Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 38/2024/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Lê Thành Đô
Ngày ban hành: 22/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2024/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 22 tháng 10 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHỨC DANH TRƯỞNG PHÒNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG THUỘC SỞ Y TẾ; TRƯỞNG PHÒNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG Y TẾ THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 07/2021/TT-BYT ngày 27 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 37/2021/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập; Thông tư số 06/2024/TT-BYT ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bao gồm:

a) Chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế gồm: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Trưởng phòng chức năng thuộc Sở Y tế, Chi cục trưởng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế, Giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

b) Chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế gồm: Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Thanh tra, Phó Trưởng phòng chức năng thuộc Sở Y tế, Phó Chi cục trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế; Phó Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

c) Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Y tế thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện).

2. Đối tượng áp dụng

a) Công chức, viên chức các phòng chức năng, cơ quan, đơn vị thuộc Sở Y tế.

b) Công chức Phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện.

c) Công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị khác được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện.

d) Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

1. Đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ. Tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Y tế về công tác cán bộ.

2. Đảm bảo thực hiện nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục theo quy định.

3. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của các phòng chức năng và các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Y tế; Phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện.

4. Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý là cơ sở để đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng công chức, viên chức, đồng thời làm cơ sở để công chức, viên chức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thiện.

5. Tiêu chuẩn mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể, đồng thời đảm bảo được sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Điều 3. Tiêu chuẩn chung

1. Về chính trị tư tưởng

a) Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.

b) Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

c) Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, Nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

d) Chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức; tuân thủ kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2. Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật

a) Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

b) Có trách nhiệm cao với công việc.

c) Có tinh thần đoàn kết, gương mẫu; có khả năng sử dụng, trọng dụng người có tài năng, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động.

d) Tích cực đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống cơ hội, bè phái, lợi ích nhóm.

đ) Tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan khi có yêu cầu; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.

3. Về năng lực và uy tín

a) Có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo.

b) Nắm vững các nội dung về quản lý nhà nước, quy định của pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực đảm nhiệm; có khả năng phát hiện hạn chế, bất cập trong thực tiễn và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

c) Có năng lực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và quy định của pháp luật.

d) Có khả năng quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

đ) Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác chuyên môn.

4. Về trình độ

a) Tốt nghiệp trình độ Đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực được phân công và quy định của Nhà nước về ngành, lĩnh vực công việc đảm nhiệm theo quy định của cấp có thẩm quyền.

b) Về lý luận chính trị: Có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền.

c) Về quản lý nhà nước

Đối với chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện: Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương trở lên.

Đối với chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế; Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế: Có chứng chỉ bồi dưỡng phù hợp theo tiêu chuẩn vị trí việc làm.

d) Có trình độ ngoại ngữ phù hợp với vị trí việc làm hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với trường hợp vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số.

5. Về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác

a) Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

b) Bảo đảm tuổi bổ nhiệm; được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên theo quy định.

c) Có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác; trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì thành tích, kết quả, sản phẩm cụ thể phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

d) Kinh nghiệm công tác

Trường hợp bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ: Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành thì phải bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định hiện hành. Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành thì phải bảo đảm đã kinh qua chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý của đơn vị cấu thành; thời gian giữ chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tối thiểu là 24 tháng, nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương).

Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài: Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác không có đơn vị cấu thành thì phải bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định hiện hành. Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức khác không có đơn vị cấu thành thì phải bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định như đối với trường hợp bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ trong cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành. Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành và dự kiến bổ nhiệm tại cơ quan, tổ chức khác có đơn vị cấu thành thì phải bảo đảm thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương liền kề với chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm theo quy định như đối với trường hợp bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ trong cơ quan, tổ chức đang công tác có đơn vị cấu thành hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực tương ứng với từng chức vụ, chức danh cụ thể theo quy định hiện hành.

