds under their management at the market prices.

4. Fund management companies must not invest in, contribute capital to, or purchase shares of, another fund management company; must not invest in, contribute capital to, or purchase shares of, a securities company.

5. Fund management companies must not open securities transaction accounts for the funds under their management at securities companies which are their involved persons.

6. Fund management companies must not use the capital of a fund for purchasing assets of another fund under their management in order to increase or reduce the fund's value.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. Fund management companies must not receive for themselves any incomes or benefits acquired from the use of the fund asset transaction services provided by a third organization and must account these amounts into the funds' incomes.

9. Fund management companies must not use capital and assets of the funds under their management for investing in over 49% of the total value of a type of securities currently circulated by an issuance organization or unlisted company.

10. Fund management companies must not conduct transactions which increase unreasonable expenses and risks to the funds.

Article 44.- Supply of information to investors

1. Fund management companies must fulfill the obligations to disclose information to investors according to law provisions.

2. Fund management companies must ensure the availability of all the following documents at their head offices and branches for reference by investors:

a/ The funds' charters and amendments and supplements thereto;

b/ The prospectuses and amendments and supplements thereto;

c/ The funds' latest monthly and quarterly reports, and annual reports of the latest five years;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Documents, reports and contracts referred to in the prospectuses.

Article 45.- Operation suspension, withdrawal of fund management licenses

Fund management companies may be suspended from operation or have their fund management licenses withdrawn under the provisions of Article 89 of Decree No. 144/2003/ND-CP.

Article 46.- Termination of fund management companies' rights and obligations towards their funds

1. Fund management companies shall terminate their rights and obligations towards their funds in the following cases:

a/ They propose to terminate their rights and obligations towards their funds in accordance with the provisions of the funds' charters and such proposals are approved by the investors' congresses;

b/ They have their fund management licenses withdrawn under the provisions of Article 45 of this Regulation;

c/ At the proposals of the supervisory banks or the funds' representative boards, which are approved by the investors' congresses.

2. In the cases prescribed in Clause 1 of this Article, the fund management company's rights and obligations towards its funds shall be transferred to another fund management company under the provisions of Article 47 of this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The change of fund management companies may be effected only after it is approved in writing by the investors' congresses and the State Securities Commission. The selected substitute fund management companies shall be obliged to send to the State Securities Commission the following documents:

a/ The written requests for change of fund management companies;

b/ The written requests for termination of the fund management companies' rights and obligations towards their funds (for the cases prescribed at Points a and b, Clause 1, Article 46 of this Regulation); or

c/ The written requests for change of fund management companies, made by the supervisory banks or the funds' representative boards, and the detailed reports on the reasons for such change, enclosed with written authentic evidences (for the case prescribed at Point c, Clause 1, Article 46 of this Regulation);

d/ The resolutions enclosed with the minutes of the meetings of the investors' congresses on the change of fund management companies and selection of new ones;

e/ The change plans and modes of dealing with matters related to the interests and obligations of the involved parties;

f/ The drafts of the new supervision contracts;

g/ The drafts of the funds' revised charters;

2. Within 15 working days as from the date of approval of the State Securities Commission, supervisory banks must make public the change of fund management companies to investors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 48.- Fund management practicing

1. The conditions, dossiers, procedures for the grant, extension, renewal and withdrawal of fund management practice certificates shall comply with the provisions of Article 30, Article 31, Article 32, Article 33, Article 34, Article 35 and Article 37 of the Regulation on organization and operation of securities companies, promulgated together with the Finance Minister's Decision No. 55/2004/QD-BTC of June 17, 2004.

2. Fund management practitioners must strictly observe the restrictions on fund management practitioners prescribed in Article 98 of Decree No. 144/2003/ND-CP.

Article 49.- Directorates of fund management companies

Persons appointed as general directors, deputy general directors (directors, deputy directors) or fund managers must satisfy the following conditions:

a/ Having worked for at least 5 years in the financial, banking or insurance domain;

b/ Having the fund management practice certificates granted by the State Securities Commission or having satisfied all conditions and submitted complete dossiers of application for fund management practice certificates according to law provisions;

c/ Not being practitioners who have their practice certificates withdrawn by the State Securities Commission under the provisions of Article 97 of Decree No. 144/2003/ND-CP.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 50.- Selection of supervisory banks

1. Supervisory banks selected by fund management companies must meet the conditions prescribed in Clause 2, Article 93 of Decree No. 144/2003/ND-CP and be approved by the investors' congresses.

