VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/VBHN-VPCP
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2019
|
THÔNG TƯ
[1]
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ CÔNG BÁO TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 34/2016/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG
5 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT
BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Thông tư số 01/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định về Công báo tại Nghị
định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có
hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 01/2019/TT-VPCP ngày 09 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều
11 Thông tư số 01/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định về Công báo tại Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày
04 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14
tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11
tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ
Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng về phê duyệt Đề
án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà
nước;
Căn cứ
Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ
về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính
nhà nước.
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Cổng Thông tin
điện tử Chính phủ,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban
hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về Công báo tại Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. [2]
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chi tiết về hình thức,
thể thức, kỹ thuật trình bày ấn phẩm Công báo; gửi, tiếp nhận, đăng văn bản
trên Công báo; phối hợp xử lý văn bản có sai sót trong quá trình tiếp nhận văn
bản, đăng Công báo; quản lý, lưu giữ Công báo và văn bản gửi đăng Công báo.
Điều 2. Hình thức ấn phẩm
Công báo
1. Ấn phẩm Công báo được xuất bản dưới hình
thức Công báo in và Công báo điện tử. Công báo in là Công báo được in trên
giấy; Công báo điện tử là bản điện tử của Công báo in, được đăng khi Công báo
in phát hành.
2. Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Công báo điện
tử cấp tỉnh được đăng trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh.
Điều 3. Thể thức ấn phẩm
Công báo
1. Ấn
phẩm Công báo có kích thước 29 cm (chiều dài) x 20,5 cm (chiều rộng); trường
hợp văn bản gửi đăng Công báo có kích thước không theo chuẩn chung, ấn phẩm
Công báo được trình bày như văn bản chính.
Phông chữ sử dụng trên ấn phẩm Công báo in là
phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN
6909:2001.
2. Phần đầu ấn phẩm Công báo gồm: Quốc huy,
Quốc hiệu, Tiêu ngữ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ CÔNG BÁO
(đối với Công báo cấp tỉnh ghi tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi
xuất bản); số Công báo; ngày, tháng, năm; mục lục văn bản đăng trong số Công
báo.
3. Phần nội dung ấn phẩm Công báo gồm tiêu đề
(header) và nội dung các văn bản đăng Công báo.
4. Phần cuối ấn phẩm Công báo gồm tên, địa
chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan Công báo, địa chỉ
truy cập Công báo điện tử trên Internet, tên cơ sở in Công báo và giá bán ấn
phẩm Công báo (nếu có).
Điều 4. Kỹ thuật trình bày
phần đầu ấn phẩm Công báo
1. Quốc huy được trình bày theo kích thước
3,5 cm x 3,5 cm; in màu theo quy định.
2. Quốc hiệu là: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM” được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, màu
mực đỏ và ở phía trên cùng, bên phải.
3. Tiêu ngữ là: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”
được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, màu mực đỏ và
ở liền phía dưới Quốc hiệu; chữ cái đầu của các cụm từ viết hoa,
giữa các cụm từ có gạch nối (-), có cách chữ; phía dưới có đường
kẻ đôi, kẻ ngang, nét liền, màu mực đỏ, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ.
4. Chữ CÔNG BÁO được trình bày bằng chữ in
hoa, cỡ chữ 60, kiểu chữ đứng, đậm, màu mực đỏ, phía dưới có đường kẻ đôi, kẻ
ngang, nét liền, màu mực đỏ, có độ dài bằng chiều rộng phần nội dung của ấn
phẩm Công báo (từ lề trái đến lề phải).
5. Đối với Công báo cấp tỉnh: Tên tỉnh, thành
phố nơi xuất bản được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 18, kiểu chữ
nghiêng, đậm, màu mực đen.
6. Số Công báo được tính theo năm, theo số
tăng dần bắt đầu từ 01 và được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu
chữ đứng, đậm.
7. Ngày, tháng, năm của số Công báo phải được
viết đầy đủ, được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm;
các số chỉ ngày, tháng, năm dùng chữ số Ả-rập; đối với những số chỉ ngày nhỏ
hơn 10 và tháng 1, 2 phải ghi thêm số 0 ở trước.
