BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN- BỘ NỘI VỤ
-----
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 61/2008/TTLT-BNN-BNV
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2008
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN
VÀ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ VỀ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT
TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị
định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức
các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
Căn cứ Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định
tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Liên Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp
xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn như sau:
Phần I
SỞ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) tham
mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa
phương về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thuỷ sản; thuỷ lợi và phát triển
nông thôn; phòng, chống lụt, bão; an toàn nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối
trong quá trình sản xuất đến khi đưa ra thị trường; về các dịch vụ công thuộc
ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn
theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; chịu
sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
1. Trình Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh:
a) Dự thảo quyết
định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm;
chương trình, đề án, dự án về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản,
thuỷ lợi và phát triển nông thôn; quy hoạch phòng, chống giảm nhẹ thiên tai phù
hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, mục tiêu quốc phòng, an
ninh của địa phương; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải
cách hành chính nhà nước về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được
giao;
b) Dự thảo văn
bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục trực thuộc;
c) Dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với
Trưởng, Phó các tổ chức thuộc Sở; Trưởng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện; tham gia dự thảo quy định điều kiện,
tiêu chuẩn, chức danh lãnh đạo phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của Phòng Kinh tế
thuộc Uỷ ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Trình Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Dự thảo quyết
định thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị thuộc Sở theo quy định của pháp
luật;
b) Dự thảo quyết
định, chỉ thị thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Ban hành quy
chế quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức
ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh đặt tại địa bàn cấp huyện với
Uỷ ban nhân dân cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật trên địa bàn cấp xã với Uỷ
ban nhân dân cấp xã.
3. Hướng dẫn và
tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển,
chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định
mức kinh tế-kỹ thuật về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi
và phát triển nông thôn đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
4. Về nông nghiệp
(trồng trọt, chăn nuôi):
a) Chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện phương án sử dụng đất dành cho trồng trọt và chăn nuôi
sau khi được phê duyệt và biện pháp chống thoái hóa đất nông nghiệp trên địa
bàn tỉnh theo quy định;
b) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về: giống cây trồng, giống
vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và
các vật tư khác phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
c) Giúp Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản
phẩm nông nghiệp; thực hiện cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng;
d) Tổ chức công
tác bảo vệ thực vật, thú y (bao gồm cả thú y thuỷ sản), phòng, chống và khắc phục
hậu quả dịch bệnh động vật, thực vật; hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm dịch
nội địa về động vật, thực vật trên địa bàn tỉnh theo quy định;
đ) Tổ chức
phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, sâu bệnh, dịch bệnh đối với sản xuất
nông nghiệp;
e) Quản lý và sử
dụng dự trữ địa phương về giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật,
thuốc thú y, các vật tư hàng hoá thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên địa
bàn sau khi được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
5. Về lâm
nghiệp:
a) Hướng dẫn việc
lập và chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng
của Uỷ ban nhân dân cấp huyện;
b) Giúp Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định xác lập các khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng,
khu rừng sản xuất trong phạm vi quản lý của địa phương sau khi được phê duyệt;
tổ chức thực hiện việc phân loại rừng, xác định ranh giới các loại rừng, thống
kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn;
c) Tổ chức thực
hiện phương án giao rừng cho cấp huyện và cấp xã sau khi được phê duyệt; tổ chức
thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng
rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng
cho tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài
thực hiện dự án đầu tư về lâm nghiệp tại Việt Nam; tổ chức việc lập và quản lý
hồ sơ giao, cho thuê rừng và đất để trồng rừng;
Giúp Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện giao rừng cho cộng
đồng dân cư thôn, bản và giao rừng, cho thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân theo
quy định;
d) Tổ chức việc
bình tuyển và công nhận cây mẹ, cây đầu dòng và rừng giống trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng phương án, biện pháp, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản xuất
giống cây trồng lâm nghiệp và sử dụng vật tư lâm nghiệp; trồng rừng; chế biến
và bảo quản lâm sản; phòng và chống dịch bệnh gây hại rừng, cháy rừng;
đ) Chịu trách
nhiệm phê duyệt phương án điều chế rừng, thiết kế khai thác rừng; giúp Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và kiểm tra việc trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng
đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định;
e) Hướng dẫn,
kiểm tra việc cho phép mở cửa rừng khai thác và giao kế hoạch khai thác cho chủ
rừng là tổ chức và Uỷ ban nhân dân cấp huyện sau khi được phê duyệt; việc thực
hiện các quy định về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ
ban nhân dân cấp xã trong quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương; việc phối hợp và
huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong bảo
vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng.
