BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/VBHN-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN CÁC CHỨC DANH NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC
TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU, ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ ĐÀO TẠO VÀ NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU
Thông tư số 38/2010/TT-BGTVT
ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Tiêu chuẩn
các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở
đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ
chạy tàu, có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký, được sửa đổi, bổ
sung bởi:
Thông tư số 45/2016/TT-BGTVT ngày
28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 76/2015/TT- BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý sát hạch, cấp mới, cấp lại, thu hồi
giấy phép lái tàu trên đường sắt và Thông tư số 38/2010/TT-BGTVT ngày 17 tháng
12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Tiêu chuẩn các chức
danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và
nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu,
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2017.
Căn cứ Luật Đường sắt
ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày
14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày
29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Bộ luật Lao động
ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động
ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động
ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số
51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ
chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên
đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu như sau1.
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chuẩn
các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện đối với
các cơ sở đảm nhiệm việc đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục
vụ chạy tàu (sau đây được gọi là cơ sở đào tạo) và nội dung, chương
trình đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên
đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với
tổ chức, cá nhân trực tiếp và có liên quan đến công tác chạy tàu, đào tạo các
chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt quốc
gia và đường sắt chuyên dùng.
Chương
II
TIÊU CHUẨN CHỨC
DANH NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU
Điều 3.
Chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu
Các chức danh nhân viên đường
sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm:
1. Nhân viên điều độ chạy
tàu bao gồm nhân viên điều độ chạy tàu tuyến và nhân viên điều độ chạy tàu ga:
a) Nhân viên điều độ chạy
tàu tuyến: là người trực tiếp ra lệnh chỉ huy chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu trên
một tuyến đường, khu đoạn được phân công; trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh tổ chức
chỉ huy các tàu đi cứu chữa, cứu hộ khi có sự cố chạy tàu; ra lệnh phong tỏa
khu gian, lệnh cảnh báo tốc độ tới các đơn vị có liên quan; ra lệnh đình chỉ chạy
tàu tạm thời nếu xét thấy có nguy cơ mất an toàn chạy tàu;
b) Nhân viên điều độ chạy
tàu ga: là người trực tiếp lập kế hoạch về lập tàu, xếp, dỡ hàng hóa, đón tiễn
hành khách, tổ chức công tác dồn, đón tiễn tàu và các việc liên quan khác tại
nhà ga theo biểu đồ chạy tàu, theo các mệnh lệnh của nhân viên điều độ chạy tàu
tuyến, theo quy trình, quy phạm chạy tàu; tham gia giải quyết tai nạn, sự cố
giao thông đường sắt theo quy định.
2. Trực ban chạy tàu ga: là
người điều hành việc lập tàu, xếp dỡ hàng hóa, đón tiễn hành khách, tổ chức
công tác dồn, đón, tiễn tàu và các việc khác có liên quan tại nhà ga theo biểu
đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; tham
gia giải quyết tai nạn, sự cố giao thông đường sắt theo quy định.
3. Trưởng tàu: là người chỉ
huy cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, phục
vụ khách hàng; bảo đảm chạy tàu theo đúng lịch trình và mệnh lệnh của điều độ
chạy tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; tham gia giải quyết tai nạn, sự cố giao
thông đường sắt theo quy định.
4. Trưởng dồn: là người chịu
sự chỉ huy, điều hành của trực ban chạy tàu ga để tổ chức và thực hiện công tác
dồn, ghép nối đầu máy, toa xe phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu, xếp dỡ
hàng hóa, vận tải hành khách của ga theo mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình,
quy phạm, quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
5. Nhân viên gác ghi: là người
chịu sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của trực ban chạy tàu ga để quản lý,
giám sát, kiểm tra, sử dụng ghi phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu của ga theo
biểu đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm, quy tắc
quản lý kỹ thuật ga.
6. Nhân viên ghép nối đầu
máy, toa xe: là người chịu sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của trưởng dồn để
thực hiện công việc dồn, ghép nối đầu máy, toa xe theo quy trình, quy phạm, quy
tắc quản lý kỹ thuật ga.