2. Supervisory banks shall be obliged to send reports to the State Securities Commission on their being selected as the funds' supervisory banks, enclosed with the following documents:

a/ Curricula vitae of professional employees designated by the supervisory banks to supervise and preserve the funds' assets;

b/ Commitments not to own any assets of the funds;

c/ Their and their professional employees' commitments that they are not related persons of fund management companies.

Article 51.- Rights and obligations of supervisory banks

1. Obligations of supervisory banks:

a/ To examine and supervise to ensure that the fund management companies' fund management activities comply with law provisions and the funds' charters;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To safely store and preserve the funds' assets; to exercise on the funds' behalf the arising rights related to the funds' assets (excluding the right to vote); pay for the funds' transactions strictly according to law provisions, the funds' charters, supervision contracts as well as lawful orders or instructions of fund management companies;

d/ To separately manage the assets of each fund and of their own, and other assets under their supervision and management; under all circumstances, funds' capital and assets must not be used for paying debts of any organizations or individuals other than the funds;

e/ To certify reports related to the funds' assets and operation, made by fund management companies;

f/ Where supervisory banks determine that the disparities in the valuation of fund certificates are significant, seriously affecting investors' interests, they must request fund management companies to take appropriate remedial measures in order to ensure justice for the involved parties;

g/ To make reports and manage dossiers according to law provisions, the funds' charters and supervision contracts;

h/ To observe other provisions of Article 94 of Decree No. 144/2003/ND-CP, the funds' charters and supervision contracts;

i/ All of their certifications and approvals related to the funds' reports or transactions shall only mean that such reports or transactions are made or conducted in accordance with law provisions and the funds' charters.

2. Supervisory banks shall enjoy assorted charges for the provision of fund asset preservation and supervision services according to the funds' charters and law provisions; must not receive any other benefits for themselves or third parties.

Article 52.- Relationships between supervisory banks and fund management companies and funds

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The supervisory banks' Managing Board members, managers and employees personally supervising the funds' operations and preserving the funds' assets must not be involved persons of fund management companies and vice versa.

3. Supervisory banks, their Managing Board members, managers and employees personally supervising the funds' operations and preserving the funds' assets must not be purchasing or selling parties in fund asset purchase and sale transactions.

Article 53.- Termination of supervisory banks' rights and obligations towards funds

1. Supervisory banks shall terminate all their rights and obligations towards funds in the following cases:

a/ They propose to terminate their rights and obligations towards funds in accordance with the provisions of the funds' charters and such proposals are approved by the investors' congresses;

b/ They terminate their operation, dissolve or declare bankrupt;

c/ At the proposals of the fund management companies or the funds' representative boards, which are approved by the investors' congresses.

2. In the cases prescribed in Clause 1 of this Article, the supervisory bank's rights and obligations towards funds shall be transferred to another supervisory bank under the provisions of Article 54 of this Regulation and in accordance with Clause 1, Article 50 of this Regulation.

Article 54.- Change of supervisory banks

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The fund management companies' written requests for change of the supervisory banks;

b/ The written requests for termination of the supervisory banks' rights and obligations towards funds (for the cases prescribed at Points a and b, Clause 1, Article 53 of this Regulation) and documents related to the supervisory banks' operation termination, dissolution or bankruptcy declaration (for the case prescribed at Point b, Clause 1, Article 53 of this Regulation); or

c/ The written requests for change of the supervisory banks, made by the fund management companies or the funds' representative boards, and the detailed reports on the reasons for such change, enclosed with written authentic evidences (for the cases prescribed at Point c, Clause 1, Article 53 of this Regulation);

d/ The resolutions enclosed with the minutes of the meetings of the investors' congresses on the change of supervisory banks and selection of new ones;

e/ The drafts of the new supervision contracts;

f/ The drafts of the funds' revised charters;

g/ The change plans and modes of dealing with matters related to the involved parties' interests and obligations.

2. Within 15 working days as from the date of approval of the State Securities Commission, fund management companies must publicly notify the change of supervisory banks to investors.