6. Về diêm nghiệp:
a) Hướng dẫn,
kiểm tra việc sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến muối ở địa phương;
b) Tổ chức thực
hiện kế hoạch dự trữ muối của tỉnh sau khi được phê duyệt.
7. Về thuỷ sản:
a) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện quy định hành lang cho các loài thuỷ sản di chuyển khi
áp dụng các hình thức khai thác thuỷ sản; công bố bổ sung những nội dung quy định
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về danh mục các loài thuỷ sản bị cấm
khai thác và thời gian cấm khai thác; các phương pháp khai thác, loại nghề khai
thác, ngư cụ cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng; chủng loại, kích cỡ tối thiểu
các loài thuỷ sản được phép khai thác; mùa vụ khai thác; khu vực cấm khai thác
và khu vực cấm khai thác có thời hạn cho phù hợp với hoạt động khai thác nguồn
lợi thuỷ sản của tỉnh;
b) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về xác lập các
khu bảo tồn biển của địa phương; quy chế quản lý khu bảo tồn biển do địa phương
quản lý và quy chế vùng khai thác thuỷ sản ở sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước
tự nhiên khác thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn;
c) Tổ chức đánh
giá nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý nhà nước được
giao;
d) Hướng dẫn,
kiểm tra việc lập quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thuỷ sản. Chịu trách
nhiệm thẩm định quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng thuỷ sản của cấp huyện và tổ chức
thực hiện việc quản lý vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung;
đ) Tham mưu và
giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc giao, cho thuê, thu hồi mặt
nước biển thuộc địa phương quản lý để nuôi trồng thuỷ sản theo quy định;
e) Tổ chức kiểm
tra chất lượng và kiểm dịch giống thuỷ sản ở các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản;
tổ chức thực hiện phòng trừ và khắc phục hậu quả dịch bệnh thuỷ sản trên địa
bàn theo quy định;
g) Hướng dẫn,
kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định về phân cấp quản lý tàu cá, cảng cá, bến
cá, tuyến bờ, khu neo đậu trú bão của tàu cá và đăng kiểm tàu cá thuộc phạm vi
quản lý của tỉnh theo nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; về quy chế và tổ chức
quản lý hoạt động của chợ thuỷ sản đầu mối.
8. Về thuỷ lợi:
a) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện các quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về phân cấp
quản lý các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ và chương trình mục tiêu cấp, thoát
nước nông thôn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc
xây dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ; tổ
chức thực hiện chương trình, mục tiêu cấp, thoát nước nông thôn đã được phê duyệt;
b) Thực hiện
các quy định về quản lý sông, suối, khai thác sử dụng và phát triển các dòng
sông, suối trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt;
c) Hướng dẫn,
kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc xây dựng, khai thác, bảo vệ đê điều, bảo vệ
công trình phòng, chống lũ, lụt, bão; xây dựng phương án, biện pháp và tổ chức
thực hiện việc phòng, chống lũ, lụt, bão, hạn hán, úng ngập, chua phèn, xâm nhập
mặn, sạt, lở ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh;
d) Hướng dẫn việc
xây dựng quy hoạch sử dụng đất thuỷ lợi, tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa
và xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện việc di dời công trình, nhà ở liên
quan tới phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông theo quy định;
đ) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ
công trình thuỷ lợi; về hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V; việc quyết
định phân lũ, chậm lũ để hộ đê trong phạm vi của địa phương theo quy định.
