CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------
|
Số: 24/2015/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 02 năm 2015
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY
NỘI ĐỊA VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI
ĐỊA
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao
thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông
đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết
và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao
thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và biện pháp thi
hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy
nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Giao thông đường thủy nội địa, bao gồm: Phạm vi hành lang bảo vệ
luồng đường thủy nội địa; điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa
chữa phục hồi phương tiện; quản lý hoạt động tại cảng thủy nội địa được phép tiếp
nhận phương tiện thủy nước ngoài và phương án bảo đảm an toàn khi vận tải hàng
hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và
phương tiện thủy liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại Việt
Nam.
Chương II
HÀNH LANG BẢO VỆ LUỒNG
ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, QUẢN LÝ CƠ SỞ ĐÓNG MỚI, SỬA CHỮA, HOÁN CẢI, PHỤC HỒI PHƯƠNG
TIỆN
Điều 3. Phạm vi hành lang bảo vệ
luồng đường thủy nội địa
Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa
quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Luật Giao thông đường thủy nội
địa được xác định từ mép luồng trở ra mỗi phía và theo cấp kỹ thuật đường
thủy nội địa, cụ thể như sau:
1. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa
trong trường hợp luồng không nằm sát bờ.
a) Đối với luồng đường thủy nội địa trên hồ, vịnh,
cửa sông ra biển, ven bờ biển và luồng cấp đặc biệt: Từ 20 m đến 25 m;
b) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp I, cấp II:
Từ 15 m đến 20 m;
c) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp III, cấp
IV: Từ 10 m đến 15 m;
d) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp V, cấp VI:
10 m.
2. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa
trong trường hợp luồng nằm sát bờ được tính từ mép bờ tự nhiên trở vào phía bờ
ít nhất là 5 m; trường hợp luồng nằm trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn
thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
3. Căn cứ đặc điểm của từng khu vực, cơ quan quản
lý đường thủy nội địa chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xác
định cụ thể mép bờ tự nhiên phục vụ công tác bảo vệ công trình đường thủy nội địa.
Điều 4. Xác định phạm vi hành
lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường
thủy nội địa trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt thì phạm
vi hành lang bảo vệ luồng được tính từ mép luồng tới mép bờ tự nhiên và thực hiện
theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường
sắt.
2. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường
thủy nội địa trùng với hành lang an bảo vệ luồng hàng hải thì thực hiện theo
quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang luồng hàng hải.
3. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường
thủy nội địa trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai bảo
vệ đê điều và các công trình thủy lợi thì thực hiện theo quy định của pháp luật
về phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều và pháp luật về khai thác bảo vệ công
trình thủy lợi.
4. Đối với những tuyến luồng đường thủy nội địa đã
được phê duyệt quy hoạch, việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy
nội địa phải căn cứ vào cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo quy hoạch để thực
hiện.
5. Khi lập dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp,
mở rộng tuyến đường thủy nội địa, chủ đầu tư dự án phải căn cứ vào quy hoạch hệ
thống đường thủy nội địa để xác định rõ cấp kỹ thuật của tuyến đường thủy nội địa,
đồng thời xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, xây dựng
phương án và thực hiện cắm mốc chỉ giới sau khi hoàn thành dự án.
Điều 5. Phạm vi bảo vệ trên
không, dưới mặt đất của các công trình đường thủy nội địa
Phạm vi bảo vệ các công trình đường thủy nội địa phần
trên không, phần dưới mặt đất quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật
Giao thông đường thủy nội địa theo cấp kỹ thuật của từng đường thủy nội địa,
bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình và không ảnh hưởng đến việc quản
lý, bảo trì đường thủy nội địa.
Điều 6. Điều kiện hoạt động của
cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện
Tổ chức, cá nhân hoạt động đóng mới, hoán cải, sửa
chữa phục hồi phương tiện (gọi tắt là cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện) quy
định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Giao thông đường thủy nội địa
phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trong đó có đăng ký
ngành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa và phải bảo đảm các điều
kiện sau đây:
1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có
phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương
tiện được sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm
sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường theo quy định.
