ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4835/QĐ-UBND
|
Đồng Nai, ngày 29 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THANH TRA NĂM 2022 CỦA THANH TRA TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Luật Thanh tra 2010;
Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Thanh tra;
Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-TTCP
ngày 23/4/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định
hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra;
Căn cứ Văn bản số 1889/TTCP-KHTH
ngày 26/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch
thanh tra năm 2022;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh
tại Tờ trình số 2244/TTr-TT ngày 15/11/2021 về việc
phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra năm 2022 của
Thanh tra tỉnh Đồng Nai theo Kế hoạch thanh tra số 53/KH-TT ngày 15/11/2021 của
Chánh Thanh tra tỉnh.
Điều 2. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm triển khai
thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ công tác thanh tra đã được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thanh tra Chính phủ;
- Cục III -
Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy, TT. HĐND
tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy,
- Văn phòng Đ ĐBQH
và HĐND tỉnh;
- Chánh và Phó Chánh Văn phòng
UBND tỉnh;
- Đối tượng thanh tra;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, các Phòng, Ban, Trung
tâm, THNC.
|
CHỦ TỊCH
Cao Tiến Dũng
|
UBND TỈNH ĐỒNG NAI
THANH TRA TỈNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
53/KH-TT
|
Đồng
Nai, ngày 15 tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC THANH TRA NĂM 2022
Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12
ban hành ngày 15/11/2010;
Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-TTCP
ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định
hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra;
Căn cứ Văn bản số 1889/TTCP-KHTH ngày
26/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh
tra năm 2022;
Căn cứ Kế hoạch số 14035/KH-UBND ngày
15/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai công tác ngành thanh tra năm
2022;
Căn cứ vào các chỉ đạo của Tỉnh ủy,
UBND tỉnh;
Thanh tra tỉnh xây dựng Kế hoạch công
tác thanh tra năm 2022 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Triển khai đầy đủ, kịp thời, đồng
bộ các nhiệm vụ của ngành thanh tra: Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định và đúng định hướng của
Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các chương trình, kế hoạch chung của Tỉnh ủy,
UBND tỉnh đề ra.
2. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg
ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra,
kiểm tra đối với doanh nghiệp; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính
phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày
22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu
quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải
quyết công việc.
3. Hoạt động của các cơ quan thanh
tra cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện
nay; bám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành;
đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng
khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước
về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham
nhũng như: Các dự án đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng đất đai; quản lý, khai
thác tài nguyên, khoáng sản (việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu
xây dựng); việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công, quản lý sử dụng ngân sách nhà nước trong bối cảnh
Covid-19.
4. Thực hiện nghiêm các quy định Luật
và các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo, tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người,
phức tạp, kéo dài.
5. Công tác phòng, chống tham nhũng
là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác
phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực;
triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý
tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, quan tâm triển khai các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập;
kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống
tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội
trong phòng, chống tham nhũng.
6. Hoạt động của thanh tra phải bảo đảm
phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Nâng cao năng lực
và đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình
hình mới. Tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về
thanh tra, Luật Thanh tra (sửa đổi); ban hành các quy trình nghiệp vụ trong
công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng.
7. Tập trung hoàn thiện cơ cấu, tổ chức,
bộ máy và chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh để thực hiện tốt chức
năng quản lý nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả
hoạt động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ
phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
II. CHƯƠNG TRÌNH
CÔNG TÁC CỦA THANH TRA TỈNH NĂM 2021
1. Công tác
thanh tra
1.1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật
và tuân thủ quyết định của Chủ sở hữu đối với Công ty Cổ phần cấp nước Đồng Nai
giai đoạn 2015 đến 2019. Thời gian dự kiến tiến hành thanh tra trong quý I/2022. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở
Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư (mỗi đơn vị cử 01 người).
1.2. Thanh tra việc mua sắm trang thiết
bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch
Covid-19 trên địa bàn tỉnh đối với Sở Y tế, UBND cấp huyện và các tổ chức, cá
nhân khác có liên quan giai đoạn từ ngày 01/01/2021 đến thời điểm thanh tra. Thời
gian dự kiến tiến hành thanh tra trong quý II/2022. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở
Y tế; Sở kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính và Sở Công thương (mỗi đơn vị cử 01
người, riêng Sở Y tế cử 02 người).
1.3. Thanh tra trách nhiệm đối với Chủ
tịch UBND huyện Long Thành và Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu về việc thực hiện
các quy định của pháp luật về công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng
sản; về thanh tra; tiếp công dân; xử lý đơn thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo;
phòng, chống tham nhũng giai đoạn từ
ngày 01/01/2020 đến thời điểm thanh tra. Thời gian dự kiến tiến hành thanh tra
trong quý II/2022. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở
Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tư pháp (mỗi đơn vị cử 02 người,
riêng Sở Tư pháp cử 01 người).
1.4. Thanh tra trách nhiệm đối với Chủ
tịch UBND thành phố Biên Hòa và Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch về việc thực hiện
các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, xây
dựng đối với các dự án khu dân cư, nhà ở; về thanh tra; tiếp công dân; xử lý
đơn thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng giai đoạn từ
ngày 01/01/2020 đến thời điểm thanh tra. Thời gian dự kiến tiến hành thanh tra
trong quý III/2022. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở
kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp (mỗi đơn vị cử 02
người, riêng Sở Tư pháp cử 01 người).