9. Về phát triển
nông thôn:
a) Tổng hợp,
trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về cơ chế, chính sách, biện pháp khuyến khích
phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ,
kinh tế trang trại nông thôn, kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm
nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn cấp xã. Theo
dõi, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về phát triển nông thôn trên địa
bàn;
b) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện các quy định phân công, phân cấp thẩm định các chương trình,
dự án liên quan đến di dân, tái định cư trong nông thôn; kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chương
trình phát triển nông thôn; việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn
với hộ gia đình và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;
c) Hướng dẫn
phát triển kinh tế hộ, trang trại, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, phát triển
ngành, nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh;
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện công tác định canh, di dân, tái định cư trong nông nghiệp, nông thôn
phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương;
đ) Tổ chức thực
hiện chương trình, dự án hoặc hợp phần của chương trình, dự án xoá đói giảm
nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng khu dân cư; xây dựng cơ sở
hạ tầng nông thôn theo phân công hoặc uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
10. Về chế biến
và thương mại nông sản, lâm sản, thủy sản và muối:
a) Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách phát triển
lĩnh vực chế biến gắn với sản xuất và thị trường các ngành hàng thuộc phạm vi
quản lý nhà nước của Sở; chính sách phát triển cơ điện nông nghiệp, ngành nghề,
làng nghề gắn với hộ gia đình và hợp tác xã sau khi được cấp có thẩm quyền phê
duyệt;
b) Hướng dẫn,
kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển chế biến đối với các ngành hàng và lĩnh
vực cơ điện, ngành nghề, làng nghề nông thôn, bảo quản sau thu hoạch thuộc phạm
vi quản lý của Sở;
c) Tổ chức thực
hiện công tác xúc tiến thương mại nông sản, lâm sản, thủy sản và muối thuộc phạm
vi quản lý của Sở;
d) Phối hợp với
cơ quan liên quan tổ chức công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại đối với
sản phẩm nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối.
11. Tổ chức thực
hiện công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất
nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản.
12. Xây dựng và
chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp,
lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản và hoạt động phát triển nông thôn tại địa
phương.
13. Tổ chức thực
hiện và chịu trách nhiệm về đăng kiểm, đăng ký, cấp và thu hồi giấy phép, chứng
chỉ hành nghề thuộc phạm vi quản lý của Sở theo quy định của pháp luật hoặc sự
phân công, uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
14. Xây dựng hệ
thống thông tin, lưu trữ tư liệu về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ
lợi và phát triển nông thôn; tổ chức công tác thống kê diễn biến đất nông nghiệp,
đất lâm nghiệp, đất diêm nghiệp, diễn biến rừng, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản
theo quy định.
15. Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện các dự án và xây dựng mô hình phát triển về nông nghiệp,
lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn trên địa
bàn tỉnh; chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình, dự án được giao.
16. Thực hiện hợp
tác quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở theo phân cấp của Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh và quy định của pháp luật.
17. Hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự
nghiệp trực thuộc và các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực
nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông
thôn của tỉnh theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về các dịch vụ công
do Sở tổ chức thực hiện.
18. Giúp Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể,
kinh tế tư nhân; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính
phủ thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi
và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
19. Hướng dẫn
chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kiểm
tra việc thực hiện quy chế quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo
cáo của tổ chức nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh đặt trên địa bàn cấp
huyện với Uỷ ban nhân dân cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật trên địa bàn xã với
Uỷ ban nhân dân cấp xã.
20. Tổ chức
nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất của ngành nông
nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.
21. Thanh tra,
kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý
vi phạm pháp luật về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi
và phát triển nông thôn trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
22. Thực hiện
nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; tìm kiếm cứu nạn;
các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh theo
quy định của pháp luật; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai về bão, lũ, lụt, sạt,
lở, hạn hán, úng ngập, chua phèn, xâm nhập mặn và dịch bệnh trong sản xuất nông
nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
23. Chỉ đạo và
tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Sở sau khi được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
24. Quy định cụ
thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của
tổ chức, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; quản lý cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường,
thị trấn làm công tác quản lý về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản,
thuỷ lợi và phát triển nông thôn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
25. Quản lý tài
chính, tài sản của Sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh.
