VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
214/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2008
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI
BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THÁI NGUYÊN
Ngày 01 và ngày 02
tháng 8 năm 2008, tại Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm,
kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án nhà máy xi măng Thái Nguyên, Dự án khai thác,
chế biến quặng đa kim Núi Pháo và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Cùng
dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công
Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao
thông vận tải, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe các đồng
chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và một số đề
nghị của Tỉnh, ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Trong những năm
qua, Đảng bộ, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và đồng bào các dân tộc
tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để thực hiện
các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ
Chính trị (khóa IX), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa X và Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII đã đề ra. Các kết quả đạt được tương
đối toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch ngày càng rõ nét, đó là những điều kiện
thuận lợi để Thái Nguyên phấn đấu trở thành Trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo
dục, y tế của Vùng.
Năm 2008, mặc dù
chịu tác động lớn của thời tiết, khí hậu (rét đậm, rét hại kéo dài), dịch bệnh,
lạm phát và giá của một số vật tư, hàng hóa tăng cao, nhưng Tỉnh đã thực hiện
nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội
trên địa bàn Tỉnh; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn đạt khá, cao hơn so với
cùng kỳ năm 2007, cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 12,22%, giá trị
công nghiệp tăng 25,3%, giá trị xuất khẩu tăng 40,7%; các lĩnh vực văn hóa, xã
hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, ổn định.
Tuy nhiên, kết quả
đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; thu ngân sách còn thấp,
cơ cấu kinh tế, công nghệ còn lạc hậu, môi trường chưa được quan tâm đúng mức,
đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cơ sở còn thiếu, chưa thật sự năng động.
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Thái Nguyên là một
trung tâm của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có nguồn tài nguyên khoáng sản
trữ lượng cao, có tiềm năng công nghiệp lớn và sớm hình thành hệ thống các khu,
cụm công nghiệp, có nhiều cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên
nghiệp là một trong các trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước...,Tỉnh cần
tiếp tục phát huy các lợi thế, điều chỉnh quy hoạch, cơ chế, chính sách và cụ
thể hóa các chỉ tiêu cho phù hợp với thực tế của địa phương và hội nhập kinh tế
quốc tế, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh công nghiệp.
1.
Về sản xuất công nghiệp:
Khai khoáng, luyện
kim, cơ khí chế tạo là thế mạnh của Thái Nguyên, cần phải đẩy mạnh chuyển dịch
cơ cấu công nghiệp, phát triển các ngành công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn
hơn, phải đổi mới thiết bị công nghệ; thu hút đầu tư phải chọn lọc; khai
thác, chế biến khoáng sản phải chế biến sâu, công nghệ hiện đại.
2.
Về du lịch, dịch vụ:
Lập quy hoạch các
dự án du lịch, dịch vụ phải gắn với quy hoạch du lịch của vùng và cả nước, bảo
đảm được yêu cầu khai thác lợi thế tự nhiên, văn hóa của Tỉnh để phát triển du
lịch; nghiên cứu để có thể thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài lập quy hoạch Khu
du lịch hồ núi Cốc, sớm đưa khu này trở thành một trung tâm du lịch lớn, hấp dẫn.
3.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; việc chuyển đất nông, lâm nghiệp
(đồi, gò, đầm, ao, hồ...) sang phát triển công nghiệp, dịch vụ để chuyển dịch
cơ cấu kinh tế, Tỉnh cần chú ý đảm bảo an ninh lương thực cho đến mức dân số ở
mức bão hòa; chú ý phát triển bảo vệ rừng, ứng dụng công nghệ sinh học, công
nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
4.
Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà
nước năm 2008, Tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ
yếu sau:
- Tiếp tục thực hiện
các nội dung của Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng
Chính phủ và Nghị quyết số 32-NQ/TW về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ
mô, an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững.
- Tăng cường công
tác quản lý, thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án (QĐ số
134/2004/QĐ-TTg , QĐ số 31/2007/QĐ-TTg , QĐ số 32/2007/QĐ-TTg , Chương trình giảm
nghèo, Chương trình 135...) ở vùng ATK, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số để phát triển sản xuất, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống cho đồng
bào.