7. Nhân viên tuần đường, tuần
cầu, tuần hầm: là người kiểm tra theo dõi thường xuyên, phát hiện kịp thời các
hư hỏng, chướng ngại và xử lý bảo đảm an toàn chạy tàu trong phạm vi địa giới
được phân công; ghi chép đầy đủ vào sổ tuần tra, canh gác báo cáo cấp trên theo
quy định; sửa chữa, giải quyết kịp thời các hư hỏng, chướng ngại nhỏ, tham gia
bảo trì cầu, đường, hầm theo phân công; kịp thời phòng vệ, nhanh chóng thông
tin hoặc báo hiệu dừng tàu khi phát hiện thấy hư hỏng, chướng ngại có nguy cơ
làm mất an toàn giao thông; tham gia bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và phương
tiện giao thông đường sắt trong phạm vi được phân công.
8. Nhân viên gác đường
ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt: là người có trách nhiệm đóng, mở kịp
thời chắn đường ngang, đường qua cầu chung và làm nghiệp vụ gác hầm, bảo đảm an
toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao
thông đường sắt chạy qua; trực tiếp kiểm tra, bảo quản, bảo trì, sử dụng công
trình, trang thiết bị chắn đường ngang, cầu, hầm phù hợp với các quy định về
tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình, quy phạm.
9. Lái tàu: là người trực tiếp
điều khiển tàu chạy; chịu trách nhiệm vận hành đầu máy an toàn, đúng tốc độ quy
định, đúng lịch trình theo biểu đồ chạy tàu, mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy
trình, quy phạm; tham gia giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định.
10. Phụ lái tàu: là người
giúp lái tàu trong quá trình chạy tàu, giám sát tốc độ chạy tàu và quan sát tín
hiệu để kịp thời báo cho lái tàu xử lý.
Điều 4.
Tiêu chuẩn chung đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy
tàu
1. Có bằng hoặc chứng chỉ
chuyên môn phù hợp với chức danh do cơ sở đào tạo cấp và đáp ứng đầy đủ các
tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh đảm nhiệm.
2. Có giấy chứng nhận đủ
tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 5.
Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ
chạy tàu
1. Nhân viên điều độ chạy
tàu tuyến:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng
nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên
ngành vận tải đường sắt đối với nhân viên điều độ chạy tàu tuyến trên đường sắt
quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; có bằng tốt
nghiệp trung cấp nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở
lên về chuyên ngành vận tải đường sắt đối với nhân viên điều độ chạy tàu tuyến
trên đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia;
b) Có ít nhất 01 năm trực tiếp
công tác với một hoặc cả hai chức danh điều độ ga và trực ban chạy tàu ga;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ tiến độ chạy tàu tuyến do doanh nghiệp
sử dụng chức danh điều độ chạy tàu tuyến tổ chức.
2. Nhân viên điều độ chạy
tàu ga:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng
nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên
ngành vận tải đường sắt đối với nhân viên điều độ chạy tàu ga trên đường sắt quốc
gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; có bằng tốt
nghiệp trung cấp nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở
lên về chuyên ngành vận tải đường sắt đối với nhân viên điều độ chạy tàu ga
trên đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia;
b) Có ít nhất 01 năm trực tiếp
công tác với chức danh trực ban chạy tàu ga;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ điều độ chạy tàu ga do doanh nghiệp
sử dụng chức danh điều độ chạy tàu ga tổ chức.
3. Trực ban chạy tàu ga:
a) Có một trong các bằng, chứng
chỉ chuyên môn về trực ban chạy tàu, trưởng tàu hoặc có một trong các bằng tốt
nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc có bằng tốt
nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên về chuyên ngành vận tải đường sắt;
b) Đã qua thực tế công tác với
các chức danh trưởng dồn, gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe ở ga ít nhất là 06
tháng;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ trực ban chạy tàu ga do doanh nghiệp
sử dụng chức danh trực ban chạy tàu ga tổ chức.