26. Thực hiện
công tác thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện
nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
27. Thực hiện một
số nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao hoặc theo quy định của pháp
luật.
III. TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ
1. Lãnh đạo Sở:
Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn có Giám đốc và các Phó Giám đốc.
Giám đốc Sở là
người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; chịu
trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phó Giám đốc là
người giúp Giám đốc Sở chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám
đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Việc bổ nhiệm
Giám đốc và Phó Giám đốc Sở do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo tiêu
chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng,
kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Sở thực
hiện theo quy định của pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức:
2.1. Tổ chức
tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở:
a) Các tổ chức
được thành lập thống nhất ở các địa phương gồm:
- Văn phòng
Sở (thực hiện nhiệm vụ quản lý: hành chính, văn
thư, quản trị, theo dõi tổng hợp, cải cách hành chính, hợp tác quốc tế, pháp chế,…);
- Thanh tra
Sở;
- Phòng Kế
hoạch-Tài chính;
- Phòng Tổ
chức cán bộ (thực hiện nhiệm vụ quản lý: tổ chức,
cán bộ-công chức-viên chức, đào tạo, chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật,
...);
b) Các tổ chức
chuyên môn, nghiệp vụ được thành lập phù hợp với đặc điểm của từng địa
phương, bao gồm: Phòng Trồng trọt, Phòng Chăn nuôi; Phòng Quản lý chất
lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Phòng Quản lý xây dựng công trình (nếu khối lượng
xây dựng cơ bản lớn) hoặc phòng chuyên môn nghiệp vụ khác.
Việc thành lập
các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở phải bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh
vực công tác của Sở; chức năng, nhiệm vụ của từng phòng phải rõ ràng, không chồng
chéo với chức năng, nhiệm vụ của phòng và tổ chức khác thuộc Sở; đối với những
chuyên ngành, lĩnh vực cần thành lập Chi cục thì không lập phòng chuyên môn
nghiệp vụ cùng ngành, lĩnh vực đó.
Căn cứ vào đặc
điểm, yêu cầu và khối lượng công việc quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát
triển nông thôn của từng địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định
số lượng và tên gọi cụ thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở, nhưng số
lượng các phòng, văn phòng và thanh tra không quá 8 (đối với Sở thuộc Uỷ ban
nhân dân tỉnh) và không quá 7 (đối với Sở thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố trực
thuộc Trung ương).
2.2. Chi cục quản
lý chuyên ngành:
a) Ở cấp tỉnh:
Các Chi cục quản
lý chuyên ngành giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện
chức năng quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ về chuyên ngành trong việc
tổ chức thực thi pháp luật; thực hiện công việc tác nghiệp thường xuyên, đồng
thời đề xuất về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực chuyên ngành.
Số lượng chi cục
quản lý chuyên ngành bảo đảm có sự kế thừa hợp lí những chi cục hiện có đang hoạt
động hiệu quả và thành lập chi cục mới nhưng không quá 9 tổ chức, bao gồm:
- Chi cục Bảo
vệ thực vật (Chi cục Bảo vệ thực vật đảm nhận cả
nhiệm vụ quản lý chuyên ngành trồng trọt, nếu không thành lập phòng trồng trọt);
- Chi cục
Thú y (Chi cục Thú y đảm nhận cả nhiệm vụ quản lý
chuyên ngành chăn nuôi, nếu không thành lập phòng chăn nuôi) bao gồm cả thú y
thuỷ sản;
- Chi cục Kiểm
lâm;
- Chi cục
Lâm nghiệp (thành lập ở những tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có diện tích rừng và đất chưa sử dụng được quy hoạch cho mục
đích lâm nghiệp trên 50.000 ha). Ở các tỉnh khác giao chức năng quản lý lâm
nghiệp cho Chi cục Kiểm lâm;
- Chi cục
Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (thành lập ở
những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có quy mô khai thác lớn);
- Chi cục
Nuôi trồng Thuỷ sản (thành lập ở các tỉnh ven biển
có quy mô nuôi trồng đảm bảo có một trong các tiêu chí sau:
+ Diện tích
nuôi trồng thuỷ sản tập trung thâm canh được quy hoạch từ 5.000 ha trở
lên;
+ Diện tích mặt
nước biển quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản từ 20.000 ha trở lên;
+ Sản lượng giống
thuỷ sản sản xuất nhân tạo đạt 3 tỷ con/năm trở lên).
