UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
699/2007/QĐ-UBND
|
Yên
Bái, ngày 17 tháng 5 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo
năm 1998; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo năm 2005;
Căn cứ Nghị định 89/NĐ-CP
ngày 07/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân;
Căn cứ Nghị định
136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi bổ sung một số điều
của Luật khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Đề nghị của Chánh
Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 150/TTr-TT ngày 07/5/2007 về việc ban hành Quy
chế tổ chức tiếp công dân,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức tiếp
công dân.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban
hành.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân
tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.UỶ
BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Hoàng Xuân Lộc
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 699/2007/QĐ-UBND ngày 17/5/2007 của UBND tỉnh
Yên Bái)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Quy chế này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ
quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo của
công dân; quyền và nghĩa vụ của công dân khi đến phòng tiếp công dân của cơ
quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo.
Điều 2.
Các cơ quan, tổ chức, công chức Nhà nước tỉnh Yên Bái
và mọi công dân đến làm việc tại Phòng tiếp công dân của cơ quan hành chính Nhà
nước chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.
Chương II
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA
CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC TIẾP VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
CỦA CÔNG DÂN
Điều 3.
Trách nhiệm tiếp công dân
Thủ trưởng cơ quan hành
chính Nhà nước các cấp, các ngành, đơn vị lực lượng vũ trang (gọi tắt là cơ
quan, đơn vị) thuộc địa bàn tỉnh Yên Bái có trách nhiệm:
a. Trực tiếp tiếp công dân và tổ
chức tiếp công dân để nghe, xử lý và chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực mình quản lý.
b. Kịp thời chỉ đạo các cơ quan
chức năng thuộc quyền của mình quản lý thẩm tra, xác minh, đề xuất, kiến nghị
giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn quy định của Luật khiếu nại, tố
cáo.
c. Đối với những khiếu nại thuộc
thẩm quyền mà vụ việc đã rõ ràng, cụ thể, có cơ sở giải quyết thì khi tiếp công
dân, thủ trưởng cơ quan Nhà nước phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc
phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì phải nói rõ thời hạn giải quyết, người cần
liên hệ tiếp để biết kết quả giải quyết.
d. Căn cứ vào các quy định tại
Quy chế này, tổ chức và quy định trách nhiệm cụ thể nơi tiếp công dân của cơ
quan, đơn vị mình.
Điều 4.
Thời gian tiếp công dân
1) Thời gian tiếp công dân tại Uỷ
ban nhân dân các cấp.
a. Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức
tiếp công dân mỗi tháng hai ngày vào mùng 1 và 15 hàng tháng. Nếu các ngày trên
trùng vào ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần thì được bố trí lui vào ngày kế tiếp
sau đó.
Thành phần tham gia tiếp công
dân của Uỷ ban nhân dân tỉnh gồm lãnh đạo và cán bộ chuyên trách của các ngành:
Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở
Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây
dựng. Ngoài các ngành nêu trên, tuỳ theo tính chất, nội dung và tình hình khiếu
nại, tố cáo tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên
quan tham gia tiếp công dân.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có
trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân mỗi tháng một ngày.
b. Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ
chức tiếp công dân mỗi tuần một ngày. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân ít nhất mỗi tháng hai ngày.
c. Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức
tiếp công dân mỗi tuần hai ngày. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm
trực tiếp tiếp công dân ít nhất mỗi tuần một ngày.
d. Ngoài việc tiếp công dân theo
định kỳ nêu trên, Chủ tịch UBND các cấp phải tổ chức thời gian tiếp công dân
khi có yêu cầu cần thiết.
2) Thủ trưởng các cơ quan: Thanh
tra, Công an, Quân sự, Thương mại và Du lịch, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tài
chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục
và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và
các sở ngành khác ở cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm tổ chức và phân công
cán bộ tiếp công dân thường xuyên, đồng thời trực tiếp tiếp công dân mỗi tháng
hai ngày, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu khẩn thiết.
Các cơ quan khác của Nhà nước
căn cứ vào quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo; các Luật sửa đổi bổ sung một số
điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của
Chính phủ và tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực của mình quản
lý để tổ chức tiếp công dân.