4. Trưởng tàu:
a) Có một trong các bằng, chứng
chỉ chuyên môn về trưởng tàu, trực ban chạy tàu hoặc có một trong các bằng tốt
nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc có bằng tốt
nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên về chuyên ngành vận tải đường sắt;
b) Đã qua thực tế làm các
công việc sau đây:
- Đối với trưởng tàu khách:
có ít nhất 01 năm làm phó tàu khách phụ trách an toàn;
- Đối với trưởng tàu hàng:
có ít nhất 01 năm trực tiếp làm công tác với chức danh trưởng dồn hoặc thử việc
chức danh trưởng tàu hàng không quá 30 ngày;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ trưởng tàu do doanh nghiệp sử dụng
chức danh trưởng tàu tổ chức.
5. Trưởng dồn:
a) Có một trong các bằng, chứng
chỉ chuyên môn về trưởng dồn, trực ban chạy tàu, trưởng tàu hoặc có một trong
các bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc
có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên về chuyên ngành vận tải đường
sắt;
b) Đã qua thực tế công tác với
các chức danh gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe ở ga ít nhất là 06 tháng;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ trưởng dồn do doanh nghiệp sử dụng
chức danh trưởng dồn tổ chức.
6. Nhân viên gác ghi:
a) Có một trong các bằng, chứng
chỉ chuyên môn về gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe, trưởng dồn, trực ban chạy
tàu, trưởng tàu hoặc có một trong các bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp
nghề, sơ cấp nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp
chuyên nghiệp trở lên về chuyên ngành vận tải đường sắt;
b) Đã qua thời gian thử việc
các chức danh gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe ở ga không quá 30 ngày;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ gác ghi do doanh nghiệp sử dụng chức
danh gác ghi tổ chức.
7. Nhân viên ghép nối đầu
máy, toa xe:
a) Có một trong các bằng, chứng
chỉ chuyên môn về gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe, trưởng dồn, trực ban chạy
tàu, trưởng tàu hoặc có một trong các bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp
nghề điều hành chạy tàu hỏa hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở
lên về chuyên ngành vận tải đường sắt;
b) Đã qua thời gian thử việc
các chức danh gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe ở ga không quá 30 ngày;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ ghép nối đầu máy, toa xe do doanh
nghiệp sử dụng chức danh ghép nối đầu máy, toa xe tổ chức.
8. Nhân viên tuần đường, tuần
cầu, tuần hầm:
a) 2 Là công nhân duy tu, sửa chữa đường sắt, cầu đường
sắt, hầm đường sắt có 05 năm công tác trở lên và có bằng, chứng chỉ chuyên môn
về tuần đường, tuần cầu, tuần hầm đường sắt hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp
chuyên nghiệp trở lên về chuyên ngành đường sắt hoặc cầu, hầm đường sắt;
b) Đã qua thời gian thử việc
các chức danh tuần đường, tuần cầu, tuần hầm không quá 30 ngày;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm do
doanh nghiệp sử dụng các chức danh tuần đường, tuần cầu, tuần hầm tổ chức.
9. Nhân viên gác đường
ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt:
a) Có bằng, chứng chỉ chuyên
môn về gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt hoặc có bằng tốt nghiệp
trung cấp chuyên nghiệp trở lên về chuyên ngành đường sắt, cầu đường sắt hoặc vận
tải đường sắt;
b) Đã qua thời gian thử việc
các chức danh gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt không quá 30
ngày;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ gác đường ngang, gác cầu chung, gác
hầm đường sắt do doanh nghiệp sử dụng các chức danh gác đường ngang, gác cầu
chung, gác hầm đường sắt tổ chức.
10. Lái tàu:
Phải có giấy phép lái tàu
còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Cục Đường sắt Việt
Nam.
11. Phụ lái tàu:
a) Có bằng hoặc chứng chỉ
chuyên môn lái tàu hoặc phụ lái tàu phù hợp với loại phương tiện phụ lái tàu đảm
nhiệm do cơ sở đào tạo cấp;
b) Đã qua thời gian thử việc
phụ lái tàu không quá 30 ngày;
c) Đã qua kỳ kiểm tra lý
thuyết, thực hành đạt yêu cầu về nghiệp vụ phụ lái tàu do doanh nghiệp sử dụng
chức danh phụ lái tàu tổ chức.