- Chi cục
Thuỷ sản (thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương không đủ tiêu chí thành lập riêng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn
lợi thuỷ sản và Chi cục nuôi trồng thuỷ sản);
- Chi cục Thuỷ
lợi hoặc Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống lụt,
bão (thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống công
trình thủy nông lớn và chiều dài đê ít; thực hiện cả nhiệm vụ cấp nước nông
thôn, thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống lụt, bão);
- Chi cục Đê
điều và Phòng, chống lụt, bão (thành lập ở các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống đê sông, đê biển lớn);
- Chi cục
Phát triển nông thôn (thực hiện cả nhiệm vụ kinh tế
hợp tác, kinh tế hộ, kinh tế trang trại, làng nghề, ngành nghề nông thôn, chế
biến nông lâm thuỷ sản);
- Chi cục Quản
lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (thành lập ở
các tỉnh có nhiều cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, có năng lực xét nghiệm
chất lượng, phân tích các yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không
thành lập Phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản).
Căn cứ vào điều
kiện cụ thể của từng địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định
cụ thể về số lượng, tên gọi của các Chi cục.
b) Ở cấp huyện:
Một số chi cục
được tổ chức Hạt, Trạm đặt trên địa bàn huyện, bao gồm:
- Chi cục Kiểm
lâm (có Hạt Kiểm lâm huyện), Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão (có Hạt quản
lý đê huyện hoặc Hạt quản lý đê liên huyện).
- Đối với một số
Chi cục khác cần có tổ chức đặt trên địa bàn huyện, bao gồm: Chi cục Bảo vệ thực
vật, Chi cục Thú y, căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn,
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Trạm bảo vệ thực vật trực thuộc
Chi cục Bảo vệ thực vật và Trạm Thú y trực thuộc Chi cục Thú y.
Các Trạm, Hạt
có trách nhiệm tổ chức thực thi và đề xuất hoặc phối hợp đề xuất, giúp Uỷ ban
nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực được giao trên địa
bàn; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và điều động của Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp huyện trong trường hợp cần thiết theo quy định.
c) Ở cấp xã:
Căn cứ đặc điểm
cụ thể của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định: Chi cục Thú y, Chi
cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thuỷ lợi được hợp đồng nhân viên chuyên môn, kỹ
thuật và cộng tác viên hoạt động trên địa bàn xã.
2.3. Tổ chức sự
nghiệp trực thuộc:
Căn cứ vào đặc
điểm và khối lượng công việc thực tế ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định thành lập tổ chức sự nghiệp chuyên ngành trực thuộc Sở, bao gồm: Trung tâm
Khuyến nông-Khuyến ngư; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn;
các Trung tâm Giống (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản); Ban Quản lý (cảng cá, bến
cá, rừng, công trình, dự án…).
Trung tâm Khuyến
nông-Khuyến ngư được thành lập Trạm trực thuộc đặt trên địa bàn huyện, có nhân
viên hợp đồng và cộng tác viên làm công tác khuyến nông, khuyến ngư trên địa
bàn xã theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Biên chế:
a) Việc xác định
biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Sở và chức danh tiêu chuẩn ngạch
công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật;
b) Căn cứ vào
khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm cụ thể về quản lý ngành, lĩnh vực
trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với
Giám đốc Sở Nội vụ xác định biên chế hành chính của Sở để trình Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định trong tổng biên chế hành chính nhà nước của tỉnh;
c) Biên chế sự
nghiệp của các đơn vị thuộc Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định
theo phân cấp.
