THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG NGÀNH NGOẠI
GIAO
Căn cứ Luật Thi
đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 ngày 15 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 98/2023/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 81/2022/NĐ-CP
ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ;
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành Ngoại
giao.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định chi tiết thi hành khoản 4
Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28,
khoản 2 Điều 71, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75, khoản 6
Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cá nhân, tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ
Ngoại giao.
b) Cá nhân, tập thể, các tổ chức trong nước, nước
ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp cho công tác đối ngoại và ngoại
giao.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại
giao là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các đơn vị của Bộ
Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
2. Tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại
giao bao gồm các đơn vị nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao theo quy định
tại Nghị định 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Ngoại giao, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao theo Quyết định số
1642/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng
Chính phủ, Văn phòng Đảng ủy - Đoàn thể theo Quyết định số 4086/QĐ-BNG ngày 27/12/2019
của Bộ Ngoại giao.
3. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
thực hiện công tác đối ngoại là các Sở Ngoại vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các địa phương không thành lập Sở Ngoại
vụ.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN
DANH HIỆU THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
Điều 3. Tiêu chuẩn xét tặng
danh hiệu “Lao động tiên tiến”
1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hằng
năm cho cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao đạt các tiêu chuẩn
sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
b) Chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách,
quy định của Đảng, Nhà nước và quy định của Bộ Ngoại giao. Đoàn kết, tương trợ
giúp đỡ đồng nghiệp; tích cực tham gia các phong trào thi đua.
2. Cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài
sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng
thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động
tiên tiến”.
3. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ
01 năm trở lên, thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời
gian bình xét danh hiệu thi đua. Ngoài tiêu chuẩn chung, trong thời gian đào tạo,
bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt các quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng,
hoàn thành chương trình học, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với
các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại kết quả học tập).
4. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng dưới
01 năm, chấp hành tốt các quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học
tập được tính vào thời gian công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi đua.
5. Thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định
pháp luật được tính là thời gian công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi
đua.
6. Đối với cá nhân chuyển công tác hoặc được điều động,
biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong thời gian nhất định, việc
bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền
đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực hiện (đối với cá nhân là cán
bộ, công chức, viên chức) hoặc đơn vị mới thực hiện (đối với cá nhân không phải
là cán bộ, công chức, viên chức). Trường hợp thời gian công tác ở đơn vị cũ từ
06 tháng trở lên, phải có ý kiến nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị cũ.
7. Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối
với một trong các trường hợp sau đây:
a) Có thời gian tuyển dụng dưới 06 tháng.
b) Nghỉ không tham gia công tác theo quy định của
pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng (trừ trường hợp quy định tại
khoản 6 Điều này).
c) Cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ
luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư
khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.
Điều 4. Đối tượng, tiêu chuẩn
xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Ngoại giao”
1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Ngoại giao” được
xét tặng hằng năm cho các tập thể là đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các Sở Ngoại vụ
thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thuộc các cụm thi đua các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác đối ngoại đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ
được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc trong Bộ Ngoại giao, dẫn đầu
phong trào thi đua của khối thi đua các đơn vị, Cơ quan đại diện, cụm thi đua
các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác đối
ngoại.
b) Nội bộ đoàn kết; tổ chức chính quyền, đảng, đoàn
thể trong sạch, vững mạnh; đi đầu trong việc thực hiện các đường lối, chính
sách, quy định của Đảng, Nhà nước và quy định của Bộ Ngoại giao; thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội
khác.
2. Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Ngoại giao” để tặng
cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ Ngoại giao phát động
có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên.
Điều 5. Đối tượng, tiêu chuẩn
xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”
Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được
xét tặng hằng năm cho các tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao đạt
các tiêu chuẩn sau:
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
2. Tích cực tham gia phong trào thi đua thường
xuyên, thiết thực, hiệu quả.