Điều 6.
Đảm nhiệm chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu
1. Nhân viên đường sắt trực
tiếp phục vụ chạy tàu được phép làm công việc của các chức danh theo sự phân
công của người sử dụng lao động theo quy định sau đây:
a) Chức danh điều độ chạy
tàu tuyến được làm công việc của các chức danh điều độ chạy tàu ga, trực ban chạy
tàu ga, trưởng tàu hàng, phó tàu khách phụ trách an toàn, trưởng dồn, gác ghi,
ghép nối đầu máy, toa xe;
b) Chức danh điều độ chạy
tàu ga được làm công việc của các chức danh trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu
hàng, phó tàu khách phụ trách an toàn, trưởng dồn, gác ghi, ghép nối đầu máy,
toa xe;
c) Chức danh trực ban chạy
tàu ga được làm công việc của các chức danh trưởng tàu hàng, phó tàu khách phụ
trách an toàn, trưởng dồn, gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe;
d) Chức danh trưởng tàu được
làm công việc của các chức danh trực ban chạy tàu ga, trưởng dồn, gác ghi, ghép
nối đầu máy, toa xe;
đ) Chức danh trưởng dồn được
làm công việc của các chức danh gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe;
e) Chức danh lái tàu được
làm công việc của các chức danh phụ lái tàu;
g) Chức danh gác ghi, ghép nối
đầu máy, toa xe được làm chung công việc của nhau;
h) Các chức danh tuần đường,
tuần cầu, tuần hầm được làm chung công việc của nhau;
i) Các chức danh gác cầu
chung, gác đường ngang, gác hầm được làm chung công việc của nhau.
2. Những nhân viên đường sắt
trực tiếp phục vụ chạy tàu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i của Khoản
1 Điều này không đảm nhiệm công tác quá 06 tháng liên tục, nhân viên đường sắt
trực tiếp phục vụ chạy tàu quy định tại điểm e của Khoản 1 Điều này không đảm
nhiệm công tác quá 12 tháng liên tục vì lý do sức khỏe hoặc các lý do khác, nếu
sức khỏe hồi phục đủ tiêu chuẩn và muốn đảm nhiệm các chức danh nhân viên đường
sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu thì phải qua kỳ kiểm tra và đạt yêu cầu nghiệp vụ
do doanh nghiệp sử dụng chức danh đó tổ chức.
Điều 7.
Trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc quản lý các nhân viên đường
sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu
Thủ trưởng doanh nghiệp sử dụng
các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có trách nhiệm sau đây:
1. Định kỳ hàng năm tổ chức
kiểm tra sức khỏe cho các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong phạm
vi quản lý của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
2. Định kỳ tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy
tàu; hàng năm tổ chức kiểm tra nghiệp vụ định kỳ đối với các nhân viên đường sắt
trực tiếp phục vụ chạy tàu ít nhất là 02 lần (01 lần lý thuyết, 01 lần thực
hành) theo quy định.
3. Không bố trí đảm nhận các
chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đối với những trường hợp
không đạt tiêu chuẩn theo quy định hoặc không đạt yêu cầu khi kiểm tra nghiệp vụ.
Chương
III
CƠ SỞ ĐÀO TẠO,
NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU
Điều 8.
Cơ sở đào tạo
1. Cơ sở đảm nhiệm việc đào
tạo, bồi dưỡng các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu là
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề,
bao gồm:
a) Trường đại học, trường
cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp;
b) Trường cao đẳng nghề, trường
trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và lớp dạy nghề.
2. Các cơ sở đào tạo có chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, theo quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo.
Điều 9. Điều
kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn đối với cơ sở đào tạo
1. Điều kiện chung
Cơ sở đào tạo phải có đủ các
điều kiện, tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.
