VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 174/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 07 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ
TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC THỰC HIỆN NHIỆM
VỤ 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 6
THÁNG CUỐI NĂM 2016 NGÀNH TÀI CHÍNH
Ngày 02 tháng 7 năm 2016, tại trụ sở Bộ Tài chính,
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác
thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách
nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 ngành Tài chính. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ
Tài chính Đinh Tiến Dũng; Lãnh đạo Ban
Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, đại diện
các Bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện Lãnh đạo và cơ quan tài chính các địa
phương trong cả nước tham dự trực tuyến; ban Lãnh đạo Bộ Tài chính và đại diện
các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị trực
thuộc Bộ Tài chính. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, ý kiến phát biểu của
một số địa phương và các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
kết luận như sau:
I. Đánh giá cao và biểu dương các Bộ, ngành, các địa
phương, cũng như của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ
Tài chính, ngành Tài chính trong 6 tháng qua đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó
khăn, thách thức, triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về
kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016 và đạt được nhiều kết
quả quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả điều hành kinh tế vĩ mô chung của
Chính phủ.
Ngành Tài chính đã thực hiện chính sách tài khóa chủ
động, chặt chẽ, phối hợp có hiệu quả với
chính sách tiền tệ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tổ chức
thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đáp ứng được
các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh
xã hội và xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh; đẩy mạnh công tác xây
dựng thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, đóng góp
chung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc
gia; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát; phát triển đồng
bộ các thị trường tài chính, chứng khoán,
bảo hiểm; tăng cường quản lý nợ công; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác tài chính quốc tế...
II. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm còn
nhiều khó khăn, thách thức. Để có thể đạt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
năm 2016, trong đó có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, ngành Tài chính cần
nỗ lực hơn nữa, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, quyết tâm khắc phục
khó khăn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ và trách nhiệm
công chức, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ các cơ chế,
chính sách, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP , các Nghị quyết của
Chính phủ, Chỉ thị số 21/CT-TTg và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,
trong đó cần tập trung thực hiện các nội dung chủ yếu sau:
1. Tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất
dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016; rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu
ngân sách trên địa bàn; mở rộng cơ sở thuế, nhất là đối với lĩnh vực thuế ngoài
quốc doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân, bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh vào ngân
sách nhà nước.
Tăng cường quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương
mại, trốn thuế, nợ đọng thuế; kiểm tra sau thông quan; giám sát hàng tạm nhập
tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.
Kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hàng nhập khẩu; chính sách miễn, giảm, giãn,
hoàn thuế, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, công khai và minh bạch trong xây dựng và
thực hiện chính sách thuế.
2. Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước
chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, chống lãng phí; không để “lợi ích
nhóm” tác động vào xây dựng thể chế, chính sách và quản lý, điều hành thu, chi
ngân sách nhà nước.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ,
ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy
nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, kể cả vốn xây dựng cơ bản tập
trung, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA; thực hiện
nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, vốn đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng
cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.
Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp
với khả năng thu ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp trong phạm vi dự
toán đã được quyết định; đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là chế độ,
chính sách cho con người, chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn
hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, sự cố môi trường; cắt giảm tối đa các khoản chi
chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định, trường hợp các địa phương
giảm thu thì cần xem xét giảm chi tương ứng trừ các khoản chi cho con người và
an sinh xã hội. Triển khai cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Chỉ đề xuất ban hành chính sách làm
tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
3. Khẩn trương phối
hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các yêu cầu, nhiệm
vụ của Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về
xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm
2017. Trong đó, thực hiện thí điểm xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên
cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội từng địa phương; khuyến khích tăng thu để
tăng chi; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định
nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng,
cấp thiết và khả năng triển khai trong năm 2017.
4. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng
thể chế, các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015; về hỗ trợ
và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16
tháng 5 năm 2016 của Chính phủ. Kiên quyết không ban hành các chính sách làm
tăng chi phí, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các chính
sách gây khó khăn cho hoạt động thương mại, xuất khẩu hàng hóa...
5. Tích cực triển khai các giải pháp huy động và sử
dụng vốn hiệu quả, bảo đảm quản lý nợ công an toàn, chặt chẽ. Tăng cường kiểm
tra giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ; từng bước cơ cấu lại thu chi
ngân sách và nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ. Sớm trình Thủ
tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước và nợ công gắn với
đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Kế
hoạch đầu tư công trung hạn gắn với Kế hoạch tài chính - ngân sách giai đoạn 2016 -
2020; đẩy nhanh giao vốn đầu tư phát triển; giao vốn và hướng dẫn thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu
hồi vốn ứng trước.
Phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu
doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (trong tháng 7 năm 2016). Khẩn
trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số
59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, đặc
biệt là các quy định về xác định giá trị doanh nghiệp, bảo đảm chặt chẽ, không
để xảy ra thất thoát tài sản, vốn nhà nước;
tăng cường thanh, kiểm tra công tác cổ phần hóa, nhất là việc xác định giá trị
doanh nghiệp. Rà soát, bảo đảm năng lực, kỷ cương của các doanh nghiệp, đơn vị
thẩm định giá, tư vấn, kiểm toán trong công tác cổ phần hóa.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc thị
trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm,
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán
đến năm 2020, bảo đảm điều kiện để thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động hiệu quả vào đầu năm 2017. Phát triển hoạt
động bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tàu cá, tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân.
7. Tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả.
Nâng cao năng lực và chất lượng công tác phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị
trường, điều hành lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đã quyết định; thực
hiện đồng bộ, kiên quyết các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý những hành vi vi
phạm quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng thiết
yếu như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh, sữa, giá dịch vụ
công...; công khai, minh bạch giá xăng dầu, phí BOT...
8. Tiếp tục phối hợp
chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong điều hành
chính sách kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt
chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.
9. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế. Tiếp tục thực hiện lộ
trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do. Chủ động
đánh giá các tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến thu ngân sách nhà
nước để chủ động giải pháp điều hành. Bám sát diễn biến tình hình liên quan đến
việc nước Anh rút khỏi EU để kịp thời có giải pháp phù hợp về tài chính, ngân sách, quản lý nợ và thị trường vốn.
10. Tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên
truyền cơ chế, chính sách, những kết quả đã đạt được để tạo niềm tin và đồng
thuận xã hội. Phát huy vai trò của các đơn vị
báo chí trong ngành; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động
tài chính - ngân sách nhà nước và xử lý phản hồi của dư luận về cơ chế, chính
sách đã ban hành để điều chỉnh phù hợp,
hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị
liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: KHĐT, TC;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: KTN, ĐMDN, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KTTH(3),
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|