THANH
TRA CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
398/QĐ-TTCP
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ
TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày
13/11/2008; Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 50/2018/NĐ-CP
ngày 09/4/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP
ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công
chức;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP
ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tuyển
dụng công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành và thay thế Quyết định số 257/QĐ-TTCP ngày 28/01/2013 của Tổng Thanh tra
Chính phủ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ
trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Ban cán sự đảng TTCP;
- Lãnh đạo TTCP;
- Đảng ủy TTCP;
- Cổng TTĐT TTCP;
- Lưu: VT, TCCB.
|
TỔNG
THANH TRA
Đoàn Hồng Phong
|
QUY CHẾ
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 398/QĐ-TTCP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Tổng Thanh
tra Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
áp dụng
Quy chế này quy định việc tuyển dụng
công chức, viên chức vào làm việc trong các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra
Chính phủ (sau đây gọi tắt là đơn vị).
Điều 2. Nguyên
tắc, căn cứ tuyển dụng công chức, viên chức
1. Việc tuyển dụng công chức phải căn
cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch
công chức và chỉ tiêu biên chế.
2. Việc tuyển dụng viên chức phải căn
cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và
quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp.
3. Việc tuyển dụng công chức, viên chức
phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc; đảm bảo nguyên tắc công
khai, minh bạch trong việc xem xét, đánh giá; tuyển chọn được người có đủ tiêu
chuẩn, điều kiện, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khoẻ để thực hiện
nhiệm vụ; trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị
trí việc làm cần tuyển; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thanh tra, tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các lĩnh vực hoạt
động khác của Thanh tra Chính phủ.
Điều 3. Thẩm
quyền tuyển dụng công chức, viên chức
1. Tổng Thanh tra Chính phủ có thẩm
quyền tuyển dụng công chức.
2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có
thẩm quyền tuyển dụng viên chức.
Chương II
TUYỂN DỤNG CÔNG
CHỨC
Điều 4. Kế hoạch
tuyển dụng công chức
1. Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch
tuyển dụng, báo cáo Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ thống nhất chủ trương
và trình Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi
kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:
a) Số lượng biên chế công chức được Tổng
Thanh tra Chính phủ giao và số lượng biên chế chưa sử dụng của đơn vị sử dụng
công chức;
b) Số lượng biên chế cần tuyển ở từng
vị trí việc làm;
c) Số lượng vị trí việc làm cần tuyển
đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu
dân tộc cần tuyển;
d) Số lượng vị trí việc làm thực hiện
xét tuyển (nếu có);
đ) Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự
tuyển ở từng vị trí việc làm;
e) Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc
xét tuyển;
g) Các nội dung khác (nếu có).
2. Kế hoạch tuyển dụng khi xét tuyển
đối với nhóm đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài
năng thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán
bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Điều 5. Điều kiện
đăng ký dự tuyển công chức
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức.
Thanh tra Chính phủ xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển
quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức,
phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn
chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại
hình đào tạo.
Điều 6. Ưu tiên
trong tuyển dụng công chức
Ưu tiên trong tuyển dụng công chức thực
hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Điều 7. Hội đồng
tuyển dụng công chức
1. Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Tổng
Thanh tra Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng để tổ chức việc
tuyển dụng. Hội đồng tuyển dụng có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là 01 lãnh đạo
Thanh tra Chính phủ;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là 01 lãnh đạo
Vụ Tổ chức cán bộ;
c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là
công chức thuộc Vụ Tổ chức cán bộ;
d) Các Ủy viên khác là đại diện lãnh
đạo của một số đơn vị có liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng.
2. Hội đồng tuyển dụng làm việc theo
nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì
thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng đã biểu quyết. Hội đồng
tuyển dụng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thành lập các bộ phận giúp việc:
Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển, Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm
thi, Ban chấm phúc khảo (nếu có), Ban kiểm tra sát hạch khi tổ chức thực hiện
phỏng vấn tại vòng 2.
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng
tuyển dụng thành lập Tổ Thư ký giúp việc;
b) Tổ chức thu phí dự tuyển và sử dụng
phí dự tuyển theo quy định;
c) Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển, tổ
chức thi, chấm thi, chấm phúc khảo theo quy chế;
d) Báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ
quyết định công nhận kết quả thi tuyển, xét tuyển;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong
quá trình tổ chức thi tuyển, xét tuyển;
e) Hội đồng tuyển dụng tự giải thể
sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
3. Không bố trí những người có quan hệ
là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự tuyển hoặc của bên vợ (chồng) của
người dự tuyển; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển hoặc những
người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật
làm thành viên Hội đồng tuyển dụng, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng
tuyển dụng.