2. Tiêu chuẩn cụ thể đối với
lĩnh vực đào tạo chuyên ngành đường sắt
Cơ sở đào tạo phải có đầy đủ
các phòng học chuyên môn và xưởng thực hành được thiết kế theo Quy phạm xây dựng
trường học hiện hành và phải có các trang thiết bị, mô hình, đồ dùng học tập cần
thiết phục vụ cho từng môn học, cụ thể như sau:
a) Phòng học quy trình, quy
phạm, quy tắc an toàn giao thông đường sắt: có các thiết bị tin học và phần mềm
dạy học, mô hình hệ thống tín hiệu, biển báo, biển hiệu, mốc hiệu, sa bàn và
các loại ấn chỉ chạy tàu cần thiết để giảng dạy các tình huống giao thông đường
sắt;
b) Phòng học cấu tạo phương
tiện giao thông đường sắt: có các hình vẽ và vật thực, mô hình, có đầu máy nguội
thuộc loại đang lưu hành, có các tổng thành như máy, gầm, điện, hãm và các cụm
chi tiết khác của phương tiện giao thông đường sắt;
c) Phòng học nghiệp vụ vận tải:
có các bảng biểu phục vụ giảng dạy về nghiệp vụ vận tải hàng hóa, hành khách,
hành lý, bao gửi và vận dụng phương tiện giao thông đường sắt;
d) Phòng học kỹ thuật lái
tàu: có các thiết bị và đồ dùng dạy học để giảng dạy các động tác, thao tác lái
tàu cơ bản, như thiết bị mô phỏng lái tàu hoặc ca bin điện tử, trang bị phương
tiện nghe nhìn như băng đĩa, đèn chiếu… phục vụ giảng dạy; có thể thuê hoặc sử
dụng các đầu máy loại đang vận dụng tại hiện trường của các doanh nghiệp để tập
lái;
đ) Các phòng học chuyên môn,
nghiệp vụ khác của từng ngành nghề (gác ghi, dồn, điều độ…) phải có các thiết bị,
dụng cụ học tập tương ứng;
e) Xưởng thực hành: có đủ
không gian và diện tích theo quy định với các thiết bị, máy móc hiện đang dùng
cùng với các đồ nghề cần thiết để phục vụ cho học sinh thực tập các nghề. Đối với
nghề lái tàu phải có các tổng thành chi tiết chủ yếu của đầu máy để thực tập bảo
dưỡng, sửa chữa.
Điều
10. Đội ngũ giáo viên
1. Cơ sở đào tạo phải có đội
ngũ giáo viên đủ để giảng dạy các khóa học theo đúng chương trình và kế hoạch
quy định, bao gồm giáo viên cơ hữu (định biên chuyên trách giảng dạy tại cơ sở)
và giáo viên thỉnh giảng. Số lượng giáo viên thỉnh giảng không vượt quá 50% tổng
số giáo viên cần có.
2. Các giáo viên phải đạt
trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của pháp luật về giáo dục
và đào tạo. Ngoài ra, những giáo viên chuyên môn phải đạt các điều kiện cụ thể
như sau:
a) Giáo viên dạy thực hành
nghiệp vụ chuyên môn các chức danh trực tiếp phục vụ chạy tàu phải có bằng hoặc
chứng chỉ tốt nghiệp đúng chuyên ngành được phân công giảng dạy, đã qua thực tế
công tác ít nhất 03 năm;
b) Giáo viên dạy thực hành điều
khiển phương tiện giao thông đường sắt phải có giấy phép lái tàu và có thâm
niên lái tàu ít nhất 05 năm.
Điều
11. Chương trình đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy
tàu, giáo trình và tài liệu học tập
1. Chương trình đào tạo:
a) Chương trình khung đào tạo
các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu được xây dựng và
ban hành theo quy định hiện hành của pháp luật về giáo dục, đào tạo;
b) Căn cứ vào chương trình
khung, cơ sở đào tạo xác định chương trình đào tạo của cơ sở mình.
2. Giáo trình và tài liệu học
tập
Giáo trình và tài liệu học tập
do Thủ trưởng cơ sở đào tạo (Hiệu trưởng hoặc Giám đốc Trung tâm đào tạo) tổ chức
biên soạn và duyệt để sử dụng làm tài liệu giảng dạy chính thức trên cơ sở thẩm
định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Thủ trưởng cơ sở đào tạo thành lập.