- Về công tác
phòng, chống thiên tai trong mùa mưa tới, Tỉnh chủ động các phương án, tập
trung chỉ đạo hoàn thành việc tu bổ các công trình hồ chứa, đê điều, công trình
thủy lợi, xây dựng các phương án và chỉ đạo để kịp thời đưa dân ra khỏi nơi
nguy hiểm; đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất tại chỗ cho phòng, chống lũ lụt ở
các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã....để chủ động đối phó với thiên tai, bảo đảm an
toàn cho sản xuất, đời sống, tính mạng và tài sản của nhân dân.
- Về công tác
phòng, chống các dịch, bệnh, Tỉnh cần làm tốt công tác phòng, chống dịch, bệnh
cho gia súc, gia cầm; phải thực hiện kịp thời các biện pháp phòng, chống, ngăn
chặn, dập dịch, bệnh khi mới phát hiện, không để bùng phát, lây lan ra diện rộng.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về cơ chế phân
bổ vốn thực hiện để đến năm 2010 Thái Nguyên trở thành Trung tâm về y tế, giáo
dục, kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà
soát lại các nội dung quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm
2004 của Bộ Chính trị báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý phù hợp
nhằm thực hiện có kết quả nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị.
2. Về các dự án
giao thông:
- Dự án quốc lộ 3
mới (Hà Nội - Thái Nguyên): Bộ Giao thông vận tải phải tập trung chỉ đạo, thực
hiện triển khai hoàn tất các nội dung theo quy định để quý IV năm 2008 khởi
công được tuyến đường này.
- Cải tạo, nâng cấp
đường sắt Kép - Lưu Xá - Hạ Long, nạo vét sông Công (đoạn cảng Đa Phúc - cửa biển),...:
giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, nếu có hiệu quả và phù hợp thì tìm cơ chế,
chính sách để huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thực hiện.
3. Về tiến độ xây
dựng, thẩm định, phê duyệt Dự án hồ Văn Lăng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn khẩn trương xây dựng, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Về cơ chế hỗ trợ
vốn ngân sách nhà nước thực hiện Dự án di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc: giao Bộ
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông Nghiệp và Phát
triển nông thôn nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về điều chỉnh,
bổ sung Quy hoạch điện VI: Bộ Công Thương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định.
Giao Bộ Công
Thương đánh giá nguồn, môi trường Nhà máy nhiệt điện Việt Trung.
6. Việc điều chỉnh,
bổ sung Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020: Tỉnh lập Đề án tổng
thể điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020
làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tỉnh cần xây dựng quy hoạch xử lý rác thải, chất thải để bảo đảm môi trường của
thành phố Thái Nguyên và toàn tỉnh.
7. Về chủ trương
xây dựng quy hoạch Trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên mới: Đồng ý về nguyên
tắc. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu lập đề án báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định.
8. Việc bổ sung vốn
đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Ủy ban nhân dân Tỉnh rà soát các công
trình có khả năng giải ngân được, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Đồng ý về
nguyên tắc được ứng 50 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp, cải tạo đường 268 và 40 tỷ đồng
cho đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính triển khai cụ thể.
10. Về bổ sung Dự
án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo
tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh liên quan lập dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu,
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
11. Việc bảo đảm
tín dụng của các ngân hàng cho Dự án nhà máy xi măng Thái Nguyên: giao Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại; Ngân hàng phát triển
Việt Nam bảo đảm đủ vốn cho Dự án hoàn thành đúng tiến độ.
12. Về Dự án khai
thác, chế biến khoáng sản đa kim núi Pháo: Tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế
hoạch và Đầu tư, Công Thương làm việc với nhà đầu tư để Dự án có công nghệ hiện
đại, chế biến sâu, không xuất khẩu sản phẩm thô.
Văn phòng Chính phủ
xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và các Bộ, ngành liên quan biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
CP;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Tài nguyên
và Môi trường;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh
Thái Nguyên;
- VPCP: BTCN, các PCN, TTĐT,
các Vụ: TH, KTTH, KTN;
- Lưu: VT, ĐP (5), Cng (39b).
|
KT.BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Văn Phượng
|