Điều 8. Thi tuyển,
xét tuyển công chức
1. Hình thức, nội dung, thời gian thi
và xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức thực hiện theo quy định
tại Mục 2 Chương II Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ
quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
2. Đối tượng, nội dung, hình thức xét
tuyển công chức và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức thực
hiện theo quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định số
138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý
công chức.
3. Trình tự, thủ tục thi tuyển, xét
tuyển công chức thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương II Nghị
định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý công chức.
Điều 9. Tiếp nhận
vào làm công chức
1. Đối tượng tiếp nhận:
a) Viên chức công tác tại đơn vị sự
nghiệp công lập;
b) Cán bộ, công chức cấp xã;
c) Người hưởng lương trong lực lượng
vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhung không phải là công
chức;
d) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ
tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành
viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám
đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ,
chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng
số cổ phần có quyền biểu quyết;
đ) Người đã từng là cán bộ, công chức
từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ
các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức
khác.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận:
Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần
tuyển, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với đơn vị sử dụng công chức nghiên cứu hồ sơ
của cá nhân có nguyện vọng chuyển công tác về Thanh tra Chính
phủ, tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, tiếp nhận vào làm công chức đối
với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đáp ứng đủ điều kiện đăng
ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ,
công chức, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực
hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của
Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều
1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên
chức và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Trường hợp quy định tại các điểm
a, b và c khoản 1 Điều này phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời
gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn,
kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc các trường hợp
quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này) làm công việc có yêu cầu
trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển;
b) Trường hợp quy định tại điểm d khoản
1 Điều này chỉ thực hiện việc tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ
lãnh đạo, quản lý, phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự,
thử việc) phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận và phải được quy hoạch vào chức vụ bổ
nhiệm hoặc chức vụ tương đương;
c) Trường hợp quy định tại điểm đ khoản
1 Điều này phải được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển đến làm việc tại
các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ và
không yêu cầu phải có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên làm việc tại cơ
quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến; khi tiếp nhận vào làm
công chức không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.
3. Hồ sơ của người được đề nghị tiếp
nhận vào làm công chức:
a) Sơ yếu lý lịch công chức theo quy
định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có
xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ
theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận
có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo
quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì không phải nộp
chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận
đáp ứng yêu cầu miễn phần thi ngoại ngữ hoặc tin học quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định
về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì không phải nộp chứng chỉ ngoại
ngữ, tin học;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ
quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;
d) Bản tự nhận xét, đánh giá của người
được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và
năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu
cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
4. Hội đồng kiểm tra, sát hạch:
a) Khi tiếp nhận các trường hợp quy định
tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này vào làm công chức không giữ chức
vụ lãnh đạo, quản lý, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ thành
lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Thành phần Hội đồng kiểm tra, sát hạch được thực
hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy chế này.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng
kiểm tra, sát hạch:
Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện,
văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của
vị trí việc làm cần tuyển;
Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết
chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận;
Báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ về kết
quả kiểm tra, sát hạch.
c) Nội dung sát hạch phải căn cứ vào
yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển để xây dựng. Hình thức sát hạch là phỏng
vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn và viết. Hội đồng kiểm
tra, sát hạch chịu trách nhiệm xây dựng nội dung sát hạch, đề xuất hình thức và
cách thức xác định kết quả sát hạch, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc
làm cần tuyển, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định trước khi tổ
chức sát hạch.
d) Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc
theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang
nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch đã biểu
quyết. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
đ) Không bố trí những người có quan hệ
là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người được tiếp nhận vào làm công chức hoặc của
bên vợ (chồng) của người được tiếp nhận vào làm công chức; vợ hoặc chồng, con đẻ
hoặc con nuôi của người được tiếp nhận vào làm công chức hoặc những người đang
trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành
viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch.
5. Khi tiếp nhận vào làm công chức để
bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập Hội đồng kiểm
tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và quy định
tại khoản 2 Điều này. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận vào
làm công chức.
Điều 10. Tiếp nhận
công chức
1. Đối tượng tiếp nhận:
Công chức quy định tại khoản
2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản
1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật
Viên chức.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận:
Căn cứ yêu cầu của
vị trí việc làm cần tuyển, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với đơn vị sử dụng công
chức nghiên cứu hồ sơ của công chức có nguyện vọng chuyển công tác về Thanh tra
Chính phủ, tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, tiếp nhận công chức đối với
các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Hồ sơ của công chức được đề nghị
tiếp nhận:
a) Sơ yếu lý lịch công chức theo quy
định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có
xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ
theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Trường hợp công chức được đề nghị tiếp
nhận có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học
theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì không
phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Trường hợp công chức được đề nghị tiếp
nhận đáp ứng yêu cầu miễn phần thi ngoại ngữ hoặc tin học quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định
về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì không phải nộp chứng chỉ ngoại
ngữ, tin học;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ
quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;
d) Bản tự nhận xét, đánh giá của công
chức được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ
và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
đ) Quyết định tuyển dụng công chức.