3. Có 100% cá nhân trong tập thể được xếp loại chất
lượng cán bộ, công chức, viên chức “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít
nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
4. Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
5. Nội bộ đoàn kết; gương mẫu chấp hành tốt chủ
trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và các quy định của
Bộ Ngoại giao. Không có cá nhân, tập thể vi phạm chủ trương, đường lối, chính
sách, quy định của Đảng, Nhà nước và/hoặc quy định của Bộ Ngoại giao tới mức bị
kỷ luật theo quy định của Đảng và Nhà nước (căn cứ thời điểm phát hiện hành vi
vi phạm hoặc thời điểm ban hành quyết định kỷ luật).
Điều 6. Đối tượng, tiêu chuẩn
xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”
Được xét tặng hằng năm cho các tập thể thuộc thẩm
quyền quản lý của Bộ Ngoại giao đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên;
tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả.
2. Có ít nhất 70% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu
“Lao động tiên tiến”.
3. Nội bộ đoàn kết; chấp hành tốt chủ trương, đường
lối, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao. Không có cá nhân
bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên theo quy định của Đảng và Nhà nước
(căn cứ thời điểm phát hiện vi phạm hoặc thời điểm ban hành quyết định kỷ luật).
Điều 7. Tên, đối tượng, tiêu
chuẩn tặng Kỷ niệm chương
1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt
Nam” là hình thức khen thưởng của Bộ Ngoại giao.
2. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt
Nam” được xét tặng hằng năm nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành Ngoại giao hoặc
xét tặng đột xuất theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho cá nhân có
đóng góp vào triển khai các nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, xây dựng và phát triển
ngành Ngoại giao.
3. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt
Nam” được xét tặng đối với cá nhân công tác trong ngành Ngoại giao đạt một
trong các tiêu chuẩn sau:
a) Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao không
tính thâm niên công tác khi xét tặng Kỷ niệm chương.
b) Cá nhân có tổng thời gian công tác tại Bộ Ngoại
giao và/hoặc các Cơ quan đại diện từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm đối với
nữ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian công tác.
c) Cá nhân chuyển từ cơ quan khác về Bộ Ngoại giao
công tác, nếu chưa đủ thời gian để xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định tại Điểm
b, Khoản này thì được xét tặng trước khi nghỉ hưu nếu có đủ 30 năm công tác
liên tục trở lên đối với nam và đủ 20 năm trở lên đối với nữ, trong đó có ít nhất
10 năm công tác tại Bộ Ngoại giao và/hoặc Cơ quan đại diện.
d) Thâm niên công tác để xét tặng Kỷ niệm chương được
tính như sau:
- Thời gian công tác được tính từ ngày có quyết định
tuyển dụng, điều động đến thời điểm đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương hoặc đến
ngày quyết định nghỉ hưu; thời gian công tác theo diện hợp đồng ngắn hạn không
tính vào thâm niên công tác.
- Cá nhân được cử đi học, đi nghĩa vụ quân sự hoặc
biệt phái sang cơ quan khác sau đó trở lại Bộ Ngoại giao công tác thì được tính
công tác liên tục trong ngành Ngoại giao.
- Cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài
sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng
thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính vào thâm niên công tác.
- Cá nhân công tác tại Bộ Ngoại giao và các Cơ quan
đại diện không liên tục thì thời gian công tác được cộng dồn tổng số thời gian
làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện; đủ 12
tháng được tính là 01 năm công tác trong ngành Ngoại giao.
đ) Cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu thi đua,
hình thức khen thưởng trong quá trình công tác được đề nghị xét tặng Kỷ niệm
chương sớm hơn thời gian quy định. Thời gian sớm hơn áp dụng một lần tính theo
hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua cao nhất như sau:
- Được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua
toàn quốc hoặc được tặng thưởng Huân chương Lao động trở lên được đề nghị xét tặng
Kỷ niệm chương sớm hơn 05 năm.
- Được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp
Bộ hoặc được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được đề nghị xét tặng Kỷ niệm
chương sớm hơn 03 năm.
