NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
412/1999/QĐ-NHNN9
|
Hà Nội, ngày
17 tháng 11 năm 1999
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ PHÁP CHẾ
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số
01/1997/QH10 ngày 12/12/1997;
- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của
Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ,
cơ quan ngang Bộ;
- Căn cứ Nghị định số 88/1998/NĐ-CP ngày
2/11/1998 của Chính phủ về chức năng, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam;
- Căn cứ Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của
Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
và đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt động
của Vụ Pháp chế”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 205/1998/QĐ-NHNN9 ngày 11/6/1998 của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ
trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng
Giám đốc (Giám đốc), các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
|
KT/ THỐNG ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Lê Đức Thuý
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ PHÁP CHẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định của số 412/1999/QĐ-NHNN9 ngày 17 tháng 11 năm
1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vụ Pháp chế là đơn vị thuộc bộ máy của Ngân hàng Nhà nước,
có chức năng tham mưu cho Thống đốc trong việc thực hiện quản lý Nhà nước bằng
pháp luật trong ngành Ngân hàng; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật;
thẩm định, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật; tư vấn pháp lý
cho Thống đốc trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước;
phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp
luật trong ngành Ngân hàng.
Điều 2. Điều hành hoạt động của Vụ Pháp chế là Vụ trưởng, giúp việc
Vụ trưởng có một số Phó Vụ trưởng.
Chương II
NHIỆM VỤ CỦA VỤ PHÁP CHẾ
Điều 3. Vụ Pháp chế có các nhiệm vụ sau đây:
1. Công tác xây dựng pháp luật:
a) Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng
pháp luật hàng năm và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước trình Thống đốc và đôn đốc
việc thực hiện chương trình sau khi được phê duyệt.
b) Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản
quy phạm pháp luật lần cuối trước khi các đơn vị trình Thống đốc ký ban hành hoặc
ký trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
c) Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia với các đơn
vị thuộc Ngân hàng Nhà nước soạn thảo các dự thaỏ văn bản quy phạm pháp luật
thuộc lĩnh vực ngân hàng.
d) Làm đầu mối giúp Thống đốc tổ chức xây dựng
các dự án Luật, Pháp lệnh về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
đ) Làm đầu mối giúp Thống đốc tập hợp các ý kiến
tham gia của các đơn vị thuộc ngân hàng Nhà nước hoặc trực tiếp tham gia ý kiến
vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ hoặc các Bộ, ngành, địa
phương gửi lấy ý kiến.
e) Hướng dẫn các đơn vị soạn thảo tuân thủ quy
trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Công tác ra soát và hệ thống hoá văn bản quy
phạm pháp luật:
a) Tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá
văn bản quy phạm pháp luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành và các văn bản của
các Bộ, ngành khác ban hành liên quan đến hoạt động của ngành Ngân hàng; đề xuất
phương án trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý kết quả rà soát văn bản quy
phạm pháp luật.
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức
năng thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc đề xuất vơí Thống đốc để:
- Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc
thi hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
trái với văn bản pháp luật của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước về lĩnh vực Ngân
hàng.
- Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc
thi hành, bãi bỏ những quy định của Uỷ ban Nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản quy phạm pháp luật của
Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước về lĩnh vực Ngân hàng.
- Kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ
những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật
của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước về lĩnh vực ngân hàng.
c) Đề xuất kiến nghị với Thống đốc hướng xử lý đối
với những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trái với pháp luật hiện hành do các đơn vị
thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng ban hành.
3. Công tác tư vấn pháp luật:
Tư vấn pháp luật cho Thống đốc trong việc thực
hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể như sau:
a) Tư vấn pháp luật cho Thống đốc trong việc
thương lượng, ký kết và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế, các hợp đồng
và các thoả thuận trong nước hoặc ký với nước ngoài hoặc tranh tụng trước cơ
quan tư pháp.
b) Thu nhập tài liệu, xác minh để đề xuất, kiến
nghị và kết luận về mặt pháp lý đối với những vụ việc, bảo vệ quyền lợi của
Ngân hàng Nhà nước trước cơ quan tư pháp hoặc các cơ quan Nhà nước khác khi được
Thống đốc giao.
c) Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có
liên quan tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành Ngân
hàng trình Thống đốc các biện pháp xử lý.
4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm
tra việc thực hiện pháp luật.
a) Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có
liên quan tổ chức phổ biến và giáo dục pháp luật trong ngành Ngân hàng thông
qua việc xuất bản sách hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật về ngân
hàng, xây dựng các cuốn hỏi - đáp pháp luật về hoạt động ngân hàng, mở các lớp
tập huấn để phổ biến pháp luật cho cán bộ Ngân hàng. Hướng dẫn và quản lý công
tác pháp chế trong ngành Ngân hàng.
b) Lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra, theo dõi và
đôn đốc việc thực hiện pháp luật của các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng. Tổng kết
việc thực hiện, thi hành pháp luật trong ngành Ngân hàng.
c) Xây dựng tủ sách pháp lý, sưu tầm các sách
pháp luật, các thông tin và tư liệu về pháp luật phục vụ yêu cầu công tác,
nghiên cứu.
5. Thực hiện nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.
Chương III
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ ĐIỀU
HÀNH.
Điều 4. Bộ máy của Vụ Pháp chế gồm có:
1. Phòng tổng hợp.
2. Phòng Xây dựng pháp luật.
3. Phòng Tư vấn pháp luật.
Nhiệm vụ cụ thể của các Phòng do Vụ trưởng Vụ
Pháp chế quy định.
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ trưởng:
1. Tổ chức thực hiện và chiụ trách nhiệm trước
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mọi mặt công tác của Vụ.
2. Quyết định chương trình, kế hoạch công tác và
tổ chức quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của Vụ được quy định tại Điều 3 Quy chế
này.
3. Quản lý, phân công nhiệm vụ cho cán bộ trong
Vụ. Đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng
và bồi dưỡng cán bộ theo thẩm quyền đã được phân cấp.
4. Tham gia các cuộc họp do Thống đốc triệu tập.
5. Ký thừa lệnh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
trên các văn bản hành chính theo thẩm quyền.
6. Phối hợp với cấp uỷ, công đoàn chỉ đạo thực
hiện công tác chính trị, tư tưởng, đời sống cho cán bộ trong Vụ theo quy định
chung.
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Vụ trưởng.
1. Giúp Vụ trưởng chỉ đạo điều hành một số mặt
công tác của Vụ theo phân công của vụ trưởng và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng
về nhiệm vụ được phân công.
2. Ký thay Vụ trưởng trên các văn bản hành chính
theo sự phân công của Vụ trưởng.
3. Khi Vụ trưởng vắng mặt, một Phó Vụ trưởng được
uỷ quyền điều hành công tác của Vụ, chịu trách nhiệm về kết quả những công việc
đã giải quyết và báo cáo lại khi Vụ trưởng có mặt.
4. Tham gia ý kiến với Vụ trưởng về tổ chức, hoạt
động của Vụ theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Quy chế này do Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.