4. Kiểm tra, đánh giá:
Khi tiếp nhận các trường hợp quy định
tại khoản 1 Điều này, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với đơn vị sử dụng công chức
thực hiện các nhiệm vụ sau:
Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện,
văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của công chức được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu
của vị trí việc làm cần tuyển;
Tổ chức kiểm tra, đánh giá về trình độ
hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức được đề nghị tiếp
nhận. Nội dung kiểm tra, đánh giá phải căn cứ vào yêu cầu
của vị trí việc làm cần tuyển để xây dựng. Hình thức kiểm
tra, đánh giá là phỏng vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn
và viết;
Báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ về kết
quả kiểm tra, đánh giá.
Điều 11. Quyết định
tuyển dụng công chức
1. Sau khi người trúng tuyển trong kỳ
thi tuyển, xét tuyển công chức, người được đề nghị tiếp nhận công chức hoàn thiện
hồ sơ tuyển dụng; Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với đơn vị sử dụng công chức
nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch nơi công tác (nếu có) và nơi cư trú của người
trúng tuyển, của người được đề nghị tiếp nhận công chức; tổng hợp, báo cáo Tổng
Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định tuyển dụng công chức.
2. Đối với các trường hợp được đề nghị
tiếp nhận công chức, Vụ Tổ chức cán bộ thừa lệnh Tổng Thanh tra Chính phủ ký
văn bản tiếp nhận gửi cơ quan quản lý người được đề nghị tiếp nhận. Sau khi có
quyết định chuyển công tác và hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận chuyển đến
Thanh tra Chính phủ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc Phó
Tổng Thanh tra Chính phủ được ủy quyền ký quyết định tiếp nhận công chức.
Chương III
TUYỂN DỤNG VIÊN
CHỨC
Điều 12. Kế hoạch
tuyển dụng viên chức
Bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của
đơn vị sự nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo người đứng đầu đơn vị sự
nghiệp. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có văn bản báo cáo Tổng Thanh tra Chính
phủ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) thống nhất trước khi phê duyệt để làm căn cứ tuyển
dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:
1. Số lượng người làm việc được giao
và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp.
2. Số lượng viên chức cần tuyển ở từng
vị trí việc làm.
3. Số lượng vị trí việc làm cần tuyển
đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu
dân tộc cần tuyển.
4. Số lượng vị trí việc làm thực hiện
xét tuyển (nếu có).
5. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự
tuyển ở từng vị trí việc làm.
6. Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc
xét tuyển.
7. Các nội dung khác (nếu có).
Điều 13. Điều kiện
đăng ký dự tuyển viên chức
Điều kiện đăng ký dự tuyển thực hiện
theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức. Đơn vị sự nghiệp
được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng không thấp hơn các
tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân
biệt loại hình đào tạo.
Điều 14. Ưu tiên
trong tuyển dụng viên chức
Ưu tiên trong tuyển dụng viên chức thực
hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Điều 15. Hội đồng
tuyển dụng viên chức
1. Hội đồng tuyển dụng có 05 hoặc 07
thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu
hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ
trách công tác tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp;
c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là
viên chức giúp việc về công tác tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp;
d) Các Ủy viên khác là người có
chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng do người đứng đầu
đơn vị sự nghiệp quyết định.
2. Hội đồng tuyển dụng làm việc theo
nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì
thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng đã biểu quyết. Hội đồng
tuyển dụng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thành lập các bộ phận giúp việc:
Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển, Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm
thi, Ban chấm phúc khảo (nếu có); Ban kiểm tra sát hạch khi tổ chức thực hiện
phỏng vấn hoặc thực hành tại vòng 2.
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng
tuyển dụng thành lập Tổ Thư ký giúp việc;
b) Tổ chức thu phí dự tuyển và sử dụng
phí dự tuyển theo quy định;
c) Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển, tổ
chức thi, chấm thi, chấm phúc khảo theo quy chế;
d) Báo cáo người đứng đầu đơn vị sự
nghiệp quyết định công nhận kết quả thi tuyển, xét tuyển;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong
quá trình tổ chức thi tuyển, xét tuyển;
e) Hội đồng tuyển dụng tự giải thể
sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
3. Không bố trí những người có quan hệ
là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự tuyển hoặc của bên vợ (chồng) của
người dự tuyển; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển hoặc những
người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật
làm thành viên Hội đồng tuyển dụng, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng
tuyển dụng.