Phần II
PHÒNG NÔNG
NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Ở CÁC HUYỆN VÀ PHÒNG KINH TẾ Ở CÁC QUẬN, THỊ XÃ,
THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH
I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
Phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn ở các huyện và Phòng Kinh tế ở các quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện; tham mưu,
giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa
phương về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thuỷ lợi; thuỷ sản; phát triển
nông thôn; phát triển kinh tế hộ; kinh tế trang trại nông thôn; kinh tế hợp tác
xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề ở nông thôn và thực
hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện
và theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành, lĩnh vực
công tác ở địa phương.
Phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và Phòng Kinh tế có tư cách pháp nhân, con dấu và tài
khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ
ban nhân dân cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về
chuyên môn nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
1. Trình Uỷ ban
nhân dân cấp huyện ban hành quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn,
05 năm và hàng năm; chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp,
diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn để Uỷ ban nhân dân huyện
trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua; chương trình, biện pháp tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được
giao.
2. Trình Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp huyện dự thảo các văn bản về lĩnh vực chuyên ngành nông
nghiệp và phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
huyện.
3. Tổ chức thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, các quy chuẩn và tiêu
chuẩn kỹ thuật chuyên ngành được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý được giao.
4. Tổ chức thực
hiện công tác phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nghề muối; công tác
phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sâu bệnh, dịch bệnh trên địa bàn.
5. Tổ chức bảo
vệ đê điều, các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ; công trình nuôi trồng thuỷ sản;
công trình cấp, thoát nước nông thôn; công trình phòng, chống lũ, lụt, bão; quản
lý mạng lưới thuỷ nông trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
6. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã trong
việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực nông
nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn; về
thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, lâm
nghiệp, thuỷ sản, bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác lâm sản; chế biến nông sản,
lâm sản, thuỷ sản và muối; phát triển ngành, nghề, làng nghề nông thôn.
7. Đầu mối phối
hợp tổ chức và hướng dẫn thực hiện nội dung liên quan đến phát triển nông thôn;
tổng hợp tình hình, báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện việc xây dựng và phát triển
nông thôn trên địa bàn huyện về các lĩnh vực: phát triển kinh tế hộ, trang trại,
kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển ngành, nghề, làng nghề nông
thôn; khai thác và sử dụng nước sạch nông thôn; chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ
sản và muối.
8. Thống kê diễn
biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất diêm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thuỷ
sản, diễn biến rừng; tổ chức thực hiện các biện pháp canh tác phù hợp để khai
thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng
thuỷ sản và nghề muối.
9. Quản lý các
hoạt động dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ
sản; vật tư nông lâm nghiệp, phân bón và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản
trên địa bàn huyện.
10. Tổ chức thực
hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến diêm và các dự án
phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển
nông thôn trên địa bàn huyện.
11. Giúp Uỷ ban
nhân dân cấp huyện thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đăng ký, cấp
các loại giấy phép thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chuyên
môn theo quy định của pháp luật và theo phân công của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
12. Giúp Uỷ ban
nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư
nhân; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các hội và tổ chức phi Chính phủ trên
địa bàn thuộc các lĩnh vực quản lý của phòng theo quy định của pháp luật.
13. Phối hợp với
các cơ quan liên quan kiểm tra và thanh tra việc thi hành pháp luật; tham mưu
cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về nông
nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn
theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện
nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; tìm kiếm cứu nạn;
các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng của huyện theo
quy định; đề xuất phương án, biện pháp và tham gia chỉ đạo việc phòng, chống và
khắc phục hậu quả thiên tai về lũ, lụt, bão, sạt, lở, hạn hán, úng ngập, xâm nhập
mặn và dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản
trên địa bàn huyện.
15. Thực hiện
công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được
giao về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi
và phát triển nông thôn theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
16. Thực hiện một
số nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện
giao hoặc theo quy định của pháp luật.
III. TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ
1. Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế có Trưởng phòng và các Phó
Trưởng phòng.
2. Cán bộ, công
chức chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác quản lý nông nghiệp và phát triển nông
thôn trên địa bàn cấp huyện được bố trí tương xứng với nhiệm vụ được giao.
3. Số lượng
biên chế cụ thể làm công tác quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế do Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng biên chế hành chính của huyện.
Phần III
NHIỆM VỤ QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG,
THỊ TRẤN
I. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Trong lĩnh vực
nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông
thôn, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân
dân cấp xã) thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức và
hướng dẫn thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát
triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản.
2. Tổ chức tuyên
truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Chỉ đạo kế
hoạch sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, phát triển rừng hàng năm; tổ
chức hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu kinh
tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản theo quy hoạch,
kế hoạch được phê duyệt.
4. Chỉ đạo xây
dựng kế hoạch, tổ chức huy động lực lượng và thực hiện phòng trừ dịch bệnh cây
trồng, vật nuôi, thuỷ sản; tổ chức thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, bờ
vùng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa
cháy rừng, chống chặt phá rừng và khắc phục hậu quả thiên tai hạn hán, bão, lũ,
úng, lụt, sạt, lở, cháy rừng; ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật
về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành tại địa
phương.
5. Chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát việc xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và mạng lưới thủy nông;
giám sát, kiểm tra, bảo vệ việc sử dụng nước trong công trình thủy lợi và nước
sạch nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức thực
hiện và kiểm tra việc thống kê diễn biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất
diêm nghiệp; thống kê rừng, kiểm kê rừng, diễn biến tài nguyên rừng, diễn biến
số lượng gia sức, gia cầm trên địa bàn cấp xã theo quy định; tổng hợp tình hình
thực hiện tiến độ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
7. Tổ chức việc
khai thác và phát triển các ngành, nghề, làng nghề truyền thống nông thôn; ứng
dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và phát triển các
ngành, nghề mới trên địa bàn cấp xã.
8. Tổ chức thực
hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón,
thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và vệ sinh an toàn thực
phẩm trên địa bàn cấp xã theo quy định.
9. Tổ chức thực
hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp và phát triển nông thôn
trên địa bàn cấp xã.
10. Thực hiện
việc báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp,
diêm nghiệp, thuỷ sản, công tác thuỷ lợi và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp
xã theo quy định.
II. VỀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
1. Uỷ ban nhân
dân cấp xã tổ chức địa điểm làm việc và chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của đội ngũ
cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật công tác trên địa bàn cấp xã theo quy chế
quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo.
2. Phân công một
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của đội
ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật công tác trên địa bàn cấp xã.
3. Căn cứ vào
điều kiện thực tế của địa phương và Quy chế quản lý, phối hợp công tác của cán
bộ, nhân viên kỹ thuật trên địa bàn cấp xã đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh ban hành, Uỷ ban nhân dân cấp xã có thể lập Ban nông nghiệp xã gồm các cán
bộ, nhân viên kỹ thuật trên địa bàn xã để quản lý, điều phối hoạt động về nông
nghiệp trên địa bàn.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Chỉ đạo việc
kiện toàn hệ thống tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa
bàn.
b) Quy định cụ
thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quy định và thực hiện
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ
ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Thông tư này
có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thông tư này thay thế:
Thông tư liên tịch số 11/2004/TTLT-BNN-BNV ngày 02 tháng 4 năm 2004 của liên Bộ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý
nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tư số
01/2005/TTLT-BTS-BNV ngày 03 tháng 02 năm 2005 của liên Bộ Bộ Thuỷ sản và Bộ Nội
vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên
môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước
về thuỷ sản và các quy định trước đây của liên Bộ trái với Thông tư này.
3. Trong quá
trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi, Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh báo cáo về liên Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ để
nghiên cứu giải quyết./.
BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
Trần Văn Tuấn
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Cao Đức Phát
|