VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 195/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 05
năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ VĂN NINH, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG
ƯƠNG VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO, CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO, TRIỂN KHAI
NHIỆM VỤ NĂM 2013 VÀ ĐỊNH HƯỚNG THỜI GIAN TỚI
Ngày 22 tháng 4 năm 2013, tại Văn
phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung
ương về giảm nghèo bền vững đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc thực
hiện công tác giảm nghèo, Chương trình giảm nghèo, triển
khai nhiệm vụ năm 2013 và định hướng thời gian tới. Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ban Chỉ đạo, đại diện Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân điểm cầu của
63 tỉnh, thành phố; đại diện một số Hội đồng, Ủy ban của
Quốc hội; đại diện một số Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và tập đoàn, tổng
công ty nhà nước.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các chính sách,
chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 02 năm (2011-2012), phương
hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2013 và định hướng đến năm 2015; báo cáo tham luận
của các địa phương, phát biểu Ủy ban Các vấn đề xã hội của
Quốc hội và của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Phó Thủ
tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững
kết luận như sau:
1. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng hoan
nghênh các đại biểu Trung ương và địa phương đã phát biểu, tham gia ý kiến vào
Báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững 02 năm (2011 - 2012), phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2013
và định hướng đến năm 2015; đồng thời đã chia sẻ bài học kinh nghiệm rút ra
trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo; có kiến nghị, góp
ý cụ thể, thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách; đề xuất các giải pháp để
việc triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
2. Thực hiện Chương trình giảm
nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện trong
nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã quyết tâm
thực hiện chủ trương này một cách trách nhiệm, hiệu quả. Các chính sách giảm
nghèo bền vững đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến từng làng xã, thôn
bản, người dân và đã thu được những kết quả tích cực.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ,
ngành đã hết sức quan tâm, xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách về giảm
nghèo bền vững; thường xuyên hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính
sách phù hợp với thực tiễn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết
số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 về Định hướng giảm nghèo bền vững từ thời
kỳ năm 2011 đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung kế hoạch triển
khai Nghị quyết số 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm
2011 đến năm 2020. Các địa phương đã quán triệt Nghị quyết của Chính phủ, các
cơ chế, chính sách của các bộ, ngành, cụ thể hóa thành các chương trình, dự án,
kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện của địa phương mình.
Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo
trong việc tuyên truyền, chỉ đạo, vận động người dân tham gia, chủ động bố trí
ngân sách, kinh phí thực hiện. Một số địa phương đã chủ động điều chỉnh chính sách theo hướng tốt hơn, có lợi hơn cho
người dân như: điều chỉnh chuẩn nghèo, nâng mức hỗ trợ, cụ
thể hóa các chỉ tiêu, giao cho các cấp chính quyền địa
phương thực hiện, thay đổi cách tiếp cận nên Chương trình giảm nghèo đã đạt được
kết quả cao.
Các tập đoàn, tổng
công ty đã nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo, các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ giao; khắc phục khó khăn, tích cực tham gia một cách có hiệu quả, trách nhiệm vào công tác giảm nghèo bền vững thông qua việc tạo điều kiện
cho nhân dân tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã tạo ra thu nhập ổn định
cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở các địa phương.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành và địa phương đã có sự phối hợp chặt
chẽ, hiệu quả, nhiều vấn đề phát sinh đã được quan tâm, giải quyết kịp thời.
Do vậy, Chương trình giảm nghèo trong
02 năm qua đã đạt được những kết quả đáng mừng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra
như: tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân giảm trên 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình
quân tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP đã giảm trên 7%/năm; trên 01 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất;
gần 02 triệu hộ được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên để cho 2,3 triệu con
em đi học; trên 04 triệu lượt học
sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp; gần 1,1 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn; 29 triệu
lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;
trên 10% người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước
hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế ...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng hoan nghênh
và biểu dương các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương đã có nhiều nỗ
lực, quyết tâm thực hiện đạt kết quả tốt Chương trình giảm
nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc
thực hiện Chương trình cũng còn những hạn chế, khuyết điểm cần tập trung khắc
phục như: tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng
cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; nhiều
vùng còn nhiều khó khăn, có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng còn 60%
- 70% hộ nghèo...
