BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
83/2015/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2015
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày
15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường
thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng
02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của
Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng
12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông
tư quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của
Cảng vụ đường thủy nội địa.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.
Điều 2. Vị trí và chức năng của
Cảng vụ đường thủy nội địa
1. Cảng vụ đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện
chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa
tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật
về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường.
2. Cảng vụ đường thủy nội địa có tư cách pháp nhân,
có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà
nước.
Chương II
PHẠM VI QUẢN LÝ VÀ NHIỆM
VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 3. Phạm vi quản lý
1. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa
trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bao gồm các cảng, bến thủy nội địa
sau đây (trừ bến khách ngang sông):
a) Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội
địa quốc gia;
b) Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội
địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên
dùng trên địa giới nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Cảng, bến thủy nội địa có vùng đất, vùng nước vừa
trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia vừa trên tuyến đường thủy nội địa địa
phương hoặc cảng, bến thủy nội địa có vùng đất, vùng nước vừa trên tuyến đường
thủy nội địa quốc gia vừa trên vùng nước cảng biển;
d) Cảng, bến thủy nội địa khác do Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải giao.
2. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa
trực thuộc Sở Giao thông vận tải bao gồm các cảng, bến thủy nội địa sau đây:
a) Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội
địa địa phương;
b) Cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội
địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương;
c) Cảng, bến thủy nội địa khác do Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải giao.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện thủy nội địa,
phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
2. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của
pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa,
phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên
môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp
phép cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển ra,
vào cảng, bến thủy nội địa.
3. Không cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện
thủy nước ngoài, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa khi cảng, bến hoặc
phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển không bảo đảm điều
kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng, bến thủy nội địa không đủ
điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Tiếp nhận và thông báo tình hình luồng, tuyến
cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển tại cảng, bến
thủy nội địa.
5. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những
quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
6. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cảng, bến, luồng,
báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa;
khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm xử lý kịp thời.
7. Giám sát việc khai thác, sử dụng cảng, bến bảo đảm
an toàn; yêu cầu tổ chức cá nhân khai thác cảng, bến thủy nội địa tạm ngừng
khai thác cảng hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động bến khi xét thấy có ảnh hưởng
đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình.
8. Tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng hóa, phương tiện
thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển bị nạn trong vùng nước cảng,
bến thủy nội địa.
9. Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong
khu vực cảng, bến thủy nội địa để tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện thủy
nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển trong trường hợp khẩn cấp và xử
lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa.
10. Chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng
phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến và các phương tiện thủy nội địa, phương tiện
thủy nước ngoài, tàu biển hoạt động trong vùng nước Cảng vụ đường thủy nội địa
quản lý; tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra
trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu
quả tai nạn.
11. Xử phạt vi phạm hành chính; thu phí, lệ phí
theo quy định của pháp luật.
12. Thẩm định hồ sơ đánh giá an ninh cảng thủy nội
địa, thẩm định kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa; thực hiện xác nhận trình báo
đường thủy nội địa.
13. Theo dõi, giám sát việc xếp hàng hóa lên phương
tiện trong vùng đất, vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
14. Chủ trì, phối hợp hoạt động với các cơ quan quản
lý nhà nước khác thực hiện công tác bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông
trong khu vực cảng, bến thủy nội địa.
15. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham gia xây dựng quy hoạch
phát triển đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa trong phạm vi quản lý khi
có yêu cầu.
16. Quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí, định biên
được giao và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
17. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục
Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao.
Chương III
TỔ CHỨC CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG
THỦY NỘI ĐỊA
Điều 5. Hệ thống tổ chức
1. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường
thủy nội địa Việt Nam được tổ chức theo khu vực do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quyết định thành lập, giải thể theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội
địa Việt Nam.
2. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao
thông vận tải do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quyết định thành lập, giải thể theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Điều 6. Nguyên tắc hoạt động
1. Tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội
địa phải tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15
tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường
thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014, Thông tư này và các điều ước quốc tế mà
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường
thủy nội địa Việt Nam chịu sự lãnh đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Cục
trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
3. Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao
thông vận tải chịu sự lãnh đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở
Giao thông vận tải; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và quản lý về chuyên
môn, nghiệp vụ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 7. Cơ cấu tổ chức
1. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Cảng vụ đường thủy nội
địa bao gồm:
a) Các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ gồm: Tài chính;
Pháp chế; Quản lý cảng, bến; Thanh tra - An toàn (đối với Cảng vụ đường thủy nội
địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam); ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ
thể có thể thành lập bổ sung bộ phận nghiệp vụ khác;
b) Các Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa.
2. Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa được sử dụng
con dấu riêng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến
thủy nội địa. Tùy theo yêu cầu và địa bàn quản lý thực tế, Đại diện Cảng vụ đường
thủy nội địa có thể tổ chức các Tổ Cảng vụ đường thủy nội địa và do Giám đốc Cảng
vụ đường thủy nội địa quyết định.
3. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các bộ phận
nghiệp vụ, Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa do Cục trưởng Cục Đường thủy nội
địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định theo đề nghị của Giám đốc
Cảng vụ đường thủy nội địa. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận nghiệp
vụ và Đại diện Cảng vụ do Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa quy định.
Điều 8. Các chức danh lãnh đạo,
quản lý và Cảng vụ viên Cảng vụ đường thủy nội địa
1. Các chức danh lãnh đạo, quản lý Cảng vụ đường thủy
nội địa
Cảng vụ đường thủy nội địa do Giám đốc lãnh đạo, có
Phó Giám đốc giúp việc. Giám đốc là người đứng đầu cơ quan Cảng vụ đường thủy nội
địa, điều hành hoạt động Cảng vụ theo chế độ thủ trưởng; Phó Giám đốc giúp Giám
đốc thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước
Giám đốc và pháp luật về phần việc được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, có một
Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành Cảng vụ.
Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa do Trưởng Đại
diện lãnh đạo, có Phó Trưởng Đại diện giúp việc.
a) Đối với Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục
Đường thủy nội địa Việt Nam:
Giám đốc do Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt
Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm; Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng Đại diện do Cục
trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của
Giám đốc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh khác thuộc Cảng vụ đường thủy
nội địa theo phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo, quản lý của Cục Đường thủy
nội địa Việt Nam.
b) Đối với Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở
Giao thông vận tải:
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bố trí các chức danh
lãnh đạo, quản lý thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa địa phương được thực hiện
theo phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
2. Cảng vụ viên Cảng vụ đường thủy nội địa được tuyển
dụng để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải
đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa và đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với
cảng vụ viên do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
Điều 9. Biên chế và chế độ đối
với công chức, viên chức và lao động hợp đồng làm việc tại Cảng vụ đường thủy nội
địa
1. Biên chế Cảng vụ đường thủy nội địa
a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao hàng năm
cho Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam theo
quy định của pháp luật;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương giao hàng năm cho Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở
Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.
2. Công chức, viên chức, người lao động hợp đồng
làm việc tại các Cảng vụ đường thủy nội địa được tuyển dụng, sử dụng và quản lý
theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và pháp luật về lao động;
được xếp lương, trả lương và hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
3. Công chức, viên chức Cảng vụ đường thủy nội địa
được cấp trang phục theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định và phải
sử dụng trang phục khi thi hành công vụ.
Điều 10. Kinh phí hoạt động của
Cảng vụ đường thủy nội địa
Kinh phí hoạt động và cơ chế tài chính của Cảng vụ đường
thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2016. Bãi bỏ Thông tư số 34/2010/TT-BGTVT ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội
địa.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm
kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng,
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải,
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông
tư này./.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 12;
- Các Bộ: Tư pháp, Nội vụ, Công an, Quốc phòng, Tài chính, NN&PTNT,
KH&ĐT, TN & MT;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- UB An toàn giao thông Quốc gia;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|