8. Mục lục là danh sách văn bản được đăng
trên ấn phẩm Công báo. Mục lục được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 26, kiểu
chữ đứng, đậm, màu mực đen, căn giữa trang, phía dưới có đường kẻ ngang, nét
liền, có độ dài bằng 1/2 độ dài của dòng chữ và đặt cân đối so với dòng chữ
a) Mục lục gồm “VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT”,
“VĂN BẢN PHÁP LUẬT KHÁC” và “ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ” (nếu có) được trình
bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, căn giữa trang;
b) Tên cơ quan ban hành văn bản được trình
bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, căn giữa trang; đối với điều ước
quốc tế thì không ghi tên cơ quan ban hành văn bản;
c) Ngày, tháng, năm ban hành văn bản phải
được viết đầy đủ, được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng;
các số chỉ ngày, tháng, năm dùng chữ số Ả-rập; đối với những số chỉ ngày nhỏ
hơn 10 và tháng 1, tháng 2 phải ghi thêm số 0 ở trước, giữa ngày, tháng, năm
dùng dấu gạch ngang (-);
d) Tên loại, số, ký hiệu, trích yếu nội dung,
số trang được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng;
đ) Trường hợp văn bản dài, được đăng trên
nhiều ấn phẩm Công báo thì bổ sung trong ngoặc đơn cụm từ “Đăng từ Công báo số
… đến số …”, được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, căn
lề phải. Ví dụ:
(Đăng từ Công báo số 08 + 09 đến số 38 + 39).
9. Kỹ thuật
trình bày phần đầu ấn phẩm Công báo theo Mẫu số 01
và Mẫu số 02 kèm theo Phụ lục của Thông tư này.
Điều 5. Kỹ thuật trình bày
phần nội dung ấn phẩm Công báo
1. Nội dung ấn phẩm Công báo được trình bày
một cột, bảo đảm chính xác nội dung của văn bản chính; sử dụng cỡ chữ 13 đến
14, khoảng cách giữa các dòng (line spacing) từ dòng đơn (single) đến 1,5 dòng
(1.5lines). Phần nơi nhận, dấu, chữ ký, độ khẩn trong thể thức văn bản được
phép lược bỏ.
Bảng biểu, công thức, sơ đồ, bản đồ, mẫu đơn
và Điều ước quốc tế được trình bày đúng kích thước, cỡ chữ, phông chữ, hình vẽ
của bản chính.
2. Phần tiêu đề (header) gồm chữ CÔNG BÁO, số
Công báo, ngày đăng Công báo và số trang (Mẫu số 03
và 04 kèm theo Phụ lục của Thông tư này).
a) Chữ CÔNG BÁO, số Công báo, ngày đăng Công
báo được trình bày căn giữa bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, giữa các
cụm từ có gạch chéo (/). Ví dụ: CÔNG BÁO/Số 01+02/Ngày 01-01-2011
Đối với Công báo cấp tỉnh, bổ sung tên tỉnh,
thành phố nơi xuất bản. Ví dụ: CÔNG BÁO ĐÀ NẴNG/Số 22+23/Ngày 20-02-2015;
b) Số trang được trình bày bằng chữ in
thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng. Tổng số trang ấn phẩm Công báo được tính từ
trang đầu đến trang cuối ấn phẩm Công báo, số trang hiển thị tại vị trí cuối
dòng đối với trang lẻ, đầu dòng đối với trang chẵn, không hiển thị số trang của
trang đầu và trang cuối ấn phẩm Công báo;
c) Phía dưới phần tiêu đề có đường kẻ đôi, kẻ
ngang, nét liền, có độ dài bằng phần nội dung của ấn phẩm Công báo (từ lề trái
đến lề phải).
Điều 6. Kỹ thuật trình bày
phần cuối ấn phẩm Công báo
1. Tên cơ quan Công báo được trình bày bằng chữ in
hoa, căn giữa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, phía trên có đường kẻ đôi, kẻ
ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ
a) Đối với Công báo nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam ghi:
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ XUẤT BẢN
b) Đối với Công báo cấp tỉnh ghi tên Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh xuất bản Công báo. Ví dụ:
VĂN PHÒNG UBND TỈNH BẮC GIANG XUẤT BẢN
2. Địa chỉ, điện thoại liên hệ, số fax, địa
chỉ thư điện tử của cơ quan Công báo, địa chỉ truy cập Công báo trên Internet,
tên cơ sở in Công báo và giá bán ấn phẩm Công báo (nếu có) được trình bày bằng
chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng.