Trường hợp trước khi bổ nhiệm đã có thời gian giữ chức vụ, chức danh được xác định là chức vụ, chức danh bằng, tương đương hoặc cao hơn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm thì thời gian đó được tính vào thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương để cộng dồn; không áp dụng đối với trường hợp bị cách chức, giáng chức.

Trường hợp bổ nhiệm lần đầu tại cơ quan, tổ chức có đơn vị cấu thành mà trước đó đã có thời gian công tác tại đơn vị cấu thành cơ quan, tổ chức đó thì thời gian công tác tại đơn vị cấu thành được tính vào thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực, bảo đảm tổng thời gian công tác không thấp hơn tổng thời gian tối thiểu giữ các chức vụ, chức danh dưới chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

đ) Trường hợp đặc biệt (về độ tuổi, kinh nghiệm thực tiễn, bổ nhiệm vượt cấp, quy hoạch) do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo phân cấp quản lý.

6. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Điều 4. Tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế

1. Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế là người đứng đầu phòng, thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, tham mưu quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành hoặc nhiệm vụ bảo đảm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Sở theo phân công của Giám đốc Sở; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 Quyết định này và đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể sau:

a) Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Dược: Có trình độ Thạc sĩ hoặc Chuyên khoa cấp I trở lên đối với bác sĩ, dược sĩ phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

b) Trưởng phòng Tổ chức cán bộ: Có trình độ Thạc sĩ hoặc Chuyên khoa cấp I các chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm (ưu tiên khối ngành sức khỏe).

c) Chánh Thanh tra Sở: Có trình độ Thạc sĩ hoặc Chuyên khoa cấp I trở lên đối với bác sĩ, dược sĩ hoặc trình độ sau đại học chuyên ngành đào tạo khác phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm và đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về chức danh Chánh Thanh tra.

d) Chánh Văn phòng Sở: Có trình độ đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm (ưu tiên khối ngành sức khỏe).

đ) Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính: Có trình độ Thạc sĩ hoặc Chuyên khoa cấp I trở lên đối với bác sĩ, dược sĩ hoặc trình độ đại học trở lên chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán.

e) Chi cục Trưởng: Có trình độ Thạc sĩ hoặc chuyên khoa cấp I trở lên đối với bác sĩ hoặc trình độ sau đại học các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

g) Giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Có trình độ Thạc sĩ hoặc chuyên khoa cấp I trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

h) Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế: Có trình độ Thạc sĩ hoặc Chuyên khoa cấp I trở lên với chuyên ngành phù hợp lĩnh vực, công việc đảm nhiệm. Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

3. Người được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế phải đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng hoặc tương đương thuộc Sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ từ đủ 02 năm trở lên. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 05 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Đối với chức danh Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế phải có ít nhất 05 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp.

4. Tiêu chuẩn khác

a) Tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra lĩnh vực phụ trách, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo thẩm quyền.

b) Được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian 03 năm liền kề gần nhất tính đến thời điểm được xem xét bổ nhiệm.

c) Giữ ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với vị trí việc làm theo quy định hiện hành.

d) Có đầy đủ hồ sơ cá nhân, lý lịch được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh theo quy định, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

đ) Trường hợp tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị khác đến công tác và bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định này.

Điều 5. Tiêu chuẩn chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế

1. Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế là cấp phó của Trưởng phòng, giúp Trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Trưởng phòng giao; chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 Quyết định này và đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể sau:

a) Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Dược: Có trình độ đại học trở lên đối với bác sĩ, dược sĩ phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

b) Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ: Có trình độ đại học trở lên, có ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

c) Phó Chánh Thanh tra Sở: Có trình độ đại học chuyên ngành y, dược hoặc chuyên ngành đào tạo khác phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật về chức danh Phó Chánh Thanh tra.

d) Phó Chánh Văn phòng Sở: Có trình độ đại học trở lên, có ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

đ) Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính: Có trình độ đại học trở lên chuyên ngành y, dược hoặc chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán.

e) Phó Chi cục Trưởng: Có trình độ đại học chuyên ngành y trở lên hoặc các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

g) Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc:

Đối với đơn vị khám bệnh, chữa bệnh: Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn phải có trình độ Thạc sĩ hoặc chuyên khoa cấp I trở lên, có ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm. Phó Giám đốc phụ trách kinh tế phải có trình độ đại học trở lên thuộc nhóm ngành kinh tế, tài chính, kế toán - kiểm toán; tốt nghiệp đại học khác phải có chứng chỉ quản lý kinh tế - tài chính (thời gian học từ 06 tháng trở lên).