Chương
IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
12. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam
1. Hướng dẫn, phổ biến và kiểm
tra việc thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, tập hợp các kiến
nghị, đề xuất, nghiên cứu trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ
sung quy định cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo
hoàn thiện các điều kiện theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng có
liên quan định kỳ tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính theo thẩm quyền.
3. Chủ trì, phối hợp với các
cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực
hiện tiêu chuẩn các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu của các
doanh nghiệp đường sắt trên phạm vi toàn quốc.
Điều
13. Trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị có liên quan
1. Nghiên cứu quán triệt, tổ
chức phổ biến rộng rãi nội dung và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Thông tư
này đến từng đối tượng có liên quan thuộc phạm vi quản lý; trong quá trình thực
hiện thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để đề xuất, kiến nghị giải
quyết những vấn đề tồn tại.
2. Rà soát, kiểm tra bằng,
chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn của tất cả các nhân viên đường sắt trực
tiếp phục vụ chạy tàu trong phạm vi quản lý; lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối
với những nhân viên chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh
đang đảm nhiệm, bảo đảm đội ngũ này đạt yêu cầu về tiêu chuẩn theo quy định.
Điều
14. Hiệu lực thi hành3
1. Thông tư này có hiệu lực
thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký; bãi bỏ các Quyết định sau đây:
a) Quyết định số
67/2005/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về
việc ban hành “Quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp
phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo
nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu”;
b) Quyết định số
32/2006/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về
việc bổ sung, sửa đổi “Quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt
trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình
đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu” ban hành kèm theo Quyết
định số 67/2005/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải;
c) Quyết định số
21/2008/QĐ-BGTVT ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
về bổ sung sửa đổi Điều 5 của “Quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên
đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung,
chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu” ban hành
kèm theo Quyết định số 67/2005/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải.
2. Nhân viên đường sắt trực
tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc
gia phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư này chậm nhất sau
36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Nhân viên điều độ chạy
tàu trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt
quốc gia có bằng Trung cấp về chuyên ngành vận tải đường sắt đã bố trí làm việc
trước ngày 31 tháng 12 năm 2005 phải hoàn thành Chương trình đào tạo, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ điều độ chạy tàu ban hành kèm theo Quyết định số
2061/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều
15. Tổ chức thực hiện4
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này./.
|
XÁC THỰC VĂN
BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Trương Quang Nghĩa
|
1 Thông tư số 45/2016/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 76/2015/TT-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý sát hạch, cấp mới, cấp lại, thu hồi
giấy phép lái tàu trên đường sắt và Thông tư số 38/2010/TT-BGTVT ngày 17 tháng
12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Tiêu chuẩn các chức
danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và
nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu,
có căn cứ ban hành như sau:
Căn cứ Luật Đường sắt
ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số
14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị định số
107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2015/TT-BGTVT ngày 01
tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý sát hạch,
cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt và Thông tư số
38/2010/TT-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu,
điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt
trực tiếp phục vụ chạy tàu.
2
Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 2 Thông tư số
45/2016/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2015/TT-BGTVT
ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản
lý sát hạch, cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt và
Thông tư số 38/2010/TT-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp
phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo
nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng
3 năm 2017.
3 Điều 3 của Thông tư số 45/2016/TT-BGTVT sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2015/TT- BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2015
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý sát hạch, cấp mới, cấp
lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt và Thông tư số 38/2010/TT-BGTVT
ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Tiêu chuẩn
các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở
đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ
chạy tàu, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2017, quy định như sau:
“Điều 3. Hiệu lực thi
hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 3 năm 2017”.
4 Điều 4 của Thông tư số 45/2016/TT-BGTVT sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2015/TT-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2015
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý sát hạch, cấp mới, cấp
lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt và Thông tư số 38/2010/TT-BGTVT
ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Tiêu chuẩn
các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở
đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ
chạy tàu, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2017, quy định như sau:
“Điều 4. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các
cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này”.