Điều 5.
Nội dung và phạm vi công việc khi tiếp công dân.
1) Tiếp nhận các thông tin do
công dân kiến nghị, phản ánh, góp ý về những vấn đề liên quan đến chủ trương,
đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; về công tác quản lý điều
hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và ở các cơ
quan, đơn vị.
2) Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo
thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xem xét ra
quyết định, kết luận giải quyết hoặc trả lời cho công dân biết theo quy định của
Luật khiếu nại tố cáo.
3) Hướng dẫn công dân thực hiện
quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng chính sách, pháp luật, đúng cơ quan có thẩm
quyền xem xét, giải quyết.
Điều 6. Điều kiện nơi tiếp
công dân
1) Các cơ quan, đơn vị phải bố
trí nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, khang trang, lịch sự, bảo đảm
các điều kiện cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.
Tại nơi tiếp công dân phải niêm
yết lịch tiếp công dân, nội quy tiếp công dân. Lịch tiếp công dân phải được ghi
cụ thể thời gian, chức vụ người tiếp công dân. Nội quy tiếp công dân phải ghi
rõ trách nhiệm của người tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại,
tố cáo.
2) Tại nơi tiếp công dân của Uỷ
ban nhân dân các cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp để tổ chức bảo vệ,
đảm bảo an toàn về an ninh, trật tự.
Điều 7.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ
quan chức năng, Phòng tiếp công dân và cán bộ tiếp công dân
1) Nhiệm vụ:
a. Lắng nghe, ghi chép vào sổ tiếp
công dân đầy đủ nội dung công dân trình bày.
b. Nếu khiếu nại, tố cáo có căn
cứ, đúng thẩm quyền của cơ quan mình giải quyết thì tiếp nhận đơn, các tài liệu,
giấy tờ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo do công dân cung cấp, báo cáo thủ
trưởng cơ quan, đơn vị mình để xem xét giải quyết.
c. Nếu khiếu nại, tố cáo không
thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình thì có văn bản hướng dẫn công dân đến
đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
d. Nếu khiếu nại, tố cáo đã được
cơ quan có thẩm quyền xem xét, có văn bản hoặc Quyết định giải quyết đúng chính
sách pháp luật thì cần trả lời rõ và yêu cầu công dân chấp hành.
e. Giữ bí mật họ tên, địa chỉ,
bút tích của người tố cáo khi người tố cáo có yêu cầu.
g. Phối hợp với lực lượng Công
an, bảo vệ cơ quan đảm bảo an toàn trật tự nơi tiếp công dân.
h. Khi làm nhiệm vụ, cán bộ tiếp
công dân phải mặc trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức theo quy định. Cán bộ
tiếp công dân chỉ được tiếp công dân đến khiếu nại tại công sở, không được tiếp
ở nhà riêng.
i. Nghiêm cấm việc cản trở, gây
phiền hà, sách nhiễu đối với công dân đến khiếu nại, tố cáo.
2) Quyền hạn:
a. Từ chối tiếp nhận những vụ việc
khiếu nại đã được cấp có thẩm quyền giải quyết bằng Quyết định đã có hiệu lực
pháp luật, những trường hợp Toà án đã thụ lý giải quyết, những người đại diện
không đúng quy định.
b. Không xem xét giải quyết những
trường hợp tố cáo giấu tên, mạo danh, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp
hoặc trường hợp những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, nay tố cáo lại
nhưng không có bằng chứng mới.
c. Không tiếp những người không
đủ năng lực hành vi dân sự; người đang trong tình trạng say rượu, tâm thần và
những người vi phạm quy chế, nội quy nơi tiếp công dân.
d. Yêu cầu công dân xuất trình
giấy tờ tuỳ thân, trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo;
lý do và những yêu cầu giải quyết, cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến
việc khiếu nại, tố cáo.