3. The transferor-supervisory banks' rights and obligations towards funds shall terminate only at the time of completion of the transfer of such rights and obligations to the transferee-supervisory banks. The transferee-supervisory banks shall be obliged to make and send to the State Securities Commission the minutes on the transfer between the two supervisory banks, with certifications of the fund management companies and the funds' representative boards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



REGIME OF REPORTING AND DOSSIER MANAGEMENT

Article 55.- Fund management companies' reporting obligation

1. Fund management companies must send to the State Securities Commission monthly, quarterly and annual reports on their operations and on assets of the funds under their management according to the provisions of Clause 1, Article 96 of Decree No. 144/2003/ND-CP as follows:

a/ Monthly, quarterly and annual reports on the funds:

- Monthly, quarterly and annual reports on the funds' assets (made according to set forms);

- Monthly, quarterly and annual reports on changes in the funds' net asset values (made according to set forms);

- Monthly, quarterly and annual reports on the funds' investment activities (made according to set forms);

- Reports on the funds' portfolios (made according to a set form);

- Reports on a number of norms in the funds' operations (made according to a set form);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Reports on fund management companies:

- Monthly, quarterly and annual reports on fund management companies' activities (made according to set forms);

- Fund management companies' quarterly financial statements according to law provisions on accounting;

- Fund management companies' annual financial statements according to law provisions on accounting.

c/ Time limits for submission of reports prescribed at Points a and b of this Clause:

- Within 5 working days as from the last day of a month, fund management companies must send monthly reports of their funds and their own to the State Securities Commission;

- Within 20 days as from the last day of a quarter, fund management companies must send quarterly reports of their funds and their own to the State Securities Commission;

- Within 90 days as from the last day of a fiscal year, fund management companies must send annual reports of their funds and their own to the State Securities Commission.

d/ Annual financial statements prescribed at Points a and b, Clause 1 of this Article must be audited by independent audit organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where fund management companies cast votes on behalf of their funds at the meetings of the Shareholders' Congresses or the Managing Boards of the companies in which their funds have invested, they shall be obliged to report on the contents they vote for in the monthly reports on the funds' activities.

4. In case of necessity, in order to protect common interests and investors' interests, the State Securities Commission or the Securities Trading Center may request fund management companies to report in writing information on their organization and operation of their own and of the funds under their management according to the provisions on information-disclosing obligations and reporting regime of fund management companies in Article 57 and Clauses 2 and 3, Article 96 of Decree No. 144/2003/ND-CP and guiding documents.

Article 56.- Reporting regime of supervisory banks

1. Supervisory banks must make monthly, quarterly and annual reports on fund management companies' fund management activities with regard to the funds under their supervision. These reports must be sent to the State Securities Commission and investors.

2. The supervisory banks' supervision reports must contain an evaluation of the fund management companies' observance of law provisions on securities and securities market, relevant laws and the funds' charters, regarding the following contents:

a/ All fund management activities;

b/ The valuation of the funds' net assets;

c/ The funds' issuance of fund certificates and capital mobilization;

d/ Violations (if any) committed by the fund management companies and proposed handling and remedial measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Within 5 working days as from the last day of a month, supervisory banks must send monthly supervision reports to the State Securities Commission;

b/ Within 20 days as from the last day of a quarter, supervisory banks must send quarterly supervision reports to the State Securities Commission;

c/ Within 90 days as from the last day of a fiscal year, supervisory banks must send annual supervision reports to the State Securities Commission.

4. Within 3 working days as from the date of detecting violations committed by fund management companies or the funds' representative boards of the funds' charters, the prospectuses or law provisions on securities and securities market, supervisory banks shall be obliged to report them to the State Securities Commission.

5. Where there are transactions conducted by foreign organizations and individuals, which involve 5% or more of a fund's charter capital, supervisory banks must report to the State Securities Commission information on such transactions within 5 working days as from the date such transactions arise.

6. Supervisory banks shall be obliged to report at the written requests of the State Securities Commission.

Article 57.- Regime of archival of dossiers and comparison of documents

1. Fund management companies and supervisory banks must always fully and systematically archive, and ensure the clarity, accuracy and consistency of, the funds' documents on offer of investment certificates, ownership registration, financial statements, accounting and transaction documents at the time of establishment of the funds and throughout the funds' operation duration according to law provisions.

2. Figures and documents on transactions of the funds' assets and assets entrusted for investment as well the funds' accounting accounts must be periodically supervised and regularly examined and compared by fund management companies and supervisory banks to ensure their balances according to the provisions of the funds' charters, the investment entrustment contracts and accounting legislation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



INSPECTION, SUPERVISION AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 58.- Inspection, supervision

Funds, fund management companies, fund management practitioners and supervisory banks must submit to the supervision by the State Securities Commission and competent agencies according to law provisions.

Article 59.- Handling of violations

Fund management companies, fund management practitioners and supervisory banks that violate regulations on fund management activities shall be handled according to current regulations.

Chapter VIII

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

Article 60.- Implementation provisions

1. Fund management companies and supervisory banks shall formulate and send to the State Securities Commission their working regulations and professional processes in accordance with this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 73/2004/QĐ-BTC ngày 03/09/2004 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.332

DMCA.com Protection Status
IP: 3.136.25.249
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!