3. Có cán bộ kỹ thuật, bộ phận
kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể như
sau:
a) Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục
hồi các loại phương tiện có sức chở từ 50 người trở lên; phương tiện không có động
cơ nhưng có trọng tải toàn phần từ 200 tấn trở lên; phương tiện có động cơ với
tổng công suất máy chính từ 135 sức ngựa trở lên; phương tiện chuyên dùng như ụ
nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, khách sạn nổi, tàu cuốc, tàu hút
và các loại phương tiện khác có chiều dài thiết kế từ 10 m trở lên, phải có bộ
phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, mỗi bộ phận phải có tối
thiểu 01 kỹ sư chuyên ngành đóng tàu thủy và 01 kỹ sư chuyên ngành máy tàu thủy;
b) Đối với cơ sở đóng mới,
hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện chở khách từ 13 người đến dưới
50 người; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến
dưới 135 sức ngựa; phương tiện có chiều dài thiết kế từ 20 m trở lên và có trọng
tải toàn phần dưới 200 tấn; các phương tiện chuyên dùng như ụ nổi, bến nổi, thiết
bị thi công nổi, nhà nổi, tàu cuốc, tàu hút và các loại phương tiện khác có chiều
dài thiết kế nhỏ hơn 10 m, mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 cán bộ có trình độ
trung cấp chuyên ngành đóng tàu thủy hoặc cao đẳng nghề chuyên ngành đóng tàu
thủy và 01 cán bộ có trình độ trung cấp chuyên ngành máy tàu thủy hoặc cao đẳng
nghề chuyên ngành máy tàu thủy;
c) Đối với cơ sở đóng mới,
hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện có chiều dài thiết kế dưới 20
m; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính dưới 50 sức ngựa; phương
tiện có động cơ với tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa và có sức chở đến
12 người phải có tối thiểu 01 công nhân chuyên ngành đóng tàu thủy;
d) Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục
hồi các phương tiện đóng bằng gỗ theo kinh nghiệm cổ truyền từ nhiều thế hệ nhân
dân ở từng vùng và đã hoạt động an toàn được đăng kiểm công nhận (phương tiện
dân gian) là các phương tiện có chiều dài thiết kế dưới 20 m; phương tiện có động
cơ với tổng công suất máy chính dưới 50 sức ngựa; phương tiện chở hàng trọng tải
toàn phần dưới 100 tấn; phương tiện có sức chở dưới 12 người phải có tối thiểu
01 thợ lành nghề.
4. Có phương án bảo đảm phòng,
chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi
trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm quản lý cơ
sở đóng mới, sửa chữa phương tiện
1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở
đóng mới, sửa chữa phương tiện;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa
phương liên quan xây dựng, công bố quy hoạch các cơ sở đóng mới, sửa chữa
phương tiện.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn theo quy định có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của
cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện hoạt động trên địa bàn.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối
hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể về kế hoạch phòng, chống ô nhiễm
môi trường đối với các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện.
Chương III
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TẠI CẢNG
THỦY NỘI ĐỊA ĐƯỢC PHÉP TIẾP NHẬN PHƯƠNG TIỆN THỦY NƯỚC NGOÀI, PHƯƠNG ÁN VẬN TẢI
HÀNG HÓA SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG
Điều 8. Hoạt động của phương tiện
thủy nước ngoài tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước
ngoài
1. Phương tiện thủy nước ngoài là phương tiện thủy
đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký mang cờ quốc tịch của nước
ngoài.
2. Phương tiện thủy nước ngoài khi đến và rời cảng
thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải thực hiện thủ
tục theo quy định của pháp luật về hàng hải như đối với tàu thuyền đến, rời cảng
biển Việt Nam.
3. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, khai thác, sử dụng
cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải đảm bảo
các điều kiện về an toàn, an ninh; phòng, chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm
môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Nguyên tắc phối hợp hoạt
động quản lý tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước
ngoài
1. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng
thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài thực hiện nhiệm vụ
phải tuân theo các quy định của pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến
hoạt động bình thường của doanh nghiệp cảng thủy nội địa, chủ tàu, chủ hàng,
phương tiện và các tổ chức, cá nhân khác trong khu vực cảng, bến; Cảng vụ đường
thủy nội địa có trách nhiệm chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản
lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện
thủy nước ngoài.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng
thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài có trách nhiệm phối
hợp chặt chẽ với nhau khi thi hành nhiệm vụ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của
các doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng, phương tiện và các tổ chức, cá nhân
khác có liên quan, đảm bảo cho các hoạt động an toàn và hiệu quả.
3. Các vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đều phải được trao
đổi thống nhất để giải quyết kịp thời; trường hợp không thống nhất, phải kịp thời
thông báo cho Cảng vụ đường thủy nội địa biết để giải quyết theo quy định của
pháp luật.
4. Khi thủ tục được thực hiện trên tàu thuyền theo
quy định hoặc trong những hoàn cảnh đặc biệt khác do Giám đốc Cảng vụ đường thủy
nội địa quyết định và chịu trách nhiệm, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên
ngành được thành lập đoàn làm thủ tục do đại diện của Cảng vụ đường thủy nội địa
làm trưởng đoàn và mỗi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ cử một người
tham gia; riêng đối với tàu khách, để giải quyết nhanh thủ tục, các cơ quan quản
lý nhà nước chuyên ngành về biên phòng và hải quan có thể cử thêm người tham
gia đoàn nhưng số lượng phải được Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa chấp thuận;
nếu xét thấy không cần thiết phải lên phương tiện thủy nước nước ngoài, các các
cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thể không cử người tham gia đoàn thủ tục
theo quy định tại Khoản này nhưng phải thông báo ngay cho Cảng vụ đường thủy nội
địa biết kết quả giải quyết thủ tục của cơ quan mình.