3. Kỹ thuật
trình bày phần cuối ấn phẩm Công báo theo Mẫu số 05
kèm theo Phụ lục của Thông tư này.
Điều 7. Công báo điện tử
1. Công báo điện tử là bản điện tử của Công
báo in, được lưu vào tập tin điện tử có định dạng PDF, .DOC có ký số. Công báo
điện tử được đăng khi Công báo in phát hành.
2. Văn phòng Chính phủ giữ bản quyền đối với
Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Văn phòng Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh giữ bản quyền đối với Công báo điện tử cấp tỉnh.
3. Công báo điện tử được khai thác miễn phí.
Điều 8. Gửi, tiếp nhận và
đăng văn bản trên Công báo
1. Gửi văn bản đăng Công báo
a) Cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm
gửi bản chính văn bản đăng Công báo cùng bản điện tử có nội dung chính xác với
bản chính, tại phần "Nơi nhận" của văn bản phải có tên "Công
báo", ở phần trên trang đầu của văn bản phải ghi dòng chữ “Văn bản gửi
đăng Công báo”;
b) Phông chữ của bản điện tử là phông chữ
tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001 ,
trên định dạng có khả năng chỉnh sửa, biên tập được;
c) Đối với văn bản điều ước quốc tế
đăng Công báo, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm gửi Văn phòng Chính phủ kèm bản
điện tử là bản Scan từ bản chính của điều ước quốc tế hai bên, bản sao của điều
ước quốc tế nhiều bên có chứng thực do cơ quan lưu chiểu chuyển cho Việt Nam.
2. Tiếp nhận văn bản đăng Công báo
Cơ quan Công báo có trách nhiệm tiếp nhận văn
bản chính gửi đăng Công báo và bản điện tử; nhập danh mục thông tin, thuộc tính
văn bản gửi đăng Công báo: Tên loại, số, ký hiệu, trích yếu văn bản, cơ quan ban
hành, ngày ban hành, ngày nhận văn bản, số trang của văn bản; rà soát, đối
chiếu văn bản chính và bản điện tử, trường hợp bản điện tử không chính xác so
với bản chính, cơ quan Công báo thông báo cho cơ quan ban hành văn bản biết, cơ
quan ban hành văn bản gửi bản điện tử chính xác trong ngày để đảm bảo việc đăng
Công báo đúng thời hạn quy định.
3. Đăng văn bản trên Công báo
a) Văn bản được đăng Công báo theo thứ tự
thời gian nhận văn bản, văn bản đến trước đăng trước và độ khẩn của văn bản;
b) Trong ấn phẩm Công báo, văn bản được sắp
xếp theo ba phần: Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật khác, Điều ước
quốc tế (nếu có); văn bản xếp theo thứ bậc cơ quan ban hành, theo giá trị pháp
lý từ cao xuống thấp và số văn bản theo thứ tự tăng dần; nếu cơ quan ban hành
cùng cấp được sắp xếp theo bảng chữ cái a, b, c hoặc chữ số từ nhỏ đến lớn;
c) Một văn bản được đăng trên cùng một ấn
phẩm Công báo, đối với văn bản dài phải được đăng trên các ấn phẩm Công báo
liền nhau liên tiếp.
Điều 9. Phối hợp xử lý văn
bản có sai sót trong quá trình tiếp nhận văn bản, đăng Công báo
1. Trong quá trình tiếp nhận văn bản, nếu
phát hiện văn bản có sai sót, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh phải thông báo ngay cho cơ quan ban hành văn bản biết để kịp thời xử
lý và cơ quan ban hành văn bản phải gửi ngay bản chính thức trong ngày để bảo
đảm việc đăng Công báo đúng thời hạn quy định.