Ngoài ra, trong năm 2022, Thanh tra tỉnh
sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề, diện rộng và đột xuất theo chỉ đạo của các cơ
quan cấp trên (nếu có) và thanh tra lại khi phát hiện dấu hiệu vi phạm (nếu
có).
2. Công tác tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Thực hiện nghiêm Luật Tiếp công
dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện
công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số
35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/CT-TTg
ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công
tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu
cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản
ánh, kiến nghị của dân. Nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột
xuất, công khai lịch tiếp công dân trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ
quan. Tăng cường trao đổi, phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện tạo sự thống nhất trong
quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc đông người, phức tạp.
- Giải quyết kịp thời, đúng quy định
của pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm
quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện
tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực
pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.
- Tiếp tục phối hợp với các ngành có
liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp,
kéo dài theo tinh thần Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính
phủ về tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại,
tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của công dân, qua đó giải quyết căn bản tình hình khiếu
nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh
tế - xã hội.
- Đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các quyết định giải quyết đơn khiếu nại, kết luận nội
dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
- Giải quyết đơn thẩm quyền thuộc
Chánh Thanh tra tỉnh và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết đơn khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
3. Công tác
phòng, chống tham nhũng
- Thực hiện nghiêm Luật phòng, chống
tham nhũng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành,
bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng
ngừa tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về
sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai
tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật Phòng, chống tham nhũng;
Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết
luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện
Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số
12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện,
xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
- Triển khai thi hành những quy định
mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống
tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên
truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra
trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện pháp
luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài
sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai,
minh bạch trên các lĩnh vực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc
tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử
lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và
chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước
và hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện công
khai, minh bạch hoạt động của cơ quan; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ,
công chức.
- Theo dõi việc phát hiện, xử lý các
vụ án tham nhũng, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham
nhũng theo chức năng, nhiệm vụ ngành thanh tra.
- Thực hiện đánh giá công tác phòng,
chống tham nhũng cấp tỉnh, cấp sở, cấp huyện theo Bộ chỉ số
đánh giá và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
- Kiểm soát tài sản, thu nhập của người
có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
4. Công tác xây dựng
ngành
- Tập trung nghiên cứu, đề xuất, góp
ý xây dựng dự án Luật thanh tra (sửa đổi) và rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung quy
định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng. Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
- Nghiên cứu có giải pháp nâng cao hiệu
quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại,
tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân, góp phần
thúc đẩy hiệu quả công tác của ngành Thanh tra.
- Rà soát, sắp xếp tổ chức hoạt động
Thanh tra tỉnh theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ.
Trong đó, gắn với trọng tâm xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả
theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và
xây dựng đội ngũ cán bộ ngành thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang
tâm nhiệm vụ thời kỳ mới theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng.
- Rà soát, bổ sung Quy hoạch cán bộ
lãnh đạo, quản lý giai đoạn năm 2020-2025 theo hướng dẫn của Tỉnh ủy gắn với
nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý
trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
- Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức Thanh tra tỉnh, Thanh tra
các sở, ban ngành, Thanh tra các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa đảm bảo
tiêu chuẩn, điều kiện ngành Thanh tra. Thường xuyên rà soát, đề xuất cấp thẩm
quyền chuyển ngạch, bổ nhiệm ngạch thanh tra, thi nâng ngạch thanh tra theo quy
định góp phần củng cố đội ngũ công chức ngành Thanh tra tỉnh đảm bảo về số lượng,
chất lượng ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
- Chánh Văn phòng, Trưởng các phòng
Nghiệp vụ căn cứ Kế hoạch công tác thanh tra năm 2022 của Thanh tra tỉnh, tham
mưu thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra.
- Trưởng các phòng Nghiệp vụ căn cứ
vào nhiệm vụ được phân công về công tác quản lý nhà nước, có trách nhiệm theo
dõi, hướng dẫn, kiểm tra đối với Thanh tra các huyện, thành phố; Thanh tra các
sở, ban, ngành trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác
thanh tra năm 2022 theo đúng quy định.
- Đối với các cuộc thanh tra chuyên đề,
diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ (nếu có) và các cuộc thanh tra đột
xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh (nếu có), Chánh Thanh tra tỉnh sẽ chỉ đạo phòng
chuyên môn có liên quan đến công tác quản lý nhà nước chủ trì thực hiện.
Trên đây là Kế hoạch công tác thanh
tra năm 2022 của Thanh tra tỉnh Đồng Nai. Thanh tra tỉnh kính trình Chủ tịch
UBND tỉnh xem xét, phê duyệt./.
Nơi nhận:
- UBND tỉnh (kính báo
cáo);
- Ban Lãnh đạo Thanh tra tỉnh;
- Các Phòng thuộc Thanh tra tỉnh;
- Lưu: VT; P.NV3 (Lg).
|
CHÁNH
THANH TRA
Nguyễn Ngọc Thắng
|