Nguyên nhân cơ bản do: nhiều cơ chế,
chính sách được ban hành và đồng thời thực hiện, còn có sự chồng chéo, phân tán
nguồn lực dẫn đến việc thực hiện phân bổ và hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa
cao; một số địa phương, hộ dân còn trông chờ, ỷ lại vào
Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo; cá biệt có cấp ủy đảng, chính quyền
chưa quan tâm đúng mức, kịp thời, thường xuyên đến việc
triển khai thực hiện Chương trình, nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo; nguồn
lực nhà nước còn nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn
hiện nay; việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án chưa tốt, dẫn đến việc sử
dụng các nguồn lực hiệu quả chưa cao. Có một số cơ chế, chính sách đã phát hiện
còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng việc sửa đổi, bổ sung chậm.
3. Về phương hướng, nhiệm vụ giảm
nghèo năm 2013 và định hướng đến năm 2015
a) Trong những năm tới, yêu cầu đặt
ra là việc giảm nghèo nhanh nhưng bền vững đòi hỏi:
- Phải xác định giảm nghèo bền vững
phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, thể hiện tính ưu việt của
chế độ ta, được nhân dân đồng tình ủng hộ và được nhiều tổ
chức quốc tế đánh giá cao;
- Việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết
và quan trọng nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người
dân, phải làm cho người dân tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa
để vươn lên thoát nghèo. Nhà nước, xã hội và cộng đồng cần nhận thức đúng trách
nhiệm thực hiện giảm nghèo, chung tay thực hiện, hỗ trợ
người dân thoát nghèo bền vững.
b) Đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ
và giải pháp nêu trong Báo cáo. Tuy nhiên, trong quá trình
xây dựng chính sách, các bộ, ngành và các địa phương cần lưu ý một số điểm sau:
- Việc xây dựng các cơ chế, chính
sách giảm nghèo bền vững phải bảo đảm sự thống nhất và có lồng ghép; những
chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; các
chính sách còn hạn chế, có vướng mắc cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp với thực tế;
- Việc xây dựng, ban hành chính sách
hỗ trợ mới cần theo hướng: mở rộng đối tượng là hộ mới
thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần
giảm nghèo bền vững. Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo
được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới
thoát nghèo và hộ cận nghèo;
- Chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với
hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông
thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững;
- Định hướng giảm
nghèo trong thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng để
có các chính sách cụ thể theo hướng có lộ trình, phân loại
đối tượng và chính sách để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời
tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm,
khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.
c) Về tổ chức thực hiện
- Các bộ, ban, ngành sớm ban hành cơ
chế, chính sách còn thiếu; sửa đổi, bổ sung các cơ chế,
chính sách không phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và cộng đồng
hiểu về chủ trương và cách thức triển khai thực hiện các chính sách trong giai
đoạn tới.
- Đối với các địa phương:
+ Cụ thể hóa mục tiêu chương trình giảm nghèo vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
hàng năm ở địa phương và có kiểm điểm, đánh giá tình hình
thực hiện;
+ Nhân rộng các mô hình, điển hình
làm tốt về giảm nghèo để phấn đấu thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh
nghiệm trong quá trình triển khai thực
hiện;
+ Chủ động lồng ghép Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình mục
tiêu quốc gia khác, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình;
+ Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền
địa phương quan tâm, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới để việc thực
hiện Chương trình giảm nghèo hiệu quả.
4. Về kiến nghị của các địa phương
- Về tăng mức hỗ trợ từ Trung ương, hiện tại ngân sách nhà nước còn
nhiều khó khăn nên các địa phương cần chủ động, tích cực huy động các nguồn lực
hỗ trợ của cộng đồng và thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án. Tùy vào mức độ khó khăn của mỗi địa
phương và điều kiện thực tế, ngân sách trung ương sẽ xem xét, cân đối và quyết
định mức hỗ trợ hợp lý;
- Về dạy nghề cho lao động nông thôn ở
những nơi chưa gắn với nhu cầu sử dụng, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
liên quan và các địa phương nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp;
- Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giao các bộ, ngành nghiên cứu chính sách theo hướng
hỗ trợ để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, gắn đầu vào với đầu ra;
các địa phương cần chủ động quy hoạch, lựa chọn mô hình phù hợp với địa phương mình để phát triển, nhân rộng.
- Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các bộ, ngành, cơ quan và địa phương biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các thành viên BCĐ TƯ về giảm nghèo bền vững;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Hội đồng dân tộc của Quốc hội;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương;
- Các tập đoàn, tổng công ty nhận giúp đỡ huyện nghèo;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP; Cổng TTĐT; các Vụ: TKBT, KTTH, V.III,
KTN, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Khắc Định
|