5. Trong trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt quá
thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào thì cơ quan
đó phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên của mình để giải quyết ngay;
khi cần thiết, các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải để giải quyết theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm phối hợp
hoạt động quản lý tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước
ngoài
1. Cảng vụ đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức
phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy
nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, bao gồm:
a) Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản
lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa được
phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài;
b) Tổ chức và chủ trì các hội nghị, cuộc họp với
các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc với các cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp liên quan khác tại khu vực cảng, bến thủy nội địa để trao đổi thống nhất
việc giải quyết những vướng mắc phát sinh trong hoạt động đường thủy nội địa tại
vùng nước cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài do
mình phụ trách;
c) Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên
ngành khác tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước
ngoài thông báo kịp thời kết quả làm thủ tục và biện pháp giải quyết những vướng
mắc phát sinh; yêu cầu doanh nghiệp cảng, chủ tàu, thuyền trưởng của tàu thuyền
và các cơ quan, tổ chức liên quan khác cung cấp số liệu, thông tin về hoạt động
đường thủy nội địa tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy
nước ngoài;
d) Kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
tại khu vực, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước chuyên
ngành tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại
cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài có trách nhiệm:
a) Phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời, đúng
pháp luật các thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, hành khách và thuyền
viên khi hoạt động tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy
nước ngoài theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của
pháp luật;
b) Thông báo kịp thời cho Cảng vụ đường thủy nội địa
biết kết quả giải quyết thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, thuyền viên,
hành khách khi hoạt động tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện
thủy nước ngoài;
c) Thông báo ngay cho Cảng vụ đường thủy nội địa biết
để phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh sau khi nhận và xử lý
thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc chủ tàu cung cấp.
Điều 11. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành và địa phương đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên
ngành tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, có
trách nhiệm:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan quản
lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động quản
lý nhà nước tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước
ngoài.
2. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm
theo quy định của pháp luật.
3. Triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ
thông tin vào hoạt động quản lý bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cho
hoạt động tại cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước
ngoài.
Điều 12. Trách nhiệm lập và
phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng
1. Hàng hóa siêu trường là hàng hóa có kích thước
thực tế không thể tháo rời với chiều rộng trên 10 m hoặc chiều dài trên 40 m hoặc
chiều cao trên 4,5 m.
2. Hàng hóa siêu trọng là hàng hóa không thể tháo rời,
có trọng lượng toàn bộ trên 100 tấn.
3. Trước khi thực hiện việc vận tải hàng hóa siêu
trường hoặc hàng hóa siêu trọng, thuyền trưởng của phương tiện hoặc người vận tải,
người kinh doanh vận tải (gọi tắt là người vận tải) phải lập phương án vận tải
và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phương án vận tải hàng hóa siêu trường,
hàng hóa siêu trọng có các nội dung chủ yếu sau:
a) Xác định chiều rộng, chiều sâu, bán kính cong của
luồng; chiều cao tĩnh không của các công trình vượt sông trên tuyến dự kiến vận
tải;
b) Vị trí, địa hình nơi xếp, dỡ hàng hóa thiết bị xếp,
dỡ;
c) Hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, yêu cầu hỗ
trợ (nếu có);
d) Thời gian, địa điểm nghỉ trên đường hành trình.
4. Thẩm quyền phê duyệt phương án vận tải hàng hóa
siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức phê duyệt
phương án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải hàng hóa siêu trường, hàng
hóa siêu trọng trong trường hợp phương tiện rời cảng thủy nội địa và hành trình
trên tuyến đường thủy liên tỉnh;
b) Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức phê duyệt phương
án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu
trọng trong trường hợp phương tiện rời cảng biển;
c) Sở Giao thông vận tải tổ chức phê duyệt phương
án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu
trọng trong trường hợp phương tiện rời cảng thủy nội địa hành trình trên tuyến
đường thủy nội địa nội tỉnh.
5. Trình tự, thủ tục phê duyệt
phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng
a) Phương án vận tải có thể được người vận tải nộp
trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc gửi thông qua hệ thống bưu chính;
b) Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được
phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng, cơ quan có thẩm
quyền quy định tại Khoản 4 Điều này có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, phê duyệt
phương án và gửi cho người vận tải để thực hiện. Người vận tải không phải nộp
phí hoặc lệ phí đối với việc phê duyệt phương án vận tải;
c) Trường hợp phương án vận tải không đáp ứng yêu cầu
quy định tại Khoản 3 Điều này, chậm nhất trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận
được phương án vận tải, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 4 Điều này phải
hướng dẫn người vận tải hoàn thiện phương án.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng
05 năm 2015, thay thế Nghị định số 21/2005/NĐ-CP
ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Điều 14. Thời kỳ chuyển tiếp
Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành
của Nghị định này, các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện hiện hành phải đáp ứng
đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|