Đối với đơn vị sự nghiệp khác: Có trình độ Thạc sĩ hoặc Chuyên khoa cấp I trở lên, có ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

h) Phó Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Y tế: Có trình độ Thạc sĩ hoặc chuyên khoa cấp I trở lên với chuyên ngành phù hợp lĩnh vực, công việc đảm nhiệm. Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

3. Người được bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế phải đang giữ chức vụ Trưởng phòng hoặc tương đương tại các đơn vị trực thuộc Sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ từ đủ 02 năm trở lên. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

4. Tiêu chuẩn khác

a) Tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra lĩnh vực phụ trách, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo thẩm quyền.

b) Được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian 02 năm liền kề gần nhất tính đến thời điểm được xem xét bổ nhiệm.

c) Giữ ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với vị trí việc làm theo quy định hiện hành.

d) Có đầy đủ hồ sơ cá nhân, lý lịch được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh theo quy định, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

đ) Trường hợp tiếp nhận công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị khác đến công tác và bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định này.

Điều 6. Tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện

1. Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện là người đứng đầu phòng, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trên địa bàn và thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao; chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 Quyết định này và đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể sau:

a) Có trình độ đại học chuyên ngành y, dược trở lên hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

b) Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của UBND cấp huyện và Sở Y tế; tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra lĩnh vực phụ trách, xử lý theo quy định của pháp luật trên địa bàn; đề xuất hoặc trực tiếp giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo thẩm quyền.

c) Người được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện phải đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 05 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

Điều 7. Tiêu chuẩn chức danh Phó Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện

1. Phó Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện là cấp phó của Trưởng phòng, giúp Trưởng phòng thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 Quyết định này và đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể sau:

a) Có trình độ đại học chuyên ngành y, dược trở lên hoặc chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

b) Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; triển khai thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của UBND cấp huyện và Sở Y tế; tham mưu, triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật trên địa bàn; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền.

c) Có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

Điều 8. Tiêu chuẩn bổ nhiệm lại

Bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 Quyết định này và các tiêu chuẩn cụ thể sau:

1. Đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm bổ nhiệm lại.

2. Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế căn cứ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ; thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế theo phân cấp quản lý và quy định tại Quyết định này.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ; thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Y tế theo phân cấp quản lý và quy định tại Quyết định này.

3. Sở Y tế, Sở Nội vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này.

4. Sở Y tế ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng và tương đương, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở; Trưởng phòng và tương đương, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở đảm bảo theo quy định hiện hành và phân cấp quản lý của tỉnh.

5. Trong quá trình thực hiện Quyết định này nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 11 năm 2024.

2. Trường hợp công chức, viên chức đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trước khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, nếu chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định này thì Sở Y tế hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cử công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định; thời hạn hoàn thiện đầy đủ tiêu chuẩn là 02 năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành. Trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng hoàn thiện tiêu chuẩn theo quy định, nếu đến thời hạn bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ thì vẫn được xem xét bổ nhiệm lại đảm bảo theo quy định; trường hợp sau 02 năm mà chưa hoàn thiện đầy đủ tiêu chuẩn thì miễn nhiệm hoặc không được bổ nhiệm lại.

3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 10;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (BTP);
- Vụ Pháp chế (BNV, BYT);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Điện Biên Phủ;
- Trung tâm TT-HN-NK tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Thành Đô

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 38/2024/QĐ-UBND ngày 22/10/2024 quy định tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Y tế; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


228

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.90.236
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!