Trường hợp công dân đến trình
bày các khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị bằng miệng, nếu thấy cần thiết, cán bộ
tiếp công dân yêu cầu người khiếu nại, tố cáo viết bằng văn bản và ký tên xác
nhận.
e. Đối với những người đến khiếu
nại, tố cáo có hành vi gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự nơi tiếp
công dân của cơ quan Nhà nước hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì thủ
trưởng cơ quan Nhà nước, người phụ trách trụ sở tiếp công dân yêu cầu cơ quan
Công an phụ trách địa bàn có biện pháp can thiệp theo quy định của pháp luật.
Chương III
QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA
CÔNG DÂN KHI ĐẾN LÀM VIỆC TẠI PHÒNG TIẾP CÔNG DÂN
Điều 8.
Quyền hạn của công dân khi đến làm việc tại phòng tiếp
công dân
1) Được hướng dẫn, giải thích,
trả lời về những nội dung mình trình bày.
2) Được quyền khiếu nại, tố cáo
với thủ trưởng trực tiếp của người tiếp công dân nếu họ có việc làm sai trái,
gây cản trở, phiền hà, sách nhiễu trong khi làm nhiệm vụ.
3) Được yêu cầu giữ bí mật họ
tên, địa chỉ khi đến tố cáo.
Điều 9.
Nghĩa vụ của công dân khi đến làm việc tại phòng tiếp
công dân
1) Xuất trình giấy tờ tùy thân
như chứng minh thư nhân dân, giấy mời. Nếu công dân không trực tiếp đến được
phòng tiếp công dân thì có thể ủy quyền cho một trong số thân nhân là cha, mẹ,
vợ chồng, con hoặc anh chị em ruột. Những người được uỷ quyền phải có giấy ủy
quyền, có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.
2) Trình bày trung thực sự việc,
cung cấp các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.
3) Nghiêm chỉnh tuân thủ quy chế,
nội quy nơi tiếp công dân và sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân.
4) Ký xác nhận những nội dung đã
trình bày.
5) Trường hợp có nhiều người đến
nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung phải cử đại diện để
trình bày với cán bộ tiếp công dân.
6) Công dân không được lợi dụng
quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự ở nơi tiếp công dân; vu cáo, xúc phạm
cơ quan Nhà nước và cán bộ tiếp công dân; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
về những nội dung đã khiếu nại, tố cáo của mình.
Chương IV
MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁN BỘ
PHỤ TRÁCH TIẾP CÔNG DÂN VÀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 10.
Khi nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
của công dân do những nơi tiếp công dân chuyển đến, thủ trưởng cơ quan, đơn vị
có thẩm quyền giải quyết phải xem xét, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn theo
quy định của pháp luật. Trường hợp đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của
cấp mình thì trả lời cho đương sự theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, đồng
thời thông báo cho nơi tiếp công dân đã chuyển vụ việc đó biết.
Điều 11.
Cơ quan, tổ chức tiếp công dân ở các cấp có trách nhiệm
đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan tổ chức đối với những khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị, phản ánh của công dân đã chuyển đến các ngành giải quyết, nếu thủ
trưởng cơ quan đó để quá thời hạn quy định mà không có báo cáo thì người phụ
trách công tác tại nơi tiếp công dân phải kiến nghị để thủ trưởng cấp mình đôn
đốc giải quyết.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND tỉnh
quản lý thống nhất công tác tiếp công dân; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở,
ngành, UBND các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân theo quy định của Luật khiếu
nại, tố cáo; Kiến nghị các biện pháp cần thiết trong công tác tiếp công dân, xử
lý hành chính các trường hợp cố tình vi phạm về công tác tiếp dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ
về công tác tiếp dân với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chánh Thanh tra các ngành, các cấp
thực hiện quyền thanh tra về công tác tiếp dân theo thẩm quyền, giúp thủ trưởng
các sở, ngành, chủ tịch UBND cùng cấp quản lý về công tác tiếp công dân trong
ngành và địa phương mình; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về công tác tiếp dân
với thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch UBND cùng cấp.
Điều 13.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm
phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Thủ
trưởng các cơ quan, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức tốt việc tiếp
công dân thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình.
Điều 14.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, cơ quan, đơn vị,
cá nhân có thành tích xuất sắc sẽ được biểu dương khen thưởng. Cơ quan, đơn vị
và cá nhân vi phạm Quy chế thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định
của pháp luật./.