Điều 16. Thi tuyển,
xét tuyển viên chức
1. Hình thức, nội dung, thời gian thi
và xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức thực hiện theo quy định
tại Mục 2 Chương II Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính
phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
2. Nội dung, hình thức xét tuyển viên
chức và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức thực hiện theo
quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của
Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
3. Trình tự, thủ tục thi tuyển, xét
tuyển viên chức thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương II Nghị
định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý viên chức.
Điều 17. Tiếp nhận
vào làm viên chức
1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển
viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu đơn vị
sự nghiệp được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm
công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với
yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
(không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm
xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì
được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc
các đối tượng quy định tại khoản này), gồm:
Người đang là cán bộ, công chức cấp
xã;
Người đang ký hợp đồng lao động làm
công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự
nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật;
Người hưởng lương trong lực lượng vũ
trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
Người đang làm việc tại doanh nghiệp
do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50%
vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
Người đang làm việc trong các tổ chức
chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
b) Người đã từng là cán bộ, công chức,
viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng
vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc
doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có
quyền biểu quyết.
2. Quy trình xem xét tiếp nhận vào
viên chức
a) Khi xem xét tiếp nhận vào làm viên
chức không giữ chức vụ quản lý đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản
1 Điều này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp phải thành lập Hội đồng kiểm tra,
sát hạch. Thành phần Hội đồng kiểm tra, sát hạch được thực hiện theo quy định tại
khoản 1 Điều 15 Quy chế này.
b) Hội đồng kiểm tra, sát hạch thực
hiện các nhiệm vụ sau:
Kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn,
văn bằng, chứng chỉ của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc
làm cần tuyển;
Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết
chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Hội đồng
kiểm tra, sát hạch phải báo cáo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thống nhất về
hình thức và nội dung sát hạch trước khi thực hiện;
Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc
theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang
nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch đã biểu
quyết;
Báo cáo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
về kết quả kiểm tra, sát hạch;
Hội đồng kiểm tra, sát hạch tự giải
thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
3. Hồ sơ của người được đề nghị tiếp
nhận vào làm viên chức:
a) Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy
định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có
xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ
theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ
quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;
d) Bản tự nhận xét, đánh giá của người
được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và
năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu
cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
4. Khi tiếp nhận các trường hợp quy định
tại khoản 1 Điều này để bổ nhiệm làm viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp
thì không phải thực hiện quy trình xem xét tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều
này, nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và quy định tại khoản
1 Điều này. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận vào làm viên
chức.
Điều 18. Tiếp nhận
viên chức
1. Đối tượng tiếp nhận:
Viên chức quy định tại Điều
2 Luật Viên chức.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận:
Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần
tuyển, bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp tham mưu người đứng
đầu đơn vị sự nghiệp xem xét, tiếp nhận viên chức đối với các trường hợp quy định
tại khoản 1 Điều này.
3. Hồ sơ của viên chức được đề nghị
tiếp nhận:
a) Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy
định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có
xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ
theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ
quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;
d) Bản tự nhận xét, đánh giá của viên
chức được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ
và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
đ) Quyết định tuyển dụng viên chức.
4. Kiểm tra, đánh giá:
Khi tiếp nhận các trường hợp quy định
tại khoản 1 Điều này, bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp
thực hiện các nhiệm vụ sau:
Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện,
văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của viên chức được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu
của vị trí việc làm cần tuyển;
Tổ chức kiểm tra, đánh giá về trình độ
hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức được đề nghị tiếp
nhận;
Báo cáo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
về kết quả kiểm tra, đánh giá.
Điều 19. Quyết định
tuyển dụng viên chức và ký kết hợp đồng làm việc
Sau khi người trúng tuyển trong kỳ
thi tuyển, xét tuyển viên chức, người được đề nghị tiếp nhận viên chức hoàn thiện
hồ sơ tuyển dụng; bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp
nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch nơi công tác (nếu có) và nơi cư trú của người
trúng tuyển, của người được đề nghị tiếp nhận viên chức; tổng hợp, tham mưu người
đứng đầu đơn vị sự nghiệp có văn bản báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ (qua Vụ Tổ
chức cán bộ) thống nhất trước khi quyết định tuyển dụng viên chức và ký kết hợp
đồng làm việc theo thẩm quyền.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Trách
nhiệm thi hành
1. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền
hạn của mình, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm
giúp Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện
Quy chế này.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Vụ Tổ chức cán bộ để báo cáo
Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.