2. Trong trường hợp văn bản có sai sót nhưng
chưa đăng Công báo, cơ quan ban hành văn bản có văn bản đính chính những sai
sót, cơ quan Công báo đăng văn bản có sai sót và văn bản đính chính trên cùng
một ấn phẩm Công báo; Văn bản sau khi đăng Công báo, nếu cơ quan ban hành văn
bản phát hiện có sai sót thì ban hành văn bản đính chính theo quy định của pháp
luật, cơ quan Công báo đăng văn bản đính chính trên số Công báo tiếp theo gần
nhất.
3. Cơ quan Công báo có văn bản đính chính đối
với những sai sót trong quá trình xuất bản Công báo trên cơ sở đối chiếu với
văn bản gửi đăng Công báo tại số Công báo tiếp theo gần nhất (Mẫu số 06 của Phụ lục kèm theo Thông tư này).
Điều 10. Quản lý Công báo
và văn bản đăng Công báo
1. Cơ quan Công báo có trách nhiệm
a) Lưu giữ 01 ấn phẩm/số Công báo in đã xuất
bản, phát hành và được đóng quyển theo từng năm. Thời hạn lưu giữ là vĩnh viễn;
b) Lưu giữ văn bản gửi đăng Công báo (văn bản
chính và bản điện tử) theo từng năm, đảm bảo khoa học, thuận tiện cho việc tìm
kiếm, đối chiếu. Thời hạn lưu giữ là 05 năm;
c) Quản lý cơ sở dữ liệu Công báo điện tử bao
gồm bản điện tử của các số Công báo đã xuất bản và thông tin, thuộc tính văn
bản đăng Công báo.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được
cấp phát Công báo có trách nhiệm quản lý, lưu giữ và tổ chức việc sử dụng ấn
phẩm Công báo. Thời hạn lưu giữ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Điều 11. Trách nhiệm của
các cơ quan
1. Cơ quan ban hành văn bản
a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản
điện tử với văn bản chính;
b) Thông báo tên, số điện thoại, số fax, địa
chỉ thư điện tử của công chức, viên chức hoặc bộ phận chịu trách nhiệm gửi bản
chính và bản điện tử văn bản đăng Công báo tới cơ quan Công báo.
2. Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh
a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của ấn phẩm Công báo với văn
bản gửi đăng Công báo;
b) Có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của
bản điện tử với văn bản chính;
c) Thông báo số điện thoại, số fax, địa chỉ
thư điện tử của bộ phận nhận văn bản đăng Công báo tới cơ quan ban hành văn
bản;
d) Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện các nội dung được quy định tại Thông tư này đối với Văn phòng Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh;
đ)[3] Hàng năm, Văn phòng Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình tổ chức thực hiện các quy
định của pháp luật về Công báo có ký số về Văn phòng Chính phủ. Trong trường
hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu về ký số thì gửi
bản điện tử dưới dạng ảnh (định dạng PDF) đã ký và đóng dấu. Báo cáo gửi qua
thư điện tử theo địa chỉ [email protected].
Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 15 tháng 12 năm
trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo. Thời hạn
gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 25 của tháng
cuối kỳ báo cáo.
Báo cáo tình hình tổ chức thực hiện các quy định
của pháp luật về Công báo theo Mẫu số 07[4] kèm theo Phụ lục của
Thông tư này.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
[5]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 15 tháng 5 năm 2017.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai
thực hiện Thông tư này./.
|
XÁC
THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|
PHỤ LỤC
MẪU TRÌNH BÀY CÔNG BÁO
(Kèm
theo Thông tư số 01/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ)
Mẫu số 01: Trang
đầu ấn phẩm Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mẫu số 02: Trang
đầu ấn phẩm Công báo cấp tỉnh.
Mẫu số 03: Phần
tiêu đề (header) từ trang thứ 02 ấn phẩm Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Mẫu số 04: Phần
tiêu đề (header) từ trang thứ 02 ấn phẩm Công báo cấp tỉnh.
Mẫu số 05: Phần
cuối ấn phẩm Công báo.
Mẫu số 06: Văn bản đính chính
của cơ quan Công báo.
Mẫu số 07 1[6]: Báo
cáo tình hình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về Công báo.