- Được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ
sở hoặc được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được đề nghị xét tặng Kỷ
niệm chương sớm hơn 02 năm.
e) Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao.
4. Tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân không công
tác trong ngành Ngoại giao:
a) Lãnh đạo Đảng, Nhà nước không tính thâm niên
công tác khi xét tặng Kỷ niệm chương.
b) Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tỉnh và thành phố
trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị có
thời gian giữ chức vụ lãnh đạo ban, bộ, ngành, tỉnh, tổ chức ít nhất một nhiệm
kỳ 05 năm; có đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ
Ngoại giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao.
c) Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương của các ban, bộ,
ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Lãnh đạo
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các địa phương không thành lập Sở Ngoại
vụ thực hiện công tác đối ngoại có thời gian giữ các chức vụ này ít nhất 01 nhiệm
kỳ trở lên; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian giữ chức vụ; có
đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao,
xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao.
d) Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các
cơ quan đối ngoại, hợp tác quốc tế thuộc các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị
- xã hội ở Trung ương và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
thực hiện công tác đối ngoại có thời gian công tác trong lĩnh vực đối ngoại, hội
nhập quốc tế từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm trở lên đối với nữ (thời
gian công tác theo diện hợp đồng ngắn hạn không tính vào thâm niên công tác);
có đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại
giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao.
đ) Cá nhân được bổ nhiệm làm Trưởng Cơ quan đại diện
Việt Nam ở nước ngoài có ít nhất đủ một nhiệm kỳ Trưởng Cơ quan đại diện.
e) Cá nhân trong nước, cá nhân người Việt Nam ở nước
ngoài, cá nhân là người nước ngoài có đóng góp nổi bật vào việc thực hiện các
nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao
hoặc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước,
các đối tác quốc tế hoặc quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với các đối tác quốc
tế.
5. Kỷ niệm chương có thể được xét tặng nhiều lần
cho cá nhân trên các cương vị chức vụ khác nhau (trừ các trường hợp quy định tại
Khoản 2 Điều này); không xét tặng Kỷ niệm chương nhiều lần cho cá nhân cùng một
chức vụ.
Điều 8. Tiêu chuẩn xét tặng hoặc
truy tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
1. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được xét
tặng hoặc truy tặng cho cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao; cá
nhân công tác trong các cơ quan đối ngoại, hợp tác quốc tế thuộc các ban, bộ,
ngành, tổ chức chính trị - xã hội; cá nhân thực hiện nhiệm vụ liên quan đến
lĩnh vực công tác của Bộ Ngoại giao; cá nhân thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác đối ngoại gương mẫu chấp hành tốt
đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và đạt một trong
các tiêu chuẩn sau:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các
phong trào thi đua do Bộ Ngoại giao phát động;
b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất,
có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại
giao; hoặc có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng
của Bộ Ngoại giao; thành tích có phạm vi ảnh hưởng trong ngành Ngoại giao;
c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng
dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
d) Có 02 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi
đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu
quả trong phạm vi đơn vị trở lên hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học,
công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong
phạm vi đơn vị trở lên.
2. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được xét
tặng hoặc truy tặng cho doanh nhân, trí thức, nhà khoa học chấp hành tốt đường
lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và đạt một trong các
tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có thành tích đóng góp vào sự
phát triển của Bộ Ngoại giao.
3. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được xét
tặng cho tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao; tập thể thuộc các
cơ quan đối ngoại, hợp tác quốc tế thuộc các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị
- xã hội; tập thể thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực công tác của Bộ Ngoại
giao; tập thể thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực
hiện công tác đối ngoại gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính
sách, quy định của Đảng, Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong
trào thi đua thường xuyên hàng năm, phong trào thi đua do Bộ Ngoại giao phát động;
b) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm
vi ảnh hưởng trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao;
c) Có 02 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, thực hiện tốt dân
chủ cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh
thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực.
4. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được xét
tặng cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác chấp hành tốt đường lối, chủ
trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn
quy định tại khoản 3 Điều này hoặc có thành tích đóng góp vào sự phát triển của
Bộ Ngoại giao.
5. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được xét tặng
cho tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực, nổi bật
vào xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc, hoặc xây dựng và phát triển
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hoặc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp
tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác quốc tế; chấp hành tốt pháp luật nước
sở tại và pháp luật Việt Nam.
6. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được xét tặng
cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế có tinh thần đoàn kết hữu nghị,
tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị -
xã hội, công cuộc đổi mới, luật pháp và phong tục, tập quán của Việt Nam; có
đóng góp tích cực, nổi bật vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc;
hoặc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối
tác quốc tế; hoặc phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với các đối tác
quốc tế; hoặc có đóng góp tích cực vào nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín quốc tế
của Việt Nam hoặc bảo vệ các quyền, lợi ích của Đảng, Nhà nước hoặc bảo hộ công
dân Việt Nam ở nước ngoài; chấp hành tốt pháp luật nước sở tại và pháp luật Việt
Nam.
Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng
Tuyên dương của Bộ trưởng
Tuyên dương của Bộ trưởng được xét tặng cho cá
nhân, tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao đạt một trong các tiêu
chuẩn sau:
1. Có thành tích nổi bật trong thực hiện các nhiệm
vụ của Bộ Ngoại giao, nhưng thành tích đạt được nhưng chưa đủ điều kiện và tiêu
chuẩn xét tặng Bằng khen Bộ trưởng.
2. Có thành tích nổi bật trong các phong trào thi
đua của Đảng, Nhà nước và/hoặc phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
phát động, hoặc các đợt công tác lớn của Bộ Ngoại giao, nhưng thành tích chưa đủ
tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen Bộ trưởng.
Điều 10. Tiêu chuẩn xét tặng
Giấy khen của Thủ trưởng các đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc, trực thuộc Bộ
Ngoại giao
1. Giấy khen của Thủ trưởng được xét tặng
cho các tập thể thuộc đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc, trực thuộc Bộ Ngoại
giao đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có đóng góp nổi bật trong các phong trào thi đua
do Thủ trưởng đơn vị phát động hoặc các đợt công tác lớn của đơn vị.
b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; nội bộ đoàn kết,
gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
và Bộ Ngoại giao.
2. Giấy khen của Thủ trưởng được xét tặng
cho các cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; gương mẫu chấp
hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Bộ Ngoại
giao.
b) Có đóng góp nổi bật trong các phong trào thi đua
của đơn vị hoặc các đợt công tác lớn của đơn vị.
3. Giấy khen của người đứng đầu cơ sở giáo dục thuộc
Bộ Ngoại giao để tặng cho cá nhân, tập thể đang học tập tại cơ sở giáo dục thực
hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 11. Số lượng hồ sơ đề nghị
xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ
Ngoại giao
Hồ sơ đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua, hình
thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao gồm 01 bộ (bản chính) và
các văn bản điện tử của hồ sơ khen thưởng, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà
nước.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các
Cơ quan đại diện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện
Thông tư này.
2. Văn phòng Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc việc thực hiện Thông tư; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan
tham mưu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành các quy chế, quy định có liên quan để
bảo đảm thực hiện Thông tư.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/8/2024.
2. Thông tư số 03/2018/TT-BNG
ngày 01/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về hướng dẫn thực hiện công tác thi
đua, khen thưởng trong ngành Ngoại giao hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có
hiệu lực thi hành./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng TĐKT Trung ương;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bộ Nội vụ (Vụ Pháp chế);
- Ban TĐKT Trung ương;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL thuộc Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;
- Các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao;
- Các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài;
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện công tác đối
ngoại;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Ngoại giao;
- Lưu: VT, VPB (TĐKT).
|
BỘ TRƯỞNG
Bùi Thanh Sơn
|